Ảo Mộng Nhân Sinh

Chương 15: HỢP TÁC VỚI TIẾN SĨ THIÊN TÀI AGASA



Chương 15: HỢP TÁC VỚI TIẾN SĨ THIÊN TÀI AGASA

Nghe nói Mitchell Bard từng phục vụ ở đội biệt kích, vì liên quan đến việc giết hại dân thường nên mới bị cho xuất ngũ. Narumi khẽ cau mày. Vấn đề giết hại dân thường ? Lính Mỹ thường gặp chuyện này ở các chiến trường ngoài nước. Mitchell Bard hiểu ý, liền vội giải thích :

- Đó là lệnh từ cấp trên. Ờ đó dân thường ai cũng có súng đạn. Bọn họ mặc quân phục vào là quân địch, còn khi cởi bỏ quân phục thì trở thành dân thường, rất khó phân biệt quân địch với dân thường. Cấp trên ra lệnh hễ gặp kẻ khả nghi thì được phép nổ súng.

Narumi khẽ gật đầu. Lệnh từ thượng cấp, nhưng khi có chuyện thì cấp dưới phải gánh chịu. Đối với những người lính trên chiến trường, tinh thần rất căng thẳng, gặp ai cũng thấy khả nghi cả, đặc biệt là với những dân thường mà có súng. Bọn họ chỉ khác với quân nhân ở chỗ không mặc quân phục mà thôi. Ngẫm nghĩ một lúc, cậu hỏi :

- Ta cần tuyển bảo vệ. Cậu đến làm việc cho ta nhé.

Gã là thành viên của đội biệt kích, đã từng tham chiến ở chiến trường Iraq, kinh nghiệm chiến đấu chắc chắn không tệ. Cậu lại cần người bảo vệ mình trước các mối nguy hiểm. Nghe cậu nói vậy, gã mừng rỡ hỏi :

- Vâng ạ. Nhưng làm vệ sĩ riêng cho Ngài hay là bảo vệ công ty ạ ?

Narumi mỉm cười bảo :

- Có ba loại : vệ sĩ cho riêng ta, bảo vệ công ty và cảnh vệ của thị trấn.

- Cảnh vệ của thị trấn ạ ?

- A a ! Không phải thị trấn Parker mà là thị trấn La Paz. Đó là lãnh địa tư nhân của ta, tổng cộng 1.000 km2, chỉ sau khoảng tháng rưỡi nữa là sẽ hoàn công giai đoạn 1. Ta cần tuyển cảnh vệ để bảo vệ thị trấn.

Việc giữ gìn trật tự trị an thuộc về cảnh sát, nhưng thị trấn La Paz là lãnh địa tư nhân, Narumi phải tự thuê người bảo vệ, không thể gọi là cảnh sát tư nhân, lại phụ trách công tác của cả cảnh sát và vệ binh, nên được gọi là cảnh vệ. Mitchell Bard lại thắc mắc về vấn đề khác :

- Mới tháng trước nơi đó còn là vùng đất hoang mà. Ngài thuê công ty xây dựng nào mà thi công nhanh thế, có đảm bảo an toàn không ạ ?

Narumi khẽ cười nói :

- Máy móc hoạt động suốt ngày đêm, công nhân chia làm ba ca luân phiên làm việc. Ta thuê rất nhiều người Hoa ở Los Angeles đến làm công nhân. Bọn họ không ngại làm đêm, lại không đòi hỏi nhiều về lương bổng. Công trình bắt buộc phải chờ đủ 45 ngày cho khô bê tông, nếu không sẽ còn nhanh hơn nữa.

Yên lặng giây lát, Mitchell Bard lại ngập ngừng hỏi :

- Tôi còn có một số chiến hữu cũng thất nghiệp như tôi. Ngài có thể nhận bọn họ không vậy ạ ?

Narumi trầm ngâm giây lát, rồi hỏi :

- Nhiều người không ?

- Khoảng 30 người ạ ? Tôi cũng không biết có ai trong số họ đã tìm được việc làm hay chưa ?

- Ân ! Hiện tại ta cần hai người làm bảo vệ cho ta, hai người làm bảo vệ công ty. Số còn lại phải tạm phụ trách bảo vệ công trường vậy.

- Dạ dạ ... Cám ơn Ngài ... Được như thế đã tốt lắm rồi ạ !

Sau khi căn dặn gã ta yên tâm nghỉ ngơi dưỡng sức. Narumi quay về nhà, cũng là nơi làm việc. Cậu không trực tiếp làm việc gì, nhưng vẫn phải nghe báo cáo để nắm rõ tiến độ công việc. Ở đó đã có hai người chờ sẵn. Đó là Megumi Ishizuka và Ashlee Vance, hai thủ hạ đắc lực nhất của cậu, được phái đi làm những công việc quan trọng nhất.

Đây là nơi ở tạm, mọi thứ đều đơn giản. Narumi đích thân pha trà. Sau một tuần trà, cậu mới hỏi :

- Vance. Công việc thế nào rồi ?

Ashlee Vance là người Mỹ, phụ trách các nghiệp vụ ở Mỹ, hiện đang là CEO của Công ty Giải trí Mars (Mars Entertainment Company). Ashlee Vance nói :

- Chủ tịch. Tôi đã liên hệ được với sáu đầu mối chính. Họ sẵn sàng cung cấp linh kiện dư thừa cho chúng ta. Các máy tính mà chúng ta tự lắp ráp sẽ có giá thành sản xuất là 525 USD. Còn nếu chúng ta mua linh kiện giá rẻ từ nơi sản xuất ở Hàn Quốc và Đài Loan thì giá thành sản xuất chỉ vào khoảng 470 USD mỗi chiếc, nhưng phải đặt hàng với số lượng lớn thì bọn họ mới nhận.

Megumi Ishizuka lắc đầu nói :

- Vậy mà bên ngoài họ bán đến hơn 1.000 USD mỗi máy.

Ashlee Vance nói :

- Giá đó là đã qua nhiều khâu phân phối rồi. Họ phải có lợi nhuận nữa chứ. Giá thành sản xuất là 525 USD thì giá xuất xưởng phải đến 700 USD. Nhà phân phối bán 850 USD và nhà bán lẻ sẽ bán trên 1.000 USD.

Narumi nói :

- Vậy thì hãy đặt hàng một triệu chiếc đi.

Cả Megumi Ishizuka và Ashlee Vance đều giật mình kêu lên :

- Một triệu chiếc ?

Narumi mỉm cười nói :

- Một triệu chiếc chưa đến 500 triệu USD kia mà. Ta dự định dành 500.000 chiếc cho Bắc Mỹ; 200.000 chiếc cho châu Âu; 100.000 chiếc cho Nhật Bản; 100.000 chiếc cho Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong; 50.000 chiếc cho Úc và New Zealand; 50.000 chiếc cho các nước Đông Nam Á.

Narumi định mở dịch vụ cho thuê máy tính, nhưng vì có nhiều tiền nên cậu quyết định làm lớn luôn. Mỗi cửa tiệm trung bình 100 máy thì cả Bắc Mỹ chỉ mở 5.000 tiệm, không thành vấn đề. Chỉ riêng bang California đã có 58 hạt với 482 thành phố rồi.

Ashlee Vance thầm tính toán, rồi nói :

- Được ạ. Chúng ta cho thuê máy tính theo giờ, mỗi giờ 1 USD thì chỉ khoảng hai tháng là đã lấy đủ vốn. Chúng ta có thể lên kế hoạch đặt hàng trong một năm thì số vốn ban đầu chỉ khoảng 100 triệu USD mà thôi.

Narumi lắc đầu nói :

- Ta giao cho anh 300 triệu USD, thời gian sáu tháng. Ta hy vọng sáu tháng sau ta sẽ có một triệu máy tính ở ít nhất 20 quốc gia.

Ashlee Vance nói :

- Vâng. Chủ tịch yên tâm. Không thành vấn đề.

Narumi lại quay sang Megumi Ishizuka hỏi :

- Ishizuka. Công việc ổn chứ ?

Megumi Ishizuka là người Nhật, phụ trách các nghiệp vụ ở châu Á, hiện đang là CEO của Công ty Thực Phẩm Pelew. Megumi Ishizuka cung kính nói :

- Chủ tịch. Công việc ở Nhật thì ổn cả, chúng ta đã mua được hòn đảo mà Chủ tịch cần. Đó chỉ là một hoang đảo nho nhỏ nên chẳng có vấn đề gì. Riêng kế hoạch của chúng ta ở Palau có chút cản trở. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Palau trở thành lãnh thổ ủy thác của Mỹ. Năm 1979, Palau bỏ phiếu chống lại việc gia nhập Liên bang Micronesia và chuẩn bị cho việc tuyên bố độc lập. Từ đó đến nay, Palau rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài bởi sự chia rẽ trong nước về chủ đề quan hệ với Mỹ. Các bang miền bắc thân thiện với Mỹ hoặc trung lập. Chỉ riêng Koror tỏ ra thù địch với Mỹ. Mà Koror lại là trung tâm kinh tế và chiếm đến 68% dân số cả nước. Vì thế mới xảy ra bất ổn. Những năm sau đó, tình trạng bất ổn ngày càng nghiêm trọng và đã leo thang thành bạo lực cực đoan, dẫn đến nhiều vụ đánh bom nhà của các chính trị gia, đáng chú ý là cái chết của hai tổng thống Haruo Remeliik năm 1985 và Lazarus Salii năm 1988. Sau đó, Tiểu vương Ibedul của Koror đã đứng ra quản lý đất nước và thành lập một nhà nước quân chủ tuyệt đối. Tình hình đang rất căng thẳng.

Nguyên bản Narumi định đầu tư vào Việt Nam theo kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên hiện tại cậu là người Mỹ. Mà Việt Nam đang bị Mỹ cấm vận. Do vậy cậu định thông qua Palau để đầu tư vào Việt Nam. Cậu phái Megumi Ishizuka đến đó liên kết với các tộc trưởng địa phương, bỏ vốn ra tổ chức các đội tàu đánh cá và nhà máy chế biến hải sản trên đảo Babeldaob, phân chia lợi nhuận với bọn họ. Chỉ có điều, tình hình không như cậu nghĩ. Trầm ngâm giây lát, cậu mới hỏi :

- Các anh có đề nghị gì không ?

Ashlee Vance nói :

- Phải chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở đó. Phải trừng trị đám người kích động bạo lực ở Koror. Chỉ cần tổ chức một đội quân nhỏ khoảng 100 người đến đó, tình hình sẽ ổn thỏa cả thôi.

Y là người Mỹ nên đương nhiên không ưa những ai thù địch nước Mỹ. Megumi Ishizuka ánh mắt sáng rực, hăng hái đề nghị :

- Chủ tịch. Tôi có kế hoạch này ...

Nghe xong, cả Ashlee Vance cũng hào hứng tán đồng và đóng góp ý kiến bổ sung. Sau đó cả hai lại thuyết phục Narumi đồng ý kế hoạch đó, một kế hoạch bình thường đối với người Nhật, trong khi một người Mỹ ít khi tưởng đến.

...

Tokyo-to, Beika-shi, Beika-cho, 2-chome, 21-banchi (1).

Beika-shi (2) (Mễ Hoa thị) nằm ở phía tây khu trung tâm của thủ đô Tokyo, gồm có hai bộ phận là Beika-cho (Mễ Hoa đinh) và Haido-cho (Bôi Hộ đinh). Các nhân vật chính của chúng ta như Shinichi (Conan) và tiến sĩ Agasa đều sống ở 2-chome (2 đinh mục), còn Ran và thám tử Mori thì sống ở 5-chome, Beika-cho. Riêng dãy phố 21 là nơi tọa lạc của ngôi biệt thự gia đình Shinichi. Còn nhà của Ran là thuộc dãy phố 39.

Hôm nay, Narumi đến đấy, nhưng cậu chỉ đi ngang qua biệt thự của Shinichi, và đến ngôi biệt thự ở ngay bên cạnh – nhà của tiến sĩ Agasa, một người bạn của gia đình Shinichi. Đó là một ông già vui tính, tài giỏi nhưng đôi khi khá hậu đậu, có nhiều phát minh tuyệt vời nhưng cũng có không ít sáng chế kỳ quái khó hiểu. Chỉ có điều, phải công nhận ông tiến sĩ là một khoa học gia thiên tài, năng lực xuất chúng. Narumi hy vọng có thể mời ông ấy hợp tác cho mục tiêu ‘vĩ đại’ của cậu.

Reeng reeng reeng ...

Cậu bấm chuông, rồi chờ đợi giây lát. Sau đó, có tiếng của tiến sĩ Agasa từ bên trong vọng ra :

- Ai đó ? Chờ chút đi ... Tôi ra liền.

Tiến sĩ Agasa chạy ra mở cửa, phát hiện một vị thanh niên tuấn tú quý phái đang đứng trước cổng, tay bao tay bị, phía sau còn có hai vệ sĩ đeo kính đen, mặc veston chỉnh tề ngay ngắn. Đặc biệt, cả hai đều mang súng ngắn, xem có vẻ đặc biệt nguy hiểm.

- Tiến sĩ Agasa. Xin chào.

- Cậu là ...

- Narumi. Fujiwara no Narumi. Ta nghe nói Tiến sĩ có nhiều phát minh vĩ đại, nên đến thăm để mở rộng tầm mắt.

- A a ... Cậu không cần khách khí như thế. Chỉ là mấy phát minh nhỏ, không đến mức vĩ đại gì đâu ... Có điều cậu muốn nói như thế thì ta cũng không thể phản đối, a ha ha ...

Narumi khẽ mỉm cười, “Ông già thật đan thuần”. Đối với ông tiến sĩ mà nói, chỉ cần làm ông ấy vui vẻ, có hảo cảm thì muốn gì cũng được.

Narumi cảm thấy Tiến sĩ Agasa ‘thật đan thuần’. Đối với ông Tiến sĩ mà nói, chỉ cần làm ông ấy vui vẻ, có hảo cảm thì muốn gì cũng được. Ông ấy đặc biệt dễ dãi với những người thân cận, mặc dù đối với người lạ, ông ấy thường bị xem là một người quái dị. Narumi khẽ mỉm cười, nói :

- Ta đến không báo trước, không làm phiền Tiến sĩ là tốt rồi.

- Có gì phiền đâu. Vào đi. Vào trong rồi nói chuyện.

Narumi theo chân Tiến sĩ Agasa vào bên trong biệt thự. Cậu đặt những túi quà lên bàn, rồi ngồi vào salon. Hai vệ sĩ lặng lẽ đứng phía sau cậu. Tiến sĩ Agasa nhìn bọn họ một lượt, rồi cười hề hề nói :

- Cậu đến chơi được rồi. Mua quà cáp làm gì cho phiền phức.

Narumi mỉm cười nói :

- Chỉ là chút đặc sản địa phương mà thôi.

Tiến sĩ Agasa hiếu kỳ mở ra xem. Trong đó có táo Mỹ, thịt rừng hun khói, một số loại thực phẩm đông lạnh và vài chai rượu, trên nhãn toàn tiếng Anh. Tiến sĩ cau mày hỏi :

- Toàn là đồ Mỹ không thôi ?

Narumi khẽ mỉm cười bảo :

- Ta có một lãnh địa nhỏ bên bờ sông Colorado, bên kia sông là vùng đô thị Los Angeles. Đấy là đặc sản địa phương. Ta nghĩ đa số người Nhật chưa từng thấy nó, nên khi đến đây mới mang theo một ít làm quà.

Những thứ này đều là hàng hóa bản địa ở La Paz, đúng là đặc sản địa phương, chỉ được tiêu thụ ở bản địa và vùng phụ cận, ngay cả tại Mỹ cũng không phổ biến, đương nhiên hiếm thấy ở Nhật. Hàng không đáng giá gì mấy, nhưng mà ... thứ càng hiếm thì càng có giá trị. Chỉ có điều, Tiến sĩ Agasa cũng không phải là người xem trọng hưởng thụ vật chất (dù vẫn xem trọng tiền bạc, bởi vì có tiền bạc mới có kinh phí nghiên cứu khoa học). Ông Tiến sĩ không thắc mắc gì nữa, chỉ nói :

- Cậu mua quà làm chi cho phiền phức !

Narumi cười nói :

- Ta có việc muốn nhờ Tiến sĩ, đương nhiên phải mua quà lấy lòng Tiến sĩ rồi.

Cậu thẳng thắn nói như thế, càng khiến ông Tiến sĩ thấy cậu thêm thân cận. Những khoa học gia như ông ấy ghét nhất là nói chuyện vòng vo dài dòng. Ông Tiến sĩ đưa cho cậu tách cà phê, rồi hỏi :

- Cậu cần ta giúp gì ư ? Ta thấy cậu rất vừa mắt. Không thành vấn đề.

“Ông già thật dễ tính a !” Narumi cũng không định lợi dụng Tiến sĩ Agasa, nên đề nghị :

- Ta sẽ cung cấp 1 tỷ yên để hỗ trợ việc nghiên cứu của Tiến sĩ, chỉ cần khi có thời gian Tiến sĩ giúp ta nghiên cứu vài thứ là được.

Tiến sĩ Agasa lập tức bị hấp dẫn. Sở thích duy nhất của ông ấy là nghiên cứu kia mà, thậm chí vì dành hết thời gian cho việc nghiên cứu mà đến tuổi này vẫn còn sống độc thân. Ông ấy không chỉ là khoa học gia thiên tài mà còn làm việc rất có hiệu suất. Narumi đặc biệt đánh giá cao điểm này.

- Cậu muốn nghiên cứu thứ gì ?