Ảo Mộng Nhân Sinh

Chương 31: ĐẦU TƯ MẠNH MẼ VÀO VIỆT NAM



Chương 31 : ĐẦU TƯ MẠNH MẼ VÀO VIỆT NAM

Lại nói, các thành viên của đoàn khách đến từ bên kia đại dương rất tôn kính Narumi. Hàn huyên một lúc, vị trưởng đoàn mới nói :

- Bệ hạ. Sau mấy chuyến khảo sát, chúng tôi học được rất nhiều điều hữu ích. Cám ơn Bệ hạ đã tài trợ cho chuyến đi. Bệ hạ có lời khuyên nào dành cho chúng tôi không ạ ?

Vị trưởng đoàn nói bằng tiếng Việt, bởi Narumi rất thông thạo tiếng Việt. Thái độ những người còn lại cũng rất nghiêm túc, xem ra tất cả đều coi trọng ý kiến của cậu. Xét cho cùng cũng không có gì lạ, bởi trong mắt mọi người thì cậu là một doanh nhân thiên tài. Trầm ngâm giây lát, cậu mới bảo :

- Bất kể quan điểm, chế độ thế nào, hễ điều gì hay thì nên học. Nhưng cũng không nên áp dụng cứng nhắc, mà phải phù hợp tình hình địa phương. Nền kinh tế bao cấp đã tiêu diệt dần sự sáng tạo, vốn là yếu tố quan trọng của một nền kinh tế thịnh vượng. Việt Nam muốn phát triển kinh tế thì cần phải chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Chỉ có điều, với tình hình hiện tại ở Việt Nam, hoàn toàn tự do như thế giới phương tây sẽ không ổn. Có thể phát triển kiểu “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính quyền định ra một giới hạn thích hợp, rồi trong phạm vi giới hạn đó, mọi người có thể phát huy sự sáng tạo, phát huy năng lực của mình. Nói đơn giản là : thay vì trước đây mọi người chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, thì nay đổi lại là mọi người được làm những gì mà pháp luật không cấm. Đương nhiên, sáng tạo thì có hay có dở. Vì vậy có thể biến Long An thành một đặc khu kinh tế, phát triển thử nghiệm, kiểu như Thâm Quyến ở Trung Hoa. Trong quá trình phát triển kinh tế, những điều hay thì phổ biến ra cả nước, những điều chưa tốt xem như là bài học kinh nghiệm. Nói theo kiểu của Đặng Tiểu Bình, dò đường qua sông, có thể trượt chân, có thể ướt áo, miễn sao qua được bờ bên kia mà không chết đuối là tốt rồi.

- Bệ hạ. Ở trong nước chúng tôi cũng từng thành lập đặc khu ở Vũng Tàu từ năm 1979, nhưng hiệu quả không cao nên đã giải thể hồi tháng 8 năm ngoái.

- Ân ! Thâm Quyến thành công là nhờ có Hong Kong ở bên cạnh, trở thành cầu nối giữa Hong Kong và Trung Hoa Đại lục. Việt Nam thiếu một nơi như Hong Kong làm cửa ngõ thông ra thế giới phương tây.

- Dạ phải ạ. Nhưng giờ đây mọi người đều cho rằng Palau có thể trở thành Hong Kong của Việt Nam.

- Ân ! Ta thấy ‘chính sách kinh tế mới’ của Lenin và ‘cơ chế chính quyền đô thị’ của Hồ Chí Minh rất hay, có thể học hỏi, cải tiến cho phù hợp với tình hình hiện tại.

- A !

Cả năm người đều ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau. Nhắc đến Liên Xô, mọi người sẽ nghĩ ngay đến nền kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp, ít ai biết đến ‘chính sách kinh tế mới’ của Lenin. Còn ‘cơ chế chính quyền đô thị’ của Hồ Chí Minh ... Nói sao bây giờ ! Có vẻ không được phổ biến rộng rãi lắm, cũng rất ít người biết. Giây lâu, vị trưởng đoàn đành nói :

- Cám ơn Bệ hạ đã nhắc nhở.

Narumi mỉm cười bảo :

- Ta sẽ phái đại diện đến Long An thương lượng hợp tác. Tạm thời dự chi 100 triệu USD, nếu điều kiện thích hợp sẽ đầu tư toàn bộ vào Long An.

Cả đoàn mừng rỡ, rối rít nói :

- Cám ơn Bệ hạ. Cám ơn Bệ hạ.

Số tiền 100 triệu USD đối với Việt Nam lúc này không phải là con số nhỏ, còn đối với Long An thì đó là một con số rất lớn, thậm chí lớn hơn GDP cả năm của toàn tỉnh. Đặc biệt, nếu việc đầu tư được tối ưu hóa, thậm chí có thể giải quyết được việc làm cho cả triệu lao động. Đương nhiên, tư bản gia chú trọng lợi ích hơn, nhưng ít nhất cũng có thể tạo ra hàng trăm nghìn việc làm. Đó là điều quan trọng nhất trong lúc này. Người dân có việc làm ổn định, có thu nhập ổn định thì xã hội cũng sẽ được ổn định hơn. Liên Xô mới sụp đổ hồi năm ngoái, các nước xã hội chủ nghĩa vào lúc này cần nhất là ổn định.

Khi chỉ còn lại người của mình, Narumi quay sang bảo với Ashlee Vance :

- Nhắc đến Vũng Tàu, ta chợt nhớ đến Vietsovpetro. Nghe nói tình hình nước Nga hiện giờ rất khó khăn. Tìm cơ hội mua lại cổ phần của Nga trong Liên doanh đó cho ta.

Việc ở châu Á lẽ ra giao cho Megumi Ishizuk phụ trách, nhưng việc này còn liên quan đến nước Nga. Đó là một quốc gia đặc biệt, mặc dù đã suy yếu, nền kinh tế đang hồi kiệt quệ, nhưng lòng tự tôn của họ rất cao, chỉ sợ người Mỹ chứ không xem người Nhật vào đâu, giao cho Ashlee Vance là thích hợp nhất. Cậu muốn tăng cường sự hợp tác với phía Việt Nam, và không hy vọng nước Nga xen vào phá đám. Hơn nữa, Vietsovpetro là một tài sản tốt, lợi nhuận không cao (hiện giờ), nhưng khá ổn định và nhiều triển vọng.

Giây lát, John Nicholas Calley lại dẫn một người khác đến. Đó là một người đàn ông trung niên với nụ cười ôn hòa, dáng vẻ trí thức. John Nicholas Calley nói :

- Chủ tịch. Vị này là Steven Spielberg, đạo diễn danh tiếng của Hollywood.

- Ngài Fujiwara. Tôi rất hân hạnh được gặp Ngài hôm nay.

Ông Spielberg chào hỏi rất lịch sự. Ông Spielberg cũng không gọi lầm họ của Narumi. Tên họ đầy đủ của cậu là Fujiwara no Narumi, và đã có không ít người tưởng lầm cậu mang họ Narumi. Kiểu như Charles de Gaulle có họ là Gaulle, Otto von Bismarck có họ là Bismarck (trong tên họ quý tộc có các phụ từ nối giữa tên và họ, như ‘de’ trong tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; ‘di’ trong tiếng Ý; ‘von’ trong tiếng Đức; ‘van’ trong tiếng Hà Lan; ‘of’ trong tiếng Anh; ‘af’ trong tiếng Đan Mạch, ‘no’ trong tiếng Nhật, ...). Cậu bất giác có ít nhiều hảo cảm với ông Spielberg, mỉm cười bảo :

- Đối với kịch bản đó, anh có ý kiến gì bổ sung thêm không ?

Sau những thành công bước đầu với kế hoạch ‘mỗi tuần một bộ phim’, hãng MGM thu được khoản lợi nhuận rất lớn, tiền bạc dồi dào, nên đã lên kế hoạch khởi quay một bộ phim bom tấn. Steven Spielberg được chọn làm đạo diễn. Bộ phim này rất phù hợp với phong cách của ông Spielberg. Trầm ngâm giây lát, ông Spielberg mới nói :

- Khi quay bộ phim này, vấn đề lớn nhất chính là thái độ của Ngài và của người phụ trách sản xuất.

- Anh hãy nói chi tiết hơn.

- Những bộ phim trước đây còn có thể dựa vào đạo cụ và hóa trang. Nhưng hiện tại, muốn lôi cuốn được khán giả, cần phải dựa vào hiệu ứng máy tính, tạo ra những cảnh quay hoành tráng. Mà muốn được như thế thì chi phí sản xuất sẽ tương đối cao. Đương nhiên, nếu không gặp phải vấn đề gì ngoài ý muốn, bộ phim này có thể trở thành cột mốc quan trọng của lịch sử điện ảnh.

Nghĩ đến chuyện này, ánh mắt ông Spielberg bất giác sáng bừng lên. Ai lại không muốn được ghi tên mình vào lịch sử. Narumi mỉm cười hỏi :

- Dự toán của anh là bao nhiêu ?

- Ít nhất là 50 triệu USD. Nếu được 60 triệu thì càng tốt.

- Tiền bạc không thành vấn đề. Nhưng kỹ thuật hiện tại có đáp ứng được không ?

- Tôi đã hỏi George Lucas. Anh ta bảo có thể đáp ứng được. Vấn đề hiệu ứng có thể giao cho Industrial Light & Magic.

- Vấn đề chuyên nghiệp giao cho những người chuyên nghiệp. Ta không có ý kiến gì. Còn vấn đề nào nữa không ?

- Ưm ... không ! Tiền bạc OK thì mọi thứ khác cũng đều OK.

Narumi chợt nhìn ông Spielberg một lượt, khẽ lắc đầu, bảo :

- Dường như anh đang có tâm sự gì ? Tâm tình thoải mái thì công việc mới tốt được. Dù có khó khăn gì, công sự hay tư sự, cứ nói thẳng ra. Biết đâu ta có thể giúp được.

Ông Spielberg ngần ngừ một lúc, mới nói :

- Tôi rất muốn quay một bộ phim về nạn diệt chủng người Do Thái, kịch bản đã có, chuẩn bị mấy năm nay rồi, nhưng vì thiếu kinh phí nên cứ phải hoãn lại mãi.

Hóa ra là thế ! Đối với Narumi mà nói, vấn đề gì mà tiền bạc có thể giải quyết được thì không còn là vấn đề nữa. Cậu mỉm cười hỏi :

- Dự toán bao nhiêu ?

- Ước khoảng 20 triệu USD.

Một số tiền nhỏ thôi. Narumi thoáng trầm ngâm, rồi bảo :

- Sau khi quay xong bộ phim này, anh có thể triển khai, thiếu bao nhiêu ta sẽ đầu tư. Ân ! Dùng tiền riêng của ta để đầu tư, xem như ủng hộ cho lý tưởng của anh.

- Vâng ! Cám ơn Ngài rất nhiều !

Ông Spielberg hài lòng ra về, và Narumi cũng rất hài lòng. Mặc dù đề cập đến vấn đề khá nhạy cảm, nhưng nhờ tài năng của ông Spielberg, bộ phim ‘Schindler’s List’ (Bản danh sách của Schindler) sẽ rất thành công, đầu tư vào đó, vừa có danh vừa có lợi. Còn việc trở thành kẻ thù của chủ nghĩa phát xít, với thân phận địa vị hiện tại của Narumi, cậu việc gì phải sợ các băng nhóm đầu trọc mới nổi ở châu Âu. Trầm ngâm giây lát, cậu quay sang bảo John Nicholas Calley :

- Ở Palau có đến mấy trăm hòn đảo. Chọn một hòn đảo thích hợp để dựng phim trường. Không ngại vấn đề xây dựng. Có làm hoành tráng cũng không sao. Chỉ cần bộ phim gây được tiếng vang, ta sẽ biến nơi đó thành công viên chủ đề, kiểu như Disneyland vậy.

Cậu đã trở thành quốc vương của Palau, nên cũng muốn tạo cơ hội tăng nguồn thu quốc gia. Chỉ cần kinh tế phát triển, cuộc sống nhân dân sung túc ổn định thì ngôi vua của cậu mới vững bền. Mà việc phát triển kinh tế của một quốc gia nhỏ có chưa đến sáu nghìn dân thực sự cũng không có gì khó khăn.

Nhắc đến Palau, Ashlee Vance chợt nhớ đến một chuyện, hỏi :

- Chủ tịch. Sau khi độc lập, Palau có lẽ cần tổ chức Hải quân để tuần tra lĩnh hải.

Palau dù nhỏ, nhưng vẫn là một quốc gia, vẫn đủ danh nghĩa để tổ chức đủ các loại binh chủng : hải, lục, không, tên lửa chiến lược, ... Quân đội Palau cũng tức là quân đội tư nhân của Narumi, nên cậu cũng không tiếc tiền vũ trang nó. Các loại vũ khí chiến lược, tư nhân không được phép sở hữu, nhưng quân đội chính quy của một quốc gia đồng minh của Mỹ thì không bị hạn chế gì. Narumi gật đầu bảo :

- Phải lắm. Anh có đề nghị gì ?

- Chủ tịch. Liên Xô đã tan rã. Chiến tranh lạnh đã kết thúc. Chính phủ Mỹ lại đang gặp khó khăn về ngân sách nên có kế hoạch giảm bớt ngân sách quốc phòng, giảm quân số, sắp tới một số trang bị khí tài trong quân đội Mỹ lần lượt được cho ngừng phục dịch. Hải quân Mỹ có bốn chiếc khu trục hạm thuộc lớp Kidd sắp ngừng hoạt động, đang tìm người mua. Nghe nói giá chào bán vào khoảng 30 triệu USD mỗi chiếc.

- Hiện trạng thế nào ?

- Dạ. Cả bốn chiếc đều được đóng tại nhà máy đóng tàu Litton thuộc Ingalls Shipbuilding, ở Pascagoula, bang Mississippi vào năm 1978, theo đơn đặt hàng của Hải quân Iran. Nhưng khi Pahlavih bị lật đổ, chế độ hiện tại lên nắm quyền, theo đuổi chính sách thù địch với Mỹ thì hợp đồng đã bị chấm dứt. Cả bốn chiếc đều được hoàn thành vào năm 1981 và được cho phục dịch trong biên chế Hải quân Mỹ, với các tên gọi : USS Kidd, USS Callaghan, USS Scott, USS Chandler. Từ năm 1988 đến năm 1990, Hải quân Mỹ đã tiến hành hiện đại hóa các tàu nói trên, tích hợp thêm một số thiết bị công nghệ mới từ tuần dương hạm lớp Ticonderoga. Hiện tại, do ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, cùng với sự ra đời của thế hệ khu trục hạm lớp Arleigh Burke, Hải quân Mỹ đang chuẩn bị cho bốn chiếc trên ngừng hoạt động. Họ đang cho tân trang lại chúng, thay thế hệ thống điện tử, rồi sẽ mang ra chào bán.

Nhắc đến đây, Narumi đã nhớ đến chúng. Đó chính là những khu trục hạm chủ lực mang tên lửa hành trình của Hải quân Đài Loan. Số phận của chúng khá là khúc chiết. Chúng được đóng cho Hải quân Iran, nhưng vì lý do chính trị, không thể giao cho phía Iran, cuối cùng giao lại cho Hải quân Mỹ. Sử dụng được 10 năm thì Liên Xô tan rã, ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, Hải quân Mỹ đã tân trang lại chúng rồi mang ra chào bán. Ban đầu định bán cho Hải quân Úc với giá ưu đãi 30 triệu USD mỗi chiếc vào năm 1997, nhưng rồi hợp đồng bị phía Úc từ chối, sau khi xảy ra một số vấn đề trong việc Hải quân Úc mua lại hai tàu đổ bộ lớp Newport từ Hải quân Mỹ năm 1994. Đến năm 1998, phía Mỹ thông báo Hy Lạp đề nghị mua lại, nhưng rồi hợp đồng cũng bị hủy do Quốc hội Hy Lạp không thông qua vì khó khăn kinh tế. Đến năm 2001, chúng đã được bán lại cho Đài Loan với giá ‘đặc biệt ưu đãi’ : 732 triệu USD cho cả bốn chiếc, bao gồm cả nâng cấp, sửa chữa, huấn luyện thủy thủ đoàn.

Suy nghĩ một lúc, Narumi nói :

- Cũng được. Thương lượng với bọn họ thử xem, giá trọn gói 100 triệu USD. Ta có thể để chúng tạm thời phục dịch trong biên chế Hải quân Mỹ, chỉ khi nào cần đến mới triệu hồi.

Đại khái là vậy. Nếu mua được thì tốt, mà không mua được cũng chẳng sao. Chi phí duy trì lực lượng Hải quân rất tốn kém. Đang nói chuyện, Narumi chợt nghe như có ai đó nhắc đến mình, liền quay nhìn. Và cậu rất bất ngờ.

Narumi nhìn thấy gì ?