Báo Phong Niên

Chương 4



Cuối cùng chúng ta vẫn phải đón nhận thánh chỉ ra lệnh cho thiếu Tướng quân xuất chinh.

Trước khi đại quân rời đi, lão phu nhân kéo thiếu Tướng quân lại gần bà, nắm tay hắn rất chặt mà không thể nói nên lời. Thiếu Tướng quân lúc nào cũng mạnh mẽ vang dội cũng đỏ hốc mắt, phó tướng thúc giục mãi mới làm hắn buông tay ra được.

Chúng ta đều biết tuổi tác lão phu nhân đã cao, đừng nói đến việc lỡ như cháu trai duy nhất chết trận sa trường thì bà có chịu đựng được hay không, chỉ bàn đến việc lần này thiếu Tướng quân phải đến Mạc Bắc ngàn dặm xa xôi không biết tháng năm nào mới có thể quay về, không chừng lão phu nhân còn chẳng đợi được đến lúc đó.

Thiếu phu nhân đứng bên cạnh đã lệ rơi đầy mặt từ lâu, nàng bám vào khuỷu tay ta cứng rắn chống đỡ không ngã xuống. Cuối cùng thiếu Tướng quân chỉ để lại một câu.

Hắn không hề để ý đến phép tắc xã giao, hắn nhào vào lòng lão phu nhân nói: “Bà ơi, đợi con nhé, đợi con quay về, con sẽ làm đại thọ bảy mươi cho bà...”

Đứng thẳng lưng, đứa cháu trai làm nũng đã trở thành vị Tướng quân không ai ngăn nổi. Một mai hắn bước lên chiến trường thì không thể nhớ nhà được nữa rồi.

Từng dòng người hào hùng bước đi xa, mỗi một bóng lưng đều là thân trúc, bóng tùng. Lúc đầu ta còn có thể nhìn thấy Thụy Tuyết, lát sau tìm lại thì ai cũng là Thụy Tuyết như ai.

Sau khi thiếu Tướng quân xuất chinh, thiếu phu nhân càng tập trung vào việc quản lý nhà cửa. Điền trang xa nhất nằm ở bên ngoài thành, nghĩa trang phủ Tướng quân trên núi trồng đầy cây ngân hạnh. Nàng cũng giống như lão phu nhân, khi thiếu Tướng quân đi đánh giặc thì nói nhiều hơn bình thường.

Nàng hỏi ta có phải người ở phủ Tướng quân thích cây ngân hạnh không mà sao đi đâu cũng thấy. Ta suy nghĩ trả lời: “Thiếu Tướng quân không thích cây cối, ngài ấy thích ngắm hoa.”

Thiếu phu nhân vừa nhìn mạ non cấy trong ruộng, vừa cười nói: “Ta còn tưởng là hắn trồng nhiều cây hoa lăng tiêu ở Tây viện là vì hắn tên là Lăng Tiêu chứ, thì ra là hắn thích ngắm hoa.”

Ta cũng cười theo: “Hoa lăng tiêu là một ví dụ, đúng là vì cùng tên với thiếu Tướng quân nên mới trồng nhiều như vậy.”

Thiếu phu nhân nhảy dựng lên gãi ngứa ta, giả vờ dỗi nói: “Ngươi hư quá, nói gì cũng chỉ nói một nửa để đợi ta làm trò cười cho ngươi đúng không?”

Ta đùa giỡn cùng nàng, ngân hạnh trên núi đã xanh um tươi tốt. Ta và nàng chạy tới giữa sườn núi, ngồi nghỉ tạm trên một tảng đá lớn.

Nàng ngẩng đầu nhìn những chiếc lá trông như cánh quạt nhỏ, lẩm bẩm với ta: “Niên Phong ngươi nói xem, chờ đến khi lá cây chuyển sang màu vàng thì hắn đã về chưa?”

Thiếu tướng quân mới xuất chinh hai tháng mà thôi, nghĩ sao cũng không thể về sớm được. Nhưng ta không muốn ánh sáng rực rỡ trong mắt nàng biến mất nên nói rằng: “Nếu có thể quay về thì tốt, không trở về được thì cũng nên làm cho xong chuyện trước mắt. Hằng năm thu hoạch vụ mùa thu là chuyện quan trọng nhất ở điền trang, bây giờ thân thể lão phu nhân không linh hoạt như xưa, còn phải làm phiền thiếu phu nhân vất vả nhiều thêm.”

Nàng chăm chú nhìn ta rồi cười tẻ ngắt: “Niên Phong, nếu như có một ngày phủ này không còn ai thì ngươi sẽ làm gì?”

Ta chưa từng nghĩ tới chuyện này. Khi còn bé ta luôn nghe theo lời lão phu nhân, chỉ lo làm tròn bổn phận của mình, cũng như chăm sóc mẹ và người thân trong nhà. Mấy năm gần đây thiếu Tướng quân trưởng thành có địa vị rồi thì một vài việc ta sẽ nghe theo hắn.

Ta chưa từng nghĩ nếu có ngày lão phu nhân chầu trời, thiếu tướng quân chết trận sa trường thì ta sẽ về đâu.

Ta thành thật trả lời: “Nô tỳ biết nên lo nghĩ chuyện tương lai, nhưng nô tỳ không nghĩ tới, cũng không dám tưởng tượng.”

Thiếu phu nhân vỗ đầu vai ta, nàng thở dài nói: “Ta hiểu mà, ngươi sợ suy nghĩ sẽ biến thành sự thật. Ngươi không thể nhìn phủ Tướng quân rơi vào kết cục ấy.”

Ta quay đầu nhìn nàng, quan sát nàng thật cẩn thận. Ta hãy còn nhớ rõ bộ dạng tự do phóng khoáng khi nàng sống ở nhà Thái phó, cũng nhớ rõ khí chất hoạt bát khi nàng mới tới phủ Tướng quân. Hết thảy chỉ mới một năm trước mà thôi.

Ta chợt nghĩ đến cái câu mà ma ma già dùng để hình dung lão phu nhân – trong một đêm, dường như bà đã thay da đổi thịt.

Lão phu nhân mất đi phu quân bà thương yêu mới có được sự điềm tĩnh như ngày hôm nay, còn thiếu phu nhân nào đã biết đến đớn đau mà đột nhiên học được cách trưởng thành.

Khoảnh khắc ôm lấy tấm lòng sinh tử biệt ly, chờ đợi một người nàng ngày đêm thương nhớ có lẽ chẳng khác gì phạm nhân phải chịu đựng hình phạt lăng trì thống khổ.

Đôi ta nhìn nhau trong câm lặng, từng người chìm vào xót thương đến sững sờ. Đột nhiên có một tên đầy tớ chạy tới thông báo lão phu nhân hôn mê bất tỉnh, muốn chúng ta lập tức quay về.

Ta hoảng sợ giật thót người, chân dẫm phải đá vụn trượt té, may mà thiếu phu nhân đỡ lại được, nếu không thì ta đã lăn xuống sườn núi.

Nàng đi trước đỡ ta theo, một bên an ủi ta: “Niên Phong đừng vội, đường này không dễ đi, để ta dắt ngươi.”

Cảm giác ấm lòng nàng mang lại cho ta cũng giống như Thụy Tuyết lúc trước.

Nàng còn nói: “Tổ mẫu là người lương thiện, chúng ta còn phải tổ chức đại thọ bảy mươi cho bà. Ông trời nhất định không thể, nhất định không thể...”

Giọng nói nàng dần lẫn vào những tiếng nức nở không thôi. Hơn nửa tháng trời quang mây tạnh bỗng âm u, hạt mưa tí tách mang bão đến.

Mưa càng lúc càng nặng hạt, khi ta và thiếu phu nhân chạy vào Nam viện thì cả người ướt đẫm. Lão phu nhân đã tỉnh, bà dựa vào đầu giường, ánh nến ấm áp chiếu rọi gương mặt hiền từ, ngay cả suối tóc bạc cũng ngả sang màu vàng.

Lão phu nhân lúc này tựa như pho tượng Bồ Tát, ẩn giấu bên trong là lòng dạ bao la. Bà thấy ta và thiếu phu nhân thở hồng hộc đi vào thì khẽ vẫy tay, để chúng ta đi đến cạnh bà.

Bà lần lượt sờ vào quần áo ướt nhẹp của ta và thiếu phu nhân, hàng mi yếu ớt nhăn lại nói: “Mưa lớn như vậy làm hai đứa ướt hết rồi. Mai đi thay đồ đi, lau khô tóc tai rồi hãy đến đây. Ta chỉ ngủ trưa lâu một chút thôi, đừng nghe bọn họ phóng đại quá lời.”

Ta và thiếu phu nhân đều không chịu rời đi nửa bước, Đông Quế và Di Vũ thấy vậy mới tới đưa chúng ta đi.

Đông Quế khuyên ta: “Thiếu phu nhân nóng nảy thì thôi đi, còn ngươi sao lại không hiểu chuyện như vậy. Nếu hai người bị cảm lạnh thì càng làm lão phu nhân lo lắng, phiền não nhiều hơn.”

Ta nghe thế đành phải đỡ thiếu phu nhân đi theo.

Vừa bước ra khỏi phòng lão phu nhân thì nghe bà gọi Di Vũ: “Này, lúc trước ta bàn chuyện hôn sự của ngươi, nay ngươi có muốn đổi ý không? Nếu còn tình nguyện thì ta giúp ngươi sắp xếp...”

Rõ ràng bà đang nói đến việc vui, vào tai ta chỉ còn là di ngôn trước lúc qua đời. Cổ họng ta nghẹn lại, xoang mũi đau xót, không nhịn nổi nước mắt tuôn rơi.

Thiếu phu nhân vội giúp ta lau nước mắt. Ta mượn cơ hội nắm tay nàng, quỳ xuống dập đầu cầu xin: “Thiếu phu nhân, cầu ngài đồng ý với Niên Phong một việc. Nếu lão phu nhân muốn tống cổ nô tỳ ra khỏi phủ, mong thiếu phu nhân ngàn vạn lần không được nghe theo bà. Niên Phong muốn chiếu cố lão phu nhân cho đến hết đoạn đường cuối cùng này!”

Nàng kéo ta lên, luôn miệng đồng ý lời ta nài nỉ.