Hãy tượng tượng bạn bị ai đó xúc phạm và làm tổn thương, rồi sau đó bạn nhận được một lời xin lỗi chân thành. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Chắc chắn bạn sẽ tự nhủ lòng hãy quên đi chuyện không vui ấy, nhưng thỉnh thoảng bạn lại nhớ đến cảm xúc đau buồn đó ngay cả khi không có lý do gì để gợi nhớ đến nó. Điều này sẽ khiến cho bạn luôn mang tâm trạng lo ngại về những việc sắp xảy ra với mình, dễ có hành động tiêu cực là sống thu mình lại, hoặc bùng phát sự chống đối hay ra sức đề phòng. Dù là cách gì đi nữa thì cũng làm mất đi hòa khí của mối quan hệ.
Hãy đón nhận lời xin lỗi và học cách tha thứ thật sự, nghĩa là học cách quên đi những gì không hay đã xảy ra để tâm hồn bạn có đủ thanh thản đón chào những niềm vui mới mẻ khác.
Trước khi hết nhiệm kỳ, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton phát biểu rằng ông đã tập trung vào việc "giành lại niềm tin, sự tôn trọng của gia đình và của người dân Mỹ". Ông nói: "Tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng, con người thực chất vốn dễ bị cám dỗ và có khuynh hướng phạm tội. Không phải chỉ nói "Đội ơn trời, con không phải là kẻ tội đồ duy nhất trên thế giới này" là có thể giải quyết hết mọi việc. Điều quan trọng nhất chính là tôi có thể tin vào sự tha thứ".
Ngài Clinton tiếp tục: "Tôi nghĩ sau khi có lỗi lầm, nên thành thật tìm kiếm sự tha thứ thay vì đắm mình trong sự hối tiếc. Đó là một kinh nghiệm vô cùng quý giá, nó sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn, mỗi ngày của bạn sẽ là một sự khởi đầu mới đầy ý nghĩa. Những sự kiện xảy đến cho cuộc sống riêng tư và công việc của chúng ta dễ khiến chúng ta lạc lối, vấn đề là bạn cần tổ chức cuộc đời mình như thế nào để có thể trở lại đúng đường".
Có rất nhiều người trong cuộc sống đã trải qua cảm giác thất vọng về người bạn đời hoặc bị người bạn đời làm tổn thương. Nhưng với những người nhận được lời xin lỗi và đồng ý tha thứ thì sự thanh thản, nhẹ nhõm và cảm giác hạnh phúc hoàn toàn có thể quay về trong cảm nhận của họ.