Chủ nhật – Tháng 1: Chút ẩm ướt của cơn mưa đêm khiến cho không khí càng thêm rét buốt.
Diệp Anh lững thững đi sâu vào con ngõ nhỏ. Cô cẩn trọng bước từng bước lên những bậc cầu thang đã cũ. Tiếng gỗ cót két khiến cô có cảm giác như chúng có thể sụp xuống bất cứ lúc nào. Ánh sáng hiếm hoi gần như chẳng còn lại là bao sau khi vòng qua dãy hành lang lắt léo. Để cuối cùng, khi ra tới ban công, người ta mới có thể hiểu vì sao khách vẫn tìm tới quán cà phê có vị trí chẳng mấy thuận lợi này.
Diệp Anh ngồi xuống bên một chiếc bàn nhỏ, ghé mắt nhìn xuống dưới. Giờ tan tầm, người và xe đan vào nhau, chiếm lấy từng khoảng trống còn lại trên hè phố. Khói bụi và những âm thanh ồn ã dường như tan loãng trong tách cà phê đắng. Diệp Anh thích thú tận hưởng vị chua nhẹ còn lưu lại trên đầu lưỡi.
Cô ngưng lại dòng suy nghĩ ngay khi nhìn thấy Khải Hưng. Anh thở hắt ra, buông tay ngồi xuống ghế, ngả hẳn người về sau.
- Đám cưới! Đám cưới! Nếu còn cái đám cưới nào nữa thì tháng sau mấy người đó đều được mời đến đám tang của anh.
Diệp Anh đặt tách cà phê xuống bàn, nhướn mắt nhìn Khải Hưng.
- Lúc trẻ không tùy tiện kết giao thì bây giờ đã không phải chịu cảnh này.
Khải Hưng tu cạn cốc nước mát vừa được bưng ra.
- Về thôi. Đến giờ cơm rồi.
- Nhưng mình đến mà không báo trước, có tiện không?
- Không báo trước mới giống người nhà.
Diệp Anh bước theo Khải Hưng rời khỏi quán. Anh liếc nhìn cô, tò mò.
- Vừa rồi, trước lúc anh đến, có chuyện gì à?
Diệp Anh thở dài.
- Hôm nay, bố em đến nhà người phụ nữ đó. Ông muốn em đi cùng.
Bãi cỏ, hàng cây um tùm. Vỉa hè rộng được lát đá. Những viên đá hoa cương hình lục giác với hai màu: xám, trắng đã thay đổi diện mạo của con phố nhỏ, biến nó thành nơi mọi người lui tới để bách bộ. Nhưng số người muốn thư thái tận hưởng lại chẳng nhiều hơn số người muốn vội vã phóng tắt qua. Chỉ vài tuần, nền gạch đã dập nát. Những gánh hàng rong cũng nương nhờ chỗ sạch sẽ bày ghế mời khách và làm tắc cống bằng đủ loại rác thải. Ngày nắng, vỉa hè quá chật chội để có thể đi bộ. Ngày mưa, nơi này trở nên trơn trượt, lòng đường lại có vẻ an toàn hơn. Một sáng kiến ban đầu được nhiều người ủng hộ, chẳng được bao lâu, đã xuất hiện trên mặt báo với những lời chỉ trích.
Diệp Anh cố sải bước thật dài để bàn chân có thể đặt vào đúng giữa các viên đá. Không biết có phải do sự sợ hãi tai nạn lần đó để lại, cô thường có thói quen cưỡng ép bản thân làm những hành động vô nghĩa. Kiểm tra khóa cửa bốn lần trước khi rời khỏi nhà, rửa tay ngay sau khi thức dậy, không bao giờ dịch chuyển các đồ vật trong nhà khỏi vị trí ban đầu… Diệp Anh tin rằng nếu làm vậy, sẽ không có biến động nào xảy ra. Nhưng trái lại, chúng ràng buộc và tạo một áp lực vô hình lên cô.
Cuộc sống của cô dần thư thái sau đợt trị liệu đầu tiên. Một số thói quen đó đã bị lược bỏ.
Mưa đột nhiên ập tới. Diệp Anh luống cuống chạy theo Khải Hưng. Trận mưa lớn, chỉ thoáng chốc mọi thứ đã trở về nguyên trạng, sạch sẽ và yên ắng. Con phố nhỏ chờ đợi đợt nắng mới, sau cụm mây xám xịt.
Khải Hưng quàng tay qua vai Diệp Anh, ghì mạnh, hét lớn át tiếng mưa:
- Hôm nay em đi cùng anh. Lúc khác, anh cùng em đến đấy.
Diệp Anh và Khải Hưng cuối cùng cũng tới nơi. Một ngôi nhà hai tầng giản dị cuối con ngõ nhỏ. Cổng cao màu xanh nhạt với giàn hoa giấy bên trên. Cánh cửa để mở. Có vẻ trong nhà đang có khách.
Diệp Anh ngần ngại bước vào trong.
Bố Diệp Anh đang ngồi đó, trên ghế sofa, đối diện với cửa ra vào. Đôi bên nhìn nhau, miệng đột nhiên trở nên đắng ngắt. Duy chỉ có bố Khải Hưng điềm tĩnh nhìn Diệp Anh, hất cằm về phía hai chiếc ghế còn trống.
- Hai đứa vào ngồi đi.
Bàn ăn được dọn ra. Người lớn hỏi điều gì, Diệp Anh và Khải Hưng đều trả lời, nhanh nhẹn và ngắn gọn. Không vấp váp, không lúng túng nhưng Diệp Anh không hiểu đã cho những gì vào miệng. Hương vị ngọt nhạt thế nào cô cũng không thể cảm nhận. Cuối cùng, tới lúc ra về, Diệp Anh phát hiện môi mình phồng rộp, mới nhớ ra từ đầu đến cuối cô chỉ động đũa tới đĩa đậu phụ sốt cay ngay trước mặt.
Khải Hưng nhận được điện thoại phải tới bệnh viện, còn Diệp Anh trùng hợp cũng nhận được tin nhắn của đạo diễn. Trời đột nhiên tối sầm. Cơn mưa khi nãy đã trở lại, ào ạt. Hai chiếc taxi song song trên con đường vắng rồi quay vòng, rẽ về hai hướng khác nhau. Nước lấp kín cảnh vật bên ngoài. Từng dòng nhòe nhoẹt chảy xuống. Diệp Anh tựa đầu về sau. Máy lạnh trong xe giảm tới mức thấp nhất. Da mặt ửng đỏ của Diệp Anh được xoa dịu. Chiếc xe đột ngột phanh gấp. Cả thân thể cô đập vào ghế trước, đau điếng. Vận tốc quá nhanh, tầm nhìn bằng không, mọi phương tiện đều di chuyển theo quán tính. Diệp Anh không thể nán lại để chứng kiến đến cùng vụ ẩu đả giữa hai tài xế taxi trong khi tất cả những gì cô cần lúc này là nằm xuống và nghỉ ngơi. Cô trả đúng số tiền hiện lên trên đồng hồ, mở cửa, bước xuống xe, ngâm chân trong vũng nước sâu, đi bộ tới cuối đường.
Đột nhiên cô nghe thấy một tiếng còi xe tải, rất gần, rít lên. Giây phút đó, mọi thứ nhanh chóng dừng lại trong chốc lát rồi quay vòng trở lại thời điểm năm cô 7 tuổi.
Chiếc xe tải lao tới. Cô không thể cử động được chân mình. Giống như cảm giác cô vẫn gặp trong mơ khi muốn bỏ trốn khỏi thứ gì đó nhưng lại bị sức nặng vô hình giữ lại. Rồi ai đó chạy đến, đẩy cô rất mạnh từ phía sau. Tiếng xe phanh gấp.
Cô chỉ thực sự quay trở về hiện tại khi tài xế nhảy khỏi xe, hét toáng lên và chửi rủa cô bằng những từ ngữ thậm tệ. Mọi người xung quanh vây lấy cô nhưng không thấy có bàn tay nào chìa ra. Cô lật đật đứng dậy lách qua đám đông rồi lặng lẽ rời khỏi đó. Cô chắc bọn họ còn bàn tán rất lâu sau khi cô đi khuất.
Da thịt bị chà xát bởi nước mưa. Cô cảm thấy dễ chịu. Một sự chuyển đổi cảm giác, cô nghĩ vậy. Tâm trạng trống rỗng bị gạt qua bên, giờ cô chỉ chú tâm vào hai bên đầu gối của mình. Cô rảo bước thật nhanh về phía khu tập thể.
Tâm lí có thể tác động lên bất kì giác quan nào, kể cả thị giác. Vì thế giữa việc bạn muốn nhìn thấy gì và thực sự nhìn thấy gì đôi khi tồn tại một ranh giới rất mong manh. Sau hôm đó, Diệp Anh luôn cảm thấy trong mắt Khải Hưng cô là kẻ gây tội. Còn Khải Hưng luôn cảm thấy Diệp Anh đang cố ý dò xét thái độ của mình. Nhưng hai người đã đủ trường thành để hiểu chuyện xảy ra, không thể trách cứ ai. Hơn nữa, đôi bên đều muốn duy trì mối quan hệ. Như thể khi xếp những quân domino, thời gian càng lâu, nỗ lực càng nhiều, người ta càng cẩn trọng để không làm đổ bể tất cả. Đến cuối cùng, mối quan hệ giữa họ như chiếc cốc tuy nứt một đường nhỏ nhưng không ai chịu bịt lại, vẫn cố rót nước cho đầy tràn. Vì thế, từng giọt rỉ ra ngoài, cuối cùng chỉ còn chiếc cốc trống rỗng. Hai người không biết từ bao giờ lại phải dùng thái độ thận trọng để cư xử với nhau, cảm thấy rất bức bách. Giải pháp đôi bên cùng lựa chọn là hạn chế đối mặt nhau. Khải Hưng tham gia nhiều môn thể thao và cũng ra ngoài gặp gỡ bạn bè thường xuyên hơn. Diệp Anh rục rịch chuẩn bị cho một khóa học đào tạo biên kịch ngắn hạn được tổ chức ở một thành phố khác.
Cuộc đời như một chuyến tàu, nhiều khoang, nhiều hành khách. Có những người sẽ cùng nhau đi đến bến đỗ cuối cùng nhưng cũng có người sẽ dừng lại, xuống ga, đi con đường của riêng họ. Một chiếc vé, ai cũng có quyền lựa chọn. Có thể gặp nhau và trò chuyện, mâu thuẫn và cãi vã là may mắn không phải luôn có được giữa hàng vạn ngàn người.
Chuyến tàu rời khỏi thành phố, hai người cùng khoang đã xuống trước, chỉ còn lại Diệp Anh và một phụ nữ trung niên có vẻ ngoài của một người đàn ông gắt gỏng. Bà ta đánh thức Diệp Anh bằng nhiều lần trèo lên trèo xuống rồi trở mình liên tục. Khi nhận thấy cô còn tỉnh, bà ta liền luyến thoắng, nói đủ thứ chuyện. Nhưng khi đến lượt Diệp Anh cũng muốn nói vài lời thì nghe tiếng thở mạnh, ngẩng đầu nhìn, bà ta đã chìm sâu vào giấc ngủ, thỉnh thoảng, còn đưa tay vén áo, gãi bụng. Đôi môi dày nhóp nhép như đang nhai thứ gì đó.
Diệp Anh lặng lẽ ngồi sát mép giường, nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời dần sáng. Một màu nhạt nhòa trôi dần về sau. Cô khép hờ mi mắt dần trở nên nặng trĩu. Cô tự nhủ chỉ một lát, mở mắt ra, khung cảnh sẽ đổi khác.
Chủ nhật – Tháng 2: Mặt trời mới ló rạng đã bị mây đen từ đâu che kín. Trời âm u. Cả ngày, mưa rả rích.
Điện thoại chỉ còn những tiếng tút dài. Đan Nguyên thu chân lại, cuộn mình trong lớp chăn mỏng. Gần một tháng kể từ lúc Diệp Anh đi, cô cảm thấy căn nhà trống trải. Nhất là vào hôm nay, cô bị cảm, toàn thân đau ê ẩm. Ghé mắt nhìn qua ban công, hàng quán đều không mở. Nước sau nhiều ngày mưa đọng thành vũng lớn. Mùi của rác và lá cây ngâm lâu trong bùn đất sực lên, thật khó chịu.
Đan Nguyên là người nấu ăn rất khéo và cũng rất thích nấu ăn nhưng đã nhiều tuần, cô chẳng vào đến bếp. Bát bày ra lại thu lại. Một mình cô bên chiếc bàn. Bụng đói cồn cào, cô mới trở mình bước xuống giường, rót tạm ít nôi sôi vào cốc mì ăn liền. Cô thở dài, nuốt vội. Vị nhạt thếch rệu rạo trong miệng.
Đột nhiên, nghe thấy tiếng mở khóa, cô vội chạy ra phòng khách. Mẹ cô xuất hiện sau cánh cửa, chau mày nhìn cô.
- Chìa khóa này là Diệp Anh trước khi đi đánh cho tôi.
Mẹ cô đi sâu vào trong, liếc nhìn những hộp mì ăn liền được xếp chồng lên nhau.
- Sao bảo gã đấy là giám đốc?
- Bọn con còn chưa kết hôn. Anh ấy chưa phải có trách nhiệm gì với con.
Mẹ Đan Nguyên đặt chiếc làn đang cầm trong tay lên bàn, chậm rãi ngồi xuống ghế.
- Cũng đúng. Vậy trách nhiệm của cô với tôi thì thế nào?
Đan Nguyên định nói điều gì đó nhưng lại thôi. Cô đan ngón tay lại với nhau, bàn chân di trên nền đất.
- Cô đợi tôi nhắm mắt mới đến nhìn tôi lần cuối, phải không?
Đan Nguyên thở dài, không dám ngẩng đầu nhìn mẹ.
- Con cũng muốn về. Nhưng con sợ về rồi không thể đi, cũng không thể làm theo ý mình. Từ trước đến giờ mẹ luôn biết cách buộc con phải làm theo ý mẹ.
Mẹ Đan Nguyên gật gù.
- Ra là vì tôi ép nên cô mới phải bỏ đi.
Mẹ Đan Nguyên nheo mắt nhìn cô, gằn giọng:
- Cô có biết nuôi con người khác khổ thế nào không?
- Chẳng phải mẹ đã làm rất tốt sao?
- Tốt thì ích gì. Mắng chửi, đánh đập, những thứ con người có khi còn chẳng làm với nhau, huống chi làm với người nuôi dưỡng mình, tôi đều phải chịu qua. Cô thấy cả, biết cả còn muốn đâm đầu vào.
Thấy Đan Nguyên mấp máy môi, mẹ cô liền chặn lời.
- Cô định nói đứa trẻ đó thì khác đúng không? Chẳng cái gì nói trước được đâu. Cũng như cô đấy. Tôi sinh cô ra, nuôi cô lớn nhưng có nghĩ cô sẽ như thế này đâu. Thế nên con người khác, cô đoán được không?
Mẹ Đan Nguyên đột nhiên đứng dậy, thở hắt ra.
- Thôi. Nói thế nào, tôi cũng không muốn là bà già bị con cái ruồng bỏ. Cô lớn rồi, thích làm gì thì tự chịu trách nhiệm. Nói cậu ta thu xếp hôm nào tiện dẫn đứa bé tới ăn bữa cơm.
Đan Nguyên níu lấy tay mẹ, siết chặt. Mẹ cô giật mình, đưa tay sờ lên trán cô. Cô hắt xì, tờ giấy ăn đang bịt chặt cánh mũi rơi xuống.
- Nếu cảm kích thì sau này cứ đẻ một đứa con gái giống mình rồi chịu đựng cảm giác của tôi lúc này là đủ bù đắp cho tôi rồi.
Mẹ Đan Nguyên đẩy cô nằm xuống ghế sofa, rồi đắp ngang người cô một tấm chăn mỏng. Bà lặng lẽ xách làn vào bếp, chuẩn bị bữa tối. Đan Nguyên từ từ nhắm mắt lại. Lúc trước, cô rất mệt nhưng lại không thể ngủ, có lẽ vì nhiều chuyện còn lởn vởn trong đầu. Giờ gánh nặng đã được trút bỏ, cô nhanh chóng thiếp đi. Trong lúc mê man, cô ngửi thấy mùi gà rán của mẹ và tiếng cười vang của dượng.
Cô nhất định sẽ có lại được cảm giác hạnh phúc khi đó, với gia đình nhỏ của mình.