Chuyện Thời Hồn Nhiên

Chương 19



Từ khi bắt đầu mùa đông, trong làng thường có một người phụ nữ đi xe đạp phát loa liên tục: Mua tóc đây! Mua tóc dài đâyyyyyy!

Mỗi lần nghe tiếng loa là bà Hoàng Thục Nhã đều hỏi con gái mình: “Vi Vi, hay là con đem tóc bán đi, tóc dài quá rồi.”

“Không được!” Vi Vi nghe nói người phụ nữ mua tóc này rất gian xảo, mỗi lần cắt đều xén cao hơn lên phần chân tóc, hơn nữa còn cắt thành tóc ngắn vô cùng xấu xí.

Tóc Triệu Vi Vi đã dài gần đến mông, mỗi lần gội rất mất công, nhất là vào mùa đông, nước ấm không đủ dùng, cô với anh trai Triệu Phi vì chuyện nước nóng mà sáng nào cũng cãi nhau.

Hai anh em có một điểm chung là rất thích chải chuốt, trọng vẻ bề ngoài. Triệu Phi đang học cấp 3, sáng nào cũng phải gội đầu, đứng trước gương lấy máy sấy chải tóc chỉn chu rồi mới chịu đi học. Còn Triệu Vi Vi thì dù không gội đầu mỗi ngày cũng phải gội tóc mái, còn phải là loại dầu xả có mùi thơm mà anh trai mua.

Sáng thứ hai, Triệu Phi vươn tay bóp dầu xả mới phát hiện chai dầu to mình mới mua giờ đã không còn, anh tức giận tìm em gái hỏi: “Nói, có phải em lén xài dầu xả của anh không?”

Triệu Vi Vi chối phăng: “Không có.”

Triệu Phi không truy cứu nữa, đeo cặp lao tới trường như cơn gió.

Sáng hôm sau, Vi Vi đợi anh trai đi học rồi mới bê một thau nước ấm đi gội đầu, cô tháo dây buộc tóc, mái tóc dài đen nhánh xõa ra như thác nước đen óng ả.

Vi Vi xối nước ấm qua một lần như thường lệ, gội qua một lượt, sau đó lấy dầu xả thơm của Triệu Phi xoa đều từ chân tóc đến ngọn tóc. Nhưng lần này sau khi gội rất lâu mà tóc vẫn còn rất nhiều bọt, chưa kể mùi còn rất kỳ lạ, nghe như mùi xà phòng rửa bát trong bếp.

Trước khi đi, Triệu Phi cố tình giấu chai dầu xả mới mua đi, chai mà Vi Vi xài kia là chai dầu xả chứa nước rửa bát…

Vi Vi không thể không vác nguyên cái đầu tóc đầy mùi nước rửa bát đi học.

Lâm Lỗi nhanh chóng ngửi thấy mùi nồng nặc trên người Vi Vi, nhưng xét đến mặt mũi Vi Vi nên cô nhịn lại không hỏi.

Cả ngày Vi Vi yên lặng không nói chuyện, tan học về đến nhà thì vội chạy vào bếp đun nước nóng. Không may là gas trong nhà lại hết, không thể đun nước nóng được. Cô lại đến nhà Lâm Lỗi định sử dụng nhờ nước ấm, nhưng hôm nay hình như ông trời cố tình chống lại Vi Vi, Lâm Lỗi và chị hai Lâm Lam đi thăm ông bà nội, nhà khóa cửa.

“Tĩnh Tĩnh, nhà cậu có nước ấm không? Tớ cần gội đầu.” Vi Vi đến nhà tôi, mái tóc dài của cô ấy xõa trên vai, đen như thế, lại dày như thế, mà lại nồng mùi hương quái dị.

Tôi bưng chậu nước ấm từ phòng bà nội đi ra, “Nước ấm mới mang cho nội rửa chân rồi, tớ đun cho cậu nồi khác.”

Sự kiên nhẫn của Vi Vi cạn kiệt, cô cáu kỉnh túm mái tóc dài của mình lại, giận dỗi ngồi một mình trong sân.

Lúc này bên ngoài vọng đến tiếng loa mua tóc, người phụ nữ đạp xe đạp chạy ngang qua, bà ta vốn thèm nhỏ dãi mái tóc dài của Vi Vi, nhìn thấy Vi Vi ngồi trong sân thì không lý nào chịu bỏ qua cơ hội này.

“Cô bé, có muốn bán tóc của cháu cho cô không, tóc này của cháu đẹp quá, có thể bán được rất nhiều tiền đấy.”

Vi Vi đứng lên hỏi: “Bao nhiêu ạ?”

Mắt người phụ nữ sáng ngời lên, giơ năm ngón tay trước mặt Vi Vi.

500 đồng! Với Vi Vi đây là một số tiền khổng lồ, sau một hồi đắn đo, Vi Vi quyết định cắt mái tóc dài của mình nhưng với điều kiện là không được cắt quá ngắn.

Người phụ nữ cười ha ha đồng ý: “Yên tâm, tay nghề cô cực tốt, bảo đảm cắt cho cháu thật đẹp.”

Vi Vi nhỏ tuổi lần đầu tiên biết đến cái gì gọi là: Nói một đằng làm một nẻo.

Nhát kéo của người phụ nữ kia cắt xuống, mái tóc dài của Vi Vi không còn, cô vội chạy đến trước gương, nhìn “quái vật” bên trong đó bật khóc hu hu. Người chuộng vẻ đẹp như Vi Vi không thể nào chấp nhận nổi kiểu tóc hết sức xấu xí này, cô ôm đùi người phụ nữ mua tóc kia, đòi: “Cô là người xấu, mai trả tóc lại cho cháu!”

Người phụ nữ kia nhét 500 tệ vào túi Vi Vi, cất mớ tóc dài mới thu được cho vào balo, vừa dỗ vừa lừa: “Ai chà cô bé à, chính cháu muốn cắt mà, tóc ngắn nhìn hoạt bát có sức sống hơn, gội đầu cũng tiện hơn. Chưa kể, tóc của mấy cô bé nhỏ mau dài lắm, vài ngày là dài ra ngay.”

“Không được, cô… cô phải trả tóc lại cho cháu!”

Tóc đã cắt như nước đã đổ đi, dĩ nhiên không thể nào lấy lại được. Vi Vi trốn ở nhà ba ngày ba đêm, không còn mặt mũi ra ngoài gặp mọi người.

Triệu Phi vừa nhìn thấy em gái thế thì cười điên cuồng, anh cố ý hỏi mẹ: “Mẹ sinh đứa em trai cho con lúc nào thế.”

Hoàng Thục Nhã lấy đũa gõ đầu con: “Đừng nói bậy, kiểu tóc mới của Vi Vi nhìn rất hoạt bát, mẹ thấy rất xinh.”

“Sau này có thể tiết kiệm được dầu xả rồi.” Triệu Phi vô tình nói làm chọc giận Vi Vi, cô đứng lên đi vào phòng Triệu Phi lấy quyển One Piece ném vào WC. Nếu không phải vì chai dầu xả chết tiệt kia, Vi Vi sẽ không vội vàng tìm nước ấm gội đầu, cũng sẽ không vì tức giận mà cắt đi mái tóc dài kia, càng không có mái tóc xấu xí như bây giờ.

Triệu Phi bị mẹ Hoàng Thục Nhã giữ lại mới không xảy ra đại chiến anh em đầy thuốc súng.

Ông chủ Triệu đi tỉnh về, mang theo một rương sách.

“Vi Vi, con với anh đem rương đến nhà Tĩnh Tĩnh đi, đây là dì con bé nhờ ba mang về.”

“Con không muốn ra ngoài.” Vi Vi trốn trong phòng, kẹp đủ thứ kẹp lên đầu, cố gắng cứu lại đầu tóc xấu xí này.

“Vậy Phi Phi, con lấy xe đạp chở rương này đi đi, hôm nay ba bận cả ngày mệt quá.”

Triệu Phi vui vẻ đồng ý, vác rương đặt lên yên sau xe đạp, ngâm nga một bài hát chở đồ đi.

Lâm Lỗi loanh quanh gần nhà Vi Vi một lúc, Triệu Phi thấy cô cất tiếng chào: “Nhị Lỗi, em đến tìm Vi Vi à?”

Lâm Lỗi: “Dạ không, dạ không, em chỉ đi dạo loanh quanh thôi ạ, mới ăn cơm xong hơi tức bụng.”

Triệu Phi nhún vai: “Vậy à, nhưng có rảnh thì tâm sự với Vi Vi nhé, con nhóc thúi đó vì chuyện tóc tai mà cáu kỉnh suốt ở nhà, không ai khuyên nổi.”

“Dạ.” Lâm Lỗi bẻ đốt ngón tay, chà chà chân trên đất.

“Anh Phi Phi định đi đâu ạ?”

“Mang đồ đến nhà Tĩnh Tĩnh.”

Lâm Lỗi à lên, tiếp tục đi lòng vòng, cô nhìn cửa sổ trên lầu nhà Vi Vi, xuyên qua bức màn khép hờ có thể thấy bóng Vi Vi ẩn hiện.

Bà nội Trương Gia Vũ làm bánh chẻo (sủi cảo) nhân thịt heo cải trắng, nhưng mà tôi ăn liên tục sáu cái cũng chưa thấy miếng thịt nào, nhân gần như chỉ có cải trắng với miến.

“Tĩnh Tĩnh, cậu đừng tìm nữa, bà nội mình nấu ăn tiếc không cho thịt đâu.”

“Nhưng mà bà nói đây là bánh chẻo cải trắng thịt heo áp chảo mà, chắc chắn tớ phải ăn thịt.” Tôi chưa chịu từ bỏ ý định, tiếp tục cắn một miếng sủi cảo, có công trời không phụ, ở cái bánh chẻo thứ bảy tôi thấy được một miếng thịt nhỏ bằng ngón tay út.

“Bánh chẻo có ngon không?” Bà nội Ngô bưng một thau xương gà đến, “Lại đây, đây là gà mái già mới hầm xong, các cháu ăn nhiều chút để bổ sung canxi.”

“Cảm ơn bà nội Ngô.” Động vật ăn thịt tôi đây cầm một khúc xương lên, đúng thật là xương vì tôi gặm cả buổi vẫn không ra được miếng thịt nào.

Nhìn vẻ mặt hoang mang của tôi, Trương Gia Vũ bình tĩnh nói: “Thịt đều bị nội lọc hết rồi, có lẽ để làm thịt băm.”

Tôi chán nản ném cục xương xuống, tâm phục khẩu phục chịu thua, bà nội Ngô đúng là “vắt cổ chày ra nước” còn hơn cả mẹ Vương Lị Lị của tôi.

Làm xong bài tập về nhà, tôi nổi hứng nhất quyết đánh cược với Trương Gia Vũ xem bà nội cậu ấy và mẹ tôi ai keo kiệt hơn.

“Đã đánh cược thì phải chịu thua, hình phạt là gì?” Tôi xòe tay nhìn Trương Gia Vũ.

Cậu ấy nghiêng đầu nghĩ ngợi, chỉ bình sữa trên bàn: “Phạt cậu uống hết nó thay mình.”

Tôi tròn mắt nhìn Trương Gia Vũ: “Cậu không bị nhầm đấy chứ, thế này xem như là hình phạt?” Đó là khen thưởng mới đúng, tôi thích uống sữa.

“Vì ngày nào mình cũng phải uống sữa, bây giờ không uống nổi nữa thật, xem như cậu giúp mình một việc vậy mà.”

“Dễ thôi.” Tôi khui bình sữa, ngửa cổ uống ừng ực, đừng nói một bình, cho dù hai bình, ba bình tôi cũng có thể uống sạch trong một hơi.

Khi đó tôi khờ khạo, cơ bản không biết thật ra Trương Gia Vũ lừa tôi, không phải cậu ấy ngán sữa mà chỉ vì muốn tôi uống. Có lần đang làm bài tập thì tôi than thở, sữa trong nhà đều bị nước bọt của em trai hủy diệt hết, có lẽ khi đó cậu ấy đã âm thầm ghi nhớ.

Cậu ấy thật sự là một cậu bé ấm áp, tinh tế, tựa như ánh mặt trời lặng lẽ sưởi ấm những người xung quanh.

Trương Gia Vũ nhìn tôi, mỉm cười, gương mặt trắng trẻo thanh tú hiện lên lúm đồng tiền mờ mờ, mi mắt cong cong, tựa như chú mèo con.

“Hừ! Cậu cười gì vậy?” Tôi sờ sờ cái bụng phình phình của mình, khó hiểu hỏi.

Cậu ấy chỉ lên miệng mình, “Lý An Tĩnh, cậu, cậu mọc râu trắng.”

“Râu trắng gì?” tôi le lưỡi li3m li3m khóe môi, “râu sữa” biến mất một nửa, nửa kia không với tới còn dính trên khóe miệng.

Trương Gia Vũ đột nhiên vươn người đến gần, dùng ngón tay xoa nhẹ lên miệng tôi, nói nhẹ nhàng: “Được rồi, không còn râu nữa.”

Tôi ngẩn ngơ nhìn cậu, tim đập nhanh hơn.

Không biết Lâm Lỗi đứng trước mặt chúng tôi khi nào, cô ấy lo lắng nhìn tôi: “Tĩnh Tĩnh, cuối cùng cũng tìm được cậu.”

“Cậu tìm tớ có việc à?”

“Cũng chuyện Vi Vi đấy mà, cậu ấy giờ không nghe ai cả, nói là tóc xấu quá, không muốn đi học nữa. Dì Hoàng nhờ hai chúng ta nghĩ cách.”

“Nhưng mà tóc cậu ấy đâu có lấy lại được? Hay là đội tóc giả?”

“Chúng ta kiếm tóc giả đâu ra?”

“Tiệm cắt tóc có đó, lần trước tớ dẫn em đi cạo đầu thấy ở đó có nhiều lắm.”

“Không được không được, tóc giả nhìn phô trương lắm, Vi Vi đội lên chắc bị giáo viên kêu đi hỏi đấy, không phù hợp quy định của học sinh tiểu học.”

Trương Gia Vũ đề nghị: “Hay là đội mũ lên che tóc lại, dù sao thì hiện giờ trời lạnh, có nhiều người cũng đội mũ.”

Một lời đánh thức người trong mộng, tôi với Lâm Lỗi nhất trí cho rằng đề nghị này thiết thực và hợp lý nhất. Việc cấp bách là phải tìm được một chiếc mũ đẹp cho Vi Vi, bắt buộc là phải đẹp.

“Trương siêu đỉnh, may là có cậu, đầu óc đúng là thông minh.” Lâm Lỗi vỗ vai Trương Gia Vũ giống như anh em tốt.

Trương Gia Vũ cười nhẹ.

Nhân lúc tiệm bán quà vặt chưa đóng cửa, Lâm Lỗi túm tôi đi vào tiệm.

“Bà chủ, có bán mũ không ạ?”

“Tiệm của cô đâu phải hàng tạp hóa mà bán đủ thứ chứ!” bà chủ kéo nửa cửa cuốn, cất băng ghế nhỏ ngoài cửa đi.

“Vậy bà có biết ở đâu bán mũ không ạ?”

“Mấy đứa tới chỗ lão Vương bán quần áo bên cạnh hỏi thử xem, có thể ông ấy có.”

Tôi và Lâm Lỗi lại đến nhà lão Vương. Ông đang phân loại quần áo trong sân, thấy chúng tôi thì cười tủm tỉm hỏi: “Mua quần áo à? Đây là mấy kiểu quần áo mới nhất đấy, cực kỳ thích hợp cho mấy cô bé tụi cháu.”

“Có mũ không ạ?”

“Đương nhiên là có chứ. Các cháu muốn loại mũ thế nào, bác có nhiều kiểu lắm.”

Tôi và Lâm Lỗi dùng tiền tiết kiệm hùn lại mua cho Vi Vi một chiếc mũ dạ màu đỏ, trên vành nón còn có chiếc nơ con bướm, xem như là quà sinh nhật sớm cho cô ấy.

Vi Vi đứng trước gương chỉnh đi chỉnh lại chiếc mũ, cố gắng che khuất mớ tóc ngắn của mình, “Các cậu thấy đẹp không?”

Tôi và Lâm Lỗi gật đầu mạnh mẽ: “Đẹp, đẹp, chưa kể màu đỏ này rất hợp với da cậu, nhìn càng trắng.”

Vi Vi không biểu cảm nhìn mình trong gương, thở ra nhẹ nhõm: “Cảm ơn mấy chị em, ngày mai tớ đội mũ đi học.”

Tâm trạng căng thẳng cả tối của Lâm Lỗi dịu đi, “Sáng mai chúng tớ đến gọi cậu, chúng ta cùng đến trường.”

Vi Vi đáp: “Ừ.” Nhưng nhìn qua thì cô ấy vẫn không vui lắm, vẫn còn rất lo lắng về mái tóc của mình.

“Ba chúng ta là chị em tốt đúng không?” đột nhiên Vi Vi hỏi.

“Dĩ nhiên, chúng ta đã kết nghĩa mà.”

“Vậy, tớ có một yêu cầu nhỏ được không?” Vi Vi nghiêm trang nhìn tôi và Lâm Lỗi.

Ánh mắt Lâm Lỗi tràn đầy vẻ quan tâm: “Yêu cầu gì?”

Vi Vi gỡ chiếc mũ đỏ trên đầu xuống, ngượng ngùng nói: “Hai cậu có thể cùng đội mũ với tớ không, không phải nói “có phúc cùng hưởng có họa cùng chia” sao, tớ không muốn đội mũ một mình huhuhu.”

Lâm Lỗi quyết đoán: “Được, ngày mai tớ đội mũ lưỡi trai mà chị cả cho tớ.”

“Tớ đội mũ len bà nội đan.”

Rốt cuộc Vi Vi cũng mỉm cười, cô chụp chiếc mũ đỏ lên đầu, đứng giữa tôi và Lâm Lỗi: “Từ nay trở đi, chúng ta là bộ ba đội mũ nổi nhất thôn Hạ Thời!”