Chuyện Thời Hồn Nhiên

Chương 45



Nếu không phải lúc đi mua đồ ăn gặp Hoàng Thục Nhã, bà Lưu sẽ không bao giờ biết được con gái thứ ba của mình hôm thứ sáu trên đường đi học về bị cướp.

“Chuyện lúc nào?”

“Hôm kia đó, Nhị Lỗi không nói cho chị biết sao?”

“Không có, chắc là mấy đứa nhỏ chơi đùa thôi, chắc không có chuyện gì lớn.”

“Sao mà không lớn? Vi Vi ở nhà khóc quá trời, nói là cặp sách, quần áo đều bị bọn chúng cướp đi. Xe đạp của Nhị Lỗi nhà chị cũng bị lấy đi rồi, này chắc chị biết chứ.”

Bà Lưu siết chặt khoai tây trong tay, nhanh chóng nhớ lại cảnh tượng hôm thứ sáu. Từ tiệm mạt chược về nhà thấy Lâm Lỗi đang ngồi trong phòng khách xem phim như thường lệ, vì thế không hỏi nhiều. Còn chuyện xe đạp thì bà thực sự không để ý.

“Khụ! Nhị Lỗi nhà tôi cứng cỏi lắm, ai dám ức hiếp nó, nó không bắt nạt người ta là may rồi.”

Bà Hoàng lắc đầu, ngưỡng mộ: “Chị Lưu, chị thật rộng lượng. Tôi nghe Vi Vi nói mất ngủ cả đêm, nghĩ lại cứ thấy sợ. Hai thanh niên kia là học sinh trường nghề lưu manh, chuyện gì cũng dám làm, nhất là tin tức vừa rồi chị cũng nghe chứ, thật đáng sợ.”

Bà Lưu nhớ vụ học sinh bị cướp đánh đến chết, nổi da gà, nhưng vẫn mạnh miệng: “Tin tức thì chỉ là tin tức thôi, không xảy ra cho con nhà chúng ta đâu.”

Đúng vậy, tin tức được đưa lên là dạng hiếm, hơn nữa tính chất ác liệt khiến người ta phẫn nộ. Cuộc sống hàng ngày sao có thể phát sinh ra chuyện như thế, xác suất xảy ra với con mình lại càng thấp, có gì phải lo lắng đâu?

Nhưng ai có thể đảm bảo chuyện đó không bao giờ xảy ra với mình.

Bà Lưu xách ớt xanh với khoai tây mới mua về, thấy Lâm Lỗi đang ngồi trên sô pha làm bài tập.

“Nhị Lỗi, lát nữa mẹ xào khoai tây ớt xanh cho con nhé?”

“Dạ.” Lâm Lỗi không ngẩng lên đáp.

Bà Lưu lại hỏi: “Có muốn thêm ớt sa tế không? (Nguyên văn 老干妈: một loại ớt sa tế có hình bà lão. Như sữa ông Thọ mình vậy, mình viết vắn tắt nhưng ghi chú thêm cho rõ)

“Dạ không.”

Một lúc sau ớt xanh xào khoai tây sợi được bưng đến, bà Lưu ngồi trên sô pha nhìn Nhị Lỗi thong thả ăn từng sợi khoai tây.

Con gái thứ ba đã lớn nhưng ngày càng không giống con gái, tóc ngắn, ăn mặc trung tính, không thích nói cười, thậm chí bà Lưu còn băn khoăn không biết con bé có bị bệnh tự kỷ gì hay không.

“Ngon không?”

Lâm Lỗi gật đầu.

Bà Lưu quan sát kỹ cách ăn của con gái, thấy con bé lấy ớt xanh để qua một bên, “Sao vậy? Ớt xanh không ngon hả?”

Lâm Lỗi xít một tiếng rất nhỏ: “Ớt này hơi cay.”

“Không phải con thích ăn ớt sao? Từ lúc nào mà lại sợ cay vậy?”

“Con bị lở miệng.” hôm đó Lâm Lỗi ăn nhiều lẩu quá, khuya còn gặm một đống cổ vịt cay, sáng hôm sau trong miệng nổi mụn nước, uống nước lạnh cũng thấy đau.

“Bị lúc nào? Sao không nói sớm để mẹ không bỏ ớt.”

“Khoai tây xào không có ớt không ngon.”

Bà Lưu cạn lời, đứng dậy lục trong ngăn kéo ra một lọ thuốc xịt: “Này, lấy cái này xịt vô chỗ loét.”

Lâm Lỗi cảm động không đến một phút đã nghe bà Lưu nói tiếp: “Cái này lần trước chị hai còn xài còn dư lại, may mà mẹ chưa vứt.”

“Con không cần cái này.”

“Con nhóc thúi này, không cần thì chịu đau đi, chờ đến khi loét cả miệng ra thì đừng có khóc với mẹ.”

“Không cần thiết thôi.”

“Thích sao làm vậy đi, đúng là không nói được con, càng lớn càng không nghe lời.”

Bà Lưu ngước nhìn đồng hồ trên tường, cách giờ con đi học còn một tiếng.

Trong khoảng thời gian đó, bà Lưu liên tục nhìn đồng hồ, Lâm Lỗi vốn nhạy cảm nhận ra. Cô ăn xong miếng khoai tây cuối cùng, nhìn mẹ nói: “Tiền sinh hoạt phí mẹ cứ để lên bàn, muốn đi đánh mạt chược thì cứ đi đi, đừng đến muộn.”

Không phải… Thôi, bà Lưu cũng lười giải thích, nói thẳng: “Vậy lát nữa con đi học thế nào?”

“Ba Vi Vi nói lái xe chở tụi con đi.”

Bà Lưu lại hỏi: “Vậy tuần sau con về bằng cách gì?”

“Lúc đó ba Vi Vi đến đón.”

Lâm Lỗi không nói đến chuyện xe đạp bị cướp, giống như đó không phải chuyện quan trọng, như thể chưa từng xảy ra.

Cuối cùng bà Lưu không kiềm được, nghiêm túc nhìn con: “Nhị Lỗi, con không định nói cho mẹ biết việc xe đạp bị cướp đúng không?”

Lâm Lỗi nhắm hờ mắt: “Xin lỗi, xe đạp không còn, đến khi nghỉ đông con sẽ làm thêm kiếm tiền mua lại chiếc khác, không ngửa tay đòi tiền ba mẹ, mẹ yên tâm.”

Bà Lưu bị mấy lời này của Lâm Lỗi làm nghẹn lời, bà có ý tốt quan tâm, không ngờ con gái lại nói ra những lời lạnh lòng như vậy. Nhưng không thể trách, bình thường bà rất ít khi thể hiện tình yêu và sự quan tâ m đến con, đối xử với hai chị càng khác biệt, trong mắt Lâm Lỗi, mẹ coi trọng tiền bạc và việc chơi mạt chược hơn đứa con như cô rất nhiều.

Thật ra về phương diện mạnh miệng, Lâm Lỗi hoàn toàn di truyền từ bà Lưu, phát huy cực hạn “khẩu thị tâm phi”.

Bà Lưu: “Được, con tự lo liệu đi.” Nói rồi xách ví tiền ra cửa, không thèm thu dọn bát đ ĩa còn trên bàn.

Bà Lưu đi loanh quanh trong ngõ, tiệm mạt chược đã mở cửa nhưng bà đã lỡ hẹn nên chỉ đứng ngoài xem, rất khó chịu. Vốn định ở nhà quan tâm con, ai ngờ con như đá trong nhà xí, vừa cứng vừa thối, không hề hiểu chuyện hay cảm kích.

Trên đường gặp ông chủ Triệu đang lau xe, bà Lưu đi qua trò chuyện.

“Ông chủ Triệu, nghe nói lát nữa anh đưa mấy đứa nhỏ đi học phải không?”

“À! Chị Lưu, hiếm khi ban ngày mà gặp chị ha, hôm nay không đi chơi mạt chược à?”

Bà Lưu lắc đầu: “Trong tiệm ngột ngạt quá, tôi ra ngoài hóng mát. Anh đưa mấy đứa đi học phải không? Hôm nay không buôn bán sao?”

Ông chủ Triệu cười bất lực: “Mua bán có quan trọng cũng không bằng con cái, gần đây ngô hai bên đường chưa thu hoạch, tạo cơ hội cho mấy người xấu ẩn náu. Tôi không yên tâm để bọn nhỏ đi một mình lần nữa.”

Bà Lưu: “Vậy phiền anh phải vất vả rồi.”

Ông chủ Triệu: “Chị Lưu khách sáo gì chứ, chúng ta là hàng xóm láng giềng bao nhiêu năm, con chị là con tôi mà.”

Bà Lưu: “Lão Lâm quanh năm suốt tháng không có ở nhà, đúng là hàng ngày nhờ có mọi người giúp đỡ chứ nếu không mấy mẹ con tôi thật sự rất khó khăn.”

Ông chủ Triệu: “Chị Lưu cũng đâu dễ dàng gì, nhưng mà cũng may Nhị Lỗi với Lam Lam đều ngoan, không giống thằng Đại Phi nhà tôi, chỉ cần nó không gây rắc rối là đủ để tôi thắp nhang cảm tạ rồi.”

Bà Lưu: “Lam Lam còn đỡ, còn con bé Nhị Lỗi này, tôi thật không hiểu nổi. Không biết nó giống tính ai mà mẹ con tôi như kẻ thù vậy, về tới là đối đầu nhau.”

Ông chủ Triệu rất có kinh nghiệm: “Tụi nhỏ đều vậy mà, tới thời kỳ phản nghịch thì ai nói cũng không thèm nghe. Chị không biết đâu, Đại Phi nhà tôi hồi đó yêu sớm, lại nghiện net, còn kéo bè kéo lũ đánh nhau, tôi với mẹ nó không nói nổi nó, nói là gây gổ, còn ầm ĩ bỏ nhà đi, tôi đau đầu muốn chết. Bây giờ tốt xấu gì cũng vô được đại học loại 2, rốt cuộc tai tôi cũng được yên tĩnh một thời gian.”

Bà Lưu: “Anh đúng là chịu khổ rồi. Nhưng mà tôi lại thích thằng nhóc Đại Phi, đầu óc nhanh nhạy, ăn nói khéo léo, nhìn là biết nó năng lực, chắc chắn là sẽ có tương lai tươi sáng.”

Ai cũng thích nghe khen, ông chủ Triệu hất nước bẩn rửa xe lên cây hồng trước cửa, cười nói: “Chị Lưu, tôi xin mượn lời tốt lành của chị. Nhưng mà Đại Phi cho dù tương lai có tốt cũng đâu thể so với Lâm Lam, con bé là sinh viên Thanh Hoa Bắc Đại tương lai.”

Nói đến con gái thứ hai, cuối cùng bà Lưu cũng nở nụ cười hài lòng tự hào. Tuy con bé trước đó đã chịu không ít tội, năm 12 đi leo núi với bạn không may bị ngã gãy xương chân, vết thương vô cùng nghiêm trọng, bắt buộc phải ở nhà tĩnh dưỡng hơn nửa năm, sau đó lại theo học sinh lớp dưới học lại lớp 12 lần nữa. Nếu không vì bị việc đó làm chậm trễ thì năm nay Lâm Lam đã là sinh viên.

Đúng ra tuần này Lâm Lam cũng về nhà nhưng mà cô nói muốn chuẩn bị cho kỳ thi, cảm thấy đi đi về về mất thời gian nên ở lại trường ôn tập, bảo Lâm Lỗi mang tiền sinh hoạt phí với ít đồ dùng lên.

“Xem cái đầu tôi này, quên mất việc chính, con bé Lâm Lam ở trong trường ăn uống không được, tôi phải chuẩn bị cho nó ít đồ dinh dưỡng.”

Bà Lưu lại vội vàng chạy về nhà, đóng gói đồ khô trong bếp hàng ngày mình tiếc không dùng như óc chó, táo tàu, mật ong, dầu trà… chia thành hai phần cho Lâm Lỗi và Lâm Lam,

Lâm Lỗi chỉ cảm thấy mình được ăn theo chị hai, máy móc nhét đồ bà Lưu chuẩn bị vào bao nilon, chuẩn bị mang đến trường.

“Chờ chút, cặp con cũng bị cướp mất?” Bà Lưu tức giận hỏi.

“Dạ.”

“Con nói xem con đã bao lớn rồi, ngay cả đồ đạc của mình cũng không giữ được, sau này tồn tại trong xã hội thế nào đây?” Bà Lưu vừa lải nhải vừa lôi trong tủ ra cái ba lô màu hồng nhạt mà năm đó Lâm Lỗi thà chết không xài ra.

“Lấy cái này đi, còn tốt lắm, y như mới vậy, bây giờ muốn mua cũng không có đâu.”

Lâm Lỗi thà đựng đồ bằng bao nilon chứ không muốn xài cái này, đứng im không nhúc nhích.

“Còn ngẩn ra đó làm gì? Mau cất đồ vào đi! Cái bao nilon kia của con đi đường là rách, ba lô bền chắc hơn.”

Mặt Lâm Lỗi sầm sì, xách cái ba lô màu hồng đó đến nhà Vi Vi.