Lúc câu chuyện này bắt đầu, Kăply và Mua đang ngồi trong quán chả cá của gã Y Sai.
Kăply vừa mân mê đồng năm năpken trong túi áo vừa tò mò liếc gã chủ quán đang lui cui quết chả đằng sau quầy. Trước đây, nó chưa bao giờ đặt chân vào quán của Y Sai. Trong dãy ki-ốt trước cổng trường, Kăply thường ăn bánh Nhớ dai của mụ Gian và thỉnh thoảng xực món bột chiên Yêu đời dở ẹc của lão Chu bụng bự.
Nhưng từ ngày biết hai người này là đội trưởng và đội phó của đội bảo vệ nhà trường, Kăply đâm ngán. Vì thế mà bữa nay nó lôi Mua vào quán của gã Y Sai.
Y Sai tất nhiên cũng nằm trong đội bảo vệ của lão Chu, nhưng dù sao gã cũng là lính lác, hơn nữa gã chưa trực tiếp gây hấn với Kăply lần nào. Kăply nghĩ bụng, mặc dù nó không chắc là gã có nhớ mặt nó không.
Y Sai người thấp bé, tóc ngắn, mặt tròn, trông gã chưa tới ba mươi tuổi. Kăply dán chặt mắt vào chiếc chày vàng trên tay gã. Y Sai quết chả bằng chiếc chày này, trong một chiếc cối cũng bằng vàng sáng chóe. Trước đây, Y Sai đi đâu cũng mang theo bên người chiếc chày đồng, đó cũng là vũ khí của gã, chả hiểu gã đổi chiếc chày vàng này từ khi nào. Gã này chắc giàu sụ. Kăply tặc lưỡi và khẽ liếc Mua, thấy Mua cũng đang ngẩn ngơ nhìn dụng cụ hành nghề sang trọng của gã chủ quán.
Bất giác Kăply thấy lòng mình chùng xuống. Nó chợt nhớ ra là Mua rất nghèo. Nghèo nhất trong bọn. Ba Mua thất nghiệp, quanh năm say xỉn chỗ quán Cái Cốc Vàng của lão Bebet, toàn ký sổ nợ. Mẹ Mua giặt đồ thuê, trước cửa nhà treo tấm biển: “NHẬN GIẶT CÁC LOẠI ÁO CHÙNG. – ÁO KHOÁC. – MŨ TRÙM. – NÓN CHÓP. – KHĂN QUÀNG CỔ”. Đó là Mua kể với Kăply, trong dịp tái ngộ cảm động sau những ngày mắc kẹt thê thảm trong thời gian nén, chứ xưa nay Mua không bao giờ rủ bạn về nhà chơi. Có lẽ nó mặc cảm! Kăply rầu rầu nghĩ và bần thần nhớ lại lần nó và Mua lạc vào tiệm Những Dấu Hỏi. Lúc ông K’Tul tung ra số tiền thưởng khổng lồ một trăm ngàn năpken cho ai giải được câu đố, nó đã thấy Mua đờ người ra như thế nào, đến nỗi phải khó khăn lắm nó mới lôi được cô bạn ra khỏi cửa tiệm. Có lẽ đó là một gia tài mơ ước đối với Mua! Bây giờ Kăply vẫn còn nhớ như in vẻ mặt thẫn thờ của Mua lúc đó lẫn đôi môi lảm nhảm như người mộng du của nhỏ bạn. Hôm cả hai đến công viên Các Thứ Kẹo cũng vậy. Khi Kăply móc tiền ra mua vé, Mua cứ nhìn chằm chằm một trăm năpken trên tay Kăply, miệng không ngớt xuýt xoa: “Bạn giàu quá há?” Bữa đó, lời trầm trồ của Mua làm Kăply ngạc nhiên quá sức. Tại nó thấy gì chứ đồng một trăm năpken ai mà chả có. Tụi Suku, Păng Ting càng có hàng đống. Nói qua nói lại một hồi, Kăply mới sửng sốt biết rằng từ bé đến lớn chưa bao giờ Mua được cầm đồng một trăm năpken trong tay…
Càng nghĩ Kăply càng cảm thấy như ai chất đá vào lòng mình. Không muốn để nỗi buồn lôi đi mãi, nó cựa quậy người, cố thoát khỏi cảm giác nặng nề bằng cách mấp máy môi:
- Mình kêu hai đĩa há Mua?
Mua giật mình, rời mắt khỏi chiếc chày vàng trên tay gã Y Sai:
- Ờ… ờ…
Kăply nhìn gã chủ quầy, nói nhanh, cố không nhìn vẻ mặt vẫn còn ngây ra của bạn:
- Chú bán cho tụi tôi hai đĩa.
- Đĩa lớn hay đĩa nhỏ? Đĩa lớn mười năpken, đĩa nhỏ năm năpken. – Y Sai hỏi lại một cách máy móc, vẫn không ngẩng mặt lên, chiếc chày trên tay tiếp tục dộng chan chát vô cối.
Như người va phải tường, Kăply khựng lại mất một lúc, miệng há hốc. Nó không ngờ quầy chả cá của gã Y Sai bán mắc đến thế. Ở chỗ mụ Gian hay lão Chu, nó có thể mua bánh Nhớ dai hay bột chiên Yêu đời chỉ với 1 năpken. Với năm năpken bà Êmô nhét vào túi nó mỗi buổi sáng, nó có thể mua được mười lăm viên bột chiên của lão Chu hay mười chiếc bánh của mụ Gian. Kăply chợt nghĩ: Hay gã nói lộn?
- Nhóc mày điếc hay sao hả? – Y Sai ngừng tay, ngước bộ mặt tròn quay lên khỏi chiếc cối. Gã nhấn từng tiếng một, như người ta dằn từng đồng tiền vàng lên mặt bàn. – Đĩa nhỏ, năm năpken! Đĩa lớn, mười năpken!
Kăply khẽ liếc Mua, đắn đo một thoáng rồi rụt rè cất tiếng:
- Có đĩa nào nhỏ hơn nữa không hả chú?
- Ta chưa hiểu ý nhóc mày!
Kăply thấy mắt gã Y Sai nheo lại mặc dù nó biết là gã không hề bị chói nắng. Nó tính hỏi là có đĩa nào giá một hoặc hai năpken hay không nhưng đến phút chót nó lại đâm ra ngần ngại.
- Vậy thì chú bán cho tụi tôi một đĩa nhỏ. – Kăply ấp úng đề nghị, cảm thấy hai đứa mà chỉ mua có một đĩa chả cá là tội lỗi gì ghê gớm.
Gã Y Sai lại cúi mặt xuống, như chẳng đếm xỉa gì đến hai vị khách. Nhưng ngay lúc đó, y như mọc lên từ dưới gầm bàn, một đĩa chả gồm bốn miếng đột ngột hiện ra trước mặt hai đứa nhỏ. Kăply ngạc nhiên hết sức, vì nó hổng thấy gã chủ quầy nhấc tay nhấc chân gì hết trọi.
Kăply tặc lưỡi bốc một miếng chả đưa cho Mua, và cầm một miếng khác tọng vô miệng. Tuy gã Y Sai bán mắc như quỷ nhưng nó phải công nhận chả cá của gã ngon thiệt.
Nhưng Kăply chưa kịp nuốt miếng chả đã giật bắn người như bị roi quất ngang lưng. Tiếng gã Y Sai hét ầm:
- Đúng là hạng người không ra gì!
Kăply tái mặt liếc sang Mua, thấy nhỏ bạn cũng đang đờ mặt ra, miếng chả nghẹn ngay cuống họng.
Như chưa hết cáu, gã chủ quầy nện chiếc chày xuống mặt bàn đánh “rầm” một tiếng khiến chiếc cối nảy tưng tưng. Trên nền những tiếng động “lộc cộc” phát ra từ chiếc cối đang khiêu vũ một cách điên cuồng, giọng gã rít lên:
- Ta thiệt không hiểu ngài N’Trang Long nghĩ như thế nào mà chưa tống cổ thứ đó ra khỏi trường!
Kăply nghe mặt mày nóng ran, cảm thấy mình đang bắt đầu mất bình tĩnh. Nó biết chắc nếu nó chưa ăn quả táo vàng ở núi Lưng Chừng, nó sẽ không ngại ngần gì mà không nhảy xổ vào gã Y Sai cục súc kia.
Cắn chặt răng vào nhau cho khỏi run, Kăply long mắt nhìn gã chủ quầy, cố nén giận:
- Chú… chú…
Kăply không nói được hết câu, một phần vì bị kích động quá mức, phần khác nó phát giác Mua đang giật khẽ tay áo nó.
- Ta nói không đúng sao, tụi bay! – Gã Y Sai ném chiếc chày trên tay xuống bàn đánh “cạch” và cầm lên tờ báo màu mè trước mặt, vung vẩy một cách phẫn nộ. – Tụi bay xem thử thám tử Eakar phát biểu gì trong này. Hừm, cái lão này càng ngày càng gàn dở hết chỗ nói!
Bây giờ Kăply và Mua mới vỡ lẽ từ nãy đến giờ gã Y Sai gằm mặt xuống bàn là do gã chúi mũi vô tờ Tin nhanh N, S & D chứ không phải vì say sưa quết chả như tụi nó tưởng. Và cái “thứ đó” mà gã đang chì chiết là để ám chỉ nhà thám tử chứ không phải nhằm vào tụi nó.
Kăply thở phào, bây giờ nó mới nhận thấy cái cách gã Y Sai huơ tờ báo soàn soạt nom mới giống ông K’Tul làm sao.
- Chú cũng đọc tờ báo cà chớn này sao? – Kăply tròn xoe mắt.
- Chính vì nó cà chớn mà ta phải đọc. – Y Sai nghiến răng ken két. – Ta đọc để xem Eakar về hùa với lão Ama Đliê đến mức nào để còn báo lại với ngài hiệu trưởng chớ.
Đang thao thao, gã Y Sai bỗng nhìn sửng Kăply:
- Ê, mày vừa bảo tờ báo này là tờ báo cà chớn hả nhóc?
- Vì nhận xét thông minh đó, ta long trọng tuyên bố nhóc mày khỏi phải trả tiền đĩa chả cá bữa nay.
Trong khi mặt Mua rạng ra trước sự rộng rãi bất ngờ của Y Sai thì Kăply dường như không nghe thấy gì hết. Câu nói của Y Sai có vẻ như không chạm được vào người nó.
- Thám tử Eakar nói gì trong đó hở chú? – Kăply vẫn dán chặt mắt vào tờ báo trên tay gã chủ quầy.
Y Sai trả lời bằng một cái hất hàm:
- Nhóc mày chắc biết chuyện lùm xùm mấy bữa nay ngoài phố chớ?
- Biết. – Kăply chớp mắt. – Chắc chú muốn nói đến vụ “mông tặc”?
- Hừm, “mông tặc”! – Y Sai khẽ nhăn mặt, ngó như thể gã vừa nuốt phải một con ruồi. – Tay phóng viên Pôlôna dùng từ thấy mà ớn. Nhưng đại khái là ta đang muốn nói đến chuyện đó.
Mua lập tức lãng ngay vụ tiền bạc. Đề tài trước mắt nóng hổi đến mức vừa nghe Y Sai và Kăply nhắc đến, tâm trí nó liền bị hút hết vô đó. Lòng Mua bất giác dậy lên một nỗi sợ hãi, tuy chưa đến mức phải rên lên nhưng có thể thấy là nó đang thú nhận điều đó một cách không thể nhầm qua ánh mắt.
Kăply nhìn chằm chằm tờ báo trên tay Y Sai, cố đoán xem thám tử Eakar nói nhăng nói cuội những gì mà khiến gã chủ quầy cáu kỉnh đến vậy. Nó tiếc là hồi trưa ông K’Tul không có mặt ở nhà, nếu không thế nào ổng cũng sốt sắng “xì” chuyện này ra trong bữa ăn rồi. Với tư cách là cộng tác viên ruột của Cục an ninh, thám tử Eakar đương nhiên bị cột chặt vào vụ “mông tặc”, nói theo ngôn ngữ của Pôlôna. Kăply thừa hiểu điều đó, vì bản thân nó và đám bạn cũng quan tâm đặc biệt đến vụ này. Cho đến lúc này, Kăply vẫn thấy đó là một vụ quái đản: Trong liên tiếp năm ngày, một kẻ giấu mặt không ngừng tấn công một cách điên cuồng vào bất kỳ phụ nữ nào hắn bắt gặp trên đường. Thủ phạm chỉ xuất hiện vào ban đêm và ở những nơi bất ngờ nhất. Cái cách tấn công của hắn cũng vô cùng kỳ quặc. Hắn dùng một vật nhọn mà theo các chuyên gia ở Cục an ninh là một chiếc đinh ma thuật được ếm bùa mê cực mạnh đâm vào mông nạn nhân khiến họ thiếp đi suốt hai ngày liền. Lời kể của các nạn nhân khi tỉnh lại hoàn toàn giống nhau: Đang đi, họ bỗng bất thần nghe nhói nơi mông và ngay lập tức không biết gì nữa.
Cũng may là cho đến nay, thủ phạm chưa thực sự gây ra một vụ án mạng nào. Những nạn nhân chỉ bị mê man trong vòng hai ngày rồi sau đó dần dần tỉnh lại. Nhưng sự lộng hành của hắn khiến cả xứ Lang Biang mất ăn mất ngủ gần một tuần lễ liền.
Đã vậy, như để giúp cho bầu không khí thêm hoang mang và hỗn loạn hơn nữa, ngày nào tờ Tin nhanh N, S & D cũng đưa tin một cách hào hứng:
- Tối qua vào lúc 22 giờ, một phụ nữ ba mươi lăm tuổi tên Ka Tong đã bị “mông tặc” tấn công trên đường Chifichoreo…
- Hai mươi ba giờ khuya hôm qua, trên đường Ea Nop, cô gái Somoray mười tám tuổi đã gặp nạn cách công viên Các Thứ Kẹo khoảng ba trăm mét khi vừa trở về từ tiệc sinh nhật một người bạn…
- Kẻ giấu mặt đã táo tợn tấn công pháp sư Homhem ngay trên đại lộ Brabun cạnh cửa tiệm Cái Cốc Vàng trước sự chứng kiến của một cặp vợ chồng tình cờ đi ngang…
Kiểu đưa tin dồn dập của tờ Tin nhanh N, S & D gây ra cảm giác như ngày tận thế đã điểm. Dư luận bị đầu độc thê thảm, buổi tối không ai dám đặt chân ra đường, kể cả đàn ông. Chỉ có đám phù thủy của Cục an ninh là rải dày ngoài phố. Nhưng họ cũng ẩn mình ở đâu đó trong các xó tối, sau những bức tường và những gốc cây.
Phố phường về đêm vắng ngắt, đom đóm chập chờn bay lẫn với sao rơi. Chỉ trong vòng mấy ngày, xứ Lang Biang hóa thành một nghĩa trang khổng lồ khi đêm xuống.
Như thường lệ, thám tử Eakar lại có dịp tuyên bố vung vít trên tờ báo của Ama Đliê:
- Dấu vết của hắn đã dần dần hiện rõ trong mắt chúng tôi.
- Chúng tôi đã sắp vạch mặt được thủ phạm.
- Màn lưới của pháp luật đang từ từ siết chặt quanh con mồi.
Cứ mỗi sáng ra, độc giả của tờ Tin nhanh N, S & D buộc phải nghe Eakar bốc phét một câu. Mặc dù nghi ngờ Eakar khoác lác, số lượng độc giả của tờ Tin nhanh N, S & D vẫn tăng đến chóng mặt. Về mặt tâm lý, người ta cố tìm nơi những lời huênh hoang của nhà thám tử một sự yên lòng để sống qua những ngày đen tối.
Kăply nhớ là ông K’Tul đã phấn khích như thế nào trước sự bành trướng nhanh chóng của tờ Tin nhanh N, S & D.
- Tụi con thấy chưa! – Trong bữa ăn trưa hôm qua, ông đập đập tay lên xấp báo trước mặt như thể đó là một xấp tiền vàng, nói bằng giọng khoa trương, không thèm giấu vẻ rạng rỡ lồ lộ trên mặt. – Ta nghĩ cho đến hôm nay tụi con không thể không thừa nhận rằng, với số độc giả hơn hẳn tờ Lang Biang hằng ngày của Kan Blao, hơn rất xa, Ama Đliê đúng là một tài năng vô địch. Tin tức nhanh nhạy, phong phú, đa dạng, nói chung là đúng với phương châm nóng, sốt và dẻo…
- Đúng là nóng, sốt và dẻo thiệt! – Thằng K’Tub xỏ lá. – Rõ ràng lão Ama Đliê đã nhấm nháp tai họa của dân Lang Biang với vẻ khoái trá như đang thưởng thức món sinh vật nguyên thủy…
- Câm mồm! – Ông K’Tul quát giật, mặt đanh lại, chiếc khăn rằn trên vai suýt nữa rớt xuống đất.
Lúc đó nếu bà Êmô không khéo léo can thiệp, không biết chuyện gì sẽ xảy ra giữa hai cha con thằng K’Tub. Kăply nhớ lại, rùng mình một cái, ánh mắt đi qua đi lại giữa tờ Tin nhanh N, S & D và gương mặt cau có của gã Y Sai, nôn nóng hỏi:
- Bộ thám tử Eakar bắt được thủ phạm rồi hả chú?
- Hừ, cái lão vô tích sự đó mà bắt được ai!
Y Sai bĩu môi vô tờ báo, vẻ khinh bỉ. Vung tay một cái, gã liệng tờ báo đến trước mặt Kăply và Mua:
- Hai nhóc mày đọc đi. Để xem lão Eakar nói năng thúi hoắc như thế nào.
Ngay trang nhất, bên cạnh bản tin của Pôlôna về những vụ tấn công nhắm vào phụ nữ xảy ra tối hôm qua, có một bài phỏng vấn khá dài của phóng viên Chor dành cho thám tử Eakar.
CHOR: Thưa nhà đại thám tử, ông có thể vui lòng cho độc giả của tờ Tin nhanh N, S & D biết quá trình điều tra của ông đang diễn ra như thế nào không?
EAKAR: Rất thuận lợi. Hoàn toàn thuận lợi.
CHOR: Nếu chúng tôi không lầm ông đã nắm được đầu mối…
EAKAR: Đã nắm được. Và nắm rất chắc.
CHOR: Có nghĩa ông đã biết được thủ phạm là ai?
EAKAR: À, cái đó thì chưa. Tôi cần thêm vài ngày nữa để có thể tuyên bố cụ thể. Lúc này tôi chỉ có thể nói một điều: Tên “mông tặc” là người của trường Đămri.
CHOR: Ồ, thưa nhà đại thám tử, ông biết ông đang nói những gì đó chứ?
EAKAR: Tôi đang rất tỉnh táo. Và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình.
CHOR: Không lẽ ông cho rằng thủ phạm là một trong những giáo viên của trường Đămri?
EAKAR: Xét về tài xuất quỷ nhập thần, hắn có thể là một giáo viên đương nhiệm. Cũng có thể là nhân vật chủ chốt trong đội bảo vệ. Hà, cũng không loại trừ ngài N’Trang Long…
CHOR: Ông không sợ mình quá đa nghi?
EAKAR: Về phương diện nghiệp vụ, trước khi mọi chuyện sáng tỏ, tất cả đều ở trong vòng nghi ngờ. Nếu giáo sư Hailixiro có thể là sứ giả của trùm Hắc Ám thì ngài hiệu trưởng cũng có khả năng là người của Bastu lắm chứ!
CHOR: Chúng tôi e rằng ông N’Trang Long sẽ có những phản ứng bất lợi đối với nhận xét thẳng thắn của ông, thưa nhà đại thám tử?
EAKAR: Tôi không quan tâm ngài N’Trang Long nghĩ gì. Tôi chỉ thừa hành chức trách và phát biểu quan điểm của tôi ở khía cạnh nghề nghiệp. Trường Đămri không phải là khu vực bất khả xâm phạm. Và ngài N’Trang Long chưa bao giờ được biết đến như một nhân vật nằm ngoài hoặc nằm trên pháp luật.
Càng đọc, gương mặt Kăply và Mua càng tái đi, mồ hôi chảy thành dòng trên trán. Kăply cắn chặt răng, chốc chốc lại ngúc ngoắc vai và hông để biết chắc mình chưa bị sự sửng sốt làm cho đông cứng lại.
Nhưng tụi nó đang đọc nửa chừng, tờ báo bỗng bất thần rời khỏi bàn, bay về phía Y Sai. Gã chủ quầy quơ tay tóm lấy tờ báo, cáu kỉnh vò thành một cục rồi vứt vào sọt rác ở dưới chân, giọng khinh khỉnh:
- Đọc thế đủ rồi. Ta nghĩ tụi bay không nên để những lời nhăng nhít của lão Eakar làm bẩn đầu óc hơn nữa.
Mua ngước mắt về phía Y Sai, lúc lắc hai bím tóc:
- Từ trước đến nay Eakar vốn không ưa thầy N’Trang Long…
- Lão không ưa thì kệ lão. – Kăply hừ mũi. – Nhưng lão không nên bắt chước Ama Đliê chơi trò ngậm máu phun người.
Kăply nói tiếp, mặt hầm hầm:
- Còn gã Chor thâm hiểm kia nữa. Gã cứ một điều “đại thám tử”, hai điều “đại thám tử.” Thế là lão Eakar phổng mũi lên nói năng vung tán tàn.
- Mày nói hay lắm nhóc! – Gã Y Sai nhìn Kăply bằng ánh mắt long lanh. – Vì nhận xét thông minh đó, một lần nữa ta long trọng tuyên bố đãi nhóc mày thêm một đĩa chả cá.
Cũng như lần trước, Y Sai chẳng hề có một cử chỉ gì đặc biệt nhưng gã vừa nói xong, trước mặt Kăply và Mua bỗng xuất hiện một đĩa chả cá thơm phức. Lần này vừa liếc mắt qua, Kăply đã nhận thấy trong đĩa có tới tám miếng chả. Chắc đây là loại đĩa lớn mười năpken, Kăply khoái chí nhủ bụng. Nhưng chuyện đó chỉ làm nó khoái sơ sơ. Trong vòng một tiếng đồng hồ mà gã Y Sai khen nó thông minh tới những hai lần, chuyện đó mới làm nó khoái dữ.
oOo
Sau khi rời khỏi quầy chả cá của Y Sai, Kăply và Mua ngược đại lộ Brabun, nôn nóng bươn thẳng một mạch về nhà. Lúc ngang qua tiệm Cái Cốc Vàng, tụi nó cắm cúi đi luôn, không rẽ vào đường Chifichoreo như dự định.
Hồi sáng ở trên trường, Kăply đã bí mật hẹn Mua chiều nay sẽ trở lại đường Chifichoreo để dò la tông tích của tiệm Những Dấu Hỏi. Chính trên con đường vắng vẻ này, lần trước tụi nó đã tình cờ bắt gặp cửa tiệm quái chiêu của lão Luclac. Nhưng bây giờ thì cả hai thấy chuyện này không còn cần thiết, một phần tụi nó không tin cơ may sẽ mỉm cười với tụi nó lần nữa, phần khác những tuyên bố bạt mạng của thám tử Eakar trên tờ Tin nhanh N, S & D khiến tụi nó tức giận và hoang mang đến mức muốn chia sẻ ngay cảm xúc của mình với bọn Êmê.
Khi Kăply và Mua rón rén thò đầu vào cổng sau của lâu đài K’Rahlan, ông K’Tul vẫn chưa về. May quá! Kăply thở phào, ngay lập tức nó nhớ ra hôm nay là thứ sáu, ngày hoạt động duy nhất trong tuần của tiệm Những Dấu Hỏi. Chắc ổng đang mải la cà ở chỗ cửa tiệm chết tiệt đó. Kăply nghĩ và kéo tay Mua chạy thẳng lại chỗ cầu thang xoắn trước ánh mắt dò hỏi của thằng Đam Pao và con Chơleng đang đứng dồn cục chỗ cửa bếp câm nín ngó ra.
Kăply và Mua xộc thẳng vào phòng Nguyên, mừng rỡ thấy Êmê và K’Tub đang túm tụm ở đó. Nhưng hai đứa lập tức cụt hứng khi Kăply vừa mở miệng:
- Tin sốt dẻo đây. Tờ Tin nhanh N, S & D ra trưa nay…
Êmê đã cắt ngang:
- Tụi em đọc rồi, anh K’Brêt.
Nó chĩa cái mũi hếch vào mặt Kăply, mắt nheo nheo:
- Nãy giờ anh và Mua đi đâu vậy?
- Đi đâu hả? – Kăply lúng túng, cố chọn cách trả lời thiệt vòng vèo để che lấp sự quan tâm của nó đối với tiệm Những Dấu Hỏi. – Cũng chẳng đi đâu đặc biệt, Êmê à. Anh và Mua lên trường. Nói chung là… cũng chẳng hiểu ra sao nữa… đại khái là tự dưng anh bỗng thèm món chả cá…
Êmê đánh mắt sang Mua, không nói gì nhưng cũng đủ khiến mặt Mua ửng lên như mặt trời mới mọc.
- K’Brêt nói thiệt đó. – Mua ngượng ngập xác nhận. – Tụi này đi ăn ở chỗ chú Y Sai…
- Phải nói là chả cá của gã Y Sai ngon thiệt. – Kăply láu táu tiếp lời bạn. – Bữa nay tụi này lại bất ngờ được ăn miễn phí, khoái ơi là khoái!
- Miễn phí? – K’Tub nhảy tưng tưng. – Anh không nói xạo đó chớ, anh K’Brêt?
- Thiệt trăm phần trăm, K’Tub! – Kăply toét miệng cười. – Gã Y Sai thảy cho tụi anh tờ Tin nhanh N, S & D ra bữa nay. Đọc xong, anh chửi lão Eakar và tay phóng viên Chor tan nát. Điên tiết thì chửi khơi khơi vậy thôi. Không ngờ gã Y Sai khoái quá, khen anh tới tấp và tuyên bố không lấy tiền. Còn tặng thêm một đĩa chả to đùng nữa chớ.
Nghe nhắc đến tờ Tin nhanh N, S & D, mặt K’Tub sa sầm xuống:
- Không hiểu Ama Đliê ăn phải thứ gì mà càng ngày lão càng khó ưa quá sức. Làm như thầy N’Trang Long chưa bị cách chức hoặc chưa bị tống giam thì lão ngủ không ngon hay sao ấy.
- Ama Đliê xưa nay vẫn thế, K’Tub. – Êmê nhún vai. – Đáng giận chính là lão Eakar. Hổm rày, thầy N’Trang Long đã giúp lão vén được bao nhiêu là bí mật. Cái đầu mít đặc của lão luôn luôn đi chệch hướng. Nếu không có thầy nhúng tay vào, đến nay chắc lão cũng chưa mò ra được ngón chân út của Buriam.
Nguyên nãy giờ không nói một câu nào, vẫn bó gối ngồi tựa lưng vào thành giường, đầu óc như đang lang thang đâu đó bên ngoài cửa phòng. Chắc chắn là nó nghe tất cả những gì tụi bạn nói nhưng trông mặt thì dường như nó không hiểu gì.
- K’Brăk! – Mua kêu lên khi phát giác ra vẻ khác lạ của Nguyên. – Bạn có nghe tụi này nói gì không vậy?
- Ờ, ờ…. – Như bị đánh thức, Nguyên ngồi thẳng lưng lên, chớp mắt nhìn mọi người.
- Anh đang nghĩ gì vậy hả, anh K’Brăk? – Êmê nhìn Nguyên, dò xét với vẻ âu yếm.
- À, ờ…. – Nguyên thò tay dứt một sợi tóc, tặc tặc lưỡi. – Anh đang nghĩ xem kẻ lộng hành mấy bữa nay là ai.
Mua run run:
- Bạn không nghĩ hắn là Bastu đấy chứ?
- Tôi không tin đó là hành động của Bastu. – Nguyên khẽ lắc đầu. – Điều đó không phù hợp với tác phong của một trùm hắc ám. Có thể đó là một tay chân của hắn.
- Anh nói đúng đó, anh K’Brăk.
Tiếng Suku oang oang. Cả bọn ngó ra, thấy Suku và Păng Ting đang lục tục nối bước đi vào.
Suku hất mớ tóc rêu lòa xòa trước trán, đảo mắt ngó quanh, cuối cùng tia nhìn dừng lại trên mặt Nguyên:
- Đó là chưa kể, theo như những gì em biết được, trùm Bastu hiện đang ở rất xa.
K’Tub dài môi ra:
- Lại nghe lén ông mày chứ gì!
Êmê chợt buông một tiếng thở dài:
- Lạ thật. Tụi mình đã trở về đây một tuần rồi mà vợ chồng cậu K’Rahlan chẳng thấy đâu. Không lẽ…
Êmê bỏ ngang câu nói gở, nhưng vẻ mặt hoang mang của nó khiến Suku không thể không lên tiếng:
- Chị yên tâm đi, chị Êmê. Vợ chồng thủ lĩnh K’Rahlan chưa quay lại lâu đài có lẽ do bận chuyện gì đó. Với trình độ của họ, nếu không thắng được trùm Bastu họ cũng không để cho hắn dễ dàng hãm hại đâu.
Păng Ting cất giọng phấn khích, ánh mắt chạy qua chạy lại giữa Nguyên và Kăply:
- Thế hai anh có định giúp Cục an ninh truy nã tên tội phạm kia không? Em nghĩ sau khi ăn được quả táo vàng…
- Đó không phải là nhiệm vụ của chiến binh giữ đền, Păng Ting à. – Nguyên ngắt lời bạn. – Cách đây ba ngày, thầy Haifai đã nói chuyện với tụi anh rồi. Thầy bảo thầy hiệu trưởng dặn tụi anh nếu không thực cần thiết thì không được can thiệp vào vụ lộn xộn này, đó là chuyện của Cục an ninh.
- Nhưng bây giờ thì em thấy quá sức cần thiết rồi đó, anh K’Brăk. – K’Tub ré lên, tức tối. – Lão Eakar đã lôi trường Đămri vào cuộc. Có nghĩa là ngay cả tụi mình cũng bị Cục an ninh đặt dấu hỏi. Em nghĩ, để tự vệ, anh bắt buộc phải ra tay…
- Đừng đẩy vấn đề đi quá xa như thế, K’Tub. – Nguyên khụt khịt mũi, nó cố nặn một vẻ mặt bình thản nhưng giọng nói lại không giấu được nỗi lo lắng. – Nhưng dẫu sao thì những tuyên bố của thám tử Eakar cũng sẽ dấy lên trong trường một bầu không khí hoang mang và nghi kỵ, mà điều đó thì thiệt là tệ hại!
Cả đống ánh mắt đổ dồn vào Nguyên, có vẻ bọn trẻ cảm thấy sự việc bắt đầu trở nên nghiêm trọng:
- Vậy tụi mình phải làm sao há?
Nguyên lướt mắt qua những gương mặt căng thẳng của tụi bạn, cảm thấy tự mình cũng không biết phải làm sao. Cuối cùng nó mừng rỡ nghĩ ra một cách. Cách đơn giản nhất:
- Ngày mai anh và K’Brêt sẽ đi gặp thầy N’Trang Long.