Chuyện Xứ Lang Biang (Tập 4: Báu Vật Ở Lâu Đài K'rahlan)

Chương 17: Chương 09 - Phần 2



Thầy N’Trang Long nhận xét như thuận miệng. Nhưng câu nói bâng quơ của thầy đủ làm gương mặt nhà thám tử đỏ lên:

- Tôi… tôi…

- Ông Eakar, – thầy N’Trang Long tỉnh bơ tiếp, như không nhận thấy vẻ lúng túng của nhà thám tử. – màu đen không những rất hợp với ông mà còn hợp với cả cái nghề của ông nữa. Tôi không hiểu tại sao ông lại từ bỏ nó để khoác vào chiếc áo khá là lẳng lơ này.

- Ông N’Trang Long! – Bộ trưởng Kan Kuru kêu lên, rõ ràng ông vô cùng sốt ruột khi thấy sự quan tâm của vị hiệu trưởng càng ngày càng trượt ra ngoài rìa của cuộc điều tra và không biết sẽ dẫn dắt câu chuyện đi tới đâu trong khi hai chân ông đã có vẻ không gánh nổi trọng lượng của chính ông thêm một phút nào nữa. – Tôi nghĩ chuyện ăn mặc là sở thích cá nhân.

- Ông cũng khoái mặc áo tím đó thôi, ông hiệu trưởng. – Cục trưởng Ama Moto nhếch mép.

- Sao ông lại nói thế, ông Cục trưởng? – Thầy N’Trang Long phất vạt áo chùng thùng thình làm cho nó tung lên. – Màu tím thẫm của tôi là màu của người già. Rất già. Tôi đã già khụ rồi nhưng chiếc áo của tôi hình như còn già hơn tôi gấp bội.

Thầy chỉ tay vào nhà thám tử:

- Ngược lại, các ông nhìn xem, chiếc áo tím hoa cà của ông Eakar trông mới trẻ trung làm sao. Lại còn những đốm hoa vàng li ti nữa. Chà, trông cứ như chàng trai hai mươi tuổi.

Bộ trưởng Kan Kuru nhăn nhó nói, hai tay vẫn thận trọng bợ lấy chiếc bụng:

- Cho dù như vậy thì tôi thấy chuyện ông Eakar trau chuốt cách ăn mặc cũng chẳng hề liên quan đến những gì chúng ta đang muốn biết.

- Ông Bộ trưởng. – Thầy N’Trang Long chỉ tay vào chiếc ghế kê sát vách. – Nếu ông cảm thấy cặp giò của ông đã bắt đầu phản đối thì xin mời ông ngồi xuống ghế cho đỡ mệt. Tôi đâu có yêu cầu ông đứng đó để cản trở sự tò mò của tôi.

Cục trưởng Ama Moto nhạt nhẽo xen lời:

- Ngay cả tôi cũng không muốn chứng kiến cái cảnh ông cứ xoáy vào cách phục trang của thám tử Eakar nếu ông không chứng minh được đây là những thắc mắc phục vụ cho công cuộc điều tra.

- Tôi biết, tôi biết. – Thầy N’Trang Long gật đầu chẳng chút phật ý. – Tôi cũng muốn kết thúc chuyện này lẹ lẹ cho rồi để tôi còn quay về với công việc chuyên môn của mình. Bộ mấy ông tưởng tôi khoái cà kê dê ngỗng lắm hả?

Thầy liếc nhà thám tử lúc này đang lóng ngóng không biết làm gì với hai bàn tay của mình (ông hết chùi tay vào vạt áo lại bắt chước thầy N’Trang Long đưa lên mò mẫm chỗ râu cằm), hắng giọng nói:

- Ông Eakar, chắc ông cũng rõ là tôi rất muốn biết tại sao ông tự dưng khoái cái màu tím tình tứ này rồi chớ?

Thám tử Eakar giật thót như đang ăn vụng bị bắt quả tang:

- Ơ… tôi…

Giọng thầy N’Trang Long giễu cợt:

- Ông đừng có nói là ngày xưa xa xôi tôi vẫn yêu màu tím đó nha.

Gương mặt Eakar ửng màu gạch cua:

- Ngài hiệu trưởng, tôi nghĩ luật pháp luôn bảo vệ những chuyện riêng tư…

- Ông Eakar, nhưng luật pháp cũng cho phép điều tra viên được quyền đặt bất cứ câu hỏi gì với những can phạm. – Từ chiếc ghế sát vách, Bộ trưởng Kan Kuru hùng hồn cất giọng, thái độ của ông lúc ngồi so với lúc đứng thiệt khác nhau xa.

- Ngươi cứ nói hết ra đi, Eakar. – Cục trưởng Ama Moto thở hắt ra. – Nếu chuyện ăn mặc của ngươi không ăn nhập gì đến nội dung vụ án, ta sẽ có cách buộc ngài hiệu trưởng phải trả lời trước pháp luật về hành vi xâm phạm đời tư người khác…

Được sếp động viên, nhà thám tử cảm thấy sự bình tĩnh đang từ từ quay về với mình. Và ông bắt đầu nhớ lại…

Hôm đó là một ngày rất đẹp. Một buổi chiều vàng. Trời trong văn vắt, đẹp đến nỗi thám tử Eakar vừa đi vừa ngước nhìn lên, cây gậy phép múa vu vơ trên tay, trông vẻ mặt bâng khuâng của ông có thể đoán trái tim ông đang được lấp đầy bởi một cảm giác xao xuyến mơ hồ.

Eakar cứ đi lang thang như thế, cũng không nhớ là mình định đi đâu. Dẫn dắt ông lúc này là một nỗi khát khao kỳ lạ. Chưa bao giờ ông cảm thấy yêu cuộc đời đến vậy. Dĩ nhiên thỉnh thoảng Eakar vẫn bắt gặp những cảm giác lâng lâng như thế. Một sớm mai mở bừng mắt dậy, nghe tiếng chim hoàng yến líu lo ngoài cửa sổ, ông bỗng cảm thấy cuộc đời tuyệt đẹp. Buổi chiều ra thăm vườn, chợt phát hiện trên mảnh đất mình gieo hạt từ nhiều hôm trước có một mầm non mới nhủ, ông cảm nhận rõ rệt niềm vui sướng ran ran trong người.

Nhưng những khoảnh khắc như thế thật là hiếm hoi với một người bận bịu như Eakar. Chiều nay, đã lâu lắm rồi ông mới tự cho phép tâm trí mình lãng đi những vụ điều tra hay đuổi bắt để trôi bồng bềnh theo những cụm mây trắng nõn trên cao.



Chân nhà thám tử giẫm bừa lên cánh đồng cỏ. Ông đã bước chệch khỏi con đường mòn nhưng ông cứ mặc kệ. Thiên nhiên đẹp quá! Những vụ án được khám phá cũng có vẻ đẹp của nó, nhưng không đẹp bằng thiên nhiên! Ông tự nhủ, và lại rảo bước.

Nhà thám tử đi hoài, đi hoài như vậy, xuyên qua đồng cỏ, xuyên qua nắng, xuyên qua buổi chiều. Rồi đến một lúc, bất chợt ông cảm thấy buồn. Hình như trong cuộc đời này, cái gì quá đẹp đều sinh ra nỗi buồn. Nhà thám tử cảm thấy hiu quạnh và ông vô cùng ngạc nhiên về điều đó. – tâm trạng mà ông chưa từng trải qua bao giờ. Lúc này đây, trong lòng ông dồn nén bao nhiêu là cảm xúc, nhưng ông chợt nhận ra là ông không thể chia sẻ cùng ai. Giả dụ bên cạnh ông là những phù thủy của Cục an ninh, ông biết ông không thể nói với họ “cuộc đời đẹp quá”. Thám tử Eakar mà nói một câu như thế thì thiệt là ủy mị, thậm chí quá sức kỳ cục. Chẳng thà ông nói “Lọ dầu mùi này thơm quá!”

Tim nhà thám tử đột nhiên nhói đau khi nhớ đến lời xài xể của giáo sư nhóc tì Akô Nô hôm đụng đầu với ông trong phòng y tế trường Đămri: “Ông từng này tuổi mà chưa từng yêu ai nên khùng khùng là phải. Ông nên tập yêu một ai đó, ông Eakar, cho dù có thể người ta không thèm để ông vào mắt.” Ta mà khùng ư? Hừm, làm gì có chuyện đó! Eakar biết mình rất tỉnh táo, nhưng đầu óc ông không ngừng bị những lời mỉa mai của giáo sư Akô Nô ám ảnh: “Ngoài chuyện suốt ngày ngồi mái nhà, ông còn biết cái quái gì nữa đâu.” Thám tử Eakar từ từ nhớ lại, ông còn nhớ cả cụm từ “tâm hồn khô héo” mà giáo sư Akô Nô gán cho ông.

Eakar biết là tâm hồn mình không hề khô héo, nó chỉ sao nhãng đi bởi công việc. Như lúc này đây, khi nỗi băn khoăn về nghĩa vụ lẫn những khát khao về danh vọng tạm thời lắng xuống, ông bắt gặp mình đang trải qua một buổi chiều thật nhẹ nhõm và lòng ông đang dậy lên bao nỗi xốn xang.

Đúng vào lúc nhà thám tử mắc kẹt trong những mắt lưới của nỗi cô đơn và cảm thấy cuộc đời vắng vẻ hơn bao giờ hết, ông chợt nhìn thấy người đó.

Thám tử Eakar trước đây chưa bao giờ để tâm đến phụ nữ và nếu có lần nào đó ông chăm chú nhìn họ cũng chỉ để tự hỏi họ có gì khả nghi hay không. Phụ nữ dưới mắt một thám tử yêu nghề như Eakar chỉ là một nghi can không hơn không kém. Ông chưa bao giờ ngắm một phụ nữ với tư cách một phụ nữ. Trừ lần này.

Cho nên người phụ nữ mà Eakar trông thấy chắc chắn phải đẹp. Mà người phụ nữ đó đẹp thiệt. Cô ta ngồi trên một phiến đá xanh ở cuối cánh đồng cỏ, mặc chiếc áo trắng thanh nhã, chiếc váy màu tím điểm xuyết những hoa văn li ti, giỏ hoa đong đưa trên tay, đang hồn nhiên chơi đùa với những cánh bướm chập chờn quanh những bông hoa dại mà cô vừa mới hái.

Thám tử Eakar đứng xa xa, ngẩn ngơ nhìn. Trông gương mặt đờ đẫn của ông có thể tin rằng đây là lần đầu tiên ông chính thức nhìn thấy một phụ nữ. Ông nhìn cô gái lạ không chớp mắt, cố giữ mình để không gây ra tiếng động, mặc dù lòng ông đang vô cùng hồi hộp. Thậm chí có lúc ông nhận ra mình không hề thở. Cứ như thể ông lo rằng hơi thở của ông có thể làm xao động bầu không khí trong lành đang vây quanh cô gái.

Cô gái không nhìn thấy nhà thám tử, cho dù ông đã đổi chân hai ba lần. Cô vẫn đùa giỡn với những cánh bướm đủ màu, thỉnh thoảng lại bật ra những tràng cười khanh khách nghe vui tai như tiếng pha lê chạm vào nhau. Thám tử Eakar vẫn chết lặng một chỗ, bần thần, mê mẩn, lòng ông nẩy mầm một cảm giác gì đó như là sự xôn xao trìu mến, nhất là càng lúc ông càng khám phá ở cô gái một vẻ yêu kiều đặc biệt.

Cuối cùng thì cô gái cũng ngẩng đầu nhìn về phía nhà thám tử, không phải vì cô phát hiện ra sự có mặt của ông mà vì lúc đó đằng sau lưng ông một con sóc đang quệt chiếc đuôi dài vào bụi tầm ma làm phát ra những tiếng sột soạt.

- Ôi, thưa ông…

Hết sức ngạc nhiên, cô gái giương đôi mắt tròn xoe ra nhìn nhà thám tử, bối rối thốt.

- Chào em. – Thám tử Eakar cất tiếng chào, sửng sốt về tiếng “EM” lạ lẫm trên môi mình.

- Ông đến đây đã lâu chưa ạ? – Cô gái ngập ngừng hỏi.

- Tôi vừa mới tới. – Eakar nói dối, không muốn làm cô gái xấu hổ. Ông nuốt nước bọt. – Còn em?

- Em chơi ở đây lâu rồi, thưa ông. – Cô gái đặt giỏ hoa trên tay xuống, bẽn lẽn đáp. – Em rất hay ra đây. Em thích cánh đồng này.

Nhà thám tử vội vàng tán thành, giọng dịu dàng như thể mượn của ai:

- Tôi cũng chưa từng thấy cánh đồng nào đẹp như cánh đồng này.

Vừa nói, Eakar vừa bước tới vài bước để đến gần hơn phiến đá xanh.

- Nhà em ở gần đây không? – Một lát ông đã đứng trước mặt cô gái, chăm chú nhìn cô, mỉm cười hỏi.

- Nhà em ở xa lắm.

Cô gái nói, rồi cô hồn nhiên vỗ tay lên phiến đá mình đang ngồi:

- Sao ông không ngồi xuống đây?

Thám tử Eakar ngần ngừ một thoáng rồi ngồi xuống cạnh cô gái. Trông ông rụt rè như một chàng trai mới lớn…

oOo

Hôm đó, Eakar nhớ lại, ông chưa bao giờ nói chuyện nhiều như thế trong đời, mặc dù ông không nhớ rõ đó là những chuyện gì.

- Những chuyện vẩn vơ thôi. – Ông nói, không nhìn ai trong ba người.

Bộ trưởng Kan Kuru xoa bụng, giọng hồ hởi:

- Tôi nghĩ tôi nên chúc mừng ông, ông Eakar.



Cục trưởng Ama Moto liếc thầy N’Trang Long, vẻ mặt hả hê:

- Ông cũng chúc mừng ông Eakar chứ?

- Ông Cục trưởng, – Thầy N’Trang Long điềm nhiên. – ông cũng biết là tôi chẳng phấn khởi gì khi thấy nhà thám tử của chúng ta tới tuổi này rồi mà vẫn thui thủi một mình. Nhưng ông cho phép tôi hỏi ông Eakar thêm vài câu rồi chúc mừng sau cũng không muộn.

Quay sang nhà thám tử, thầy N’Trang Long ôn tồn:

- Ông Eakar, xin lỗi ông, đáng lẽ sau khi nghe xong câu chuyện thơ mộng như vừa rồi, tôi không nên tò mò thêm nữa. Nhưng để tôi có thể chia vui với ông một cách thiệt sự thoải mái, tôi xin hỏi ông vài câu cuối cùng. Nói chính xác thì tôi chỉ hỏi ba câu thôi.

- Ngài cứ hỏi, ngài hiệu trưởng.

Eakar hờ hững đáp, có vẻ như ông cảm thấy ba câu hay ba trăm câu lúc này cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tâm trí ông đang bay đến cánh đồng cỏ ngoài xa kia.

- Về cái vụ tại sao dạo này ông chuyển qua thích màu tím hoa cà thì đã có câu trả lời rồi. Điều tôi muốn biết là có phải sau lần đó ông còn gặp người con gái kia thêm nhiều lần nữa?

- Ờ.

Thầy N’Trang Long nhìn lom lom vào mặt nhà thám tử, thận trọng hỏi tiếp:

- Và tôi chắc là đến giờ này ông vẫn chưa biết được gốc gác của cô ta?

- Ờ. – Eakar vẫn đáp với giọng mơ màng.

- Ông Eakar. – Giọng thầy N’Trang Long đột ngột cất cao, như thể bằng cách đó hi vọng đánh thức nhà thám tử khỏi trạng thái thẫn thờ. – Bây giờ là câu hỏi chót của tôi, tôi chờ đợi ở ông một sự tỉnh táo và một trí nhớ cần thiết.

Eakar gật đầu, ánh sáng thoáng trở lại trong đôi mắt tinh nhanh:

- Ngài hỏi đi. Tôi sẵn sàng nghe đây.

Vẫn xoáy mắt vào mặt nhà thám tử, thầy N’Trang Long nói thật chậm như đang nhai từng từ:

- Cô gái đó có trang điểm thứ gì đặc biệt trên mái tóc hay không?

Trước ánh mắt đau đáu của thầy N’Trang Long, của ông Bộ trưởng và ông Cục trưởng, cả của pháp sư Lăk đang đứng thập thò gần đó, nhà thám tử hân hoan gật đầu:

- Dĩ nhiên là có. Ôi, các ngài không thể hình dung ra đâu. Một thứ trang sức vô cùng giản dị và mộc mạc. Một vẻ đẹp hương đồng gió nội làm say đắm lòng người. – Eakar càng nói mặt mày càng hớn hở, ông đột nhiên giống như đang làm thơ chứ không phải đang trả lời chất vấn. – Tôi yêu và vĩnh viễn yêu đóa hoa cài trên mái tóc cô ấy…

Nhà thám tử si tình vừa nói tới đây, cả ông Bộ trưởng giáo dục lẫn ông Cục trưởng an ninh đều giật bắn người.

Ông Ama Moto hỏi như quát:

- Bông hoa đó màu gì?

- Màu đỏ, thưa ngài. – Eakar suýt xoa đáp, vẫn chưa dứt ra khỏi trạng thái hưng phấn. – Một bông hoa đỏ trên mái tóc xanh, ôi, trông mới đẹp làm sao!

- Đẹp cái con khỉ! – Ama Moto gầm lên, những cơ mặt giật đùng đùng. – Ngươi có biết người con gái đó là ai không hả?

Nhà thám tử ngơ ngác nhìn ông sếp:

- Là ai, thưa ngài?

Ama Moto rít qua kẽ răng:

- Ả chính là Balikem, hữu hộ pháp của trùm Hắc Ám.