Bây giờ Kăply mới nhận ra không có Mua trong bọn. Nó ngoảnh cổ nhìn quanh, ngạc nhiên:
- Ủa, Mua đâu rồi há?
- Chị Cặp Sách hả? – K’Tub chớp chớp mắt. – Hình như sáng nay chỉ không đến lớp, anh K’Brêt.
Êmê nhíu mày, giọng băn khoăn:
- Chắc Mua ốm rồi. Xưa nay tụi mình có thấy Mua nghỉ học bao giờ đâu.
Sống trên đời ai mà chẳng có lần ốm, nhưng Kăply vẫn thấy lòng mình quặn lại khi nghĩ đến Mua. Chắc tại hôm qua mình dẫn Mua lang thang ngoài nắng nên bây giờ nhỏ bạn của nó đang nằm xụi lơ ở nhà! Kăply rầu rầu nghĩ. Đang hào hứng vì cả bọn vừa tìm ra được đầu mối dù là rất mơ hồ của vụ án “mông tặc”, nhưng cứ nghĩ đến Mua lúc này đang nằm rên hừ hừ bằng cặp môi tái xanh, Kăply cảm thấy như có ai đang vặn tắt niềm vui vừa chớm lên trong lòng nó.
Mặt dàu dàu, nó thất thểu bước, kéo lê nỗi buồn của mình trên đại lộ Brabun, trông u sầu như một con rùa khốn khổ đang lê chiếc mai của mình trên đường đời dằng dặc. Cả bọn kín đáo nhìn Kăply, thấy buồn cười quá sức nhưng không đứa nào dám hé môi. Tự nhiên mà cả đám đi đứng lặng ngắt. Chia tay cũng lặng ngắt.
Nhưng khi giáp mặt ông K’Tul ở bàn ăn thì Kăply không nhớ là mình đang trải qua nỗi buồn.
- Ghê chưa, tụi con! – Cái giọng đầy phấn khích của ông K’Tul nghe sang sảng như phát qua một cặp loa cực lớn, vừa nói ông vừa huơ tít tờ báo trên tay theo cái kiểu người lính xung kích hân hoan phất cờ trên lô cốt địch.
Kăply quên mất Mua đang ốm, cắm mắt vô tờ báo mà nó biết là tờ Tin nhanh N, S & D vì đã lâu ông K’Tul đã không đặt mua tờ Lang Biang hằng ngày nữa, một tờ báo mà theo ông là thối hoắc như một đống rác và tò mò hỏi:
- Thám tử Eakar bắt được thủ phạm rồi hả bố?
- Chưa. Cái đó thì chưa. – Hàng ria con kiến trên môi ông K’Tul rung rung, cho thấy ông đang khoái chí ghê gớm. – Nhưng chắc cũng sắp rồi. Ai chứ Eakar thì ta tin lắm.
K’Tub giương mắt nhìn ba nó, thắc mắc:
- Ủa, Eakar chưa tóm được thủ phạm, làm gì mà ba vui dữ vậy?
- Nghe đây nè. – Ông K’Tul phe phẩy tờ báo. – Tối hôm qua lại thêm một nạn nhân bị tên “mông tặc” tấn công.
- Con thấy chẳng có gì đáng vui trong chuyện này hết. – K’Tub hừ giọng, chẳng chút nể nang. – Ama Đliê mở cờ trong bụng thì kệ ổng, bởi vì thằng cha đần độn đó tin rằng vụ này liên quan đến trường Đămri. Ba thì đâu có dính dáng gì vô đây!
- Hỗn xược! – Ông K’Tul quắc mắt nhìn thằng con, nói như gằn từng tiếng. – Bộ mày tưởng trường Đămri dạo này ngon lành lắm hả? Nói thiệt thì ta cũng đâu có ưa gì lão N’Trang Long.
- Con cũng nói thiệt là con không hiểu nổi tại sao ba lại ghét thầy hiệu trưởng trường con đến thế. – K’Tub thừa cơ xổ luôn ấm ức lâu nay. – Theo con, thầy N’Trang Long là một hiệu trưởng tốt…
- Tốt cái con khỉ! – Ông K’Tul gầm lên, mạnh đến mức tô canh trước mặt rung rinh khiến nước bên trong suýt tạt ra bàn. – Nếu lão thực sự là một hiệu trưởng tốt thì trường Đămri đâu có tuầy huầy ra như thế. Từ xưa đến nay ta và dì con chưa từng nghe nói có thời kỳ nào trường Đămri xảy ra hết rắc rối này đến rắc rối khác trong một thời gian ngắn như vậy.
K’Tub mặt đỏ phừng phừng và khi thấy nó có vẻ muốn đứng bật dậy, bà Êmô lập tức đưa tay ra:
- Bình tĩnh đi, K’Tub.
Bà lướt đôi mắt dịu dàng và phiền muộn qua các gương mặt đang ngồi quanh bàn, nói như phân bua:
- Cậu K’Tul có nói vậy thiệt ra cũng chỉ vì lo lắng cho sự an nguy của các con thôi. Ngay cả ta nữa, ta cũng không an lòng chút nào khi mỗi ngày lại đón nhận một tin không hay, nhất là dạo gần đây các sứ giả của phe Hắc Ám liên tục xuất hiện ở khu vực này. Cả tả hộ pháp Balibia cũng ra mặt…
Đến đây, thấy bà rút từ trong túi ra một chiếc khăn. Kăply biết là bà sắp sửa xì mũi. Nó vội vã ngăn sự xúc động của bà lại bằng cách lảng sang đề tài khác.
- Thế tối hôm qua nạn nhân bị tấn công ở đâu hở bố?
- Trên đường Ma Ya.
Ông K’Tul đáp gọn lỏn nhưng với bọn trẻ hai chữ Ma Ya y chang hai phát đạn vừa bắn sượt qua tai. Phải vất vả lắm tụi nó mới không nhảy nhổm lên, nhưng mặt mày đứa nào đứa nấy không giấu được vẻ thảng thốt.
- Đừng sợ, tụi con. Đừng sợ! – Bà Êmô hiểu thái độ của bọn trẻ theo cách đơn giản nhất, lật đật lên tiếng trấn an, vừa nói bà vừa rối rít huơ chiếc khăn trên tay, quên mất đó là tấm khăn để xì mũi chứ không phải là tấm bùa trừ tà ma. – Miễn là buổi tối, các con, nhất là Êmê đừng lang thang ngoài phố thì chẳng có gì đáng sợ hết.
- Dĩ nhiên là con không bao giờ ra ngoài vào ban đêm.
Êmê nói, hết sức nhỏ nhẹ và bà Êmô hoàn toàn bị vẻ ngoan ngoãn đó đánh lừa, không biết con gái bà vừa nói vừa thò chân đạp lên chân Nguyên một cái dưới gầm bàn như ngầm giục thằng này ăn vội lên để còn chạy lẹ ra cửa tiệm của mụ Kibo.
Thằng K’Tub cũng không buồn cãi lại ba nó nữa. Nôn nóng với chuyện phục kích ở hẻm Râu Ngô, nó vục mặt lên đĩa xà lách trộn, nhét bất cứ thứ gì quơ quào được vô miệng, vờ như không nghe thấy tiếng ông K’Tul tiếp tục ra rả bên tai:
- Thám tử Eakar mà tóm cổ được tên “mông tặc”, lão N’Trang Long thế nào cũng bị rầy rà to…
Như sợ những lời lẽ của ông K’Tul sẽ châm ngòi cho một cuộc phản kháng mới, nhất là một đứa lúc nào cũng sẵn sàng bùng nổ như thằng K’Tub, bà Êmô thận trọng quét mắt sang mấy đứa trẻ, cố lấy giọng êm ái, hi vọng không làm đứa nào cảm thấy tổn thương:
- Tụi con ăn lẹ đi rồi đi nghỉ.
Và bà không khỏi ngạc nhiên, cả xúc động nữa, khi thấy bọn trẻ hưởng ứng đề nghị của bà một cách tích cực, một chuyện phải nói là vô cùng hiếm có. Ngay lúc đó, bà không hề biết rằng chừng nửa tiếng sau, mấy đứa trẻ ngoan ngoãn mà bà tưởng là đang ngủ khò trong phòng thực ra đang lông nhông trên đường Brabun, vừa chạy vừa thở hồng hộc, y như những đứa ma cà bông hạng nhất.
Êmê chạy nhanh nhất, như đã từng xảy ra. Nó đã không muốn hẹn trước CỬA HIỆU THẤT TÌNH, nhưng lúc đi ngang qua đó, ban nhạc củ cải của lão Seradion vẫn dộng ầm ầm vô tai nó những lời lẽ mà thiệt sự là nó không bao giờ muốn nghe kể cả khi không còn gì để mà nghe nữa trên cõi đời này:
- Những ai không thiết sống
Vô đây, sống lại liền
Những ai co giò chạy
Sẽ đến nhà thương điên…
Chỉ nghe loáng thoáng mấy câu, Êmê đã cắm đầu chạy, kéo cả bọn chạy theo, bụng nguyền rủa lão Seradion tơi tả. Nó tin chắc lão già móm xọm đó viết bài nhạc này hổng có mục đích gì đẹp đẽ ngoài mục đích nhạo báng nó và những kẻ yếu bóng vía như nó.
Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bọn Kăply vừa trờ tới trước cửa tiệm Bay Lên Nào đã thấy Bolobala và Păng Ting đợi sẵn ở đó.
Bộ tịch xốc xếch của tụi bạn khiến Bolobala tròn xoe mắt:
- Chuyện gì thế?
- À, không có gì. – K’Tub cười khì khì, tính trêu Êmê một câu nhưng thấy mặt bà chị đang nhảy loạn xạ từ xanh qua đỏ rồi từ đỏ qua xanh, nó rụt cổ nín thinh, biết rằng hành động khôn ngoan nhất trong lúc này là dán chặt miệng mình lại.
- Em không rủ Suku đi à, K’Tub? – Păng Ting hỏi, mắt nhìn chằm chằm vào túi áo của K’Tub, vẻ dò xét.
- Em bỏ quên chiếc ống Siêu cảm ứng trong chiếc áo chùng rồi. – K’Tub gãi đầu, và nhăn nhó nói thêm. – Hơn nữa thằng Suku dạo này bận rộn lắm. Có rủ chưa chắc nó đã đi.
- Nó làm gì mà bận thế? – Bolobala hỏi.
- Em cũng chẳng biết nữa. – Kăply phân vân đáp. – Hình như nó đang rắp tâm theo dõi con Chacha. Nó nghi con khỉ nhà nó đem về cả đống táo vàng chứ không chỉ ba quả.
Cả bọn vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc đã tới đường Ma Ya. Đường Ma Ya cắt ngang đại lộ Brabun, cách con đường nhỏ dẫn vô nhà thằng Tam khoảng nửa cây số, hai bên cây cối um tùm, Kăply để ý thấy toàn loại cây lạ, lá tròn như mặt trăng với những bông hoa to như quả bí ở làng Ke.
- Nhà bạn ở đường này à, Bolobala? – Nguyên hỏi.
- Ờ. Nhưng ở tận cuối đường, còn phải đi xa lắm. – Bolobala gật đầu, đang nói nó vùng chỉ tay vào con hẻm nhỏ bên tay phải. – Đây là hẻm Râu Ngô. Tụi mình vô nấp đi.
Hẻm Râu Ngô nhưng không có cây bắp nào, Kăply nhìn quanh, ngạc nhiên vì phát hiện lạ lùng đó, nhưng rồi nó đoán có lẽ địa danh này đã có từ thời xa xưa. Hồi trước có lẽ ở đây là cánh đồng bắp, Kăply nghĩ bụng và giậm giậm chân lên miếng đất dẻo bên vệ đường rồi ngồi thụp xuống sau lùm cỏ rậm lá nhọn như lá mía quẹt vô má rát rạt.
Ở bên cạnh, tụi Êmê cũng đã giấu người trong cỏ, và đứa nào đứa nấy rụt lại, hoang mang và sợ sệt, tóm lại không giống chút nào với hình ảnh của người đi săn đang rình mồi.
Cả bọn ngồi lâu thật lâu nhưng chẳng có gì đáng chú ý hết. Cũng có dăm bảy người ra vô con hẻm nhưng người đàn ông mà Bolobala mô tả hổng thấy đâu. Trong khi đó trời càng lúc càng hầm hập, cây cối thì nhiều nhưng cành lá như mơ ngủ, chẳng có lấy một chút gió. Kăply quẹt mồ hôi trên trán, quay sang Bolobala, ánh mắt nó nhìn nhỏ bạn trông rất giống với cái cách nó nhìn một đứa ba xạo hết chỗ nói.
- Kiên nhẫn chút đi, K’Brêt. – Bolobala thì thầm, không cần phải thông thái nó mới biết Kăply đang nghĩ gì trong đầu và điều đó khiến nó cảm thấy bị xúc phạm. – Hôm qua chính mắt tôi thấy ông ta đi ra từ con hẻm này.
Nguyên ngồi cạnh, nghe những gì Bolobala nói một cách hững hờ. Ngồi rình thủ phạm nhưng từ nãy đến giờ hình ảnh lão Ôkô Na đang choán hết tâm trí nó. Không hiểu sao cho đến lúc này nó vẫn cảm thấy lão Ôkô Na là đáng nghi nhất. Nó không tin người đàn ông mà Bolobala trông thấy là tên “mông tặc”. Nó không tìm thấy lý do gì để thủ phạm phải khoe ra những chiếc đinh hắn thường dùng để gây án giữa ban ngày ban mặt như thế nếu hắn không vừa bị chó dại đớp cho một phát.
Nguyên nghĩ và nghĩ, chốc chốc lại thò tay dứt tóc nếu chẳng may ý nghĩ trong đầu bị rối ở một chỗ nào đó, rồi lại bứt chiếc lá nhọn đang quẹt vào chóp mũi, vò vò trong những ngón tay, mắt vẫn nhìn lom lom qua kẽ lá.
Lâu thật lâu, chẳng thấy gì khả nghi, đầu óc Nguyên có vẻ sắp sửa lãng đi thì Bolobala bật rên khẽ một tiếng trong cổ họng khiến nó lập tức tỉnh như sáo:
- Ổng kìa!
Đúng là người đàn ông đó, như Bolobala mô tả: Tóc lún phún trên chiếc đầu húi trọc, khi ông tới gần Nguyên ngạc nhiên thấy mặt ông đỏ gay như người say, mà có lẽ ông say thật cũng nên vì khi ông đi ngang nó nghe bốc vào mũi mùi gì nồng nặc cứ như thể đang lượn qua trước mặt tụi nó là một hũ rượu mở nắp. Mỗi tay ông cầm một chiếc đinh dài, cứ đi một đoạn ông lại dang tay gõ mạnh hai cây đinh vào nhau, trông như thể thầy pháp đang làm phép. Những âm thanh leng keng phát ra từ hai chiếc đinh không vang xa lắm nhưng đủ khiến những người đi đường ngoảnh cổ nhìn và cứ mỗi lần như vậy ông lại đập hai cây đinh vào nhau mạnh hơn nữa như để gây sự chú ý.
Bọn trẻ chăm chú dõi mắt vào người đàn ông quái dị, nghĩ là ông bị điên và khi ông lướt ngang qua trước chỗ tụi nó nấp thì mắt đứa nào đứa nấy trợn ngược lên như thể thấy ma.
Rõ ràng trên chiếc đầu nhẵn thín của ông đang chạy dài một hàng chữ kẻ bằng thứ gì đó đỏ lòm ngó giống như là máu. Nhưng sự kiện đó không làm bọn Kăply đứng tim bằng nội dung của những hàng chữ đang phơi ra lồ lộ trên đầu ông:
NGÀY TẬN THẾ SẮP ĐẾN
NGÀI SẮP QUAY LẠI
TẤT CẢ CHỈ LÀ BẮT ĐẦU
- Cái gì thế nhỉ? – K’Tub run run hỏi, phải vất vả lắm nó mới nặn được bốn từ ngắn ngủn vào tai Păng Ting.
- Chắc chắn đây là thông điệp của Bastu. – Păng Ting thì thào đáp, giọng nhỏ xíu như phát ra đằng mũi.
K’Tub gào lên trong cổ họng:
- Nhưng người đàn ông này là ai?
- Dĩ nhiên hắn là tay chân của phe Hắc Ám. – Êmê nói, giọng thiểu não như thể đang đọc điếu văn cho xứ Lang Biang. – Cũng có thể hắn là một hóa thân khác của Balibia hoặc Buriăk.
Bọn trẻ sửng sốt chìa những bộ mặt trắng bệch vào mắt nhau, gần như không đứa nào tin được trùm Hắc Ám lại cả gan đến vậy và khi không thể không tin thì tụi nó cảm thấy lo lắng khủng khiếp. Hổng lẽ trùm Bastu đã bắt tay với lão Ôkô Na? Nguyên tự hỏi và thấy ruột gan như có ai xoắn lấy. Nó không muốn đẩy sự phỏng đoán của mình đi quá xa nhưng vẫn không làm sao ngăn được ý nghĩ rằng chính Ôkô Na đã tích cực dọn đường cho Bastu quay lại bằng cách nhen lên không khí hoảng loạn mấy ngày nay. Và chỉ khi được lão quái Ôkô Na trợ lực, Bastu mới dám ngang nhiên cho thuộc hạ xuất hiện công khai giữa ban ngày như vậy. Nghĩ ngợi một lúc, Nguyên không tìm ra cách giải thích nào xác đáng hơn vì vậy càng nghĩ nó càng cảm thấy người nó như bị tiêm thuốc mê, đầu óc chìm dần vào chỗ tối tăm, mụ mị.
Nguyên chỉ choàng tỉnh thì Kăply kéo tay nó:
- Hắn đi xa rồi. Đuổi theo đi!
Nhưng bọn trẻ vừa nhỏm người dậy đã vội ngồi thụp ngay xuống. Cả đống phù thủy đeo huy hiệu của Cục an ninh trước ngực đang lướt vèo vèo qua trước mắt tụi nó.
Dẫn đầu đám này, như thường lệ là chòm râu của thám tử Eakar.