Cố Niên Hoa

Chương 16: Vạn niên là vạn niên nào



"Tiên sinh,

Việc nhà đã lắng, việc nước tạm yên.

Danh sư quý danh sư nên rời chùa,

Cố nhân trọng cố nhân đành xuống núi.

Cơn gió nhẹ vì ngọn núi cao mà hóa cuồng phong

Chốn Dưỡng Chân thanh dã, sen nở mùa đông, ngày ngày ngóng đợi tin hồng

Xin người bảo trọng."

Tôi đọc đi đọc lại thư mình viết tối qua, không khỏi tự cảm phục bản thân sau một ngày vất vả vẫn có thể viết được những dòng vừa thần thần bí bí vừa chi tiết không sót mục nào lại chứa chan tình cảm. Mãi lâu sau tôi mới gấp lại đưa cho anh Thân, đây là lá thư đầu tiên tôi gửi trực tiếp cho lão già mà không phải đi kèm thư của chị. Tôi nhìn theo cho đến khi bóng anh khuất sau dãy hành lang. Nếu có thể, tôi thật muốn gửi tôi đến Hồng Lộ cho rồi, có cơn gió nhỏ nào không muốn cả đời quẩn quanh trong lòng núi?

Ý nghĩ thơ mộng ấy bắt nguồn từ một buổi chiều nhàn rỗi, tôi ngủ trưa dậy đi tìm lão già, tìm mãi đến tận đầu làng, thấy lão đang điềm nhiên ngồi tựa gốc cây đa cạnh ruộng lúa, lim dim mắt. Nghe tiếng chân tôi đến gần, lão đưa ngón tay lên môi ra hiệu cho tôi im lặng. Tôi nhìn dáo dác, xung quanh chẳng có ai, lại nghĩ lão làm gì cũng có lý do nên bèn ngồi xuống cạnh bên, nhìn về hướng lão đang nhìn, nhìn mãi cũng chỉ thấy trời xanh, mây trắng, lúa vàng, và dãy núi ẩn hiện xa xa.

- Sao tiên sinh không nghỉ trong nhà mà chạy ra đây? – Tôi che miệng ngáp.

- Ta đang thiền, không phải ngủ.

Khi ấy tôi còn rất bé, trố mắt lên nhìn lão:

- Sao mà thiền được, người đâu có ngồi kiết già, ở đây cũng không có bồ đoàn...

Chưa nói hết câu, tôi đã bị lão bế bổng lên đặt vào lòng, tay vỗ nhẹ lên đầu bảo ngồi yên. Tôi thở dài, nhìn ra phía ruộng. Những cơn gió dìu dịu lay nhẹ bông lúa chín, cả cánh đồng khẽ uốn lượn như một dòng sông gợn sóng lăn tăn chảy về phía núi. Bất chợt một ý nghĩ nảy ra trong đầu, tôi xoay người lại đối diện lão:

- Tên của tiên sinh trên là chữ núi, dưới là chữ cao, vậy nên người đặt tên em là gió phải không? Tuy chúng ta không phải lúc nào cũng có thể cảm nhận được trên da nhưng không lúc nào là không có gió. Dẫu gió có nghịch ngợm hay dữ dội thế nào vẫn bị núi chặn lại, vẫn không thể chạy sang phía bên kia mà không len lỏi vào lòng núi?

Đến giờ nghĩ lại tôi cũng không biết cô bé Nhã Phong chưa đầy mười tuổi ấy làm sao nghĩ được những lời hoa mỹ như vậy. Mắt lão vẫn nhắm hờ, chỉ có khóe môi khẽ nhếch:

- Ta gặp em vào một ngày hè...

Tôi vội vã gật đầu, chớp chớp mắt đợi chờ, lòng đầy háo hức.

- ... năm đó trời hơi nóng.

***

"Chiến trường" của tôi không bận rộn như tôi từng mong đợi. Hoặc là, tôi đã quá háo hức với việc trở về sắp xếp mọi việc, háo hức với kế hoạch dụ Nguyễn Nam sa bẫy, háo hức tìm gặp cụ ông Lý Đảm... để rồi khi tất cả những mục tiêu ấy đã gần như hoàn thành cả, tôi lại thấy một sự trống vắng trong lòng. Ban đầu tôi còn tưởng mình đói bụng, chạy xuống bếp nấu một bát bún cá thật to. Ăn no rồi lại tưởng mình chông chênh vì thiếu ngủ, lăn ra đánh một giấc đến chiều. Lúc tỉnh dậy, cảm giác bồn chồn khó chịu kia vẫn chưa tan biến.

Tôi nghĩ mãi mới chợt hiểu ra, cuộc sống của tôi trước đến giờ đều là cố gắng hoàn thành từng việc từng việc một. Khi lão già còn ở cạnh, lão thường ra kỳ hạn cho tôi học được một món nào đấy, hết thư pháp lại đến đánh cờ, hết thất huyền cầm lại sang tướng số, chẳng bao giờ rỗi rãi. Khi lão đi rồi, ngoài những "nhiệm vụ" lão bắt tôi thực hiện trong thư gửi về hàng tháng, tôi còn bận nghiên cứu đường đi và phong tục các nơi cho chuyến phiêu lưu đến Hồng Lộ của mình. Khoảng thời gian duy nhất thảnh thơi biếng nhác là nửa năm qua bên lão. Bây giờ, cảm giác không biết nên làm gì tiếp theo thực sự khiến tôi thấy bất an.

Tôi thả bộ lững thững về phía đầu làng. Cổng làng trầm mặc khuất sau bụi tre già, hai chữ "Vạn Niên" đã không còn rõ nét mà đôi câu đối khắc trên hai thân cột cũng đã rêu phong:

"Mộc xuất thiên chi do hữu bản

Thủy lưu vạn phái tổ tòng nguyên"



(Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc

Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn)

Tôi nheo nheo mắt nhìn tên làng một lúc, đưa tay định chạm lên chữ "vạn" trên cột thì nghe tiếng kêu lớn:

- Bỏ tay ra!

Quay người lại nhìn, hóa ra ông trưởng làng đang vung gậy dọa bọn trẻ con định hái trộm quýt nhà ông. Thấy ông nhìn sang phía mình, tôi vội cúi gập người chào. Ông đi rồi tôi bất giác phì cười, nhớ lại chuyện mười năm trước, lão già dẫn tôi đi dự lễ thành hoàng. Trong lúc lão đang đánh cờ tướng với một cụ già và mọi người đang chăm chú theo dõi trò đấu vật, tôi chạy đến hỏi già làng:

- Ông ơi, sao làng này lại gọi là Vạn Niên ạ?

Già làng xoa đầu tôi hiền hậu:

- Làng ta có tên đó vì đã được nghìn năm tuổi rồi đấy cháu!

Tôi gãi gãi đầu, đi đến chỗ lão già nhà tôi, đưa tay kéo nhẹ chòm râu của ông cụ ngồi đối diện rồi nhanh chóng trốn vào vòng tay lão. Tôi ôm chặt cổ lão, nói khẽ:

- Tiên sinh ơi, ông trưởng làng là yêu quái đấy, mau chạy thôi!

Lão vuốt tóc tôi một hồi rồi hỏi:

- Ai bảo em thế?

Tôi ngoái nhìn ông cụ kia lần nữa, lo lắng bảo:

- Già làng bảo em làng này thành lập từ nghìn năm trước. Lúc nãy làm lễ mọi người lại tạ ơn trưởng làng xưa đã khai hoang vỡ đất. Vậy chẳng phải ông ấy đã một nghìn tuổi rồi sao, chỉ có yêu quái mới sống lâu đến thế!

Tôi không biết có phải vì mối hận ấy không mà lần nào tôi gặp trưởng làng cũng đều bị ông ấy la mắng, khi thì vì trộm trái cây, khi thì vì hái hoa. Ông còn đến mách lão già báo hại tôi chép kinh đến rụng cả tay. Chỉ riêng lúc ông đến tìm lão đánh cờ hoặc hỏi về Phật pháp tôi mới được yên thân.

Tôi trèo lên cây đa năm xưa lão hay ngồi, đưa mắt nhìn cảnh vật. "Thanh bình" và "nhàm chán" đôi khi chỉ cách nhau một gang tay. Thời điểm này mỗi năm, mọi người đã bắt đầu chuẩn bị ăn Tết. Nào làm cỏ, nào quét tước, nào đắp lại đường đê. Đối với những người nông dân suốt đời chân bám ruộng đồng, Tết có lẽ là dịp rộn ràng nhất, đáng mong đợi nhất, bởi nó làm đổi khác cái nhịp sống thường ngày của họ, khiến cho họ có một cái gì để mong chờ, để nôn nao. Tôi từng hỏi lão già, từ ba mươi đến mồng một sang năm thì cũng là một ngày, có cái gì đã giữ lại những đau buồn năm cũ? Lão bảo đó là niềm tin, là hy vọng, là một thứ có vẻ ngây ngô nhưng lại cực kỳ quý giá mà ai lỡ đánh mất rồi, cuộc sống sẽ ảm đạm vô cùng. Tôi nghĩ chính vì thế mà thời khắc giao thừa mới thiêng liêng. Năm nay, ước ao được bình yên đón năm mới có lẽ càng thiết tha hơn cả.

Tôi nhìn ra phía xa xa, bên ngoài cánh cổng này có bao nhiêu điều mà những người như ông trưởng làng của tôi cả đời không biết đến, cũng chẳng để tâm. Lão già từng dặn tôi chỉ được kể chuyện với bọn trẻ con để khích lệ chúng đi đó đi đây mở mang tầm mắt. Còn với những người già hoặc đã yên bề gia thất, cuộc sống của họ vốn bình yên, hạnh phúc, đủ đầy, những kẻ thích rong ruổi có tư cách gì mà đến bảo cho họ biết họ đã bất hạnh thế nào vì cả đời chỉ quẩn quanh lũy tre, giếng nước?

Cánh cổng làng như có một phép màu, phong giữ những điều thân thương như máu thịt, dù qua bao nhiêu tháng năm cũng không dời đổi. Như cánh đồng này, như ngọn núi kia, như đàn trâu nhẩn nha trong bóng hoàng hôn, như đôi trai gái tìm nơi vắng vẻ để tình tự mà sợ thầy u nhìn thấy.

Rất tiếc, họ có đề phòng thế nào cũng không ngờ trên cây có một cao thủ thân pháp phi phàm, càng không ngờ một Phật tử đắc đạo như tôi lại có hứng thú với chuyện bọn trẻ yêu đương nhắng nhít. Tôi ngồi chống cằm, vểnh tai nghe:

- Rồi khi nào cậu định sang nhà em thưa chuyện? – Thiếu nữ rụt rè ướm hỏi chàng thư sinh đang ngồi tựa vai nàng.

- Tôi hứa với nàng đợi ra giêng, nhưng giờ đất nước đang cần, tôi phải sẵn sàng ra trận bất cứ lúc nào, chắc hẹn nàng đợi tôi thêm chốc nữa.

"Hò ơ...

Mình rằng mình quyết lấy ta

Ðể ta hẹn cưới hăm ba tháng này

Hăm ba nay đã đến ngày

Ta hẹn mình rày cho đến tháng giêng

Tháng giêng năm mới chưa nên

Ta hẹn mình liền cho đến tháng hai

Tháng hai có đỗ có khoai

Ta lại vật nài cho đến tháng tư

Tháng tư ngày chẵn tháng dư

Ta lại chần chừ cho đến tháng năm

Tháng năm là tháng trâu đầm

Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên

Tháng sáu lo chửa kịp tiền

Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu

Tháng bảy là tháng mưa ngâu

Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu



Tháng tám là tháng trăng thu

Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi

Tháng chín là tháng mưa rươi

Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông

Quanh đi quẩn lại em đã có chồng

Như chim trong lồng, như cá cắn câu..."

Đôi trai gái trợn mắt nhìn lên, tôi thản nhiên nhe răng cười nhìn xuống, chớp chớp mắt đầy vô tội, phẩy phẩy tay:

- Em hát vu vơ chứ không nghe gì cả, hai bác tiếp tục đi, đừng ngại!

Cô gái vừa thẹn, vừa dỗi, nhìn sang chàng trai một lúc rồi giậm chân một cái, bỏ đi. Chàng thư sinh vội vã đuổi theo sau, í ới gọi tên nàng.

Tôi đợi họ đi khỏi mới dám ôm bụng cười. Đây không phải lần đầu tiên tôi khiến các anh trai làng chết đứng. Tết năm ngoái, tôi buồn vì vắng lão nên bày trò xem quẻ ở Dưỡng Chân Trang, chủ yếu muốn nói mấy câu tốt lành để ai nấy đều vui vẻ. Không ngờ có một chàng công tử con quan nọ đến đút lót cho tôi vài đồng bạc, dặn kỹ lát sau phải nói với cô con gái ông đồ rằng chàng và cô hợp tuổi hợp duyên, nhất định sẽ thành đôi lứa. Tôi vốn tốt bụng, vội vã nhận lời, nói y những gì chàng trai căn dặn:

- Lúc nãy cậu hai nhà ông huyện có mang bạc đến nhờ tôi bảo chị rằng hai người chính là duyên trời định, nhất định sẽ nên đôi!

Tôi nghe nói sau đó cô gái lấy một anh học trò của thầy mình.

Từ nhỏ đến lớn tôi chẳng biết thế nào là yêu đương, cũng không muốn tìm hiểu làm gì. Tôi chỉ biết tình thương của lão già dành cho tôi luôn được bộc lộ bằng những hành động rất cụ thể, không để tôi lạnh, sợ tôi đói, không bao giờ cho phép tôi gặp nguy hiểm thích chọc tôi cười. Từ đó, tôi vô cùng kỳ thị thứ đầu môi chót lưỡi của bọn trai làng, dù là lời nói thật lòng đến đâu chăng nữa.

Tôi cười chán lại nghe bụng đang reo, đang tìm đường trèo xuống để về nhà ăn cơm thì bắt gặp một dáng người quen quen đang đứng nhìn tôi trân trối.

Quỷ tha ma bắt, hôm qua tôi biểu diễn trong mật thất, chân trái đã hơi đau, giờ Nguyễn Nam đứng trước mặt, tôi bèn cắn răng tung người đáp xuống lăn một vòng trên đất rồi phủi tay đứng dậy ngay, nghe nhoi nhói nơi chân phải. Tôi mặc kệ, hất hàm hỏi hắn:

- Ngươi là rùa hả, rời khỏi nhà ta từ sáng mà giờ mới bò đến đầu làng?

Hắn cười cười đáp:

- Tôi sang làng bên cạnh dạo khắp một vòng, thấy con gái làng này vẫn đẹp nhất.

Tôi nhếch mép mỉa mai, hắn tiếp:

- Không những đẹp, còn độc đáo hơn người nữa.

Tôi "ha ha" vài tiếng rồi quay lưng đi về phía Dưỡng Chân Trang. Nguyễn Nam lẽo đẽo theo sau, hồi lâu lại lên tiếng gọi:

- Em không định an ủi hoặc động viên tôi tiếng nào sao?

Tôi nhún vai rồi vẫn tiếp tục đi. Tên lang băm kia lại sải bước đến cạnh:

- Này, dù gì chúng ta giờ cũng ở cùng chiến tuyến, có phải em nên nói vài câu củng cố lòng tin của tôi không, ví dụ như sau này không dụ tôi vào bẫy nữa?

Tôi ngoảnh sang phía hắn:

- Ngươi mất lòng tin với ta thì còn quay lại làm gì?

Hắn suy nghĩ một lúc mới đáp:

- Tôi quay lại, nhưng vẫn là con chim sợ cành cong, bất an nhiều thứ lắm.

Tôi đứng lại, nheo mắt nhìn hắn, nghiêm túc bảo:

- Chỉ có con bò mới sợ cành cong thôi. Cả cái cây có đổ xuống thì con chim vẫn còn đôi cánh, hiểu chưa?

Nguyễn Nam im bặt, ngoan ngoãn theo sau. Chừng về đến gần nhà, hắn mới lại lên tiếng hỏi:

- Nhã Phong à, con bò nào leo lên cây mà biết sợ?

- Tại nó ngốc. Bò mà!

***

Khi bọn tôi về đến, không khí trong trang viện im ắng lạ thường. Anh Thân ngồi trên bậc cửa đợi tôi, thấy Nguyễn Nam cũng cùng về, anh hơi do dự.

- Bây giờ Nguyễn Nam đứng cùng phía với chúng ta. – Tôi cười nhẹ.

- Có mấy nhà sư phương Bắc mang lương khô đến biếu. Tiêu Dao đại sư và mợ cả đang tiếp họ.



Tôi nhìn anh phu xe lại nhìn sang Nguyễn Nam, thấp giọng bảo:

- Vậy chúng ta cứ đợi bên ngoài.

Ba chúng tôi đến bờ hồ ngồi đợi, mãi sau cũng thấy họ rời khỏi đại sảnh. Có hai người, một già một trẻ, gương mặt tương đối hiền từ phúc hậu. Rất nhiều người phương Bắc sống ở Đại Việt, tôi biết, còn gặp một vài người có tổ tiên đã sang đây từ xa xưa, họ nói thứ tiếng kinh trọ trẹ và rất tốt tính. Thế nhưng đó là chuyện của ngày thường, còn thời điểm bây giờ, sự nhiệt tình của họ có phải không được thích hợp không? Lão già từng dạy tôi, bọn quân Thát giỏi nhất là phái gián điệp trà trộn vào nước khác để dò la, tôi nhất định phải đề phòng.

- Phong! – Chị tôi vẫy tay gọi trong lúc tôi đang mải mê suy nghĩ.

Chúng tôi theo chị vào sảnh chính, sư ông đang xem phần lương khô chứa trong hai chiếc túi lớn. Đó là thịt lợn được cắt sợi lớn, ướp kỹ, phơi khô, có thể giữ được rất lâu. Nghe nói đây là cách bọn người Thát bảo quản lương thực để đi đường xa, vừa tiện, vừa nhẹ, nhiều nơi đã học theo.

- Nhưng họ là thầy tu, vốn dĩ nên chay tịnh. – Tôi tự nói với chính mình.

- Đúng vậy. Ban nãy chị cũng thắc mắc điều này, họ bảo nhờ dân làng chuẩn bị giúp để mang ủng hộ quân ta.

- Mợ cả, vậy chúng ta làm gì với số lương khô này đây, lỡ như... – Anh Thân hơi thấp thỏm.

- A di đà Phật, thức ăn quý giá, huống hồ đây còn là công sức của bao người, không thể tùy tiện bỏ đi. – Sư ông tôi nói rồi đưa tay cầm lấy một sợi thịt khô toan đưa lên miệng.

- Sư ông! – Tôi vội kêu lên.

Nguyễn Nam đã nhanh nhẹn hơn một bước, hắn nắm chặt cổ tay sư ông, cười cười bảo:

- Tiêu Dao đại sư là bậc cao tăng đắc đạo, không phá giới như Hưng Ninh vương. Đó là chưa kể...

Bọn tôi chưa kịp phản ứng, hắn đã vớ một mẩu quẳng vào miệng nhai ngấu nghiến. Trong một lúc tôi không biết làm gì, chỉ đành trân trân quan sát phản ứng trên mặt hắn.

- Ối! – Nguyễn Nam bỗng ôm bụng, cúi gập người.

- Cậu Nam! – Sư ông, anh Thân và chị tôi đồng loạt kêu lên.

Cái tên lang băm này lẽ nào lại bỏ mạng vì độc dược?

Hắn run run một lúc rồi chợt ngẩng lên nhìn:

- Em thật không quan tâm tôi sống chết thế nào à?

Bốn người chúng tôi thở hắt ra một lượt. Tôi giẫm mạnh lên chân hắn rồi bỏ ra ngoài. Xem ra số thức ăn này vô hại thật.

Khi bình tâm nghĩ lại, có thể hai vị hòa thượng kia là người Tống, muốn Đại Việt giúp cản chân quân giặc. Cũng có thể, thời gian dài sống ở đây đã khiến họ thật lòng yêu mến sông núi xứ này. Đằng nào thì họ cũng không dại dột đến mức tự đi nộp mạng mà gửi lương khô tẩm độc cho chúng tôi lộ liễu thế. Là tự chúng tôi đã đa nghi!

Hai chữ "tín nhiệm" buổi non nước gặp nạn xâm lăng sao mà xa xỉ quá...

"Vạn Niên là Vạn Niên nào

Thành xây xương lính, hào đào máu dân"

Ca dao chỉ nỗi cơ cực của người dân khi xây lăng Vạn Niên Cơ cho vua Tự Đức. Ở đây Vạn Niên là tên ngôi làng nơi có Dưỡng Chân Trang.

Ca dao