Từ lúc về Hồng Lộ đến giờ, việc của tôi mỗi ngày chỉ là ăn, ngủ, đọc sách và chép kinh để luyện chữ. Mỗi ngày thức dậy soi gương lại thấy gương mặt phúc hậu thêm một chút. Kế hoạch ăn chay để lấy lại vóc dáng mảnh mai chưa thể thực hiện được, vì ở phủ Tiết độ sứ chẳng có người nào nấu món chay ngon như đầu bếp ở Dưỡng Chân Trang.
Bấy giờ là giữa mùa hạ, trời nóng đến mức tôi lười bước ra khỏi phòng để ăn trưa. Hôm nay lão già có việc ra ngoài, bác Dương rất hiểu ý, dặn người mang cơm đến tận phòng cho tôi, còn thêm cốc trà hoa cúc. Đánh chén no nê, tôi lăn ra ngủ một giấc đến chiều, xem như để tạm quên đi cái nóng.
Căn phòng mở tung cửa sổ, chỉ rũ nhẹ một bức màn thưa. Thảng hoặc, một cơn gió nhẹ thổi vào đưa theo hương mộc lan cuối mùa.
Lúc lâu sau, bên ngoài vang lên tiếng chổi ai đang quét sân, từng nhát đều đều, khô khốc.
Sột soạt... sột soạt...
Tiếng động lặp đi lặp lại như làm phiền khiến tôi khó chịu, khẽ chau mày, mồ hôi bắt đầu rịn ra trên trán.
Mùi nồng nồng của lá khô đang cháy như tiếp thêm sức nóng, cả người tôi hâm hấp, mơ màng không rõ là mê hay tỉnh.
Tôi hé mắt, nhìn thấy những hình ảnh thân thương đã không gặp từ lâu lắm.
...
"Tuệ An giỏi quá, quét sân nhanh hơn dì rồi!"
"Lần trước dì dặn cháu phải giúp mẹ làm việc nhà, cháu không có quên đâu!"
Tôi nhìn người thiếu phụ có nụ cười thật hiền, vênh váo tự hào.
Sột soạt. Sột soạt. Một cây chổi lớn và một cây chổi nhỏ thi nhau tạo ra những tiếng động vui tai. Những chiếc lá vàng ngoan ngoãn đuổi nhau về một góc. Mùi khói đốt lá khô tỏa lên trời ngai ngái, xen lẫn tiếng lửa reo tí tách.
...
"Mẹ! Chúng ta chạy đi đâu vậy?!"
"An, ngoan, chúng ta phải rời khỏi nơi này!"
"Dì có đi cùng chúng ta không mẹ?"
Mẹ tôi thoáng ngập ngừng, trong mắt còn hiện lên chút xót đau.
"Dì con đã đi trước, đến một nơi rất xa rồi..."
Tất cả hành lý được thu dọn rất vội vàng. Con rối vải mà tôi yêu thích nhất cũng bị bỏ quên.
...
"Một. Hai. Ba. Bốn.... Tám. Chín. Mười. An, cậu nấp kỹ chưa, tôi bắt đầu tìm nhé!"
Tôi khoái chí nép mình sau cánh cửa tủ, chắc mẩm cu Đất không thể tìm thấy mình. Tôi lẩm nhẩm đếm, hơn số một trăm mà cậu ta vẫn chưa tìm được tôi, cả tiếng bước chân cũng không còn nghe thấy. Tiếng chổi quét sân của mẹ tôi cũng im bặt tự lúc nào, chắc là mẹ đã ra nhà sau để nấu cơm.
Cu Đất cũng thật ngoan cố, tìm lâu như vậy mà vẫn không chịu thua. Tôi bèn hé cửa định bước ra ngoài, mùi khói đốt lá bỗng xông vào mũi, nồng nặc, cay xè.
Bên ngoài có tiếng la thất thanh: "Gió lớn quá! Cháy nhà rồi!"
Tôi hoảng hốt định chạy ra ngoài, nhưng chân vừa chạm đất đã bị ai đó nhấc bổng lên, miệng tôi muốn kêu la nhưng đã bị một bàn tay bịt chặt. Tôi dùng hết sức cắn thật mạnh, mùi máu tanh tràn khắp miệng. Đối diện với tôi là một người thanh niên trạc hai mươi tuổi có dáng vẻ rất thư sinh nhưng đôi mắt nhìn tôi lại phản chiếu ánh lửa đỏ ngầu như máu. Chẳng hiểu sao khi ấy, tôi không la hét hay bỏ chạy, mà lại rất tin tưởng, nói như cầu xin người đó:
"Mẹ tôi... Cứu mẹ tôi!"
Người ấy kéo tôi sát vào ngực, bàn tay rướm máu ôm chặt gáy tôi, mắt tôi bị đôi vai rộng che hết tầm nhìn, chỉ nghe người ấy thì thầm rất khẽ:
"Ta xin lỗi."
Người ấy ôm tôi chạy đi, một mảnh vai áo cháy sém.
Lúc lao ra khỏi căn nhà đang rực lửa, qua làn nước mắt, tôi thoáng nhìn thấy mặt trời đang khuất dần sau dãy núi.
Cả không gian nhuộm một màu đỏ rực.
"Mẹ tôi vẫn còn trong nhà! Cứu...!"
Tôi choàng tỉnh, cả người ướt mồ hôi nhưng đôi mắt lại ráo hoảnh.
Bước đến bên cửa sổ, tôi nhìn ra sân, đống tro đốt lá vẫn còn âm ỉ cháy. Mặt trời đang khuất dần, đổ sắc đỏ lên những tàn cây.
***
- Bác Dương ơi, vừa có khách đến phải không ạ?
- Phong, cháu dậy rồi à?! Vừa có người mang tặng phẩm từ Thăng Long đến cho cậu Cả.
- Quà gì thế ạ?!
- Một túi hạt sen, một túi long nhãn, đang để trong phòng khách đấy.
Thường ngày, hẳn là tôi sẽ reo lên sung sướng vì mùa hè mà ăn chè hạt sen long nhãn thì chẳng còn gì bằng, nhưng bây giờ, đầu óc tôi vẫn còn váng vất vì giấc mơ ban nãy nên chỉ cười nhẹ rồi tìm cách tránh đi.
- Cháu đến thư phòng đọc sách.
Ngồi một lúc lâu, tôi vẫn không thể đọc vào một trang sách nào. Những hồi ức thời thơ ấu vốn được tôi giấu kín trong lòng, ít khi nào dám nhớ. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thực sự chấp nhận được việc mẹ tôi đã mất trong buổi chiều đỏ lửa ấy, mà vẫn xem như mẹ đang đi đến một nơi nào đó xa xôi, rồi sẽ có ngày quay trở lại.
Đầu bỗng dưng đau nhức, tôi gục lên bàn, thở dài thườn thượt.
"Tên em là gì?"
"Lý Tuệ An."
"Nhớ, từ nay tên của em là Trần Nhã Phong. Ta sẽ gửi em đến chỗ Thiền sư Tiêu Dao."
"Ngài là ai?"
"Một thời gian nữa ta sẽ đón em về."
"Mẹ của em..."
Tôi không nói được trọn câu vì người ấy đã đặt tay lên môi tôi ngăn lại, ánh mắt chân thành:
"An." – Đó là lần đầu tiên người ấy gọi tên thật của tôi. – "Ta nhất định sẽ bảo vệ em."
Chỉ vì câu nói ấy, chỉ vì ánh nhìn tha thiết ấy, tôi vô thức đặt lòng tin vào một người xa lạ chẳng biết từ đâu đến, ngây thơ đi theo người ấy suốt những năm qua.
Có lần, vì muốn hiểu rõ ngọn ngành, tôi gợi lại chuyện năm đó. Đáp lại câu hỏi của tôi chỉ là một ánh mắt buồn thăm thẳm, đến mức khiến tôi thấy đau lòng, đến mức khiến tôi cảm thấy việc có biết hay không cũng chẳng còn quan trọng nữa.
Bỏ qua mối quan hệ trên danh nghĩa, bỏ qua những ân oán mà tôi không hiểu được, thứ khiến chúng tôi gắn bó với nhau bền chặt nhất có lẽ là sự đồng cảm của những đứa trẻ cô độc.
Giao thừa đầu tiên tôi ở Yên Bang, sau những lời chúc mừng, sau buổi tiệc rộn ràng, tôi bắt gặp người ấy đứng một mình bên hồ sen. Tôi đến bên cạnh, ngồi bệt xuống, đong đưa đôi chân nhỏ trên mặt hồ lạnh lẽo. Người ấy trùm lên người tôi một tấm áo choàng rồi chẳng ai nói với ai câu gì, chúng tôi cứ một đứng một ngồi như thế cho đến khi mặt trời ló dạng.
"Lúc ta còn nhỏ hơn em bây giờ, mỗi năm đến giao thừa đều rất vui."
Giọng nói của người ấy lạnh như sương sớm.
"Sau đó, mẹ của ta bị người ta cướp mất."
Người ấy kể lại chuyện này với ngữ điệu không khác gì một người lớn bâng quơ nhớ lại: "Lúc nhỏ ta bị em trai giành đĩa bánh."
"Dẫu sao, khi ấy ta vẫn biết được tin tức của người, biết người bình an mạnh khỏe. Còn bây giờ, ta cũng như em, đều là những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ."
Năm đó, Hưng Ninh Vương Trần Tung cũng chỉ là một cậu thanh niên vừa mới trưởng thành. Có khác chăng, người con trai trẻ tuổi ấy lại sinh ra và lớn lên trong thời khắc chuyển giao của hai triều đại. Và khác chăng, là gia đình của người lại chính là nạn nhân của ván cờ quyền lực được xoay vần bởi một bàn tay kẻ khác.
Tôi gượng đứng lên, mặc đôi chân gần như tê cóng, bước đến đưa tay nắm lấy bàn tay to lớn cũng đang lạnh giá.
"Tiên sinh, em chưa nhận được lì xì!"
Những ánh nắng đầu tiên của năm mới nghiêng nghiêng soi trên gương mặt tĩnh lặng như hồ sen bên dưới, người ấy nở một nụ cười, nắm tay tôi dắt vào trong.
Tiên sinh, nếu chúng ta đều là cô nhi, vậy chúng ta hãy trở thành một gia đình.
Tôi đã quen với việc ở cạnh lão già như một lẽ dĩ nhiên, ít khi nào nhớ lại nguyên nhân đã gắn kết hai con người xa huyết thống. Lẽ nào chỉ bởi vì vài nhát chổi đưa, một mùi khét cháy, từng sự việc năm xưa lại thi nhau hiện về rõ ràng như vậy?!
Thời gian quả thật có sức mạnh phi thường, không chỉ vùi chôn ký ức mà còn có thể thay đổi hoàn toàn những mối quan hệ. Nhiều năm trước đây, làm sao nghĩ được sẽ có ngày mỗi lần tôi nhớ đến vị tiên sinh nho nhã kia lại dùng những tên gọi như "lão già đáng ghét", và lắm lúc lầm bầm nguyền rủa lão vì cái tính dở người.
Nghĩ đến đây, tôi chợt thấy đói bụng và nhớ đến món chè hạt sen long nhãn. Quà đưa từ Thăng Long đến, hẳn là của quan gia thay mặt Hoàng hậu quá cố gửi cho con trai người.
Tôi được nghe kể lại, mẹ ruột của lão già, cũng chính là công chúa Thuận Thiên triều Lý, là Hoài Vương phi của Yên Bang, từ khi bị cưỡng ép trở thành Hoàng hậu của Nguyên Phong hoàng đế triều Trần cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, vẫn chưa bao giờ quên rằng mình còn có một người con trai với Yên Sinh Vương Trần Liễu. Khi thì hộp trà thơm, khi thì chút đặc sản, người mẹ ấy vẫn luôn len lén chăm sóc đứa con mà mình không thể ở cạnh bên. Bao giờ quà gửi đến cũng không có danh tính, nhưng đủ để khiến lão già trầm ngâm cả một ngày dài, còn ánh mắt lại lấp lánh chút hạnh phúc nhỏ nhoi.
Điều kỳ lạ là từ khi Hoàng hậu qua đời, những món quà không tên tuổi vẫn được đều đặn gửi đến Yên Bang, bây giờ là Hồng Lộ. Lão già nhận, nhưng thường không đụng đến mà cho tôi hoặc bác Dương. Đó không phải là bổng lộc của vua ban, mà đơn giản là một lời xin lỗi, một chút quan tâm kín đáo của vị hoàng đế năm nào không thể ngăn được việc người ta ép mình bỏ người vợ đã nhường cho mình ngai vị, ép chị dâu mình đang bụng mang dạ chửa về làm vợ của mình. Lão già nhà tôi nhận, vì lão không hề oán hận vị quân vương chí tình chí nghĩa nhưng ít quyền hành thuở ấy. Lão không đụng đến, vì dù một người có thấu hiểu có – không, được – mất đến đâu, vẫn có những nỗi đau họ không cách nào buông bỏ.
Nhớ ra một việc, tôi đứng bật dậy, chạy đến chiếc tủ nhỏ ở cạnh bàn của lão già, kéo ngăn kéo dưới cùng. Quả nhiên ở đó có một chiếc khăn tay nhỏ màu lam với đóa mộc lan đang thêu dang dở.
Người đã không thể trở về để hoàn thành trọn vẹn đường kim mũi chỉ, nhưng lão già của tôi vẫn trân quý như báu vật, gói trọn nỗi nhớ mong của một đứa con xa mẹ từ thuở bé.
Tôi mang chiếc khăn ra vườn, phơi trên sợi dây căng ngang hai nhánh mộc lan. Nắng đã tắt hẳn nhưng cái nóng vẫn còn hầm hập. Một vài cơn gió nhẹ thổi qua lay nhẹ chiếc khăn, đóa mộc lan rung rung như tiếc nuối. Tôi ngẩn ngơ nhìn, bất chấp thời gian và cái bụng đang sôi cồn cào.
Khi tôi quay lại, lão già đã đứng đó tự bao giờ.
- Tiên sinh về rồi. – Tôi cố giấu một chút hoảng hốt.
- Ừm. – Lão đáp gọn lỏn, mắt hướng về phía chiếc khăn đang phơ phất.
- Em... thấy đã cất lâu rồi nên mang ra phơi cho thoáng gió! – Tôi ấp úng giải thích.
Lão cười nhẹ, quay người đi vào nhà.
- Sương đêm xuống rồi, còn phơi nữa khăn sẽ ướt đấy.
Tôi chợt nhớ ra, vội chạy đến gỡ khăn xuống, mang trở vào phòng cất thận cẩn thận.
Bên ngoài bỗng vẳng lại tiếng đàn, lúc trầm đục như tiếng thác gào, lúc nhặt lúc khoan như tiếng mưa rơi trên mái ngói.
Tôi về phòng mình lấy cây sáo ngọc, chậm rãi bước theo thanh âm ấy đến bên hồ sen. Tiếng sáo từ từ cất lên, hòa với tiếng đàn.
Vẳng trong tiếng gió nghe như có ai thầm thì hát theo, lời buồn não nuột: