Sau khi mặt trời lặn, những người đến hỗ trợ có thể nghỉ ngơi, nhưng Hà Điền và Dịch Huyền thì vẫn còn bận rộn.
Hai ống sữa cừu lớn mà Tam Bảo mang đến phải được làm thành phô mai càng sớm càng tốt.
Việc làm phô mai của họ chẳng mấy chốc lại thu hút những người kia.
Tam Bảo đã làm phô mai nhiều lần, vì vậy anh ấy đã giải thích quy trình chế biến cho Sở Vân Tây và Tát Sa.
Lần trước Sở Vân Tây mua một con cừu mẹ ở chợ vì lo con gái mình không đủ dinh dưỡng, hơn nữa sau khi sinh lỡ mà vợ anh ấy không đủ sữa thì có sữa cừu rồi, không cần phải lo lắng nữa.
Với lại mẹ và mẹ vợ của anh ấy cũng đã nhiều lần nói phụ nữ sinh con nhiều lần, cho con bú nhiều sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể, anh ấy sợ vợ mình mất sức sau sinh, dự định sau khi sinh con thì sẽ cho con uống một nửa sữa mẹ một nửa sữa cừu, lúc này thấy được quy trình làm phô mai, yên lặng ghi nhớ ở trong lòng.
Dịch Huyền chỉ vào váng sữa đã được lọc, nói với Sở Vân Tây: “Có người bị đầy hơi và tiêu chảy khi uống sữa bò và sữa cừu. Đó là do bị dị ứng với đạm sữa, bên trong váng sữa không có đạm sữa, nhưng vẫn có rất nhiều chất dinh dưỡng, có thể cho họ uống thứ này.”
Váng sữa cũng có thể làm thành phô mai.
Hà Điền có cất hai hũ thủy tinh lớn đựng váng sữa và sữa bơ ở trong hầm, từ sau khi Tam Tam cho họ sữa cừu, cô đã nghĩ sẽ đổ chất này vào sữa đậu nành khi làm đậu hũ. Thử xem có thể làm ra món ăn khác nữa không. Nhưng bởi vì thấy sữa cừu quý quá nên khi trộn hai chất lỏng lại với nhau, Hà Điền đổ hai hũ thủy tinh lớn vào nồi, sau đó thêm hai ly sữa cừu vào trộn đều.
Dịch Huyền đứng ở bên cạnh nhìn, đột nhiên la lên làm Hà Điền giật mình.
Anh chạy đi lấy giấm trắng: “Anh quên mất, váng sữa cũng có thể làm phô mai!”
Thêm giấm trắng vào váng sữa và đun đến 70 hoặc 80 độ C để tạo ra váng sữa phô mai. Đạm trong váng sữa sẽ từ từ cứng lại thành cục, phô mai được chế biến theo cách này hầu như không chứa Casein, thích hợp cho những người không dung nạp được Lactose.
Váng sữa phô mai này được gọi là Ricotta, trong tiếng Ý có nghĩa là “Re-cook”, ý là “Nấu lại”.
Dịch Huyền nhớ lại cách làm váng sữa phô mai. Bọc phô mai đông lại bằng vải gạc rồi vắt khô nước. Anh cười nói với Hà Điền: “Tốt hơn là nên để phô mai ở trong một cái ống nhỏ bằng dây mây rồi treo lên, hơi ẩm sẽ chảy ra từ các kẻ hở trên dây mây, phô mai thành phẩm sẽ có đường vân.”
Hà Điền đã thật sự làm ra một vài ống nhỏ bằng dây mây như Dịch Huyền mô tả. Phô mai thành phẩm được nén chặt trong đó và treo ở nơi thoáng mát và thông gió. Sau khi váng sữa phô mai hơi cứng lại thì lấy ra, toàn thân có màu trắng tinh, ăn vào không có mùi sữa đậm đặc như phô mai sữa cừu, vị nhạt, hơi giống đậu hũ.
Tam Bảo và Sở Vân Tây vừa xem vừa đặt câu hỏi, Dịch Huyền và Hà Điền trả lời từng câu một.
Sau khi phô mai đặc lại, hai người đã cho ba người bọn họ nếm thử hai loại phô mai khác nhau, mọi người thay phiên cho ý kiến, bình luận rất sôi nổi.
Nước vắt ra khi làm váng sữa phô mai cũng không để lãng phí, lúc này đun ở trên lửa lớn, sau đó hạ lửa nấu sôi, không đậy nắp nồi, để nước bay hơi càng nhiều càng tốt, thỉnh thoảng thì khuấy đều. Khi nước đã cạn gần đáy nồi, trên thành nồi xuất hiện nước ngưng tụ như váng đậu, đó là chất đạm còn lại trong váng sữa.
Khi nước trong nồi cạn hoàn toàn, Hà Điền dùng chổi tơ tre quét lớp bột trắng lại với nhau, xúc vào một cái nia tre, lấy một miếng vải gạc đậy lại, sau đó dùng dây da buộc cố định mép gạc trên nia tre, rồi cùng Dịch Huyền chuyển nia tre ra chỗ trống.
Sau khi phơi một hoặc hai ngày, nước đã bay hơi hết, có thể quét lớp bột trắng trong nia tre lại và bảo quản trong hộp kín.
Những loại bột đạm này có thể được thêm vào bột mì như một chất bổ sung dinh dưỡng khi làm mì, bởi vì không có mùi vị gì nên sau khi thử một lần, Hà Điền không có khuynh hướng coi nó như thức ăn. Nhưng mấy loại bột đạm này có thể được trộn vào thức ăn của gia cầm và gia súc để bổ sung chất dinh dưỡng cho chúng trong mùa đông.
Sau khi xem xong toàn bộ quá trình chế biến, Sở Vân Tây đã vô cùng kinh ngạc: “Hai người thật đúng là sống không uổng cuộc đời mà! Một chút cũng không lãng phí.” Anh ấy nhìn Tam Bảo và Tát Sa: “Chúng ta đến đây không chỉ để hỗ trợ thôi đâu, còn học được rất nhiều thứ đó chứ.”
Mấy người nói chuyện phiếm một hồi, đêm đã sâu, Hà Điền cất túi vải gạc bọc phô mai và ống mây vào nhà, mọi người giúp đỡ thu dọn rồi về ngủ tiếp.
Sáng sớm hôm sau, sau khi ăn sáng xong, công việc lại bắt đầu.
Nơi làm nhà, tiếng đập gõ xen lẫn với tiếng hô hào của Sở Vân Tây và Tát Sa liên tục vang lên, lúc Hà Điền nấu cơm trong căn bếp tạm bợ hay khi đang làm việc trong nhà kính và trên đất trồng, thỉnh thoảng cô sẽ cảm thấy dưới lòng bàn chân mình chấn động theo, đó là do họ đang làm móng nhà.
Đến trưa, Hà Điền bảo họ tạm dừng công việc để ăn cơm.
Mọi người rửa tay rửa mặt bên suối núi, khi bước vào bếp tạm, tất cả đều rất thích thú.
Chu Vân Tây chỉ vào tám cái bánh tròn to đùng trên bàn cười nói: “Em gái, bánh cô làm khá là to đó, còn to hơn cả cái đầu của bọn tôi nữa! Hahaha!”
Hà Điền ngồi xuống với họ, cầm một miếng bánh lên nói: “Đây là bánh pizza đó! Dịch Huyền đã dạy tôi làm. Tôi đã dùng phô mai đã làm hồi hôm qua.”
Đừng nói Sở Vân Tây chưa từng nhìn thấy qua bánh gì tên pizza, cả Tam Bảo, Tát Sa và hai anh em nhà họ Phổ cũng chưa từng nhìn thấy loại bánh pizza này bao giờ.
Mỗi chiếc bánh có đường kính gần ba mươi centimet, được đặt trong một chiếc dĩa gốm lớn, cắt thành dấu + và X, chia làm tám miếng, cầm một miếng bánh lên, thế mà lại kéo ra từng sợi màu trắng dinh dính, khí trắng tỏa ra, còn mùi thơm thì ngào ngạt.
“Đây là phô mai chúng ta làm tối hôm qua?” Vẻ mặt Sở Vân Tây hết sức kinh ngạc: “Không phải đều bị ép thành từng cục sao? Sao lại kéo sợi thế này?
Anh ấy lại nhìn những miếng bánh đã cắt: “À, ra là bánh bột mì.”
Lò nướng bằng đá cũng không phải xây chuyên dụng để nướng bánh mì không thôi.
Dịch Huyền nhiệt tình lắm, nhà có sẵn phô mai và nước sốt cà chua, ba nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh pizza đều đã đủ cả, chỉ cần một chiếc lò nướng bằng đá nữa thôi là đủ để làm ra bánh pizza chính tông rồi!
Khi bếp đá đã sẵn sàng, trước tiên nướng một ít bánh mì đã, sau đó rồi mới thử làm bánh pizza.
Anh và Hà Điền nhào bột, cán bánh, phết một lớp sốt cà chua lên mặt bánh, rắc phô mai, cuối cùng cắt vài lát lạp xưởng lên trên, dùng xẻng gỗ cho vào lò đá nung nóng. Sau khi nướng một lúc, dùng xẻng gỗ xúc bánh lên rồi lật ngược một chút để bánh pizza chín đều hơn, sau hai mươi phút là bánh pizza nóng hổi, thơm phức được lấy ra khỏi lò!
Khi Hà Điền ăn pizza lần đầu tiên, cô đã rất ngạc nhiên khi phô mai tan chảy và trở thành những sợi đàn hồi, mà sự kết hợp mới lạ giữa sốt cà chua và phô mai thì lại càng tuyệt vời hơn nữa.
Sau khi ăn qua một lần, Hà Điền càng thêm ngưỡng mộ người dân La Mã.
Không hổ là một quốc gia có thể vì ăn bánh mì mà xây dựng cả một đền thờ.
Hôm qua lúc ăn tối, Hà Điền thấy mọi người đều thích ăn trứng xào cà chua, nên sau khi làm phô mai xong, cô đã nghĩ trưa hôm nay sẽ làm pizza!
Ăn ngon và nghỉ ngơi đầy đủ, tinh thần của mọi người cũng đều rất tốt, tốc độ làm việc cũng nhanh theo.
Đến cuối ngày kết thúc công việc, phần móng của ngôi nhà đã được đào xong, nền đất và bốn rãnh sâu bên rìa cũng đã được làm kiên cố.
Ngày hôm sau, khi đã đến lúc đặt nền móng, sáng sớm Hà Điền và Dịch Huyền đã lấy chiếc máy trộn thùng phuy dùng để trộn xi măng ra, điều này khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên.
Tiếp đó, Dịch Huyền hướng dẫn mọi người loại bỏ tro núi lửa, vôi, cát, hạt bazan và đá bọt, bắt đầu trộn xi măng dùng để đổ nền.
Hà Điền và Tát Sa dọn những chiếc cọc tre mà họ đã chuẩn bị từ sớm để làm phần lõi ra, ở ngay bên cạnh, cứ mười hai cây mà cột thành một cái lồng dài.
Sở Vân Tây đã chấp nhận việc Hà Điền và Dịch Huyền có suy nghĩ khác người thường, nhưng trong lòng anh ấy không khỏi có chút lo lắng: “Chú em, cần phải đặt mấy tảng đá lớn vào thì mới chắc chắn chứ!”
Dịch Huyền cười nói: “Có cả đá nữa, anh đừng lo.”
Đúng thật, sau khi xi măng đã được trộn đều, Dịch Huyền thêm đá vào rồi tiếp tục để Gạo đẩy cây sào gỗ trộn lên.
Sau đó, anh nghiêng thùng phuy, xi măng trộn bên trong rơi ầm ầm xuống xe gỗ nhỏ bên dưới, rồi đẩy xe xuống nền và đổ vào rãnh sâu, mọi người vội vàng dùng sạn, xẻng san đều ra, rồi lại dùng ván gỗ đẩy cho bằng phẳng, Hà Điền và Tát Sa đặt khung tre vào, đổ tiếp xi măng đã trộn lên.
Sau khi đổ một rãnh xong, Dịch Huyền lấy ra sáu khối gỗ vuông có mặt cắt ngang đường kính ba mươi centimet và chiều dài bốn mươi centimet, đặt chúng vào xi măng theo vị trí được đánh dấu trên cọc tre và dây.
Những khối gỗ này được đóng đinh bằng đinh sắt, sau khi xi măng đông kết lại thì có thể lấy ra.
Đổ xong bốn móng thì trời cũng đã xế trưa.
Sau bữa trưa, Dịch Huyền đưa mọi người ra bờ sông để kéo gỗ. Họ chọn bảy, tám cây gỗ lớn dài khoảng sáu bảy mét kéo về nhà, đầu tiên là vào xưởng chế biến gỗ, cưa hai cây gỗ thành những cột gỗ vuông, có mặt cắt ngang bốn mươi centimet.
Hai cây cột gỗ này là khung ngang trên và dưới của bức tường. Sau khi cưa và bào, Dịch Huyền đục sáu lỗ vuông có đường kính hai mươi centimet trên một trong số chúng và để cho bọn họ khoét phần gỗ bên trong và mài nhẵn. Cây còn lại cũng được đục ở cùng vị trí, nhưng lỗ hình vuông này chỉ có đường kính mười centimet.
Số gỗ còn lại đều được xẻ thành các trụ vuông đường kính hai mươi centimet, dài sáu mét. Sau khi cưa, vẽ một hình vuông có đường kính mười centimet vào một đầu của mỗi cột, và cưa dọc theo bốn cạnh để tạo thành một lỗ mộng hình vuông có đường kính mười centimet.
Đến lúc này thì Tát Sa đã hiểu rồi, sau khi lấy những khối gỗ trong móng ra, đặt khung ngang lên trên móng, lỗ vuông trên khung ngang và lỗ vuông trên móng hoàn toàn đối diện nhau, sau khi khung dưới cùng được cắ.m vào theo chiều dọc thì đổ xi măng để cố định, dựng khung trên, nối khớp mộng của các trụ đứng và các rãnh trên khung trên là hoàn thành kết cấu tường.
Ngoài ra còn có các lỗ khảm được đục ở một bên của trụ ngang trên và dưới, chắc là để nối các trụ tường lại với nhau.
Phương pháp xây dựng này thật sự thông minh.
Để bào và xẻ gỗ phải mất thời gian cả một ngày.
Đến trưa ngày hôm sau, phần móng đã cứng hoàn toàn, có thể lấy cọc gỗ đóng trên khung móng ra ngoài.
Dịch Huyền và mấy người họ đặt các cột gỗ khung ngang lên hai xe đẩy bằng gỗ, đẩy chúng đến bên cạnh nơi thi công, và nâng chúng lên khung nền xi măng đã đông cứng.
Họ đặt các cột gỗ thẳng đứng sao cho khớp với lỗ vuông, sau đó dọc theo trong và ngoài khung đóng hai lớp ván gỗ, đổ xi măng vào rồi cố định khung ngang.
Bây giờ có thể đổ xi măng xuống rãnh sâu còn lại và đặt một cái khung bằng cọc tre vào.
Đổ móng xong, mọi người lại ra bờ sông mang gỗ về, lại bào, lại đẽo.
Những mảnh dăm, mùn cưa từ việc cưa gỗ cũng được quét dọn cẩn thận, cho vào những chiếc sọt tre lớn, chất vào kho.
Dịch Huyền nói, đây sẽ là vật liệu dùng để làm tường.
Đợi đến khi đổ xong bốn khung móng và đặt khung dưới cùng của các cột gỗ, Sở Vân Tây, người từng nghi ngờ rằng nhà của Dịch Huyền có thể đến mùa thu cũng không thể cất nóc được đã bị thuyết phục. Giờ đây, cũng như những người khác, anh ấy tin chắc rằng ngôi nhà này có thể cất nóc trước khi họ rời đi.
Làm đến ngày thứ tư, khung gỗ trên bốn bức tường đều đã được dựng lên.
Khung gỗ làm mái nhà đã được Hà Điền và Dịch Huyền làm sẵn, lúc này trên khung gỗ đã kê một vài tấm gỗ dài, chỉ cần cột dây rồi kéo lên, lắp ráp vào, gõ khớp nối, kết chặt chúng lại với nhau.
Nháy mắt, ngôi nhà đã được dựng xong.
Sở Vân Tây và Tam Bảo cùng cảm thán: “Thật không thể ngờ!”
Thật ra trong lòng họ vẫn còn nghi ngờ, liệu nhà xây theo cách này có vững chắc như nhà gỗ do ông và bà Hà Điền xây dựng không đây?
Hà Điền vội nhờ Tát Sa giúp cô lấy những tấm vải dầu đã chuẩn bị sẵn từ trong kho ra, chuyển từng cuộn từng cuộn cho những người đứng trên mái nhà, còn cô thì vội vã chạy đi che mành cỏ cho ruộng kê.
Dịch Huyền hướng dẫn mọi người treo tất cả vải dầu lên, ngay khi họ vừa trèo xuống thì cơn mưa ập đến.
Những hạt mưa lớn như hạt đậu rơi trên mặt đất, làm tung tóe bùn đất, nền đất mềm xốp bị mưa xối thành những hố nhỏ.
Tất cả mọi người ngồi ở trong chòi bên căn bếp tạm bợ, uống trà nóng và ngắm nhìn ngôi nhà trùm áo mưa vải dầu.
Tam Bảo sờ ly trà, nói: “Hai người thật đúng là chuyện gì cũng đều nghĩ ra được.”