Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 119: Mướp và tôm bóc vỏ



Nháy mắt đã đến tháng bảy, Hà Điền và Dịch Huyền càng ngày càng bận rộn hơn.

Ngoài việc hoàn thành công việc trồng trọt và chăm sóc gia súc gia cầm trong nhà (và rùa), họ còn phải nuôi tằm, dời trồng cỏ nuôi, và tiếp tục trang trí nhà cửa, làm đồ đạc.

Nhà cũ và nhà mới nối liền với nhau.

Ở góc Đông Bắc của nhà gỗ cũ, họ làm một cánh cửa.

Muốn làm cửa và cửa sổ trên tường gỗ vừa phải chú ý đến kỹ thuật, vừa phải tính đến vấn đề chịu lực của tường. Nếu muốn làm cửa sổ, tốt hơn hết là nên chuẩn bị trước khung cửa sổ. Sau khi dùng than vẽ lên tường gỗ, đầu tiên là dùng đục khoét rãnh theo đường vẽ, sau đó đục lỗ, cưa gỗ, nói không chừng còn phải dùng rìu chặt vài đường, sau khi cưa gỗ ra, mài nhẵn cái lỗ đã khoét ở trên tường, lấp khung cửa sổ vào, lấp khoảng trống bằng vữa trát rêu.

Còn nếu muốn làm cửa mới thì càng phải cẩn thận hơn, vì kích thước của cửa lớn hơn, để chống sập (mặc dù khả năng tương đối thấp), trước khi lắp khung cửa mới phải được đỡ bằng vài cột gỗ to. Giữa khung cửa trên và dưới được mở ra.

Điều này đòi hỏi họ phải chuẩn bị trước ít nhất hai trụ gỗ hình chữ nhật ngắn hơn khung cửa một chút so với khung cửa trong thiết kế. Sau khi cưa lỗ, các trụ gỗ được dựng lên ở hai bên cửa mở, mặt trên và mặt dưới được gắn chặt chẽ lại với nhau.

May mắn thay, Hà Điền và Dịch Huyền có hai chiếc máy cưa nên công việc này không quá khó khăn.

Cửa của nhà gỗ mới mở ở góc Tây Nam của ngôi nhà, ngay đối diện với cửa của nhà gỗ cũ.

Nền đất giữa hai cánh cửa lúc mới xây móng đã bị đầm, lần lượt là một lớp đá nhỏ, một lớp cát, một lớp rêu khô, và cuối cùng là một lớp sỏi, sau khi được nện phẳng thì đặt một khung gỗ đặc rộng và hẹp khoảng mười centimet lên, trên đó đặt những viên gạch đá bê tông chưa mài nhẵn.

Nơi này là lối vào.

Hàng hiên này được bao quanh bởi cửa ra vào ở tất cả các phía, phía Đông là cửa vào của nhà gỗ mới, phía Tây là cửa vào của nhà gỗ cũ đã được cải tạo thành nhà bếp và phòng ăn, phía Nam là lối vào, khi cánh cửa nhỏ phía Bắc mở ra thì sẽ thấy ngay bếp lò cung cấp hệ thống sưởi sàn cho nhà gỗ mới.

Cửa này cũng là cửa vào sân trong.

Đúng vậy, ngôi nhà mới do Dịch Huyền thiết kế có sân trong. Anh dự định xây một nhà kính mới ở phía Bắc của ngôi nhà gỗ cũ và mới. Một bên của nhà kính mới nằm sát bức tường phía Bắc của nhà gỗ mới, và ống khói sưởi sàn được đặt ở góc để nhiệt thải từ việc sưởi ấm có thể được cung cấp cho cây trồng trong nhà kính. Các bức tường cách nhiệt tuyệt vời của nhà gỗ mới cũng có thể giữ ấm cho nhà kính.

Chiều dài của nhà kính này sẽ bằng chiều dài của nhà gỗ mới và cũ. Nó kéo dài từ bức tường phía Đông của nhà mới đến bức tường phía Tây của nhà gỗ ban đầu. Ban đầu nó vốn là một kho để củi và cỏ, sau này được tân trang lại. Căn đối diện với bếp sưởi sàn là kho củi, giữa kho củi và nhà kính là nhà vệ sinh trong nhà trong dự án của Dịch Huyền. Không gian giữa bếp sưởi sàn và nhà kính đương nhiên là nhà tắm trong nhà. Bằng cách này, nước tắm có thể được dẫn trực tiếp vào nhà tắm từ lò sưởi sàn, và nước đã sử dụng có thể được đưa vào nhà kính để tưới. Nhà vệ sinh phía đối diện sử dụng nước từ nhà bếp tu sửa từ nhà gỗ cũ, nhà vệ sinh được nâng lên, bên dưới xây một bể thu gom chất thải kiểu ngăn kéo, có thể kéo ra và đổ vào hố phân ở góc nhà kính bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, nhà vệ sinh sẽ hoạt động như thế nào, phương pháp thu gom và sử dụng chất thải này có khả thi hay không, và liệu hố phân và thùng thu gom có thể chịu được cái lạnh khắc nghiệt hay không hiện vẫn còn chưa biết.

Hà Điền vẫn không đồng tình với quan điểm “có nhà vệ sinh trong nhà”. Nhưng cô không phản đối thử nghiệm của Dịch Huyền, dù sao những căn nhỏ như kho củi, nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà kính đều là những công trình hoàn toàn độc lập, nếu không hiệu quả thì chỉ cần phá bỏ đi và thay thế bằng thứ khác là được.

Thiết kế của Dịch Huyền nhìn từ mặt bằng là một vài hình vuông so le, giữa bếp lò trong nhà tắm, nhà bếp và nhà vệ sinh có một không gian mở hình chữ nhật nhỏ có kích thước ba mét x bốn mét, đây là sân trong.

Dịch Huyền dự định sẽ lát những viên đá nhỏ trên sàn của sân trong, đến mùa xuân và mùa hè thì đặt thêm chậu hoa vào, cũng có thể thêm nhiều bể nước cho sen và cá nhỏ.

Thiết kế của anh khá đẹp, nhưng Hà Điền nghe anh giải thích xong, cười hỏi: “Mùa đông nơi này sẽ không sao cả?”

“Đúng vậy.”

“Vậy anh có nghĩ đến mùa đông sẽ xúc tuyết như thế nào không?”

“……”

“Còn nữa.” Hà Điền chỉ vào kho củi, nhà vệ sinh, nhà tắm và lò sưởi sàn trên bản vẽ: “Làm thế nào để làm sạch tuyết ở những nhà nhỏ này?”

“……”

“Và, nhà kính thông với nhà, tuyết trên mái nhà phải xử lý sao?”

“……”

“Nếu mùa hè và mùa thu có mưa to thì làm sao để thoát nước?”

“… thì xây cống thoát nước để dẫn nước mưa vào nhà kính, trong nhà kính… sẽ đào một cái hố lớn để chứa nước!”

“Lá trôi vào sân, bít lối vào cống, thì phải làm sao?

“……”

Dịch Huyền hoang mang trước chuỗi câu hỏi này, anh gãi gãi đầu, muốn nói, nhưng mà nhà anh từng ở cũng có thiết kế tương tự như thế này! Cái giếng trời còn lớn hơn nữa kìa. Khi tuyết rơi, trẻ em có thể làm người tuyết và ném tuyết ở đó. Sau khi trời ấm thì mỗi sáng có thể tập võ ở đó. Đến mùa hè và mùa thu, cứ chiều chiều anh sẽ ngồi ở trên hành lang, ngắm các cô gái xinh đẹp múa hát luyện tập bài mới. Trong sân còn có những loài hoa và cây cối khác nhau. Khung cảnh từ cửa sổ nhìn ra vào mỗi mùa cũng khác……

Anh suy nghĩ một hồi, cuối cùng nhận ra rằng lúc đó, thật ra có một sinh vật ngày nào cũng đều bận rộn nhưng lại hiếm khi xuất hiện trước mắt anh: Người giúp việc.

Lá rụng, tuyết đọng và nước mưa, tất cả đều được những người này dọn sạch trước khi anh xuất hiện.

Anh thở dài thườn thượt, nghiêng người nằm xuống nệm rơm.

Một lúc sau, Hà Điền vuốt tóc anh, bên tai anh thì thào nói nhỏ: “Đừng nản lòng, chúng ta cùng nhau tìm cách.”

Phương pháp trước mắt mà họ nghĩ ra là xây một cống thoát nước ngầm trong sân nhỏ. Vật liệu làm cống thoát nước có thể là gốm, tre, nứa, gạch.

Ngoài ra còn phải làm cho mặt đất có một góc nghiêng nhất định. Để nước chảy về một chỗ.

Nếu mà thật sự không được nữa thì chỉ có thể tạm thời sửa đổi kế hoạch để thu nhỏ nhà kính sao cho nó chỉ dài bằng nhà gỗ mới. Bằng cách này, làm thế nào để làm sạch tuyết trên mái của các căn nhà độc lập này không còn là vấn đề nữa. Tuyết trên tất cả các căn nhà đều có thể được đập xuống, dù là chất thành đống trong sân, hoặc là quét đến bất cứ đâu cũng đều được.

Vì chiều cao của nhà mới là gần sáu mét, nên mái nhà kính, nhà tắm, nhà đặt bếp lò chỉ cần gắn vào tường của nhà mới, tạo thành một độ dốc, tuyết đọng có thể dễ dàng quét sạch.

Dịch Huyền vốn là muốn ngăn nhà kính bằng tường thấp, bên cạnh nơi trồng rau quả, bên kia tường thấp là nơi trú đông của vật nuôi, rau quả già trong nhà kính có thể dễ dàng ném cho những con vật bên kia bức tường hưởng dụng. Mà phân của động vật sau khi được dọn dẹp và thu gom, cũng có thể dễ dàng di chuyển đến hố phân bón gần nhà vệ sinh trong nhà kính.

Họ vẫn không muốn từ bỏ kế hoạch này. Chỉ nghĩ đến thôi là đã cảm thấy thoải mái dễ chịu rồi. Đến lúc mùa đông lạnh giá, họ không còn cần phải chạy tới chạy lui nữa! Khi bão tuyết ập đến, cũng không phải lần mò nắm dây thừng trên những chiếc cọc gỗ bị đóng băng sợ hãi bước đi trong màn tuyết nguy hiểm. Nếu có thể đúng như kế hoạch ban đầu, chiều dài của nhà kính sẽ được kéo dài ngang với hai ngôi nhà. Dài hơn, vậy thì sẽ thoải mái hơn, vì theo cách này, toàn bộ khu vực sinh hoạt là một hình vuông không có lỗ thông hơi, nhưng nếu nhà kính được thu ngắn lại, sân giữa nhà tắm và nhà vệ sinh sẽ trở thành một lỗ thông hơi hướng về phía Bắc đầu gió, tuyết sẽ không ngừng bị thổi bay và chất đống dưới tường nhà, sau đó xây thêm một bức tường chắn gió nữa.

Hai người thảo luận và cân nhắc nhiều lần, đầu tiên là vẽ trên bàn cát, sau đó là vẽ vào sổ, cuối cùng họ vẫn cảm thấy cứ dựa theo kế hoạch ban đầu mà hoàn thiện trước, làm tốt hệ thống thoát nước dưới sân, nếu có thể chịu được mưa bão vào mùa hè này thì sẽ làm nhà kính lớn hơn, còn nếu không được, vậy thì chỉ có thể xây dựng hai bức tường chắn gió.

Dù sao, điều mà bọn họ không sợ nhất chính là thử nghiệm.

Sau khi dựng khung cửa mới xong, muốn làm loại cửa như thế nào thì từ bây giờ cho đến khi bước vào mùa thu có thể lại tiếp tục thảo luận.

Hà Điền thích những cánh cửa bằng gỗ bình thường, nhưng Dịch Huyền thì lại đưa ra một số lựa chọn khác. Chẳng hạn như cửa sổ kính từ trần đến sàn được làm bằng gỗ và kính. Thậm chí anh còn đề nghị đóng một đường ray trên tường của nhà gỗ, làm thành cửa trượt bằng kính.

Sau khi dựng xong cửa trước, nhà mới của họ ngày càng ra dáng hơn.

Chỉ tiếc là cửa sổ của nhà mới chưa làm xong nên họ chỉ có thể kê tạm một khung gỗ mỏng có mảnh vải dầu trắng vào khung cửa sổ.

Sau khi quan sát cách cặp vợ chồng thợ làm cửa sổ chuyên nghiệp làm cửa sổ, Hà Điền và Dịch Huyền về nhà tham vọng thực hành, vốn nghĩ rằng nó có khó gì đâu, không phải chỉ là cắt gỗ thành những dải gỗ có mộng và lỗ mộng rồi lắp từng ô kính nhỏ vào thôi sao? Thực tế chứng minh, nghề thủ công mà người ta dám mang ra bán và kiếm sống nhìn thì đơn giản đó, nhưng cũng có những bí mật không thể để lộ ra. Ví dụ như góc nghiêng của các nan khung cửa sổ bằng gỗ, độ khô và ướt của gỗ, cách sửa kính ở bước cuối cùng đều có những mánh khóe mà họ không nhìn ra được.

Nhưng mà đã mua kính hết cả rồi, bây giờ muốn đi đặt làm cửa sổ vậy thì không khác gì ném tiền qua cửa sổ, cho nên, Hà Điền và Dịch Huyền quyết không bỏ cuộc.

Ngoài ra, họ dự định sẽ làm cửa sổ thành hai lớp, để không gian giữa hai lớp cửa sổ có thể cách nhiệt và làm cho ngôi nhà ấm áp hơn.

Trước khi làm ra chiếc cửa sổ hoàn hảo, họ chỉ có thể làm những gì có thể làm trong lúc dò dẫm.

Cũng giống như ngôi nhà gỗ ban đầu, hai cửa sổ của ngôi nhà mới được mở về hướng Nam, trên cửa sổ làm một mái hiên. Mái hiên mới kéo dài từ cửa sổ đến đường thẳng ngang mép mái hiên của nhà gỗ cũ. Tuy nhiên, mái hiên này lại có một huyền cơ, ở phía sát bên ngoài, mái hiên rộng một mét có thể di chuyển được, chỉ cần tháo giá đỡ trên hiên, phần hiên này có thể được gập vào trong một góc 90 độ, và được khóa lại để tạo thành một bức tường kín chắn gió.

Sau khi làm xong mái hiên, Dịch Huyền và Hà Điền đã thí nghiệm thử. Khi thả tấm ván có thể di chuyển xuống, Hà Điền “wow” một tiếng: “Giống cầu treo của lâu đài trong truyện cổ tích ghê.” Khi gấp tấm cửa thành bức tường kín chắn gió, cô lại “wow” một tiếng nữa, ngồi xổm chồm lên khoảng trống của tấm ván và nhìn ra ngoài: “Em thấy mình bây giờ giống một cung thủ cổ đại. Lúc thủ thành, em sẽ bắn những mũi tên lạnh lẽo từ đây và g.iết chế.t tướng lĩnh của đối phương.”

Ai cũng có trong mình một tính cách trẻ con.

Hiên nhà đã xong xuôi, Dịch Huyền mang hai chiếc ghế ra, Hà Điền thì mang một khay gỗ lớn với một ấm trà táo tàu đỏ bạc hà và một dĩa bánh quy lá hẹ với hành lá mới cắt từ vườn rau.

Hai người ngồi trên ghế, uống trà và ăn bánh, đối diện là ao nhà, vài con vịt đang thả mình trên mặt nước, trên ao còn có lá sen xanh, vài bông hoa sen sắp hé nở duyên dáng yêu kiều.

Hà Điền hít một hơi nhìn cảnh đẹp trước mặt: “Em muốn chuyển qua nhà mới ngay tối nay!”

“Không có tiền đồ.” Dịch Huyền “xuỳ” một tiếng. Anh lại bắt đầu tỏ ra đặc biệt thờ ơ: “Đây đã là gì? Chờ làm cửa sổ xong, chúng ta ngồi ở trong nhà cũng có thể nhìn thấy ao, còn nữa, ngoài cửa sổ còn có cây táo, đến mùa xuân, cây táo nở đầy hoa, em tưởng tượng thử xem, mình đặt một chiếc ghế dưới cửa sổ, ngồi đọc sách, uống trà và nhìn khung cảnh bên ngoài… … À, đúng rồi, mùa thu này chúng ta bắt một con mồi lớn nào đó, hươu, nai này nọ, đem lột da làm một tấm thảm rồi trải dưới chân, vậy mới thoải mái!”

Hà Điền cười hì hì: “Ừ, mình thắp thêm vài ngọn nến thơm, mấy viên hương thơm này kia… rồi gõ đàn nhỏ, như vậy mới gọi là hưởng thụ anh ha!”

Dịch Huyền nghe ra Hà Điền đang trêu chọc mình, cũng không giận, mò lại gần, nắm lấy bàn tay nhỏ bé của cô mà mập mờ sờ mó, rồi vu.ốt ve khuôn mặt cô: “Lại đây, anh sẽ cho em biết thế nào là hưởng thụ… …”

Mặt Hà Điền đột nhiên đỏ bừng lên, cô tức giận vươn tay đặt lên mũi Dịch Huyền: “Hừ!”

Hai người cười đùa trong chốc lát, bóng mặt trời đung đưa, Dịch Huyền vào rừng mang hai con cừu và Gạo về nhà, còn Hà Điền thì ở nhà chuẩn bị bữa tối.

Mấy hôm trước bắt được một mẻ tôm sông mập mạp, đựng trong rọ tre, ngâm xuống suối cho chúng nhả bùn, hôm nay đã ăn được rồi!

Khi Dịch Huyền trở lại, cháo đã nấu sẵn đặt ở trên bàn, Hà Điền bưng một dĩa đồ ăn đến, Dịch Huyền trông mong nhìn theo, lập tức nhăn nhó: “Mướp hả?”

Những khối nhỏ trong suốt trong dĩa chính xác là mướp.

“Lần này chắc chắn không giống sâu bướm đâu! Em đảm bảo.” Hà Điền cười dùng đũa gắp một miếng đút cho Dịch Huyền.

Mướp lần này quả thật ngon hơn rất nhiều, Hà Điền đã lựa ra những thớ thịt mướp béo ngậy và mềm, chỉ còn lại những khoanh tròn mềm mại và tươi mát cùng với những con tôm trắng hồng. Tôm tươi kết hợp với rau tươi, lại rưới một lớp nước sốt trứng pha tinh bột khoai tây, màu vàng nhạt kết hợp với màu xanh biếc trắng hồng, màu sắc vô cùng đẹp mắt, cũng vô cùng tươi ngon.

Dịch Huyền quả nhiên rất hài lòng: “Em mà sớm làm món này thì anh đã thích ăn mướp rồi!” Anh lại gắp thêm hai miếng, cười tủm tỉm ăn xong, nói: “Nếu đặt thêm một quả kỷ tử vào giữa con tôm, thì quá tuyệt.”

“Kỷ tử là gì?”

“Kỷ tử là một loại dược liệu, trước thời kỳ lạnh giá có đoạn thời gian bất kể là mùa đông hay mùa hè, ai ai cũng cầm bình giữ nhiệt, bên trong ngâm kỷ tử, quả tươi có màu đỏ và hơi mờ, bên trong có nhiều hạt nhỏ màu vàng. Nói thật là không thể ăn như hoa quả, nhưng cho dù là tươi hay khô thì lúc nấu canh hay pha trà, bỏ vài quả vào, ngọt lịm. Có điều, món ngon nhất là mầm cây kỷ tử, mùa hè đem xào với dầu và muối— “

“Anh lừa em! Cái này viết ở sách nào!”

“Thật sự ngon lắm, không lừa em đâu.”

Hai người ăn uống vui vẻ, bàn bạc xem nên chắn toàn bộ cửa căn nhà gỗ cũ như thế nào, hay là chắn một nửa, để nửa còn lại làm cửa sổ, nếu là cửa sổ thì cần bao nhiêu kính.

Lúa Mì nằm ở một bên vừa ăn thức ăn cho chó, đầu nhỏ cũng đang nhẩm tính, sau khi xây nhà mới thì nó sẽ sống ở đâu? Cạnh cửa có một bếp lửa, hẳn đó là nơi ấm áp nhất nhà! Hay nó vẫn nên ở nhà cũ?

Ở đây cũng có bếp lửa mà.

Nếu Lúa Mì là một con mèo, có thể nó sẽ nghĩ rằng, con sen của trẫm xây cái nhà vừa cao vừa lạnh lẽo kia, chuyển ra ngoài, tất nhiên, hẳn là vì muốn để nhà này lại cho trẫm chứ còn gì nữa.