Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 69: Cà chua



Sau cơn mưa nặng hạt này, mùa thu lặng lẽ đến.

Thời gian ban ngày càng dài hơn, kéo dài từ sáu bảy giờ sáng đến bảy tám giờ tối, nhưng sau một trận mưa thì hầu như ve sầu đều đồng loạt ngừng kêu.

Khu rừng trở nên yên tĩnh hơn rất nhiều.

Chẳng bao lâu sau khi tiếng ve sầu biến mất, lá cây cũng dần đổi màu.

Đầu tiên chuyển sang màu vàng là lá cây bạch dương và cây dương. Những chiếc lá rụng lúc đầu có màu xanh, sau chuyển sang màu vàng xanh, về sau nữa, cả những chiếc lá trên cành cũng chuyển sang màu vàng xanh.

Cái nắng nóng cũng theo tiếng ve tan biến. Ngay cả vào buổi trưa cũng không còn bị đổ mồ hôi vì ánh nắng mặt trời. Khi mặc quần áo mỏng và đi vào nơi có bóng râm còn sẽ cảm thấy lạnh.

Cùng lúc đó, các loại rau màu trong lòng đất dường như cũng biết được rằng hơi ấm quý giá và ánh nắng mặt trời sắp biến mất, đang tuyệt vọng hấp thụ chất dinh dưỡng cuối cùng này.

Mỗi ngày Hà Điền đều thu hoạch một số loại rau củ, rửa sạch rồi phơi khô, để riêng ra cất.

Năm nay, cô trồng hai loại cà chua, một là cà chua chùm, quả đỏ, mỗi quả chỉ to bằng lòng đỏ trứng gà nhưng có vị chua ngọt, có thể cắt đôi ăn cùng các loại rau khác, hoặc cũng có thể hái thành từng chùm, phơi cho đến khi quả teo lại rồi đem cất, hoặc là hái thêm một ít ớt đỏ đem phơi cho đến khi khô, cắt khúc, cho ít muối vào cùng với cà chua rồi xóc đều, cho vào hũ thủy tinh hoặc niêu đất, đổ mỡ vào bên trong ngâm. Sau khi để vài ngày, ớt và cà chua chìm xuống đáy hũ, màu mỡ cũng thêm chút đỏ.

Loại cà chua ngâm trong mỡ này có thể được lấy ra khi nấu ăn và thêm vào các món ăn để tăng thêm hương vị, hoặc có thể lấy chúng ra trộn với rau và thịt.

Một loại đồ ngâm khác là ngâm nước muối. Cho cà chua vào chậu, đổ nước sôi vào ngâm một lúc, vớt ra bóc bỏ vỏ rồi cho vào hũ ngâm nước muối, đậy kín nắp để bảo quản.

Khi lấy những quả cà chua ngâm như vậy ra, quả cà chua vẫn tròn, tuy có vị mặn hơn một chút nhưng đến mùa đông thì lại là của hiếm, dù là nấu mì hay hầm, chỉ cần thêm một hai quả, lập tức làm tăng khẩu vị ngay.

Một loại cà chua khác được Hà Điền trồng có thể cho trái rất lớn. Năm nay, quả cà chua to nhất phải cỡ bằng hai nắm tay. Nó nặng đến mức gần như muốn chạm mặt đất.

Từ khi nó vẫn còn xanh, mỗi lần Hà Điền và Dịch Huyền đi đến vườn rau cũng đều đặc biệt chú ý đến nó, lần nào cũng phải thảo luận một phen: "Trời, nó vẫn còn lớn nữa hả?", "Có khi nào còn chưa chín thì đã rụng luôn rồi không? Nó lớn lắm rồi."

Sau khi quả bắt đầu chuyển sang màu đỏ, mỗi buổi sáng Dịch Huyền sẽ chạy đến xem nó trước, sau đó chạy về báo cáo: "Nó vẫn đang phát triển!"

Khi quả cà chua này chín, màu sắc không phải là màu đỏ tươi của cà chua nho mà là màu hồng, gần đầu quả có một lỗ nhỏ, da ở đây đặc biệt mỏng, gần như có thể nhìn thấy thịt quả bên trong, và còn nổi lên một viên thịt quả nhỏ như hạt sạn.

Hương vị cũng rất ngọt ngào.

Cà chua to chín hầu như không có vị chua, có màu hồng trong mờ, trên cuống chỉ có một chút màu vàng xanh, sau khi rửa sạch có thể ăn trực tiếp như trái cây, cắn một miếng thì nước trong miệng cũng ngọt.

Khi ăn loại cà chua này, hãy cố gắng hấp thụ nước quả càng nhiều càng tốt trong miếng đầu tiên, nếu không, nước chua ngọt sẽ chảy ra khắp nơi. Trong nước quả còn kèm theo những hạt cà chua xanh vàng, hạt không cứng mà hơi dai.



Nếu cho cà chua vào chén, rắc một muỗng đường, rồi cẩn thận dùng muỗng cắt nhỏ ra, ăn cùng với đường, ngon đến mức không thể dừng lại được.

Lần đầu tiên nhìn thấy Hà Điền ăn cà chua như thế này, Dịch Huyền cảm thấy rất mới lạ, trước đây anh không nghĩ cà chua có thể ăn được như trái cây, nhưng sau khi ăn một quả, suốt mấy ngày liền anh đều ăn cà chua để tráng miệng.

Đáng tiếc là cà chua ngon như vậy nhưng lại không dễ bảo quản.

Đem phơi khô, quả to quá, phơi còn chưa khô thì thường đã bị hỏng mất, nếu cắt thành miếng hoặc lát thì không giữ được chất nước như cà chua nho nữa. Còn đem đi ngâm nước muối thì kích thước lớn quá không dễ ngâm, một hũ không đựng được hai quả.

Cách duy nhất là chế biến nó thành nước sốt cà chua.

Cho cà vào nước sôi một lúc, lột bỏ vỏ, dùng tay tách bỏ cuống, bỏ cùi rồi cho vào nồi, không thêm một giọt nước nào, nấu trên lửa nhỏ, rắc muối, đường và các hương liệu tùy thích, đun sôi cho đến khi nước bay hơi hết, cà chua sền sệt thì có thể đổ vào hũ thủy tinh. Sau khi nguội thì đậy kín rồi đem cất vào trong hầm, ăn được đến tận mùa xuân hè năm sau.

Đem nấu mì hoặc xào với nước sốt thịt, hương vị sẽ thay đổi khác hẳn đi.

Khi làm bánh mì yến mạch cũng có thể cho vào bột, thêm một ít quả óc chó nghiền vào để khi ăn có mùi thơm dịu.

Dịch Huyền nếm thử một miếng sốt cà chua và đề nghị thêm một số nấm dại và nấm hương vào. Hà Điền ăn thử thì thấy nó ngon hơn, vì vậy cô đã làm vài hũ nước sốt này.

Đậu đũa cũng là một loại rau dễ bảo quản.

Ngoài việc phơi khô, nó cũng có thể được lên men như cải muối, khi ăn thì vớt ra, ngâm với nước trong một lúc, để ráo rồi cắt thành từng miếng vuông nhỏ, cho thịt đã thái hạt lựu vào xào cùng, hương vị rất ngon.

Hà Điền cũng ngâm một ít dưa leo.

Sau khi thời tiết chuyển lạnh, dây leo mất sức, dưa leo cũng không lớn thêm được nữa.

Hà Điền hái những quả dưa leo dài bằng ngón tay và ướp chúng với đường và muối rồi cho vào hũ. Dưa leo muối chua giòn ăn sống là món ăn kèm rất ngon miệng, ăn kèm với cháo rau củ và bánh bao gạo tạp rất là ngon.

Hoặc cũng có thể cắt thành từng khối vuông nhỏ, cho hỗn hợp trứng vào xào, trứng bông lên còn dưa leo thì giòn, ăn với cơm hoặc là khi ra ngoài thì bọc trong cơm nắm.

Nếu dưa leo muối được ngâm trong hũ, đậy kín cẩn thận thì có thể để được khoảng sáu tháng.

Năm ngoái, Hà Điền không có nhiều sức lực và thời gian để chăm sóc cây trồng, cà chua và dưa leo đều không thể bảo quản trong hũ được. Đây là một điều rất đáng tiếc. Cho nên năm nay cô sẽ làm nhiều hơn một chút.

Bí đỏ to nhất cũng đã nặng gần bằng một con vịt. Hà Điền và Dịch Huyền không biết những quả bí đỏ này sẽ lớn đến mức nào. Họ để lại bốn năm quả để quan sát, số còn lại thì hái về thái mỏng để làm rau khô. Bí đỏ phơi nắng nhàu nát, lên màu cũng không được đẹp. Vì năm nay mới trồng lần đầu nên họ cũng không biết mùi vị của loại rau khô này để lâu sẽ như thế nào.

Suốt tháng tám, khoảng không gian trống trải trước căn nhà gỗ đầy những dãy kệ, những mẹt tre được đặt trên hai chiếc ghế đẩu để phơi nhiều loại rau củ quả trên đó.

Những quả táo trên cây giờ đã to bằng nắm tay, những cây táo tàu và cây hồng cũng trĩu quả, chỉ cần một hai tuần nữa là có thể hái được.

Ngoài những loại trái cây này, thực phẩm chủ yếu của nhà Hà Điền là kê cũng sai hạt trĩu cành.

Mùa thu rất ngắn ngủi, trời sẽ có mưa to bất chợt hoặc có thể có tuyết rơi bất ngờ.

Hà Điền và Dịch Huyền mỗi ngày đều bận rộn, vội vàng chuẩn bị cho mùa đông.

Mặc dù bây giờ vẫn có thể mặc quần áo đơn và mang giày rơm, nhưng có lẽ sau một trận mưa, trời sẽ lạnh đến mức họ cần phải mặc quần áo da.

Hà Điền có quần áo và giày cũ từ những năm trước, nhưng Dịch Huyền thì không.

Giày mùa hè rất dễ làm.

Nhà Hà Điền cũng như những người dân miền núi quanh đây đều đi giày rơm vào mùa hè.



Cắt lá hương bồ dọc những ao đầm về, phơi khô rồi vê cho mềm, sau đó làm giày rơm.

Tuy nhiên, giày mùa hè hoàn toàn khác với giày mùa đông. Giày rơm mùa đông sử dụng phần thân to sát gốc, mỗi thân to đến nửa centimet, sau khi phơi khô rất cứng.

Còn giày rơm mùa hè thì chỉ cần bện bằng lá cây tươi, lá sau khi phơi khô và vê cho mềm, một sợi chỉ dày cỡ hai ba li, bện thật chặt thật kỹ làm đế giày, để lại sáu sợi dây.

Đặt đế trên trụ gỗ rồi dùng chùy gõ nhẹ, sau đó bện phần trên. Gót giày là một đoạn, dùng hai sợi còn lại ở gót kéo dài sợi dây rơm lên, bện cao đến mắt cá chân thì ngừng, thắt lại đường bện, từ mũi chân đến mu bàn chân là một đoạn nữa, cả hai đoạn đều bện và thắt lại, sáu sợi dây vừa vặn gom lại ở mắt cá chân, làm khóa thắt dây giày.

Dây giày được cắt theo độ dài thích hợp, khóa giày thì được làm phức tạp hơn một chút, một bên thì bện thành một sợi dày có lỗ, bên còn lại bện thành một nút nhỏ, vừa đủ để nhét qua lỗ bên đầu dây kia.

Những đôi giày mà Hà Điền mang khi còn nhỏ có những chiếc nút được ông bà cô cắt bằng gỗ, có khi được cắt thành hình bông hoa nhỏ, có khi được cắt thành hình con ong và con bướm, rồi được sơn màu, tuy nhỏ nhưng chúng rất lạ mắt và tinh xảo.

Bên trong giày rơm còn phải mang vớ. Dù một số người không mang nhưng nhà Hà Điền vẫn làm vớ để thoải mái và không bị côn trùng đốt.

Đi trên đường núi, giày rơm phải chắc chắn và vừa vặn với gót chân, chính vì vậy, trên giày rơm của Hà Điền, giữa ngón chân cái và ngón chân thứ hai có một sợi dây dọc được bện xuyên qua đế. Khi mang vào thì dây sẽ cố định giữa các ngón chân, không sợ bị tuột.

Đi đôi giày này, tất nhiên, vớ cũng phải được làm đặc biệt.

Vớ đơn giản hơn giày, dùng ba miếng vải, miếng to hơn là đế bàn chân, hai miếng bên hông là mu bàn chân, khi may thì may chừa một đường làm khe hở giữa ngón chân cái và ngón thứ hai, xỏ chân vào, ngón chân có thể tự do cử động.

Những đôi vớ như vậy được gọi là vớ đầu quạ, một kiểu vớ rất cổ xưa.

Sau khi Dịch Huyền nhìn thấy đôi giày bằng rơm của Hà Điền, ​​còn muốn cô làm cho anh một đôi giày có quai chữ V ngược, vừa bước vào nhà là anh lấy ra mang ngay, Hà Điền đã đi thử, nó thật sự rất thoải mái, vì vậy cô cũng làm cho mình một đôi.

Mặc dù bện giày có hơi mất thời gian nhưng dùng giày rơm thì hầu như không mấy tốn kém. Giày rơm có bị ướt cũng không sợ, chỉ cần phơi khô là được, hai đôi giày có thể dùng suốt cả một mùa hè. Nếu muốn kỹ hơn thì có thể lót dăm gỗ và guốc dưới đế của giày, có thể mang được vài năm.

Giày mùa thu thì không dễ làm như vậy.

Bởi vì trong rừng có rất nhiều sương và muốn mua vải thì phải tốn tiền nên hầu hết người dân miền núi đều sử dụng da của con mồi bắt được để làm giày da.

Có rất nhiều cách làm giày da.

Cách đơn giản nhất là cắt miếng da thành hai dây da, bẻ cong lại thành hình chữ U rồi may hai đầu vào đế, một bên trên và một bên dưới, là giày nhưng hơi giống dép.

Năm ngoái Hà Điền đã làm một đôi giày da thỏ cho Dịch Huyền, chỉ mang ở nhà vào mùa đông, khi trèo lên gác thì bỏ giày ra, lúc xuống thang thì chỉ cần xỏ chân vào, rất thuận tiện.

Phần lông thỏ nằm bên trong, mang vào chân, kể cả khi chân không mang vớ cũng rất mềm và êm, rất thoải mái, về phần da thỏ bên ngoài, nếu dính bụi bếp hay gì đó thì chỉ cần lấy khăn lau sạch là được.

Đôi giày mà Hà Điền mang ở nhà được làm tinh tế và bắt mắt hơn, chúng được làm từ lông ở cổ chân của tuần lộc. Phần lông trên chân tuần lộc được cắt và may thật chặt, nó giống như một đôi ủng ngắn, cũng mềm và ấm, với mặt da hướng ra ngoài và mặt lông hướng vào trong. Giày của Hà Điền rất tiện lợi, có thể xem như vớ, sau khi xỏ chân vào giày là có thể đi ra ngoài.

Nhưng mà giày mùa thu thì phải được làm phức tạp hơn, dù sao thì họ cũng phải đi tới đi lui trong rừng, không thể làm một cách qua loa được.

Ngay sau khi da được thuộc xong, Hà Điền bắt đầu làm giày.

Cô đã tìm ra cuốn sách dạy làm giày tại nhà, sách nói về các phương pháp làm giày khác nhau, da được cắt thành hình gì, cách may, cách đục lỗ, cách làm đế da...

Cô để cho Dịch Huyền lựa chọn, vì vậy anh đã chọn hai kiểu, một kiểu có dây cột và kiểu còn lại là bốt đến mắt cá chân.

Dụng cụ làm giày da khiến Dịch Huyền được mở mang tầm mắt. Trước đây giày mà anh mang đều được người khác đưa đến đặt ngay trước mặt để anh lựa chọn. Anh chưa bao giờ biết rằng để có được một đôi giày lại phải làm nhiều bước đến vậy. Phải dùng dùi và các công cụ định vị như com-pa, kéo, kìm, đồ bảo vệ ngón tay này nọ.

Để làm ra đôi giày có dây cột, chỉ riêng phần mặt giày thôi đã phải cắt bảy miếng da, Hà Điền đã dùng một miếng da hoẵng trên phần chân có nhiều lông, theo cô thì loại da này ít thấm nước.

Dịch Huyền cảm thấy nếu kết hợp màu sắc thì sẽ càng đẹp hơn nữa.



Phần bề mặt giày khá dễ làm, phần đế trông giống như một mảnh, nhưng thực chất là một lớp da nhiều lớp, được dán lại với nhau bằng keo bong bóng cá, đập cho dính chặt rồi phơi khô... Phải trải qua nhiều trình tự mới hoàn thành được, vừa cứng vừa nặng.

Nhà của Hà Điền có một miếng da đế giày như vậy được làm từ nhiều năm trước, nó được làm từ 5 tấm da hươu dày có kích thước tương tự nhau, dày gần bằng ngón tay và cực kỳ nặng.

Cắt đế và may đế đều là những công việc tốn nhiều công sức.

Dịch Huyền và Hà Điền lấy miếng da ra khỏi kho, để trong bóng râm một thời gian rồi dùng than củi vẽ hình lên đó, tiếp đến dùng dao to và nhọn khoét lỗ, đục lỗ, khâu mặt giày vào, quét một lớp keo bong bóng cá, hong khô, thêm phần đế và phần gót giày bằng gỗ, sau đó dùng dùi đập đập gõ gõ một phen, cuối cùng thì hoàn thành.

Hai đôi giày này phải làm từ mùa hè cho đến mùa thu mới xong.

Sau khi làm xong hai đôi giày, cô còn phải may một số quần áo mùa thu.

Quần áo của người trên núi rất trung tính, với lại quần áo của người già cũng không rực rỡ, nhưng Hà Điền cảm thấy không phải lúc nào Dịch Huyền cũng có thể mặc lại quần áo cũ của bà cô được.

Cô lấy hết đống vải mua lúc mùa xuân ra, rồi giở sách về quần áo nam ra cho anh lựa kiểu dáng.

Phải may hai bộ quần áo, vì dù sao thì cũng phải có một bộ để thay.

Vì vậy, Hà Điền đã dùng loại vải thật dày may cho anh hai chiếc áo khoác và hai chiếc quần dài. Tạm thời không cần phải may áo khoác lông vì không có đồ da thích hợp, anh có thể mặc lại đồ cũ của bà cô. Nếu mùa đông này có thể bắt được con mồi lớn, tốt nhất là nai, sang năm cô sẽ làm cho anh.

Áo khoác một cái được làm thành kiểu ngắn, dài đến hông và được may bằng vải bông dày màu xanh đen, chiếc còn lại thì may bằng vải dầu màu lạc đà sẫm, được làm thành kiểu dài, dài trên đầu gối. Kiểu áo này còn có nón trùm đầu.

Cả hai chiếc áo khoác đều được làm lớn hơn một chút và có thể mặc áo lông bên trong khi trời hơi lạnh.

Sau khi làm quần áo xong, Hà Điền lại làm một lớp lót bằng vải bông có thể tháo ra được. Riêng quần áo mùa thu của cô cũng có lớp lót bên trong, khi trời se lạnh thì lót thêm vào. Với những chiếc cúc được may ở viền mép áo trong và cài cúc là những vòng vải nhỏ trong áo, áo có thể mặc lâu hơn và dễ giặt hơn.

Áo lót bên trong không có cổ áo và hơi nhỏ hơn so với áo bên ngoài, giữa hai lớp vải bông này là một lớp bông mỏng và lông tơ vịt, được may thành dạng ô lưới, làm vậy thì lớp bông và lông tơ bên trong không chạy lung tung.

Sau khi may xong áo khoác vẫn còn sót lại vài miếng vải lẻ, Hà Điền nhớ đợt ở chợ xuân đã từng nhìn thấy chiếc áo khoác nhiều màu do Tam Tam làm, lúc đó Dịch Huyền có vẻ rất thích, nên cô đã làm cho anh một chiếc nón nhiều màu dạng chóp giống nón của mấy đứa trẻ phát báo.

Anh rất thích chiếc nón này, quần áo mới vẫn chưa được mặc nên cả ngày cứ đội nón mãi.

Quần áo, giày dép đã kịp làm xong, vừa xong thì trời lại đổ mưa.

Cơn mưa không quá nặng hạt, nhưng sau một trận mưa, cả ngày trời đều âm u.

Sau trận mưa này, lá rụng trong rừng càng vàng và kém xanh hơn.