Dịch Huyền rửa ruột heo hồi lâu, cuối cùng nhận ra rằng lạp xưởng không dễ làm.
Lúc Hà Điền gọi anh đi ăn cơm, anh vẫn còn đang "chiến đấu hăng hái" với số ruột heo bên suối.
Hà Điền nhìn thử, chất bẩn trong ruột đã được rửa sạch, nhưng lớp màng bên trong vẫn còn dinh dính, còn lâu mới đem đi nấu được, huống chi là làm thành vỏ lạp xưởng.
Cô biết tính khí của Dịch Huyền, nên cẩn thận hỏi anh xem vỏ lạp xưởng trông như thế nào, sau đó nhìn vào phần ruột trong giỏ chưa được làm sạch: "Hẳn là chỉ dùng ruột non. Phần ruột già nên để sang một bên."
Cô nghĩ ngợi rồi đem một hộp tro thực vật nhỏ đến, trước tiên dùng móc tre lật ngược ruột non lại, rửa sạch phần bên trong, sau đó để ruột trên một cái nia tre cùng Dịch Huyền xả nước. Khi gần khô thì lại rắc một lớp tro thực vật lên nữa.
Hà Điền nói: "Ăn cơm trước đi. Đợi ăn xong thì tro thực vật cũng đã hút hết chất trơn rồi, sẽ rất dễ rửa sạch."
Thật vậy, ăn cơm xong quay lại, tro dính vào lớp màng mỡ bên trong, dùng tay vò nhiều lần rồi dùng dao tre cạo sạch, rửa nước, vậy là ruột đã được làm sạch.
Đoạn ruột non này khi lấy ra khỏi bụng heo cảm thấy không dài bao nhiêu, giờ căng ra hết, cũng dài cả hơn chục mét.
Dịch Huyền và Hà Điền treo ruột heo đã làm sạch lên một chiếc cọc tre để hong khô, sau đó nhóm lửa trên bãi đất trống bên cạnh đất trồng rau. Họ dùng một chiếc cây xiên cá để cắm đầu heo vào, đặt nó lên giá đỡ hình chữ Y và xoay cán của chiếc xiên. Ngọn lửa sẽ đem toàn bộ số lông tơ trên đầu con heo thiêu rụi. Tất nhiên là mùi của nó không được dễ chịu cho lắm.
Dịch Huyền ở lại xử lý đầu heo. Hà Điền đi lấy một thùng nước và một chậu sắt lớn đến. Sau khi làm sạch đầu heo, đặt chậu sắt lên bếp lửa, thêm nước, sau đó trụng da heo trong nước sôi để làm sạch máu bẩn, sau khi vớt ra để ráo thì dùng dây làm bằng sợi bông kéo căng trên một vòng tre lớn.
Hà Điền tìm phần da cổ của con heo, dùng một con dao nhỏ cạo sạch lông bờm rồi cho vào một chiếc hộp tre nhỏ.
Những sợi lông này có thể được sử dụng để làm bàn chải đánh răng và bàn chải với nhiều kích cỡ khác nhau.
Bàn chải đánh răng của nhà Hà Điền đều do họ tự làm.
Làm cũng không khó. Cắt tre thành cán, lắp kim khoan nhỏ đường kính một milimét vào máy khoan cầm tay, dùng thước để đo, khoan ngay ngắn năm lỗ nhỏ trên đầu bàn chải đánh răng, mỗi hàng dọc mười lỗ, phần tay cầm này coi như đã xong.
Lông bàn chải đánh răng sử dụng hai loại lông, phần ở giữa thì dùng lông cứng còn cả hai bên thì dùng phần lông mềm hơn. Các sợi lông được cột thành chùm bằng sợi tơ và thắt nút ở giữa, nhét vào các lỗ trên cán cây đánh răng. Khi xỏ chỉ thì bắt đầu từ phần dưới cùng của mặt chính, luồn chỉ lên trên, đến phần cuối thì xỏ vòng lại, khi luồn đến cuối, cột một nút thắt, tất cả các chùm lông đều được cố định lại.
Lúc này, bàn chải đánh răng cơ bản đã hoàn thành, trước khi dùng thì luộc qua nước sôi pha muối, để khô.
Một cái bàn chải đánh răng có thể sử dụng được từ ba đến bốn tháng.
Mà lông của một con heo có thể làm được hàng trăm cái bàn chải đánh răng.
Ngoài bàn chải đánh răng, tùy theo độ cứng mềm của lông mà có thể chế tạo ra nhiều loại bàn chải có kích cỡ và mục đích sử dụng khác nhau.
Bàn chải chải lông cho Gạo cũng được làm bằng lông heo, dùng loại gỗ dày và lông cứng nhất làm thành, có thể loại bỏ hết bụi bẩn, cát sỏi bám trên người nó, cả những loại hạt nhỏ, rồi rệp, ve, vân vân...
Loại bàn chải này sau khi dùng xong thì treo ở nơi khô ráo thoáng mát, có thể sử dụng được những hơn chục năm.
Năm ngoái, Hà Điền chỉ mang bộ lông heo về nhà, còn da và phần lớn nội tạng thì đều được chôn ngay tại chỗ.
Đợi cô cạo hết lông heo xong, Dịch Huyền mang da heo đến xưởng đồ da và ngâm chúng vào bồn nước trước.
Thuộc da vào mùa thu không có nhiều muỗi như lúc mùa hè, chỉ lo là đang thuộc da mà trời mưa thì da sẽ bị mốc.
Sau khi tất cả những thứ này được xử lý xong, Hà Điền và Dịch Huyền chuyển sang một cái nồi lớn, thêm nước, muối, hoa tiêu và ớt, rồi cho đầu heo vào nấu.
Hai người dựng một cái giá bên đống lửa, gác chân heo lên rồi bắt đầu cắt thịt heo ra.
Thứ đầu tiên cần lấy là lớp mỡ dính trên da, và lớp mỡ dạng lưới ở phần bụng.
Mỡ heo là nguồn chất béo rất quan trọng, rửa sạch rồi cho vào chậu, chờ lọc dầu sau.
Mỡ heo tinh luyện sau khi đông đặc có màu trắng tuyết và có mùi rất thơm. Cho vào hũ gốm đậy kín rồi cất vào trong hầm, ăn được rất lâu.
Đợi đến mùa xuân năm sau, vịt trời và ngỗng trời bay đến, sẽ lại có nguồn mỡ tươi mới.
Tiếp theo, chặt từng phần thịt, chặt hai miếng sườn, để riêng một miếng, cho vào hầm tạm cho tươi, phần còn lại cho vào chậu lớn, phủ lên trên hỗn hợp muối và bột hoa tiêu rồi treo lên hong gió. Mỡ trên mấy miếng thịt nhỏ cũng đều được cắt ra, ném vào chậu mỡ.
Hà Điền để lại một ít thịt nửa nạc nửa mỡ, hỏi Dịch Huyền: "Trước đây anh ăn bánh trung thu là vị mặn hay vị ngọt?"
Dịch Huyền cười: "Cả hai. Sao vậy, em muốn làm bánh trung thu?"
Hà Điền gật đầu: "Em thấy hạt kê đã có thể thu hoạch được rồi. Thu hoạch hạt kê xong, chúng ta sẽ làm bánh trung thu."
Trong rừng, mùa xuân đến muộn, còn mùa thu thì đến sớm.
Nếu thật sự phải đợi đến Tết Trung thu theo âm lịch, sợ rằng thứ đợi được không phải là trăng, mà là tuyết.
Vì vậy, mỗi năm khi thu hoạch hạt kê xong. Bất kể mặt trăng tròn hay khuyết, nhà Hà Điền cũng đều làm bánh trung thu trước. Đồ ăn theo mùa thì có sẵn. Khi trăng tròn, nếu thời tiết không quá lạnh, cũng có thể đặt một cái bàn nhỏ ở trước hiên, người một nhà vừa ăn bánh trung thu, vừa ngắm trăng.
Dịch Huyền từng sống ở một thành phố phía Nam, khí hậu ở đó khá khác biệt so với nơi đây, mặc dù mùa hè nóng nhất chỉ từ hai mươi bốn đến hai mươi lăm độ, và mùa đông cũng âm hai mươi độ, nhưng mùa thu thì lại đến muộn hơn nơi của Hà Điền gần một tháng. Ngoài việc ăn bánh trung thu trong ngày Tết Trung thu, họ còn có thể ngắm hoa quế.
Khí hậu khác biệt, dựa vào thức ăn có thể thấy được.
Dịch Huyền liệt kê những loại bánh trung thu mà anh đã từng ăn: "Bánh trung thu nhân ngũ vị này, nhân lòng đỏ trứng hạt sen này, còn có bánh trung thu nhân thịt tươi vỏ bánh xốp giòn nữa. Vỏ bánh được xếp từng lớp, khi chạm vào sẽ rơi ra như bông tuyết, cho vào miệng thì tan ngay... "
Hà Điền tiếp lời: "Em cũng có thể làm được da bánh xốp giòn. Gọi là da giấy, chỉ cần thêm nhiều mỡ heo vào là được."
Dịch Huyền nghe vậy thì rất hứng thú: "Vậy chúng ta cũng làm đi." Anh còn nói thêm những loại bánh trung thu khác: "Có nhân trái cây, nhưng anh không thích. Nó quá ngọt, không có một chút vị trái cây nào. Nhưng mà có loại nhân trà xanh rất ngon, vỏ ngoài trong, mờ đục... "
"Vậy nhất định là được làm bằng bột nếp rồi." Bây giờ Hà Điền đã có kinh nghiệm, đồ ăn dù có tinh xảo đến đâu thì trên thế giới này cũng chỉ có bấy nhiêu nguyên liệu đó mà thôi.
"Ừ." Dịch Huyền giơ ngón cái và ngón trỏ lên ước lượng kích cỡ: "Lớn hơn thế này một chút, da bánh trong và mờ như sương, bên trong là phần nhân màu xanh nhạt, nhìn thôi cũng đã thấy thích rồi, vị không quá ngọt ngấy, ăn lành lạnh, ừm... chắc là có bỏ lá bạc hà vào?"
Hà Điền ngẫm nghĩ: "Da thì dễ nhưng nhân thì hơi khó làm. Ở đây chúng ta không có trà." Thứ mà họ thường uống chỉ là lá liễu và lá tre hái vào mùa xuân được phơi khô và ủ, còn có lá thông, hoa hồng, bạc hà, hoa cúc, táo khô, trà táo tàu đỏ, v.v.
Cô suy nghĩ một lúc rồi nói: "Em sẽ cố gắng thử làm bánh trung thu nhân trà xanh mà anh đã nói trong vài ngày tới. Còn bây giờ nhân lúc nguyên liệu còn mới, chúng ta làm mấy cái bánh trung thu nhân thịt tươi ăn."
"Được!" Nói đến ăn, Dịch Huyền luôn vui vẻ.
Hai người cắt thịt ra, xương lớn cạo sạch cũng cho vào một cái chậu.
Họ làm một cái bếp ở bãi đất trống, đặt một cái nồi lớn rồi hầm toàn bộ xương heo, ngoại trừ nước, chỉ cho một ít muối vào.
Sau khi thu dọn dao nhỏ và muôi hồ lô xong, nồi đầu heo gần như đã sôi ùng ục, Hà Điền gọi Dịch Huyền đến lấy đầu heo ra để vào trong một chiếc giỏ tre.
Lúc này đã hơn bốn giờ chiều, rừng cây bắt đầu trở nên lạnh dần.
Dịch Huyền thúc giục Hà Điền đi mặc thêm quần áo. Anh thì mặc một chiếc tạp dề da vào, nâng đầu con heo đã ráo nước đặt lên trên đầu gối rồi dùng một chiếc kẹp tre nhỏ để nhổ phần lông mịn trên tai heo đi, sau đó cắt hai lổ tai ra, cắt thành sợi, ướp chung vào trong nước sốt đang ướp nửa quả tim heo kia.
Đầu heo đã được nấu cả buổi, lúc này rất dễ tách ra.
Hà Điền dạy Dịch Huyền cách tách đầu heo thành bốn phần: "Trước tiên anh hãy rút hàm dưới ra, sau đó tách ra như thế này, chúng ta không cần mắt heo!"
Não heo từ lúc mổ heo đã cho Lúa Mì ăn rồi, bây giờ thứ cần xử lý là mũi và lưỡi heo.
Cô nhìn Dịch Huyền: "Chắc anh chưa ăn món này bao giờ."
Dịch Huyền gật đầu cười: "Đúng là không có."
"Lưỡi của tuần lộc còn ngon hơn lưỡi heo nữa. Chỉ cần luộc rồi lột lớp da lưỡi ra, không cần muối cũng ngon." Hà Điền lột da của lưỡi heo ra, bày lên dĩa: "Nếu anh muốn thì lát nữa thử sẽ biết."
Dịch Huyền khá sẵn lòng với việc thử đồ ăn mới.
Dù sao thì ngay cả nhộng tằm, rùa và trứng rùa anh cũng đều đã ăn rồi. Heo rừng thì cũng chỉ là heo mà thôi.
Liên tiếp mấy ngày nay, ngay cả Lúa Mì cũng được ăn rất nhiều đồ ăn ngon.
Đầu heo lột sạch xương, cắt nhỏ, ướp chung với tim và tai heo.
Món canh hầm lần này rất ngon, chỉ dùng xương heo, không cho thêm gì khác, nồi được đặt trên bãi đất trống, dùng một khúc gỗ to đun một ngày một đêm. Xương được hầm mềm rục, nước canh có màu trắng sữa.
Lúc hầm thì cho thêm đường nâu, gừng, mấy quả ớt khô, muối, nước tương vào, rồi lại nấu thêm một ngày nữa, đứng từ xa cũng có thể ngửi thấy mùi thơm.
Vì được hầm trên bãi đất trống nên Hà Điền luôn lo rằng mùi này sẽ thu hút những con thú như gấu đến.
Về phần ruột non thì làm sạch từ trong ra ngoài, ngâm với nước muối loãng một ngày một đêm, cắt khúc rồi treo lên sào tre cho khô. Phần ruột non nửa khô giờ trông rất giống với loại ruột mà Dịch Huyền biết, nó trở thành một loại giấy mềm mại và trong suốt với những đường vân giống mạng nhện bên trong, không có bất kỳ mùi khác thường gì.
Đợi đến khi ruột heo khô kỹ, canh hầm chín, họ cũng đã thu hoạch hạt kê xong.
Mấy ngày nay thời tiết vẫn ổn, Hà Điền và Dịch Huyền cùng nhau cầm liềm, đứng mỗi người một đầu rồi bắt đầu cắt, sau đó họ gặp nhau, bỏ kê vào trong giỏ rồi cắt một đường khác.
Vì Dịch Huyền muốn ở lại nên năm nay Hà Điền đã trồng nhiều thêm một chút kê, khi những hạt kê còn đang ở trên những phiến lá xanh tươi, thoạt nhìn thì có vẻ nhiều hơn những năm trước, thế nhưng sau khi cắt xong, gom hết chúng lại, thì lại chẳng được bao nhiêu.
Hà Điền hơi lo lắng không biết năm nay có đủ thức ăn hay không nữa.
Dịch Huyền thì lạc quan hơn nhiều: "Nếu không có đủ thức ăn, em có thể trao đổi một số lông thú hoặc đồ ăn dân dã với những người khác. Không phải em đã nói sau vụ thu hoạch sẽ còn có một phiên chợ nữa sao?"
Có một phiên chợ khác sau khi thu hoạch vụ mùa được người dân miền núi tổ chức tự phát, và nơi đó vẫn là bãi sông của phiên chợ xuân.
Không phải gia đình nào cũng có thể bắt được mọi loại mồi, nếu gia đình nào được mùa cá thì có thể đem cá đi đổi với gia đình được mùa vịt trời hoặc là gia đình được mùa lương thực.
Năm ngoái Hà Điền không có gì thừa để trao đổi, lại nghĩ gặp phải anh em nhà họ Phổ đáng ghét kia nên cũng không thèm đi.
"Đúng vậy!" Hà Điền lại vui vẻ: "Năm nay chúng ta có rất nhiều thịt heo có thể mang đi đổi."
Cô không biết nhà họ Phổ bắt được heo rừng như thế nào. Cũng giống như bẫy vòm thông mà gia đình cô dùng để bắt chồn vậy, đều là tay nghề gia truyền. Nhưng mà cô cũng đã bắt được heo rừng rồi đó thôi, còn là một con rất to nữa!
Hừ hừ, cô rất nóng lòng muốn gặp cả nhà họ Phổ để nhìn thấy vẻ mặt vừa ngạc nhiên vừa tức giận của họ khi thấy cô cũng mang heo rừng đến đổi.
Hà Điền nói với Dịch Huyền: "Lúc trước, khi ông nội em vẫn còn, mối quan hệ giữa nhà họ và chúng em khá tốt. Trong rừng, một người hàng xóm tốt còn có ích hơn một vài khẩu súng ngắn tốt nữa, nhưng sau khi ông em ngã bệnh và qua đời, gia đình họ bắt đầu gây khó dễ với chúng em."
Mỗi năm đến đổi thịt heo, họ đều đòi hỏi nhiều thứ hơn cả năm trước, sau này còn có ý đồ với Hà Điền.
Trước đây, dù nhà họ Phổ xây nhà hay trồng rau, làm đất thì gia đình của Hà Điền đều sẽ đến giúp đỡ, hai gia đình vẫn thường lui tới vào dịp năm mới.
Ở trong rừng, những người hàng xóm gần bạn nhất cũng thường phải đi bộ gần cả ngày trời mới đến được nhà, dù vậy, có người trông chừng giúp đỡ cũng tốt hơn rất nhiều, nhưng không ngờ nhà họ Phổ lại phá hỏng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp này. Tại hội chợ mùa xuân, nếu không có Dịch Huyền ở đó, có lẽ Hà Điền sẽ phải trở mặt với họ.
"Luôn có người như vậy em à." Dịch Huyền vuốt ve đầu Hà Điền: "Nhà đó ai cũng hồ đồ."
Kê thu hoạch xong được tuốt ra khỏi thân và lá, sau khi phơi khô thì có thể chà thành hạt kê.
Tất nhiên máy chà kê vẫn phải nhờ đến sức kéo của Gạo, loại máy này so với máy tích hợp chà bằng điện trước đợt giá lạnh khắc nghiệt phải nói là rất đơn, nhưng so với cối chà bằng đá thì dể dùng hơn nhiều, chỉ cần một người cứ vài phút lại cho một hồ lô kê vào phễu lớn trên máy là được.
Gạo kéo thanh gỗ liên tục xoay quanh, Hà Điền chịu trách nhiệm cho kê vào, Dịch Huyền thì ngồi bên cạnh không ngừng quay chiếc quạt quay tay, ba cánh quạt to bằng dải tre trên quạt cứ quay liên tục, trấu và cám rơi ra từ đáy khe bị thổi bay đi, cuối cùng chỉ còn lại những hạt kê rơi vào chậu gốm.
Cám có thể gom lại, trộn với bột xương và cỏ khô, cho vịt và Gạo ăn.
Khi kê được thu hoạch cũng là lúc Gạo được hưởng thụ xa hoa nhất. Sau khi chà kê xong, Hà Điền sẽ đem nó cột vào ruộng kê, để nó ăn hết số kê xanh còn lại. Dù có ị nhiều cũng không bị la, bởi vì đó đều là phân bón.
Tối hôm đó, Hà Điền làm bánh trung thu nhân thịt tươi.
Ngoài bánh trung thu, tất nhiên là cũng có làm đồ ăn, nhưng mà, đối với Dịch Huyền mà nói, tất cả đều chỉ là phù du, bánh trung thu mới là quan trọng nhất.
Nhân bánh trung thu thịt tươi dĩ nhiên là thịt heo rừng. Hà Điền chọn loại thịt mỡ, cắt thành từng miếng cỡ hạt dẻ, cho vào chậu gốm, ướp với đường nâu, muối và nước tương trong một ngày một đêm.
Lớp da giấy được làm bằng mỡ heo mới thắng, nhào với bột mì và một ít bột hạt dẻ, còn chưa nướng đã ngửi được mùi thơm rồi.
Sau đó băm một miếng thịt ba chỉ và một nắm hành lá tươi, rồi lại cắt một ít dưa leo muối thành hạt lựu, điều chỉnh hương vị, trộn đều để làm nhân thịt.
Cô lấy một muỗng thịt băm nhuyễn, vo thành viên tròn, cho miếng thịt đã ướp vào giữa rồi bọc lại bằng bột da giấy, để một lúc rồi quết một lớp hỗn hợp lòng đỏ trứng và đường lên da.
Hà Điền để lại một nửa bánh trung thu không quét trứng, trước khi cho bánh trung thu vào lò nướng, cô lấy một con dấu bằng gỗ ra, lấy một dĩa mứt hoa hồng nhỏ, nhúng con dấu vào mứt hoa hồng rồi ấn nhẹ lên từng chiếc bánh trung thu, để lại một dấu tròn.
Dịch Huyền nhìn thấy hình tròn đó là mặt trăng, bên trong là một chú thỏ nghịch ngợm với nụ cười vui nhộn, dưới chân thỏ có vài đám mây.
Cho bánh trung thu vào khay sắt tráng mỡ và nướng trong vòng hai mươi phút là xong.
Những chiếc bánh trung thu được nướng lên trông rất đẹp mắt, bên trên có một lớp da vàng hoặc hình mặt trăng và thỏ màu đỏ nhạt. Trước khi bánh nguội hoàn toàn, Dịch Huyền cầm một cái lên cắn một miếng, quả nhiên, lớp da xốp giòn rơi xuống từng lớp từng lớp như tuyết thổi, nước thịt thơm ngon, giữa phần nhân là miếng thịt nhỏ béo ngậy, càng ngon!