Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 84: Rượu ngọt



Việc chế biến sữa đậu nành và váng đậu rất thành công. Ngay cả phụ phẩm là bã đậu cũng làm ra những món ăn ngon và đẹp mắt. Tham vọng của Dịch Huyền lại lớn hơn một chút, anh cảm thấy mục tiêu "thống trị nhà bếp" của mình đang có một bước tiến lớn, vì vậy lại xúi Hà Điền làm rượu gạo.

Men rượu đã được mua từ lâu. Ngay lần thứ hai đi chợ xuân, anh đã dùng số tiền mình được chia và số tiền có được khi lục quần áo của bọn cướp để mua gạo nếp và gạo tẻ với số lượng lớn. Anh nghĩ kỹ rồi, dù có thế nào thì mùa đông năm nay anh nhất định phải ăn cho bằng được cơm rượu.

Bây giờ đã có trứng vịt tươi và gạo nếp rồi, chỉ còn thiếu rượu ngọt nữa thôi!

Anh khéo léo thuyết phục Hà Điền: "Rượu ngọt là thứ tốt. Mỗi sáng múc một giá, thêm một chén nước, đập một quả trứng vào, nấu chín làm đồ ăn sáng, ăn vào ấm cả người luôn. Với lại, mấy ngày trước khi đến tháng em cứ ăn món này, nhất định bụng sẽ không đau nữa."

Hà Điền đỏ mặt: "Chuyện này mà anh cũng biết?"

"Anh có biết đâu, nhưng mấy người bán rượu đều quảng cáo như vậy mà. Với lại, vo bột gạo nếp thành những viên nhỏ, cho một ít men rượu vào nước nóng đun sôi. Nấu thành bánh trôi men rượu. Buổi tối ăn vào thì hết sảy!"

Nếu là thứ tốt như thế, vậy thì làm một ít vậy.

Nấu rượu thì hai người không cần phải lo lắng gì cả. Bởi vì lúc mua men rượu người bán đã hướng dẫn rất rõ ràng, Dịch Huyền đều nhớ kỹ.

Lấy một nắm gạo nếp ngâm qua đêm, rửa sạch rồi để ráo, đặt gạc lên xửng hấp, đổ gạo nếp lên trên, hấp xong rồi để nguội, cho vào đồ đựng sạch sẽ, thêm men rượu giã nhỏ, làm một hố trũng ở giữa, cho nước sôi để nguội vào và để nước ngập hố nhỏ. Đậy nắp lại và để trong vài ngày, các vi sinh vật trong men rượu sẽ phát huy tác dụng, biến gạo nếp thành rượu nếp.

Nếu có rượu sẵn, lúc làm thì cho thêm hai muỗng rượu vào sẽ hỗ trợ việc lên men và rượu ngọt làm ra sẽ thơm và dịu hơn.

Lúc làm Dịch Huyền đã thêm hai muỗng rượu mạnh mà anh đã mua của người đàn ông lớn con kia vào.

Thậm chí anh còn đã chuẩn bị đồ đựng rượu từ lâu - lúc làm đồ gốm, anh đã đưa Hà Điền nung hai chiếc bình có nắp đậy.

Bình gốm đặt ở chỗ gần bếp, ba ngày sau, rốt cuộc làm được rượu ngọt.

Dịch Huyền dùng muỗng sắt để làm cho cái hố nhỏ ở giữa gạo nếp to hơn một chút, rượu đục từ mọi hướng dồn vào cái hố nhỏ, cơm nếp đã rất mềm rồi, Hà Điền nhặt một vài hạt cơm lên, thấy được chúng đã trở nên rời rạc, mới vân vê một chút thì đã nát, nước rượu chảy ra.

Dịch Huyền múc một muỗng rượu đút cho Hà Điền, ​​nhìn cô đầy mong đợi: "Có ngọt không em?"

Hà Điền nhấp miệng cười: "Rất ngọt."



Có rượu ngọt rồi, trước tiên, Dịch Huyền múc vài muỗng cho vào nồi, thêm hai chén nước nhỏ, cho hai quả trứng vịt vào đun sôi, dùng đũa khuấy cho lòng trắng trứng thành sợi trắng, không đợi lòng đỏ trứng hoàn toàn cứng lại thì đã múc ra cho mỗi người một chén.

Trước đây cứ mỗi sáng thức dậy, Hà Điền đều sẽ nhóm lửa, nấu bữa sáng, uống vài ngụm nước ấm rồi mới ra ngoài quét tuyết. Nước ấm tuy có thể làm ấm cơ thể nhưng lại không có dinh dưỡng, sau khi quét tuyết các ngón tay thường sẽ run lên vì mệt và thiếu đường huyết.

Sau khi uống rượu trứng thì không còn như vậy nữa.

Dịch Huyền bắt Hà Điền phải uống xong chén trứng nấu với rượu ngọt thì mới được bước ra khỏi nhà. Hà Điền quét tuyết một lúc, cảm thấy trứng nấu rượu ngọt thật sự là thứ tốt. Xem nó như bữa sáng tuy rằng không mấy no, nhưng mà nó nhanh, chỉ cho nước vào nấu là được, ăn vào cả người đều ấm lên hẳn.

Đến tối, còn có thể làm một chén trôi nước men rượu cho bữa tối.

Bánh trôi cũng rất dễ làm, chỉ cần trộn bột gạo nếp với nước nhào thành từng viên nhỏ. Nếu cầu kỳ hơn thì làm nhân từ hạt mè đen và mứt hoa hồng. Nếu không thích mè, có thể nhào bột với mứt hoa hồng, bột nở ra mềm, có mùi thơm của hoa hồng, ăn với rượu ngọt sẽ càng thêm thơm ngọt.

Bột nhào với rượu ngọt, sau khi để lên men, bánh hấp ra cũng đặc biệt bông và mềm hơn. Dịch Huyền cũng trộn đậu đỏ nghiền với nước mứt hoa hồng để làm nhân, nặn thành những chiếc bánh cỡ lòng bàn tay, thoa một lớp mỡ heo, rắc một ít hạt mè rồi cho vào khay nướng để nướng thành những chiếc bánh nhỏ nhân ngọt. Bánh sau khi làm xong có thể bảo quản được lâu, khi nào muốn ăn thì lấy ra một ít cho vào khay đem nướng, làm đồ ăn nhẹ.

Rượu ngọt sau khi làm xong, nếu không nấu liên tục thì nên dùng hết càng sớm càng tốt, nếu không thì men rượu vẫn sẽ còn lên men nữa, rượu ngọt sẽ chuyển dần từ ngọt sang hơi cay, rồi càng ngày càng cay, nồng độ cồn cũng ngày càng cao.

Sau khi nấu xong nồi rượu đầu tiên, mặt sông đã đóng băng rất cứng.

Hà Điền cũng ghi lại ngày băng giá này. Ước chừng sớm hơn năm ngoái ba tuần.

Trước khi sang bờ sông bên kia bắt chồn, Dịch Huyền đun nồi rượu ngọt này lên, cho vào vài ống tre rồi đậy kín lại, chuẩn bị mang đến nhà nghỉ săn bắn. Ngoài rượu ngọt, anh còn làm một số bánh nướng rượu ngọt mang theo cùng.

Họ cũng muốn mang trứng vịt theo nhưng phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ trên đường âm 20 độ, dù cho có được bọc trong chăn bông thì cũng khó đảm bảo trứng vịt sau này không bị đông và nứt.

Với kinh nghiệm từ năm ngoái, Dịch Huyền biết phải làm gì để chuẩn bị.

Hôm trước khi lên đường sang bên kia sông, họ phải lấy cần câu từ lỗ băng lên, thay lưỡi câu bằng mồi mới và cho thêm nước vào vại nước ở nhà. Vừa nhấc cần câu tre lên, trên lưỡi câu có treo một con cá tuyết sông to mập, dài chừng bằng cánh tay, chỗ to nhất của thân cá dùng hai tay cũng không nắm hết được.

Ngay sau khi con cá rời khỏi mặt nước và nhảy vài lần trên mặt băng thì liền đóng băng như một tảng đá.

Bếp ở nhà phải được lấp đầy củi để đảm bảo lửa trong bếp sẽ không tắt trong những ngày khi bọn họ vắng nhà. Việc xếp củi phải đòi hỏi sự khéo léo, một khoảng lớn một khoảng nhỏ, làm như vậy thì lửa sẽ cháy chậm và đều.

Tuyết trên nóc nhà gỗ phải được quét sạch để đề phòng tuyết lớn bất ngờ. Nếu không có ai dọn dẹp kịp thời, tuyết sẽ làm sập mái nhà. Cuối cùng, bao quanh bốn bức tường bằng gạch tuyết để ngôi nhà được cách nhiệt tốt hơn.

Chuồng cho vịt và thỏ cũng được xử lý như vậy, tất nhiên phải chuẩn bị đầy đủ thức ăn và cỏ. Vì lý do này, họ đặt nhiều máy cho ăn tự động hơn.

Thời tiết trong ngày khởi hành khá tốt, nhiều mây, bầu trời trong xanh, nhưng ánh nắng không quá gắt nên cũng không làm nhức mắt.

Bọn họ thuận lợi qua sông và đi vào rừng.

Đi trong rừng được một lúc, Lúa Mì sủa vào một bụi cây, Hà Điền cởi bao tay ra, giơ súng ngắn lên, một con gà rừng phóng ra bay đến một cái cây gần đó.

Gà rừng là một con vật rất ngu ngốc. Nó lớn hơn ngỗng trời một chút, không biết bay, mà bay cũng không cao, thích di chuyển trong bụi rậm, cỏ tranh. Trong rừng, loài ăn thịt có thể đe dọa nó đều không thể trèo cây, vì vậy nó cảm thấy an toàn khi bay lên cây, nhưng nó không thể ngờ được rằng con người lại dùng súng.

Vậy là xong bữa tối nay.

Đây là lần đầu tiên Lúa Mì mang con mồi từ trong tuyết về cho chủ. Khi nó chạy trở lại, trên ria mép và lông mày đều phủ những bông tuyết, trông thật là đáng yêu, Dịch Huyền lại tóm lấy nó giơ lên cao. Hà Điền đã phải liên tục la lên để ngăn chặn hành vi gây tổn hại đến tôn nghiêm của loài chó săn này. Nhưng mà Lúa Mì không để ý tôn nghiêm gì đâu, lúc được nâng lên cao còn phe phẩy cái mông có gắn mô tơ điện. Hà Điền "chậc" một tiếng làm bộ chướng mắt, thật sự lo lắng cho cái đuôi lông xù trên mông của Lúa Mì, sợ nó lắc quá nhanh mà đứt luôn.

Khi đến gần nhà nghỉ săn bắn gần bờ sông nhất, Hà Điền nhớ tới chuyện xảy ra năm ngoái, thay vì trực tiếp đến nhà nghỉ, cô đi đường vòng để quan sát trước rồi mới qua đó.

Dịch Huyền không nghĩ rằng gia đình kia có đủ can đảm để chạy đến đây kiếm chác sau khi bị anh tẩn một trận, chứ đừng nói đến việc lập kế hoạch phục kích để trả thù họ, nhưng anh cũng không ngăn Hà Điền.

Khi đến nhà nghỉ, họ nhóm lửa lên trước, sau đó nấu cho tuyết tan ra rồi làm bữa trưa.

Hà Điền để gà rừng trong tuyết, dẫm lên ức gà, nắm hai cánh gà kéo mạnh, toàn bộ lông trên cánh đều bị nhổ hết, sau đó cô nắm lấy da của cánh gà cẩn thận lột ra là có thể lột sạch phần da của cả con gà.

Không có da gà, thịt gà rừng màu đỏ nhạt trực tiếp lộ ra, lúc này, lấy dao rạch xuống lưng gà, rút ​​xương sống mổ bụng, lấy nội tạng ra, nắm một nắm tuyết lau sạch gà, vậy là đã có thể đem gà đi nấu.

Vì không có da nên gà rừng tốt nhất là nên chiên hoặc luộc, nếu nướng thì thịt gà sẽ quá khô.

Hà Điền lấy ruột gà đem đến chỗ đặt bẫy trong rừng, cắt ruột ra làm mồi nhử.

Gan gà thì sẽ được cắt mỏng lát nữa cho vào tô miến khoai tây, tim gà thì cho Lúa Mì ăn, mề và thịt gà thì xào cho bữa tối.

Sáng sớm hôm sau, Hà Điền và Dịch Huyền đi tuần tra bẫy và vui vẻ mang về bốn con chồn. Trong đó có một con chồn có bộ lông rất bóng, màu tím đen và đầu cũng không nhỏ.

Thịt của những con chồn này tất nhiên là của Lúa Mì.

Ngoài chồn, họ còn bẩy được một con sóc đỏ.

Hà Điền dạy Dịch Huyền lột da sóc: "Động vật càng nhỏ thì càng khó lột da. Đúng ra năm ngoái không nên để anh thử tay nghề với thỏ. Nếu anh bắt đầu với những con mồi lớn như hươu hoặc nai gì đó, chắc là sẽ lên tay hơn."

Cả hai đang giảng dạy và trò chuyện với nhau thì đột nhiên nghe thấy tiếng kêu của một con hươu cái ở đằng xa.

Hà Điền dừng lại, lắng nghe một lúc: "Kỳ lạ. Đây không phải là tiếng của hươu, mà là bắt chước ra. Tại sao nhà họ Phổ lại bắt hươu vào lúc này?"

Lúc này không phải là thời điểm tốt nhất để bắt hươu.

Vào mùa đông, cây cối hoa lá khô héo, thợ săn không có nơi trú ngụ, khó ở lâu trong tuyết được. Đây là thời điểm yên tĩnh nhất trong năm của khu rừng nhộn nhịp này, côn trùng biến mất, chim di cư bay về phía Nam và những con vật nhỏ thì ngủ đông. Sự yên tĩnh này khiến hươu cảnh giác hơn. Vì là động vật ở bậc thấp trong chuỗi thức ăn, chúng có thính giác và khứu giác tốt, không có cây cỏ hoa lá um tùm, tầm nhìn của chúng càng trải rộng hơn.

Hơn nữa, thiếu thức ăn và lạnh giá càng khiến cho những con hươu kia bận rộn hơn.

Nếu mà nghe thấy tiếng còi giả hươu nai vào mùa xuân và mùa thu, sẽ có những con hươu đực đến nghe ngóng ngay.

Nhưng hôm nay, còi hươu vang lên mấy lần rồi mà vẫn không nghe được tiếng súng.

Dịch Huyền suy nghĩ liền biết chuyện gì đang xảy ra: "Mùa đông năm nay đến quá sớm và trận tuyết đầu tiên này cũng quá lớn. Chúng ta cảm thấy chưa chuẩn bị đủ cho mùa đông, có người còn chuẩn bị kém hơn chúng ta rất nhiều."

"Nhưng gia đình họ vẫn luôn nuôi heo rừng mà." Hà Điền nhớ đến lần gặp anh em nhà họ Phổ ở hội chợ mùa thu. Họ đã mang một vài con heo thịt đến để trao đổi.

Dù sao thì Hà Điền cũng đã nạp đầy đạn cho mấy khẩu súng ngắn. Nếu bọn họ biết điều, cô cũng có nước ấm cho họ uống một ly, còn nếu... ha hả.

Đã qua hai giờ chiều, sắc trời dần dần ảm đạm, tựa hồ lại có tuyết rơi.

Hà Điền và Dịch Huyền đang ngồi nói cười trong nhà nghỉ thì ba Phổ mang theo hai con trai mình đến thăm.

Khi đến, họ tháo súng ngắn ra, đặt ở hiên nhà, giơ tay về phía Hà Điền và Dịch Huyền ở cửa sổ để tỏ ra rằng họ không có ý thù địch. Tất nhiên, điều này trong quá khứ là không cần thiết, nhưng bản thân nhà họ Phổ biết rằng mối quan hệ của họ với Hà Điền từ lâu đã không tốt, không tính như nước với lửa, nhưng, cũng chưa bao giờ thân thiết.

Hà Điền mở cửa: "Chú Phổ, chào chú. Có việc gì không ạ?"

Mặt ba Phổ lộ vẻ xấu hổ.

Ông ta biết những gì mà hai đứa con trai của mình đã làm. Biết, nhưng ông ta không ngăn cản.

Ông ta nghĩ, nếu mấy đứa con trai mình mà thành công, vậy không phải tốt rồi sao? Nếu Hà Điền trở mặt, ông ta sẽ tát cho mấy đứa con trai mình mấy cái cho xong chuyện, không sao cả.

Kể từ khi ông nội của Hà Điền qua đời, ông ta đã cảm thấy gia đình Hà Điền không còn sung túc nữa, với hai người phụ nữ một già một trẻ, họ có thể làm gì? Cho dù bà nội Hà Điền có thể chế tạo ra loại đạn dược mạnh nhất, nhà Hà Điền cũng luôn được quét dọn sạch sẽ, gia đình thoạt nhìn khác với người trên núi, nhưng dù có sạch sẽ đẹp đẽ đến mấy, có thể nhiều thêm một miếng thịt heo được chắc?

Với tâm lý khinh thường như vậy, khi giao tiếp với hai bà cháu Hà Điền, ​​e sợ hai bà cháu sẽ nhờ vả nhà ông ta giúp đỡ, dù có trao đổi lấy vật đổi vật thì họ cũng luôn cảm thấy nhà Hà Điền lợi dụng và dần xa cách hai bà cháu.

Khi bà nội Hà Điền không may qua đời, điều mà ông Phổ nghĩ ngay không phải là Hà Điền phải sống một mình nhất định sẽ càng khó khăn hơn, mà là, để cô trở thành vợ của hai đứa con trai mình thì không phải khá tốt sao?

Bây giờ ông ta đang cần giúp đỡ, không tránh khỏi xấu hổ, nhưng ông ta không thể không nói.

Ông ta lấy một miếng thịt khô ra, miễn cưỡng cười nói: "Chú nhìn thấy khói từ ống khói nhà con, liền biết con tới, nên chú mang cho con một miếng thịt heo."

Hà Điền không nhận, cười nói: "Chú cứ giữ đi, nhà chúng tôi không thiếu đồ ăn."

Ba Phổ đành phải lấy thịt về, xấu hổ cười nói: "Không thiếu đồ ăn... vậy thì tốt quá rồi."

Hà Điền mời họ vào. Đây là lần đầu tiên ba Phổ nhìn thấy bộ mặt thật của Dịch Huyền. Ông ta sửng sốt một lúc, rồi cười mà không khác gì nhăn nhó, nói với Hà Điền: ​​"Con bé này có mắt nhìn tốt đó. Người đàn ông của con trông rất được, rất xứng với con."

Hà Điền đỏ mặt, im lặng rót nước cho ba vị khách không mời này, Dịch Huyền thì gắn cái mác "người đàn ông của Hà Điền" lên nói chuyện với ba Phổ.