Cuộc Sống Khoa Cử Thời Cổ Đại Của Con Nhà Nông

Chương 7: Thuyết phục



Với tư cách là trưởng thôn, tuy bề ngoài Cố Bá Sơn không tỏ ra thiên vị nhưng vẫn có thể âm thầm quan tâm đến người nhà của mình. Hơn nữa, cho dù là vì nể mặt của ông, người khác cũng sẽ không tùy tiện bắt nạt người nhà họ Cố.

Phải biết, mặc dù thôn Lâm Khê chỉ có khoảng bốn mươi người mang họ Cố, so với bảy mươi, tám mươi người của nhà họ Miêu và nhà họ Lý thì khá ít ỏi, nhưng thôn trưởng lại là người của nhà họ Cố nha.

Bây giờ Miêu, Lý và Cố, ba nhà tạo thành thế chân vạc, trong đó còn có một vài dòng họ rải rác khác. Mọi người tương đối hòa bình, cả thôn cũng rất đoàn kết khi đối ngoại.

Về mặt quan hệ, đương nhiên Cố Quý Sơn và Cố Bá Sơn là huyết thống gần gũi nhất, nhưng cả Cố Đại Hà và Cố Nhị Hà đều không học giỏi. Cố Bá Sơn chỉ còn sót lại một người con trai đã trưởng thành, đó là Cố Thân Hà, tuổi gần như Cố Đại Hà, cũng không học được, chỉ có thể nhận biết mấy chữ.

Cố Thân Hà cưới Đào thị, sinh hai con trai là Cố Thanh Minh và Cố Thanh Lượng, vì vậy Đào thị có địa vị rất cao trong nhà.

- Cho nên, sau này nhà họ Cố chúng ta có muốn sống sung túc hay không, còn phải trông cậy vào thế hệ cháu trai. Bây giờ tôi ở nhà sẽ kèm cặp Tiểu Minh học tập, ít nhất phải để nó thi đậu đồng sinh, tệ nhất là về sau nó tiếp nhận vị trí của tôi cũng được. Về phần thằng út, bây giờ vẫn chưa phân biệt được tốt hay xấu, nhưng nó thích ăn vặt như vậy, đoán chừng cũng không thể trông cậy vào. - Cố Bá Sơn không khỏi thở dài khi nghĩ đến đứa cháu của mình.

Nhắc đến cháu trai, Cố Quý Sơn cũng lộ vẻ buồn bã, nói:

- Anh, nhà em còn khổ hơn, ngàn mẫu đất tốt chỉ có một cây con, giờ chỉ có Xuyên Tử đứng thẳng. Hiện tại vợ thằng hai cũng không hăng hái, vẫn sinh con gái.

Lúc trước, Đại Oa Tử và Nhị Oa Tử đều sống sót, chỉ có Xuyên Tử vừa ra đời đã yếu ớt, sợ rằng sẽ không qua khỏi, bèn đặt tên là "Xuyên Tử", khóa chặt sinh mệnh của cậu.

- Con gái ngược lại là sinh một sống một, đều không phải người nhà chúng ta.

Cố Nhị Hà đang nghe cũng thầm thở dài, nghĩ đến cô vợ còn đang ở cữ.

Ngàn trông vạn trông ngóng vẫn là con gái!

- Bác cả, cha, con xin chen miệng.

Thấy hai người già đều thở dài, có lẽ là đang nghĩ tới người anh em Cố Trọng Sơn mất sớm của bọn họ, Cố Đại Hà không nhịn được nên vội xen vào.

Sau khi hai người gật đầu, Cố Đại Hà ho khan một tiếng rồi nói:

- Cha, theo cách nói của bác cả, con cảm thấy để Xuyên Tử đi học cũng rất tốt. Bác cả có thể dạy nó, sách vở thì có thể mượn chỗ bác cả trước để học. Thứ duy nhất cần phải tiêu tiền là bút mực giấy nghiên.

Chàng dừng một chút, thấy hai người không có ý phản đối thì nói:

- Bút lông thì chúng ta có thể tự làm, cỏ mọc trên đất hoang bên ngoài có thể dùng làm bút lông. Dù hơi kém, dễ hỏng nhưng không cần tốn tiền. Mực thì có thể dùng nước trong hoặc nước bùn thay thế, trực tiếp viết trên phiến đá hoặc ván gỗ. Thế thì sẽ tiết kiệm được mấy thứ bút mực giấy nghiên này. Chờ Xuyên Tử viết chữ đẹp hơn một chút thì mới mua chút giấy rẻ về cho nó luyện chữ.

Đây là những gì mà Cố Thanh Vân đã thương lượng được với cha cậu. Đương nhiên, điều bọn họ nói chỉ là giả tưởng trong trạng thái lý tưởng.

Thấy hai người lộ vẻ tán thành, Cố Đại Hà càng có lòng tin:

- Cứ thế, chỉ cần Xuyên Tử có thiên phú và chăm chỉ, sau khi thi đậu đồng sinh dưới sự dạy bảo của bác cả, tương lai cũng có thể lên huyện hoặc thị trấn chép sách kiếm sống, như thế cũng có thể kiếm được mấy đồng tiền. Dù sao, con và mẹ Xuyên Tử chắc chắn cũng sẽ cố gắng kiếm tiền.

Sau khi nói xong, chàng nhìn Cố Nhị Hà, đầy áy náy:

- Chờ sau khi con trai của nhị đệ ra đời, chúng ta cũng cung cấp như thế!

Cố Nhị Hà sờ đầu, cười ngây ngô:

- Em không có ý kiến gì, đều nghe cha.

Cố Bá Sơn vui vẻ vuốt râu mép, cảm thấy đây chính là phụ từ tử hiếu.

Thấy Cố Quý Sơn có vẻ xiêu lòng, Cố Đại Hà vội thêm thêm bớt bớt rồi nói ra những lời trước đó tiểu Trần thị thuyết phục chàng.

Vừa nghe thấy phải để cháu trai mình đi làm lao dịch, quả nhiên trên gương mặt Cố Quý Sơn đầy vẻ không nỡ và lo lắng.

Mọi người lại thảo luận một hồi, Cố Thanh Vân thấy chủ đề đã chuyển đến việc thu hoạch năm nay, vội rón rén chạy về phòng.

- Mới nãy đi đâu vậy? Bên ngoài trời tối, cẩn thận té. - Lão Trần thị thấy Cố Thanh Vân chạy bạch bạch từ bên ngoài vào thì hỏi một câu.

Từ khi cô con dâu thứ hai Lý thị lại sinh con gái, địa vị của Cố Thanh Vân trong lòng bà lại tăng lên rất nhiều, càng khỏi nói đến việc ngày thường Cố Thanh Vân luôn cố gắng tạo thiện cảm.

- Đi nhà xí ạ. - Cố Thanh Vân duỗi đôi tay nhỏ ướt sũng của mình ra, cười hì hì.

- Em lại quên lau tay. - Đại Nha chọc nhẹ trán cậu, đứng dậy khỏi ghế, lấy khăn tay của mình ra lau khô giúp cậu.

Đêm nay, cuối cùng Cố Thanh Vân cũng không quyết định việc có để Cố Thanh Vân đi học hay không ngay tại chỗ. Dù sao, một khi quyết định thì có nghĩa là cuộc sống của gia đình trong tương lai vài năm tới sẽ rất eo hẹp, phải rót tiền lên người Cố Thanh Vân.

Chuyện này cũng không còn cách nào khác. Ở nhà nông, đi học cũng là một chuyện rất xa xỉ, cần phải suy đi nghĩ lại, cân nhắc cẩn thận.

Ban đêm, khi Cố Đại Hà nói đến việc này, tiểu Trần thị cũng lo có biến. Thị nhìn khuôn mặt say ngủ của con trai, nói khẽ:

- Cha chắc chắn sẽ thương lượng với mẹ. Trong cái nhà này, mẹ cũng có thể làm chủ một nửa.

Nói rồi thị không nhịn được cười khẽ một tiếng, nói:

- May mà em dâu sinh con gái, nếu không em nghĩ khả năng mẹ đồng ý sẽ thấp hơn nhiều.

Thị âm thầm quyết định, mấy ngày nữa sẽ tranh thủ lúc rảnh rỗi đến miếu để tạ thần, cầu xin Bồ Tát phù hộ để tâm nguyện của thị trở thành hiện thực.

Cố Đại Hà cũng gật đầu, nghĩ đến chuyện hai tháng trước thì nhỏ giọng nói:

- Mình đừng quên còn có chuyện hai tháng trước, chúng ta nhất định phải để nó thối rữa trong bụng, cả đời này cũng không được nhắc tới.

Nghe vậy, tiểu Trần thị gật mạnh đầu đồng ý.

Nói đến việc này, thị càng vui vẻ, biết chuyện đi học của con trai đã chắc tám, chín phần mười.

Hai tháng trước, bọn họ bỏ ra toàn bộ của cải tích góp đi tìm lang trung vân du bốn phương đóng vai lão đạo sĩ nhằm lừa gạt lão Trần thị.

Lão Trần thị là người thông minh lanh lợi, nhưng bà cũng có một căn bệnh chung của phái nữ, đó là vô cùng mê tín.

Vì thế, tiểu Trần thị mới nghĩ đến cách này. Họ để đạo sĩ diễn trò kia nói ra chuyện nhà mình chừng bảy, tám phần. Sau khi chiếm được sự tin tưởng của lão Trần thị thì bảo, vì đã uống một bát nước sôi để nguội của bà nên tặng bà một câu.

Dù sao cuối cùng lừa bịp một hồi, rằng nhà họ Cố có văn khí hội tụ, mồ mả tổ tiên bốc khói xanh, nhìn như đội mũ quan, cho thấy sau này nhà họ Cố nhất định có người có thể làm quan, vô cùng hiếu thuận với bà, bảo lão Trần thị không cần phải lo về cuộc sống nửa đời sau.

Mấy lời bịp bợm đó khiến lão Trần thị choáng váng, cười đến mức không ngậm miệng được.

Sau đó, lão Trần thị còn tìm hiểu một bận trong thôn, phát hiện còn có người nhà khác gặp lão đạo sĩ, người nhà đó cũng nói lão đạo sĩ phán rất chuẩn.

Từ đó, lão Trần thị bắt đầu nghĩ ngợi.

Bây giờ, Cố Bá Sơn lại đến cửa, khen con trai nhà mình có thiên phú, vậy mọi việc nhất định có thể ổn thỏa.

Đêm đó, cả gia đình Cố Đại Hà ngủ rất ngon.

Quả nhiên, không ngoài dự đoán, ba ngày sau, Cố Thanh Vân bắt đầu chính thức học vỡ lòng. Học cùng cậu còn có Cố Thanh Lượng.

Vốn dĩ Cố Bá Sơn cảm thấy cháu trai nhỏ nhà mình còn quá nhỏ, định chờ cậu ta lớn thêm một tuổi lại tính. Không ngờ hiện giờ Cố Thanh Vân cũng nhập học, vậy cháu trai út còn lớn hơn cậu một tuổi càng phải học cùng.

Lúc này, có ba đứa bé ngồi nghiêm chỉnh trong thư phòng. Cố Bá Sơn dạy hai đứa nhỏ đọc Tam Tự Kinh trước, Cố Thanh Minh thì tự ôn tập.

Thầy chỉ có một, chỉ thể dạy thay phiên.

"Tam Tự Kinh" là sách mới mà Cố Bá Sơn đã sao chép liên tục mấy ngày, dùng chỉ gai đóng thành sách. Một cuốn sách ngăn nắp, trông rất ra dáng.

Tại tiệm sách, một cuốn "Tam Tự Kinh" bản khắc có giá tám trăm văn tiền một cuốn. Bản chép tay thì rẻ hơn một chút, sáu trăm văn tiền. Thế nên người ta mới nói đi học là một chuyện hao tiền tốn của. Chỉ một cuốn sách học vỡ lòng cơ bản nhất đã đắt như thế, chưa kể nếu như trong đó còn có phê bình chú giải của người đọc sách nào khác thì sẽ đắt hơn - chủ yếu phụ thuộc vào danh tiếng và thân phận của người viết phê bình chú giải.

Khi Cố Bá Sơn nói cho bọn nhóc biết giá sách lúc chúng nhận sách, cả ba đều trợn to hai mắt.

- Ông nội, vậy ông bán quyển sách này giúp con rồi đưa con sáu trăm văn tiền đi. - Hai mắt Cố Thanh Lượng láo liên, nói to.

Kết quả là cái mông nhỏ bị đánh mấy bạt tay.

Sau này Cố Thanh Vân mới biết được, không phải sách ai chép cũng bán được. Ít nhất ngươi phải sao chép ngay ngắn, cỡ chữ nhất định phải đồng nhất, không được sai chữ nào.

Yêu cầu như thế dẫn đến việc mọi người chép sách đều phải cẩn thận từng ly từng tí. Chép một quyển sách một ngàn chữ phải mất từ bảy, tám ngày đến nửa tháng. Sau khi trừ bỏ chi phí bút mực giấy nghiên thì tiền lãi ít đi rất nhiều, chỉ nằm trong khoảng một trăm đến hai trăm văn.

Như bản chép tay của Cố Bá Sơn, do thời gian gấp rút và nhu cầu tiết kiệm chi phí nên có xuất hiện lỗi chính tả và vết sửa đổi, còn có chỗ bị lem mực, kiểu chữ cũng không nhất quán, có chỗ nguệch ngoạc, tiệm sách sẽ hoàn toàn không thu sách như thế này.

Cố Thanh Vân đoán có lẽ anh họ thứ hai đã đâm vào họng súng rồi, ha ha.

Tóm lại, khi học chung với Cố Thanh Lượng có rất nhiều trò cười. Cậu nhóc này căn bản không ngồi yên được, thỉnh thoảng phải dừng lại uống miếng nước, ăn miếng bánh. Thân hình mũm mĩm cứ nhích tới nhích lui trên ghế, cộng thêm sự yêu chiều của bà nội và mẹ khiến cậu ta không hề sợ ông nội mình. Điều này càng khiến Cố Bá Sơn tức giận hơn.

Mới đi học được mấy ngày mà ngày nào mông Cố Thanh Lượng cũng sưng vù.

Cố Thanh Vân ở một bên nhìn mà cũng cảm thấy đau thay cho cậu ta. Đôi khi cậu cũng cảm thấy ông cả thật sự quá nghiêm khắc. Hở một tí là trừng phạt thể xác học sinh thì đâu có tốt, nhỉ? Lỡ như đánh hỏng người thì sao? Cố Thanh Lượng còn nhỏ mà.

Về nhà kể lại cho Cố Đại Hà nghe thì mới biết đó là truyền thống của nhà họ Cố. Khi còn bé, khi mấy anh em Cố Đại Hà đi học chữ với ông ấy cũng từng bị đánh, mà còn mạnh hơn như thế này nữa. Dẫn đến cuối cùng, hai anh em bọn họ không chịu học nữa, đành về để Cố Quý Sơn dạy.

- Bây giờ ông cả con lớn tuổi, tính tình cũng mềm mại hơn nhiều, rất hiếm khi động thủ.

Cuối cùng, Cố Đại Hà cảm thán một câu:

- Con trai, đừng sợ, ông cả con có chừng mực.

Nghe vậy, Cố Thanh Vân chẳng biết nói gì. Vậy là ít? Khó trách ba anh em cùng thế hệ với cha cậu cuối cùng đều ghét học.

Nhưng cũng không còn cách nào, Cố Bá Sơn chưa từng học "Tâm lý học" và "Giáo dục học" của hiện đại, có lẽ trước kia ông cũng thường xuyên bị thầy đánh khi đi học nên làm theo.

Không đến nửa tháng sau, Cố Thanh Lượng bị đuổi học. Nguyên nhân chủ yếu là cậu vẫn không ngồi yên được. So sánh với Cố Thanh Vân, tương phản quá lớn.