Cuộc Sống Ở Nhà Máy Những Năm 80

Chương 22



Biên tập: Sabi

Beta: Qin Zồ

Tôm của ngài Bạch Thế, ngựa của ngài Bi Hồng, hai nhà nghệ thuật được mọi người công nhận là có tác phẩm tinh hoa trong tinh hoa, danh tiếng vang tận đời sau đến độ Tôn Biền không hiểu nghệ thuật nhưng cũng nghe tên tuổi vang dội.

Nếu như là thật, một bức tranh thủy mặc vẽ chừng ít nhất mười mấy con tôm quý giá đến chừng nào? Sao lại bị tìm thấy trong cái sọt của người trung gian bán ve chai?

Chẳng biết có liên quan đến hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ không? Dù sao thời kỳ vô cùng rối ren cũng chỉ mới trôi qua được mấy năm.

Nhưng bất kể là thật hay giả thì Tôn Biền cũng động lòng, bởi vì cho dù bức tranh tôm mực tàu này không phải được ngòi bút ngài Bạch Thế vẽ nên, thì vẻ đẹp của nó cũng chẳng thể nghi ngờ. Dù cho đây chỉ là một con người vô danh, Tôn Biền cũng sẽ muốn đem nó đi cất giấu.

Đẹp thế thì nên nhận được sự bảo quản thích đáng, mà không phải để người ta bán cho tiệm ve chai, có điều trước khi mua Tôn Biền cảm thấy mình có chút vấn đề cần nắm rõ.

Thế là cô cẩn thận cuộn bức tranh vẽ tôm kia lại, ôm vào trong ngực, nhìn chú ba Chương hỏi: “Chú ba, bức tranh này chú thu được ở đâu vậy?”

Chú ba Chương đang đứng bên cạnh xe đạp, móc lá thuốc và giấy trắng ra chuẩn bị cuộn lại, nghe cô hỏi thế thì sững người, rồi lập tức đổ vụn lá cây thuốc vào mẩu giấy trắng dài mảnh đã được cắt xong, vừa cuộn vừa nói: “Cuộn tranh với những cuốn sách kia thu được cùng một chỗ, chắc là hai, ba hôm trước, chú lái xe đi ngang qua chỗ đại học Sư phạm, một ông lão gác cổng gọi chú lại bán cho. Ngoại trừ mấy thứ này, còn có một ít báo bỏ đi, mấy tờ báo chú đã bán cho trạm thu mua rồi. Những món này đang muốn đem tới dưới tháp Bắc trong thành phố hỏi thử, xem có người muốn không.”

Sư phạm thành phố Yên vốn là trường chuyên môn duy nhất, mặc dù là dạy nghề, nhưng lịch sử xây dựng trường này rất thần kỳ.

Nó được thành lập vào những năm 50, thập niên 60 lại bị đình chỉ, đến đầu thập niên 70 nhập học trở lại, khi đó đón nhận hàng loạt giáo sư đại học và thầy cô từ thủ đô và tỉnh lị xuống nông thôn giúp đỡ và đào tạo lao động.

Cuối thập niên 70 học viện Sư phạm đầu tiên của thành phố Yên được thành lập, sư phạm thành phố Yên thăng cấp thành trường cao đẳng chuyên khoa, gần đây nghe nói bên ấy vẫn luôn tích cực tranh thủ tư cách mở trường riêng, mà thành phố cũng rất ủng hộ điều này, bọn họ cũng hy vọng có thể xuất hiện trường cao đẳng chuyên khoa theo quy chế đầu tiên trong thành phố.

Nghe chú Chương nói như thế, Tôn Biền lại ôm cuộn tranh lục lọi đống sách vở bị bán cùng, phát hiện đa số đều là một ít tập san, thư tịch cũ.

Cô tiện tay lật giở mớ sách vở bị buộc lại ra mấy lần, phát hiện bên trong lại có rất nhiều tập san cô và em trai đều rất thích đọc, cho dù là sách cũ thì bọn họ cũng chưa từng xem, thế là bèn ngồi xổm trên mặt đất hỏi: “Chú ba, mấy cuốn sách cũ với bức tranh này tổng cộng bao nhiêu tiền ạ?”

Chẳng đợi chú ba Chương trả lời, mẹ Tôn nghe con gái hỏi thế thì xen miệng trước: “Con cần mấy cuốn sách cũ này làm gì?”

“Đọc ạ, mặc dù là sách cũ, thời gian cũng đã rất lâu, nhưng có rất nhiều tập san con chưa đọc. Sách cũ không mắc, mua đọc thử rất đáng giá.”

“Đúng đấy, đồng chí Điền, con bé nhà em xem ra rất thích học hành, mua sách cho con cũng chẳng lỗ.” Sợ mẹ Tôn Biền không đồng ý, chú ba Chương vội nói giúp, ông không biết mẹ Tôn tên là gì, nhưng ông quen ông ngoại Điền, biết đây là con gái của bác nên gọi như vậy.

Mẹ Tôn nghe thế thở dài, không quá bằng lòng lẩm bẩm: “Một đống sách cũ cũng chả biết đọc được cái gì? Muốn đọc sách thật thì chờ khai giảng tới trường học đặt không được à?”

Mặc dù thầm nói như thế nhưng bà vẫn hỏi chú ba Chương: “Mấy cuốn sách cũ kia bao nhiêu?”

Chú ba Chương liếc nhìn Tôn Biền, thấy cô bé ôm cuộn tranh suốt không buông tay, bỏ điếu thuốc trên miệng nói: “Cả sách với bức tranh kia, tổng cộng đưa anh năm đồng đi.”

Tôn Biền vừa thấy chú ba Chương nhìn mình là đã thầm nghĩ không hay rồi, chỉ mải lo bảo vệ bức tranh mà lại quên mấy thứ con buôn trung gian giỏi nhất chính là nhìn mặt nói chuyện.

Ngộ nhỡ ông ta chào giá quá cao, mẹ cô tức giận không cho phép mua thì làm sao bây giờ?

Quả nhiên, sau khi nghe chú ba Chương báo giá, mẹ Tôn khó tin hỏi lại: “Cái gì? Năm đồng? Một đống sách với tranh cũ? Anh không có lầm chứ? Còn nữa Tiểu Biền, con muốn đọc sách mua sách thì tốt, mua một bức tranh cũ làm cái gì?”

“Con cho bà ngoại, ngoại chắc chắn sẽ thích.” Thời khắc then chốt Tôn Biền phải kéo ngoại mình ra làm lá chắn, mặc dù mẹ cô chẳng thừa hưởng được chút kỹ năng nào của bà ngoại, nhưng mẹ ruột thích cái gì bà vẫn hiểu.

Điền Thục Lệ nghe xong cũng không biết nên đáp như thế nào, bởi mẹ bà đúng là thích mấy thứ vẽ vẽ viết viết này, mấy thứ không ăn được cũng không hữu dụng.

“Chú bảo này cậu ba, hiếm khi bé nhà chú muốn mua ít sách cũ đọc, giá cả mình cũng đừng rao quá bất hợp lý. Theo chú biết thì chợ đồ cũ dưới tháp Bắc, một quyển sách cũ cũng một hai hào à, một chồng sách của cháu cộng lại cũng hai mươi mấy quyển, năm đồng quá cao rồi.”

Sau khi nghe lời cháu ngoại nói, ông Tôn Biền bắt đầu nói giúp con bé nhà mình.

“Ông ơi, một hào hai hào kia là loại sách gì chứ? Toàn mỏng ơi là mỏng với tờ báo. Chỗ cháu có nhiều cuốn sách đều vô cùng dày, còn nặng hơn cục gạch, hơn nữa ngoại trừ sách còn có tranh, bên tháp Bắc tranh cũ cũng không rẻ, có cái hơn mấy chục một bức.”

“Cháu nói đấy là tranh cổ, toàn được lưu truyền mấy trăm năm, bức trong tay Tiểu Biền kia, vừa thấy là đã biết vẽ sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cùng lắm mấy chục năm, sao có thể tính theo giá tranh cổ được?”

Ông ngoại vừa nói xong, Tôn Biền cũng phản ứng kịp, lập tức đặt cuộn tranh ôm trên ngực suốt lên chồng sách cũ nói: “Cháu chỉ muốn xem sách thử chút thôi, là tiện thể, nếu có thể mang về dỗ bà ngoại vui thì tốt, không được thì thôi.”

Chú ba Chương thấy vậy lại nghĩ nghĩ, ông thu ve chai nhiều năm cũng có chút năng lực nhìn hàng, bức tranh kia là món mấy chục năm tuổi, dù có cầm tới tháp Bắc thì bọn mua đi bán lại đồ cổ bên đó cũng sẽ không hứng thú, đến lúc ấy có thể bán được hay không là hai chuyện khác nhau.

Nghĩ vậy ông cũng không kiên trì, hít một hơi thuốc rồi nói: “Vậy thì bốn đồng, không thể thấp hơn nữa.”

“Ba đồng đi, nhiều hơn một xu cũng không có.” Mẹ Tôn vẫn cảm thấy mắc, trả giá tiếp.

“Em gái à, ba đồng năm, đồng ý thì em với con lấy đồ đi, nếu không thì cũng chẳng cần nói gì nữa, anh thu dọn đồ xong rời đi luôn.”

Thấy giá đã sát ván lắm rồi, mẹ Tôn thở dài đáp: “Được.”

Sau khi trả tiền, chú ba Chương dọn dẹp đống đồ còn lại trong sọt xong thì tiếp tục lên đường, Tôn Biền ôm bức tranh nhận một chồng sách cũ, vừa thỏa mãn lại cẩn thận từng li từng tí leo lên cỗ xe lừa của ông ngoại. 

Mẹ Tôn bỏ ví tiền vào túi áo, vừa nhìn bộ dạng con gái mà không khỏi buồn cười lắc đầu, lại dòm thằng con út bên cạnh, chà, thế mà nó đang đảo con ngươi, chắc chắn là nó thấy mình mua đồ cho con gái, nó cũng muốn mua, đang cân nhắc nên mở lời thế nào đây.

Để tránh làm ví tiền mình chảy máu một lần nữa, mẹ Tôn quyết định cần phải chặt đứt tư tưởng này của thằng út.

Thế là bà nói như đinh đóng cột với con gái: “Vừa nãy mẹ có thấy rồi, trong đống sách cũ kia chủ yếu toàn là tập san, tạp chí, không được mấy quyển con có thể dùng cho học hành, cho nên số tiền đó không thể tính là kinh phí học tập, phải khấu trừ trong tiền tiêu vặt của bản thân con. Bắt đầu từ tháng sau con sẽ không có tiền tiêu vặt trong ba tháng, mẹ sẽ nói với bố.”

Bọn nhỏ nhà họ Tôn không có tiền tiêu vặt cố định, nhưng mỗi lần chúng làm chân chạy giúp bố mẹ mua đồ thì kiểu gì phụ huyh cũng sẽ cho mấy hào từ số tiền lẻ còn dư xem như khen thưởng cho sự hỗ trợ.

Cho nên phương pháp bố mẹ Tôn trừng phạt con cái, cách tước đi tiền tiêu vặt chính là không cho chúng nó có cơ hội chạy việc giúp đỡ. Nói cách khác Tôn Biền sau này, trong ba bốn tháng cơ bản sẽ không có cơ hội lấy được tiền tiêu vặt của bố mẹ.

Tôn Biền cũng không quá để tâm đến chuyện này, cô đắm chìm trong niềm vui sướng có khả năng thu được tranh tôm thủy mặc của ngài Bạch Thế, hiện tại bất luận có nói gì cô cũng không nghe lọt.

Chẳng phải là ba tháng không có tiền tiêu vặt sao, đáng giá, thật sự quá đáng giá. Nếu như tranh tôm thủy mặc là thật, không cho cô tiền tiêu vặt ba năm cũng không thành vấn đề.

Tôn Ký bên cạnh nghe nói chị mình bị trừ tiền tiêu vặt không khỏi cảm thấy thật đáng tiếc. Có điều cậu lại lập tức nghĩ tới, tiền của chị bị khấu trừ, anh cả cũng đã đi làm, sau này bố mẹ chắc sẽ đòi tiền sinh hoạt phí chứ không cho tiền tiêu vặt nữa, thế thì ba tháng sau chân chạy việc trong nhà chẳng phải đều là cậu sao?

Thật sự ngẫm lại mà vui vẻ quá chừng, xem ra một khoảng thời gian về sau có lẽ cậu có thể mua được rất nhiều thứ mình muốn, đương nhiên nếu chị có cần, nhờ cậu giúp đỡ thì cậu nhất định cũng sẽ hỗ trợ.

Xe lừa lại bắt đầu chạy thong dong trong ảo tưởng tốt đẹp của hai chị em nhà họ Tôn.

Hết chương 22.