Trước mặt Đàm Phi là một bàn gỗ dài, trên bàn đặt la liệt những khối khoáng thạch và các bộ phận trên cơ thể yêu thú, đây là bài kiểm tra của Nguyễn Lương dành cho gã.
Cách bàn gỗ một khoảng, Râu Ngô ngồi vắt vẻo trên một chiếc ghế tựa, đôi mắt lim dim hưởng thụ bình Linh Tửu to tổ chảng, ngón trỏ gõ nhịp lên tay vịn rất là sảng khoái. Trên đầu vai của lão chễm chệ một con Hắc Miêu to dị thường, mắt mèo trông như mắt rắn, đôi con ngươi lại ánh lên màu đỏ ngọc tà dị, khoảng lông từ đầu cho đến đuôi có màu đỏ uốn éo bắt mắt, đây là linh thú Ngọc Xà Miêu, sủng thú của họ Nguyễn.
Đàm Phi đi quanh bàn một vòng, ngón tay điểm từng món đồ trên đó:
- Kim Bối Thạch, nguyên liệu phụ trợ tăng tính kết dính.
- Mặc Vân Thạch, Phù hợp chế tạo ám khí.
- Xích Tinh Đồn, rất quý hiếm, vừa cứng rắn lại vừa có độ đàn hồi, thích hợp luyện chế pháp khí phòng ngự.
- Kim Cương Thiết, cứng rắn vô cùng, chủ tài pháp khí phòng ngự, hoặc pháp khí tấn công có thính xuyên phá.
- Mai của Lục Giao Quy, trực tiếp chế pháp khí phòng ngự.
- ...
Nguyễn Lương gật gù:
- Hảo, kiến thức cơ bản kể ra cũng không tệ, tuy nhiên để phụ việc cho ta còn phải học hỏi nhiều. Kể từ hôm nay, ta sẽ bế quan chế luyện Pháp Khí theo đơn đặt hàng của mấy vị bằng hữu, tiểu tử nhà ngươi tốt nhất là tá túc lại chỗ này đỡ mất công đi lại, mỗi tháng mười Tinh Thạch kèm theo một số đãi ngộ khác. Thế nào?
Đàm Phi triệt để bị cái gọi là ‘Đả Thiết Sư’ hấp dẫn rồi, gã dạ ran:
- Đệ tử nguyện hết sức phụ tá Nguyễn sư bá!
Nguyễn Lương không nói gì, lão chỉ cười “hắc hắc”. Quả thật từ khi gặp tên Tiểu Thần Tài này, lão thấy rất vừa mắt. Chỉ riêng vụ bắt sống Bích Hỏa Thiềm và đám trứng chưa nở đã khiến lão thu về kha khá, lại vụ Lôi Đài nữa chứ… chậc chậc.
Lão đứng dậy vươn vai ngáp ngáp rất vô ý tứ:
- Được rồi, ta còn phải chuẩn bị thiết kế bản vẽ, ba ngày sau sẽ bắt đầu. Đây là một số kiến thức cơ bản về quy trình chế luyện một món Pháp Khí, ngươi hảo hảo mà nghiên cứu, đừng để lão phu phải thất vọng.
Nói rồi lão ném cho Đàm Phi một quyển sách bìa da cũ không thể cũ hơn.
Nguyễn Lương nói thêm:
- Tất cả sơn động đều được thiết lập cấm chế cao minh, đừng tò mò động chạm vào bất cứ thứ gì nếu chưa được ta cho phép, cần gì cứ nói với Tiểu Ngọc, nó hiểu tiếng người đấy!
- Đệ tử tự biết chừng mực. - Đàm vâng dạ.
- Còn việc nữa, có ít sách vở trong thư phòng, nếu cần tham khảo thêm thì ngươi cứ đến đó mà đọc.
Lão lại nói với con Hắc Miêu:
- Tiểu Ngọc! Dẫn hắn đến phòng nghỉ.
Hắc Miêu "ngao" lên một tiếng rồi nhảy xuống đất lon ton chạy về thông đạo phía trong động phủ, nó còn ngoái cổ lại nhìn Đàm Phi, cái đuôi cong lên như ám chỉ “Đi theo Miêu Đại Gia ta!”.
Đàm Phi trong đầu chợt nhớ đến nữ tử cương liệt Lâm Tiểu Ngọc, nếu biết được mình trùng tên với con sủng thú này chắc nàng phải ói ra máu. Gã không kiêng kị điều gì nữa, vội vã bước theo Hắc Miêu đi vào trong.
Một người một mèo nối đuôi nhau đi trong thông đạo khá dài, Đàm Phi thấy có mấy phòng nhỏ nhưng đều có màn sáng cấm chế ẩn hiện, duy có phòng Linh Thú thì để trống, Hắc Miêu đi qua cửa phòng của nó thì dẹo người cọ vào cột đá cạnh cửa, đây tựa như một thói quen khó bỏ.
Cuối thông đạo là một khoảng sơn động lớn, vòm động lộ thiên nhìn được cả một khoảng trời. Nếu tinh ý sẽ thấy một vài cây tinh kỳ nhỏ cắm trên những mỏm đá lẫn với đám dây leo, hóa ra tất cả đều có pháp trận cấm cố, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Hắc Miêu mặc cho Đàm Phi tìm hiểu sơn động, nó nhảy tót lên một cành dương xỉ già cạnh lối vào, quay một vòng rồi cuộn tròn nằm đó, cái đuôi dài thõng xuống đu đưa trông rất là an nhàn.
Đàm Phi thấy cuối sơn động có một cái hốc lớn nhân tạo, gã hiểu đây sẽ là ‘phòng riêng’ của mình trong quãng thời gian lưu lại chốn này. Chẳng cần khách khí nữa, Đàm đi thẳng vào đó và lấy cuốn sách bìa da ra nghiền ngẫm.
Cuốn sách có tựa đề ‘Già Thiên Đả Thiết Vấn Đối’. Lối viết trong sách rất độc đáo, đại ý là có hai vị tu sĩ đàm luận với nhau về chức nghiệp cao quý của họ, ‘Đả Thiết Sư’. Sự lôi cuốn ở đây là người hỏi, ta đáp, rồi họ đưa ra những biện giải và phản biện mang tính bác học rất cao. Đàm Phi càng đọc càng say, lối viết như thế này khiến gã hiểu thấu đáo triệt để hơn rất nhiều so với cách trình bày thông thường.
Tu tiên Già Thiên có ba chức nghiệp cao quý, ‘Luyện Đan Sư’, ‘Đả Thiết Sư’ và ‘Trận Pháp Sư’ được gọi là ‘Tam Nghiệp’, tu tiên giả đi theo Nghiệp nào cũng phải là người có thiên phú dị bẩm, khi đạt đến trình độ cực cao thì được xếp vào bậc ‘Tông Sư’. Tuy nhiên, tu sĩ phổ thông đôi khi cũng có khả năng thực hiện những công việc như vậy, nhưng rốt cuộc chỉ đạt đến một cảnh giới nhất định, không thể sánh ngang hàng với các bậc Tông Sư được… Thực ra tu tiên giới còn rất nhiều chức nghiệp cao quý khác, nhưng tam nghiệp vẫn là ba chức nghiệp cơ bản nhất, được tu sĩ sủng hạnh nhất.
Đàm Phi đọc rất kỹ, gã còn lật đi lật lại các trang để tham chiếu, cuốn sách này đúng là cuốn sách quý giá nhất gã được đọc kể từ khi bước chân vào Tu Tiên Giới.
Ngày hôm sau, sau khi đã đọc hết cuốn sách, Đàm Phi dự định tìm kiếm thêm tư liệu về chức nghiệp Đả Thiết. Gã đi đến lối ra, thấy Hắc Miêu vẫn nằm canh chừng trên cành dương xỉ, gã cung kính:
- Tiểu Ngọc huynh! Ta cần tới thư phòng.
Hắc Miêu dường như không nghe thấy tiếng của gã, nó giơ chi trước lên trước mặt liếm láp.
Gã hiểu đầu thú cấp hai này đã thông linh, nó có linh trí gần như nhân loại rồi, gã bèn đổi cách xưng hô:
- Tiểu Ngọc đại ca…!
Mèo đen quất đuôi vẻ không hài lòng, nó nhìn gã rồi díp díp mắt ra vẻ muốn ngủ, không nghe, không hiểu.
Đàm vẫn kiên nhẫn:
- Tiểu Ngọc tỷ tỷ… ta cần đến thư phòng!
Đôi tai nhọn Hắc Miêu bỗng vểnh lên, cử động qua lại như thể đang nghe ngóng cái gì đó.
Đàm lại dõng dạc:
- Tiểu Ngọc tỷ tỷ…!
Hai con ngươi đỏ thắm trong veo của Hắc Miêu nhìn gã, đảo qua đảo lại rồi chuyển thân nhảy khỏi cành cây đi trước dẫn đường.
Thư phòng của Nguyễn Lương khá rộng rãi, trên kệ xếp khá nhiều những tựa sách dày có mỏng có, còn lại chủ yếu là những cuộn giấy được sắp xếp ngăn nắp.
Đàm Phi bạo dạn rút một cuộn ra xem, trong cuộn giấy là đồ hình phác thảo một món pháp khí hình chuông đồng, hình họa quả chuông rất chi tiết với lít nhít gạch ngang ghi chú, Đàm nhìn kỹ một lượt để ghi nhớ không sót điểm nào. Gã lại lấy cuộn thứ hai ra xem, cuộn này là phác thảo một thanh phi kiếm thon thon tinh tế, gã lại vận dụng toàn bộ khả năng ghi nhớ của mình để lưu hình ảnh chi tiết vào não bộ. Ghi nhớ khoảng hai mươi cuộn đồ hình thì Đàm chủ động dừng lại, trong đó có đa dạng các loại pháp khí từ công kích đến phòng thủ, với gã như thế là đủ lắm rồi.
Hắc Miêu lượn lờ trong không gian thư phòng, cặp mắt láo liên luôn dõi theo mọi hành động của Đàm không rời. Gã cũng chẳng có làm điều gì mờ ám nên cứ mặc kệ, để cho đầu linh thú đi lòng vòng quanh mình.
Ngó nghiêng thêm một hồi, Đàm Phi tiện tay nhấc một quyển sách bìa đỏ lên ngắm xem qua, miệng gã lẩm nhẩm dòng tựa đề:
- Pháp Trận Tụ Linh Chi Biến!?
Gã lật từng trang xem xét thì thấy rất nhiều đồ hình minh họa những pháp trận như ‘Tụ Linh Trận’, ‘Thu Lôi Trận’, ‘Tích Phong Trận’, ‘Tinh Hỏa Trận’… vân vân. Các pháp trận này đều là tiểu trận phụ trợ trong quá trình rèn đúc Pháp Khí, gã rất hứng thú với quyển sách nên cầm về ‘phòng riêng’ nghiên cứu, Hắc Miêu tỷ tỷ vẫn theo chân gã một bước không rời.
Hai ngày sau, Nguyễn Lương mang Đàm Phi và Tiểu Ngọc đến một mật động sâu dưới lòng đất, đây chính là nơi lão Râu Ngô chế tạo Pháp Khí.
Động quật khá rộng, trung tâm là một mặt đá phẳng phiu được khắc họa ba đồ hình vòng tròn lớn, đường kính khoảng bốn thước với rất nhiều phù văn ngoằn ngoèo bên trong. Trung tâm của đồ hình ở giữa là một miệng giếng cỡ chiếc mâm, trong miệng giếng tỏa ra khí nóng như thiêu đốt. Nhìn qua đồ hình một chút, Đàm nhận ra đó là Tinh Hỏa Trận ở dạng chưa hoạt động. Hai bên tả hữu Tinh Hỏa Trận là hai pháp trận đồng dạng, theo kiến thức gã vừa nắm được thì đó là Ngưng Thủy Trận và Tụ Linh Trận đều ở trạng thái chưa kích phát.
Hắc Miêu dường như đã quen với chỗ này, nó đi quanh động quật hệt như tiểu yêu đi tuần núi.
Nguyễn Lương lấy ra một chiếc Tọa Bồ Đoàn có hình vuông, lão ngồi xếp bằng trên đó thật ngay ngắn rồi ra hiệu Đàm Phi đến bên cạnh. Sau một hồi chuẩn bị, trước mặt Nguyễn Lương đã bày la liệt nguyên liệu chế tác và bức đồ hình phác họa một chuôi phi kiếm có phần lưỡi cong cong. Lão quay sanh Đàm Phi với vẻ mặt nghiêm túc:
- Đã nghiên cứu về các tiểu pháp trận phụ trợ chưa?
Đàm Phi gật đầu quả quyết:
- Triệt để rồi sư bá!
Nguyễn Lương gật đầu hài lòng, lão còn dặn dò thêm một số việc rất tỉ mỉ, xong đưa cho Đàm chín cây tinh kỳ lam sắc thêu đầy linh văn. Xong xuôi mọi thứ, họ Nguyễn bắt đầu thi pháp.
Lão Phất tay về phía đồ hình Tinh Hỏa Trận, chín lá tinh kỳ màu đỏ lít nhít linh văn bay ra cắm vào chính phương vị trên đồ hình, miệng lão lẩm nhẩm chú ngữ. Pháp trận bắt đầu phát ra tiếng kêu "ông ông", một dòng nham thạch nóng bỏng từ miệng giếng trào ra, chạy dọc theo những hình vẽ khắc sâu dưới mặt đất, tòa tiểu pháp trận sáng bừng hồng quang, miệng giếng lúc này đã xuất hiện ngọn hỏa diễm sáng trắng nhảy múa lung linh.
Sau một khắc, Nguyễn Lương bắt đầu dùng thần niệm điều động từng khối khoáng thạch từ từ bay vào trong tiểu trận, Tinh Hỏa tiểu pháp trận giống như một hỏa lò vậy. Nhiệt độ trong động lúc này rất nóng, khoáng thạch dần bị ngọn hỏa diễm nung đến tan chảy tạo thành những khối cầu chất lỏng, cùng trôi nổi trong pháp trận.
Cho đến khi tất cả nguyên liệu đã ở dạng lỏng, Nguyễn Lương dùng thần niệm bắt đầu dung nhập từng khối vào nhau theo một tỷ lệ nhất định, những phần nguyên liệu thừa đều bị đẩy ra khỏi Tinh Hỏa trận rồi nguội dần. Hỗn hợp chất lỏng lúc này đã hòa vào làm một thể thống nhất, nó bắt đầu biến đổi hình dạng theo ý niệm của họ Nguyễn. Dưới sự điều khiển thần niệm mạnh mẽ, kiếm phôi từ từ định hình, công đoạn này đòi hỏi phải thực hiện rất tỉ mỉ. Thân kiếm đã thành hình, các nét hoa văn chạm trổ cũng dần sắc nét. Mồ hôi trên trán Râu Ngô đã chảy thành dòng, công việc này đòi hỏi phải có một lực lương thần niệm rất lớn, không phải ai cũng làm được.
Đàm Phi canh đến thời điểm phù hợp thì bắt đầu thi pháp. Tay gã vung lên, chín cây tinh kỳ lam sắc bay ra cắm lên phương vị Ngưng Thủy Trận, Ngưng Thủy Tiểu Trận bộc phát sáng lòa, hơi nước trong không khí điểm điểm lam mang hội tụ về tiểu trận rồi kết thành một quả cầu nước óng ánh, nó lớn dần lên theo tiếng chú ngữ của Đàm. Thủy cầu bành trướng gần bằng đường kính pháp trận thì đình chỉ, Đàm vẫn tụng niệm chú ngữ không ngừng.
Bên Nguyễn Lương, kiếm phôi đã ổn định hình dáng, lão liếc mắt thấy Thủy Cầu do Đàm Phi tạo ra lam mang xanh biếc lăn tăn sóng nhỏ, liền điều khiển Kiếm Phôi từ từ di chuyển khỏi Tinh Hỏa trận, chuyển sang Ngưng Thủy trận. Kiếm Phôi tiềm nhập Thủy Cầu khiến nước sôi lên ùng ục, bốc hơi nghi ngút. Sau khi xác định phôi Kiếm đã hoàn toàn nguội lạnh, Nguyễn Lương lại di chuyển Phôi Kiếm quay trở về Tinh Hỏa trận, nung nóng cho đến khi nó gần hóa lỏng rồi lại chuyển sang Thủy Cầu…
Một già một trẻ duy trì quy trình tôi luyện chín lần thì dừng lại.
Lúc này, Nguyễn Lương lại vung tay, chín cây tinh kỳ ngũ sắc bay ra kích phát Tụ Linh trận. Pháp trận bừng sáng, từng đoàn linh văn ẩn hiện nhấp nhá trong đó, họ Nguyễn lại di chuyển Phôi Kiếm tiến vào trong Tụ Linh, để nó lơ lửng tại đó hấp thụ lấy nguồn linh khí tinh thuần. Từng đoàn Linh Văn ngũ sắc quấn lấy thân Kiếm Phôi rồi lặng lẽ tiềm nhập vào thân kiếm, cảnh tượng hệt như đàn kiến chạy về tổ.
Qua một quãng thời gian, Nguyễn Lương bỗng mở bừng mắt hô lớn:
- Khai...
Kiếm Phôi trong pháp trận nháy sáng liên hồi, phát ra tiếng ‘ong ong’ ngân nga vang vọng khắp động quật. Đây là công đoạn cuối cùng, ‘Khai Linh’. Kiếm Phôi giờ đã chính thức trở thành một món Pháp Khí.
Râu Ngô thu chuôi kiếm vào tay vuốt ve tỏ ra rất ưng ý, chuôi Yển Nguyệt Kiếm tinh mỹ tỏa ra một khí thế bất phàm. Đàm Phi đứng một bên với đôi mắt hân hoan sáng ngời, vậy là gã đã được tham gia vào một chu trình chế tạo ra Pháp Khí hoàn chỉnh từ đầu chí cuối. Chức nghiệp này bắt buộc phải theo đuổi đến cùng, phụ thân Đàm Lão là thợ rèn, chẳng lẽ gã không thể trở thành Đả Thiết Sư?
Nguyễn Lương và Đàm Phi miệt mài hơn nửa năm mới hoàn thành hết số đơn đặt hàng. Trong khoảng thời gian này, Đàm chuyên tâm phụ việc và học hỏi được rất nhiều thứ. Trình độ của Râu Ngô phải nói là xảo diệu vô cùng, tất cả sản phẩm lão chế tác ra đều hoàn hảo và tinh tế, vì vậy mà Đàm được hưởng lợi rất nhiều từ vị Tông Sư này.