Mùa mưa đến ngay vào lúc những buồn lo trong lòng tôi vừa mới chớm. Những buồn lo non nớt của một trái tim non nớt nhanh chóng bị những cơn mưa đầu mùa xóa sạch.
Năm nay mưa đến chậm, nhưng đúng lúc biết bao. Tôi lại tha hồ dầm mưa và tối tối lại cùng anh em thằng Chửng mò mẫm ngoài bờ ruộng soi đèn bắt ếch. Ðêm nằm trùm chăn tận cằm lắng tai nghe tiếng “uôm uôm” từ ngoài vườn vọng vào, tôi tưởng như tôi sẽ không bao giờ trở thành người lớn và tôi thật lòng sung sướng với ý nghĩ đó. Tiếng ếch nhái quen thuộc, mùi nước mưa và mùi lá cây, cả mùi đất ẩm và mùi mốc meo của những tấm tranh mục trên chái bếp, tất cả nương theo hơi gió mát xộc vào giác quan tôi khiến tôi nôn nao một cách dễ chịu. Mùa mưa đến đánh thức trong tôi những giấc mơ kỳ thú của tuổi thiếu niên mà những ngày qua tôi đang sẵn sàng để rời bỏ. Bây giờ, chúng đang trở lại với tôi, những ý nghĩ trong veo lẫn những cảm giác bình yên vô tư lự.
Anh Ðiền dạo này cũng thôi nhờ vả tôi về chuyện chị Ngà. Những trận mưa đầu mùa, cùng với sự tươi tắn mà nó đem lại, kéo theo cả những chứng cảm mạo và sưng phổi. Các thứ bệnh thời khí tràn ngập cả làng, lan ra các làng khác như một thứ dịch khiến ông tôi lúc nào cũng tất bật và anh Ðiền không đào đâu ra thì giờ để nắn nót những bức tình thư. Nhờ vậy, tôi không bị quấy rầy trong một thời gian dài. Phần khác, anh cũng không tin tưởng lắm vào tài nghệ viết thư của chính mình, bởi lẽ cho đến nay anh vẫn không thấy chị Ngà hồi đáp một lời nào sau khi nhận liên tiếp hai lá thư chắc là rất tình tứ của anh.
Những đóa hoa cúc vẫn tiếp tục khoe sắc trong mưa, mặc dù sáng ra tôi nhìn thấy nhiều cánh hoa bị dập, một số rụng lả tả trên mặt đất ướt. Những cánh hoa rơi vãi đó, chị Ngà không cho ai quét. Chị nhón lấy từng cánh, gom vào dưới gốc và nhặt lá tre khô đắp lên. Chị bảo làm như thế, những cánh hoa dù rơi rụng vẫn được ngủ ấm áp trong nhà mình.
Ðó là buổi sáng. Bây giờ, mỗi buổi chiều chị ngồi trong nhà ngắm dãy cúc qua màn mưa lướt thướt, trắng tựa sương mù. Những lúc đó, nếu không đi rảo với anh em thằng Chửng, tôi thường ngồi co ro bên cạnh chị, thu tay vào bụng và lơ đãng nhìn ra sân.
Hai chị em ngồi với nhau như vậy trong nhiều ngày trước khi những cơn mưa lê thê chấm dứt. Thường thì chẳng ai nói gì. Tôi lặng lẽ nhai đậu phọng rang thủ sẵn trong túi hoặc gặm những trái ngô nướng thơm lừng. Chị Ngà ngồi trên ngách cửa, chân duỗi thẳng, tay vòng trước ngực, bất động và mơ màng. Có vẻ như chị đang ngóng đợi một điều gì từ những cơn mưa muộn. Thỉnh thoảng, chị hỏi tôi:
- Trường có thích mưa không?
- Thích! Mùa mưa em tha hồ soi ếch! Tối nay chị có đi bắt ếch với em không?
Chị Ngà rụt cổ:
- Eo ơi, chị sợ lắm!
tôi quên béng chị Ngà là chúa ngát. Nhìn chị co rúm người, tôi phì cười:
- Thịt ếch ngon tuyệt cú mèo, chị có thích ăn không?
Chị Ngà lắc đầu nguầy nguậy. Tôi lại hỏi:
- Thế chị không thích mùa mưa à?
Chị Ngà đưa tay vén tóc:
- Chị chỉ không thích thịt ếch thôi. Còn mưa thì chị thích. Trời mưa trông buồn buồn.
Chị Ngà khiến tôi ngạc nhiên quá đỗi. Trước đây, chị bảo chị thích hoa cúc vì nó đem lại niềm vui cho tâm hồn. Bây giờ, chị lại bảo chị thích trời mưa vì nó đem lại nỗi buồn. Ðối với tôi, những ý nghĩ của chị thật là kỳ quái. Nhưng tôi không thắc mắc hay tranh cãi. Những giây phút như thế này, tôi thích ngồi im lặng bên cạnh chị hơn. Ðể cảm thấy lòng nhẹ tênh và ngập tràn hạnh phúc giữa những vây bọc của tiếng mưa tí tách lẫn tiếng học bài ngân nga của dì Miên từ sau lưng vọng tới.
*****
Nhưng niềm vui êm ả của tôi kéo dài không lâu. Những cơn mưa trở nên thưa thớt dần. Mùa mưa vẫn tiếp diễn nhưng đã thôi những trận mưa mù trời mù đất và kéo dài bất tận từ buổi chiều ngày hôm trước cho đến tận sáng hôm sau.
Mưa bây giờ đổ xuống từng đợt, đều đặn, nhưng lại xảy ra vào buổi trưa. Buổi chiều, trời tạnh ráo để mặt đất nghỉ ngơi. Các loại nấm trồi lên rào rào sau vườn, chen nhau với lũ rau dền, rau sam, tía tô, mâm xôi và lồng đèn không ngừng tươi tốt. Bọn cỏ gấu, cỏ gà, cỏ mực và roi ngựa cũng lớn như thổi. Vườn trở nên rậm rịt và xanh ngút.
Chị Ngà lại nhấc chiếc đòn kê ra ngồi trước sân, bỏ mặc tôi gặm ngô nướng một mình bên cánh cửa lim. Chị lại làm nàng Giáng Kiều trong bức tranh treo ở nhà bà tôi, cứ đến chiều lại ngẩn ngơ hàng giờ bên vàng hoa cúc.
Những ngày này, tôi đã thôi hì hục múc nước tưới hoa nhưng thỉnh thoảng đi chơi đâu về, tôi vẫn chạy lại ngồi cạnh chị, dù rằng tôi không thể nào tìm thấy lại cảm giác yên ổn của những giây phút hai chị em ngồi lặng lẽ bên nhau nhìn mưa rơi tí tách trong những ngày hôm trước. Có thể vì các chứng bệnh đầu mùa đã thôi hoành hành và hầu hết dân làng đã đổ ra đồng mà không còn khụt khịt mũi khiến anh Ðiền rãnh rỗi hơn để nghĩ đến chuyện tình dang dở của anh. Có lẽ chính những ý nghĩ xám xịt đó khiến nỗi buồn trong lòng tôi phập phồng cựa quậy.
Những lo lắng của tôi không phải là dự cảm. Anh Ðiền bắt đầu ở nhà nhiều hơn. Mái tóc quăn của anh lảng vảng gần hơn quanh bàn học của chị Ngà. Và những lúc bắt gặp chị Ngà ngồi học một mình, anh thường tìm cách vòng ra sau hè để lượn ngang trước cửa sổ phòng chị. Tôi theo dõi tất cả những trò đó với một nỗi thấp thỏm nghẹn thắt. Tôi không rõ những lúc anh Ðiền kiếm cớ rảo ngang như vậy, chị Ngà có nhìn ra và mỉm cười với anh không nhưng tôi biết chị chẳng tỏ vẻ gì khó chịu.
Thái độ của chị Ngà khiến tôi cảm thấy tức uất. Có vẻ gì đó như là sự đồng tình trong sự im lặng của chị. Anh Ðiền có lẽ cũng cảm nhận mọi sự giống như tôi, vì thế càng ngày anh càng tỏ ra táo tợn. Anh không buồn ký thác nỗi lòng qua những lá thư dày cộm nữa. Chẳng thèm mua chuộc tôi bằng những tô mì trên quán bà Sáu Dứa như những ngày qua, dường như anh đang muốn tự mình chinh phục những giấc mơ của chị Ngà mà không thông qua một ai khác.
Tôi nhìn anh lượn lờ trước cửa sổ phòng học của chị Ngà mỗi ngày mà bụng cứ giật thót. Trước những mánh lới của anh, tôi cảm thấy mình chỉ là một đứa trẻ. Tôi chẳng biết làm gì để ngăn chận những âm mưu đen tối của anh cũng như để bảo vệ hình ảnh rực rỡ đến trong suốt của chị Ngà. Trong rất nhìều ngày, tôi cứ loay hoay và cảm thấy vô cùng đau khổ vì sự bất lực của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng lo sợ anh phát hiện ra sự phá bĩnh của tôi. Cứ cái đà này, sẽ có một ngày chị Ngà nói cho anh biết là chị chẳng nhận được lá thư nào của anh cả. Nếu ngày đó xảy ra thì thật rầy rà, lôi thôi to.
Nhưng nếu tôi đã không thể cản trở anh Ðiền tỏ tình với chị Ngà thì tôi cũng chẳng thể ngăn chặn mọi chuyện khỏi vỡ lở. Âm mưu của tôi và anh em thằng Chửng bị phát hiện vào một tối thứ bảy, đúng một tuần sau khi cơn mưa chiều cuối cùng của mùa hè chấm dứt. Riêng tôi, tôi không thể ngờ tai họa lại bắt đầu từ nàng Ðiêu Thuyền xinh đẹp trong vở Phụng Nghi Ðình, một tuồng tích tôi đã thuộc lòng từ những ngày ra học ngoài huyện nằm lại nhà bạn chúi mũi vào những cuốn truyện Tàu in trên thứ giấy vàng khè của Tín Ðức thư xã.
Nàng Ðiêu Thuyền về đến làng tôi theo một gánh hát bội sống bằng nghề lưu diễn. Thỉnh thoảng các đoàn hát cũng về làng nhưng thường họ đến vào mùa khô nhân các dịp lễ hội. Vậy mà gánh hát này lại đến vào mùa mưa. Trưa thứ bảy, mưa chưa dứt hạt, họ đã về tới đầu làng trên một chiếc xe ô tô cũ kỹ, tróc gần hết sơn với đủ thứ âm thanh lạ tai vọng ra từ thùng xe lố nhố những đầu người.
Tôi đang đứng trước hiên nhà dòm ra thì anh em thằng Chửng từ ngoài cổng chạy ùa vào, đứa nào đứa nấy mình mẩy ướt đẩm.
- Gánh hát về, mày ơi! - Chửng em hoa tay.
Tôi bĩu môi:
- Tưởng gì! Tao thấy từ... hôm qua lận!
Không để ý đến vẻ khinh thị của tôi, Chửng em hớn hở khoe:
- Nãy giờ hai đứa tao chạy theo gánh hát! Tao còn bám lên cả thùng xe!
Trong khi tôi đang thầm ghen tị với cái trò “bám thùng xe” của Chửng em thì Chửng anh níu tay tôi:
- Bây giờ đi xem gánh hát đi!
- Xem ở đâu?
- Ở trường làng ấy! Xe đỗ ở đấy!
Tôi liếc Chửng em, cố làm ra vẻ:
- Ði thì đi! Ra xem họ làm gì!
Ba đứa đi được nửa đường thì mưa tạnh. Trường làng nằm trên đường dẫn xuống xóm Cây Duối, khuất sau những cây cao vút và dãy hàng rào trứng cá với những trái đỏ li ti.
Giữa sân trường có một cây cốc xum xuê, tán lá xanh um, rậm rạp, gốc to ba người không ôm xuể. Rễ cây bò ngoằn ngoèo trên mặt đất như những con trăn lớn. Những năm còn học ở trường làng, tôi và lũ bạn thường tranh nhau nhặt những trái cốc rơi vãi, đem đặt vào những cái hốc lõm sâu giữa mớ rễ rồi sau đó lấy đá ghè cho vỡ ra để nhấm nháp tí nhưn ít ỏi nhưng béo ngậy bên trong.
Khi chúng tôi tới nơi, gánh hát đang bắt đầu che lều dựng rạp ngay dưới bóng cây. Trẻ con xúm đen xúm đỏ chung quanh, chỉ trỏ và xuýt xoa bàn tán. Nhiều đứa cõng cả em trên vai đội mưa tới xem nhà trò dựng rạp.
Tôi đứng nhướn mắt dòm dỏ một hồi rồi thất vọng kéo tay Chửng anh:
- Về đi mày! Có gì đâu mà xem!
- Nán tí nữa đi!
Chửng anh kỳ kèo, mắt vẫn dán chặt vào đám người lúc nhúc quanh gốc cây, trong đó có cả Chửng em. Thằng này đang chen huých, xô đẩy với bọn trẻ trong xóm để tranh nhau làm thợ phụ cho gánh hát. Tiếng búa gõ chí chát nghe đến điếc tai.
Tôi lại lay mạnh tay Chửng anh:
- Về đi! Tối ra xem!
Chửng anh đang còn chần chừ thì chiếc ô tô nãy giờ nằm im trước hiên trường bỗng nổ máy và lù lù tuôn ra cổng. Những tấm bảng quảng cáo với những hình vẽ sặc sỡ, bị tháo xuống lúc trời mưa, bây giờ được lôi ra treo quanh thân xe khiến chiếc ô tô còi cọc kia bỗng chốc trở nên lạ lẫm, hệt như nàng cóc hóa thành tiên sau một đêm ngủ dậy.
Chiếc ô tô vừa chạy vừa “kính thưa” ra rả: “Kính thưa bà con cô bác, tối nay vào lúc bảy giờ, gánh Tơ Ðồng chúng tôi sẽ diễn vở Phụng Nghi Ðình để phục vụ bà con...”. Người đàn ông ngồi trước ca-bin thò đầu ra ngoài và dí sát cái loa méo mó vào miệng, rao đến cả khan giọng.
Vừa nghe tiếng loa cất lên, bọn trẻ đang xúm xít chỗ dựng rạp lập tức ngoảnh cổ dòm. Và khi nhìn thấy chiếc ô tô trang hoàng lộng lẫy kia chuẩn bị đi rảo khắp làng, chúng vội vã co giò đuổi theo, vừa chạy vừa hò reo ầm ĩ. Chửng em cũng chạy lẫn giữa mớ chân cẳng chen chúc kia, cúc áo đứt tung, phơi bộ ngực đen nhẻm.
Lần này thì không đợi tôi giục, Chửng anh kéo tay tôi lật đật chạy theo.
Chiếc ô tô chạy chậm rờ nên trong thoáng mắt, đám trẻ làng đã đuổi kịp. Bốn, năm đứa nhanh chân phóng người bám lấy thành xe, đeo lủng lẳng. Vừa đu người, chúng vừa quay mặt lại cười toe toét.
Một chốc sau, thêm vài đứa nữa phóng lên theo. Có đứa chụp hụt, té đập đầu xuống đường, ôm trán xuýt xoa một hồi rồi lại lồm cồm bò dậy, cà ngắc chạy theo. Trời mưa đất mềm chứ nếu đang mùa nắng, hẳn khối đứa “lỗ mũi ăn trầu” u đầu sứt trán.
Thình lình người đàn ông “kính thưa” ngoảnh cổ lại. Thấy bọn trẻ đeo toòng teng trên thành xe, anh ta hốt hoảng chõ cái loa về phía sau, hét tướng:
- Xuống! Xuống ngay! Té chết hết cả đám bây giờ!
Chiếc ô tô đang chạy bỗng lừ đừ, ngúc ngoắc rồi đỗ xịch lại. Ðám trẻ ù té chạy. Mấy ông tướng bám trên thành xe vội vàng phóc xuống, biến vào những ngõ trúc hai bên đường, nhanh như sóc. Tôi và Chửng anh cũng hấp tấp lùi tuốt ra vệ đường, đứng xa xa dòm.
Nhưng khung cảnh chỉ vắng lặng được một chốc. Chiếc ô tô vừa nổ máy và chớm rục rịch, những cái đầu húi cua đã nhanh chóng thò ra từ dãy trứng cá và đám tre gai rậm rịch. Và khi chiếc xe đã chạy được một đoạn và người đàn ông ngồi trên xe đã bắt đầu cất giọng ồ ồ “kính thưa bà con cô bác” thì đám trẻ liền túa ra đường và hăm hở rượt theo.
Hồi trưa nghe Chửng em khoe trò “bám thành xe”, tôi tiếc hùi hụi. Nhưng bây giờ, sau khi cùng lũ nhóc trong làng chạy theo chiếc ô tô của gánh hát một hồi, tôi chẳng thấy có gì hấp dẫn trong cái trò trẻ con ngớ ngẩn này.
Cách đây vài tháng, hẳn tôi không có cảm giác lạnh nhạt như thế. Nhưng từ ngày chị Ngà về làng và tôi bắt đầu đem lòng yêu hoa cúc, những trò chơi mê mẩn và kỳ thú của thời niên thiếu đối với tôi đã không còn quyến rũ. Ngay lúc này đây, một lần nữa tôi lại buồn rầu nhận ra điều đó.
Vì vậy, khi chiếc ô tô chạy ngang qua cổng rào hoa giấy nhà ông tôi, tôi quyết định rời bỏ đám đông, lặng lẽ quay vào nhà mặc cho Chửng anh kêu ơi ới sau lưng.
*****
Tôi đụng đầu dì Miên ngay ở ngoài hiên. Vừa thấy tôi lếch thếch đi vào, dì đã nhăn mặt.
- Nãy giờ Trường chạy chơi đâu mà không về ăn trưa?
Tôi liếm môi:
- Cháu đi coi người ta dựng rạp.
Rồi không để dì Miên kịp rầy thêm, tôi làm bộ hỏi:
- Tối nay dì có đi coi hát không? Tuồng Phụng Nghi Ðình hay lắm!
Dì Miên nheo mắt:
- Trường coi chưa mà biết hay?
- Chưa! Nhưng cháu đọc trong sách!
- Ðọc trong sách thì nói làm gì! – Dì Miên nguýt tôi một cái dài.
- Sao không nói làm gì! – Tôi hừ mũi – Trong sách viết sao thì người ta diễn tuồng y hệt vậy chứ khác gì đâu!
Dì Miên không tỏ thái độ gì trước phản ứng của tôi. Dì chỉ giục:
- Thôi, vô nhà thay đồ rồi ăn cơm đi!
Trước khi bước qua ngạch cửa, tôi còn ngoái đầu lại gạ:
- Tối nay dì dẫn cháu đi coi hát nghen?
Dì Miên lắc đầu:
- Trường đi một mình đi! Tối nay dì phải ở nhà học bài!
Tôi bĩu môi:
- Dì lúc nào cũng học! Học cho lắm chỉ tổ ế chồng!
- Trường nói lăng nhăng gì thế!
Dì Miên trợn mắt và cung tay lên khiến tôi vội vàng chui tọt vào nhà.
Mâm cơm vẫn còn đặt giữa bàn. Liếc về phía cửa ngách, không thấy ông tôi đâu, tôi mới an tâm ngồi xuống ghế. Chắc anh Ðiền lại chở ông đi thăm bệnh.
Tôi vừa mới giở lồng bàn, chưa kịp xới cơm, đã thấy chị Ngà ở nhà dưới đi lên. Dường như chị vừa rửa chén xong. Thấy tôi, chị cười cười:
- Trường đi chơi bỏ cả cơm nước hén!
Tôi ngước lên:
- Em đi coi gánh hát! Tối nay gánh hát diễn ở làng mình, chị biết chưa?
- Nãy giờ người ta rao inh ỏi, ai lại không biết!
Tôi thấp thỏm:
- Thế tối nay chị có đi coi không?
- Ði chứ.
Tôi lại nói, giọng lo âu:
- Nhưng dì Miên không đi. Dì bảo dì phải ở nhà học bài.
- Thì chị với Trường đi!
Chị Ngà làm tôi sững sờ. Tôi hoàn toàn không chờ đợi một quà tặng tuyệt diệu như vậy. Chị Ngà nói câu đó một cách thản nhiên nhưng tôi lại sung sướng đến đỏ mặt. Tôi phải cắm cúi xới cơm ra chén để che giấu nỗi xúc động đột ngột của mình.
Suốt buổi chiều hôm đó, tôi chỉ mong cho chóng đến tối. Cứ chốc chốc tôi lại bước ra hiên nhìn lên ngọn tre, xem mặt trời đã xuống đến đâu. Tôi cũng sợ trời bất thần đổ mưa, dù gần mười ngày nay làng tôi đã không còn những trận mưa đêm.
Lúc tôi và chị Ngà ra khỏi nhà, ông tôi vẫn chưa về. Dì Miên vẫn tiếp tục dán người vào bàn học dưới ngọn đèn dầu lù mù, chiếc bóng đổ dài trên vách một cách kiên trì.
Trên các nẻo đường làng, người đi như trẩy hội, tiếng cười nói lao xao, ríu rít. Trong đám khán giả háo hức kia, có cả những đứa trẻ còn ẳm ngửa. Thỉnh thoảng vài đứa lại khóc ré lên đòi sữa khiến nhìều bà mẹ vừa đi vừa hối hả vạch áo nhét vú vào miệng con.
Trường làng tối nay sáng trưng. Chỉ mấy ngọn đèn măn-sông mà ánh sáng lan tỏa cả một vùng. Càng đến gần, cái quầng sáng kia càng thôi thúc. Tôi đi nhanh như chạy khiến chị Ngà phải kêu í ới. Nhiều thằng nhóc tụt dép cầm tay và phi như ngựa qua mặt tôi khiến tôi càng sốt ruột. Nhưng tôi vẫn phải bấm bụng đi chậm lại để đợi chị Ngà. Tôi nhớ hôm nào cùng chị ra suối, chị đi chậm như rùa, thậm chí chị phải vịn vai tôi mới bước nổi.
Ðằng rạp, tiếng loa vẫn đon đả chào mời. Khi tôi và chị Ngà bước vào trong sân, tiếng loa bắt đầu giới thiệu tuồng tích. Người giới thiệu, đứng ngay tước cửa rạp, là một cô gái xinh xắn. Người đàn ông “kính thưa” hồi trưa chắc đã tắt hơi và bây giờ có lẽ đang ngồi ngậm kẹo bạc hà ở một xó xỉnh nào đó.
Rạp quây thành hình chữ nhật, với những mảnh ván ghép lại làm vách. Phía trước chừa một lối đi nhỏ, cửa mở ti hí. Rạp không bán vé. Ai muốn vào coi thì nộp tiền cho người đàn ông mặt thẹo ngồi án ngữ ngay trước rạp rồi len qua cánh cửa khép hờ lúc nào cũng lung lay như chực đổ ụp lên đầu khán giả.
Hầu hết các gánh hát về làng tôi đều dựng rạp lộ thiên, bốn bên che chắn cẩn thận nhưng phía trên trên thì trống huơ trống hoác. Khán giả coi cọp cứ việc leo lên cây, cỡi trên các cành nhánh, ngồi dòm xuống. Ðêm nay cũng vậy, trên cây cốc, người đeo lúc nhúc như khỉ. Hầu hết là trẻ con, chỉ một vài người lớn. Tôi căng mắt cố tìm xem có anh em thằng Chửng trong đám khán giả lơ lửng giữa trời đó không nhưng ngóc mỏi cả cổ vẫn không tài nào phân biệt được ai là ai.
Mãi đến khi vào trong rạp, tôi mới thấy anh em tụi nó chạy lăng xăng tìm chỗ. Tôi tính kêu nhưng sực nhớ chị Ngà đang ngồi bên cạnh, vội ngậm miệng lại. Chị Ngà hôm trước lên án anh em thằng Chửng về cái tội ném đất anh Ðiền, chắc chị không ưa gì tụi nó. Nhớ đến chuyện cũ, lòng tôi bất giác buồn xo.
Nhưng tôi chỉ buồn có một lúc. Khi bức màn được kéo sang hai bên và trên sân khấu lần lượt xuất hiện những viên võ tướng mặt mày vằn vện, hia mão rỡ ràng thì nỗi buồn trong lòng tôi bay biến đâu mất. Tiếng trống, tiếng thanh la lẫn tiếng kèn sáo vang lừng mỗi lúc một cuốn hút và như muốn nhấc bổng tôi lên.
Ðang cựa quậy, nhấp nhổm trên ghế, tôi bỗng giật bắn mình vì một bàn tay đập khẽ lên vai. Quay lại, hóa ra Chửng anh. Tay nó ngoắt tôi nhưng cặp mắt lại lấm lét nhìn về phía chị Ngà. Nhưng chị Ngà chẳng hay biết gì. Chị đang mãi mê chong mắt lên sân khấu theo dõi cảnh Tư Ðồ giả say để lập mưu gài Lữ Bố. Ngay cả khi tôi nhón gót len lén rời khỏi chỗ, chị cũng không hề phát giác.
Tôi vừa lẩn ra ngoài, Chửng anh liền thì thầm:
- Ði theo tao!
- Ði đâu vậy?
- Lên trên kia! - Chửng anh chỉ tay lên sân khấu.
Tôi ngạc nhiên:
- Mày khùng hả? Lên trên đó làm chi?
- Chui ra đằng sau coi con hát hóa trang! Hay lắm!
- Câu giải thích của Chửng anh khiến tôi vỡ lẽ.
- Mày vô đây bằng cách nào vậy? - Vừa rảo theo nó, tôi vừa hỏi.
- Tao nấp dưới gầm sân khấu từ chiều.
Tôi trợn mắt:
- Trời đất! Mày nhịn đói từ chiều đến giờ hả?
Chửng anh cười hì hì:
- Tao gặm khoai lang.
Tôi khịt mũi:
- Thằng Chửng em cũng nấp chung với mày hả?
- Không! Nó vô cửa đàng hoàng!
- Xạo đi!
- Thật! Hồi trưa nó phụ dựng rạp, bầy giờ người ta trả công cho nó!
Nói xong, Chửng anh toét miệng cười. Tôi định lên tiếng cà khịa nhưng đã kịp trông thấy Chửng em đang đu toòng teng trên cây đòn ngang bên hông hậu trường và cố ngóc đầu lên khỏi mặt sàn gỗ. Chen chúc bên cạnh nó là bốn, năm đứa khác.
Vừa tới nơi, Chửng anh đã phóc người bám lấy thanh đà, nhướn cổ nhìn vào bên trong. Tôi liền bắt chước đu theo.
Tôi nhìn thấy Ðiêu Thuyền đang trát lại lớp phấn trên mặt vừa bị mồ hôi làm cho bợt đi. Ðổng Trác ngồi bên cạnh phì phèo một thứ thuốc lá khét lẹt. Ðổng Trác một tay kẹp thuốc, tay kia bụm râu cho khỏi cháy, nom buồn cười không thể tả. Trên chiếc ghế đẩu thấp lè tè kê sau bức màn huyết dụ, một người đàn ông cởi trần trùng trục, có lẽ do trời nóng, vận một chiếc quần dài đen nẹp đỏ, thắt lưng cũng đỏ, đang mấp máy nhắc tuồng với cuốn tập ố vàng trên tay, chốc chốc lại vung tập quạt phành phạch để xua bớt sự oi bức.
Cảnh tượng trước mắt khiến tôi cảm thấy ngở ngàng. Sự hiếu kỳ nhanh chóng biến mất, thay vào đó là nỗi thất vọng mỗi lúc một ngập tràn. Sân khấu phía trước huy hoàng, hoa lệ bao nhiêu thì sân khấu phía sau lại trần trụi, xô bồ bấy nhiêu. Vẻ oai phong lẫn nét mỹ miều của các võ tướng, giai nhân chỉ tỏa ra sáng dưới ánh đèn màu. Khi lui vào hậu trường, tất cả bổng trở nên tầm thường đến phát chán.
Tôi buông tay rơi bịch xuống đất. Chửng anh ngoái cổ lại:
- Mày không coi nữa hả?
- Có gì đâu mà coi! – Tôi làu bàu.
Chửng anh dường như cũng đã mỏi tay. Nó nhảy xuống theo:
- Vậy xuống dưới coi đi!
Hai đứa lại lần theo hướng cũ. Thấy tôi và Chửng anh bỏ đi, Chửng em lót tót chạy theo:
- Tụi mày đi đâu vậy?
- Xuống dưới kia!
- Tao đi với!
Tôi mặc kệ Chửng em, vừa dọ dẫm vừa đảo mắt tìm hàng ghế có chị Ngà ngồi. Bây giờ chắc chị đã phát hiện ra sự vắng mặt của tôi. Tôi mỉm cười nghĩ đến chuyện lát nữa đây tôi lại xuất hiện bên cạnh chị, cũng đột ngột như khi bỏ đi, và khi ngoảnh qua bắt gặp tôi đang ngồi nguyên chỗ cũ, hẳn chị sẽ trố mắt vì kinh ngạc.
Nhưng ý nghĩ hào hứng trong đầu tôi vừa chớm lên đã vội tắt ngấm. Tim tôi như thắt lại khi nhìn thấy mái tóc quăn của anh Ðiền đang ngọ nguậy bên cạnh chị Ngà. Anh ngồi đúng bào chiếc ghế của tôi, bộ tịch hiu hiu tự đắc trông khó ưa kinh khủng. Anh làm như thể đó là chỗ ngồi chị Ngà chừa sẵn cho anh vậy.
Lòng tôi bỗng chốc rối bời. Tôi nhớ rõ ràng lúc tôi và chị Ngà bước ra khỏi nhà, anh Ðiền vẫn chưa về. Anh còn theo ông tôi đi khám bệnh ở tận đâu đâu. Chẳng hiểu sao bây giờ anh có mặt ở đây, lại đúng vào lúc tôi bỏ đi.
Thấy tôi cứ đứng đực ra, anh em thằng Chửng không khỏi ngạc nhiên. Nhưng sau khi liếc vào dãy ghế có chị Ngà ngồi, chúng hiểu ngay. Chửng em hừ mũi.
- Thằng cha tóc quăn chiếm chỗ của mày hả?
Câu hỏi của Chửng em khiến cổ tôi như nghẹn lại. Chửng anh dịu dàng nắm lấy tay tôi:
- Thôi, ra đằng sau đứng coi! Cần quái gì phải ngồi ghế!
Chửng anh lịch sự không đả động gì đến nỗi buồn của tôi. Tôi lủi thủi đi theo nó, lòng nặng như chì.
Ðứng ở cuối rạp không chỉ có ba đứa tôi. Cả lố người chen chúc trong một khoảng trống chật chội. Phải kiễng chân hết cỡ, tôi mới có thể nhìn xuyên qua đám đầu cổ lúc nhúc kia. Nhưng tôi không buồn nhìn lên sân khấu. Lữ Bố, Ðiêu Thuyền bây giờ chẳng hấp dẫn nổi tôi nữa. Ngay cả cảnh Lữ Bố hươi kích rượt Ðổng Trác tôi cũng chẳng màng. Tôi chỉ chong mắt về phía anh Ðiền và chị Ngà, cay đắng nhìn ngắm hai người vừa coi hát vừa thủ thỉ trò chuyện, lòng dậy lên những hờn tủi khôn ngui.
Nỗi buồn của tôi khiến anh em thằng Chửng buồn lây. Chửng anh tuy dán mắt lên sân khấu nhưng chốc chốc lại thở dài liếc qua tôi. Chửng em cũng chẳng vui vẻ gì hơn. Thấy nó cúi lom khom mò mẫm trên mặt đất cả buổi, tôi ngạc nhiên hỏi:
- Mày làm trò gì vậy?
- Tao tìm cái này!
Chửng em đáp, không ngẩng đầu lên. Ðến khi nó đứng thẳng người dậy, tay huơ cái cùi bắp trước mặt tôi, tôi mới vỡ lẽ:
- Nãy giờ mày tìm cái này đây hả?
- Ừ.
- Chi vậy?
Chửng em liếm mép:
- Tao chọi.
- Chọi ai? – Tôi trố mắt.
- Chọi thằng cha tóc quăn đó chứ ai.
Tôi xanh mặt:
- Ấy, không được đâu! Ðừng làm như vậy!
- Sao lại đừng? Tao phải chọi thằng chả cho bỏ ghét.
Nói xong, Chửng em bướng bỉnh vung tay. Cái cùi bắp bay vụt về phía trước. Tôi vội vàng nhắm mắt lại và ngồi thụp xuống. Trong khi tôi đang hồi hộp vểnh tai nghe ngóng, Chửng em bỗng bật kêu khẽ “Chết cha” và nắm áo tôi giật mạnh:
- Chạy mau!
Không hiểu ất giáp gì, tôi lật đật chạy theo nó. Hai đứa vừa tuôn qua khỏi cửa rạp đã thấy Chửng anh đứng sẵn bên ngoài. Chửng em ngạc nhiên:
- Mày ra lúc nào vậy?
- Mới tức thì! - Chửng anh cười hì hì – Tao phải chuồn lẹ kẻo thằng chả rượt theo nắm đầu thì khốn.
- Ai vậy? Anh Ðiền hả? – Tôi hỏi, giọng lo lắng.
- Không phải! - Chửng em tặc lưỡi – Tao chọi anh Ðiền mà không hiểu sao cái cùi bắp lại trúng ngay ót thằng cha ngồi cạnh!