Dị Thế Tình Duyến - Phong Duy

Chương 32: Phiên ngoại về lần đầu gặp gỡ



Ta là một thiếu niên hạnh phúc lớn lên ở vùng sông nước Giang Nam, có mẫu thân từ ái và phụ thân tuy nghiêm khắc nhưng chính trực, còn có rất nhiều sư huynh sư tỷ yêu thương ta. Dù không có thiên phú luyện võ, thân thể cũng không tốt, nhưng ta chưa hề nghi ngờ bản thân sống trọn đời yên bình hạnh phúc.

Năm mười bảy tuổi, dượng làm quan ở kinh thành phái người đón ta tới  chỗ ông ở tạm. Kỳ thật đấy là lần thứ tư ông phái người đến, nhưng ba lần trước đều bị mẫu thân cự tuyệt, ta cũng chẳng biết vì sao. Có điều lần này do sang năm là năm đại bỉ, đến chỗ dượng học thi dĩ nhiên là lựa chọn tốt nhất, cho nên sau khi mẫu thân đọc xong bức thư tay do dượng tự viết dù rơi lệ không nỡ ta đi xa, nhưng vẫn đồng ý cho ta xuất phát đi kinh thành. Ta rất háo hức, thứ nhất  ta chưa từng rời quá xa nhà, thứ hai biểu ca tiểu Liệt là huynh đệ tốt nhất của ta, mà ta vô cùng nhớ huynh ấy.

Mẫu thân cưng chiều ta phái tam sư huynh và thất sư huynh lên đường chung với ta, cũng phân phó họ bảo vệ ta đến khi thi cử thường niên chấm dứt, rồi đưa về nguyên trạng cho bà. Các sư huynh khác cực kì hâm mộ lần phái đi này, con ngươi đỏ hoe tiễn chúng ta đi xa.

Ta có thiệt nhiều món yêu thích mà không thể mang, ví dụ như chú chó lông vàng bự con, một tấm đại hình phong vẽ mười hai bức sơn thủy, chiếc ghế tựa gỗ tử đàn chạm trổ thích ngồi nhất, sau vườn một mảnh tường vi trắng do một tay trồng lấy và chiếc xích đu quấn đầy hoa kim ngân, vì an ủi bản thân một tí, ta kiên trì mang theo bé mèo trắng theo ta không rời từ khi còn bú sữa.

Chúng ta lên đường đi một chốc rồi dừng, chơi vui lắm. Mẫu thân phái hai vị sư huynh này đương nhiên không phải chọn bừa, thất sư huynh là người thích săn sóc nhất chu đáo nhất trong mấy chục sư huynh đệ bọn ta, còn tam sư huynh, ai, theo lời tiểu Liệt nói chính là sinh ra làm người hầu cho thất sư huynh, vâng lời muốn chết, kêu huynh ấy làm gì thì làm cái đó. Có hai người bọn họ bên cạnh, dù đường dài có xa xôi ta vẫn có thể như một thiếu gia.

Tiểu Liệt đến cổng thành đón ta, dượng cũng rất vui mừng, trong Văn phủ chuẩn bị cho ta một cái sân vừa lớn vừa đẹp, còn trồng một vườn tường vi trắng muốt, chỉ có bác gái vẻ mặt thản nhiên, nhìn không ra suy nghĩ trong lòng, dẫu cho gặp bà bao lần ta vẫn thấy sờ sợ.

Buổi sáng ta cùng tiểu Liệt đọc sách, buồi chiều nhìn huynh ấy luyện võ, vài năm không gặp, huynh ấy đã trưởng thành hoàn toàn, cao hơn ta một cái đầu, vừa anh tuấn vừa tiêu sái, mỗi lần cùng huynh ấy xuất môn, đều có con gái nhìn huynh ấy ngã nhào. Thiệt hy vọng có một ngày có thể được như huynh ấy.

Khi mùa hạ tới, do ta sợ nóng, cho nên bốn sư huynh đệ chúng ta (võ công của tiểu Liệt cũng là cha ta dạy, cho nên vẫn coi như sư huynh) cùng nhau tới chân núi phía tây nghỉ mát trong sơn trang Thanh Phong. Ta rất thích phong cảnh sơn thanh thủy tú nơi đây, nhất là hồ nước xanh thẳm cách một rừng cây, mặt hồ xanh ngọc mềm mại thường lúc chiều muộn dâng lên màn sương như mây như khói, làm cho ta nghĩ tới câu “Bích vân thiên, hoàng diệpđịa, sắc thu ngay cả ba, ba thượng hàn yên thúy”, bất quá do là mùa hạ, thảm thực vật chung quanh một mảnh xanh rì, cho nên cảnh sắc càng nhiều hơn cây xanh và sức sống.

(Biếc mây trời, vàng lá đất, sóng lẫn sắc thu, khói sóng xanh lặng ngắt.)

Tiểu Liệt không biết vì sao bộ dạng trông vội vàng, nhanh chóng trở về kinh thành, thỉnh thoảng mới ghé thăm ta một lần, hai vị sư huynh đều là người chăm chỉ luyện công, cho nên vào nhiều lúc ta một mình, lại vì thích cái hồ kia, ban ngày thường bế mèo con yêu dấu ngồi không gần cả ngày, những khi chán chường bao vây, ta thư giản ngay tại trên cỏ, hào hứng đứng dậy, cởi hài chạy chơi đùa với mèo con trên ngọn cỏ non, cảm nhận gió lướt qua góc áo và tóc dài khi chạy vừa thoải mái vừa thích ý.

Buổi chiều ngày đó có cơn gió thoảng, nhẹ nhàng và dễ chịu, bé ham ngủ dưới tàng cây tỉnh lại, nghe thấy tiếng kêu “meo meo” nhút nhát trên đỉnh đầu, ngẩng đầu liền thấy, mèo con của ta không biết làm sao lại bò lên nhánh cây rồi, rồi vì sợ độ cao cho nên không dám xuống. Ta đưa tay đón nó, thế nào cũng không với tới, nghĩ trở về kêu sư huynh, lại lo lắng nó bất cẩn ngã xuống, đang lúc sốt ruột, một thân ảnh nhẹ nhàng chợt lóe, còn chưa thấy rõ ra sao, một người trẻ tuổi đã đứng trước mặt ta, xách gáy mèo con đưa cho ta, hỏi: “Là ngươi nuôi à”

Ta vội tiếp nhận ôm vào lòng an ủi bé con bị dọa, chỉ đến khi nó không run bần bật nữa mới nhớ tới nói lời cảm ơn với hắn: “Không cần khách sáo.” Hắn nở nụ cười, lộ ra hàm răng trắng, ta bấy giờ mới phát hiện hắn kỳ thật là một chàng trai khá tuấn tú.

“Vốn đang không biết phải làm sao, may mà ngươi giúp đỡ.” Ta vẫn mỉm cười với hắn, trong lòng tự nhiên sinh hảo cảm.

“Thật sự rất đáng yêu a,…” Hắn nói khẽ, cơ hồ không nghe được.

“Nhưng lại rất nghịch ngợm đó!” Ta véo cái lổ tai mèo con, nó vươn đầu lưỡi mềm mại liếm mu bàn tay ta.

“Tên gọi là gì” Người con trai hỏi ta.

“Nại Nại.” Ta hất mặt cười nói.

“Xin chào, Nại Nại, ta tên là Sâm Lệ, Chu Sâm Lệ.”

“Hả” Ta cảm thấy kỳ lạ, thanh âm của tam sư huynh như ma âm xuyên não thông qua cánh rừng truyền đến: “Tiểu — Sư đệ –, ăn cơm –, nếu — không tới — sẽ không được ăn –“.

Ta luống cuống nói với hắn: “Sư huynh đang gọi  ta, cảm ơn ngươi, ta phải đi đây!”

Hắn giữ chặt cánh tay ta, dường như có chút đăm chiêu hỏi han: “Ngươi và sư huynh ngươi ở trong sơn trang kia sao”

“Đúng vậy.” Ta gật đầu khó hiểu.

“Đó là sản nghiệp của phủ Văn thái sư, ngươi và sư huynh ngươi có quan hệ gì với đương gia Văn nhị công tử sao”

“À, huynh ấy cũng là sư huynh đệ bọn ta…” Í mà, tiểu Liệt là đương gia sao Ta cư nhiên không biết, khó trách bận như vậy.

“Ngươi là sư đệ của Văn Liệt Thật trùng hợp, ta là bằng–” Hắn còn chưa nói xong, truy mệnh của tam sư huynh lại hô vang liên tục.

“Ta thật sự phải đi.” Ta cười xin lỗi với hắn, ôm mèo con chạy nhanh.

Vừa bước vào cổng sơn trang, thất sư huynh sắc mặt bình tĩnh như bà quản gia đứng canh, thở phì phì nói: “Lại tới bên hồ vừa ẩm vừa lạnh chứ gì, nhìn xem, hài lại ướt đẫm, Nại Nại để ta ôm, đệ mau thay hài ướt đi!” Nói xong đưa tay bế mèo con từ trong lòng ta, không tí yêu thương xách đi, đồng thời càng không yêu thương đạp ta vào phòng.

Đêm đó Văn Liệt ngoài ý muốn tới chơi, mang đến một phong thư của người nhà thất sư huynh, nói chú ruột bệnh nặng, hy vọng có thể nhìn thấy huynh ấy, trên phong thư còn có thêm thư của mẫu thân ta, ra lệnh huynh ấy lập tức trở về. Thất sư huynh lòng nóng như lửa đốt, đêm đó liền di chuyển, tam sư huynh hiển nhiên cũng đi theo, dù sao ở trên địa bàn của tiểu Liệt, bọn họ tuyệt không lo lắng ta có sơ xuất gì, kỳ thật vốn không có khả năng phát sinh sự việc gì nguy hiểm.

Hai vị sư huynh cất bước, tiểu Liệt trực tiếp trở lại kinh thành. Ta trở về phòng bổ sung giấc ngủ, sách xem chẳng vô, lại bế Nại Nại đến bên hồ.

Vừa ngồi xuống đã ném hai hòn đá nhỏ vào trong hồ, chợt nghe có người gọi từ xa: “– Nại– Nại Nại, ngươi đã đến rồi–”

Ta quay đầu lại, chàng trai trẻ tuổi đang chạy về phía ta.

Nâng mèo con yêu dấu trong tay, ta nhẹ giọng cười nói: “Nại Nại, đang gọi ngươi đấy” Dứt lời đứng dậy, đón tiếp hắn.

Mùa hè năm mười bảy tuổi ấy, ta kết giao bằng hữu đầu tiên sau khi đến kinh thành.

Ta biết hắn tên Chu Sâm Lệ, hơn ta năm tuổi, vài ngày sau tiểu Liệt nói cho ta biết hắn là nhị hoàng tử đương triều.

Hắn lại chỉ biết gọi ta là Nại Nại, là sư đệ tạm lưu kinh thành của Văn nhị công tử, là thiếu niên thích mèo, thích nước, thích cười.

Đối với ta mà nói, từ ngày nào đó, nhân sinh của ta đã rời khỏi dòng suối nhỏ trong vắt, bắt đầu đổ về biển rộng với sóng cả cuộn trào.