Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 27: Gia định thành









Năm Ất Dậu (1405), mùa hạ. Gia Định Thành.



Đã một năm kể từ khi Giang Phong chuyển đại bản doanh đến nơi này. Sau hơn một năm kiến thiết không ngừng, Gia Định Thành giờ đây đã có dáng vẻ của một thành thị lớn và phồn vinh. Trong thành đường phố thẳng tắp, ngang dọc như bàn cờ, tất cả đều được trải thạch nê phẳng lì. Nhà cửa hai bên đường tuy cũng mái cong ngói đỏ, nhưng từ cột đến tường đều được xây dựng bằng gạch ngói và thạch nê, rất ít sử dụng đến gỗ. Các căn nhà trong một khu đều cùng một kiểu kiến trúc, thẳng tắp và đều đặn. Nhờ vậy mà phố xá trông rất đẹp. Tuy các thành thị và các khu định cư trong vùng kiểm soát của Giang Phong cũng được xây dựng theo kiểu này, nhưng Gia Định Thành có một điểm đặc biệt hơn, do được Giang Phong chọn làm nơi định đô, nên ở trung tâm có một tòa cung điện rất lớn, là nơi Giang Phong và chúng thủ hạ sống và làm việc.




Tòa cung điện được Giang Phong đặt tên theo ý thích, hoàn toàn không theo truyền thống đặt tên cung điện hoàng gia. Trước đây Thái An Cung, Kính Thiên Điện vẫn còn theo truyền thống, nhưng nay thì không. Giang Phong quyết tâm xây dựng một cung điện lớn nhất thế giới trong điều kiện có thể, nên tên gọi cũng đặc biệt.



Cung điện có tên là Trường Thanh Cung, ‘thanh’ trong ‘thanh phước’; khuôn viên vuông vức, mỗi cạnh dài 5 dặm (2 kilômét), xung quanh được xây một bức tường cao 2 trượng (8 mét), và bên ngoài là một vòng hào rộng 5 trượng, sâu 1 trượng. Chính môn hướng về phía nam, nhìn ra khu cảng, bên trên có lâu các, kỳ đài rất nguy nga đồ sộ, đây là Ngọ môn và cũng là bộ mặt của cung điện, không thể tùy tiện được.



Bên trong cung điện thì đơn giản hơn. Trên diện tích 4 kilômét vuông, tức 4 triệu mét vuông, Giang Phong cho xây dựng 1.000 tòa lâu các, điện đường, đình đài, viện lạc. Giang Phong ưa thích con số 1.000 này, bởi 1.000 là thiên (千), đồng âm với chữ thiên (天) nghĩa là trời. Tuy xây dựng nhiều kiến trúc như thế, nhưng trừ chính điện – Văn Nghi Điện – tất cả đều xây dựng đơn giản, không quá tinh mỹ xa hoa, chỉ cần nhìn vẻ ngoài nguy nga đồ sộ là được. Bằng cách sử dụng bê tông cốt thép, việc xây dựng các kiến trúc nguy nga đồ sộ (so với thời bấy giờ) cũng không quá khó khăn và tốn nhiều công sức. Phần còn lại của cung điện là hoa viên, trồng đủ loại cây cối có thể tìm được. Giang Phong không ưa kỳ hoa dị thảo, quý hiếm nhưng tốn kém và không ích lợi gì. Bên trong cung điện chủ yếu là vườn rừng. Các lao công đã đào cả một khu rừng gần đó di dời vào bên trong cung điện. Rừng cây làm cho cung điện thêm xanh mát và thoáng đãng. Những thứ cây cối có kiểu dáng kỳ lạ cũng được Giang Phong ưa thích, thứ này dễ kiếm và rẻ tiền hơn kỳ hoa dị thảo. Ngoài ra còn có một hồ nước lớn được đào thông với sông Trường Thanh (tức sông Sài Gòn; còn sông Nhà Bè, sông Đồng Nai gọi chung là sông Gia Định; Giang Phong không dùng chữ Sài Gòn, bởi Hán tự của nó là Tây Cống, nghe không hay).



Văn Nghi Điện là nơi lâm triều nghị sự, nên theo ý chúng thủ hạ, phải xây dựng thật to lớn và tráng lệ. Do đó, công trình đến giờ vẫn còn đang trong quá trình xây dựng. Những nơi khác đều đã xây dựng hoàn tất. Đã có hơn 2 vạn nhân công đã được huy động để xây dựng Trường Thanh Cung, mất gần một năm mới xong (trừ Văn Nghi Điện). Tuy khối lượng thi công lớn như thế, nhưng Giang Phong lại chẳng tốn kém bao nhiêu tiền. Gỗ đá, gạch ngói, thạch nê, sắt thép, các loại nguyên vật liệu vốn là của Giang Phong, tàu thuyền vận chuyển cũng của Giang Phong, lao động là khổ công, chỉ cần nuôi ăn nuôi ở, lương thực lại có sẵn, thành ra chẳng tốn kém là mấy, nếu không Giang Phong đã không cho xây dựng một công trình quy mô đến như vậy. Nên biết để xây dựng Gia Định Thành chỉ cần có 1 vạn nhân công.




Các kiến trúc hoàng gia thời bấy giờ rất ưa chuộng nguyên liệu là gỗ và đá, tuy đẹp, nhưng phải cưa xẻ, đục đẽo rất tốn công tốn sức. Muốn tìm một cây gỗ thích hợp, phải tìm kiếm rất nhiều trong rừng. Đặc biệt là đá, muốn đục đẽo một khối đá thành hình dạng như yêu cầu, sau đó ghép lại thành kiến trúc nào đó, mất rất nhiều công sức và thời gian. Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh tuy chỉ rộng 0,72 kilômét vuông, nhưng phải xây dựng đến 15 năm, huy động 100 vạn lao dịch; và tương truyền những người lên rừng tìm gỗ, mười phần không về được một. Giang Phong không dùng gỗ và đá, chỉ dùng gạch ngói, sắt thép, cần gì thì đổ bê tông, thành ra ít tốn công sức, tiến độ xây dựng rất nhanh.



Gia Định Thành giờ đây có 5 vạn hộ, khoảng 30 vạn cư dân, thêm 3 vạn khổ công, chiếm một diện tích ước 36 kilômét vuông, đã là một thành thị lớn. Trong thành có rất nhiều xưởng thủ công, ngoài các công xưởng sản xuất hàng cao cấp thuộc sở hữu của Giang Phong, còn có rất nhiều xưởng thuộc về cư dân trong thành. Một phần những xưởng này theo cư dân di dời từ An Phú Thành sang đây, một phần được xây dựng sau này. Các công xưởng giờ đây chỉ tập trung sản xuất các chủng loại hàng hóa cao cấp, tinh mỹ, chất lượng cao và đương nhiên cũng có giá trị cao. Còn những loại hàng hóa trung đẳng và phổ thông thì để lại cho cư dân. Các thợ khéo đều làm việc trong các công xưởng, bởi muốn tạo ra hàng hóa cao cấp, ngoài tay nghề giỏi còn cần phải có nguyên liệu cao cấp, thứ mà các xưởng thủ công của cư dân khó mà có được. Đa số thợ khéo là những người đã theo Giang Phong từ lâu, và từ thời Tư Dung hành doanh, bọn họ đã thuộc nhóm người giàu có.



Sản phẩm chủ yếu của Gia Định Thành là tơ lụa, gốm sứ, hàng mỹ nghệ, hương liệu, giấy (đặc biệt là giấy trầm, đặc sản của Đại Việt), nước hoa và son phấn (cũng là đặc sản của Đại Việt). Những thứ này không những có thị trường ở phương tây, mà còn được ưa chuộng ở cả phương bắc. Cảng Gia Định giờ đây còn sầm uất hơn cả cảng An Phú lúc trước, tăng thêm sự phồn vinh cho Gia Định Thành.



(chú : giấy trầm, son phấn cùng với ngà voi, sừng tê là những đặc sản của Đại Việt ngày xưa, từng nằm trong danh sách cống phẩm cho nước Tàu, đương nhiên son phấn ngày xưa không giống như son phấn thời hiện đại).



Thành Đức Điện.




Một tòa đại điện có quy mô gần bằng Văn Nghi Điện, giờ đây là nơi làm việc tạm thời của bọn Giang Phong. Như thường lệ, Giang Phong nghe chúng thủ hạ tấu báo sự việc. Giang Phong không chuyên cần chính sự như các hoàng đế thời xưa, mỗi ngày mỗi thượng triều. Mỗi tháng Giang Phong chỉ thượng triều ba lần, sơ tuần và thượng tuần tiểu triều, trung tuần đại triều. Tiểu triều chỉ gồm một số thủ hạ thân tín, đại triều gồm hầu hết quan viên có mặt ở Gia Định Thành. Bình thường, mọi việc Giang Phong phó thác hết cho thủ hạ lo liệu xử lý.



Giang Phong tuy chưa kiến quốc xưng vương, nhưng cũng đã hình thành nên tiểu triều đình, ‘tiểu’ là bởi quy mô đơn giản. Triều đình chỉ có 4 bộ : Chính vụ bộ, quản lý chính sự, do Quảng Tế Pháp sư làm bộ trưởng; Thương vụ bộ, phụ trách việc thương mại, do Cát Ti làm bộ trưởng; Lễ bộ, phụ trách việc giáo dục (xưa có câu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’, lễ quản giáo dục là phải), do Đào Anh làm bộ trưởng; và quân bộ, do Giang Phong trực tiếp nắm.



Đào Anh là cô nhi, cha hy sinh trong trận chống quân Chiêm khi Giang Phong mới đến đây, theo Giang Phong từ hồi ở Thánh sơn, nên rất được tin cậy. Gã tuy chẳng phải có văn tài gì đặc biệt, nhưng rất trung thực chấp hành những mệnh lệnh của Giang Phong, nên được giao trọng trách quản lý lễ bộ, phụ trách việc giáo dục; Giang Phong sợ tư tưởng của Nho học ảnh hưởng đến sự phát triển, nên không trọng dụng nho gia. Hiện tại giáo dục phân làm 4 cấp độ. Sơ học mở ở mỗi huyện, chủ yếu dạy dân đọc viết thông thạo. Thầy đồ ở các trường sơ học còn được phái đến từng thôn, từng làng dạy dân đọc viết ‘Thiên ngữ’. Ít nhất cũng phải nói được thứ chữ này mới có thể được xem là thuận dân, hưởng mức thuế thấp nhất và miễn lao dịch. Ở mỗi quận lại mở trường trung học, dạy toán thuật và các ngành nghề khác, tốt nghiệp có thể làm thợ ở các xưởng thủ công hay nhân viên của các thương đội. Ở mỗi tỉnh lại có trường đại học, dạy trình độ cao hơn, tốt nghiệp có thể làm thợ chính, quản lý, hoặc làm quan lại bậc thấp. Chỉ ở Gia Định Thành là có Thái Học, chuyên đào tạo chuyên viên. Hiện giờ quan lại đều được chọn theo công tích và năng lực, nhưng sau này muốn làm quan lại từ cấp quận trở lên thì phải tốt nghiệp Thái Học Viện.



Quân bộ lại chia làm tham mưu bộ, hải quân bộ và lục quân bộ. Tham mưu bộ cũng tức là mưu sĩ đoàn thời bấy giờ, Giang Phong chưa tìm được mưu sĩ nào xuất sắc, nên chỉ có vài người thiện mưu lược, giỏi bàn mưu tính kế làm việc ở đây, chưa đặt chức bộ trưởng. Hải quân bộ do Đinh An Bình làm bộ trưởng. Nam Dương Hạm đội giờ đã chia làm đôi, một phần quản lý lãnh hải, một phần đi chinh chiến các nơi, bắt khổ công; do đó đã có 2 vị tân Đô đốc. Còn Lục quân bộ đương nhiên do Triệu Phong làm bộ trưởng. Từ khi thành lập Định Hải nhất sư, Định Hải nhị sư, gã đã không còn trực tiếp chỉ huy nữa mà làm tổng chỉ huy.