Mùa hạ năm Thiên Hi thứ hai mươi ba, có rồng rơi xuống huyện Hoa Mông tỉnh Quảng Đông, thân mình cao ngất, dài đến vài chục trượng, bị lưới trói chặt, da thịt rạn nứt, không thấy xương sống ở lưng. Quan dân định kéo nhau đến xem thì trời đổ mưa to tầm tã, sóng biển dâng lên, cuốn rồng vào biển, không thấy tung tích.
Mùa đông năm đó, phủ Huy Châu huyện Ninh Dương. Mõ canh năm vừa vang lên, sắc trời còn tối đen nhưng trên đường đã có tiếng người mơ hồ. Hầu bàn của Cửu Vị cư vừa mới hấp bánh bao xong, đang bày biện đồ đạc ở trước lầu. Phu canh rụt cổ xoa tay chạy tới, mua ba cái bánh bao. Gã gặm hai cái đã ăn hết, vừa khó khăn nuốt xuống, vừa nháy mắt ra hiệu gọi hầu bàn của Cửu Vị cư: “Ô? Chuẩn bị đồ xong rồi hả?” “Xong rồi, đây nè.” Hầu bàn vẻ mặt sầu khổ vỗ vỗ hộp đựng đồ ăn bên cạnh nồi hấp.
Phu canh kinh ngạc hỏi: “Vẫn chuẩn bị à? Nhỡ đâu hắn……… thứ đó hôm nay không đến thì sao?” Hầu bàn thầm run rẩy, khô cằn nói: “Ông bà tổ tông ơi, mong hắn đừng có đến.” Quán ăn Cửu Vị cư này cũng có chút tiếng tăm ở huyện Ninh Dương, đầu bếp của quán có biệt hiệu là “Lưu Tam Dạng”, nghe nói có thể nhờ vào ba món đặc biệt mà nức tiếng khắp nơi, lần lượt là thịt kho tàu, gà nướng bình gốm và lửng xào tô lê. Thịt phải cạo hết lông, gà thì phải là gà rừng béo gầy vừa đủ, lửng thì phải là lửng tuyết.