Đừng Học Tiến Sĩ, Sẽ Hết Độc Thân

Chương 44: Sự may mắn dường như đang mỉm cười với kẻ nổi loạn



"And fortune, on his damnèd quarrel smiling, Showed like a rebel's whore." - Macbeth (Act 1, Scene 2)

"May mắn cứ như một con điếm đang mỉm cười với sự nổi loạn của hắn ta."

---------

Thợ gõ: Dờ

Tháng thực tập đầu tiên trôi qua trong sóng yên biển lặng. Một ngày nọ, giáo viên nước ngoài giao giáo án cho Văn Địch, bảo cậu thử sức đứng lớp.

Văn Địch đã từng làm gia sư hồi đại học, nhưng mà dạy 1:1 khác với dạy cả một lớp học. Một lớp mười mấy học sinh, phải chú tâm hơn gấp mười mấy lần. Nhịp điệu tri thức, phản ứng của học sinh, kỹ năng đặt câu hỏi, nhận xét và đánh giá về học sinh, cần phải điều chỉnh tất cả các cảm quan, từng giây từng phút đều trong trạng thái căng thẳng tinh thần mới có thể đảm bảo độ hoàn chỉnh của một tiết học.

Nhưng mà khó nhất là vấn đề kỷ luật. Con ông cháu cha có học sinh ngoan, cũng có tiểu thư công tử, ngoài những lúc kể chuyện cười ra thì đám học sinh ấy đều không tập trung: chơi điện thoại, ngủ, thậm chí là ngang nhiên nói chuyện. Văn Địch không dám quản lý, cũng không quản lý nổi. Cậu chỉ là dân thường, chọc vào những tai to mặt lớn tương lai ấy làm gì?

Trong lúc thực tập Văn Địch bắt đầu suy nghĩ về một chuyện, một trong những lý do rất lớn khiến cho cậu quyết định học tiến sĩ là vì địa vị xã hội của giáo viên trường hàng đầu. Nếu như cuối cùng phải sống một cách thấp cổ bé họng thế này thì đã đi ngược lại với lý tưởng ban đầu của cậu.

Nhưng mà việc này lương cao, thu nhập chính và thu nhập phụ đều cao. Giữa tiền và lý tưởng, Văn Địch cần phải đấu tranh một lát, tạm thời quyết định tiếp tục làm. Chỉ là hầu hạ người khác thôi mà? Cứ coi như có hai mươi mấy lão Lưu đang ngồi trong phòng học là được.

Nhắc đến lão Lưu, cậu vẫn chưa nói chuyện thực tập cho ông ta. Giáo viên hướng dẫn của cậu chưa bao giờ tỏ ra vui mừng vì học sinh có tương lai xán lạn, nếu biết chuyện bọn họ đi thực tập trong thời gian làm thuê thì ông ta sẽ nổi cơn tam bành vì nguồn lao động rẻ rúng đã trốn việc. Lúc trước có một đàn chị đi thực tập ở doanh nghiệp bên ngoài, không biết lão Lưu nghe được từ đâu, đàn chị ấy đã biến thành cái bia ngắm trong buổi họp tuần, bị bắt bẻ đến nỗi bật khóc tại chỗ.

Kết luận của lão ta là: Lãng phí thời gian vào những việc linh tinh, không chỉ kéo tụt năng lực học thuật mà sức chịu đựng của tâm lý cũng trở nên kém hơn.

Có vết xe đổ ấy, Văn Địch quyết định giữ kín như bưng, làm tốt công tác bảo mật. May mà khoa Văn thì không cần đến phòng thí nghiệm để điểm danh, bình thường toàn đến thư viện. Chỉ cần lão Lưu không triệu tập khẩn cấp, cứ đến buổi họp tuần đúng giờ thì sẽ không bị lộ.

Ngày cứ thế trôi qua, đông đi xuân đến, cành cây ngoài cửa sổ bắt đầu có chồi non, chim chóc kêu ríu rít. Mở cửa sổ ra, gió xuân phất qua gò má khiến tâm trạng người ta cũng lâng lâng.

Văn Địch hít sâu một hơi để cảm nhận mùi hương của đất trời vừa tỉnh giấc, cậu tung tăng vào phòng bếp để bắt đầu nấu nướng. Hôm nay là vòng thi đợt hai của Vu Tĩnh Di, phải đổi khẩu vị cho bữa sáng mới được.

Cậu đun sôi nước rồi bỏ trứng gà vào trong nồi, tắt bếp xong thì xuống tầng mua bánh quẩy. Đợi đến khi Vu Tĩnh Di đi vào bếp, bữa sáng đã bốc khói thơm phức ở trên bàn rồi.

"Mau ăn đi," Văn Địch nói: "Một cái bánh quẩy, hai quả trứng gà."

Vu Tĩnh Di mỉm cười cầm quả trứng lên, gõ vào thành bàn: "Lúc thi viết đã ăn rồi, phỏng vấn tiếp tục ăn?"

"Mày thi viết đạt hạng nhất còn gì?" Văn Địch nói: "Ăn thêm một bữa nữa, phỏng vấn cũng đạt điểm tối đa luôn."

"Phỏng vấn được 80 điểm là cao lắm rồi, không có điểm tối đa đâu."

Văn Địch bỏ ngoài tai: "Có giày Nike không?"

Vu Tĩnh Di lắc đầu.

Văn Địch thở dài nhưng sau đó lại phấn chấn lên: "Không sao, không có giày móc câu thì mày vẫn có thể làm tốt thôi."

"Mày coi thường thạc sĩ thông dịch quá."

"Tao ngối đối mặt với họ đương nhiên là không thắng nổi," Văn Địch nói: "Nhưng mày thì khác. Năm ấy thi đấu diễn thuyết, họ chính là bại tướng dưới tay mày, càng đừng nói là bây giờ..."

Vu Tĩnh Di ăn hết quả trứng gà, giơ tay lên ngăn cậu tiếp tục tâng bốc: "Được rồi được rồi, mong được như mày nói." Cô nàng nhìn Văn Địch đầy bất đắc dĩ và cảm động, "Mày tâng bốc tao cao quá, cứ như tao là thiên tài quý hiếm không bằng."

"Thì đúng là vậy mà." Văn Địch ngồi đối diện cô nàng, bắt đầu ăn cơm: "Mày không biết mày có ảnh hưởng như thế nào với cuộc đời tao đâu."

"Mày lại khen quá lời rồi."

"Thật đấy," Văn Địch vừa bóc trứng vừa hồi tưởng, giọng điệu hơi xúc động: "Hồi năm nhất lúc mày đạt quán quân cúp Hy Vọng, giám khảo hỏi mày có theo học giáo viên nước ngoài từ nhỏ không, có phải đã từng ra nước ngoài không. Mày đứng trên sân khấu bình tĩnh trả lời là, bố mẹ đều là công nhân xưởng đồ điện tử, chưa từng du học, cũng chưa từng học giáo viên nước ngoài. Hồi nhỏ bố mẹ mang về một cái đài vô tuyến, thế là luyện nói theo."

Vu Tĩnh Di đờ đẫn một lát: "Có chuyện như vậy à?"

"Ừ," Văn Địch nhặt vỏ trứng bỏ vào trong bát, "Từ đó trở đi, tao bỗng nhiên giác ngộ."

"Cái gì."

Văn Địch lắc đầu không trả lời, chỉ nói: "Chúc mày phỏng vấn thuận lợi."

"Đợi tao về bờ sẽ mời mày ăn cơm," Cô nàng vội vàng ăn xong cái bánh quẩy, đeo cái ba lô sứt chỉ ra cửa, "Chơi hội văn hóa vui nhé."

Văn Địch cầm một cái bánh quẩy lên gặm: "Cố lên!"

Hôm nay là lễ hội văn hóa quốc tế của trung học Hưng Thành.

Hưng Thành có nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng, Văn Địch hoa cả mắt vào lần đầu tiên nhìn thấy tờ rơi quảng cáo của câu lạc bộ. Ngoài các câu lạc bộ học tập và nhóm sở thích khác nhau, còn có các buổi hòa nhạc, kịch sân khấu, khiêu vũ, thám hiểm ngoài trời, mô phỏng Liên Hợp Quốc, tiệc trong vườn và các cuộc thi thể thao như chèo thuyền hay leo vách đá.

Cậu nhớ lại cuộc sống hồi cấp ba của mình, gần như chỉ có học hành, thi cử, lớp học phụ đạo.

Lễ hội văn hóa quốc tế là một trong những truyền thống của trường, mỗi lớp sẽ chọn một nền văn hóa dân tộc từ khắp nơi trên thế giới để triển lãm, nhằm mục đích mở rộng tầm nhìn và trau dồi độ nhạy bén về văn hóa.

Vào ngày diễn ra lễ hội văn hóa, buổi chiều không có tiết học, lẽ ra Văn Địch có thể quay lại trường sớm hơn mọi khi, nhưng cậu rất tò mò về khả năng sáng tạo của đám con ông cháu cha này nên muốn ở lại đi dạo một chút xem tụi nhỏ làm trò gì.

Cậu đi ra sân thể dục, các túp lều quây thành vòng tròn trên bãi cỏ nhân tạo, tiếng ồn ào không dứt. Trước mỗi chiếc lều là những học sinh nhỏ tuổi mặc trang phục đặc trưng của dân tộc, trong lều có triển lãm đồ thủ công và các hoạt động văn hóa khác nhau. Văn Địch đi dạo một vòng, đưa ra kết luận: Không khác gì nhiều so với lễ hội "bách đoàn đại chiến" của đại học.

Cậu rẽ vào một góc khuất, nhìn thấy tấm bảng: Văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Văn hóa Trung Hoa cao thâm uyên bác, lớp này chọn đề tài rộng quá rồi.

Văn Địch lại gần nhìn thử, quầy hàng trước lều gồm có một chiếc bàn gỗ, bên trên bày bàn cờ vây và bút mực giấy nghiên để khách tham quan có thể trải nghiệm. Giữa lều có một đồ vật giống như cái ống tre, bên cạnh có vài mũi tên gỗ được gọt đẽo hơi vụng về.

Văn Địch không hiểu biết nhiều về văn hóa cổ đại nhưng vẫn rất nghe giảng nghiêm túc trong lớp Ngữ văn và Lịch sử, có lẽ đây là trò ném mũi tên vào bình.

Có rất ít người vào đây tham quan, chỉ có một cậu bé đang nhặt mũi tên rơi dưới đất. Văn Địch đứng trước quầy thò đầu vào nhìn, đột nhiên tỏ ra kinh ngạc: "Là em à."

Cậu bé đứng thẳng lên, chớp mắt rồi nở một nụ cười rạng rỡ, hiển nhiên là đã nhận ra Văn Địch. Thấy cậu đang nhìn cái ống tre, cậu bé đi tới đưa mũi tên gỗ cho cậu: "Có muốn chơi không?"

Văn Địch xua tay: "Anh không phải là học sinh."

Cậu bé nhét mũi tên vào tay cậu rồi lắc đầu: "Ở đây không có ai."

Văn Địch cầm mũi tên, nhìn quầy hàng trống trải: "Những người khác trong lớp đâu?"

"Bọn họ bận việc," Cậu bé nói: "Bảo em đợi ở đây."

Xem ra tụi nó đi chơi ở chỗ khác rồi.

Văn Địch nhìn mũi tên trong tay, nếu cậu bé đã có lòng thì không nên từ chối. Cậu nheo mắt lại, cầm mũi tên nhắm vào ống tre rồi ném đi.

Ai ngờ được, khoảng cách gần nhưng rất khó để nắm bắt độ chính xác. Mũi tên gỗ lướt qua ống tre rồi rơi xuống đất.

"Không sao," Cậu bé đứng bên cạnh cổ vũ, giống như là sợ Văn Địch mất tự tin sau lần thất bại đầu tiên, "Ném lại đi."

Văn Địch không quan tâm mình ném trúng hay không, nhưng cậu bé cổ vũ như vậy khiến cậu hơi ngại ngùng. Cậu xốc lại tinh thần để tìm quy luật, cuối cùng độ chính xác cũng cao hơn. Đáng tiếc là vì ống tre được đặt trên mặt cỏ nhân tạo nên đứng không vững, sau vài lần ném suýt soát thì ống tre đã đổ xuống. Mũi tên còn chưa hết, cậu bé đã chạy đi chỉnh lại ống tre mấy lần.

"Cảm ơn cảm ơn," Văn Địch dùng hết mũi tên thì vẫy tay với cậu bé, "Anh chơi vui lắm. Đúng rồi, em tên là gì?"

Cậu bé cười với cậu, hai lúm đồng điếu hiện lên ở hai bên khóe miệng, "Em là Giang Vũ."

Nhìn nụ cười vui vẻ của thằng nhóc, Văn Địch đột nhiên không nỡ lòng.

Kết hợp với cảnh đẩy thùng gỗ đựng nước khoáng trước đó, cậu có thể kết luận rằng Giang Vũ đang bị bắt nạt trong trường học ở một mức độ nào đó.

Nhưng mà sau khi do dự mấy giây, Văn Địch vẫn rời đi. Cậu chỉ là một giáo viên thực tập, đến cả quyền đứng lớp chính thức cũng chẳng có, không có tư cách gì để quản giáo học sinh. Hơn nữa cậu được phân phối đến trường cấp ba, chạy đi lo chuyện bao đồng bên cấp hai làm gì.

Văn Địch vừa đi thì một đám nam sinh trong lớp đã trở về. Đứa dẫn đầu rất cao to, cũng tầm 13-14 tuổi như Giang Vũ. Thằng nhóc ngồi xuống cái ghế phía sau bàn gỗ, những người khác đều tìm chỗ ngồi xuống, chỉ có Giang Vũ vẫn đứng ở bên cạnh.

Một lát sau, có một đám học sinh tới gần, nhìn thấy trò ném mũi tên thì hơi tò mò. Giang Vũ cũng đưa mũi tên cho bọn họ, mấy người đó xếp hàng ngang rồi thử chơi ném bình.

Ống tre đứng không vững, vừa ném một lần đã đổ xuống.

Thằng nhóc cao lớn nhíu mày, cảm thấy rất phiền phức, chỉ vào Giang Vũ rồi nói: "Mày có mắt không, còn không mau đi dựng lên?"

"Nhưng mà tôi còn phải nhặt cái này." Giang Vũ ôm đống mũi tên nói.

"Mày làm hai việc là được mà?" Thằng nhóc cao lớn nổi giận: "Đầu óc chẳng biết suy nghĩ gì hết."

Thế là Giang Vũ đi ra ngồi xổm xuống, dùng hai tay giữ lấy ống tre. Lần này nó đã đứng vững, ném thế nào cũng không đổ, nhưng mấy học sinh kia cứ ném mũi tên lên người Giang Vũ. Tuy đầu mũi tên rất cùn nhưng bị ném lên người vẫn hơi đau. Có một mũi tên suýt thì đâm vào mắt Giang Vũ, cậu bé giơ tay lên che mắt, ống tre lại đổ xuống.

Thằng nhóc cao lớn tức tối đứng phắt dậy, đi tới gần rồi tát vào đầu Giang Vũ: "Bảo mày giữ cho vững cơ mà?"

"Đau." Giang Vũ chỉ vào nơi bị mũi tên ném vào.

"Tao phục mày luôn đấy, có phải mũi tên thật đâu, làm gì đau đến mức ấy?" Thằng nhóc cao lớn nói: "Mày hữu dụng lên một tý được không?" Nó chỉ những người xung quanh: "Mày biết lên kế hoạch cho hoạt động, hay là biết viết giấy tờ để thuê nơi tổ chức? Mọi người đều có nhiệm vụ riêng, chỉ có mày ăn không ngồi rồi, bảo mày làm tý việc mà còn lẩm bà lẩm bẩm?"

Giang Vũ tỏ ra hoang mang, cậu bé không hiểu những lời vừa rồi lắm.

"Đồ ngu," Thằng nhóc cao lớn lại bạt tai một cái nữa, "Mày có biết cống hiến vì tập thể là gì không?"

Giang Vũ gật đầu: "Tôi biết."

"Mày chỉ biết gây rắc rối cho người khác phải không?"

Giang Vũ lắc đầu.

"Vậy thì mày giữ nó hẳn hoi, không được nhúc nhích, nghe chưa?"

Thế là Giang Vũ không động đậy nữa, ngoan ngoãn dùng tay giữ ống tre. Mũi tên gỗ đâm vào cánh tay, bả vai và đùi, cậu bé vẫn không tránh.

Thằng nhóc cao lớn nhìn một lúc rồi đột nhiên nói với đứa bạn bên cạnh: "Mày thấy thế này có thú vị hơn ném bình không?"

Thằng nhóc kia hứng thú ngắm nhìn một lát rồi gật đầu: "Đúng vậy."

Thằng nhóc cao lớn nhếch miệng cười, đứng dậy rồi nhặt mũi tên dưới đất lên. Những đứa bạn cùng lớp đều mỉm cười ăn ý, xếp thành hàng phía sau.

"Tính điểm đi," Một người ra ý tưởng: "Trúng đùi 2 điểm, cánh tay 3 điểm, vai 4 điểm, đầu 5 điểm."

"Được," Thằng nhóc cao lớn xoa tay, "Để tao trước."

Giang Vũ nhìn bọn họ tụ tập trước bàn gỗ, vẻ mặt khó hiểu, thằng nhóc cao lớn cầm một mũi tên gỗ, cười nói với Giang Vũ: "Bọn tao nghĩ hoạt động văn hóa này cần phải được nâng cấp, mày cứ ở đó để bọn tao thử quy tắc mới, đây cũng là cống hiến cho tập thể, hiểu không?"

Giang Vũ không hiểu, nhưng thấy mọi người đều nhìn mình để đợi câu trả lời, thế là đưa ra phản ứng giống như những lúc không hiểu ý người khác - gật đầu.

Đám học sinh cười đùa trong lều, Giang Vũ vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, mũi tên rơi lên người cậu bé như mưa, cậu bé muốn đưa tay lên che đầu nhưng nhớ là không được phép động đậy, đành phải cố gắng cúi đầu xuống để mũi tên không đâm trúng mặt.

Cậu bé không kêu lên cũng không né tránh, thằng nhóc cao lớn chơi được một lúc thì thấy chán, phủi tay hậm hực nói: "Thôi, chán chết đi được." Nó lại hỏi: "Ai thắng vậy?"

Một nam sinh trong lớp giơ tay lên: "Tao được 58 điểm."

Mọi người đều vỗ tay. Âm thanh vọng vào trong lều, Giang Vũ ngẩng đầu lên nhìn mọi người. Mọi người đều vỗ tay lúc được nhập cúp, lúc thi thể thao, thế là cậu bé cũng vỗ tay theo.

Tiếng cười càng vang dội.

Những học sinh khác trong lớp bắt đầu ra về, có người đứng im lặng, có người bỏ đi luôn, thỉnh thoảng có người thận trọng nói "đừng chơi nữa", nhưng đã bị thằng nhóc cao lớn liếc nhìn nên phải ngậm miệng lại. Cũng có thầy giáo đi ngang qua nhưng họ đều đi luôn không ngoảnh mặt lại, không ai dừng chân, cũng không ai nói một lời nào để ngăn cản.

Chủ đề của lớp học bên cạnh là văn hóa của người dân trên đảo Thái Bình Dương, một nữ sinh mặc trang phục truyền thống của Samoa không chịu nổi, nói: "Mấy người quá đáng rồi đấy."

"Cái gì? Thằng nhóc cao lớn nhíu mày, "Bọn tao làm sao? Mọi người chỉ chơi đùa thôi, nó cũng vui còn gì? Mày nhìn đi, còn đang cười đấy."

Nữ sinh nhìn Giang Vũ, cậu bé đi ra nhặt mũi tên rơi xuống đất, vẻ mặt tươi cười như bình thường, cứ như là thật sự không buồn một chút nào cả. Nữ sinh cảm thấy mình lo chuyện bao đồng nên quay người rời đi.

Bạn học bên cạnh vỗ vai thằng nhóc cao lớn, "Mày nhìn xem, to thật đấy."

Đám nam sinh cười không nói gì, hiển nhiên là cũng chú ý tới rồi. Quần đảo Thái Bình Dương nằm ở vùng nhiệt đới, trang phục truyền thống tương đối mát mẻ, các cô gái mặc áo bó sát và váy cỏ tương tự như áo quây, chỉ nhìn liếc qua cũng biết được ai có vòng một lớn hơn.

Thằng nhóc cao lớn bỗng nhiên có một ý tưởng. Nó đi đến bên cạnh Giang Vũ, vỗ vai cậu bé rồi hỏi: "Mày có biết nghĩa khí là gì không?"

Giang Vũ chớp mắt thật chậm rãi rồi lắc đầu.

"Nghĩa là mày phải giúp anh em làm những việc muốn làm nhưng không dám làm," Thằng nhóc cao lớn dựng ngón trỏ lên, "Đó là nghĩa khí. Đàn ông đều khâm phục những người có nghĩa khí, mày có muốn mọi người khâm phục mày không?"

Mắt Giang Vũ sáng lên, cậu bé gật đầu.

Thằng nhóc cao lớn quàng vai cậu bé rồi chỉ vào nữ sinh ở lớp bên cạnh: "Mày có nhìn thấy cái dây đằng sau lưng con bé kia không?"

Đằng sau áo quây đúng là có một sợi dây, Giang Vũ nói: "Nhìn thấy rồi."

"Mày đi ra kéo sợi dây xuống," Thằng nhóc cao lớn vỗ vai cậu bé, "Thế là mày sẽ trở thành một người đàn ông nghĩa khí."

Đám nam sinh xung quanh bắt đầu cười thầm, ánh mắt đều tập trung lên người của nữ sinh bên cạnh. Thằng đần này nói gì cũng nghe, dễ lừa dễ dụ, lại còn ngậm bồ hòn làm ngọt. Lần này có kịch hay để xem rồi.

Giang Vũ nhìn bạn học rồi nhìn nữ sinh kia, đứng tại chỗ không nhúc nhích.

Thằng nhóc cao lớn đẩy cậu bé: "Còn đợi gì nữa?"

Giang Vũ hỏi: "Bạn ấy có biết không?"

"Cái gì?" Thằng nhóc cao lớn chay mày, "Ai?"

"Mẹ bảo, trước khi chạm vào con gái thì phải hỏi xem bạn ấy có đồng ý hay không." Giang Vũ nói: "Bạn ấy có đồng ý không?"

Thằng nhóc cao lớn mất kiên nhẫn, nó không ngờ thằng ngốc này lại rách việc đến vậy.

"Mẹ mày nói chính là người bình thường," Nó nói: "Còn mày thì khác, mày là thằng thiểu năng, mày có giết người cũng chẳng sao cả."

Giang Vũ kiên quyết lắc đầu: "Chuyện này là không đúng."

Cho dù thằng nhóc kia có nói thế nào, cậu bé vẫn cứng đầu lặp lại câu "chuyện này không đúng". Thằng nhóc cao lớn đá Giang Vũ một phát: "Thằng đần này nữa, còn dạy đời tao à?"

Giang Vũ ngã ra đất, mũi tên cũng rơi vãi khắp nơi. Cậu bé lại nhặt hết lên rồi bò dậy.

"Anh Hoa, mình đi thôi." Bạn học bên cạnh nhìn đồng hồ, "Lớp IELTS sắp bắt đầu rồi."

Đúng là như vậy. Nhìn xung quanh, hầu hết các lớp đều bắt đầu đóng cửa hàng, lễ hội văn hóa cũng kết thúc. Sau khi dọn quầy hàng, nhân viên nhà trường sẽ tháo dỡ lều trại, những thứ học sinh tự mang đến thì sẽ tự mình mang về. Ống trúc bàn cờ tháo ra cũng không nặng, nhưng xếp lại thành một đống thì cũng khá là mệt. Thằng nhóc cao lớn chỉ vào Giang Vũ nói: "Bọn tao vội vào lớp, mày chuyển tất cả vào phòng học đi."

Những học sinh khác nhao nhao phụ họa, có người bảo phải đi chơi golf với bố mẹ, có người nói sắp đến lớp cưỡi ngựa, tất cả vội vàng giải tán, để lại tất cả đống đồ vật văn hóa truyền thống linh tinh cho Giang Vũ.

Giang Vũ nhìn bạn học cười nói, không hề có dấu hiệu vội rời đi, hai thành viên của câu lạc bộ đạp xe địa hình thậm chí còn mang chiếc xe đạp leo núi mới mua từ phòng hoạt động của câu lạc bộ ra và giới thiệu cho những người khác biết đó là mẫu xe mới nào, không giống như đang có việc gấp.

Nhân viên của trường học đi tới hỏi đã dọn hàng được chưa, Giang Vũ bỏ đồ đạc trên bàn vào hộp bìa cứng, bưng lên rồi rời đi. Từ sân thể dục đến phòng học lớp 7 phải đi qua nửa khuôn viên trường, khi đi đến khu vườn cây bên cạnh tòa nhà lớp học thì cánh tay cậu bé đã tê rần. Giang Vũ muốn buông đồ đạc xuống nghỉ ngơi một lát, đột nhiên nghe thấy tiếng chuông xe đạp từ phía sau. Quay đầu lại, Giang Vũ thấy thằng nhóc cao lớn đang cưỡi xe đạp địa hình đâm thẳng vào mình.

"Này!" Thằng nhóc kêu lên: "Cẩn thận đấy!"

Miệng thì nói vậy nhưng xe không chuyển hướng. Giang Vũ vội tránh sang một lên, kết quả là chiếc xe vẫn đuổi theo, bánh xe sắp đuổi kịp cậu bé rồi.

"Sao cái phanh này chẳng nhạy gì cả vậy?" Thằng nhóc cao lớn nói trong sự nghi ngờ.

Giang Vũ ôm chặt cái thùng, bắt đầu bỏ chạy. Gần như ngay sau đó, chiếc xe xông lên đâm thẳng vào lưng Giang Vũ khiến cậu bé ngã ngào về phía trước, đổ người xuống đất.

Thùng đồ đã rơi xuống, quân cờ vây đen trắng rơi vãi đầy đất. Cuối cùng chiếc xe địa hình cũng dừng lại.

"Mày làm gì vậy!" Thằng nhóc cao lớn vẫn cưỡi trên xe, nhíu mày nổi giận: "Cái xe này tao mang từ nhà tới đây, bị hỏng thì mày có đền nổi không?"

Giang Vũ bị trầy xước một mảng lớn trên tay, giọt máu rỉ ra từ trong thịt. Cậu bé ngơ ngác nhìn đống bừa bộn trên mặt đất, sau đó một đôi tay xuất hiện trong tầm mắt, kéo cậu bé đứng dậy. Cậu bé chớp mắt, nhìn thấy người thanh niên chơi ném bình lúc trước.

"Đâm vào người khác còn to mồm, một thằng nhóc con mà vênh váo cái gì?" Thanh niên trừng mắt nhìn thằng nhóc kia, "Cậu học lớp nào? Theo tôi lên phòng giáo vụ, gọi phụ huynh lên đây!"