Gá Duyên

Chương 26



Tiếng mắng chửi xung quanh nhỏ dần. Mọi người nhìn nhau khó hiểu.

“Này, nơi này ngay trước cổng bệnh viện tâm thần đấy.”

“Hóa ra…”

“Thật đáng thương…”

Các câu nói bỏ lửng. Giọng người nào cũng mang theo thương tiếc.

Người này nhìn người kia, cuối cùng xác định không ai bị thương, đưa ra cùng quyết định. Hiện tại là sáng sớm, chưa phải giờ cao điểm, xe cộ lưu thông vẫn còn thưa thớt, tai nạn do Đức lao ra giữa lòng đường không gây ra hậu quả lớn, không cần cố chấp truy cứu.

Người vội đi làm thì nhanh nổ xe máy chạy đi, người có thời gian thì tốt bụng giúp Ngân dựng xe máy vào vỉa hè, tránh gây ùn tắc giao thông.

Một bác gái lớn tuổi lắc đầu cảm thán. “Ngay cả người điên cũng sợ bị nhốt lại trong trại tâm thần. Rõ khổ!”

Lời nói đến từ người lạ đập vỡ quyết tâm của Ngân.

Cô lau nước mắt cho Đức, đỡ hắn ngồi lên vỉa hè.

Hai người ngồi bên nhau, cùng nhìn về cổng lớn của bệnh viện tâm thần. Bệnh viện vắng vẻ, không tấp nập như các bệnh viện khác trong thành phố.

Xe cộ lưu thông trước mặt ngày càng đông. Cuộc sống xô bồ luôn đi về phía trước, có mấy ai dừng lại dành một phút cho những người không tỉnh táo đâu.

Ngân ngồi đây vì không dám đưa Đức vào bệnh viện, không dám kích thích tinh thần của hắn.

Đức ngồi đây vì nghe lời Ngân, vì cô vẫn chưa vứt bỏ hắn lại tòa nhà to lớn kia lần thứ hai. Tay hắn siết chặt áo cô làm lớp vải nhăn nhúm xấu xí. Đây là nơi duy nhất giúp hắn bám víu, giúp hắn giảm cơn đau đầu đáng sợ.

Ngân quay sang nhìn Đức với đôi mắt đỏ hoe. “Chúng ta thử một lần nữa nhé. Một lần thôi. Nếu không được… bác về nhà, em chăm.”

Đức ngây ngô nhìn cô, rụt rè gạt giọt nước nơi khóe mắt đỏ ửng của cô.

Nụ cười trấn an của Ngân như mếu. Mũi cô cay xè mà không dám khóc. Cô chạm vào vết thương trên khuỷu tay của Đức. Hắn nhảy khỏi xe, tư thế ngã không đúng nên trầy xước hết tay và chân. Giọng cô nỉ non, rầu rĩ và khổ sở. “Xin lỗi, em lại làm bác bị thương.”

Đức nhíu mày vì đau, không thoải mái khi bị chạm vào người nhưng hắn vẫn ngoan ngoãn ngồi yên bên cạnh Ngân. Chỉ đến khi cô đưa hắn vào bệnh viện, hắn mới phản kháng dữ dội. Hắn đánh bác sĩ, xô ngã y tá, ngay cả Ngân cũng bị hắn cắn vào vai. Hắn khóc, hắn gào, như một đứa trẻ bị bắt nạt.

Y tá mắng Ngân không biết trông coi bệnh nhân. Bác sĩ quát gọi bảo vệ đến hỗ trợ. Với một người phát điên, không kiểm soát được hành vi, đội ngũ y bác sĩ không hề nhẹ tay. Đức chật vật gào khóc, vùng vẫy giữa một đội ngũ mặc áo trắng.

Ngân đau lòng, không nỡ để hắn lại bệnh viện.

Bác sĩ khuyên cô bằng một loạt các thuật ngữ y học. Cô nghe không lọt tai. Cô còn chưa trách bệnh viện vô trách nhiệm để bệnh nhân không tỉnh táo trốn ra ngoài đường. Nếu đêm qua Đức không may mắn gặp người tốt bụng, hắn có thể đã gặp tai nạn giao thông hoặc tự ngã xuống hồ hay bất cứ hố cống nào đấy trên đường rồi.

Ngân đưa Đức về nhà bằng taxi. Cô không dám chở hắn bằng xe máy vì sợ hắn nhảy xuống xe dọc đường.

Bà Cẩm sau khi biết rõ mọi chuyện, bà ta xông tới tát vào mặt Ngân. “Tất cả đều tại chị! Nếu đêm qua thằng Đức xảy ra chuyện thì tôi không để yên cho chị sống trong cái nhà này đâu. Đang yên đang lành, chị tống nó vào bệnh viện làm cái gì chứ. Đấy là trại tâm thần, một đám điên khùng sống với nhau. Đấy là nơi cho người sống hả? Chị muốn hại chết thằng Đức đúng không hả?”

Ngân nhìn bà Cẩm chòng chọc. Cơn giận thiêu đốt toàn thân, mắt cô long lên, vằn viện tia đỏ. Bộ dạng lầm lì của cô chọc tức bà Cẩm. Bà ta vung tay muốn tát thêm cái nữa thì bị Đức đẩy ra.

Đức chắn trước mặt Ngân, gồng vai nhìn bà Cẩm như muốn giết người.

Bà Cẩm loạng choạng ngã ra sau. May có Tú đỡ kịp. Cô ta quát lớn. “Anh đức! Sao anh lại đánh mẹ hả?”

Đức giật mình, trốn vèo ra sau lưng Ngân. Khí thế bảo vệ Ngân trước mặt bà Cẩm biến mất sạch.

Giận dữ trong người Ngân tiêu tán theo bộ dạng thỏ đế của Đức. Cô vỗ nhẹ vào bàn tay đang nắm chặt áo cô. “Không sao. Không có chuyện gì. Em ở đây, sẽ không ai dám bắt nạt bác.”

Ngân đứng đối diện bà Cẩm và vợ chồng Tú, dõng dạc nói. “Biện pháp đưa bác Đức vào bệnh viện chữa trị là biện pháp chưa thích hợp vào thời điểm này. Bác Đức sẽ ở nhà đến khi nào tinh thần ổn định hơn, có thể thích ứng với chuyện giao tiếp với người lạ, lúc đấy con sẽ quyết định đưa bác ấy quay lại bệnh viện hay không.”

“Cô không phải vợ thằng Đức, cô không có quyền quyết định.”

“Con là người bỏ tiền thuốc thang, tiền ăn uống và sinh hoạt của bác Đức. Con có quyền!”

“Cô cô cô…” Bà Cẩm chỉ tay vào mặt Ngân, không thể cãi lại được.

“Mẹ có thể ăn với vợ chồng chú Long hoặc về ăn với bác Đức. Tùy mẹ. Con sẽ đưa mẹ đủ tiền chi tiêu, không thiếu một đồng.”

Bà Cẩm hậm hực dọn về nhà Đức. Bà ta không nấu cơm cho hắn thì sao lấy được tiền đi chợ từ Ngân.

Sau khi Đức về nhà, Ngân đến bệnh viện gặp rất nhiều bác sĩ khoa thần kinh để xin tư vấn về tình trạng của hắn. Thuốc cần uống của Đức không nhiều nhưng hắn không chịu phối hợp. Đồ ăn thì hắn không chê, thuốc là hắn ném vung khắp nhà, nhất định không uống.

Mỗi lần bà Cẩm dỗ dành hắn uống thuốc là một trận chiến chật vật. Đức nhớ như in bộ dạng bà Cẩm hung hãn đánh Ngân, hắn nhất quyết không cho bà đút thuốc vào miệng. Bà Cẩm bị cắn lần thứ ba thì ném công việc này cho Ngân. “Chị tự cho nó uống thuốc đi. Tôi chịu hết nổi rồi.”

Ngân cũng không khá hơn bà Cẩm là bao. Cô bị Đức cắn trên mặt và hai cánh tay. Nếu cô ép hắn quá mức, hắn sẽ lên cơn co giật, sùi bọt mép. Theo hướng dẫn của bác sĩ, người nhà bệnh nhân không cần đưa bệnh nhân vào viện mỗi khi bị co giật. Ngân tin tưởng và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng bà Cẩm và vợ chồng Tú lại sợ Đức, không dám đến gần hắn, sợ bị cắn oan, sợ lây bệnh.

Người duy nhất không bị Đức dọa sợ là Mốc. Cứ tan học về là nó tíu tít xoay quanh Đức, rủ rê hắn cùng chơi trò chơi. Vậy là mỗi lần Ngân dỗ dành Đức uống thuốc là Mốc lại chạy đến phụ mẹ.

Căn nhà của Đức thường xuyên vang lên tiếng la hét, đập đồ, tiếng dỗ dành cùng tiếng nô đùa nghịch phá. Cả xóm đều biết cậu con lớn nhà bà Cẩm bị điên, cô em dâu mất chồng chuyển sang ở cùng. Nhiều lời đàm tiếu truyền quanh xóm khiến bà Cẩm thấy nhột nhạt, khó chịu. Thái độ của bà ta với Ngân ngày càng xấu. Lúc nào cũng trưng ra bộ mặt soi mói, hục hặc và ghét bỏ.

Ngân vì Đức, vì con trai, nhẫn nhịn mẹ chồng đủ đường.

Vào một ngày cuối tuần, Ngân đang lôi kéo Đức về nhà thì bố cô đến thăm.

Đức canh bà Cẩm nấu cơm trong bếp, lén chạy ra căn nhà đang xây dựng ở cuối ngõ để nghịch cát. Ngân vừa bán xong bún ốc, về tới nhà thì được hàng xóm í ới gọi đưa Đức về nhà.

“Bác đừng vùng vẫy nữa, coi chừng vết thương há miệng, lại chảy máu bây giờ.” Ngân giữ chặt tay Đức, gắt lên. Trên tay Đức là vết rách dài khoảng mười lăm centimet. Cô lo lắng thành lời. “Tắm rửa xong, bác theo em đến bệnh viện. Phải khám xem có cần tiêm uốn ván không? Sao bác lại nghịch thanh sắt để nó rạch đứt tay thế này chứ.”

Đức bị Ngân lôi xềnh xệch, đến cửa nhà thì hắn bám vào thành cửa, trì người lại như một đứa trẻ không nghe lời. Ngân lôi kéo hắn đến toát mồ hôi.

“Ngân, chuyện gì thế này hả? Con và cậu ta… đang làm gì thế?”

Đột ngột một giọng nói vang lên sau lưng làm Ngân giật mình.

“Bố? Bố lên lúc nào vậy? Sao không bảo con, con ra bến xe đón.”

Đức thấy người lạ liền sợ hãi, đánh mạnh vào tay Ngân, ép cô buông tay. Ngân la lên. “Bố, nhanh giúp con một tay. Đưa bác ấy lên trên tầng hai.”

Ông Khiêm không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ biết làm theo lời con gái. Bình thường Đức rất ít khi chống đối Ngân nhưng không hiểu sao hôm nay hắn rất ương bướng, hết đánh cô lại cắn ông Khiêm, nước mắt thì rơi lã chã đầy oan ức.

Bố con Ngân chật vật gần năm phút mới mang được Đức lên phòng tắm ở tầng hai.

Ngân nói thật nhanh. “Hộp y tế ở để ngăn bàn trong phòng khách tầng một. Bố rửa vết thương bị cắn trước đi. Con tắm cho bác Đức xong thì xuống thưa chuyện với bố.”

Cửa phòng tắm đóng lại.

Ông Khiêm ngơ ngác lẩm bẩm. “Tắm? Con tắm cho cậu ta? Chuyện này…”

Việc tắm rửa của Đức là chuyện bất đắc dĩ, Ngân muốn từ chối cũng không được. Bà Cẩm nói chân tay già yếu, không đủ sức rửa ráy cho một người to như con trâu. Long thì sợ anh trai lên cơn động kinh, vớ lấy cái gì khảo vào đầu nên né tránh, không hỗ trợ tắm rửa. Thân phận em dâu của Tú giúp cô ta không cần nhúng tay vào chuyện xấu hổ này.

Ngân nhắm mắt nhận việc ngại ngùng này. Dĩ nhiên Đức cũng không hề phối hợp với cô. Lần nào hắn cũng quậy loạn trong phòng tắm. Tắm xong, người Ngân sẽ ướt như chuột lột và bắt đầu chai lì cảm xúc khi thấy nửa thân dưới của hắn. Hiện tại, cô có thể mặt không đỏ, tim không đập nhanh lột quần áo hắn, tắm rửa từ trên xuống dưới và thản nhiên đánh mạnh vào mông hắn nếu hắn nghịch sữa tắm hoặc dầu gội.

“Sữa tắm và dầu gội còn khó uống hơn thuốc nhiều lần. Sao bác có thể uống thứ này mà không chịu uống thuốc chứ.” Ngân cáu kỉnh véo mạnh vào tay hắn.

Đức ấm ức nhìn cô, chân lén hất đổ chai dầu gội đầu.

“Rầm. Rầm.”

Cửa phòng tắm bị đập từ bên ngoài, giọng bà Cẩm vang lên the thé. “Chị làm gì trong đấy mà lâu thế hả? Có tắm rửa thôi cũng mất cả tiếng. Bảo sao hàng xóm đồn loạn lên anh chồng em dâu mèo mả gà đồng. Tôi không biết giấu mặt vào đâu nữa.”

Ngân nhanh chóng mặc quần áo cho Đức, dắt hắn ra ngoài. Cô để hắn ngồi trên giường, mở chương trình thế giới động vật trên điện thoại và xếp hàng loạt đồ chơi quanh người hắn. Làm xong hết mọi việc, cô mới nhìn bà Cẩm.

“Con thay bộ quần áo khô rồi xuống gặp bố con. Mẹ trông bác Đức giúp con nhé.”

Bà Cẩm tức giận khi bị Ngân phớt lờ, lời nói ngày càng ngoa ngoắt, khó nghe. “Tôi là mẹ nó hay cô là mẹ nó hả? Việc này cũng cần cô dặn dò à?”

Ngân đi thẳng vào phòng tắm, đóng sập cửa lại.

Cô đứng rất lâu mới dìm được ngọn lửa tức giận trong mắt.

Thời điểm Ngân thay xong quần áo sạch, đi ra khỏi phòng, cô thấy bà Cẩm ngồi trên giường chơi đồ chơi với Đức. Không khí hài hòa, bình yên làm cô nhướng mày ngạc nhiên.

“Sao nào? Bộ cô tưởng chỉ mình cô tiếp cận được thằng Đức thôi hả? Tôi sinh ra nó, tôi còn không hiểu con tôi à?” Bà Cẩm bĩu môi khinh bỉ Ngân.

Cô không đáp lời, chỉ yên lặng bôi thuốc trên tay Đức rồi đi ra khỏi phòng. Từ khi Đức bị bệnh, các loại bông băng thuốc đỏ luôn được chuẩn bị sẵn mọi nơi trong nhà, để thuận tiện chăm sóc các vết thương khắp người Đức.

Trong phòng khách tĩnh mịch, tấm lưng già yếu của ông Khiêm thêm oằn xuống khi nghĩ đến con gái.

Tiếng chân đi xuống cầu thang làm ông ngẩng đầu nhìn theo.

Ngân nhận ra tóc bố đã bạc đi rất nhiều so với lần gặp trước. Gương mặt xương xẩu, hốc mắt trũng sâu, đôi mắt đầy dấu chân chim xệ xuống buồn bã, đau thương khiến cô thấy khó thở.

“Con xin lỗi vì đã làm bố luôn phải nhọc lòng vì con.” Ngân ngồi xuống cạnh ông Khiêm, cầm bàn tay nhăn nheo, chạm lên vết thương bị răng cắn đã được lau sạch máu, áy náy nói. “Bố gầy đi nhiều quá. Là lỗi của con.”

“Nếu con biết lỗi là của mình thì con có thể nghe lời bố, được không Ngân?”

Ngân không dám gật đầu.

“Cậu ta vẫn luôn như thế à?” Ông Khiêm chuyển đề tài vì biết con gái mình bướng bỉnh thế nào. “Bệnh của cậu ta… nặng hơn phải không?”

Ngân kể lại sơ qua những chuyện phát sinh gần đây. Cô biết bố quan tâm nên không giấu giếm chuyện gì. Càng nghe, ông Khiêm càng lo lắng.

“Lần trước con không nói cậu ta sẽ đánh và cắn người. Con ở cùng nhà với cậu ta rất nguy hiểm. Hôm nay dùng tay đánh, hôm sau cậu ta phát điên lấy dao chém con thì phải làm sao?”

“Bình thường, bác ấy rất nghe lời. Có lẽ hôm nay bác ấy bị thương trong khi nghịch cát nên hơi cáu kỉnh thôi. Bố tin con đi. Bác ấy rất hiền lành, không có chuyện làm đau người khác đâu.”

“Ngân, con đừng nói dối bố nữa.” Ông Khiêm nghẹn ngào nói. Giọng người già ồm ồm đẫm nước mắt buồn thương. “Bố thật sự không hiểu quyết định của con. Con đâu phải đứa ham tiền, cái nhà cháy đen kia có gì để con lưu luyến hả? Con cũng không phải loại người mất chồng thì gá duyên với anh chồng, con chăm sóc một người điên thì được cái gì hả Ngân?”

“Con…”

“Hay con yêu cậu ta, yêu anh chồng của mình đúng như lời của bà thông gia?” Ông Khiêm nắm chặt tay Ngân, nước mắt đầm đìa khiến tầm nhìn của ông mờ đi.

Gương mặt khắc khổ, dãi nắng dầm mưa khi khóc thật khổ sở, như từng nhát dao rạch vào tim Ngân.

Tự vấn trái tim mình, Ngân biết cô chưa yêu Đức nhưng cô không thể bỏ mặc hắn ở lại căn nhà không có tình người này.

“Đừng, đừng làm thế con à. Con không thể yêu cậu ta được. Cậu ta là anh chồng con.”

Ngân mím môi, mắt đỏ hoe. Cô không khóc vì lời cấm đoán của bố. Cô khóc vì bản thân là nguyên nhân khiến bố mẹ buồn khổ.

“Chồng con mất lâu rồi, bố cũng không cấm đoán con đi bước nữa. Con có thể lấy bất cứ ai, giàu nghèo không quan trọng, nhất quyết không được là cậu Đức.”

“... Tại sao?” Câu hỏi bật ra nức nở. Giọng Ngân ướt sũng dù cô không khóc.

“Con lấy cậu Đức thì đến bao giờ con mới thoát được ngôi nhà này hả Ngân. Nhà chồng con có biết thương con đâu. Tội tình gì con gái bố phải chịu đày đọa cả đời ở gia đình này?” Ông Khiêm gục xuống, đầu tựa vào tay Ngân, khóc không ra tiếng. Đứa con gái tội nghiệp của ông.