Tháng chín, Lâu phủ Dương Châu, Lâu Tây Nguyệt dẫn ta đến gặp cha hắn.
Lâu Ngọc Phượng hào sảng vỗ một cái thật mạnh lên vai ta đến mức xương bả vai của ta run lẩy bẩy, cười to nói, “Đã sớm nghe danh Hạ thần y dung mạo như tiên, hôm nay gặp mặt quả nhiên danh bất hư truyền. Tiểu tử này có thể bái làm danh hạ Dược vương cốc quả là may mắn vô cùng! Hạ thần y từng tặng dược đan cứu tính mạng tôi, lần này nhất định dùng thịnh tình khoản đãi.”
Ta chắp tay thi lễ, “Lâu đại hiệp quá khen, Tây Nguyệt có thiên tư rất tốt, ngộ tính rất cao. Quả là hổ phụ vô khuyển tử.”
Nghe thế Lâu Ngọc Phượng lại vỗ ta một cái nữa, “Ha ha ha ha, nói hay lắm.”
Ta, bị cha của Lâu Tây Nguyệt vỗ đến nội thương.
Lâu Tây Nguyệt mặt không đổi sắc giơ tay giữ tay cha hắn thả xuống, sau đó phe phẩy cây quạt thản nhiên nói, “Cha, sư phụ ở trong cốc đã lâu, nên lần này Tây Nguyệt đưa sư phụ đến đây là muốn dẫn người đi dạo thành Dương Châu ít bữa.”
Lâu Ngọc Phượng híp mắt một cái, rồi nháy nháy mắt với Lâu Tây Nguyệt, “Ngày mai Trầm Phong sẽ tới thăm ta, tiểu cô nương như hoa như ngọc cũng đến cùng. Tiểu tử mày vừa lúc có thể cùng nàng so kiếm đàm tình, sánh vai dưới hoa, liền cánh cùng bay.”
Lâu Tây Nguyệt khẽ gật đầu, nở nụ cười tỏ ý đã hiểu.
Lâu gia là phú thương một phương, ngẩng đầu vừa hay thấy ngay tấm biển hiển hách uy nghi, ta nghĩ một gia đình giàu có nức đố thế này, chắc chắn ngày xưa ta và Tề Tiếu đã từng trèo qua tường đây.
Chuyện xảy ra đã bốn năm, giờ đây Dương Châu đã thay đổi rất nhiều. Căn nhà lá của ta và Tề Tiếu nay đã trở thành nhà của người khác, ngói đỏ gạch xanh. Ngoài cửa sổ có cành dương liễu xanh um tươi tốt, ta còn nhớ rõ: An Thần vận bộ áo trắng, sau lưng là cành liễu đung đưa, chàng nở nụ cười ấm áp tựa như cây đón gió xuân.
Ca nữ trong tửu lâu ôm đàn tỳ bà cất giọng réo rắt, dịu dàng ca một khúc <<Vũ lâm linh>>.
Cảnh còn người mất mọi sự thôi, lời chưa kịp nói lệ tuôn rơi.
Trong giai điệu buồn thương man mác, trong khung cảnh nước chảy hoa rơi, ta đứng bên hồ chìm vào nỗi sầu muộn day dứt. Lúc này, mặt trời đang ngả về tây tỏa ra những tia nắng cuối ngày ấm áp, thuyền đánh cá xướng khúc chiều muộn.
Lâu Tây Nguyệt cười nhẹ với ta, “Ngắm cúc ăn cua, mùa này chính là thời điểm tốt nhất.”
Hắn dẫn ta lên một thuyền hoa, điểm đèn du hồ.
Trong thuyền đặt một bàn rượu và thức ăn, bên trên bày sáu con cua lớn vàng ruộm và một bộ ‘Giải bát kiện’ màu bạc khắc hoa. Lâu Tây Nguyệt nhấp một ngụm rượu, nhướn nhướn mày, cầm một cái kéo nhỏ cắt hai cái càng lớn và tám cái chân nhỏ, sau đó dùng cái chùy gõ nhẹ bốn phía trên vỏ con cua, tiếp dùng lưỡi rìu nhỏ chẻ bụng, sau lại lấy mũi khoan, kẹp, dao găm, gắp, múc lớp gạch cua óng ánh ánh vàng ra, chấm một ít dấm, ăn thật tao nhã.
‘Giải bát kiện’: 8 dụng cụ ăn cua phát minh từ thời cổ thể hiện cái hưởng thụ, cái tao nhã của ăn uống.
Mắt thấy Lâu Tây Nguyệt tay chân linh hoạt ăn uống ngon lành như thế, ruột gan ta ngứa ngáy, con sâu thèm ăn gãi vào tận tim tận phổi, ta quyết định thôi phiền muộn, lập tức cầm một con cua đưa lên miệng gặm.
Lâu Tây Nguyệt chống má nhìn ta, hỏi, “Sư phụ là người nơi nào?”
Ta đáp lầm bầm, “Có thể xem nguyên quán là Giang Nam.”
Ta đang loay hoay đánh chén với cái càng cua thì Lâu Tây Nguyệt bẻ một cái chân, dùng khoan múc thịt ra đưa đến bên mép ta, khóe môi mang theo ý cười.
Ta xoa xoa tay, hí mắt nhìn Lâu Tây Nguyệt, “Tây Nguyệt, nếu cậu đã thạo nghề như thế thì chi bằng gỡ hết thịt với gạch ra đi. Gần đây răng vi sư không được tốt lắm, thứ gì cứng cũng cắn không nổi nữa.”
Bỗng bên ngoài thuyền truyền đến một tràng âm thanh, sau đó có người vén rèm tiến vào, cười nói, “Tây Nguyệt huynh, cậu về Dương Châu mà cũng chẳng thèm báo với đây một tiếng.”
Ta tò mò nhìn ra, người này mặc một bộ hoa phục màu xanh nhạt, tay cầm một bình sứ cổ dài, khuôn mặt như quan ngọc, trong đôi mắt hoa đào mâu quang lưu chuyển. Sau đó lại có thêm một vị công tử áo mực tiến vào nữa, khuôn mặt người này tuấn tú mà lạnh lùng.
Lâu Tây Nguyệt đứng dậy, “Tử Lan, Thượng Quan huynh. Hôm nay tôi vừa về Dương Châu, vốn định ngày mai sẽ sang gặp các huynh, không ngờ lại gặp ở đây, các huynh cũng du hồ thưởng dạ sao?”
Công tử vận hoa phục nhìn ta một cái đầy ý vị thâm trường, sau đó nghiền ngẫm rồi cười nói, “Khó trách cậu lâu nay không đến Di Hương Uyển thăm Tiểu Điệp, chậc chậc, ra là thay đổi khẩu vị.” Hắn đi tới, nâng cằm ta lên, nói ngả ngớn, “Giỏi cho một tên tiểu quan da mỏng thịt non, nào, cười một cái với bản thiếu nào.”
Ta nhếch miệng nở một nụ cười thật dịu dàng với hắn, “May mắn được đại gia thương yêu, song tại hạ bất tài, là sư phụ của Lâu Tây Nguyệt.”
Người này ngẩn ra, nhìn Lâu Tây Nguyệt mờ mịt.
Lâu Tây Nguyệt ho nhẹ một tiếng, “Vị này chính là Hạ thần y – cốc chủ Dược vương cốc, sư phụ tôi.”
Sau đó, ba người nâng cốc nói cười vui vẻ, tám nhảm từ chuyện đầu bài thanh lâu đến chuyện Thứ sử Dương Châu vừa nạp Tứ di nương, từ hội hoa xuân nơi kinh thành đến hội thơ chốn Giang Nam, từ hai con sư tử đá trước cửa Lâu phủ đến cao lương mỹ vị của tửu lâu Tân Thiêm.
Đám người ngồi trước mắt ta đang trò chuyện gió mây, hiểu thông càn khôn đây, xin giới thiệu, chính là tam thiếu nức tiếng gần xa của thành Dương Châu.
Từ cổ chí kim, phàm là tài tử có tài văn chương, có hoài bão, có tố chất đều thích tụ tập với nhau, ví như Sơ Đường tứ kiệt, Vãn Đường nhị thánh, Chiến Quốc tứ công tử, Chiêu Lăng lục tuấn, cuối cùng là, Tần Hoài bát đại danh kỹ.
Như vậy, trong các nhân vật phong lưu tại Ly Quốc thì tam thiếu Dương Châu đã đạt đến cảnh giới không cần thốt lên bằng lời, góp phần làm tăng thêm sự đa dạng muôn màu nhiều vẻ trong giới.
Tiểu thế tử Nam Lăng vương, Hứa Tử Lan, có thể nói là nhân vật phong tình nhất Dương Châu thậm chí là cả nước ta. Đồn rằng Hứa thế tử không chỉ nhớ rõ mồn một ngày sinh tháng đẻ của hoa khôi đầu bài trong các thanh lâu lớn mà còn có thể vì các nàng oanh yến mà chiêu hiền đãi sĩ phổ nhạc viết từ, lấy đó khắc ghi chí hướng ước nguyện, lưu lại không biết bao nhiêu hương thi diễm từ lưu danh thiên cổ.
Còn bên cạnh là vị tam thiếu gia của Thượng Quan tiêu cục, Thượng Quan Dật. Theo ta đoán, hắn có thể trở thành một trong tam thiếu Dương Châu bởi hai nguyên nhân: thứ nhất, ăn nói khôn khéo, trong lúc giơ tay nhấc chân đều để lộ vẻ sắc bén, tạo nên vẻ đối lập rõ rệt với hai người còn lại, góp phần tạo nên sự đa dạng; thứ hai, Dương Châu hết người tài rồi.
Hứa Tử Lan đối ẩm một ly với Lâu Tây Nguyệt, “Tây Nguyệt huynh, Di Hương Uyển vừa mới tới một tiểu cô nương tư thái thướt tha, vũ tư uyển chuyển, chọn một ngày nào đó, huynh nhất định phải đến nhìn một cái.”
Tiếp đó, hắn thoáng nhìn sang ta, trong đôi đồng tử lấp lánh ánh quang, “Hạ thần y cũng đến đi, con gái Giang Nam tài nghệ song toàn, đó quả là một nét đẹp của Dương Châu tôi. Tiểu Điệp cô nương ngày trước Tây Nguyệt huynh hay qua lại, giọng ca nàng uyển chuyển dịu dàng, so với thi nhân mặc sĩ còn rung động diễm lệ hơn.”
Lâu Tây Nguyệt ho nhẹ một tiếng.
Hứa Tử Lan rót đầy rượu, “Đúng rồi, kể từ khi cậu đi, mỗi ngày Tiểu Điệp đều hát khúc <<Hoa hương điệp>> mà cậu tặng cho nàng.”
Ta nghe vậy quét mắt một vòng qua Lâu Tây Nguyệt, còn hắn thì chỉ nghiêng đầu nhìn phong cảnh ngoài thuyền.
Ta cười nói với Hứa Tử Lan, “Tại hạ quanh năm ở trong Dược vương cốc, chưa từng nghe qua cao lâu hồng tụ Giang Nam nức tiếng thế nào. Nay nghe Hứa thế tử nói thế, thật là làm lòng người ngứa ngáy không thôi.”
Ta đi sang hỏi thăm Lâu Tây Nguyệt, “Vi sư nghe nói dung sắc mẹ cậu hoa nhường nguyệt thẹn, chim sa cá lặn. Thế so với mẹ cậu, cô Tiểu Điệp trong truyền thuyết đó có cao hơn một bậc nào không?”
Hứa Tử Lan cười nói, “Tiểu Điệp tuy rằng sáng như trăng thu, nhưng so với Lâu phu nhân thì vẫn kém nửa phần. Thế nhưng vị tiểu sư muội của Tây Nguyệt huynh mới gọi là thanh lệ thoát tục, cô gái bình thường không thể sánh kịp.”
Ta hăng hái dạt dào nhìn Hứa Tử Lan, “Ồ—?”
Hắn ngửa đầu trầm tư, dường như đang hồi tưởng, “Bản thiếu nhớ rõ, Tây Nguyệt huynh từng tặng cho tiểu sư muội một cây trâm bích liên vân, khi nàng cài lên càng tôn thêm dung mạo tự ngọc sinh hương, như hoa như nguyệt.”
Ta hỏi Hứa Tử Lan, “Còn gì nữa không? Hôm nay chúng ta đã biết phải nói, đã nói phải hết. Hứa thế tử còn biết gì nữa? Cứ nói đừng ngại.”
Hứa Tử Lan đang định tung tiếp mấy dẫn chứng phong phú, thì Lâu Tây Nguyệt nhàn nhạt nói, “Sư phụ, chúng ta cặp bờ rồi.”
Tiếp đó, hắn cười nói với Hứa Tử Lan, “Tử Lan, Thượng Quan huynh, hôm nay đã muộn, ngày khác chúng ta lại trò chuyện tiếp.”
Phố đêm ồn ào náo nhiệt, tửu lâu ca quán, đường hẻm phố phường, đèn lồng nến đỏ, sáng như ban ngày.
Hứa Tử Lan vẫn còn hưng phấn dạt dào, “Tây Nguyệt, canh giờ còn sớm, chi bằng chúng ta đến Di Hương Uyển nghe một khúc đi.”
Ta tán thành, “Đúng đúng, vi sư cũng cho rằng bây giờ là thời điểm đẹp để thưởng thức cảnh đẹp ý thơ.”
Lâu Tây Nguyệt nghiêng đầu nhìn ta, cười ý vị thâm trường, gật đầu nói, “Cũng được.”
Hứa Tử Lan hào phóng tuyên bố, “Vậy bản thiếu sẽ làm chủ, hôm nay bao trọn Di Hương Uyển, tận hứng sênh ca.”
Đoàn người chúng ta nối đuôi đến Di Hương Uyển, bỗng nhiên Lâu Tây Nguyệt dừng bước, ghé vào bên tai Hứa Tử Lan nói nhỏ vài câu, hắn ta nghiêng sang nhìn con hẻm bên phải, tiếp đó sắc mặt đại biến, rồi chợt xoay người nói lời cáo từ, “Các vị, hôm nay bản thiếu còn có chính vụ trong người. Đợi ngày khác bản thiếu lại mời các vị nghe hí uống rượu, giờ xin cáo từ.” Dứt lời hắn vội vàng chạy đi ngay.
Chân trước Hứa Tử Lan vừa mới đi thì từ trong con hẻm bên trái xuất hiện một cô gái áo vàng, thắt lưng trắng buộc quanh eo nhỏ, đang đi về phía chúng ta. Nàng cao giọng hỏi Lâu Tây Nguyệt, “Vừa nãy ta mới thấy Hứa Tử Lan, hắn chạy đâu rồi?”
Lâu Tây Nguyệt mở cây quạt ra lắc lắc, bày vẻ vô tội, “Thượng Quan cô nương, Tử Lan đang ở trong phủ mở tiêc chiêu đãi Thứ sử đại nhân. Vừa rồi cô nhìn nhầm rồi.”
Cô nương kia dựng thẳng mày liễu, nhìn sang Thượng Quan Dật bên cạnh, “Tam ca, mấy ngày nay muội không tìm thấy hắn rồi. Có phải hắn lại đến kỹ viện rồi không?”
Thượng Quan Dật thở dài một hơi, trầm mặc không đáp.
Nàng bực bội, “Được lắm, các người đều không nói với ta chứ gì. Ta dù phải đào ba thước đất cũng phải tìm được hắn.”
Bỗng nghe được một tràng tiếng xôn xao, đoàn người tản ra bốn phía, có chiếc xe ngựa phi đến như bay. Cô nương kia bị người đi đường va vào lảo đảo sắp ngã, ta vội vàng đưa tay kéo nàng lại.
Sau đó, Lâu Tây Nguyệt cùng huynh muội Thương Quan cáo biệt, hẹn ngày khác lại gặp mặt.
Trên đường trở về ta hỏi, “Cái cô Thượng Quan kia và Hứa thế tử có dây mơ rễ má gì à?”
Lâu Tây Nguyệt cười nói, “Sư phụ muốn nghe cái gì?”
Ta nháy nháy mắt, “Theo ta thấy, trong vạn bụi hoa của Hứa thế tử, bụi này đã nảy chồi rồi.”
“Sư phụ chắc chắn?” Hắn nhướn mày nhìn ta.
Ta che miệng cười trộm, “Vừa nãy ta kéo cô nương ta, phát hiện nàng có hỉ mạch.”
Lâu Tây Nguyệt thoáng cứng người, vẻ mặt ngạc nhiên.
Ta đắc ý, “Xem ra diễn tiến tiếp theo của chuyện này sẽ theo hai hướng: một là, Hứa thế tử dứt bỏ hoa cỏ hồng trần, cưới vị cô nương kia; hoặc là, Nam Lăng Vương và Thượng Quan tiêu cục trở mặt, dậy lên một màn tinh phong huyết vũ, sóng to gió lớn trên giang hồ.”
Lâu Tây Nguyệt hí mắt nhìn ta, “Sư phụ hy vọng là loại thứ hai?”
Ta gật đầu, “Loạn thế xuất anh hùng. Sinh thời, nếu có thể trong lúc giang hồ ân oán chồng chất liên miên mà ta dẫn dắt đưa danh tiếng Dược vương cốc vang cao vang xa, đó thật là một sự nghiệp vĩ đại vĩ vĩ đại.”
Một lát sau, Lâu Tây Nguyệt mặt không đổi sắc nói, “Có lẽ sư phụ chưa biết, Tử Lan và Thượng Quan cô nương đã thành thân rồi.” Dứt lời lắc lắc cây quạt dợm bước về phía trước.
Ta sững sờ.
“Tây Nguyệt này, cậu và Tiểu Điệp cô nương đã yêu thương nhau như thế, vì sao lại không chuộc thân cho nàng?” Ta đuổi theo hỏi.
“…” Hắn không đáp.
“Có phải vì tiểu sư muội không?” Ta nhanh chóng tỉnh ngộ, khuyên răn hắn, “Cậu nghìn vạn lần đừng làm một Hạ Đình Chi thứ hai đấy.”
“…”
Trưa hôm sau, ta tản bộ trong Lâu phủ. Bố trí trong Lâu phủ rất có phong vị của đình viện Giang Nam, hành lang dài, cột trụ lớn, đường nhỏ lót đá ngoằn nghoèo. Giữa trường đình có hai người đang trò chuyện với nhau rất vui vẻ, vị cô nương mặc một bộ trang phục màu xanh nhạt, đôi mắt long lanh, môi thắm tựa son, xinh đẹp động lòng người.
Ta về phòng lấy một dĩa điểm tâm định tìm một chỗ nào đó ngồi xuống, từ xa quan sát Lâu Tây Nguyệt và nàng kia tình thơ ý hoạ.
Chỉ có điều ta vừa ngồi xuống thì nghe thấy ngay tiếng của Lâu Tây Nguyệt, “Sư phụ, đây là Trầm Vân Song, nữ nhi của các chủ Thanh Sơn các Trầm Phong.”
Ta xoay người, cười chào, “À, hân hạnh hân hạnh, đây chính là vị tiểu sư muội trong truyền thuyết đấy ư?”
Trầm Vân Song che miệng cười, “Tiểu nữ Trầm Vân Song gặp qua Hạ thần y.”
Ta khen, “Cô nương quả như những gì Tây Nguyệt đã kể, đúng thật khuynh quốc khuynh thành.”
Khuôn mặt nàng ta ửng đỏ thẹn thùng, trộm liếc Lâu Tây Nguyệt một cái, “Thất ca khen quá rồi.”
Ta nói với nàng đầy ý vị, “Thất ca cô mặc dù đến Dược vương cốc học y, nhưng mỗi ngày trong lòng đều nhung nhớ đến cô. Người làm sư phụ ta đây thấy nó tương tư như thế mới quyết định đến Giang Nam một chuyến này, để hai người được tiểu biệt thắng tân hôn.”
Lâu Tây Nguyệt, “Khụ khụ.”
Rặng mây đỏ trên khuôn mặt Trầm Vân Song tràn rộng ra, rũ mắt nói, “Mấy ngày trước nhờ Hạ thần y cứu đại ca tôi khỏi tay bọn thổ phỉ, hôm nay ở đây Vân Song xin đa tạ người.”
Lâu Tây Nguyệt ngước mắt hỏi, “Mấy ngày trước? Sư phụ cứu đại ca muội?”
Nàng ta cười đáp, “Đúng vậy, đại ca muội bất ngờ gặp thổ phỉ đánh cướp nên bị trọng thương. Nếu không nhờ có Hạ thần y ra tay cứu giúp, hậu quả thật không thể lường. Chỉ có điều đại ca muội còn đang ở trong các tĩnh dưỡng, hôm nay không thể đến đây, không thể gặp mặt trực tiếp để nói lời cảm tạ, mong Hạ thần y thứ lỗi.”
Lâu Tây Nguyệt nhướn mày nhìn ta.
Ta ậm ờ đáp, “Ha ha ha ha, xem ra đúng là người sợ nổi danh heo sợ béo khỏe. Ấy thế mà còn có người giả mạo ta, Trầm cô nương, cô có biết người đó hiện ở đâu không?”
*Thơ Đường còn gọi là Đường thi được chia làm bốn giai đoạn:
– Sơ Đường (618 – 673): Sơ Đường tứ kiệt là Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương.
– Thinh Đường (713 – 766)
– Trung Đường (766 – 835)
– Vãn Đường (835 – 907): về Vãn Đường nhị thánh, cá nhân tôi không tìm được tư liệu nào nói về nhị thánh này (và cũng khá lười để tìm hiểu thêm), nhưng thời Vãn Đường có hai nhà thơ nổi bật nhất đó là Lý Thương Ẩn và Đỗ Mục, người đời thường gọi là ‘Tiểu Lý – Đỗ’ để phân biệt với hai đại thi hào Lý Bạch (thi tiên) và Đỗ Phủ (thi thánh) thời Thịnh Đường. Có lẽ Vãn Đường nhị thánh là hai người này chăng?
*Chiến Quốc tứ công tử: là bốn vị công tử nổi tiếng trong các nước chư hầu Sơn Đông thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, gồm:
- Mạnh Thường quân Điền Văn nước Tề,
- Bình Nguyên quân Triệu Thắng nước Triệu,
- Tín Lăng quân Ngụy Vô Kỵ nước Ngụy,
- Xuân Thân quân Hoàng Yết nước Sở.
- Thập Phạt Xích: lông màu đỏ, cưỡi khi đánh Vương Thế Sung, Đậu Kiến Đức, phía trước trúng 4 mũi tên, phía sau trúng 1 mũi.
- Thanh Chuy: Lông trắng tạp, cưỡi khi đánh Đậu Kiến Đức, phía trước trúng 5 mũi tên.
- Đặc Lặc Phiêu: Lông vàng trắng, mõm đen, cưỡi khi đánh Tống Kim Cương.
- Quyền Mao Qua: Lông vàng, mõm đen, cưỡi khi đánh Lưu Hắc Thát, trước trúng 6 mũi tên, phía sau trúng 2 mũi.
- Bạch Đề Ô: Thân đen, móng trắng, cưỡi khi đánh Tiết Nhân Quý.
- Táp Lộ Tử: Sắc hồng điều, cưỡi khi bình Đông Đô Lạc Dương, đánh Vương Thế Sung, phía trước trúng 1 mũi tên.
Giải bát kiện