Gió Tây Vẫn Không Thổi Đi

Chương 1



Mùa xuân se se lạnh, nắng chan hòa rọi chiếu, từng làn gió mát lạnh lẻn bay vào cửa sổ như muốn khuấy động sự nghiêm túc của phòng giáo viên lúc này.

Tâm trạng của Thịnh Tuệ không bằng một phần mười so với tiết trời đẹp đẽ ngoài kia.

“Hai ngày! Mới khai giảng hai ngày mà con tôi đã bị thương!”

“Một lớp có sáu đứa thôi mà cũng không quản được? Sao cái trường này lại tuyển một giáo viên vô trách nhiệm như thế?”

Văn phòng giáo viên cực kỳ im ắng, chỉ có tiếng mẹ học sinh vang ra từ đầu dây bên kia của điện thoại, từng từ từng chữ rất rõ ràng.

Hai bên thái dương Thịnh Tuệ đau nhói, cô gượng cười: “Chị đừng kích động, đứa nhỏ chỉ bị xước da thôi ạ.”
“Đây là việc nhỏ hả?

Hôm nay trầy da, ngày mai té gãy chân, nếu xảy ra chuyện lớn làm chậm trễ con tôi thì cô bồi thường nổi không?”

“Tôi mặc kệ, hôm nay cô phải kêu phụ huynh của đứa đó đến đây, nếu không tôi lên sở giáo dục khiếu nại cô!”

Cuộc gọi kết thúc, văn phòng chìm vào sự tĩnh lặng cực độ.

Một lúc lâu sau, Tề Duyệt – giáo viên dạy toán đối diện Thịnh Tuệ mới dám ngẩng đầu lên, nhỏ giọng xin lỗi: “Thật lòng xin lổi chị, học sinh bị thương trong tiết của em mà lại hại chị bị mắng.” ở trường học giáo dục đặc biệt, học sinh đều là trẻ tự kỷ, hiếu động hoặc là những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Nhất là với những đứa trẻ càng nhỏ tuổi, tranh cãi xung đột rồi bị thương cũng là chuyện thường ở huyện.

Sự việc buổi sáng thực ra rất đơn giản.

Lúc Tề Duyệt đang trong lớp, một đứa trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) làm rớt bánh bao nhân thịt lên con thú bông ở trên bàn, sau đó, trò ấy bị bạn cùng bàn đấy ngã xuống đất, kèm theo tiếng hét chói tai.

Thịnh Tuệ từ văn phòng bên cạnh chạy như bay đến để kiểm tra vết thương của học sinh.

Cũng may chỉ trầy xước ngoài da, không bị thương ở đầu và mắt.

Nếu ở một trường tiểu học bình thường, một đứa trẻ bảy tuổi bị trầy xước ở mặt, có lẽ không cần thông báo cụ thể cho phụ huynh.

Nhưng tình hình ở trường giáo dục đặc biệt thì khác.

Hơn nữa, giáo viên chủ nhiệm cũ từ chức vội vàng, Thịnh Tuệ mới tiếp nhận lớp có hai ngày nên chưa kịp trao đổi với từng phụ huynh, phản ứng đầu tiên sau khi thấy đứa trẻ bị thương chính là gọi điện thông báo.

Vậy nên mới có cuộc trò chuyện vừa rồi.

“Hôm nay may nhờ có chị.”
Tề Duyệt tiến lại gần Thịnh Tuệ, trong lòng còn thấy kinh hãi: “Nếu là em, nhất định lúc bị mắng sẽ khóc ngay tại chỗ.”

Thịnh Tuệ nghe vậy thì hơi nhíu mày.

Trốn tránh trách nhiệm không nên là phản ứng đầu tiên sau khi gặp vấn đề.

Là chuyện liên quan đến học sinh, không thể để chậm trễ, nhưng khi đối xử với người mới, cô vẫn cố gắng hết sức tế nhị, nhẹ nhàng đưa lời khuyên: “Bất cứ lúc nào em cũng nên nhớ dành sự quan tâm cho học sinh.”

“Về sau em cần phải độc lập giải quyết vấn đề.”

“Chỉ có cô giáo Thịnh vừa xinh đẹp vừa tốt bụng mới bằng lòng giúp em.”

Tề Duyệt thân mật ôm lấy vai cô, lấy lòng: “Khi nào chị rảnh em rủ đi uống trà sữa nhé.”
Thấy Thịnh Tuệ không đáp lời, cô ấy lại bắt lấy tay cô lắc nhẹ, giọng đáng thương: “Còn việc tìm phụ huynh của đứa nhỏ….”
“Chị sẽ gọi điện, em về lớp trông học sinh đi.”
Dù biết rõ tâm tư của cô ấy, Thịnh Tuệ vẫn mềm lòng: “Lần sau nhất định phải chú ý.”
“Em biết rồi, chị là tốt nhất.”

Tiếng đóng cửa vang lên, văn phòng lại trở về trạng thái yên tĩnh.

Nụ cười trên môi nhạt đi, Thịnh Tuệ xoa xoa sống mũi cho đỡ mỏi, ngẩng đầu lên lại nhìn thấy hình ảnh bản thân bất lực phản chiếu trong màn hình đen của máy tính.

Cô không có chiếc mũi cao và đôi mắt sâu chuẩn gu Âu Mỹ, ngược lại, cô mang nhiều nét cuốn hút của châu Á hơn: Đường nét khuôn mặt mềm mại, ngũ quan nhỏ nhắn và thanh tú, đôi mắt hạnh trong veo, khi cô cười đôi mắt cong cong, làm người ta có cảm giác thân thiết, gần gũi, không thể không đến gần.

Hầu hết mọi người mô tả cô là một người hòa nhã, dễ chịu, cũng không ít người nói bên tai cô rằng cô trông thật dịu dàng.

Mở máy tính văn phòng, Thịnh Tuệ nhanh chóng tìm thấy file thông tin liên lạc của phụ huynh mà giáo viên chủ nhiệm cũ đã lưu.

Cô lướt tìm số của phụ huynh Chu Dập – học sinh có con thú bông bị bẩn và đẩy bạn cùng bàn xuống đất, cũng là một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ.

Trong phần thông tin liên lạc có hai số điện thoại, Thịnh Tuệ dùng điện thoại trường gọi cho số đầu tiên, ống nghe vang lên tiếng tút tút báo bên kia đã tắt máy.

Vì vậy cô gọi cho sổ thứ hai.

Sau 3 tiếng bíp, cuối cùng điện thoại cũng được kết nối.

“Xin chào ba mẹ của Chu Dập.”

Thịnh Tuệ mở đầu: “Tôi là giáo viên chủ nhiệm của em ấy, Thịnh Tuệ.”

Cô tóm tắt lại sự việc bằng một, hai câu rồi truyền đạt yêu cầu của phụ huynh có học sinh bị ngã: “Chiều nay lúc 5 giờ, ba mẹ có thể tới trường một chuyến được không?”

Tín hiệu bên kia có lẽ không tốt, Thịnh Tuệ hỏi xong mà không nhận được câu trả lời.

Cô đành phải nhắc lại thời gian và địa điểm rồi trang trọng hỏi: “Chiều nay lúc 5 giờ, xin hỏi ba mẹ có tiện tới trường trò chuyện một chút được không?”

Lần này có vẻ đầu dây bên kia đã có tín hiệu, chỉ dừng lại một lúc trước khi đáp lại cô.

“….Được.”

Người nghe điện thoại là đàn ông.

Giọng nói của người đàn ông rõ ràng và cuốn hút, nhưng sau khi truyền qua ống nghe thì hơi khàn khàn, giọng điệu rất lịch sự và tao nhã: “Tôi sẽ đến đúng giờ hẹn.”

“Chờ cả sáng cũng không thấy con trả lời tin nhắn của mẹ, con thấy đối tượng xem mắt thế nào?”

11 giờ rưỡi trưa, Thịnh Tuệ đang định đi đến nhà ăn cùng đồng nghiệp thì nhận được điện thoại của mẹ.

“Dì Lưu nói đằng trai rất vừa ý với điều kiện của con, hai đứa mau chọn giờ rồi gặp mặt nhau đi.”

Hồi sáng cô đã đọc tin nhắn, nội dung thì cũng là thúc giục cô đi xem mắt.

Trong lòng bất đắc dĩ, Thịnh Tuệ ra hiệu cho đồng nghiệp đi trước, cô giải thích với mẹ: “Vừa rồi bận việc nên con không nhìn điện thoại.”

“Bận đến mức không dành ra chút thời gian trả lời được sao, đừng có mà lừa mẹ.”

Mẹ cô không hài lòng cách cô trả lời qua loa cho có, giọng bà nghiêm khắc: “Có phải con định không đi xem mắt đúng không?”

Thịnh Tuệ im lặng như ngầm đồng ý, vài giây sau, cô nghe tiếng mẹ mình nghẹn ngào:
“Tiểu Tuệ, sức khỏe mẹ con không tốt, ai biết được ngày nào mẹ qua đời, mẹ chỉ có đúng một nguyện vọng là tận mắt nhìn thấy con gả cho một người tốt…”
“Mẹ, ca phẫu thuật ung thư vú của mẹ được tiến hành kịp thời, bác sĩ nói chỉ cần mẹ chú ý hơn sẽ không ảnh hưởng đến tuổi thọ đâu.”

Thịnh Tuệ nhớ lại năm ngoái bệnh tật hành hạ th ân xác mẹ cô, cuối cùng đành phải thỏa hiệp:
“Con đồng ý đi xem mắt, bác sĩ nói mẹ không được tức giận, chuyện này không đáng để mẹ tổn thương thân thể.

Được không?”

“Không gạt mẹ chứ?”

“Không đâu, khi nào tan làm con liên hệ cho người giới thiệu liền.”

“Con sắp 30 rồi, càng kéo dài càng khó kết hôn.”

Mẹ cô lúc này mới vừa lòng, dặn dò: “Mẹ làm vậy là vì tốt cho con thôi, ngàn vạn lần đừng giống mẹ hồi xưa, lấy phải cha con là kẻ nghiện rượu vô dụng.”

Thịnh Tuệ nhẹ nhàng đáp: “Con hiểu rồi, mẹ nhớ uống thuốc đúng giờ.”

Sau khi cúp máy, cô nhẹ nhõm thả điện thoại xuống bàn.

Cha mẹ ly dị khi cô còn nhỏ, như trong ký ức của Thịnh Tuệ, cha mẹ đã cãi vã và xích mích không ngừng, mãi cho đến khi mẹ cô bỏ đi và tái hôn với người mới, cha cô một mình nuôi nấng cô.

Tuổi thanh xuân của cô không có gì khác ngoài một người cha nghiện rượu, những trận đánh đập của ông và những lời đàm tiếu chỉ trỏ của những người hàng xóm.

Bị ảnh hưởng bởi chính gia đình mình, Thịnh Tuệ không ôm hy vọng gì về tình yêu và hôn nhân, cô sinh ra bản năng tránh mâu thuẫn, tránh khắc khẩu.

Giống như vừa rồi, để tránh khỏi cãi vã với mẹ, cô thà rằng lãng phí thời gian đi xem mắt.

Một bữa cơm mà thôi, Thịnh Tuệ trong lòng tự an ủi mình.

Bác sĩ dặn dò người bệnh cần phải giữ tâm trạng vui vẻ, coi như dùng cô dùng hai tiếng đi ăn đế đổi cho mẹ mấy ngày tâm trạng tươi vui.

Trong thế giới của người lớn, ai mà chẳng có việc mình không muốn nhưng vẩn phải làm đâu..