- Hỏi cái gì, anh cũng "không biết, không biết". Trả lời như vậy cũng như không.
Thơm nói đúng. Lẽ ra tôi không nên trả lời như vậy. Nhưng tôi lại không thể nói thật cho nhỏ Thơm biết vì sao tôi không muốn trở lại nơi này. Tôi đã không nói điều đó với bất cứ ai, kể cả Út Thêm.
Khi lần đầu tiên đón nhận nỗi buồn, tôi hiểu rằng tuổi thơ của mình đã hết. Nó đã bay xa. Đóa phượng cuối cùng của mùa hè năm nay chưa kịp rã cánh, tôi đã vội chia tay với ngày tháng vô tư. Tôi sẽ trở về thành phố với nỗi lòng sầu mộng. Sẽ chẳng ai hay. Sẽ chẳng giải bày.
Như tôi sẽ không nói với nhỏ Thơm hôm nay để khỏi khiến nó bâng khuâng nghĩ ngợi. Tuổi thơ của những đứa trẻ ở làng Hà Xuyên dường như kéo dài vô tận. Nhạn và Dế thì không nói làm gì. Ngay cả Thể và nhỏ Thơm, tâm hồn của chúng sao mà trong veo như nước suối ban trưa. Út Thêm "của tôi" cũng thế. Tôi tin rằng ngay cả khi đã lấy chồng, tuổi thơ của Út Thêm vẫn chưa hề kết thúc. Tất cả, trừ tôi.
Nhỏ Thơm lại lay vai tôi:
- Chẳng lẽ về thành phố, anh không nhớ làng Hà Xuyên hay sao ?
- Nhớ chứ.
- Còn Thơm, anh có nhớ không?
- Nhớ.
- Chị Út Thêm nữa ?
- Cũng nhớ.
- Vậy sao anh không trở lại làng?
- Tôi đã nói rồi. Tôi không biết.
Nhỏ Thơm có vẻ chán nản trước thái độ ù lì của tôi. Nó thở dài:
- Nếu hè năm tới anh không về thì Thơm sẽ lên thành phố.
Tôi giật mình:
- Chi vậy ?
- Đi chơi. Đi coi ngôi nhà hai mươi tầng anh kể đó!
Tôi phì cười:
- Tôi nói dóc với Thơm đó thôi! Ở thành phố chẳng có ngôi nhà hai mươi tầng nào cả. Nhà cao nhất chỉ có sáu tầng.
Nhỏ Thơm khịt mũi:
- Nếu vậy thì Thơm đi coi chiếu bóng. Thơm đi hết hai trăm rạp...
Tôi lại cười:
- Hai trăm rạp đâu mà hai trăm rạp! Ở thành phố chỉ có hai rạp chiếu bóng bé xíu thôi!
Nhỏ Thơm ngơ ngác:
- Chỉ có hai rạp thôi hả ?
- Ừ.
- Thôi, hai rạp cũng được! - Nhỏ Thơm chớp mắt - Thơm sẽ chui vaò hai rạp. Thơm sẽ trình giấy khai sinh...
Lần này tôi không cười nữa. Mà thở dài:
- Giấy khai sinh không vào được đâu! Phải mua vé người ta mới cho vào!
Nhỏ Thơm tròn mắt ngó tôi:
- Vậy từ trước đến nay, anh toàn phịa chuyện hả ?
Tôi tặc lưỡi:
- Ừ, tôi phịa hết đó thôi! Thành phố chẳng có gì vui đâu! Sang năm Thơm chả cần lên đó làm chi!
Nhỏ Thơm mím môi:
- Thơm cứ lên!
Tôi nhún vai:
- Lên làm gì cho mệt! Chả có ngôi nhà cao tầng nào, chả có...
Nhỏ Thơm xẳng giọng:
- Thơm chẳng cần nhà cao tầng, cũng không thèm coi chiếu bóng! - Giọng nó bỗng dưng sụt sịt - Bộ Thơm lên thành phố thăm anh không được hả ?
Tôi nhìn nhỏ Thơm và ngạc nhiên khi thấy trong đôi mắt mở to của nó những giọt lệ từ từ ứa ra và lăn dài trên má. Lòng tôi bỗng dưng xúc động dạt dào. Tội nghiệp nhỏ Thơm, tôi đi chắc nó buồn lắm! Trong một mùa hè ngắn ngủi, tôi đã trở thành người bạn thân thiết của nó. Không có tôi, nó chẳng biết chơi với ai. Nó vốn dĩ là bà La Sát, lại được sự hộ vệ của con Đụp và con Hắc-Ín, những đứa trẻ trong làng đều ghét nó. Nhưng nhỏ Thơm không phải là đứa dễ ghét, thằng Dế biết rõ điều đó. Nhỏ Thơm tốt bụng, vị tha và nhiều tình cảm. Qua mùa hè này, nó đã lớn. Nó sẽ không còn đánh nhau và suỵt chó cắn người. Tôi tin rằng lúc đó nó sẽ có thêm nhiều bạn mới.
Nhưng đó là sau này, còn bây giờ nhỏ Thơm đang ngồi thút thít bên cạnh khiến tôi bối rối khôn tả.
Để xua tan bầu không khí nặng nề, tôi nhẹ nhàng đặt chồng sách trên tay vào tay nó:
- Tặng Thơm nè!
Nhỏ Thơm lau nước mắt, khụt khịt nói:
- Sách của anh mà!
Tôi bùi ngùi:
- Thì sách của tôi, tôi tặng Thơm làm... kỷ niệm.
Cử chỉ của tôi có lẽ giúp nhỏ Thơm thôi buồn một tí xíu. Nó nhoẻn miệng cười:
- Anh tặng cho Thơm, rồi anh lấy gì anh đọc?
- Những cuốn sách này tôi đọc hết rồi.
- Thơm cũng đọc hết rồi.
Tôi ấp úng:
- Thì Thơm cứ giữ, lâu lâu đọc lại.
Nhỏ Thơm ngẫm nghĩ một hồi rồi gật đầu:
- Ừ, Thơm giữ. Sang năm lên thành phố, Thơm sẽ trả cho anh.
Tôi ngạc nhiên:
- Trả chi vậy ?
Nhỏ Thơm cười khúc khích:
- Trả để mượn những cuốn khác chứ chi!
Lần đầu tiên, tôi thấy nhỏ Thơm nói đùa. Chắc lòng nó đang vui. Nghĩ vậy, tôi liền vội vã cáo từ, sợ ngồi thêm một lát nhỏ Thơm sẽ buồn trở lại.
Nhưng tôi đã lầm. Khi ra tới cánh đồng bên ngoài, ngoảnh nhìn qua hàng rào, tôi thấy nhỏ Thơm đang đứng nhìn theo, nước mắt nhoè cả má.