Hai Số Phận

Chương 3



Sau khi cả nhà đã hết nhộn nhịp với việc đứa bé mới về nhà này và mọi người đã đi ngủ từ lâu rồi, người mẹ vẫn còn thức với đứa bé trong tay. Helena Koskiewicz là một người rất tin ở cuộc sống. Bằng chứng là chị đã đẻ và nuôi được sáu đứa con. Trước đó chị đã để mất đi ba đứa từ lúc chúng còn nhỏ, nhưng chị cũng chưa để cho đứa nào chết một cách dễ dàng được.

Chị chỉ mới ba mươi lăm tuổi nhưng biết là anh chồng Jasio của mình, trước đây vốn là một người rất khỏe mạnh, sẽ chẳng cho chị thêm đứa con nào nữa. Bây giờ Chúa đã đem đứa bé này đến cho chị, chắc chắn là nó phải sống. Helena cũng là con người có đức tin đơn giản, và điều đó cũng phải thôi, vì số phận chả bao giờ cho chị có được cuộc sống nào khác hơn cuộc sống đơn giản hiện nay. Người chị xanh xao gầy mòn, không phải do chị muốn như vậy mà do chị được ăn quá ít, lại làm lụng vất vả và không có tiền để dành. Chị chẳng bao giờ phàn nàn điều gì, nhưng các nếp nhăn trên mặt chị khiến chị chẳng khác gì một người đã có cháu gọi bằng bà chứ không phải người mẹ ở thế giới ngày nay. Đời chị chưa một lần nào được mặc quần áo mới.

Helena bóp thật mạnh vào hai bên vú đến hằn đỏ cả lên. Mấy giọt sữa tuôn ra. Ở cái tuổi ba mươi lăm, tức là đã nửa đời người, ai nấy đều đã ít nhiều có kinh nghiệm thành thạo, và Helena chính đang ở thời kỳ như vậy.

- Chú nhỏ của mẹ nào, - chị khẽ nói với đứa bé và ấn nụ hoa vào miệng nó đang chum cong lên chờ sữa. Đôi mắt xanh của nó hé mở. Vài giọt mồ hôi lấm tấm trên mũi. Cuối cùng người mẹ cũng lăn ra ngủ từ lúc nào.

Jasio Koskiewicz, anh chồng lờ đờ chậm chạp có bộ ria mép rất rậm và cũng là thứ quý nhất để anh ta có thể tự khẳng định được mình trong cuộc sống đi làm thuê khổ sở này, chợt tỉnh dậy vào lúc năm giờ, thấy vợ với đứa bé kia còn đang ngủ trên ghế chao. Đêm đó anh ta cũng không chú ý đến việc không có mặt vợ trên giường. Anh ta đứng chăm chăm nhìn vào đứa bé không cha không mẹ. Anh cảm ơn Chúa vì ít ra đứa bé không còn kêu hét nữa. Hay là nó chết rồi? Jasio nghĩ bụng thôi mình chả nên dính đến cái của nợ này nữa. Cứ việc đi làm như thường, để mặc cho vợ anh lo chuyện sống chết của nó, còn anh thì tính làm sao có mặt ở trang trại của Nam tước từ sáng sớm là được. Anh tu mấy hớp sữa dê vào bụng rồi quệt miệng vào tay áo. Sau đó một tay cầm khoang bánh và một tay vớ lấy chiếc bẫy anh ta lặng lẽ chuồn ra ngoài, bụng chỉ sợ người đàn bà thức dậy và bảo anh làm gì đó. Anh ta rảo bước về phía rừng, không muốn nghĩ gì đến đứa bé nữa và chỉ mong đây là lần cuối cùng anh ta trông thấy nó.

Florentyna, cô con gái lớn, là người thứ hai bước vào bếp. Chiếc đồng hồ cổ không biết đã được bao nhiêu năm vừa điểm sáu giờ sang. Nó chẳng qua chỉ để nhắc cho những ai trong nhà muốn biết giờ phải dậy hay phải đi ngủ mà thôi. Công việc hàng ngày của Florentyna chỉ có mỗi chuyện là chuẩn bị bữa ăn sang, cụ thể là chia bọc sữa dê và miếng bánh mì đen ra cho đủ tám người trong gia đình cùng ăn. Việc chỉ có thế thôi nhưng nó đòi hỏi cô phải có cái khôn ngoan như của Solomon (Vua Israel thế kỷ 20 trCN nổi tiếng khôn ngoan và công bằng trong các vụ xét xử) mới làm nổi để không một ai có thể phàn nàn gì được là phần của người khác nhiều hơn phần mình.

Florentyna là một cô gái mảnh khảnh, xinh đẹp, ai mới trông thấy cũng quý mến ngay được. Chỉ tội một điều là đã hai năm nay cô bé vẫn chỉ có một chiếc áo để mặc. Nhưng cứ trông thấy cô bé là người ta hiểu ngay tại sao trước đây anh chàng Jasio đã say mê mẹ cô đến thế. Florentyna cớ mớ tóc vàng óng mượt và đôi mắt màu hạt dẻ long lanh, bất chấp tuổi nhỏ và ăn uống thiếu thốn.

Cô rón rén bước đến bên ghế chao nhìn mẹ và đứa bé. Florentyna đã thích đứa bé ngay từ lúc đầu. Đã tám tuổi rồi nhưng cô bé mới chỉ thấy búp bê có một lần khi gia đình được mời đến dự tiệc Giáng sinh ở lâu đài của Nam tước. Cô bé chỉ trông thấy thôi chứ chưa được sờ vào búp bê. Bao giờ cô rất muốn được bế đứa bé này trong tay mình. Cô cúi xuống gỡ đứa bé ra khỏi tay mẹ, nhìn vào đôi mắt xanh nhỏ tí của nó và khẽ ru trong miệng. Đang ở chỗ ấm của vú mẹ sang đôi tay lạnh của cô, đứa bé tỏ ra khó chịu. Nó bỗng khóc vang lên làm người mẹ bừng tỉnh dậy. Chị lấy làm ân hận mình đã ngủ lúc nào không biết.

- Ôi, lạy Chúa, nó hãy còn sống, - chị nói với Florentyna.

- Con sửa soạn ăn sáng cho các em, để mẹ cho nó bú nữa.

Florentyna miễn cưỡng đưa trả đứa bé lại cho mẹ và nhìn mẹ lại cố vắt sữa ra nữa. Cô bé đứng đó mê mẩn cả người.

- Mau lên con, Florcia, - mẹ cô giục - Phải cho cả nhà ăn nữa chứ.

Florentyna đành bỏ ra ngoài. Các em cô mới ngủ dậy đã từ trên gác kho bước xuống chào mẹ và nhìn đứa bé bằng những con mắt kinh ngạc. Chúng chỉ biết là đứa bé này không phải từ trong bụng mẹ mà ra. Florentyna mải mê với đứa bé nên sáng nay bỏ cả ăn sáng. Bọn em cô chia luôn phần của cô ra ăn còn để lại phần của mẹ trên bàn. Cả nhà bận rộn với công việc của mình nên không một ai để ý rằng từ lúc có đứa bé về nhà đến giờ, người mẹ chưa hề ăn tí gì vào bụng.

Helena Koskiewicz hài lòng thấy các con mình đã sớm học được cách tự lo lấy thân mình. Chúng có thể cho gia súc ăn, vắt sữa dê sữa bò và chăm sóc rau cỏ ngoài vườn mà không cần phải chờ chị sai bảo hay giúp đỡ. Buổi tối, lúc Jasio về nhà, chị mới nhớ ra là mình chưa sửa soạn bữa tối cho chồng. Nhưng ngay sau đó chị biết là Florentyna đã bắt đầu làm món thịt thỏ mà chú em thợ săn Franck đem về cho chị. Florentyna lấy làm tự hào được phụ trách bữa ăn tối, một công việc mà chỉ khi nào mẹ ốm đau mới giao cho cô, và Helena Koskiewicz thì họa hoằn lắm mới để cho con gái phải làm như vậy. Chú bé thợ săn mang về được bốn con thỏ, bố mang về được sáu cây nấm với ba củ khoai, tối nay cả nhà sẽ được ăn tiệc thật sự.

Ăn tối xong rồi, Jasio Koskiewicz ngồi xuống ghế bên lò sưởi và bây giờ mới được dịp nhìn kỹ đứa bé. Nâng đầu đứa bé lên bằng mấy ngón tay, anh ta quan sát khắp người thằng bé với con mắt của một người đi săn thú. Khuôn mặt nhăn nhúm của nó chỉ có mỗi đôi mắt xanh nhỏ tí và chưa biết nhìn là đẹp hơn cả. Anh ta nhìn tiếp xuống thân hình mỏng mảnh của nó và chợt chú ý ngay đến một cái gì đó. Anh ta bỗng nhăn mặt và gạt ngón tay cái vào ngực đứa bé.

- Em đã thấy cái này chưa, Helena? – anh ta nói và giơ sườn đứa bé ra, - Cái thằng khốn này hóa ra chỉ có một bên vú thôi!

Chị vợ cũng lấy làm lạ bèn tự mình gại ngón tay vào ngực nó xem sao. Chị tưởng làm như thế thì một bên vú nữa sẽ xuất hiện. Chồng chị nói đúng: đứa bé chỉ có một nụ hoa nhỏ tí bên trái, còn cả nửa ngực bên phải thì phẳng lì và không có một dấu vết gì khác.

Đầu óc mê tín của người đàn bà bỗng nổi lên.

- Thế là Chúa đã cho em thằng bé này. - Chị nói. – Đây là dấu vết của Chúa để lại cho nó đây.

Người đàn ông tức mình đưa ngay đứa bé cho vợ.

- Em thật là điên, Helena ạ. Đứa bé này là do một người có máu xấu truyền sang cho mẹ nó. – Anh ta nhổ một cái vào lò sưởi. – Dù sao, anh cũng đánh cuộc là thằng bé này không sống được.

Thực ra, Jasio Koskiewicz cũng chẳng cần biết thằng bé sống hay chết. Ạnh ta vốn không phải một người nhẫn tâm, nhưng đứa bé này không phải là của anh, mà trong nhà thêm một miệng ăn nữa chỉ làm cho mọi chuyện rắc rối.

Giả thử có như vậy di nữa thì bản thân anh cũng phải là người đi cầu Chúa giúp. Rồi không nghĩ ngợi gì về đứa bé nữa, anh ta ngủ thiếp đi bên đống lửa lò sưởi.

Ngày tháng trôi qua, chính Jasio Koskiewicz cũng dần dần tin rằng đứa bé có thể sống được. Nếu hôm trước đánh cuộc thật thì anh ta đã thua rồi. Đứa con trai lớn nhất, tức là chú thợ săn, được các em giúp một tay, đã kiếm gỗ trong rừng của Nam tước về làm cho thằng bé một chiếc giường. Florentyna cắt những mẩu vải áo cũ của cô khâu lại làm áo cho nó. Những mẩu vải ấy khâu lại với nhau trông như áo của anh hề Harlequin mà bọn trẻ chưa được biết. Trong nhà, mỗi khi định đặt tên cho thằng bé thì chẳng ai đồng ý với nhau được. Riêng người bố không có ý kiến gì. Cuối cùng họ gọi nó là Wladek, và chủ nhật sau đó, tại nhà thờ trong trang trại của Nam tước, thằng bé được mang tên là Wladek Koskiewicz. Người mẹ thì cầu Chúa phù hộ cho nó, còn người bố thì mặc kệ, bảo nó muốn ra sao thì sao.

Tối hôm đó có một bữa tiệcn hỏ để chúc mừng gia đình. Trang trại của Nam tước cho một con ngỗng để thêm vào bữa tiệc. Mọi người ăn uống vui vẻ.

Từ hôm đó trở đi, Florentyna phải học cách chia bữa ăn sáng ra cho chín miệng ăn.