Tháng Chín, William trở lại Viện Sayre để tiếp tục học với tâm lý ổn định và sẵn sang hòa với mọi người hơn. Chú lập tức tìm cách ganh đua với những người lớn tuổi hơn mình. Với bất cứ môn học gì, nếu chú thấy mình không giỏi hơn người thì không yên tâm. Những người cùng lớp với chú xem ra không ai địch nổi được chú. Dần dần William hiểu ra là phần lớn những ai xuất than từ hoàn cảnh quyền quý như chú thì đều không có gì để kích thích đua tranh được, mà muốn có được địch thủ thì phải đọc những ai so với chú nhỏ hơn và có ít điều kiện học hành hơn kia.
Năm 1915, trong trường có một phong trào sưu tập nhãn diêm. William đứng ngoài quan sát phong trào này một cách rất thích thú nhưng không tham gia. Chỉ trong mấy ngày những nhãn diêm bình thường đã trao tay với giá mười xu một nhãn, thứ nào hiếm có giá tới năm mươi xu. William nghiên cứu tình hình đó rồi quyết định sẽ không làm chuyện sưu tập mà làm việc kinh doanh.
Vào ngày thứ bảy đó, chú đến nhà hàng Leavitt và Peirce, một trong những nhà buôn thuốc lớn nhất Boston, và ngồi cả buổi chiều ghi lại tên và địa chỉ của những nhà sản xuất diêm chủ yếu trên thế giới, đặc biệt ghi tên những nước nào không tham gia chiến tranh. Chú bỏ ra năm đôla mua giấy, phong bì và tem, viết thư cho tất cả những chủ tịch hay giám đốc công ty mà chú đã có trong danh sách. Thư chú viết rất đơn giản, nhưng cũng phải viết đi viết lại đến bảy lần.
Thưa ông chủ tịch,
Tôi là một người rất thích sưu tập các thứ nhãn diêm, nhưng tôi không có tiền để mua tất cả mọi thứ diêm được. Tiền túi của tôi mỗi tuần chỉ có một đôla thôi, nhưng tôi xin gửi kèm theo đây chiếc tem ba xu để chứng thực rằng việc sưu tập nhãn diêm của tôi là nghiêm túc. Tôi xin lỗi đã làm ông phải phiền lòng nhưng tôi chỉ có thể tìm được tên ông để viết thư này.
Kính thư,
William Kane (9 tuổi)
T.B. Nhãn diêm của ông là một trong những thứ tôi thích nhất.
Trong vòng hai tuần, William có được 55 phần trăm thư trả lời và có được 78 loại nhãn diêm khác nhau. Hầu hết những người trả lời thư cho chú đều trả lại chiếc tem ba xu, mà William cũng dự kiến trước là họ sẽ làm như vậy.
Trong bảy ngày sau đó, William dựng lên một thị trường về nhãn diêm ở ngay trong trường. Chú luôn luôn nghĩ xem cái gì có thể bán được thì mới mua. Chú để ý thấy có một số bạn học không quan tâm mấy đến loại nhãn diêm hiếm, mà chỉ xem nó đẹp hay không thôi. Thế là với những người này, chú đem những nhãn đẹp đổi lấy nhãn hiếm để bán lại cho những ai sưu tập công phu hơn. Sau hai tuần mua bán, chú cảm thấy thị trường đã đạt đến một đỉnh cao và chú tính nếu không cẩn thận thì sắp đến những ngày nghỉ lễ là sẽ không mấy ai quan tâm đến chuyện này nữa. Chú bèn nghĩ ra một cách quảng cáo, thuê in một lọat giấy thông báo, mỗi tờ mất nửa xu, và chú để tở giấy đo và từng chỗ ngồi của các lớp, báo cho biết chú sẽ tổ chức bán đấu giá tất cả 211 nhãn diêm chú đã sưu tập được. Cuộc bán đấu gí tất cả tiến hành trong phòng tắm rửa của trường vào giờ ăn trưa. Số người tham gia còn đông hơn cả những trận đấu khúc côn cầu trong trường.
Kết quả là William đã thu được 57,32 đôla, so với số tiền đầu tư ban đầu của chú đã lại được 51,32 đôla. William gửi 25 đôla vào ngân hàng với lãi suất 2,5 phần trăm, mua chiếc máy ảnh 10 đôla, đem 5 đôla biếu cho Hội Thiên Chúa những người trẻ tuổi lúc này đang mở rộng hoạt động cứu trợ cho những người mới nhập cư, mua một ít hoa tặng mẹ, còn mấy đôla cất vào túi. Thị trường nhãn diêm bị xẹp xuống trước khi kết thúc khóa học. Đó là một trong những cơ hội đầu tiên William học làm chủ được tình hình thị trường. Bà nội bà ngoại của chú nghe kể lại chuyện này rất lấy làm tự hào về chú. Các cụ thấy rất giống như trường hợp của cụ ông ngày xưa đã làm giàu trong thời kỳ hỗn độn của năm 1873.
Đến kỳ nghỉ hè, William nghĩ có lẽ có một cách khác đem lại lãi suất nhiều hơn cho số vốn chú gửi ngân hang tiết kiệm. Trong ba tháng sau đó, chú nghe bà nội Kane đem tiền bỏ vào những chứng khoán do tờ Nhật báo phố Wall quảng cáo. Chú đã bị mất quá nửa số tiền thu được từ kinh doanh nhãn diêm, vì vậy bây giờ chú chỉ tin vào những lời khuyên về chuyên môn của tờ báo trên đây, hoặc cùng lắm là dựa vào những thông tin chú nhặt được ở ngoài đường phố.
Tức mình vì bị mất đi 20 đôla, William quyết định trong những ngày nghỉ lễ Phục sinh thế nào cũng phải tìm cách thu hồi lại. Chú tính xem trừ những buổi chiều dài và các việc khác mà mẹ chú cần chú tham gia, còn lại chú chỉ có mười bốn ngày được hoàn toàn tự do. Chừng đó thôi là đủ cho chú có thể tính chuyện làm ăn được. Chú đem bán hết những cổ phần còn lại trong tờ Nhật báo phố Wall, được 12 đôla. Với số tiền này, chú mua một mảnh gỗ, hai bộ bánh xe, trục, và một sợi dây thừng, tất cả hết 5 đôla sau khi đã mặc cả nhiều lần. Rồi chú đội một chiếc mũ vải và mặc bộ quần áo cũ đã chật và ra ga xe lửa địa phương kiếm ăn.Chú đứng ở ngoài cửa ra vào trông có vẻ đói và mệt, chờ một số hành khách bước ra ngoài và nói với họ rằng những khách sạn chính ở Boston đều gần ga xe lửa, không cần phải thuê taxi hoặc xe cộ gì khác, mà chú sẵn sang chở hành lý cho họ với 20 phần trăm giá taxi thôi. Chú còn thuyết phục họ là đi bộ cho khỏe người. Cứ như thế làm mỗi ngày sáu tiếng chú đã có thể kiếm được suýt soát 4 đôla.
Năm ngày trước khi kỳ học mới bắt đầu, chú đã có thể phục hồi được khoản bị mất và còn kiếm thêm được 10 đôla lợi nhuận. Nhưng đến đây chú gặp phải một vấn đề. Những tay lái taxi đã bắt đầu khó chịu với chú. William bèn nói với họ là chú chỉ mới có chín tuổi, nhưng chú sẵn sàng rút lui khỏi chỗ này nếu mỗi người giúp cho chú 50 xu để chú bù vào cái tiền chú đã phải mua vật liệu để làm lấy chiếc xe chở đồ. Họ đồng ý ngay. Thế là chú lại kiếm được them 8,50 đôla nữa. Trên đường trở về nhà trên đồi Beacon, William bán lại chiếc xe đó với giá 2 đôla cho một bạn học lớn hơn chú hai tuổi, anh bạn kia tưởng có thể kiếm ăn bằng chiếc xe đó được, nhưng những tay lái taxi không cho, vả lại trời mưa suốt nhưng ngày còn lại trong tuần.
Ngày trở về trường học, William lại gửi tiền vào ngân hang với lãi suất 2,5 phần trăm. Trong suốt năm học sau đó, chú không có điều gì đáng lo ngại vì tiền tiết kiệm của chú vẫn tiếp tục tăng lên. Việc con tàu Lusitania bị đắm vào tháng năm 1915 và lời tuyên chiến của Tổng thống Wilson đối với Đức năm 1917 không làm cho William bận tâm. Chú cam đoan với mẹ chú là chẳng có gì và chẳng có ai đánh nổi nước Mỹ đâu. William còn bỏ ra 10 đôla mua công trái tự do để chứng minh nhận định của chú là đúng.
Đến ngày sinh nhật lần thứ mười một của William, cuốn sổ thu chi riêng của chú cho thấy chú đã thu được lợi nhuận 412 đôla. Chú mua tặng mẹ chiếc bút máy và tặng bà nội bà ngoại hai chiếc trâm cài áo mua ở cửa hang vàng bạc địa phương. Chiếc bút máy có nhãn hiệu Parler, còn hai chiếc trâm được gói vào những hộp đồ trang sức đặc biệt gửi về tận nhà cho hai cụ. Không phải là chú có ý lừa dối gì các cụ bằng những thứ bao bì rất đẹp ấy, mà chính chú đã rút được kinh nghiệm hồi bán nhãn diêm, biết rằng bao bì càng đẹp càng dễ bán sản phẩm. Các cụ thấy hộp đồ mang nhãn hiệu Shreve, Crump và Low, lấy làm hãnh diện về những chiếc trâm của mình và luôn luôn cài trên áo.
Các cụ theo dõi từng bước của William và quyết định rằng đến tháng Chín năm tới sẽ chuyển chú đến học ở trường St Paul, ở Concord bang New Hamphires như trước đây đã dự kiến. Chú lại được hưởng học bổng cho môn toán, đỡ được khoản 300 đôla một năm cho gia đình mà thực ra điều đó không cần thiết. Vì vậy mặc dầu William nhận học bổng nhưng các cụ vẫn trả lại tiền cho nhà trường để "nhường cho những đứa trẻ ít may mắn hơn". Anne không thích chuyện William phải xa mẹ để vào trường nội trú, nhưng các cụ đã muốn như vậy, hơn nữa, chị biết rằng trước đây Richard đã muốn như vậy. Chị thêu tên đánh dấu vào những đồ dùng của William, giày dép, quần áo, và cuối cùng chị đích than sửa soạn hòm xiểng cho chú, không nhờ ai giúp đỡ. Khi William sắp sửa lên đường, mẹ chú hỏi, chú cần bao nhiêu tiền túi cho học kỳ sắp tới.
- Con không cần, - chú trả lời gọn.
William hôn vào má mẹ. Chú không hiểu được mẹ chú sẽ nhớ chú như thế nào.
Chú đi xuống đường, mặc chiếc quần dài đầu tiên trong đời, tóc cắt rất ngăn, tay xách chiếc vali nhỏ, và chiếc xe Rolls-Royce. Chiếc xe đưa chú đi. Chú không ngoái cổ lại. Mẹ chú cứ vẫy tay mãi rồi khóc. William cũng muốn khóc, nhưng chú biết giá bố còn sống thì bố sẽ không bằng lòng như vậy.
Điều đầu tiên William Kane thấy rất lạ là ở trường này, tất cả những học sinh khác không ai cần biết rằng chú là ai. Ở đây không còn những cái nhìn trầm trồ hoặc im lặng thừa nhận sự có mặt của chú nữa. Một đứa nhiều tuổi hơn hỏi tên chú là gì, nhưng sau khi chú nói tên rồi, không thấy nó tỏ vẻ xúc động gì hết. Thậm chứ có đứa gọi chú là Bill (tên tắt của William). Chú đã phải cải chính ngay và giải rằng xưa kia không ai gọi bố chú là Dick (tên tắt của Richard) cả.
Cơ ngơi mới của chú là một căn phòng nhỏ với những giá sach bằng gỗ, hai chiếc bàn, hai ghế, hai giường với một chiếc ghế dài bọc da đã hơi cũ. Bàn ghế và chiếc giường kia là của một cậu học sinh khác từ New York tới, có tên là Matthew Lester. Bố cậu ta là Chủ tịch công ty Lester ở New York, cũng là một gia đình ngân hàng.
William đã sớm quen ngay với những giờ giấc hang ngày ở trường. Bảy giờ rưỡi sang ngủ dậy, tắm rửa, ăn sang ở phòng ăn lớn với cả trường, 220 học sinh hối hả với những món ăn trứng, thịt rán và cháo kê. Ăn sang xong vào nhà thờ, rồi vào lớp, trước bữa ăn trưa có ba tiết, mỗi tiết 50 phút, sau bữa ăn trưa có hai tiết nữa, rồi tiếp theo đó là bài học nhạc mà William rất ghét vì chúng không thể nào hát được cho đúng nốt và chú cũng không hề có ý muốn học chơi bất cứ một thứ nhạc cụ nào. Bóng đá vào mùa thu, khúc côn cầu và bóng quần vào mùa đông, chèo thuyền và quần vợt vào mùa xuân, ngoài những thứ đó ra, chú không còn mất thời giờ làm gì khác. Vì là học lớp chuyên toán nên mỗi tuần William lại có ba buổi được phụ đạo đặc biệt do ông thầy thuê riêng tên là G.Raglan phụ trách. Bọn trẻ đặt cho ông thầy này một biệt danh, gọi là ông "Xấu tính".
Trong năm học đầu, William tỏ ra rất xứng đáng với học bổng của chú, luôn luôn dẫn đầu ở tất cả các môn và cả trong lớp chuyên toán. Chỉ có anh bạn mới, Matthew Laster, là đối thủ thực sự với chú, vì hai người cùng ở một phòng với nhau. Trong khi theo học chính quy như vậy, William vẫn tỏ ra mình là một nhà tài chính. Mặc dầu chuyến đầu tư của chú không thành công, chú vẫn không từ bỏ niềm tin của mình là thế nào rồi cũng thu về được món tiền lớn, và chú cho rằng giành được nó trên thị trường chứng khoán mới là quan trọng. Chú theo dõi tờ Nhật báo phố Wall và báo cáo của các công ty. Mới mười hai tuổi, chú đã bắt đầu thí nghiệm làm những cuộc đầu tư vào một hồ sơ giả. Chú ghi lại tất cả những cuộc mua bán giả, cái tốt và cái không tôt lắm, vào một cuốn sổ khác màu, rồi đến cuối tháng đem so sánh những dự tính của mình với thị trường xem sao. Chú không theo những chứng khoán đã có trong danh sách mà tập trung vào một số những công ty vô danh nào đó không có khả năng mua vào nhiều hơn những cổ phần họ có được. William tự quy ước cho mình bốn điều trong đầu là: bội số thu nhập thấp, tỷ lệ phát triển cao, cơ sở tài sản mạnh, và triển vọng kinh doanh thuận lợi. Chú thấy ít có chỗ nào cổ phần đáp ứng được đầy đủ những tiêu chuẩn chú đặt ra như vậy. Nhưng chú tình nếu mình đã làm thì phải trông thấy lợi nhuận mới được.
Đến lúc chú thấy rằng chương trình đầu tư ma của mình đã có thể liên tục thắng được những chỉ tiêu Down Jones, thế là William biết rằng đã có thể bỏ tiền ra đầu tư được rồi. Chú bắt đầu với 100 dôla và luôn luôn cải tiến phương pháp của mình. Chú theo sát lợi nhuận và giảm bớt hao hụt. Một khi chứng khoán tăng lên gấp đôi, chú đem bán ngay một nửa cổ phần, giữ lại nguyên một nửa không suy chuyển và kinh doanh phần chứng khoán còn lại của chú, coi như đó là một phần thưởng của lãi suất. Một số những công ty chú phát hiện ra lúc đầu, như Eastman Kodak và I.B.M sau trở thành những công ty đứng đầu ở quy mô toàn quốc. Chú cũng ủng hộ cả công ty Sears, một công ty kinh doanh hàm thụ, vì chú cho rằng càng về sau này nó sẽ là một khuynh hướng phổ biến trong cách mua bán.
Vào khoảng cuối năm học đầu tiên ở trường, chú đã trở thành cố vấn cho nửa số nhân viên và một số phụ huynh học sinh về chuyện làm ăn. William Kane thấy mình ở trường rất hạnh phúc.
* * *
William đi học ở St. Paul nên ở nhà chỉ còn có một mình Anne Kane đơn độc với hai bà nội và bà ngoại giờ đã mỗi lúc một già thêm. Chị lấy làm buồn thấy mình đã ngoài ba mươi tuổi rồi, và cái tươi đẹp của tuổi trẻ trước đây bây giờ đã biến đi đâu mất. Chị bắt đầu liên hệ lại với những bạn cũ do cái chết của Richard làm cho đứt đoạn. John và Milly Preston, mẹ đỡ đầu của William, lại mời chị đi ăn và đi xem hát, lần nào cũng chú ý kéo thêm một người đàn ông để cho Anne có bạn. Những người mà vợ chồng Preston mời đi theo thường là những người mà Anne thấy khủng khiếp, và chị cười thầm với mình mỗi khi họ tỏ ra muốn ve vãn. Cho đến một hôm vào tháng giêng 1919, sau ngày William về nghỉ đông và đã trở lại trường, Anne được mời đến dự bữa ăn thân mật bốn người. Milly thú thật với chị là họ chưa hề gặp người khách này bao giờ, chỉ biết đó là Henry Osborne và nghe như trước đây cùng học với John ở Harvard.
Milly nói trên điện thoại:
- Thực ra John không biết rõ lắm về anh ấy, có điều John bảo anh ta khá đẹp trai.
Về điều này, cả Anne và Milly đều công nhận ý kiến của John là đúng. Lúc Anne đến, anh ta đang ngồi bên lò sưởi. Anh ta đứng ngay dậy để chờ Milly giới thiệu. Người cao lớn, tóc đen, mắt đen, dong dỏng và có dáng thể thao. Anne cảm thấy hài lòng được ngồi nói chuyện buổi tối với một người đàn ông trẻ đẹp và có vẻ cương nghị, còn Milly thì cũng bằng lòng với ông chồng đang bước vào tuổi trung niên so với anh bạn học cũ kia. Henry Osborne phải đeo tay vào một sợi băng gần che lấp chiếc cavát Harvard trên ngực.
- Anh là thương bình ư? – Anne hỏi với giọng thương cảm.
- Không, tôi bị ngã cầu thang ngay sau cái tuần ở mặt trận phía Tây về, - anh ta cười nói.
Đó là một trong những bữa ăn khá hiếm đối với Anne, vì thời gian trôi đi một cách vui vẻ nhẹ nhõm. Henry Osborne trả lời tất cả những gì Anne tò mò muốn hỏi. Sau khi rời trường Harvard, anh ta làm việc cho một công ty quản lý nhà đất ở Chicago là nơi anh ta sinh trưởng. Chiến tranh nổ ra, anh không thể không tham gia. Anh có cả một kho chuyện lý thú về châu Âu và về cuộc đời anh đóng vai một trung úy đứng ra bảo vệ danh dự của nước Mỹ ở trận Marne. Từ sau khi Richard mất đi, Milly và John chưa từng thấy Anne cười nhiều như thế bao giờ, và lúc Henry đề nghị đánh xe đưa chị về nhà thì họ mỉm cười nhìn nhau ra vẻ hiểu ý.
- Bây giờ sau khi đã trở về với đất của những anh hùng này, anh định sẽ làm gì đây? Anne hỏi trong khi Henry Osborne đánh chiếc xe Stutz ra ngoài và đi vào phố Charles.
- Tôi chưa định gì hết, - anh ta đáp. – May mà tôi còn một ít tiền riêng nên chưa vội lao vào chuyện gì hết. Có thể tôi sẽ tiến hành đặt ngay công ty nhà đất của tôi ở Boston này. Từ hồi ở trường Harvard, tôi vẫn luôn luôn cảm thấy gần gũi với thành phố này.
- Vậy anh không quay về Chicago nữa ư?
- Không, tôi chả còn gì ở đó. Cha mẹ tôi đã chết cả, mà tôi lại là con một, vì vậy tôi có thể lại bắt đầu ở bất cứ chỗ nào cũng được. Ta phải đi hướng nào đây?
- Ô, rẽ sang phải ở ngã tư đầu, - Anne nói.
- Chị ở trên đồi Beacon ư?
- Vâng. Khoảng hơn một trăm thước phía bên phải trên đường Chesnut, có ngôi nhà đỏ ở góc quảng trường Louisburg ấy.
Henry Osborne đỗ xe lại và đưa Anne đến tận cửa nhà. Chào và chúc ngủ ngon xong, anh ta đi ngay mà Anne chưa kịp cảm ơn. Chị nhìn theo xe anh ta từ từ đi xuống đồi Beacon, biết rằng thế nào cũng còn gặp lại. Ngay sáng hôm sau, chị lấy làm sung sướng tuy không ngạc nhiên lắm thấy anh ta gọi điện thoại lại cho chị.
- Dàn nhạc giao hưởng Boston, Mozart với một nhân tài mới rất sôi nổi, Mahler, vào thứ hai tới, mời chị đi được không?
Anne bối rối thấy mình mong cho chóng đến thứ hai. Hình như đã lâu lắm chị mới thấy có một người mà chị cho là hấp dẫn theo đuổi chị. Henry Osborne đến rất đúng giờ hẹn. Hai người bắt tay nhau hơi ngượng ngập. Chị mời anh ta uống một cốc wisky.
- Ở trên quảng trường Louisburg này cũng thú vị lắm nhỉ. Chị thật là một người may mắn.
- Vâng, có lẽ thế. Thực ra tôi cũng không để ý lắm. Tôi sinh trưởng trên đại lộ Commonwealth kia. Tôi thì lại cho là ở chỗ này hơi bí.
- Tôi đang nghĩ nếu tôi quyết định ở lại Boston thì có thể mua một ngôi nhà ở ngay trên đồi này.
- Người ta không có sẵn nhà bán như vậy nhiều lắm đâu, - Anne nói, - Nhưng có thể anh sẽ may mắn mua được. Ta đi thôi chứ? Đi nghe hòa nhạc mà đến muộn và phải dẫm lên chân người khác để vào chỗ ngồi của mình thì chán lắm.
Henry liếc nhìn đồng hồ tay.
- Vâng, tôi cũng thấy thế. Vả lại cũng còn phải xem nhạc trưởng bước vào nữa chứ. Tuy nhiên, chị không phải lo giẫm lên chân ai trừ chân tôi, vì chúng ta ngồi ở đầu hàng ghế.
Sau buổi hòa nhạc thú vị ấy, Henry cầm tay Anne dẫn chị vào nhà hàng Ritz, và anh ta cho điều đó là tự nhiên. Từ sau khi Richard mất, chỉ có William là người đã cầm tay chị nhưng phải nói mãi chú mới làm vì chú cho rằng như thế là có tính đàn bà. Lại một lần nữa, thời gian trôi qua nhanh, không biết đó là do món ăn ngon hay do có Henry cùng đi? Lần này, anh ta kể những chuyện về Harvard làm cho chị cười, và những kỷ niệm biết rằng trông bề ngoài anh ta trẻ hơn chị, nhưng đời anh ta đã trải qua rất nhiều sự kiện nên ngồi trước mặt anh ta, chị cảm thấy mình bé nhỏ và ngây thơ hơn nhiều. Chị nói lại cho anh ta biết về cái chết của chồng chị, và lại khóc. Anh ta cầm lấy tay chị. Chị nói về đứa con trai của mình, nhưng Anne biết chắc là anh ta thấy thiếu gia đình lắm. Đêm đó đưa chị về nhà, anh ta nán ngồi lại uống rượu một lát rồi lúc ra về hôn vào má chị. Trước khi ngủ, Anne ôn lại trong đầu từng phút hai người đã ở bên nhau.
Ngày thứ ba, họ lại cùng nhau đi xem hát. Thứ tư, họ rủ nhau lên thăm ngôi nhà nghỉ hè của Anne ở Bờ Bắc. Thứ năm, rủ nhau về nông thôn Massachusetts phủ đầy băng tuyết. Thứ sáu, đi mua đồ cổ và thứ bảy thì làm tình với nhau. Sau ngày chủ nhật, hai người hầu như không rời nhau nữa. Milly và John Preston hoàn toàn sung sướng thấy việc giới thiệu của mình như thế là đã rất thành công. Milly đến khắp nơi ở Boston khoe với mọi người rằng chính chị đã làm cho hai người gắn bó với nhau được.
Không ai ngạc nhiên đối với việc hai người tuyên bố đính hôn với nhau mùa hè năm đó, trừ có một người là William. Chú đã tỏ ra không thích Henry ngay từ cái hôm Anne, với một vẻ ngần ngại, đã giới thiệu hai người với nhau. Câu chuyện đầu tiên diễn ra dưới dạng Henry thì hỏi rất nhiều, tỏ ra muốn thân mật, nhưng William thì toàn trả lời nhát gừng, ra vẻ không ưa anh ta. Từ đó William vẫn cứ như thế. Anne cho rằng chẳng qua con mình ghen đó thôi, vì sau khi Richard qua đời chỉ có William là người thân yêu nhất. Hơn nữa, William luôn luôn cho rằng sau khi bố chú mất đi, trên đời này không thể có ai thay thế vào đó được nữa. Anne cố thuyết phục Henry rằng với thời gian rồi William sẽ thay đổi tính nết và thái độ lạnh nhạt của chú.
Anne Kane trở thành bà Osborne vào tháng mười năm đó ở nhà thờ của giáo phái Episcopan tại St. Paul, đúng vào lúc lá vàng bắt đầu rụng, tức là khoảng hơn chín tháng kể từ ngày họ mới gặp nhau. William giả vờ ốm để khỏi đến dự đám cưới, và chú cũng quyết định ở lại trường luôn. Các cụ nội ngoại đều có tham dự nhưng không giấu được sự bất bình của các cụ đối với việc Anne tái giá, nhất là lại đi lấy một người có vẻ trẻ hơn chị rất nhiều. Bà nội Kane nói: - Thế nà rồi cũng kết thúc bằng một tai họa.
Đôi vợ chồng mới ngay ngày hôm sau đáp tàu đi Hy Lạp cho đến tận giữa tháng chạp mới trở về căn nhà đỏ trên đồi, vừa đúng lúc để đón William về nghỉ những ngày lễ Giáng sinh. William khó chịu khi thấy ngôi nhà đã trang hoàng lại, hầu như không còn dấu vết gì của cha chú nữa. Qua lễ Giáng sinh, thái độ của William đối với ông bố dượng vẫn không tỏ ra dịu đi chút nào, mặc dầu Henry đã tặng chú chiếc xe đạp mới và chú vẫn hiểu đó là một thứ hối lộ. Henry Osborne vẫn kiên nhẫn chịu đựng thái độ ấy và không thèm nói gì nữa. Anne lấy làm buồn thấy anh chồng mới tuyệt vời của mình không tỏ ra cố gắng tranh thủ cảm tình gì của con mình nữa.
William cảm thấy bực dọc về chuyện ngôi nhà của mình bị người khác xâm chiếm. chú thường biến đi đâu chơi cả ngày. Khi Anne hỏi chú đi đâu, chú chỉ ậm ừ hoặc không nói gì. Các cụ bà cũng thấy vắng chú nhưng không hỏi. Những ngày nghỉ lễ Giáng sinh vừa hết là William trở lại trường ngay. Thấy chú đi, Henry cũng không lấy gì làm buồn.
Còn Anne thì lấy làm lo ngại đối với cả chồng và con.