không mọc được, dù có mọc cũng cằn cỗi không ra cái gì vì thiếu nước. Thành thử hằng năm, cứ vào cuối hạ sang thu là hai chị em lại bắt đầu lo lắm.
Mỹ Ngọc vẫn với giọng thản nhiên chịu đựng :
- Ồ ! Trời sanh trời dưỡng, lo gì em ? Miễn là chị em mình không ăn bơ làm biếng thì đâu có lo gì đói khổ…
Dứt lời, cô chị gái can đảm đứng lên quay nhìn Ái Lan :
- Các chị bắt tội em phải nghe chuyện riêng tư mãi ! Thôi ! Để chị đi pha một ấm trà Bảo Lộc thật ngon em uống nghe ! Các chị hãy còn "giàu" lắm, dư sức tặng em một chầu nước trà sen thượng hảo hạng mà !
Ái Lan định lên tiếng chối từ, nhưng em cắn môi nín kịp : chút xíu nữa là em đã làm tổn thương lòng tự ái của hai người bạn mới, nghèo tiền ít bạc, nhưng tinh thần bảo trọng nhân cách lại rất nhiều. Và em tự nhủ thầm :
"Mình chỉ muốn có cách gì giúp đỡ Ngọc Liên ! Nhưng làm sao đây ? Không lẽ lại trả tiền bánh và nước trà cho các chị ? Như vậy đâu có được ! À… hay là mình đi mua vải, rồi nhờ chị Ngọc cắt may ình một bộ áo đầm ? Ờ ! Phải đấy !"
Một lúc sau, Mỹ Ngọc ở trong bếp đi ra, bưng một cái khay gỗ, trên để một ấm nước trà bốc khói và một đĩa tây bánh ngọt. Và Ngọc nhẹ nhàng bầy bánh rót nước vào mấy chiếc tách Nhật Bản xinh xinh, cử chỉ nhẹ nhàng khéo léo và đĩnh đạc như một vị nữ chủ nhân tỉ phú tiếp đãi các quan khách vào hàng vương giả, trong một thính phòng lộng lẫy huy hoàng nơi cung điện.
Ái Lan thích thú ăn bánh uống nước rất ngon lành, nức nở khen :
- Thật chưa bao giờ em được ăn uống khoái khẩu bằng ăn bánh và uống nước của chị Ngọc ?
Tiệc bánh hầu tàn, ba cô gái vừa nhấm nháp nước chè sen thơm ngát vừa chuyện trò và đưa mắt ngắm những giọt nước mưa đang gõ đều đều lên mặt cửa kính. Tia mắt Ái Lan bỗng ngưng lại nhìn ngắm một bức tranh sơn thủy rất đẹp, lồng khung kính treo trên tường. Mỹ Liên thấy Ái Lan mải mê ngắm tranh, đột ngột lên tiếng :
- Kỷ vật của bác Doanh đó ! Buồn ghê ! Nếu bác còn sống thì đâu đến nỗi này !
Ái Lan giật nẩy mình. Bác Doanh... ? Bác Doanh mà Mỹ Liên vừa nói đó là bác Doanh nào vậy ? Hay là cụ Phạm Tú Doanh đó ?... Hừ, có thể lắm, phải, biết đâu ? Bên tai Ái Lan lại văng vẳng lời kể chuyện của luật sư Minh, ba em : "... trong số những người xứng đáng được ghi tên trong tờ di chúc của cụ Doanh, có hai cô gái nghèo hiện đang khai thác một cái nông trại hẻo lánh tại Lạc Dương..." Tia mắt Ái Lan sáng lên đồng thời trí óc em lóe rõ một tia mừng phấn khởi : "Mình phải hỏi cho ra chuyện này mới được !"
Tự nhiên như không, em lên tiếng hỏi :
- Ông bác của hai chị mất được bao lâu rồi ?
Mỹ Ngọc trả lời thay em :
- Thực ra thì bác Doanh không phải là bác ruột của hai chị. Mà bà con dòng họ cũng không nữa. Nhưng tụi chị thương mến bác hơn người thân thích ruột thịt kia, em à !
Giọng nói của Mỹ Ngọc nghẹn ngào, ướt sũng mùi nước mắt. Ngọc ngưng lại một lúc lâu, rồi như gắng gượng lắm, cô mới tiếp tục kể :
- Bác Doanh trước kia khai thác một sở cam ở kế bên nông trại của ba má chị. Ba má chị kể lại rằng, sau khi bác Doanh gái mất đi, bác không tục huyền nữa. Ngày ngày, xong công việc săn sóc vườn cam, bác chỉ qua bên này trò chuyện với ba má chị, coi chị và Mỹ Liên như con mình. Hồi đó, chị và Liên còn bé, được bác quý lắm vì một phần là bác không có con. Thế rồi, sau khi ba má chị mất, thì không biết bác nghĩ sao lại bỏ sở cam ra đi một nơi chốn nào. Và từ đó "giậu đổ bìm leo", bao nhiêu chuyện đau buồn rủi ro cứ theo nhau giáng vào hai đứa con côi cút là Mỹ Liên và chị...
Mỹ Liên láu táu :
- Ờ, phải đấy ! Ái Lan ! Bác Doanh tử tế lắm ! Nhiều người không biết cứ bảo bác những là quê mùa, cổ hủ ... gì gì nữa đó, nhưng có ở gần bác mới biết. Bác bỏ đi đâu mất được ít lâu thì Liên và chị Ngọc nghe tin là bác được người anh em bà con đón về ở chung nhà trên Đà Lạt, cái ông gì đó này... à, Phàm, Phạm Văn Phàm gì đó, đúng rồi !
Mỹ Ngọc :
- Nhưng tụi chị biết rõ là ở với ông Phàm, bác Doanh chẳng được chút nào vui thỏa hết ! Gia đình ông này chẳng có người nào tử tế cả, đối xử với bác Doanh hết sức "ráo máng cạn tàu". Lại còn ra miệng ngăn cấm bác không được giao thiệp đi lại chuyện trò với ai. Vậy mà đôi khi bác vẫn mò được về đến tận đây thăm nom chị và Liên đấy. Nhưng hình như bác không dám để nhà ông Phàm biết thì phải ! Đúng vậy không, Mỹ Liên ?
- Ừ, đúng rồi ! Lúc nào bác Doanh cũng bảo rằng bác coi hai chị em Liên như con ruột vậy ! Nhất là khi ba má mất rồi, bác đã nói ra miệng là bác không để cho chị em Liên phải thiếu thốn một thứ gì hết. À, Liên còn nhớ cái lần sau chót bác ở Đà Lạt về, bác cho biết là bác đã quyết định ghi tên hai chị em vào lá chúc thư để của cho đó. Đây này, Liên còn nhớ cả lời bác nói vào tai hai chị em như sau : Các con cứ yên tâm ! Bác sẽ để dành cho hai con một món quà quý lắm ! Chưa biết là cái gì, nhưng rồi sau này hai đứa sẽ rõ. Người ta sẽ chuyển đến tận tay các con, ý muốn cuối cùng của bác nghe !". Đó ! lời bác Doanh nói đúng như vậy đó !
Mỹ Ngọc, giọng nói thoáng đượm đôi phần cay đắng :
- Và bây giờ thì, gia đình ông Phàm nghiễm nhiên sẽ tọa hưởng toàn phần cái di sản của bác Doanh ! Nói cho đúng, thì hai chị thật tình cũng chẳng đặt nặng vấn đề thừa hưởng gia tài của bác đâu, nhưng có điều lạ lùng là tại sao cái quyền đó lại có thể lọt vào tay nhà Phạm Văn