Hành Lang Hai Lớp

Chương 47: Vở Kịch Dang Dở



Thủ quỹ căng thẳng cầm phấn đứng trên bục giảng, đã hơn 20 phút mà nhỏ vẫn chưa thể giải được bài tập Hoá cô giao. Nhỏ không đếm được số lần mình đọc lại đề bài trên bảng là bao nhiêu, đọc đi đọc lại vẫn không biết phải giải như thế nào, sát bên cạnh cô Hoá còn cầm thước nhìn chằm chằm khiến đầu nhỏ trống trơn.

"Về chỗ đi." Giọng cô Hoá lạnh tanh.

Thủ quỹ không dám thở mạnh đặt phấn xuống, vừa ngồi vào chỗ ngồi đã nghe thấy giọng cô Hoá vừa mỉa mai vừa trách móc: "Học thì không lo học, suốt ngày lo chuyện bao đồng. Các cô cậu có biết mình đã lên 12 và toàn thời gian chỉ có thể tập trung vào học và ôn tập thôi không? Mới có mấy tháng đầu mà các cô cậu đi xuống chứ không một ai tiến bộ đây này! Có một bài đơn giản mà cũng không làm được những bước cơ bản nữa. Có muốn tốt nghiệp và thi Đại Học không? Đã yếu kém thì phải dốc sức vào mà học tập chứ? Mấy cái trò nghệ vặt vãnh ấy đáng để các cô cậu đánh đổi thời gian à? Không muốn học thì nói một tiếng, tôi dâng luôn thời gian một tiết của mình cho các cô cậu nhảy múa."

Cả lớp A1 im bặt, mắt thủ quỹ đỏ dần cuối cùng cũng nấc lên một tiếng, nước mắt ngắn dài nóng hổi lăn trên má.

"Khóc gì mà khóc? Oan uổng lắm sao?" Cô Hoá cầm thước gõ xuống bàn nhìn chằm chằm thủ quỹ lớn tiếng hỏi. "Chỉ có ăn với học mà cũng không làm được thì sau này làm gì?"

Thủ quỹ lắc đầu, nước mắt càng rơi nhiều hơn.

Việt Chinh siết chặt cây bút trong tay, nhỏ nhìn quanh cả lớp thấy đứa nào cũng cúi gầm mặt, Ý Lan ngồi cách đó không xa một tay chống trán, một tay cầm bút viết nguệch ngoạc gì đó xuống giấy, lớp trưởng cũng mệt mỏi mà chịu đựng. Bên tai vừa có tiếng khóc của thủ quỹ vừa có tiếng cô Hoá càng nói càng nặng lời.

"Thưa cô!" Việt Chinh đứng dậy ngắt lời cô Hoá, "Cô đang nói oan cho bọn em quá."

Cả lớp đồng loạt ngẩng đầu nhìn về phía Việt Chinh, cô bạn thấp bé và rụt rè nhất lớp đang đứng thẳng lưng "bật" lại giáo viên.

Giọng Việt Chinh hơi run, cây bút trong tay bị nhỏ nắm chặt che giấu đi sợ hãi của mình:

"Tất cả bọn em đều biết năm nay là năm quan trọng nên đều cố gắng học tập, không chỉ môn của cô mà còn có các môn khác nữa. Nhưng bọn em không thể cứ học 24/24 được, bọn em cần nghỉ ngơi, thư giãn, và kết nối với nhau, thời gian ấy bọn em cùng nhau làm một chuyện gì đó lưu giữ năm cuối cấp, hoàn toàn không lơ là hay ảnh hưởng đến việc học. Bọn em cũng không phải chỉ ăn với học, có bạn tan trường xong còn phải phụ giúp gia đình bán hàng, chăm em, nấu cơm, làm việc nhà,... những việc nhỏ nhặt nhưng bọn em cũng phải bỏ thời gian một ngày vào đó."

Lớp 12 thật sự có rất nhiều bài vở và áp lực, ngoài học các bài chính trên sách tụi nó còn làm thử các dạng đề thi những năm trước, học thêm cái này cái nọ, tất cả mọi người như bỏ ra một ngàn phần trăm công sức vào năm này. Việt Chinh biết các bạn cùng lớp đã nổ lực như thế nào vì chính bản thân nhỏ cũng đang hết mình chạy đua với thời gian. Nhưng là con người ai mà chẳng có lúc mệt mỏi? Người lớn hay bảo chỉ có học cũng không nên hồn, nhưng việc học cũng mệt, thật sự rất mệt, có những đêm tụi nó nhìn một loạt đề mà chẳng biết bắt đầu từ đâu. Sáng sớm cả lớp lại nhìn nhau cười với khuôn mặt phờ phạc và quầng thâm đậm màu dưới mắt. Những phút giây tụi nó thả lỏng nhất có lẽ là một vài tiếng hiếm hoi tập văn nghệ cùng nhau.

Việt Chinh cảm thấy mình may mắn hơn các bạn rất nhiều, ba mẹ nhỏ vừa tâm lý vừa quan tâm đến cảm xúc của con gái, nhỏ còn có Trí kèm cặp và động viên mỗi ngày. Nhưng các bạn khác thì không được như thế, cậu bạn-bị-kẹt-đầu-ở-cửa-sổ ngày nào cũng nấu cơm ba bữa cho gia đình và dọn dẹp nhà cửa tươm tất vì ba mẹ đi làm bận bịu. Tổ trưởng tổ 1 tan học phải ôm cả cặp sách ra đầu khu chợ phụ mẹ bán hàng. Nhỏ cùng bàn với Ý Lan vừa học vừa phải chăm mẹ và em gái bị bệnh,... Hay cho dù không cần phải lo lắng việc nhà, không cần phụ giúp ba mẹ thì một vài đứa vẫn phải tự vật lộn với tâm lý không vững vàng của bọn nó.

"Bọn em đến trường ngoài việc tiếp thu kiến thức từ cô còn mong sẽ nhận được sự thấu hiểu nữa ạ, chứ không phải những lời khó nghe như thế."

Cô Hoá giận tím cả người, việc một đứa học sinh đứng dậy cắt ngang lời cô đã không thể chấp nhận huống hồ còn trách ngược lại rằng cô không thấu hiểu. Cô vớ lấy cuốn sổ đầu bài trên bàn, vừa viết xuống những dòng phê bình vừa lớn giọng:

"Bây giờ các cô cậu còn dám kể khổ? Ngày xưa tôi đi học không sướng như các cô cậu bây giờ, tôi cũng phải làm cả tá việc từ ngoài đồng đến việc nhà mà có hề kêu ca. Tôi còn thiếu ăn thiếu mặc, thiếu ánh đèn và các phương tiện tiên tiến như bây giờ, tôi cũng chưa hề than khóc. Bây giờ các cô cậu có tất cả mọi thứ, kể cả không khá giả thì vẫn tốt hơn tôi rất nhiều so với ngày xưa. Tôi không hiểu các cô cậu thiếu thốn gì để hở tí là cần thấu hiểu, hở tí là trầm cảm. Chỉ có mỗi việc học mà thôi!" Cô Hoá vừa dứt lời con F cũng xuất hiện ở cột đánh giá tiết học, cô mang cơn giận cầm tài liệu giảng dạy rời đi.

Thủ quỹ bật khóc nức nở, Ý Lan rời chỗ lại ôm nhỏ vào lòng như một lời an ủi dịu dàng.

"Tao mệt lắm... Tao học không vào, tao không hiểu gì cả... Có khi nào tao rớt tốt nghiệp không? Có khi nào tao không đậu được trường tao muốn vào không?" Thủ quỹ nghẹn ngào nói lên nỗi bi quan của mình.

Ý Lan vỗ vỗ lên lưng thủ quỹ, "Không đâu, tất cả chúng ta đều sẽ vượt qua tất cả các kì thi mà."

Việt Chinh vẫn đứng ngây người, tay ướt đẫm mồ hôi, trên bảng vẫn còn đề bài tập Hoá chưa có lời giải. Cậu bạn-bị-kẹt-đầu-ở-cửa-sổ lại gần chạm nhẹ vào vai nhỏ, cậu cất đi vẻ hay vui đùa tưng tửng thường ngày để nghiêm túc nói với Việt Chinh một câu cảm ơn.

"Cảm ơn bạn đã đứng lên nói tiếng lòng của cả lớp."

Việt Chinh thả lỏng tay cười với cậu bạn, nhỏ nhìn quanh lớp, các bạn không vui vẻ nhưng trao cho nhỏ gương mặt rất đỗi tự hào. Ý Lan đứng ngay bàn của thủ quỹ vẫy vẫy tay nhỏ lại. Việt Chinh bước lại gần thủ quỹ đã vòng tay ôm chặt lấy người nhỏ, thút thít nói cảm ơn.

Việt Chinh đưa tay vén mấy cọng tóc ra sau tai thủ quỹ an ủi: "Không sao đâu, ai cũng biết bạn cố gắng nhiều mà."

Lời nói vừa dứt thủ quỹ như bị chạm vào điều tủi thân lại khóc òa lên. Tiếng khóc của thủ quỹ vô tình đánh vào những mệt mỏi lâu ngày không ai thấy rõ của bọn con gái, mấy đứa cũng bắt đầu nước mắt ầng ậc. Ý Lan nhìn cũng chẳng đành lòng, "Mọi người lại đây nào."

Ý Lan kéo tay tụi con gái lại gần bao bọc cả Việt Chinh và thủ quỹ, cái ôm thật lớn này vỗ về bọn nó biết bao.

Bọn con trai đứng quanh cũng chỉ biết thở dài, nghe tiếng khóc của bọn con gái tụi nó cũng thấy bức bối khó chịu, nhưng có lẽ lúc này chỉ có khóc mới thấy thoải mái hơn.

Việt Chinh cảm nhận được từng cái siết chặt quanh người, vải vóc và những cánh tay yếu mềm vây quanh nhỏ, cơn sợ hãi vì đối mặt với cô Hoá bỗng chốc tan biến. Nhỏ đã nghĩ liệu mình có đúng hay không khi phản biện lại lời cô, nhưng đúng hay sai không còn quan trọng nữa, cô có hiểu hay không cũng không quan trọng nữa, quan trọng là tụi nó hiểu nhau và ở bên nhau, dùng những cố gắng để ủng hộ và động viên nhau.

Thầy Toán bước vào lớp khi thủ quỹ vẫn còn thút thít, đám con gái mắt vẫn còn đỏ hoe, lớp học thiếu một vài người, thầy kinh ngạc hỏi: "Mấy đứa sao thế?"

Thủ quỹ đã bình tĩnh nhưng vẫn rất nhạy cảm, vì cái nhìn của thầy mà nhỏ lại không kiềm được nước mắt của mình khiến thầy bối rối tưởng rằng mình đã quá to tiếng với cô trò. Ý Lan bước lên gần bục giải thích ngắn gọn tâm lý đang chịu áp lực của thủ quỹ cũng như cả lớp, nghe xong thầy thở phào một hơi: "Không có gì là được rồi, tiết này thầy cho nghỉ đấy, đừng làm ồn là được để thầy chấm bài."

Trống một tiết dù có giáo viên đến lớp nhưng hôm nay đám trò chẳng ai reo hò, tụi nó chỉ cảm kích nhìn thầy.

"Còn mấy bạn nam khác đâu?"

Ý Lan nhìn quanh lớp, lúc này nhỏ mới để ý hơn một nửa đám con trai biến mất ở đâu rồi. Lớp trưởng định về chỗ lấy điện thoải nhắn tin hỏi thì cửa ra vào đã có tiếng bước chân của đám con trai, tụi nó vội vội vàng vàng nhưng phải phanh gấp ngay cửa vì cái nhìn của thầy Toán đứng ngay bục. Cậu bạn-bị-kẹt-đầu-ở-cửa-sổ gãi gãi đầu nhìn Ý Lan rồi nhìn sang thầy thầm nói trong lòng "tiêu rồi". Thầy Toán nhìn đám con trai cười gượng ngay cửa rồi dời mắt nhìn mấy bịch trà sữa trong tay bọn học trò, thầy hỏi: "Trốn tiết mua đồ ăn vặt à? Mấy đứa gan nhỉ?"

"Thưa thầy, tụi em mua trà sữa để dỗ mấy bạn nữ ngừng khóc ạ."

Thầy Toán hất cằm ra hiệu cho đám con trai vào lớp, còn thầy lại giả vờ như không thấy gì để đám trò lục đục đưa trà sữa cho mấy bạn nữ. Thứ tình bạn đáng yêu này thầy cũng mong mình sẽ được chứng kiến nhiều qua bao năm làm nghề giáo.

Tụi con trai nhanh nhẹn nhưng không gây ồn ào đặt trà sữa trước mặt mấy nhỏ cùng lớp, dặn: "Uống đi, cấp nước gấp. Đừng khóc nữa nhé." Mấy chục ly trà sữa đi một vòng vừa đủ, ly cuối cùng tụi nó không quên đặt lên bàn giáo viên cho thầy: "Hối lộ ạ."

Thầy Toán bật cười thành tiếng, cũng không từ chối mà còn cắm ống hút "phập" xuống làm người tiên phong mở đầu bữa tiệc trà sữa. Theo thầy, cuối cùng tụi con gái cũng nở nụ cười thưởng thức món quà đám con trai dỗ dành.

Việt Chinh chụp lại ly trà sữa trước khi nhập tiệc, vị ngọt quyện vào đầu lưỡi và mát lạnh xuống cổ họng khiến nhỏ thả lỏng người. Đúng là những thứ ngọt ngào luôn biết cách xoa dịu con người.

***

Trí chống tay bên má nghiêng người nhìn Việt Chinh nằm bẹp dí trên đống sách vở và đề ôn thi lộn xộn trên bàn, cái nắng cuối chiều mang màu vàng buồn bã nhuộm lên mái tóc và vải vóc trên người bên cạnh khiến cậu thầm nghĩ: Việt Chinh hệt như một con mèo bị nhúng vào bể mật ong, đáng yêu, ngọt ngào, nhưng lại chật vật và choáng váng.

Việt Chinh kể cậu nghe chuyện xảy ra ở tiết Hoá, nhỏ hỏi cậu mình làm đúng hay sai. Trí nghịch mấy cọng tóc bên vai Việt Chinh nói: "Việt Chinh của chúng ta làm đúng mà, lại còn rất cừ nữa." Đến bây giờ cậu còn có chút không tin khi biết được Việt Chinh đứng lên ngắt lời cô, còn nói lên nỗi lòng của cả lớp. Những việc như thế này khi nhắc đến cậu sẽ nghĩ đến Ý Lan vì tính cách cứng rắn của cô bạn lớp trưởng lớp bên.

"Bạn nghĩ gì trước khi đứng dậy ngắt lời cô thế? Không sợ sao?" Trí hỏi.

"Sợ chứ, đến bây giờ mình vẫn sợ, nhưng thủ quỹ khóc thương lắm."

Trí chỉ cười, lúc này cậu không còn ngạc nhiên trước hành động của Việt Chinh nữa.

"Nếu sợ thì mai đến tìm cô và xin lỗi cô nhé?"

Việt Chinh ngồi thẳng người vừa ngạc nhiên vừa thắc mắc: "Tại sao?"

"Bạn không sai gì cả, cô cũng có phần không đúng nhưng thật sự việc này khó nói lắm. Thế hệ ngày trước của thầy cô và thế hệ của chúng ta bây giờ là một khoảng cách rất xa, việc thấu hiểu nhau rất khó. Giữa người lớn và người trẻ luôn có một bức tường chắn ngang để giao tiếp, không phải cứ thẳng thắn nói là sẽ biết được cảm giác của nhau. Việc mong cô hiểu cho chúng ta khi cô đang trong trạng thái không vui dường như không khả quan, cô sẽ không có suy nghĩ rằng bọn trẻ thật ra cũng có nỗi khổ. Chưa kể là cô là giáo viên đứng trên bục giảng, và bạn ở dưới nói lên những điều được các bạn ủng hộ khiến cô thấy mình chẳng có uy nghiêm gì nữa, nên cô càng thấy giận hơn mà thôi."

Việt Chinh lẳng lặng nghe Trí nói mới từ từ suy ngẫm lại, nhỏ không nghĩ được như Trí, nhưng Trí nói hoàn toàn không sai, cả cô và nhỏ đều không ai bình tĩnh để hiểu cho nhau.

Trí thấy Việt Chinh đã rũ mắt và mặt hơi xụ, cậu đoán Việt Chinh đã hiểu ý của mình, "Thế nên mai xin lỗi cô nhé? Đừng để ý việc cô có thông cảm cho bọn mình hay không, cứ để phép tắc đi đầu đã, nhé?"

Việt Chinh gật đầu, nhỏ kéo lấy tay Trí vào má mình rồi áp đầu xuống bàn, cảm giác lành lạnh truyền vào da thịt khiến Việt Chinh thoải mái nhắm mắt lại. Nhỏ nghĩ lại chuyện đã xảy ra một lần nữa thủ thỉ: "Nhưng cho dù bọn mình sống ở thời bình, thời hiện đại thì vẫn có khó khăn đúng không? Nếu không thì tại sao mỗi năm vẫn luôn có những người trẻ mãi dừng lại ở tuổi trẻ."

Trí dùng ngón tay mơn trớn da mặt Việt Chinh, cảm giác ấm áp truyền từ đầu ngón tay và lòng bàn tay lan toả sang cả người cậu. Trí không trả lời câu hỏi của Việt Chinh, hai đứa chìm trong im lặng, xuyên qua khung cửa sổ nghe thấy dòng xe vội vã trên tuyến đường. Khoảng lặng kéo dài đến khi Việt Chinh cảm thấy má mình nóng hổi và lòng bàn tay Trí đổ mồ hôi mới ngồi thẳng người dùng tay mình xoa xoa tay Trí, nhỏ quẳng bớt những suy nghĩ không liền mạch trở về với hiện tại.

"Có tê tay bạn không?"

"Không tê."

Việt Chinh cúi đầu chăm chú vào từng đường chỉ tay của Trí, nhỏ kéo tay Trí theo mọi góc nhìn của mình rồi thốt lên: "Bạn có đường chỉ tay hình M rõ ơi là rõ này, mẹ mình bảo ai đường chỉ tay chữ M đều rất đặc biệt và tài năng vượt trội đó."

Trí chưa bao giờ để ý đến chuyện này, nghe Việt Chinh nói cũng có hứng thú hỏi lại: "Phải thế không?"

"Phải, bạn xem này." Việt Chinh gật đầu chắc nịch, nhỏ kéo Trí sát lại người mình dùng ngón tay đi theo đường chỉ tay của Trí khiến cậu chỉ thấy ngứa ngáy chứ chẳng để ý được chữ M.

"Nhưng mà chưa có chứng minh khoa học gì cả, mẹ mình cũng chỉ nói thế chứ không hề xem cho mình, mẹ dặn phải tự nỗ lực chứ không được tin mấy cái này. Cơ mà bạn thật sự giỏi như lời truyền lại về chỉ tay ấy, hay là cũng có tỉ lệ phần trăm đúng nhỉ..."

Người bên cạnh toả mùi hương ngọt ngào thanh mát thoang thoảng quanh quẩn bên mũi, Trí tưởng chừng mình đang say trong hương thơm này, hoàn toàn không nghe được Việt Chinh nói gì, đến khi Việt Chinh bỗng nhiên hôn một cái "chóc" thật kêu vào lòng bàn tay cậu mới tỉnh lại. Việt Chinh chẳng xem hành động của mình là gì đáng nói, nhưng Trí lại thấy rất có gì để đáng nói. Cậu trở tay cầm chặt cổ tay Việt Chinh ép nhỏ vào tường, cúi đầu tóc chạm tóc quấn quýt bên mai. Trí nói thật khẽ:

"Năm nay đã cho ngại ngùng tốt nghiệp rồi à?"

"Có được không?"

"Được."

Việt Chinh càng ngày càng thích "động chạm" khiến cậu nghĩ rằng nhỏ không còn biết ngại ngùng đối với mình nữa, một Việt Chinh vừa mạnh dạn vừa giữ nét ngây ngô khiến cậu lưu luyến không rời.

Trí càng ghé sát mặt mình vào mặt Việt Chinh, mũi chạm mũi, bên tai hai đứa toàn tiếng hít thở và tiếng nhịp tim đập rộn ràng. Việt Chinh ngửi được mùi bạc hà từ mái tóc đen dày của Trí, xen lẫn mùi xả vải và một vài mùi hương nhỏ không biết gọi tên. Hơi thở nóng rang phả vào mặt nhau cùng cái động chạm nhè nhẹ từ cánh mũi khiến Việt Chinh nổi da gà, hai má từ từ ửng đỏ.

Hai mắt Việt Chinh tròn xoe, hàng mi run rẩy bán đứng vẻ bướng bỉnh không muốn chịu thua làm Trí mềm lòng, cậu cong môi cười cắn vào chóp mũi Việt Chinh một cái thật nhẹ mới thả lỏng tay đứng dậy, trả lại Việt Chinh bầu không khí thoáng hơn.

"Hồi tối mình có tải một bộ đề tổng hợp khá lạ nhưng không nhớ là lưu ở thư mục nào vì khi ấy đang trao đổi với thầy qua tin nhắn, bạn tìm hộ mình nhé?" Trí xếp gọn sách vở và giấy tờ trên bàn rồi đẩy laptop của mình sang chỗ Việt Chinh, "Đâu đó trong tệp "Ôn Thi" thôi. Mình đi tìm mấy cuốn sách rồi trở về ngay."

Việt Chinh máy móc gật đầu.

Thấy Trí đi xa rồi Việt Chinh mới đưa tay chạm vào má mình, nóng đến phỏng tay. Mọi giác quan của nhỏ tê rần, không khí xung quanh chỉ toàn mùi hương bên người Trí và chóp mũi vẫn còn cảm giác ngưa ngứa khiến nhỏ không tỉnh táo lại được. Việt Chinh ngẩn ngơ đến khi bên tai có tiếng ồn mới xoa xoa bên má và hít một hơi thật sâu lấy lại bình tĩnh. Nhỏ kéo laptop bắt đầu tìm kiếm bộ đề Trí nói, tệp "Ôn Thi" được Trí lưu ngay màn hình chính rất dễ thấy, trước khi mở tệp nhỏ tiện mắt nhìn lướt một lượt toàn màn hình và phát hiện một bản thảo được xếp ở góc trái màn hình với cái tên Nàng Meow Cá.

Nàng Meow Cá? Kịch bản dang dở của cả hai lớp ư?

Trong đầu Việt Chinh ngay lập tức tràn ngập kí ức hồi năm lớp Mười, dãy hành lang ngắn ngủi ấy khi ấy chưa bao giờ được yên ổn nhưng khi tập kịch và chuẩn bị dụng cụ lại vui vẻ đến nhường nào.

Trí ôm chồng sách trở về chỗ cũ thấy Việt Chinh ngồi im và màn hình laptop vẫn như lúc cậu rời đi, Trí đặt sách lên bàn hỏi: "Bạn không tìm được hả?"

Việt Chinh quay đầu nhìn Trí, nhỏ chỉ tay vào góc màn hình, "Bạn vẫn giữ bản thảo này à?" Nhỏ vẫn nhớ được hồi ấy kịch bản được viết trên máy tính của Trí sau đó mới in ra thành nhiều bản giấy.

Trí cúi người nhìn kĩ chỗ Việt Chinh hỏi, cậu gật đầu, "Ừ, rất sáng tạo." Năm ấy ngày nào cậu cũng đọc đi đọc lại cái kịch bản được viết lại từ câu chuyện Nàng Tiên Cá nửa buồn cười nửa đáng yêu này, sợ mình không nhớ được lưu ở đâu nên dứt khoát lưu ở màn hình chính.

"Lớp bạn tập văn nghệ đến đâu rồi?" Việt Chinh chợt chuyển đề tài.

"Xong cả rồi, nhảy một bài đơn giản mà thôi."

Lớp Việt Chinh cũng chọn một bài dân ca được phổ thêm chút hiện đại. Việt Chinh tính toán đến ngày tổng duyệt còn chưa đến mười ngày, nhỏ chần chừ hỏi Trí: "Hai lớp tụi mình... có thể tiếp tục kịch bản này một lần nữa không?"

Trước khi hỏi ý kiến cả lớp Ý Lan đã đọc lại kịch bản được Việt Chinh gửi đến mấy lần, nhỏ bồi hồi nhớ lại chuyện cũ, cũng muốn đồng ý với ý kiến của Việt Chinh ngay lập tức. Ý Lan đoán bên A2 cũng sẽ đồng ý vì những thứ gây hoài niệm thường được ưu tiên khi thời gian không còn nhiều. Nhưng nhỏ lại không chắc lớp mình có ổn hay không, khi tình trạng tâm lý của cả lớp cứ một đường lao xuống đáy.

Ý Lan vén tà áo dài ngồi bệt xuống trước bậc bục giảng nhìn cả lớp im lặng cúi đầu giải bài tập, chưa vào tiết nhưng lại chẳng có chút ồn ào náo nhiệt nào. Hôm qua Việt Chinh phản đối lời cô Hoá nói về tụi nó nhưng cũng chẳng thể khiến tâm trạng cả lớp thả lỏng, thậm chí còn âm u hơn vì trọng lượng lời nói của giáo viên nặng hơn. Ý Lan kéo lại kịch bản một lần nữa, nhỏ cảm thấy không đành nếu bỏ qua, nhưng sức lực của cả lớp chẳng có và tụi nó sẽ không chịu bỏ thêm thời gian cho hoạt động này.

Suy nghĩ của Ý Lan vừa dứt thủ quỹ cũng thở dài thành tiếng gục đầu xuống bàn, "Tao mệt quá."

Tụi con gái bị ảnh hưởng bởi thủ quỹ cũng buông bút ôm mặt thở dài, có đứa hỏi: "Ví dụ như cứ mặc kệ học được bao nhiêu thì học, liệu có đủ khả năng đậu Đại Học không?"

"Theo dự đoán thì điểm chuẩn năm nay sẽ cao đấy, cố gắng được phần nào thì có cơ hội phần đó chứ."

"Tao không cố được nữa, tao có cảm giác cố quá sẽ quá cố mất."

Ý Lan ngắt ngang, "Nào."

Nhỏ nhìn cả lớp không biết phải nói như thế nào, lời động viên bây giờ có lẽ sẽ phản tác dụng khi trong đầu cả đám chỉ có bài vở dồn dập và những thứ nặng nề không lạc quan mà thôi. Ý Lan chợt không hiểu lắm, rõ ràng tất cả mọi người đã xuất sắc thi vào một trưởng cấp III trọng điểm, hai năm trước đều rất ổn định, năng lực cũng đủ để vượt qua các kì thi quan trọng như thi tốt nghiệp sắp diễn ra, nhưng mọi người lại quên mất khả năng của mình và bị bao vây bởi những suy nghĩ mình không làm được. Dẫu biết năm cuối có nhiều thứ để suy nghĩ, lo lắng, lẫn mơ hồ về mọi thứ ở tương lai nhưng nếu cả lớp cứ áp lực thế này thì làm sao có đủ sáng suốt chọn thứ mình thật sự muốn?

Ý Lan cũng lâm vào bế tắc, nhỏ trả lời Việt Chinh qua tin nhắn rằng vở kịch có lẽ cứ để là một kỉ niệm mà thôi.

"Cả lớp chẳng có tâm trạng tham gia cái gì nữa đâu, có khi tụi mình cũng phải bỏ ngang bài nhảy văn nghệ ấy." Ý Lan nhắn.

Việt Chinh cầm điện thoại đọc qua tin nhắn, nhỏ ngước nhìn Ý Lan ở bục giảng cũng đang nhìn về phía mình lắc đầu bất lực. Lòng Việt Chinh chùng xuống, nhỏ nhìn quanh cả lớp một lượt, ngay cả bọn con trai cũng chẳng có tâm trạng tụ lại để bày trò.

Cơn gió thổi tung tấm rèm chạm vào bên má Việt Chinh, cái lành lạnh thổi ngang qua làm nhỏ rùng mình nhưng lại tỉnh táo hơn một chút, trong đầu Việt Chinh chợt loé lên một ý, nhỏ hỏi cả lớp: "Mọi người muốn đi chơi xa không?"

"Đi một chuyến để gió cuốn sạch mọi thứ nặng nề trong đầu nhé?"

Chuyến đi được quyết định chớp nhoáng bởi Ý Lan, lớp trưởng không cho phép bất kì đứa nào từ chối. Tụi nó gom tiền quỹ thuê một chiếc xe khách 35 chỗ ngồi, mang đủ thứ đồ ăn vặt và mì tôm xuất phát từ lúc mặt trời chưa mọc ngày Chủ Nhật. Địa điểm đến là do cậu bạn-bị-kẹt-đầu-ở-cửa-sổ tra tìm trên mạng, vùng ngoại ô cách trung tâm thành phố 3 tiếng.

Tụi nó hẹn nhau tập trung ở trường, lúc Việt Chinh đến cả lớp thấy nhỏ đeo balo mang đầy đồ ăn và những thứ cần thiết, còn mang theo cả Đỗ Thành Trí bên A2. Tình huống này Việt Chinh đã hỏi ý Ý Lan và cả lớp trước, tụi nó cũng chẳng ý kiến gì, nhưng lúc Trí nhẹ nhàng chỉnh đầu Việt Chinh cho đỡ mỏi trên vai mình ngủ thật ngon bọn nó lại thầm cảm thán: Biết thế tao không đồng ý, giờ phải ăn cơm chó cả một chuyến đi!

Xe chạy vùn vụt qua chuyến đường cao tốc, rẽ vào những con đường dân cư và cuối cùng dừng lại ở một bãi đất trống. Đám trẻ dậy sớm nên ngủ gần nửa đoạn đường trên xe, lúc đến nơi đứa nào cũng đã tỉnh táo và phấn khởi khi trước mắt là khung cảnh đồng quê yên bình. Cả đám rạng rỡ như bình minh đầu ngày hít lấy hít để thứ không khí trong trẻo mát lành. Làn gió thanh mát quét qua từng khuôn mặt và tóc mai như thật sự có thể cuốn đi được những muộn phiền trong đầu lũ trẻ.

Chuyến đi quá ngẫu hứng, tụi nó chỉ tính đến chuyện thư giản nên cứ đi loanh quanh khắp các cánh đồng, ríu rít nói chuyện rôm rả trên con đường mòn. Tháng Mười Một là thời gian các bác nông dân ở đây cấy mạ non cho vụ lúa Xuân, lúc này trên các thửa ruộng đã có nhiều người cong lưng cấy từng cây mạ non xuống bùn. Đám học trò ở thành phố hứng thú ra mặt với công việc này, nhìn tay các cô chú thoăn thoắt đứa nào cũng muốn thử. Cậu bạn-bị-kẹt-đầu-ở-cửa-sổ là người đầu tiên xung phong, cậu mon men lại gần một cô hỏi thăm:

"Cô ơi, cái này có dễ không ạ?"

"Dễ lắm! Mấy đứa từ đâu tới thế?" Cô nông dân đứng thẳng người vui vẻ trả lời cậu bạn, còn hỏi thăm đám trẻ nhìn sạch sẽ và tươm tất gần mình.

"Tụi con từ thành phố ạ."

Cô nông dân cong mắt cười gật gật đầu, thảo nào đứa nào cũng trắng nõn trắng nà lại còn ăn mặc xinh đẹp.

"Cô ơi tụi con thử được không ạ?"

"Ôi bẩn lắm, bùn dính vào quần áo là giặt không còn như ban đầu đâu."

"Không sao đâu ạ, tụi con chỉ sợ làm hư mấy cái trong tay cô thôi."

Thấy đám trẻ dễ thương lại còn lễ phép, cũng không ngại bùn lầy nên cô cũng không cản.

"Mấy đứa cứ để balo trên bờ đi, dồn vào một chỗ ấy, cô trông cho không ai lấy đâu. Kéo ống quần và tay áo cao lên nhé."

Từng đứa rụt rè bước xuống thửa xuộng, cảm giác lạnh lẽo và dinh dính khiến tụi nó rùng mình, nhưng đứa nào cũng quyết tâm muốn thử, cô nông dân chia cho tụi nó một ít mạ non, còn làm mẫu và giải thích cặn kẽ cách làm.

Việt Chinh đứng trên bờ cùng Trí nhìn các bạn cong lưng vụng về cấy mạ, vài đứa không quen nên kẹt chân ngay vũng bùn nhấc mãi không lên mà la oái oái, có đứa cắm cây mạ xuống lại dùng chính tay đó quẹt mồ hôi, cả mặt lắm lem đầy bùn. Cậu bạn-bị-kẹt-đầu-ở-cửa-sổ cười ha hả vì hành động vô tri của đứa cùng lớp rồi cũng hụt chân mà ngã nhào cả người xuống thửa ruộng. Cánh đồng bạt ngàn nổi bật lên tiếng cười giòn tan.

Việt Chinh thấy mọi người vui vẻ cả người cũng ngứa ngáy muốn thử, nhỏ thả balo xuống bên đường chuẩn bị tháo đôi giày thì nghe tiếng gọi ý ới ngay sau lưng mình: "Bà ơi! Con đem nước trà cho bà này!"

Việt Chinh quay ngoắc người, cái Tâm gầy nhom, đen nhẻm, nhưng cười rất tươi đang vẫy vẫy ai ngoài xa.