Hãy Để Cô Ấy Đến Bên Tôi

Chương 15: Uông lạc già





Chuyển ngữ: Hoa Linh Linh

Sau đó, Hứa Giai Ninh khôi phục lại cuộc sống bình thường. Mỗi ngày lên lớp và làm đề tài như cũ, điểm khác biệt duy nhất là cô đã học được cách nghỉ ngơi thoả đáng. Trước đây mỗi khi hoàn thành xong nhiệm vụ mà Ông Na giao, cô đều lập tức gửi cho cô ấy. Bên đó cũng rất không khách khí, nhanh chóng gửi nhiệm vụ mới đến, cứ lặp đi lặp lại như vậy làm cho cô có rất ít thời gian cho riêng mình. Giờ đây, Hứa Giai Ninh đã học được cách “trì hoãn” một cách hợp lý, nhiệm vụ vẫn sẽ được hoàn thành nhanh nhất có thể như trước, chỉ là cô sẽ để đó một hoặc hai ngày, đợi gần đến nút thời gian Ông Na quy định mới gửi cho cô ấy. Như vậy, cuộc sống của Hứa Giai Ninh bỗng trở nên thư thái hơn rất nhiều, còn có thể dành chút thời gian để học thêm những thứ mà cô cảm thấy hứng thú.

Ngày hôm đó, Hứa Giai Ninh bị ánh sáng mặt trời làm tỉnh giấc. Tối qua trước khi đi ngủ quên đóng rèm cửa lại, ngay khi ánh mặt trời ló rạng chiếu vào, giấc ngủ không sâu của cô liền bị làm cho tỉnh. Hôm nay Ông Na đi họp ở nơi khác, một ngày hiếm hoi không có sự sắp xếp nào, cũng sẽ không bị giáo viên hướng dẫn gọi, Hứa Giai Ninh liền không dậy nữa, cô đeo bịt mắt lại nằm trên giường dưỡng thần, yên lặng nghe bạn cùng phòng Trần Diểu và Giang Thần trò chuyện ở bên dưới.

Trần Diểu, Giang Thần và cô đều cùng một học viện nhưng khác khoa, thỉnh thoảng cũng có môn học cùng nhau, chỉ là không nhiều. May mà mọi người đều không khó chung sống, bình thường sẽ ngồi cùng nhau nói chuyện phiếm về học viện và những bát quái trong trường. Hứa Giai Ninh còn có một người bạn cùng phòng khác nữa, họ Lâm, tên là Lâm Lạc. Bởi vì giáo viên hướng dẫn của cô ấy một năm nay đều ở nước ngoài làm học giả thỉnh giảng, không quá quan tâm đến cô ấy, cho nên Lâm Lạc vẫn luôn ở bên ngoài thực tập, rất ít khi trở lại trường học.


Trần Diểu và Giang Thần đang nói về lễ kỷ niệm ngày thành lập học viện.

Học viện Quản lý của Tây Đại là một trong những học viện đầu tiên ở Trung Quốc mở ngành quản lý, có nhiều ngành học trọng điểm quốc gia liên quan đến chuyên ngành, chất lượng giảng dạy thuộc loại đứng đầu cả nước, nhiều năm liền được xếp hạng nhất theo đánh giá của Bộ giáo dục. Có thể nói ở Tây Đại, Học viện Quản lý chính là chiêu bài được nhiều người biết đến. Bình thường chỉ một động tĩnh nhỏ thôi đã có thể thu hút sự chú ý rộng rãi, càng đừng nói đến lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập học viện này.

Mấy người khoá mới vào như Hứa Giai Ninh được coi là may mắn khi có thể bắt gặp lễ kỷ niệm lớn này, đến ngày đó không biết sẽ có bao nhiêu cựu sinh viên nổi tiếng trở lại trường, những nhân vật thường chỉ có thể nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông, giờ lại có thể gặp ở khoảng cách gần, phải nói là khiến cho những người xung quanh vô cùng ngưỡng mộ. Nhưng mà đây vẫn chưa phải là chuyện được sinh viên Học viện Quản lý quan tâm nhất. Hiện tại, được thảo luận nhiều nhất trong cả học viện chính là việc sắp đến đại thọ 80 của Uông Lão, giáo sư Uông Lạc Già, viện trưởng cũ của Học viện Quản lý!

Uông Lão có thể nói là báu vật của Học viện Quản lý. Tại Tây Đại, rất nhiều sinh viên dậy sớm lên lớp đã gặp một đôi cụ già tóc bạc đi tản bộ trong khu vườn nhỏ. Nhịp bước trông có vẻ chậm chạp, nhưng lại cực kỳ chắc chắn và kiên định. Đôi vợ chồng ấy chính là vợ chồng Uông Lạc Già nổi tiếng khắp cả nước.

Về thành tựu học thuật của Uông Lạc Già, danh hiệu viện sĩ và các giải thưởng thành tựu trong cả đời ông đã chứng minh tất cả, những thứ khác liền không cần nhắc tới. Điều mà sinh viên Tây Đại nói đến nhiều hơn cả là cách ứng xử của thế hệ trí thức lớn tuổi của Uông Lão: Khiêm tốn uyên bác, bình dị dễ gần. Tám chữ này nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Chưa nói đến chuyện gì khác, chỉ nói đến việc Uông Lão đã gần 80 tuổi vẫn kiên định đứng trên bục giảng dạy dỗ sinh viên đại học cũng đủ khiến người ta kính trọng, thực sự ứng với câu “Xuân tàm đáo tử ti phương tận, lạp cự thành hôi lệ thủy can”(1).

(1)春蚕到底丝方尽,蜡炬成灰泪始干/Xuân tàm đáo tử ti phương tận, lạp cự thành hôi lệ thủy can: Tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ. Ngọn nến thành tro mới khô nước mắt. (Trong bài thơ Vô đề của Lý Thương Ẩn) 

Theo lý mà nói, một cụ già như vậy bình thường làm người có lẽ sẽ tỏ ra khiêm tốn một chút. Sự thật đã chứng minh, quả đúng là vậy. Hàng năm vào ngày sinh nhật của Uông Lão sẽ có những yêu cầu từ các bên muốn tổ chức tiệc sinh nhật cho ông. Mỗi lần như vậy, Uông Lão đều không có ngoại lệ mà từ chối. Dùng lời của ông cụ mà nói, bây giờ không phải đều thịnh hành việc dùng mạng xã hội để gửi lời chúc sao, tôi đã học qua trước rồi, đến lúc đó mọi người lên đó tổ chức sinh nhật cho tôi đi. Mọi người nghe xong đều dở khóc dở cười, nhưng cũng không dám thật sự làm trái ý ông cụ. Vì vậy, vào dịp sinh nhật hàng năm, Uông Lão luôn gọi các học trò của mình đến, thầy trò cùng nhau dùng bữa cơm, coi như là chúc mừng rồi.


Năm nay bởi vì tình huống đặc biệt, lãnh đạo học viện muốn thử cố gắng thuyết phục Uông Lão một chút xem có thể làm hình thức và quy mô lớn hơn không. Nhưng ông ấy đã từ chối, chỉ với một câu: Như cũ, chỉ cùng học trò tụ họp. Giờ thì tốt rồi, bao nhiêu yếu nhân(2) danh nhân, nhân vật nổi tiếng trong giới kinh doanh khó gặp một lần, quá hời cho nhóm sinh viên ấy. 

(2)Yếu nhân là thuật ngữ dùng để chỉ những người có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như chính trị, nghệ thuật,…

Bởi vì tuổi tác đã cao nên sinh viên trong tay Uông Lão hiện tại cũng không được tính là nhiều, bạn trai của Trần Diểu là một trong số đó, tiểu Phó là một sinh viên hệ tiến sĩ được giáo sư Uông nhận vào vài năm trước. Bữa tiệc sinh nhật của giáo sư Uông có thể đưa theo người nhà, tiểu Phó biết ân sư vẫn luôn lo lắng cho chuyện chung thân đại sự của mình nên anh ấy đã đề xuất Trần Diểu cùng đi lần này. Trần Diểu đồng ý, nhưng cô ấy lại gặp chút khó khăn trong việc chọn trang phục. Trần Diểu bình thường rất biết cách ăn mặc, nhưng lại không rõ sở thích của ông cụ, không biết mặc hoạt bát một chút thì ổn, hay trang trong một chút thì tốt hơn.

Giang Thần ở bên cô ấy cả buổi sáng, lúc này cũng đã kiệt sức, dường như không thể đánh giá được cái đẹp nữa. Trần Diểu không còn cách nào khác, đành phải rời sự chú ý đến người Hứa Giai Ninh. 

Hứa Giai Ninh tắm xong trở về, liền thấy Trần Diểu đang nhìn mình chằm chằm. Vừa nghe cô ấy nói đầu đuôi câu chuyện, cô liền không nhịn được cười khẽ: “Vấn đề này, cậu trực tiếp hỏi Phó sư huynh không phải càng tốt hơn sao?”

“Không thể hỏi anh ấy, trai thẳng như anh ấy, chẳng có chút thẩm mỹ nào hết.” Trần Diểu xua tay: “Không phải cậu cũng là học trò của Uông Lão sao? Chắc chắn cậu đã gặp qua ông cụ rồi, mau đến giúp tớ tham khảo đi.”

Vấn đề này, thực sự có chút làm khó Hứa Giai Ninh. 


Cô đã từng gặp giáo sư Uông là thật, nhưng cũng chỉ gặp có vài lần mà thôi. Còn danh xưng ‘học trò của Uông Lão’ này, Hứa Giai Ninh cũng không dám tự nhận. Nói đến cùng, cô được ông ấy phó thác cho Quý Minh Viễn, sau đó lại chuyển cho Ông Na. Ngộ nhỡ sau này làm không tốt, chẳng phải sẽ hủy hoại danh tiếng của ông cụ sao?

Trong đầu có vô vàn suy nghĩ, ánh mắt Hứa Giai Ninh nhìn lướt qua mấy bộ quần áo của Trần Diểu, cuối cùng chỉ vào một chiếc váy liền màu trắng: “Cái này đi.”

Cô nhớ lần đầu tiên mình gặp Uông Lão đã mặc một chiếc váy dài màu trắng. Lúc đó, ông cụ cười híp mắt khen cô một câu, nói cô bé này trông rất thanh tú. Như vậy xem ra, có lẽ ông ấy thích phong cách này đi.

Trần Diểu chọn xong trang phục rồi liền ôm lấy Hứa Giai Ninh cảm ơn rối rít. Hứa Giai Ninh cười, không nói gì.

Đôi lời từ Editor: Vì mình thấy để sư huynh/sư tỷ nghe hay mà thân thiết hơn nên mình giữ nguyên nha.