Lần này thì chúng đã khôn ngoan hơn. Mỗi đứa chỉ ăn một hạt dẻ và gõ cửa từng nhà để bán mớ còn lại.
“Nếu mày có vài xu để trao đổi,” Liesel nói với bọn trẻ ở mỗi nhà như thế, “thì tao có hạt dẻ đây.” Cuối cùng thì chúng có được mười sáu xu.
“Bây giờ,” Rudy nhoẻn cười, “là lúc trả thù.”
Chiều hôm đó, chúng quay lại cửa hàng của mụ Diller, nói Heil Hitler và chờ đợi.
“Lại kẹo đủ loại à?” mụ giật giọng hỏi, và chúng gật đầu. Tiền rơi vãi lên quầy và nụ cười của mụ Diller hơi hé lên.
“Đúng vậy, thưa bà Diller,” chúng đồng thanh. “Kẹo đủ loại, làm ơn.”
Bức hình Quốc trưởng được lồng trong khung có vẻ rất tự hào vì chúng.
Đó là niềm vui trước khi bão đến.
NGƯỜI ĐẤU TRANH, KẾT LUẬN
Trò tung hứng giờ đã đến lúc kết thúc, nhưng cuộc đấu tranh thì chưa. Tôi đã có Liesel Meminger trên một tay, tay kia là Max Vandenburg. Tôi sẽ sớm chập họ lại với nhau thôi. Hãy cho tôi thêm vài trang sách nữa.
Người đấu tranh.
Nếu họ giết anh ta tối nay, thì ít nhất anh ta sẽ chết khi còn sống.
Giờ này thì đoàn tàu đã đi rất xa rồi, người đàn bà ngáy rất có thể đang rúc vào cái toa tàu mà bà ta đã biến thành cái giường của mình, tiếp tục chuyến đi. Lúc này Max chỉ còn cách sự sống sót bằng những bước chân. Những bước chân và suy nghĩ, và sự nghi ngờ.
Anh lần theo tấm bản đồ trong tâm trí mình, từ Pasing đến Molching. Khi anh nhìn thấy thị trấn này thì trời đã tối. Chân anh đau khủng khiếp, nhưng anh đã gần đến nơi rồi – đó là nơi nguy hiểm nhất trên cả chặng đường. Anh đã đến đủ gần để chạm vào nó.
Theo như mô tả, anh tìm thấy phố Munich và bước đi trên vỉa hè.
Mọi thứ đều co rút lại
Những đóm sáng lóe lên của những ngọn đèn đường.
Những tòa nhà tăm tối, thụ động.
Tòa thị chính đứng đó như một tên khổng lồ, một gã thanh niên vụng về hậu đậu, quá to lớn so với tuổi tác của nó. Ngôi nhà thờ biến mất trong bóng tối khi đôi mắt anh lướt nhìn lên.
Tất cả đều theo dõi anh.
Anh run lẩy bẩy.
Anh tự cảnh cáo mình. “Hãy mở to mắt ra.”
(Trẻ con Đức thì tìm kiếm những đồng xu rơi vãi trên đường. Người Đức Do Thái thì trông chừng để khỏi bị bắt.)
Nhằm duy trì việc sử dụng số mười ba để được may mắn, anh đếm những bước chân của mình theo từng mười ba bước một. Chỉ mười ba bước chân thôi, anh nói với mình. Xem nào, chỉ thêm mười ba bước nữa thôi. Như một thứ ước lượng, anh đã hoàn thành chín lần như vậy, cho đến khi anh cũng đứng ở góc phố Thiên Đàng.
Một tay, anh nắm cái vali của mình.
Tay kia anh vẫn cầm quyển Mein Kampf.
Cả hai thứ đều nặng, và cả hai đều được giữ với những bàn tay bài tiết mồ hôi nhẹ nhàng.
Giờ thì anh băng sang con phố ngang, đi dến nhà số ba mươi ba, chống lại cái thôi thúc phải mỉm cười, chống lại cái thôi thúc phải bật khóc hay thậm chí là tưởng tưởng ra sự an toàn đang chờ đón anh. Anh tự nhắc mình rằng đây không phải là lúc để hy vọng. Chắc chắn rồi, anh gần như đã có thể chạm vào nó. Anh có thể cảm thấy nó, đâu đó ngoài tầm với. Thay vì nhận biết nó, anh lại quay về với việc quyết định lại xem anh sẽ làm gì nếu bị bắt vào phút chót, hay biết đâu có một người không mong đợi đang đợi anh trong nhà.
Dĩ nhiên là cũng có cả cảm giác hỗn tạp của sự cắn rứt.
Làm sao anh có thể làm được điều này?
Làm sao mà anh có thể xuất hiện và yêu cầu người khác mạo hiểm cuộc đời của họ vì anh. Sao mà anh có thể ích kỷ như vậy cơ chứ?
Nhà số ba mươi ba.
Hai bên đứng nhìn nhau.
Ngôi nhà trông tái mét, gần như là bệnh hoạn, với một cánh cổng sắt và một cánh cửa ra vào màu nâu, đầy những vết nhổ đã ố.
Từ trong túi mình, anh lấy chìa khóa ra. Nó không lấp lánh ánh kim mà mờ mịt và ủ rũ trong tay anh. Trong một khoảnh khắc, anh bóp chặt lấy nó, nửa như muốn nó tuột về phía cổ tay anh. Nhưng nó đã không như thế. Miếng kim loại rất cứng và dẹt, với một dãy răng đều, và anh đã nắm chặt lấy nó cho đến khi nó như đã đâm thủng anh.
Hết sức chậm rãi, người đấu tranh ngả về phía trước, má chạm vào phần gỗ, và anh lấy chiếc chìa khóa ra khỏi nắm tay của mình