Sự cám dỗ kế tiếp – Một người chơi bài – Tuyết rơi ở Stalingrad –
Một người anh em không tuổi – Một biến cố -
Vị đắng cay của những câu hỏi – Một bộ đồ nghề, một người chảy máu, một con gấu –
Một cái máy bay bị hỏng – Và một chuyến đi về nhà
SỰ CÁM DỖ KẾ TIẾP
Lần này là những cái bánh quy.
Nhưng chúng đã ôi mất rồi.
Chúng là những chiếc bánh Kipferl còn thừa lại từ hồi Giáng sinh, và đã nằm trên bàn được ít nhất là hai tuần. Như những cái móng ngựa thu nhỏ được phủ một lớp đường cô đặc, mấy cái bánh bên dưới dính chặt vào đĩa. Những cái còn lại thì chồng chất lên trên, hình thành một cái đống dinh dính sẽ khiến bạn phải nhai rất nhiều. Con bé đã có thể ngửi thấy mùi bánh khi mấy ngón tay nó bấu chặt hơn vào cạnh cửa sổ. Căn phòng có vị giống như đường trộn với bột nhão, và hàng ngàn trang sách.
Không có mẩu tin nào, nhưng Liesel không mất nhiều thời gian để nhận thấy rằng Ilsa Hermann đã bày ra trò chơi này một lần nữa, và chắc chắn là nó không nghĩ đến trường hợp mấy chiếc bánh quy ấy có thể không được dành cho nó. Con bé quay lại chỗ cửa sổ và chuyền một lời thì thầm qua khe cửa. Cái tên của lời thì thầm ấy là Rudy.
Ngày hôm đó, chúng đã quyết định đi bộ vì đường quá trơn tới mức không thể đi xe đạp được. Thằng nhóc đứng bên dưới cửa sổ, nó chỉ đứng đó và trông chừng. Khi con bé gọi, gương mặt nó xuất hiện, và con bé tặng cho thằng bạn mình đĩa bánh. Không phải thuyết phục nhiều, thằng nhóc cầm lấy đĩa bánh.
Cặp mắt thằng bé như đang thỏa thê chè chén trên những cái bánh quy, và nó đặt ra vài câu hỏi.
“Còn gì nữa không? Có tí sữa nào không?”
“Cái gì kia?”
“Sữa,” nó lặp lại, lần này hơi lớn hơn một chút. Giá nó nhận thấy cái âm điệu có phần công kích trong giọng nói của Liesel, thì hẳn nó đã không nói điều đó ra.
Gương mặt của kẻ trộm sách lại xuất hiện bên trên nó một lần nữa. “Cậu ngu thật hay giả vờ ngu thế? Bây giờ tớ đi lấy trộm quyển sách được chưa nào?”
“Dĩ nhiên rồi. Tất cả những gì tớ đang nói là…”
Liesel đi về phía kệ sách ở đằng xa, đằng sau cái bàn. Con bé tìm thấy mấy tờ giấy và một cây viết trong ngăn kéo trên cùng và viết lên đó từ Cảm ơn, rồi đặt mảnh giấy lên mặt bàn.
Bên phải nó, một quyển sách thò ra trông như một khúc xương vậy. Cái vẻ nhợt nhạt của quyển sách gần như đang tỏa ra sự sợ hãi được tạo nên bởi những chữ cái đen tối của nhan đề sách. Die Letze Menschliche Fremde – Người lạ mặt cuối cùng. Quyển sách khẽ thì thầm khi con bé lấy nó ra khỏi kệ. Vài hạt bụi rơi xuống.
Ở cửa sổ, ngay khi con bé chuẩn bị chuồn ra, thì cánh cửa thư viện cọt kẹt mở.
Với hai đầu gối đang tì lên và một bàn trộm sách đang chống vào khung cửa sổ, con bé quay mặt lại để nhìn về nơi vừa phát ra tiếng động, và thấy vợ của ngài thị trưởng trong một bộ áo choàng tắm và một đôi dép mới toanh. Trên túi áo ngực của bộ áo choàng ấy có thêu hình chữ thập ngoặc. Các hình thức tuyên truyền thậm chí đã mò vào đến tận nhà tắm của người ta rồi.
Họ nhìn nhau.
Liesel nhìn vào ngực của Ilsa Hermann và giơ tay lên. “Heil Hitler.”
Con bé chuẩn bị đi ra thì một nhận thức đổ ập xuống tâm trí nó.
Những cái bánh quy.
Chúng đã ở đấy trong nhiều tuần.
Điều này có nghĩa là nếu bản thân ông thị trưởng đã vào thư phòng, thì hẳn ông đã nhìn thấy chúng. Hẳn là ông đã hỏi tại sao những cái bánh quy lại ở đó. Hay – ngay khi Liesel có cảm giác về suy nghĩ này, con bé thấy ngập tràn một niềm lạc quan kỳ lạ – có thể đây không phải là thư viện của ông thị trưởng mà là của bà ấy. Của Ilsa Hermann.
Con bé không biết vì sao điều này lại quan trọng đến như thế, nhưng nó thấy thích thú với việc một căn phòng đầy sách như vậy lại thuộc về người đàn bà này. Chính bà là người đầu tiên đã giới thiệu nó với thư phòng, và mở ra cho nó cánh cửa sổ, thậm chí cả theo nghĩa đen, của cơ hội. Cách nghĩ thế này tốt hơn. Tất cả đều có vẻ ăn khớp với nhau.
Ngay khi bắt đầu di chuyển trở lại, con bé dựng đứng mọi việc lên và hỏi. “Đây là phòng của bà, có phải không?”
Vợ của ngài thị trưởng thu mình lại. “Ta đã từng đọc sách ở đây, với con trai ta. Nhưng sau đó…”
Bàn tay của Liesel chạm vào khoảng không đằng sau nó. Con bé nhìn thấy một người mẹ đang đọc sách với đứa con trai của bà ta trên sàn nhà, thằng bé đang chỉ trỏ vào những bức tranh và từ ngữ. Sau đó nó nhìn thấy một cuộc chiến tranh nơi cửa sổ. “Cháu biết.”
Một câu cảm thán bước vào phòng từ bên ngoài.
“Cậu nói gì kia?”
Liesel gằn giọng nói thầm, ra đằng sau lưng nó. “Im đi. Đồ con lợn, và hãy tiếp tục canh chừng đi.” Với Ilsa Hermann, nó chậm rãi nói, “Vậy tất cả những quyển sách này…”
“Hầu hết là của ta. Vài quyển sách là của chồng ta, một số là của con trai ta, như cháu đã biết đấy.”
Lúc này Liesel đã cảm thấy có phần bối rối. Má nó ửng lên. “Cháu luôn nghĩ rằng đây là phòng của ngài thị trưởng.”
“Tại sao?” Người đàn bà có vẻ thích thú.
Liesel thấy có hai chữ thập ngoặc khác trên đôi dép của bà, chỗ những ngón chân. “Ông ấy là thị trưởng. Cháu nghĩ là ông ấy phải đọc nhiều lắm.”
Vợ ngài thị trưởng cho tay vào túi áo. “Gần đây, cháu là người sử dụng căn phòng này nhiều nhất.”
“Bà đã đọc quyển này chưa?” Liesel giơ quyển Người lạ mặt cuối cùng lên.
Ilsa nhìn nhan đề quyển sách gần hơn một chút. “Ta đọc rồi.”
“Có hay không, thưa bà?”
“Không tệ.”
Sau đó có một thôi thúc muốn bỏ đi nơi con bé, nhưng trong nó cũng dấy lên một nghĩa vụ khác thường là hãy ở lại. Con bé định lên tiếng, nhưng những từ ngữ có sẵn trong đầu nó quá nhiều và quá nhanh. Có vài lần con bé cố gắng nắm bắt lấy chúng, nhưng vợ ngài thị trưởng là người đã giành lấy quyền chủ động.
Bà đã nhìn thấy gương mặt của Rudy thập thò ngoài cửa sổ, hay nói chính xác hơn, là mái tóc tỏa ra ánh sáng lập lòe như một ngọn nến của thằng nhóc. “Ta nghĩ tốt hơn là cháu nên đi đi,” bà ta nói. “Cậu ta đang đợi cháu đấy.”
Trên đường về nhà, chúng ăn.
“Cậu có chắc là không còn gì khác không?” Rudy hỏi. “Hẳn là phải còn cái gì đó chứ?”
“Chúng ta gặp may mới có được mấy cái bánh quy này đấy.” Liesel săm soi món quà trên tay của Rudy. “Bây giờ thì hãy khai thật đi. Cậu có ăn cái bánh nào trước khi tớ ra không đấy?”
Rudy tỏ vẻ phẫn nộ. “Này này, ở đây cậu mới là kẻ ăn trộm, không phải tớ.”
“Đừng có đùa với tớ, Đồ con lợn. Tớ có thể nhìn thấy vài hạt đường vẫn còn dính ở mép cậu kia kìa.”
Như lên cơn hoang tưởng, Rudy cầm cái đĩa chỉ bằng một tay còn tay kia thì chùi mép. “Tớ chẳng ăn cái nào cả, tớ hứa danh dự đấy.”
Nửa số bánh quy đã vơi đi lúc chúng đến được chỗ cây cầu, và chúng chia phần bánh còn lại với Tommy Muller trên phố Thiên Đàng.
Khi ăn xong, chỉ còn lại một suy nghĩ tiếp theo, và Rudy đã nói điều đó ra.
“Chúng ta làm cái quái gì với cái đĩa này bây giờ đây?”
NGƯỜI CHƠI BÀI
Cùng lúc Liesel và Rudy đang ăn những cái bánh quy, thì những người đàn ông đang nghỉ ngơi của đơn vị LSE đang chơi bài trong một thị trấn cách Essen không xa lắm. Họ vừa mới hoàn tất một chuyến đi dài từ Stuttgart, và đang chơi bài để thắng cược thuốc lá. Reinhold Zucker không cảm thấy vui vẻ cho lắm.
“Ông ta ăn gian, tôi thề đấy,” anh lẩm bẩm. Họ đang ở trong một chuồng gia súc đóng vai trò như là một trại lính, và Hans Hubermann vừa mới thắng ván bài thứ ba liên tiếp. Zucker ném những quân bài xuống đầy vẻ kinh tởm và chải mái tóc dính nhớp nháp của mình bằng một bộ ba ngón tay đầy cáu ghét.
VÀI THÔNG TIN VỀ REINHOLD ZUCKER
Anh ta hai mươi bốn tuổi. Khi thắng một ván bài, anh tỏ ra rất hả hê – anh ta sẽ giơ những điếu thuốc khẳng khiu lên mũi rồi hít hít. “Mùi vị của chiến thắng,” anh ta nói. Ồ, và còn một điều nữa. Anh sẽ chết khi mồm vẫn còn đang há hốc ra.
Không giống người thanh niên ở bên trái mình, Hans Hubermann không hả hê khi chiến thắng. Thậm chí ông còn tử tế đến mức đưa cho mỗi người người đồng đội của mình một điếu thuốc trong chỗ thuốc mà ông thắng được, và còn đốt chúng hộ họ nữa. Tất cả mọi người, ngoại trừ Reinhold Zucker, đều chấp nhận lời mời này. Anh ta giật lấy điếu thuốc đang được chìa ra và quẳng nó trở lại cái hộp đựng thuốc đặt cược. “Tôi không cần sự thương hại của ông đâu, ông già.” Nói rồi anh đứng dậy và bỏ đi.
“Có chuyện gì với anh ta vậy?” Viên trung sĩ hỏi, nhưng không ai quan tâm đến câu hỏi ấy đủ để trả lời nó. Reinhold Zucker chỉ là một thằng nhóc hai mươi bốn tuổi không thể chơi bài để cứu lấy mạng sống của mình.
Nếu không thua chỗ thuốc lá của mình cho Hans Hubermann, thì có lẽ anh ta đã không tỏ ra khinh bỉ ông ấy đến thế. Và nếu anh ta không khinh bỉ ông, thì hẳn là anh ta đã không giành lấy chỗ ngồi của ông sau đó vài tuần trên một con đường tưởng chừng như vô hại.
Một chỗ ngồi, hai người đàn ông, một cuộc tranh cãi ngắn, và tôi.
Đôi khi nó làm tôi chết được, cái cách mà người ta chết ấy.