Kí Ức Của Mưa

Chương 26: Điệp khúc chờ người



1.

Những cành hoàng điệp già vươn ra trơ trụi dưới ánh nắng hanh hao. Từ giảng đường, thư viện đến khuôn viên, dưới mỗi gốc cây, từng nhóm sinh viên tụm lại hoặc ngồi riêng một góc bên đống sách vở. Cuộc sống sinh viên thật bình yên. Cuộc mưu sinh thực sự ở phía sau cánh cổng đại học. Kỳ Thư thở một tiếng dài thườn thượt. Từ thư viện bước ra, cô tình cờ gặp nhóm của Quân ngáp ngắn ngáp dài kể tội Nam Phong. Mấy ngày qua anh cặm cụi thâu đêm học môn không liên quan gì khiến cả phòng mất ngủ. Cô chạnh lòng nhớ lại sáng nay Nam Phong hớn hở cầm sách vở qua trường chỉ bài Logic cho cô. Đúng lúc đó Mai gọi điện nhờ anh hướng dẫn Toán cao cấp, mặc dù anh từ chối ngay nhưng cô vẫn khó chịu đuổi anh về. Còn cô dàu dàu ủ rũ vừa vật lộn với mớ bài vở khó nhằng suốt cả ngày.

Nam Phong đứng thẫn thờ ở hành lang nhìn vào màn đêm dằng dặc. Anh soạn dòng tin gửi đến người đang hiện hữu trong anh. Con tim anh nhỏ hẹp, bây giờ nó lại được lấp đầy, thực sự không còn chỗ cho một ai khác. Kỳ Thư định trả lời rồi lại giả vờ như đã ngủ. Cô thầm nghĩ: Thực ra anh đâu cần phải xin lỗi chứ.. rồi đỏng đảnh đáp:

- Anh cố tình gây sự với em nữa phải không? Em đang ngủ ngon đã bị anh đánh thức rồi đó. Anh đáng bị phạt lắm. Phạt anh sáng mai bảy giờ dạy học cho em đó biết chưa?

Ánh mắt Nam Phong bừng sáng ấm áp. Chỉ cần nghĩ đến cô hờn dỗi hay không vui dù chỉ một chút là lòng anh bứt rứt không yên. Cứ thế anh luôn dỗ dành cô dù bất kỳ lý do gì.

Bảy giờ sáng, Nam Phong đợi hơn một tiếng trôi qua cũng không thấy Kỳ Thư. Một lúc sau cô bước đến, tỏ vẻ áy náy. Nam Phong mỉm cười đưa ổ bánh mì cho cô và còn cả xí muội mà cô thích. Cũng từ đó anh hay gọi cô là Sâu Xí Muội. Anh đã tóm tắt nội dung nên chỉ quá giờ trưa đã hướng dẫn xong tất cả. Mỗi ngày thi anh đều chờ cô ở khuôn viên trường. Anh hay khen cô thông minh, dù không mất nhiều thời gian để ôn luyện nhưng hoàn thành các môn rất tốt.

Tiết trời vào xuân lành lạnh, là mùa của đoàn tụ nhưng lòng họ quyến luyến chia xa. Nam Phong đưa cô đến nhà văn hóa gần trường. Cô hí hửng tô tượng. Anh lâu lâu lại nghịch vấy màu lên tượng của cô. Cô cau mày đánh anh. Rồi anh chỉ cho cô làm tranh cát, khéo léo phủ cát lên từng nét vẽ, những hạt cát trôi xuống rồi lại phủ lên. Mỗi đợt gió thổi qua làm bay bay những hạt kim tuyến bé xíu lấp lánh bám vào gương mặt trong trẻo của cô. Họ bịn rịn từ biệt nhau, bao lưu luyến đọng sâu trong đáy mắt hằn ghi nơi miền nhớ.

2.

Sống ở thành phố lâu ngày đã khiến Nam Phong quên cái rét run quê nhà. Anh ngồi bên bếp lửa, nâng niu cây sáo ngân nga vài khúc hát, tâm hồn anh ngập tràn hình ảnh Kỳ Thư. Càng nhớ nhung vờn quyến càng sợ hãi chia xa. Sau cái Tết này anh chỉ còn ở lại trường ba tháng cho kỳ thi cuối rồi về quê thực tập, thi tốt nghiệp là ra trường. Trước kia anh mong sớm được ra trường bao nhiêu thì nay anh lại sợ bấy nhiêu. Còn ở một miền quê xa, Kỳ Thư tất bật với việc gia đình. Em trai cô sốt xuất huyết rất nặng nên mấy ngày liên tục cha mẹ cô túc trực ở trạm xá. Cô quán xuyến nhà cửa và chăm sóc cho bà nội với em gái. Cô giăng lưới bắt cá ngoài đồng nhưng lo lắng thấp thỏm về bà và em. Con heo mới nuôi cứ kêu hét mãi. Cô trộn cám rồi đổ vào máng cho nó. Chiều tối muỗi kéo thành từng đàn. Một vùng quê tĩnh mịch tối om om, xa xa mới có một căn nhà, xung quanh là hàng đước lạo xạo trong gió cùng với mùi hơi nước bốc lên lạnh ngắt ớn xương. Cửa đóng tạm bợ nên trời sập tối là cô rất sợ hãi nhưng cố trấn tĩnh. Cô vỗ giấc ngủ cho em gái thì trời đổ mưa. Cô chốt cửa phòng lại rồi chạy ra che bạt trên giường nội và mang thau chậu hứng nước khắp nhà. Cô vừa đi vừa lầm thầm gì đó cho đỡ sợ. Một lúc bà nội kêu, cô vội vã chạy ra rồi lại chạy vào trông em gái đang đập phá trong phòng. Cả đêm cô không chợp mắt và cũng không dám chợp mắt, suốt hai đêm liền như thế.

Tia sáng li ti xuyên qua rèm cửa, gió lạnh không còn rít buốt nữa. Em gái còn say ngủ. Cô rón rén chốt cửa phòng cẩn thận rồi chợt lấy làm lạ khi không nghe tiếng heo kêu như mọi ngày. Nó nằm bất động, thân cứng ngắt. Cô hớt hải chạy vào nhà:

- Nội ơi, con heo chết rồi.

- Hả? Chết, cái gì..

Bà cô thảng thốt thở dốc, sắp ngã ra giường. Cô vội đỡ bà vừa hốt hoảng hét to:

- Con heo, con heo chết nội ơi.

- Con heo hả? – Bà run rẩy nói.

- Dạ con heo. – Kỳ Thư sợ hãi hét lớn.

- Trời ơi, con làm nội tưởng..

Rồi bà thiêm thiếp rên rẩm trong cơn mệt của người già. Kỳ Thư lo sợ chạy sang nhà hàng xóm nhờ giúp đỡ. Chiều tối cha cô về nhà với trạng thái khá mệt mỏi. Hôm sau em trai cô cũng được xuất viện. Lúc này Kỳ Thư sốt bừng bừng, chân không bước nổi nữa. Mẹ cô mượn xuồng hàng xóm chở cô ra trạm xá. Cô bị sốt xuất huyết kèm suy nhược cần phải truyền dịch và tiêm thuốc mỗi ngày. Cô không muốn nằm viện nên xin về nhà. Có hôm cô đang nằm miên man thì nghe tiếng giường đập vào vách phình phịch. Cha cô bị sốt rét, mỗi khi đến cơn lại run cầm cập như thế. Trưa ba mươi tết, hai chị gái cô mới được nghỉ làm về nhà và mua sắm ít đồ ăn tết.

Kỳ Thư không có tiền điện thoại để nhắn cho Nam Phong. Những lúc nằm trên giường bệnh cô lại nhớ nhiều về anh. Nhớ một đêm mưa anh chạy sang nhà bà đón cô. Không còn xe buýt nên Hiền nằn nì xin về chung. Trời mưa tầm tã làm đường trơn nước ngập và phải cõng ba nên Nam Phong lưỡng lự, rồi tẩm ngẩm bảo cô năn nỉ anh. Cô nhăn nhíu nguýt mặt đi còn anh ung dung tự đắc đợi cô xuống nước. Bất chợt mưa đổ sầm sập xuống mái hiên tạt tung tóe, anh xắm nắm nép cô vào người anh. Cô đỏng đảnh như kẻ đắc thắng còn Hiền cười tít mắt như thể đã được anh đồng ý. Anh bắt cô ôm anh thật chặt rồi hát cho anh nghe dưới mưa giông xối xả. Về đến cổng trường nước ngập lưng lửng mắc cá, Hiền tế nhị vào Ký túc xá trước. Anh ghé vào tai cô láu lỉnh:

- Anh làm tốt như vậy, có phải nên được thưởng không!

Anh đưa má xuống ngang tầm với cô rồi nhắm mắt chờ đợi còn cô len lẻn nhón gót chạy đi. Anh phát hiện liền bắt lấy cô, tức thời hôn lên má cô rồi phớn phở nói:

- Em không thưởng cho anh thì anh tự thưởng cho mình vậy.

Quá bất ngờ trước độ trơ trẻn của anh, cô cúi xuống hất nước vào người anh vung vít. Cả hai cười khúc khích dưới đêm mưa còn sót lại những giọt sau cùng. Còn cả cái ngày nói dối, một tháng tư. Đó là chủ nhật, anh dậy từ sớm để đi dạy vẫn nhắn tin nhắc nhớ cô. Ai ngờ khi Kỳ Thư từ nhà tắm bước vào phòng thì ngơ ngác thấy anh. Nam Phong cắn môi cười bất lực khiến cô lờ mờ đoán ra thì các chị cười phá lên. Hóa ra từ sớm các chị đã lừa rất nhiều người mà không ai dính bẫy cả nên bèn nhắn cho anh, bảo là cô bị té ngả mạnh trong nhà vệ sinh mà không chịu đi bệnh viện. Thế là anh liền bỏ ngang giờ dạy tức tốc chạy từ Gò Vấp về. Các chị cảm thấy áy náy vì không biết anh đang đi dạy và ở xa như vậy. Anh mỉm cười nói: Tại anh, mà vẻ mặt si tình tội nghiệp của anh khiến các chị được nước trêu không ngớt. Tối đó Kỳ Thư lại ngồi ở khuôn viên trường đợi anh đi dạy bù. Hơn một năm qua cuộc đời cô thật đẹp vì sự hiện hữu của anh. Cô lại càng lo sợ anh rời xa cô.

Mỗi ngày Kỳ Thư vẫn ra trạm xá tiêm thuốc cho đến khi cái tết trôi qua cô không hề hay biết. Cô lại chuẩn bị lên thành phố. Một góc quê nghèo xờ xạc làm lòng cô bi ai.