Kí Ức Của Mưa

Chương 33: Tây ninh nắng gió



Giữa trưa nắng hầm hập, Nam Phong thờ thẫn nhìn ra khoảnh đồng khô cháy, giật mình nghe giọng sang sảng của Trí đánh động cả bầu tâm sự trong anh:

- Sao không rủ bé Thư lên chơi, anh chị muốn biết quá nè Nam Phong?

- Em sợ bất tiện cho gia đình mình. Với lại Thư cũng còn đi học và đi dạy nữa anh à. - Nam Phong cười héo hon đáp.

- Có gì mà không tiện chứ, nhà dì nghèo khó sợ mấy đứa bây chê thôi chứ đứa nào lên chơi dì vui lắm. – Mẹ Dương xuề xòa nói.

- Chú cứ ngày nhớ đêm mong thế này thì học hành gì được chứ. – Trí dõng dạc nói, Nam Phong gượng cười lặng thinh.

- Tuổi trẻ nó vậy mà, ở gần thì thiêu đốt nhau còn ở xa thì tự thiêu đốt mình. – Dương từ sau bước ra sấn rấn nói liền bị mẹ mắng:

- Mày ở đó nói cho hay cái miệng. Mày bao giờ mới có người dắt về ra mắt?

- Ôi, đó là duyên nợ. Vài bửa tới bây giờ, mẹ ngồi đó mà lo. – Dương cười xí xóa.



Nam Phong như mở cờ trong bụng nhưng chạnh lòng thầm thương cho Kỳ Thư.

********

Kỳ Thư đi theo hướng dẫn của Nam Phong. Xe dừng trạm Củ Chi, ai nấy hối hả tìm chuyến xe tiếp theo như để trốn tránh cái nắng khô cháy. Kỳ Thư vừa bước lên xe liền bị xô đẩy kẹt giữa hai dãy ghế. Xe chật nít người, trẻ em khóc rang lên có lẽ vì nóng bức và ngột ngạt. Xe chòng chành sụp ổ gà, ổ voi làm mọi người la ó om sòm. Đầu óc Kỳ Thư choáng váng sắp nôn tháo ra, bước chân chệnh choạng va giẫm lên nhau, có lúc không thở nổi vì bị chèn ép chật nít. Đến những đoạn dân cư san sát, xe dừng cho khách xuống trạm. Kỳ Thư nấp nom không biết bác tài có nhớ đến cô không nhưng cô đã bị đẩy tụt ra mãi phía sau. Cô rụt rè hỏi người bên cạnh nhưng chỉ làm cô rối lên khi mỗi người nói một kiểu. Xe nghiêng ngã sòng sành mà bác tài vẫn đánh lái bon bon. Mãi đến quảng chợ đông đúc, nhiều người ùa xuống. Kỳ Thư nhớ đến lời dặn của Nam Phong liền chen chút xuống theo. Cô ngơ ngác nhìn quanh rồi gọi cho anh. Hai bên đường không một bóng cây, nắng gay gắt kèm gió bụi khô rát khiến mặt cô nóng bừng. Nam Phong xốn xang lau mồ hôi và bụi bám trên mặt cô vừa run lên vì hạnh phúc. Anh siết chặt bàn tay cô xót xa:

- Vất vả cho em quá!

- Em không sao mà! – Kỳ Thư thỏ thẻ.

Xe chạy vào khoảng đường đất gập ghềnh, hai gian nhà bé lụp xụp xây bằng gạch nung không trét vôi để lộ những vết nham nhỡ rất thực, trần nhà được lợp bằng tôn cũ kĩ. Mọi người đang đợi trước mái hiên tươi cười thân thiện.

- Con đi lúc mấy giờ mà giờ mới tới? – Dì xởi lởi hỏi.

- Dạ con đi lúc sáu giờ. Hồi nãy con đi quá một đoạn nữa nên hơi lâu ạ. – Kỳ Thư lễ phép đáp.

- Hai đứa chào cô đi nè! – Trí vui vẻ nói.

Hai đứa bé là con anh hai Trí, anh ruột của Dương. Kỳ Thư nhìn mặt mũi chúng lấm lem chợt nhớ đến mình hồi nhỏ liền xoa đầu chúng trìu mến.

- Sao, em thấy trên này thế nào? - Dương tấm tắc hỏi.

- Dạ, em thấy trên đây nắng quá à!



Kỳ Thư thật thà đáp làm mọi người cười rôm rả.

- Bé Thư lên tới rồi hả? - Chị hai là vợ Trí từ nhà sau bước ra hồ hởi nói.

Kỳ Thư cúi đầu chào chị, chị nắm tay cô thân thiết:

- Ra sau rửa mặt mũi tay chân, nghỉ ngơi một lát rồi ăn cơm. Chị đã chuẩn bị sẵn cả rồi nè!

Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng cả nhà rất gần gũi giúp cô vững lòng hơn.

Buổi trưa, mọi người ngả lưng nghỉ ngơi nhưng cái nắng oi bức khiến ai nấy đều khó chịu. Cuộc sống ở đây tuy không bấp bênh nhưng cực nhọc. Mỗi ngày Nam Phong phụ anh chị hai thu hoạch đậu bắp, tối về học bài đôi chút. Qua trưa, Nam Phong với anh chị hai và Dương mặc hai ba lớp áo quần, găng tay, mũ nón để ra rẫy thu hoạch buổi cuối. Kỳ Thư muốn đi cùng nhưng mọi người mỉm cười lắc đầu. Kỳ Thư bèn ra sau nhà rửa chén bát, trò chuyện với dì và phụ chuẩn bị cơm tối.

Bóng nắng đã nhạt dần nhưng hơi nóng vẫn còn hăng hắc. Gió chiều bắt đầu khua những khóm lá bụi cây sàn sạt. Một góc quê trầm lắng khiến cô nhớ nhà da diết. Kỳ Thư ngồi trên bậc thềm nhìn ra cánh đồng khô cháy trước mặt, mỏi mòn trông ngóng. Cô dắt hai đứa nhỏ vào rửa mặt mũi tay chân rồi đút cơm cho chúng. Trời sập tối, chỉ còn chút ánh sáng mờ mịt cuối ngày nhưng từ xa hai người đã nhìn thấy nhau. Quần anh xắn cao qua gối, áo xốc xếch vấy vá bùn nước, tay còn cầm túi đệm và dao kéo. Vừa thấy cha mẹ, hai đứa trẻ xoắn xuýt reo lên. Dì hớn hở khoe hôm nay hai đứa nhỏ được cô Thư đút cơm nên ăn hết cả tô. Anh chị hai cười vui sướng. Kỳ Thư đến bên Nam Phong thì thầm:

- Anh có mệt lắm không?

- Nhìn thấy em là anh hết mệt rồi. - Nam Phong cười rạng rỡ, ánh mắt long lanh đáp.

Ánh đèn tù mù trong gian nhà thấp bé lại càng khiến nó leo lét. Bên bàn ăn đơn sơ, trông mọi người đều ăn ngon lành. Nam Phong gấp một phần cá gỡ lấy xương rồi đặt vào chén Kỳ Thư. Mọi người nhìn chăm chăm rồi cười khà khiến Kỳ Thư ngượng ngùng. Cơm nước xong, Kỳ Thư phụ chị hai rửa chén thì Nam Phong mang nhang muỗi đặt bên cạnh. Chị hai hài hước bảo bữa giờ chị hai ngồi đây muỗi cắn quá trời khiến cả hai chỉ biết mím môi cười trừ.

Trời đã tối sầm, Kỳ Thư thấp thỏm thấy nhà tắm hơi xa, xung quanh cây cối um tùm và chỉ có cửa tạm. Nam Phong xách hai xô nước vào nhà tắm rồi đứng bên ngoài nói huyên thuyên. Có lúc tiếng dội nước to quá cô không nghe rõ thì Nam Phong hát nghêu ngao vừa xua đuổi muỗi.



- Anh ơi, em quên đồ rồi! – Kỳ Thư ngắc ngứ nói.

- Em quên gì để anh lấy cho. – Nam Phong sốt sắng đáp. Kỳ Thư lưỡng lự nói:

- Anh đem cái túi ra đây cho em đi. Nhưng mà anh nhanh nha, em sợ lắm đó!

- Ừm được, anh biết rồi. Anh chạy cái vèo là ra liền nha. Đừng sợ, đừng sợ..

Nam Phong phóng đi như bay, chụp lấy túi đồ của Kỳ Thư thì một vật gì đó rơi xuống đất. Anh chợt hiểu ra đó là thứ cô cần. Anh tế nhị đặt lại vào túi rồi chạy thật nhanh vừa hát vang. Kỳ Thư rón rén nhấc tấm cửa qua một bên rồi nép mình vào trong, đưa tay ra đón lấy túi đồ. Cái cách hết sức cảnh giác của cô khiến anh cười thầm trong bụng rồi trìu mến nói:

- Hôm nay em tắm lâu vậy nhưng ngày mai không được như thế nữa nghe không?

- Em nghe rồi nhưng còn làm hay không thì mai mới biết.

Kỳ Thư hồn nhiên đáp khiến Nam Phong bật cười. Trong nhà, anh hai đã mở karaoke, một đầu máy cũ kĩ nhưng ai nấy đều thích thú. Lúc Kỳ Thư hát, mọi người lặng im thin thít lắng nghe. Về khuya, ngoài thềm ánh trăng treo chênh chếch trên cành cây nhãn. Nam Phong cùng Kỳ Thư ngồi trước thềm mái hiên ngắm ánh trăng vằng vặc vắt ngang nền trời lấp lánh sao đêm. Anh rộn rực tỉ tê với cô khao khát làm chồng làm cha lớn lên trong anh từng ngày kể từ khi yêu cô. Mai sau này, dẫu có con cái bấn bíu, có biến đổi bão giông thì cũng không có ai hay bất kỳ điều gì có thể thay thế được cô trong lòng anh.