Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)

Chương 40: Cố đô ngày hè dài đằng đẵng (2)



Cô mím chặt môi đến mức trắng bệch.

Ngô Hoài Cẩn lễ phép gật đầu chào một cái rồi lên xe rời đi.

Cô đứng ngoài cửa, nhiệt độ nóng bừng, trên lưng toát mồ hôi.

Tư Niên đau lòng nhìn chiếc xe đã đi xa, nhỏ giọng hỏi: “Vị đó có phải là người nhà của Tạ thiếu tướng quân không ạ?”

Tư Niên rất hiểu chuyện, Hà Vị từng dặn cô bé khi ở ngoài phải gọi Tạ Vụ Thanh là Tạ thiếu tướng quân. Vừa nãy Tư Niên ở ngoài quán trà, nghe người ta gọi một tiếng thiếu tướng quân, cô bé theo bản năng xoay người, trông thấy Ngô Hoài Ngẩn liền choáng váng, chỉ lo cắm đầu chạy về phía trước…

Hà Vị mất hồn “ừm” một tiếng.

Hồ Thịnh Thu đạp xe đến quán trà trên phố này, nhìn thấy Hà Vị, vội vàng phanh gấp: “Gặp được không?”

Khấu Thanh bị chọc cười: “Nhìn Hồ tiên sinh còn sốt ruột hơn cả cô hai”.

“Cô không hiểu tâm tình của tôi”, Hồ Thịnh Thu lau mồ hôi trên tán, “Nếu là người bình thường đến hỏi, tôi sẽ không đưa địa chỉ đâu… Nhưng khuôn mặt kia, hình như rất giống thiếu tướng quân”.

Hồ Thịnh Thu trước mắt vẫn mang dáng vẻ nhiệt tình của người đội mũ quả dưa năm đó cô gặp trên tàu, đứng cách mấy quan quân, vẫy tay chào Tạ Vụ Thanh. Thời gian thấm thoắt có thể thay đổi bộ mặt của con người nhưng không thể lung lay trái tim.

Mùa hè năm nay, hết tin tốt này đến tin tốt khác tìm đến. Thím chín của cô sắp sinh em bé.

Vừa lúc đến kỳ nghỉ hè, Hà Vị liền dẫn theo Tư Niên đến Thiên Tân.

Khi nhận được tin của anh, cô không cách nào bình tĩnh được, không bằng đến ở cùng thím trước. Hai nơi chỉ cách nhau nửa ngày ngồi tàu, bất cứ lúc nào cũng có thể quay về.

Chú chín mời bác sĩ và y tá từ khoa phụ sản của bệnh viện Bắc Bình đến, giúp thím chín đỡ đẻ ngay trong nhà.

“Bắc Bình hiện tại rất loạn, các lão quân phiệt đều tụ lại đó”, chú chín nói, “Lỡ không may nổ ra chiến tranh, thím chịu không nổi”.

Thím nhỏ thấy buồn cười: “Chú chín con không ngủ suốt hai đêm rồi, con khuyên bảo chú ấy đi”.

“Tây y dự đoán ngày sinh cũng không đáng tin, họ nói là hôm qua”, chú chín ngẫm nghĩ thấy bất an, “Chú vốn không muốn thím con sinh, nhưng càng ngăn thì càng kiên trì muốn sinh” Chú chín muốn nói lại thôi, không lên tiếng nữa,

Hà Vị hiếm khi thấy chú chín như thế, trong lòng nghi hoặc, tối đó cô hỏi thím nhỏ, rốt cuộc chú chín muốn nói gì. 

Thím nhỏ giải thích cho cô, lúc trước trong kỹ viện từng cho uống thuốc, rất nhiều người không thể sinh con được, thím cũng vậy. Những năm đầu không mong sẽ có con, lần này bất ngờ có, mọi người ai nấy đều khẩn trương. Chú chín sợ thím không sinh được, muốn khuyên thím bỏ đi, nhưng thím một mực kiên trì, dù vậy thỉnh thoảng thím vẫn âm thầm sợ mình lúc trẻ uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, lo lắng con nhỏ sinh ra có khiếm khuyết.

Ngược lại thím nhỏ phải an ủi hai người họ, nói ông trời ban cho đứa trẻ, là cát nhân ắt có thiên tướng [1].

[1] “Cát nhân tự hữu thiên tướng”: Xuất phát từ câu thành ngữ “cát nhân thiên tướng”, ý chỉ những người tốt bụng, may mắn sẽ được ông trời giúp đỡ

Hai người nhẩm tính, có lẽ do thím quá sốt ruột nên chậm trễ thời gian dự sinh.

Khi màn đêm buông, hai người ngồi quanh thím đang nằm trên giường ở phòng ngủ, giúp thím giải sầu.

Thím nhỏ cười: “Chị kể với Vị Vị lúc mới quen Cửu gia thế nào đi, không phải Vị Vị vẫn muốn nghe sao?’

Mắt hạnh của thím lớn hơi híp lại: “Hai người đến ở cùng chị, sao lại bắt chị kể chứ?”

Hà Vị hiểu thím nhỏ muốn thím lớn nhớ đến những chuyện tốt đẹp, phụ hoạ thêm: “Kể đi mà, con muốn nghe”.

Thím lớn nhìn bóng tủ hắt dưới ánh đèn tường, thấp giọng kể: “Năm đó, chú chín con vẫn còn là một tiểu công tử”.

Ngày ấy là lần đầu thím tiếp khách.

Nhan sắc thím lớn chỉ tầm trung, nhưng tài nghệ lại không tồi chút nào, ngày đầu tiên tiếp khách được ra giá khá cao. Thím không biết là ai đã bỏ khoản tiền này, tâm nguyện lớn nhất chỉ mong lần đầu của mình không gặp phải mấy tên cường bạo, ngược đãi người khác.

Đêm đó, thím đứng trên lầu hai nhìn xuống.

Những năm cuối triều Thanh, chú chín mang dáng vẻ giống hệt mẹ mình, lúc còn trẻ vô cùng xinh đẹp, thường bị gọi là quỷ tây dương tóc ngắn. Trên người chú mặc bộ tây trang cao cấp, tỉ mỉ phối với áo choàng ngoài. Trên ngón cái đeo nhẫn ban chỉ, thường gõ gõ vào tay vịn xe lăn… Bên cạnh công tử phú quý có vị bối lặc gia mang thân phận thông gia, cười nói, hôm nay ông làm chủ.

Vị bối lặc gia ấy chỉ vào một bức hoạ mỹ nhân, nói với Hà Tri Khanh, chính là cô gái này.

Hà Tri Khanh không buồn nhìn bức hoạ, thẳng thắn bảo: “Nếu tôi nói, tôi không thể thì sao?”

Người nọ cúi người, ôm vai ông: “Không được, cũng sẽ có cách”.

Cả đám bật cười, mỗi người ôm theo mỹ nhân của mình lên lầu. 

Bọn họ muốn gây khó dễ cho ông, cố ý lừa gã sai vặt của ông ở ngoài, mang ông để lại trong đình gác dưới lầu một. Khách khứa ra ra vào vào, đều gọi một tiếng Cửu gia. Ông cứ ngồi đó, trên môi mang theo nụ cười, nhưng là cười chính bản thân mình.

Tông tộc mẹ ruột phú quý thì thế nào, cuối cùng ông vẫn là người tàn tật, vẫn bị kẻ khác trêu đùa.

Đỗ Tiểu Uyển dù chưa thất thân nhưng sống trong Tùng Trúc Quán ngày ngày nhìn những người kia ăn chơi đàn đúm, liền biết vị tiểu công tử ấy đang bị khinh khi.

“Nếu Tiểu Cửu gia thật sự không được thì cố dỗ dành thêm đôi câu. Hắn là người tốt bụng nổi tiếng trong kinh, sẽ không gây khó dễ cho cô”. Tú bà muốn trấn an một chút để cô không đắc tội với khách quý.

“Giúp tôi chuẩn bị một căn phòng ở lầu một, tiện cho hắn vào”. Cô nhỏ giọng dặn dò.

Nói đoạn, cô đẩy cửa ra ngoài.

Tùng Trúc Quán là một toà lâu nhỏ được dựng bằng gỗ lát gạch xanh theo kết cấu hai tầng, vô cùng tinh xảo, cô đẩy cánh cửa sơn son trên lầu hai, mà Hà Tri Khanh đang ngồi bên thành gỗ chạm khắc ở lầu một, ngẩng đầu nhìn về phía lầu hai.

Đó là lần đầu họ gặp nhau.



Số phận của thím nhỏ lại không may mắn như thế, thím đã sớm thất thân, lại chịu không ít hành hạ.

Những câu chuyện xa xưa về kỹ nữ nổi danh nơi trăng hoa được truyền tụng rộng khắp, nhưng trăm năm có được mấy ai? Người trên đời đều cho rằng nơi đó vô cùng kiều diễm, đâu đâu cũng là tình yêu giữa tài tử cùng những giai nhân trót lưu lạc hồng trần. Thật ra trong ngõ bát đại có biết bao nam nữ lạc chốn phong hoa, nhưng được mấy người trở thành danh kỹ? Phần lớn đều là kẻ bình thường có chút nhan sắc, tiếp đãi những gã đàn ông không biết đến từ phương nào, lên giường chỉ biết tra tấn đánh đập người khác, đến hôm sau cả người bầm tím là chuyện đương nhiên.

Danh kỹ lưu danh muôn đời, trong sử sách không được mấy người.

Số còn lại, đều là những tên làm ăn vô danh lang bạt trên phố phường trong đêm tối.

Ba người họ chuyện trò đến khuya, tay chân khẽ khàng bò xuống giường, cách một lớp chăn xoa bụng thím lớn, thì thầm nói: “Mau chào đời nào, cha mẹ con đang chờ gặp con đấy”.

Cô đi rửa mặt, đánh răng, trán toát đầy mồ hôi.

Thiên Tân vào tháng Tám, trời nóng vô cùng.

Tờ mờ sáng, cô nhìn Khấu Thanh ôm Tư Niên trong phòng khách ngủ say sưa, không muốn đánh thức họ nên một mình tìm ly sữa bò đun nóng, giẫm đôi dép lê bằng vải bông xanh lá trúc bước xuống lầu.

Khí trời nóng bức khó chịu nổi. Cô cởi cúc cổ vướng víu, nhặt một cái quạt nhỏ, khẽ phe phẩy gió, đi về tiền sảnh.

Cô lê dép trên tấm thảm nâu vàng, không một tiếng vang.

Vừa bước đến cửa tiền sảnh, cô bỗng dừng chân, đứng sững lại.

Có tiếng quản gia nói: “Các ngài đến sớm không báo trước, xin hãy ngồi ở đây chờ một lát”.

Tiền sảnh đứng đầy, ngồi cũng không ít.

Khắp nơi đều là người, nhưng giống như chỉ có khuôn mặt người đàn ông kia là chân thật.

Người ấy xuất hiện trong hồi ức của cô từ rất lâu, lâu đến mức khuôn mặt chân thật đều hoá thành mơ hồ, anh ngồi trên cái ghế đầu tiên bên phải, không mặc quân phục… Áo sơ mi cổ đứng trắng toát, cổ áo được cài cẩn thận. Tóc ngắn trên trán chải hết về sau, lộ ra đường nét thay đổi không nhiều, có điều ánh mắt trầm tĩnh hơn. Cả người gầy gò.

Cánh tay anh đặt trên tay vịn ghế, hơi tựa về sau, giống như đã ngồi một tư thế không động đậy suốt mấy giờ.

Hai người nhìn nhau.

Người đàn ông ngồi đó nhỏ giọng nói: “Cô hai Hà, đã lâu không gặp”.

Nước mắt không hề báo trước, rơi xuống ly sữa.

Cổ họng cô tắc nghẽn, thế nào cũng không thốt nên lời, không cách nào nói được câu: Tạ tướng quân, biệt lai vô dạng…

“Hôm nay không tiện đứng dậy”, anh nói, “Thật có lỗi”.

Cô lắc đầu, đáy mắt ngần ngận nước nhìn về anh: “Ở đây không câu nệ lễ nghĩa, cứ vậy đi… ngồi được rồi…”

Ly sữa cô cầm rõ ràng rất nóng nhưng cô lại không nhận ra, nắm chặt thành ly.

“Chủ nhà đến thật tốt”, một người đàn ông mặc âu phục xám sẫm đứng lên, cười nói, “Tạ tiên sinh vừa đến Thiên Tân, nói ở đây có một người bạn cũ, nhờ chúng tôi đưa anh ấy đến gặp mặt”.

Cô nhận ra là Trịnh Độ trước kia mình từng gặp.

“Hai người nói chuyện đi, tôi ra ngoài trước”. Trịnh Độ như không quen biết cô, lịch sự nói.

Mọi người ngoài sảnh đều nối gót nhau bước ra.

Không còn ai khác, nơi này im ắng như chốn không người.

“Hiếm khi nhìn thấy em mặc đồ mùa hè”. Tạ Vụ Thanh khẽ nói, phá vỡ bầu không khí yên lặng.

Nhiều năm sau, khi hai người gặp lại nhau, đầu tiên thốt ra… lại là câu này.

Có điều đúng thật, lúc trước mỗi khi nhìn thấy nhau đều vào mùa đông khắc nghiệt. Thật sự rất hiếm.

Phía sau, Lâm Kiêu giúp họ khép cửa.

“Thế nào? Không quen à?” Anh cười hỏi.

Trái tim cô đau nhói, cô dời bước đến trước mặt anh.

Hà Vị đặt ly thuỷ tinh lên bàn vuông nhỏ ở giữa, tựa sát vào người anh.

“Anh…” Giọng cô đặc nghẹt âm mũi, thì thầm, “Mấy năm qua ở nơi nào?”

Những năm ấy cô biết rất nhiều người bị nhốt trong nhà giam Lục quân, hoặc bị bắt giữ bí mật, đoán chừng anh cũng thế.

“Ở Hàng Châu”. Anh thấp giọng trả lời.

“Hiện giờ được tự do rồi sao?” Cô nhìn chân anh, “Vì sao không tiện đứng lên? Chân anh bị thương ư?”

“Bị phong thấp”, anh mỉm cười vô cùng quen thuộc hỏi, “Có phải em đang nghĩ, một người phương Nam sao lại không chịu được thời tiết mưa dầm để bị phong thấp không?”

Hà Vị đau lòng nhìn anh. Quý Châu mưa nhiều, anh lớn lên ở đó, so với người bình thường càng quen với khí hậu ẩm ướt hơn. Nếu nói thật sự bị phong thấp, những năm qua có lẽ anh sống rất khó khăn.

“Không phải không thể đi, chỉ là bác sĩ dặn thế”, anh an ủi cô, “Không nên đi lại nhiều”.

Anh là người bị thương, nhưng lại trấn an cô.

“Thiếu tướng quân từ năm mười bảy tuổi đã chinh chiến trên lưng ngựa”, cô dịu giọng nói, “Giờ dưỡng bệnh, vừa đúng lúc có thể nghỉ ngơi”.

Tạ Vụ Thanh bị chọc cười: “Trong lòng cô hai, Vụ Thanh vẫn còn được xem là thiếu tướng quân”.

Anh đã sống hơn ba mươi năm, nhân sinh đã qua nửa đời.



Nước mắt vừa bị áp xuống lại lần nữa dâng lên.

Cô nắm chặt quạt gỗ, hai mắt ửng đỏ.

Tạ Vụ Thanh mỉm cười, dời mắt đi, nhìn cái quạt gỗ bạch đàn xếp lại cô giữ trong tay, men theo mấy sợi tua rua xanh nhạt dưới đuôi quạt, quan sát khớp ngón tay cô rồi đến cổ tay…

“Chúng ta…” Cô vươn tay trái đến trước mắt anh, “Từ lúc gặp lại cũng chưa nắm tay”.

Tạ Vụ Thanh sững sờ, sau đó im lặng, nắm lấy tay cô.

Nhiều năm trôi qua, hai người lại động chạm thân thể, cho dù chỉ là một cái bắt tay lịch sự nhất, cũng khiến người ta không cách nào thừa nhận. Cô cảm giác ngón tay mình bị siết lấy, có chút ê ẩm… Nhưng vẫn cười nhìn anh.

Cửa tiền sảnh mở ra. Quản gia bước vào, âm thầm nhắc nhở họ, có khách lạ đến.

Mấy ngày gần đây thím chuẩn bị sinh nở, các lão nhân trong tô giới Thiên Tân thường tạt qua xem một chút, quản gia ở cạnh Cửu gia đã lâu, biết được Tạ Vụ Thanh không tiện gặp khách, ông đã mời họ đến phòng trà trước rồi mới tới đây báo với hai người.

Lâm Kiêu cũng theo vào, nhìn như muốn giục anh đi, nhưng cũng không nỡ.

Tạ Vụ Thanh vẫn bất động.

Anh nhìn cô, cười hỏi: “Lần trước đến đây, anh có đọc một quyển sách cũ dưới hầm. Em có thể giúp anh đến tìm thử không?”

Cô cho rằng anh muốn tìm cớ để cô tránh mặt rồi âm thầm rời đi, liền phối hợp đứng dậy: “Để em đi lấy”.

Cô chạy xuống tầng hầm, tìm được sách, lúc quay lại Tạ Vụ Thanh đã không còn ở tiền sảnh.

“Công tử gia lên xe rồi”. Lâm Kiêu đứng trước cửa lớn nói.

Hà Vị nhìn ra, trông thấy Tạ Vụ Thanh được người khác dìu lên xe. Đùi phải của anh không thể dùng sức. Cô nhìn bóng dáng kia, bất giác nghĩ đến, vừa nãy Tạ Vụ Thanh bảo cô rời đi, là vì không muốn cô nhìn thấy cảnh tượng chật vật của mình…

“Cô hai không cần tiễn đâu”, Lâm Kiêu nhận lấy sách trong tay cô, “Ngoài cửa nhiều người phức tạp”.

Trong viện có không ít khách khứa đến, ồn ào nói chuyện phiếm.

“Cô hai xin yên tâm, chúng tôi cũng không gấp đi, chỉ là công tử mấy ngày nay có việc phải làm”, Lâm Kiêu nhỏ giọng bảo, “Nếu muốn tìm ngài, vẫn theo cách cũ”.

Hà Vị khẽ gật đầu.

Cô từng dùng dãy số kia để nhờ anh giúp đỡ, ba con số, như khắc ghi vào đầu.

Lâm Kiêu nhanh chân rời đi, bước lên xe của Tạ Vụ Thanh.

Cô đứng trong cửa kính, nhìn theo hai chiếc xe trước sau đi khỏi.

Những người còn lại, tất cả đều chặn xe kéo bên đường, chạy về cùng một hướng.

Xe hơi đến Thiên Tân chẳng ai quản.

Nơi này nằm ở phía tây bắc của tô giới Pháp, luật lệ tô giới không với tới, mà Sở Cảnh sát Thiên Tân cũng không thể nhúng tay, dần dần trở thành một nơi không ai quản thúc, trà viên, rạp hát, nhà nghỉ cùng chỗ bán thuốc phiện mọc lên san sát trên con phố hẹp dài.

Cuối triều Thanh, Trịnh gia nhận thấy nơi này ngày càng sầm uất, liền ra tay mua đứt một lô đất rồi xây thành dãy nhà, hiện giờ đã mở cửa cho thuê. Dãy nhà giống như một căn viện nhỏ nằm khuất sau sòng bạc. Trước khi họ đến, cô ba Trịnh đã phân phó người làm dọn dẹp sạch sẽ.

Nhóm người Tạ Vụ Thanh không phải lần đầu đến chỗ này, quen thuộc đường đi nước bước, đã an bài ổn thoả.

Bảy giờ tối, một người dẫn theo vị lão tiên sinh mặc áo ngắn xám đến, người canh cửa xác nhận thân phận mấy lần, sau đó đưa tiên sinh đến sương phòng. Lão tiên sinh vừa vào cửa, nhận ra người cần khám, chắp tay cúi đầu thật sâu, khi thẳng người lại mới dám ngước mắt quan sát người bệnh không để lộ thân phận này.

Tạ Vụ Thanh đã thay áo sơ mi đơn giản cùng quần quân đội kiểu hộ quốc quân thường mặc lúc trước. Anh ngồi trên sô pha màu nâu đỏ, như đã đợi rất lâu.

Kiểu quân trang từ lâu đã không còn ai mặc, chính là quần áo đặc trưng của quân đội phương Nam trong Cách mạng Tân Hợi…

Thời đại hiện nay đã thay đổi, lão tiên sinh bắt gặp bộ quân phục đã lâu không thấy, hơi sững sờ, cứ ngỡ mình quay về hơn mười năm trước.

“Mời tiên sinh”. Lâm Kiêu đứng một bên nhắc nhở.

Vị thầy thuốc bó xương này vô cùng nổi tiếng ở khu Tam Bất Quản [2], các bang phái phương Bắc thường xuyên đánh nhau tàn khốc, xương cốt đứt lìa là chuyện bình thường, thế nên ông nhận thăm khám mấy chục năm, liền luyện được tài nghệ tuyệt diệu. Trước lúc Tạ Vụ Thanh đến, Trịnh Độ đã mời riêng vị này, chỉ đợi anh tới Thiên Tân.

[2] Tam Bất Quản là danh từ thường dùng cuối nhà Thanh, chỉ khu vực hẻo lánh phía Nam thành phố Thiên Tân, không thuộc phạm vi quản lý tô giới Nhật – Pháp, cũng không do chính quyền địa phương TQ nắm quyền.

Vị tiên sinh ấy xắn ống quần anh lên, kiểm tra cẩn thận, lát sau chân mày nhíu chặt: “Ngài… người nối xương trước tay nghề không tốt lắm…” Hạng người phú quý thế này, sao vết thương ở đùi lại trị qua loa thế?

Thầy thuốc bó xương chỉ liếc mắt một cái liền nhận ra người trước đó nối xương không chỉ tay nghề kém cỏi, mà còn không biết cách bó, nếu không thì chính là không muốn chữa trị cho anh.

“Bị thế này một năm rồi?” Tiên sinh lại hỏi, “Xương cốt cũng đã cứng, chậm một bước. Thế này đi, mỗi ngày ta sẽ đến xoa bóp cho ngài một canh giờ, sau nửa năm, có thể đi đứng bình thường lại. Qua thêm hai năm, không còn vấn đề gì to tát, có điều không thể dùng sức lâu được”.

Thầy thuốc bó xương nhận ra Tạ Vụ Thanh là một người cao quý, cho rằng như vậy đã đủ dùng.

Trong phòng nhất thời yên ắng.

“Tôi tìm tiên sinh, là vì nghe nói ông từng chữa khỏi cho rất nhiều người bị gãy xương”. Tạ Vụ Thanh cất lời.

“Điều ngài nói là…” Thầy thuốc bó xương nhớ lại, lắc đầu nói, “Không giống nhau, họ là những kẻ chạy chợ kiếm sống, thân thể rắn chắc, có thể chịu đựng được cách…”

“Cách gì?” Anh hỏi.

“Lần nữa đánh gãy rồi nối xương lại từ đầu”, tiên sinh ấy đáp, “Nhưng cách này có nguy cơ cao, ta không đảm bảo —”

“Vậy đánh gãy lần nữa đi”, Tạ Vụ Thanh bình tĩnh nói, “Ngay tối nay”.



Hà Vị không biết chuyến này Tạ Vụ Thanh sắp xếp thế nào, sợ Tư Niên không nhìn thấy anh sẽ thất vọng nên trước dặn người nhà không cần cho con bé biết.

Thím lớn nghe tin Tạ Vụ Thanh đã quay về, vô cùng vui vẻ, không còn lo lắng cho tiểu tổ tông trong bụng nữa, một mực yêu cầu chú chín bày bàn mạt chược ăn mừng. Khách khứa ở tiền sảnh ồn ào nhặt từng quân bài ngà voi trắng, rì rầm trò chuyện về mấy thứ ở hai nơi Bình – Tân.

Từ giữa trưa đến tận đêm khuya, tiếng huyên náo không ngừng.

Sau khi cô gặp Tạ Vụ Thanh, tâm trạng cả ngày đều bay đến bên anh, không thể nhặt về.

Tạ Vụ Thanh từng chấm nước trên đầu ngón tay, viết lên mặt bàn ba con số, giống như ba viên xúc xắc chạy tới chạy lui trong lòng, điểm màu đỏ biến ảo.

Cô chống cằm ngồi ngẩn ngơ ở phòng trà, nhìn chăm chú con lắc bằng đồng của đồng hồ cứ tích tắc tích tắc lắc lư…

Do dự tối nay có nên gọi điện cho anh không. 

Chưa đến vài phút, phòng cách vách có người la lên “thập tam yêu”, rồi bảo gã sai vặt phát bao lì xì.

Trong tiếng náo động ầm ĩ, cuối cùng cô hạ quyết tâm, nhấc ống nghe.

Chuông điện thoại vang vọng, giống tiếng pháo nổ trong lòng bàn tay, cô như bị bỏng, sửng sốt mất mấy giây mới tiếp nhận.

Điện thoại được nối với tầng trên, giọng của thím nhỏ đồng thời cất lên: “Xin chào, đây là Hà công quán”.

“Xin chào”. Tiếng đàn ông trầm thấp, khàn khàn.

“Ngài tìm ai?” Trong ống nghe, thím nhỏ hỏi tiếp.

Cô ngắt lời: “Thím nhỏ, là điện thoại của con ạ”.

Thím nhỏ chậm hai giây mới hoảng hốt, không nghĩ ở tầng dưới cũng có người nhận điện thoại.

“Biết rồi, hai đứa nói chuyện đi”. Người trên tầng ngắt dây.

Trong đường dây, chỉ còn lại một mình cô.

Hai tay cô nắm chặt ống nghe, nghĩ đến hiện tại anh đang ở đầu kia điện thoại, giống như quay về quá khứ.

Trái tim sống lại, đập nhẹ trong lồng ngực, tất cả là vì anh.

“Sao không nói gì?” Cô dịu giọng hỏi.

“Đang nghĩ”, anh nói, “Quả thật đã lâu lắm rồi, hôm nay suýt nữa không nhận ra em”.

Cô không khỏi bật cười.

“Có phải đang cười không?” Trong giọng nói anh cũng mang theo ý cười.

Cô đáp khẽ “vâng”.

Tuy ngữ điệu Tạ Vụ Thanh nhẹ nhàng nhưng cô vẫn nghe ra anh đang uể oải: “Vừa đến Thiên Tân còn mệt đúng không?”

Bên kia, có tiếng vải vóc lướt qua ống nghe, mỗi lần như thế cô đều muốn hỏi, có phải Tạ Vụ Thanh có thói quen đổi tay cầm khi nghe điện thoại không, hay vẫn thích dùng mặt kẹp lấy ống nghe để châm thuốc.

Tạm thời cô chỉ nghĩ đến hai động tác này, có thể khiến vải áo sơ mi chạm vào ống nghe.

Cô lắng nghe kỹ càng, còn có tiếng hít thở của anh, lúc nặng lúc nhẹ, như đang say. Không biết có phải anh vừa uống rượu.

“Vị Vị”. Anh thấp giọng gọi tên cô.

Lòng cô mềm nhũn, tựa đầu vào giấy dán tường vàng nhạt bên cạnh: “Vâng”.

Như quay lại lúc mới quen, thầm đoán anh đang ở đâu, người cạnh anh là ai, đang làm gì, liệu ngày mai có gặp được anh.



Trong sương phòng của căn viện nhỏ, Tạ Vụ Thanh đang hút thuốc, nhưng không thể nếm được mùi vị của thuốc lá, thuốc tê trên chân anh đã tan, đau đớn từ đoạn xương bị gãy như phóng đại vô hạn.

Theo kinh nghiệm của anh, khó khăn nhất chính là đêm đầu tiên sau khi bị thương.

Tạ Vụ Thanh tựa vào lưng ghế sô pha, nắng hè chói chang, vốn dĩ rất nóng, hơn nữa còn đau đớn vô cùng, sau áo sơ mi đã toát đầy mồ hôi.

“Sao anh không nói gì thế?” Giọng cô gái trong ống nghe truyền đến.

Đốm lửa nho nhỏ cháy ở đầu ngón tay, thanh âm khàn khàn: “Uống hơi nhiều”.

Xuyên qua cửa kính rộng lớn, khung cảnh sòng bạc bên ngoài ồn ào náo nhiệt vô cùng. Nơi này người đông phức tạp, tam giáo cửu lưu [3] gì cũng có, chỉ cách một cái sân giống như náo loạn ngay trước mắt.

[3] “Tam giáo cửu lưu” ý chỉ 3 giáo phái (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo) và 9 học phái lớn thời Chiến quốc (Nho, Đạo, Âm Dương, Phật, Danh, Mặc, Tung Hoành, Tạp, Nông). Ngày nay, cụm từ này dùng để chỉ đủ mọi tầng lớp trong xã hội

Căn nhà cũ của họ Tạ đã bị chị hai bán đi. Thời buổi loạn lạc, cách ba bốn năm đã thấy một thế hệ người mới.

Kiểu dáng quân trang trên người anh đã sớm sờn cũ, thời đại phản Thanh phạt Viên đã trôi qua rất lâu rồi, Bắc phạt cũng trở thành quá vãng. Anh giống như một sự lỗi thời của xã hội, vẫn tồn tại đến tận hôm nay.

Thuốc tê cùng nỗi đau khiến anh trong một giây không biết hôm nay là ngày nào, hoảng hốt sao mình lại đến đây.

Tựa như anh đang trở về năm tháng mười mấy tuổi đầu đến Thiên Tân, anh vẫn chưa vào Bảo Định, chưa học trường quân đội. Họ Tạ vẫn hưng thịnh, gia môn còn hiển hách.

— HẾT CHƯƠNG 40 —