Thằng Quang trả tiền rồi vội vàng đi ra cổng, trên tay lủng lẳng túi ni-lông to chứa mấy bó rau muống bên trong. Nó nhẩm tính bây giờ trận bóng mới chỉ bắt đầu; chiều nay nó quyết “bỏ học”, phởn một bữa, tối về tính sau. Nhưng vừa sang đến chỗ gửi xe nó chợt khựng lại. Khựng lại vì lúc liếc sang bên kia đường, chỗ cổng một vào chợ, nó chợt trông thấy một bóng dáng quen quá; càng nhìn càng thấy quen. Nó chớp chớp mắt nhìn lại. Dáng người cao cao,mái tóc ngắn, giống thật. Nếu thay bộ quần áo công nhân xám màu bằng bộ đồng phục học sinh áo trắng quần đen và cái mũ mềm màu xanh bằng cái mũ le màu trắng thì đúng là người ấy rồi. Với lại thiếu cái kính trên mũi nữa. Nhưng mà không chắc, bình thường người ấy chỉ đeo kính trong giờ học, ngoài giờ học có bao giờ đeo đâu. Thằng Quang đang ngần ngừ không biết có nên đến gần để nhìn rõ hơn không, bất chợt người ấy quay lại phía nó, và cả hai cùng khẽ giật mình. Hóa ra đúng là Mai. Tự nhiên nó thấy vui vui trong lòng, vội băng qua đường rảo bước về phía Mai, nó chưa kịp hỏi han, Mai đã lên tiếng trước:
- Bạn Quang đảm đang quá, đi chợ mua bao nhiêu rau thế này.
Nhìn túi rau muống trong tay thằng Quang, Mai mỉm cười nói đùa.
- Tớ đi bán mấy quả xoài của nhà trồng được. Xoài nhiều quá ăn không hết, cho hàng xóm vẫn không hết, bỏ thì phí nên mang xuống đây bán, kiếm thêm chút tiền. Đầu giờ chiều tớ theo chị hàng xóm bán hàng khô xuống đây, chị bán đằng kia kìa, tớ bán xong rồi nhưng phải chờ chị tí nữa mới về được. Tại gần đây chỉ có mỗi chợ Xuân La họp chiều nên tớ phải xuống đây mới bán được.
Nhìn cái rổ trong tay Mai và bộ quần áo công nhân Mai mặc trên người, tự nhiên thằng Quang thấy phục Mai quá. Nó bằng tuổi Mai thế mà nó ăn chưa no lo chưa tới, cả ngày chỉ có việc học thôi cũng chưa nên; hôm nay nếu mẹ không đau chân ra nghiêm lệnh làm gì có chuyện nó xuống chợ mua rau. Trong khi đó Mai vừa ôn thi, vừa chăm bố trên viện, vừa biết làm thêm phụ giúp gia đình. Nghĩ đến đây nó chợt thấy tình cảm mình giành cho Mai bỗng… lớn thêm một ít. "Cứ như thế này trái tim của tớ không đủ để chứa Mai đâu Mai ơi", thằng Quang cười thầm trong lòng. Đoạn nó giả vờ tiếc rẻ nói:
- Tiếc quá, biết vậy tớ xuống sớm hơn một tí có khi xin được Mai quả xoài.
Mai hình như tưởng thật, nhìn nó cười cười:
- Có gì đâu, để mai tớ mang cho Quang mấy quả thật to, chỉ sợ bạn không ăn nổi thôi.
Thằng Quang lại hỏi Mai:
- Mai đi chợ này nhiều chưa, sao mấy lần trước tớ xuống không gặp?
Thực ra đây mới là lần thứ hai nó đi chợ thay mẹ nhưng mặc kệ, nó cứ hỏi như đã đi nhiều lần lắm. Trong lòng thằng Quang thực sự tò mò xem Mai có hay phải chợ búa kiểu này không, Mai trả lời:
- Mới là lần thứ hai thôi, lần trước cách đây mấy hôm. Tại xoài nhiều quá, cho hàng xóm không hết, bỏ thì phí nên tớ mang xuống đây bán. Hôm nào xoài chín nhiều lại thu xếp được việc nhà tớ mới dám đi bán.
Ra vậy, hai hôm nay thằng Quang mới đi chợ thay mẹ, bảo sao không gặp Mai. Đang nói chuyện thằng Quang chợt nảy ra một ý, nó quay sang Mai hỏi với vẻ hồi hộp:
- Hay là để tớ đưa Mai về, được không?
Mai nghe nó nói liền ra vẻ nghĩ ngợi. Thực ra thâm tâm Mai muốn đồng ý ngay; lần trước dù bán hết xoài từ bốn giờ nhưng cô bé phải chờ chị Xuyến bán hàng xong mới về cùng được thành ra sáu giờ kém mới về đến nhà. Về nhà rồi còn phải lợn gà, dọn dẹp nhà cửa, tắm táp, cơm nước, cho em ăn cơm, xong đâu đó mới mang cơm lên cho bố mẹ trên viện, nên lúc mang cơm đến nơi đã gần bảy rưỡi đêm. Giờ nghe đề nghị của thằng Quang Mai suýt chút nữa gật đầu luôn nhưng lại thôi vì sợ làm phiền bạn, lỡ Quang đi xe đạp mà phải ì ạch chở Mai vềthì bở hơi tai mất, dẫu hai đứa có thay nhau đạp nhanh lắm phải chiều tối Quang mới về đến nhà. Biết tính Mai từ trước nên vừa thấy bạn ra vẻ ngần ngừ thằng Quang đã nói ngay:
- Mai đừng ngại. Tớ đi con siêu cúp của mẹ tớ, phóng ào cái là tới ngay.
Nghe vậy Mai liền vui vẻ đồng ý, nói với thằng Quang:
- Vậy nhờ bạn nhé, chờ tí để tớ báo với chị Xuyến một tiếng rồi mình đi.
Nói xong Mai chạy vào nói gì đó với chị hàng xóm đang ngồi trong chợ còn thằng Quang tất tả chạy ra chỗ gửi xe, trong lòng khấp khởi mừng thầm.
Trên con đê dài chạy dọc theo sông Đà chiều hôm ấy có một chiếc honda super cub tám mốt màu xanh thong thả chạy. Trên xe trở hai người. Ngồi đằng sau là một cô gái chừng mười bảy, mười tám tuổi, dáng người cao cao. Bộ quần áo lao động đang mặc trên người không làm mất đi vẻ đáng yêu, xinh xắn của cô gái mà ngược lại làm cho vẻ xinh đẹp ấy thêm phần khỏe khoắn, mạnh mẽ. Gió từ ngoài sông thổi vào làm tung bay mái tóc ngắn của cô, khiến cô bé ấy thỉnh thoảng phải đưa tay giữ lại chiếc mũ trên đầu sợ nó bay đi theo gió. Cô gái ngồi im, mắt nhìn phía trước, sâu trong đôi mắt đen láy hình như ẩn chứa một sự lo lắng, một nỗi buồn man mác.
Ngồi đằng trước là một thằng con trai cũng tầm mười tám tuổi. Nó đội mũ le, áo phông trắng, quần ngố màu xám, đi dép lê màu đen. Khác với cô gái phía sau, thằng này có vẻ đang cực kỳ phởn phơ, khoái chí. Nó mang bộ mặt rất kỳ lạ, như cười mà không phải cười; nói đúng hơn là muốn cười, cười thật to nhưng phải cố nín lại không cười thành tiếng. Phải, đó chính là thằng Quang còn ngồi sau lưng nó đương nhiên là Mai. Thằng Quang đang sướng lắm. Nó học cùng Mai ba năm nay, thích Mai bằng ấy năm nhưng đây mới là lần đầu tiên nó được có không gian riêng với Mai, có cơ hội được một mình ở cạnh Mai. Bình thường khi thằng Quang gặp Mai, xung quanh lù lù một đống người, ì à ì ầm. Còn bây giờ trời xanh mây trắng, gió thổi hiu hiu, giữa không gian bao la rộng lớn như vậy chỉ có nó với Mai và Mai đang ngồi ôm nó. Thực ra là Mai ôm cái rổ, và cái rổ đặt giữa nó với Mai, tì vào lưng nó nãy giờ, nhưng đâu có sao, thế là Mai đang gián tiếp ôm nó còn gì. Bấy nhiêu quá đủ để khiến thằng Quang muốn cười, nhưng thằng Quang không dám cười. Đơn giản vì lỡ đâu cười xong Mai hỏi vì sao nó cười, nó biết trả lời sao. Hoặc tệ hơn Mai không hỏi mà nghĩ trong đầu "ông này chắc bị điên, tự nhiên cười sằng sặc". Nếu chuyện ấy xảy ra, nó chỉ có nước lao xuống đê cho bớt nhục, khi đó nó sẽ… đi về nơi xa lắm, tất nhiên Mai nhiều khả năng sẽ đi theo nó. Thằng Quang không muốn như vậy nên nó không cười.
Suy nghĩ này qua đi, thằng Quang lại ước gì con đường cứ dài mãi, dài mãi, dài một vạn tám ngàn dặm như đường đi lấy kinh của Đường Tam Tạng càng tốt. Khi ấy nó sẽ được đưa Mai về, được ở bên Mai lâu thật lâu. Nhưng rồi thằng Quang thấy ước như vậy không ổn lắm vì nếu đường dài như thế... xăng đâu mà đi, chạy vài tiếng nữa sợ rằng nó và Mai phải xuống dắt bộ mất, lúc đấy người dắt người đẩy còn gì lãng mạn. Vậy là thằng Quangước thêm con cub này có thể chạy mãi không cần nhiên liệu. Sau cùng nhận thấy mấy điều ước của mình thật vớ vẩn, nó lắc lắc cổ, xua những ý nghĩ kỳ lạ khỏi đầu.
Gió vẫn từ dòng sông Đà lướt qua cánh đồng lúa mênh mông thổi vào phía trong đê mát rượi. Bên kia sông, dãy núi Ba Vì trong một ngày quang mây hiện lên rõ mồn một, in bóng hình xanh thẳm giữa trời chiều bao la. Thằng Quang muốn mở miệng nói chuyện với Mai nhưng tự nhiên chẳng biết nói gì. Lạ một cái, khi chỉ có một mình, không có Mai bên cạnh, nó đã nghĩ ra bao nhiêu điều để nói với Mai nếu có ngày được gặp riêng Mai; nhưng bây giờ đây giữa không gian bao la, rộng lớn, chỉ có cánh đồng, dòng sông, chỉ có nó và Mai, nó lại chẳng biết mở miệng thế nào. Thôi, thế này cũng được, chỉ cần nó được một mình ở cạnh Mai là tốt rồi, nhiều khi im lặng còn có giá trị hơn vạn lời nói. "Mai hiểu lòng tớ mà, phải không Mai" - thằng Quang đành tự an ủi mình như vậy.
Đúng lúc thằng Quang tự sướng đến cao trào bỗng nó thấy Mai vỗ vai mình đồng thời giọng nói cô bạn vang lên bên tai:
- Phải không Quang?
Thằng Quang giật mình, vội hỏi lại:
- Mai hỏi gì?
Mai cười, trả lời:
- Đầu óc nghĩ đi đâu đấy? Tớ hỏi mấy lần mà im re.
"Nghĩ đến Mai chứ nghĩ đi đâu", đương nhiên đây chỉ là điều thằng Quang nghĩ trong lòng thôi chứ đâu dám nói ra. Nó cười lấp liếm, nói cho qua:
Thằng này nói phét mà mặt không đổi sắc. Nếu mẹ nó không bị đau chân, dù bà ấy có cầm dao dọa nó thà chạy mất dép chứ nhất quyết không đi, huống chi nếu chân không đau thì chẳng bao giờ có chuyện mẹ nhờ nó đi chợ. Nhưng có ai đánh thuế nói phét bao giờ, nhất là khi ở đây chỉ có nó với Mai, chẳng ai biết nó nói phét, nên nó cứ thoải mái chém gió thôi.
Mai vỗ vai nó:
- Quang giỏi quá.
Thằng Quang nghếch mặt lên trời:
- Chuyện.
Rồi như chợt nhớ ra, thằng Quang hỏi:
- Tình hình bố Mai thế nào rồi? Bácđỡ nhiều chưa?
Mai trả lời, giọng có phần vui vẻ:
- Đỡ nhiều rồi bạn ạ, bố tớ ngồi dậy ăn uống được rồi. Bác sĩ bảo nếu cứ tiến triển tốt như thế này thì sẽ sớm cho về nhà tự tập phục hồi, thỉnh thoảng sẽ có người trên viện xuống kiểm tra.
Thằng Quang nghe Mai trả lời, lây luôn niềm vui của bạn. Nó hỏi thêm:
- Mai có thường xuyên lên viện chăm bác không?
Mai trả lời:
- Lúc nào không đi học tớ lên viện với bố, hàng ngày tớ vẫn nấu cơm mang lên cho bố mẹ mà. Cơm trên đấy nấu khó ăn lắm, bố tớ đang yếu không ăn được. Tí nữa tớ lại nấu cơm mang lên cho bố. Đến tối bố mẹ bắt tớ về học bài rồi trông em, không cho ngủ lại buổi nào cả.
Thằng Quang buột miệng:
- Mai vất vả quá, nhưng vẫn phải chú ý học nhé. Việc quan trọng của Mai bây giờ vẫn là học, bố Mai đã đỡ nhiều rồi, một thời gian nữa sẽ khỏe thôi. Mai mà thi đỗ đại học bác ấy vì vui mừng mà càng nhanh khỏi bệnh.
Mai đập tay vào vai thằng Quang:
- Khiếp, nói như người lớn. Tớ biết rồi, bố mẹ vẫn dặn vậy mà. Tớ vẫn thức đêm cày suốt có dám bỏ hôm nào đâu.
Thằng Quang mỉm cười:
- Thì tớ cứ nói thế.
Những câu chuyện giữa hai đứa khiến quãng đường vốn không dài càng trở nên ngắn ngủi, loáng một cái đã đến nơi. Dù học cùng nhau ba năm nay nhưng đây là lần đầu tiên thằng Quang đến nhà Mai. Đó là một ngôi nhà mái bằng nhỏ, quét vôi trắng, trước và sau nhà đều có khoảng vườn rất rộng rãi. Thằng Quang thấy vườn trước nhà Mai trồng rất nhiều cây, có hồng xiêm, có na, có cả mấy khóm hoa nữa nhưng không thấy cây xoài nào; chắc trồng ở đằng sau. Mai bước xuống xe mở cổng, sau đó nói với bạn mình:
- Quang vào nhà chơi đã.
Thằng Quang mừng húm định gật đầu bỗng chợt nhớ ra lúc nãy Mai bảo lát nữa phải lên viện đưa cơm cho bố nên dù trong lòng tiếc hùi hụi ngoài mặt vẫn phải tươi cười đáp:
- Thôi, Mai vào dọn dẹp, nấu nướng đi còn lên viện với bố mẹ. Biết nhà rồi, lúc nào tớ vào chẳng được.
Mai nói xong vẫy tay với nó. Thằng Quang quay xe, trước khi phóng đi còn quay lại nói:
- Chuyện nhỏ mà, bye nhé.
Thằng Quang đi một đoạn khá xa mới sực nhớ ra mình chưa hỏi xem chiều mai cô bạn có đi chợ không để nó xuống đón đưa về. Nó định ngày mai đến lớp sẽ hỏi nhưng rồi lại thấy không cần thiết vì trong một thời gian nữa ngày nào nó chẳng phải thay mẹ xuống chợ mua rau. Nếu Mai có đi chợ Xuân La thì thoát sao khỏi bàn tay của nó. Nó nghĩ thế, miệng nở nụ cười… gian xảo.
Buổi tối học bài, rồi tận khi đi ngủ trong lòng thằng Quang vẫn ấp ủ một niềm sung sướng lâng lâng. Nó vui vì chiều nay được gặp Mai, được đưa Mai về, được biết nhà Mai. Lần đầu tiên nó và Mai ở riêng với nhau lâu như vậy; không bị làm phiền, không bị trêu trọc bởi mấy cái mỏ quạ trên lớp. Lần đầu tiên nó gần Mai như thế, chỉ có mình nó và Mai, không một người thứ ba. Bấy nhiêu thứ đủ để khiến thằng Quang rạo rực trong người, trằn trọc không ngủ được dù lúc nó học xong trời đã khuya lắm. Người ta thường nói "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Dẫu nó và Mai chẳng cách nhau "thiên lý", nhà nó chỉ cách chợ Xuân La ba cây số, nhà Mai cũng chỉ cách đó gần chục cây, nhưng nếu không có duyên làm sao hai đứa gặp nhau được. Nếu nó và Mai không có duyên thì chiều nay Mai đã gặp người khác chứ đâu phải nó, càng đáng nói hơn nếu bố Mai và mẹ nó không đau ốm đúng dịp này thì sao có chuyện nó gặp được Mai. Đến như thế vẫn không có duyên vậy thế nào mới là có duyên nữa? Thằng Quang chắc mẩm như vậy và trong lòng khoan khoái lắm, cứ như chắc chắn sau này nó với Mai sẽ thành một đôi vậy. Điều duy nhất khiến thằng Quang nuối tiếc là chiều nay có cơ hội thuận lợi như thế mà nó vẫn chưa gửi được lá thư của mình cho Mai, nhưng không thể trách nó vì nó đâu biết mình sẽ gặp Mai để chuẩn bị trước. Không lẽ lúc đi qua nhà mình nó lại dựng xe bảo Mai chờ tý rồi vào lấy thư à? Chuyện vớ vẩn. Song thằng Quang chẳng tiếc lâu vì nó đoán chắc từ giờ đến lúc thi mình sẽ gặp Mai ở chợ và đưa Mai về vài lần nữa, lúc ấy muốn gửi bao nhiêu thư chẳng được.