Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 50: Bằng lòng toại ý



/Mỹ cảnh nhân gian/: Danh từ.

Cảnh đẹp thế gian.

Có người bảo mỹ cảnh là non nước thiên thu, có người nói là trăng trong, là mây sáng. Tôi thì quả quyết "mỹ cảnh nhân gian" có đẹp mấy thì cũng chỉ đến chừng này - nơi mà mấy chục trai tráng cuồn cuộn cơ bắp, người mình trần người mặc áo mỏng tang, tay cầm mái chèo hừng hực khí thế. Đây không phải là hội thi đua thuyền, đây là hội xem ai thắng giải quán quân đẹp trai trong lòng tôi. Mà cũng chẳng riêng gì Đam này, xung quanh cung nga lẫn phu nhân mệnh phụ cũng nhớn nhác cả lên. Trên đời này mấy ai thấy cái đẹp mà có thể làm ngơ? Chỉ là phản ứng của tôi chân thật hơn họ một chút.

Sạ ngồi cạnh liếc xéo tôi một cái rồi cúi xuống đất loay hoay tìm thứ gì đó. Thấy lạ tôi hỏi:

"Điện hạ, người rơi gì à? Cần Đam tìm giúp không?"

"Không, ta đang tìm liêm sỉ hộ chị."

Mặt tôi ngắn tũn tẽn tò, thằng bé này ghê gớm thật. Một cái miệng của tôi đấu không lại không nổi thằng bé nên đành nín thít, tỏ ra đoan trang hiền thục xứng với bộ đồ đang mặc trên người. Không thể không nói Lịch Vũ vẫn luôn xứng đáng với danh Đô chỉ huy sứ, dù đứng lẫn trong đám đông đến mấy vẫn dễ dàng nổi bật bởi tỷ lệ cơ thể hoàn mỹ lẫn phong thái bức người. Chẳng khác nào một cây lan trong đám cỏ.

Thuyền rồng đua cho dịp lễ thánh tiết là loại thuyền nhỏ, áng chừng chỉ dài bằng nửa loại thuyền truyền thống mà tôi vẫn thường thấy trên tivi. Đầu thuyền đều trạm trổ rồng tinh tế, đuôi thuyền cắm một cây cờ. Các đội đủ người thì mải bày binh bố trận, sắp xếp trên dưới ngược xuôi cho hợp lý nhất. Đội thì xếp người ngồi song song, đội thì dàn trải mỗi điểm một người, đội thì vẫn đang mải phân bua xem nghe theo người nào thì hợp lý.

Trống điểm.

Tất cả thuyền cùng lúc xuất phát.

Tôi phấn khích cực độ vỗ tay liên tục hoà cùng sự cổ vũ nồng nhiệt của mọi người xung quanh, chỉ thiếu mỗi nước là cho tay vào mồm huýt sáo. Chuyện! Tôi vốn là người nhiệt tình nay chủ nhân lại ứng thí, cho dù đơn thương độc mã khó lòng chiến thắng nhưng cũng không để thua người ta về mặt khí thế được!

"Điện hạ, luật chơi như thế nào ạ?"

"Đua thuyền gồm hai lượt, đợi lát nữa thuyền nào về đầu tiên thì chính là thuyền ấy rồi."

Tôi gật đầu tự cho là phải rồi gắp bỏ vào bát cho Sạ một miếng cá thơm phức, háo hức nhìn theo thuyền của Lịch Vũ mãi cho đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ.

"Đam tưởng người bảo là gia yến? Đông vui như này là yến tiệc toàn thành Hoa Lư chứ có phải gia yến đâu?"

"Ta đâu có nói đây là gia yến?" - Sạ điềm nhiên bỏ miếng cá tôi gắp cho vào miệng, nói nhỏ - "Chị vừa nhắc đã tới rồi kìa."

Tôi ngẩng đầu lên thì vừa hay thấy bàn đối diện có một người phụ nữ đang nhìn mình. Mệnh phụ đó trạc hai lăm, ba mươi tuổi. Khuôn mặt hiền lành phúc hậu, phục sức xa hoa còn hơn cả ba vị hoàng hậu của Long Đĩnh cộng lại. Thấy vậy tôi liền lễ phép cúi chào, người đó cười lại với tôi. Tôi cúi thấp đầu, khều khều nhẹ vào tay Sạ:

"Điện hạ, người đó là ai vậy?"

"Chị gái của phụ hoàng." - Sạ đáp gọn lỏn.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên:

"Chẳng hay là vị công chúa nào mà thật khiến cho người ta muôn phần thán phục?"

"Chị thì thán phục cái gì? Bộ y phục trên người của chị có kém ai ở đây đâu?"

Tôi cười hề hề xua tay:

"Điện hạ quá lời rồi, dù sao cũng cảm ơn người."

Sạ nhìn về hướng đua thuyền huyên náo nhìn không chớp mắt, thờ ơ:

"Là công chúa con của Đại Thắng Minh hoàng hậu, phụ hoàng rất kính nể người."

Từ từ đã, tôi cần nhớ lại một chút. Đại Thắng Minh chính là hiệu của Thái hậu Dương thị. Con của Dương thị và tiên đế Lê Đại Hành thì ngoài vị thái tử đã mất kia còn một công chúa nữa là Lê Thị Phất Ngân. Nghe đến cái tên này tôi hơi hoảng hốt, ngay lập tức thì thầm với Sạ:

"Điện hạ, Đam hỏi câu này người có thể không trách phạt không?"

Sạ quay sang nhìn tôi dò xét một lượt từ trên xuống dưới. Dù sợ nhưng tôi tò mò quá nên đành chỉ biết tha thiết cầu xin một cái gật đầu. Sạ đồng ý, tôi ngồi sát lại cố gắng nói thật khẽ:

"Vậy đó có phải là Công chúa Lê Thị Phất Ngân không?"