Mắt Biếc

Chương 7



Tôi nghỉ học cả tuần lễ. Tôi không thể đến lớp với bộ mặt như thế. Cậu Huấn hỏi, tôi bảo tôi bị đụng xe. Nhìn ánh mắt cậu, tôi biết cậu không tin. Nhưng cậu không gặng hỏi. Cậu vốn trọng kẻ sĩ. Một khi kẻ sĩ không chịu giải thích nguyên nhân các vết bầm trên mặt mình hẳn là có điều gì uẩn khúc.

Nhỏ Mai và thằng Liêm hỏi, tôi cũng đáp như thế. Tụi nó nói:

- Vậy anh phải bắt người ta bồi thường!

Tôi cười:

- Người ta chạy mất tiêu !

Năm ngày sau, Hà Lan ghé.

Thấy mặt tôi, nó la hoảng:

- Trời ơi! Ngạn sao vậy ?

Tôi tặc lưỡi:

- Té.

-Té ở đâu ghê vậy ?

Tôi bịa:

- Té ở nhà chứ đâu! Lăn từ trên cầu thang xuống!

Hà Lan thật khờ, nó tin ngay. Và nó vội vã lục lọi trong túi xách lấy ra chai dầu, nói:

- Để Hà Lan xức dầu cho Ngạn nghen!

Rồi không đợi tôi có ý kiến, Hà Lan dốc dầu ra tay và xoa lên các vết bầm trên má tôi.

Tôi khẽ nhắm mắt lại và có cảm giác những ngón tay dịu dàng và mềm mại của Hà Lan đang mơn man lên trái tim tôi. Chúng như đang an ủi và xoa dịu nỗi đau trong lòng tôi bằng sự âu yếm lặng thầm. Hệt như ngày xưa, thuở còn học ở trường làng. Thuở ấy, Hà Lan luôn luôn ở bên cạnh tôi trong những trận đánh nẩy lửa và sự lo lắng săn sóc của nó bao giờ cũng đem lại cho tôi một sự êm ái tuyệt vời.

Bây giờ cũng vậy. Tôi đang chìm vào một trạng thái êm đềm ngây ngất. Những ngón tay mượt mà của Hà Lan đang lướt nhẹ trên má tôi đã đánh thức trong tôi những xúc cảm quen thuộc, những xúc cảm mà tôi tưởng đã mãi mãi thuộc về kỷ niệm. Và tôi bồi hồi hỏi:

- Dầu ở đâu vậy ?

- Của Hà Lan.

- Bộ lúc nào Hà Lan cũng bỏ theo chai dầu hả ?

Hỏi xong, tôi chợt mỉm cười. Tôi nhận ra tôi đã hỏi Hà Lan đúng cái câu ngày xưa tôi đã hỏi, lúc tôi trèo lên đầu hồi tìm trứng chim cho Hà Lan và bị ngã u đầu. Tôi nghe Hà Lan đáp:

- Ừ.

Và tôi lại bâng khuâng hỏi:

- Bỏ theo chi vậy ?

Hà Lan cười:

- Để xức chứ chi! Tối đi chơi không xức dầu, dễ trúng gió lắm...

Đang nói, Hà Lan bỗng im bặt. Và ngó lơ chỗ khác. Còn tôi, trong một thoáng, bỗng sực tỉnh và nhanh chóng rơi ra khỏi giấc mơ ngọt ngào của quá khứ. Cảm giác dịu dàng mà Hà Lan đem lại không còn lừa phỉnh tôi được nữa. Và tôi cay đắng nhận ra sự thay đổi của số phận. Hà Lan trước mặt tôi không còn là cô bạn bé bỏng ngày nào. Nó bỏ chai dầu theo người không phải vì "Ngạn chuyên môn đánh nhau, lại chúa hay té" như trước đây nữa mà vì những buổi tối đi chơi với Dũng. Tối nào cũng đi nhong nhong ngoài đường, nó sợ trúng gió.

Từ lúc biết được điều đó, Hà Lan càng xức dầu, tôi càng thấy đau. Và tôi nằm im như khúc gỗ, u sầu và giận dỗi. Hà Lan cũng lặng thinh. Xức dầu cho tôi xong, nó lặng lẽ ra về, không nói một lời. Nó biết câu nói vô ý của nó đã làm tôi thương tổn. Hà Lan yêu Dũng, điều đó chấp nhận được, dẫu chẳng dễ dàng gì. Nhưng tôi không thể chịu đựng nổi khi nghe bất cứ một điều gì thuộc về "chi tiết" của mối quan hệ đó.

Hà Lan về, tôi không tiễn. Tôi nằm trên giường nhìn nó biến mất sau khung cửa. Và thở dài. Hẳn nó đến đây không phải để săn sóc tôi. Nó đâu biết tôi bị... té cầu thang. Chắc Hà Lan tìm tôi để tâm sự, để sụt sùi, và để trút nỗi khổ của nó lên nỗi khổ của tôi.

Tôi nhìn lên trần nhà, tôi nhìn lên mặt phẳng nằm ngang, và thầm nói:

Ừ, em hãy đi đi

Với niềm vui và nỗi hân hoan choáng ngợp trong lòng.

Em hãy tìm đến bất kỳ nơi nào em thích

Đừng tìm đến anh

Đừng tìm đến anh làm gì

Dẫu trong hạnh phúc của em

Anh chẳng được dự phần

Thì anh cũng chẳng nề hà gì làm một kẻ đứng ngoài

Tham dự vào số phận của em bằng những lời chúc tụng

Hãy cứ nghĩ như em từng nghĩ

Anh có là gì đâu

Anh chỉ mong em hãy đến với anh

Khi nào em không còn bất kỳ nơi nào để đến

Khi nào đôi chân quen nhún nhẩy của em

Đã bắt đầu thất thểu

Dưới gánh nặng của khổ đau

Bấy giờ anh sẽ ở bên em

Với một ước muốn nhỏ nhoi

Được chia sớt cùng em

Một phần cơ cực.

Những lời thì thầm cứ vang lên trong lòng tôi, ngậm ngùi, thanh thảnh, trở đi trở lại như một điệp khúc tưởng vọng. Chúng không tan, suốt một tuần.

*****

Cô Thịnh đến vào lúc tôi chẳng mong đợi chút nào. Cô đến với chị Nhường, tay ôm một chục cam. Vừa bước vào phòng, cô Thịnh ỏi liền:

- Ngạn bị đụng xe sao vậy ?

Tôi trả lời lấp lửng:

- Thì đụng chứ đụng sao! Hai xe đâm vào nhau, ngã lăn quay! - Rồi tôi nhìn cô Thịnh, tò mò hỏi - Ai nói cô biết Ngạn bị đụng xe ?

- Thằng Liêm. Nó nói với Nhường. Nhường nói lại với cô.

Hóa ra là thằng Liêm lẻo mép! Nó thương tôi thành ra hại tôi. Tôi muốn giấu nhẹm mọi chuyện, bây giờ lại tung tóe ra. Cô Thịnh đâu phải là Hà Lan, tôi đừng hòng bịp cô được. Đúng như tôi nghĩ, nhìn lướt qua tôi một cái, cô Thịnh biết liền.

Cô trách:

- Ngạn nói dối. Không phải Ngạn bị đụng xe.

Tôi giật thót, vội quả quyết:

- Ngạn bị đụng xe thật mà!

Cô Thịnh nhìn tôi chằm chằm. Rồi lắc đầu:

- Đụng xe phải xây xát, trầy trụa ghê lắm! Ở đây chỉ toàn những vết bầm. Chắc là Ngạn đánh nhau với ai!

Cô Thịnh nói trúng phóc, tôi đành ngồi im.

- Ngạn đánh nhau với ai vậy ? - Cô Thịnh lại hỏi.

Tôi gãi đầu:

- Với... thằng bạn cùng lớp.

- Bạn cùng lớp mà đánh nhau ?

Tôi lại bối rối:

- Ừ, chuyện nhỏ thôi. Do hiểu lầm.

Tôi cố tình giải thích mập mờ. Nhưng cô Thịnh chẳng hỏi nữa. Cô chỉ thở dài:

- Hồi nhỏ Ngạn là chúa đánh nhau. Lớn lên, tưởng Ngạn thay đổi, ai ngờ vẫn vậy. Hư quá!

Cô Thịnh trách tôi rõ là oan. Nhưng tôi không thể thanh minh. Tôi ngậm bồ hòn. làm ngọt.

Chị Nhường không trách tôi. Thấy tôi bị đánh, chị vừa thương vừa tức, bèn xúi:

- Đứa nào đánh Ngạn, Ngạn nhờ anh Dũng trả thù giùm cho! Anh Dũng có đi học võ đấy!

Tôi dở khóc dở cười, chưa biết nói sao, cô Thịnh đã nạt:

- Nhường đừng có xúi bậy! Không có chuyện đánh nhau nữa!

Rồi cô quay sang tôi, đe:

- Ngạn còn đánh nhau lần nữa, cô méc ba Ngạn liền.

Tôi gật đầu, buồn xo. Cô làm như tôi ham đánh nhau lắm. Cô chẳng hiểu gì tôi.

Đợi cho cô Thịnh và chị Nhường ra về, tôi uể oải ngồi dậy. Tôi vớ lấy cây đàn và lướt khẽ những đầu ngón tay lên dãy phím để nghe những âm thanh rung lên bồi hồi. Tôi tì cằm vào thùng đàn. Cằm tôi đau nhói. Nhưng tôi mặc xác. Những vết bầm trên mặt. Anh chẳng kể làm gì. Trái tim nhiều xây xát. Mới khó lòng quên đi...

*****

Dũng quay về với Hà Lan.

Tôi đón nhận tin đó nửa vui nửa buồn. Tôi yêu Hà Lan, tôi muốn Dũng quay lại để Hà Lan nguôi đau khổ. Nhưng cũng vì yêu Hà Lan, trong thâm tâm tôi cầu mong Dũng đi luôn. Nó và Bích Hoàng cứ dắt nhau tếch đi đâu thì tếch, khuất mắt càng tốt. Tôi không rõ giữa hai ước muốn trái ngược đó, cái nào mạnh hơn. Chúng mạnh ngang nhau, tôi càng chết. Chúng mạnh ngang nhau, tôi cứ phải tự dày vò: rốt cuộc thì bản chất tình yêu là gì, vị tha hay ích kỷ. Tôi hỏi, và tôi không trả lời được. Đó là một trong những câu hỏi mà mãi mãi về sau tôi vẫn không thể tìm ra câu trả lời chính xác.

Tôi cũng không rõ Dũng quay về với Hà Lan vì lý do gì. Có phải vì trận đánh kinh hồn trên bờ sông hôm nọ? Tôi chẳng biết. Dũng chỉ ngắn gọn:

- Con Bích Hoàng chỉ được cái mẽ ngoài, chán bỏ xừ!

Sau đó, nó phóng xe đến chỗ Hà Lan. Nó sẽ chở Hà Lan đi chơi. Hà Lan sẽ rất hớn hở, và khi ra đi trong túi xách hẳn không quên bỏ theo chai dầu gió.

Hà Lan không quên chai dầu gió. Nó chỉ quên tôi.

Từ ngày Dũng quay trở lại, Hà Lan chẳng buồn đến tìm tôi nữa. Khi đau khổ, nó mới cần đến tôi.

Tôi chẳng giận Hà Lan. Tôi lại nhìn lên trần nhà. Tôi nhìn lên mặt phẳng nằm ngang. Và điệp khúc lại thì thầm:

Ừ, em hãy đi đi

Với niềm vui và nỗi hân hoan choáng ngợp trong lòng

Em hãy tìm đến bất kỳ nơi nào em thích

Đừng tìm đến anh

Đừng tìm đến anh làm gì

Đừng tìm đến anh làm gì. Cứ để tôi ngồi đây, lẻ loi, cô độc, và thấy lòng bỗng bao dung như trời bể. Sự độ lượng bao giờ cũng đem lại niềm vui tinh thần cao quí. Như kẻ ngoan đạo đang đắm mình trong đức tin, tôi thấy lòng nhẹ không. Lòng tôi đang rũ sạch bụi trần.

Không, vẫn còn sót lại một hạt bụi cuối cùng. Nó rơi vào mắt tôi khiến mắt tôi cay xè. Khiến tôi ngạc nhiên thấy lòng vui quá xá vui mà trên môi sao có gì mặn chát. Có phải muối đấy không?

*****

Mùa hè năm đó dài đằng dặc đối với tôi.

Như không phải là ba tháng, mà ba năm, hay lâu hơn thế nữa. Tôi có cảm tưởng như đã biến mất những mùa thu, những mùa đông, những mùa xuân trên trái đất. Khắp trần gian chỉ có mỗi mùa hè. Hoa phượng nở lê thê từ tháng giêng đến tháng chạp, kép theo những tiếng ve gầy.

Tôi về làng đủ đầy ba tháng ve kêu.

Hà Lan chỉ ở có hai mươi ngày. Nó cắt mùa hè ra làm hai phần không đều nhau. Phần lớn nhất nó dàng cho thành phố. Ở đó có vui chơi, có hội hè, có Dũng. Nó chỉ dành cho làng Đo Đo có hai mươi ngày ít ỏi.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, tôi chỉ đến chơi vài lần. Chẳng lần nào giống như ngày xưa. Chúng tôi vẫn ngồi cạnh nhau dưới giàn hoa thiên lý, vẫn tinh nghịch đong đưa chân trên những khúc gỗ tròn, nhưng niềm hào hứng ngày nào đã bỏ đi đâu. Dường như giữa chúng tôi chẳng còn gì để nói, cứ mỗi lần cất lời là mỗi lần nhận thấy mình ngượng ngập. Giữa trưa hè ngột ngạt, chúng tôi ngồi lặng thinh, trống vắng, ở bên nhau mà nghìn trùng xa cách. Đôi mắt biếc ngày nào, khi dõi theo những cánh chuồn chuồn đang ngẩn ngơ bay bên hàng giậu đổ, em có chạnh lòng tiếc nuối tuổi thơ qua ?

Tôi ra về lầm lũi. Tôi hiểu rằng từ nay chỉ có một mình tôi giữa bốn bề phượng vĩ. Hà Lan về làng nhưng lòng nó chẳng theo về. Lòng nó đã thôi tím hoa sim, thôi vàng hoa thị và có lẽ hình ảnh những phiên chợ đêm giăng mắc ánh đèn dọc quãng đời tuổi nhỏ cũng đã từ lâu thôi lấp lánh.

Tôi về một mình. Hè này, cô Thịnh không về. Cô ở lại nhà chị Nhường ráo riết ôn tập chuẩn bị thi tú tài hai. Chắc cô lại thức khuya lắc khuya lơ và dậy từ khi trời còn mờ mịt. Chắc cô lại thường xuyên nhúng đầu vào thau nước trong lúc học bài để cho tỉnh ngủ. Chắc cô chả nhớ đến tôi.

Suốt mùa hè, hầu như chiều nào tôi cũng vào chơi trong rừng Sim. Tôi đi một mình, ngay cả thời gian Hà Lan còn ở làng. Tôi lững thững đặt chân trên những lối mòn quen thuộc, nghe tiếng lá khô vỡ dưới gót giày, lòng cứ ngỡ chiều đi xào xạc. Tôi ngồi trên phiến đá năm nào, lạnh một bên vai, chỗ trống một người trong thoáng mắt đã ngập đầy lá rụng.

Tôi ngồi lặng thinh giữa hoàng hôn vây bọc, mơ màng hoài niệm về những ngày xưa cũ. Mà cũng chẳng xưa cũ gì, mới đây thôi. Mùa hè năm ngoái, trước ngày giã từ phố huyện, tiếng đàn tôi chẳng giấu giếm điều gì:

Lòng anh

Dù rộng dài như bể

Vắng cách buồm em

cũng lẻ loi

Lúc ấy, tôi chẳng lẻ loi. Hà Lan ở bên tôi. Nó đón nhận tình tôi, dẫu chẳng hứa hẹn điều gì. Nhưng chỉ cần vậy thôi, trái tim tôi đã reo vui và hồn tôi trang hoàng bao nhiêu là mơ mộng. Vậy mà, tất cả đã xa, mù khơi, thăm thẳm. Tôi chẳng bao giờ ngờ chỉ cần một khoảng cách ngắn ngủi giữa hai mùa hè, mọi thứ trên đời đều có thể bị đẩy lùi vào quá khứ chẳng chút xót thương. Mọi thứ, trừ tình yêu của tôi.

Hà Lan tưởng có thể thổi tắt tình yêu của tôi dễ dàng như thổi tắt một ngọn nến. Nó lầm. Nó chẳng hiểu lòng tôi. Từ rất lâu, lòng tôi đã hứa, như tôi đã một lần thổ lộ với bà khi còn sống: "Lớn lên cháu sẽ cưới nó làm vợ, bà ạ!". Tôi đã nói, và tôi mãi mãi không quên. Hà Lan chẳng biết điều đó. Chẳng ai biết điều đó. Trừ bà. Bà là người nắm giữ sức mạnh của các câu chuyện cổ. Bà hiểu rõ điều kỳ diệu của tình yêu, lòng nhân ái, tính giản dị và sự trong trẻo của tâm hồn. Không cần phải suy nghĩ, chỉ bằng trực giác, bà đã hiểu ngay điều tôi muốn bà hiểu: đối với tôi, Hà Lan chính là hóa thân yêu kiều của tuổi thơ rực rỡ, của đất đai quê xứ. Nó mang vào mối tình tôi một niềm hoài vọng không nguôi.

Những ngọn nến tình yêu trong lòng tôi không tắt. Dù Hà Lan cứ thổi, thổi hoài. Chúng không tắt, chúng chỉ mờ đi. Chúng cháy lập lòe, kiên trì và buồn bã, và đợi mong.

Tôi đợi mùa hè sắp tới. Tôi đợi mọi sự đổi thay. Nếu sang năm chẳng có tin vui, tôi sẵn lòng đợi thêm mấy mùa phượng đỏ. Hẳn trái tim Hà Lan sẽ có buổi quay về, hẳn thế! Lẽ nào nó chẳng nghe thấy tiếng đàn tôi ngậm ngùi tan đi trong gió, dẫu nó đang ở tận đâu trong xa thẳm mịt mù:

Mùa hè nào gặp gỡ

Mùa hènào chia ly

Mùa hè nào hội ngộ

Tôi cầm trên tay hai mùa hè rực rỡ

Còn mùa hè cuối cùng rơi đi đâu ?

Ai nhặt được mùa hè tôi đánh mất

Xin trả lại cho tôi

Xin trả lại cho người yêu tôi

Dẫu chỉ là xác con ve sầu chết khô

Ấy chính là mùa hè của tôi

Ngủ quên trong nách lá

Những ngọt bùi tôi đã nếm trải

Những đắng cay tôi đã nếm trải

Những mùa hè bỏng rát sau lưng

Còn mùa hè cuối cùng tôi gặp lại

Tôi đi đâu ngoài tầm mắt tôi tìm?

Tôi sẽ đi tìm mùa hè tươi đẹp của tôi

Tôi sẽ không bao giờ tìm thấy nếu Hà Lan nhất quyết giấu mùa hè đằng sau lưng nó. Nó và Dũng sẽ đứng che khuất mùa phượng đỏ mà tôi ngóng đợi. Nó mặc tôi tìm kiếm lang thang trong cuộc đời. Nó mặc tình yêu tôi dãi nắng dầm mưa, trái tim tôi sốt ba mươi chín độ. Nghĩ vậy, tôi buồn quá, chẳng thèm hát hỏng. Tôi buông đàn xuống và ngồi im. Ngồi im vui hơn.

*****

Lên lớp mười một, tôi học vùi đầu. Cuối năm thi tú tài một, rớt là vô lính, đứa nào cũng ngán. Dũng ngoại lệ, nó đi chơi tà tà. Chắc nó nghĩ đằng nào nó cũng thi rớt, trước khi bị đẩy ra chiến trường, ăn chơi xả láng cho sướng thân.

Dũng xả láng bằng cách cặp bồ lung tung. Nó đi chơi hết cô này đến cô khác, báo hại Hà Lan khóc sưng cả mắt. Và, cũng như năm ngoái, Hà Lan lại tìm đến tôi, kể khổ. Lần này, nó không buồn giữ kẽ. Nó không rơm rớm nước mắt, mà gục đầu lên vai tôi, khóc vùi.

Hà Lan khóc mà tôi ướt áo. Nước mắt nó cháy bỏng da thịt tôi, như a-xít. Nếu nó khóc vì tôi, hẳn tôi sẽ xúc động ghê gớm. Hẳn tôi sẽ mủi lòng khóc theo. Nhưng đằng này, nó khóc vì Dũng. Nó khóc thằng sở khanh đó, trái tim tôi chai lì.

Lần đầu , vụ Bích Hoàng còn khiến tôi điên tiết nện nhau với Dũng. Tôi làm kẻ giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha. Tôi muốn Hà Lan hạnh phúc. Nhưng càng về sau, trái tim tôi càng nguội máu anh hùng. Tôi chẳng thiết làm Lục Vân Tiên nữa. Phong Lai trá hàng và liên tục trở mặt khiến Lục Vân Tiên mệt mỏi. Cuối cùng chịu hết nổi, tôi nói:

- Dũng đã như vậy, Hà Lan nghỉ chơi luôn đi! Dính dáng làm gì cho khổ thân!

Thấy Dũng chẳng ra gì, tôi định khuyên Hà Lan dứt áo từ lâu. Nhưng tôi ngại Hà Lan hiểu lầm. Tôi ngại nó nghi tôi yêu không được giở trò phá đám. Nhưng đến nước này, tôi bất chấp. Bây giờ tôi chỉ ngại mỗi một điều, dây dưa với Dũng, Hà Lan sẽ chuốc thêm đau khổ.

Hà Lan chẳng nghe tôi. Nó lắc đầu:

- Hà Lan không thôi Dũng được!

Hà Lan nói vậy, tôi chỉ biết thở dài. Tôi buồn cho tôi. Và tôi buồn cho Hà Lan. Tôi chẳng biết làm sao xoa dịu nỗi đau trong lòng nó. Những lời an ủi của tôi mới tẻ nhạt làm sao. Điều đó khiến tôi vô cùng ray rứt và tôi có cảm giác như tôi, chính tôi, chứ không phải Dũng, đã gây ra nỗi bất hạnh cho Hà Lan.

*****

Mối tình giữa Hà Lan và Dũng cứ dùng dằng như vậy, suốt năm. Dũng chập chờn như cánh bướm, nay đóa hoa này, mai đóa hoa khác, thỉnh thoảng lại quay về với Hà Lan. Tôi nghiến răng chứng kiến cảnh đó, chẳng vui gì. Tôi thương Hà Lan đến nát ruột. Và tôi cũng chửi thầm nó tơi bời. Nó ngốc nghếch hệt như cô bé quàng đỏ. Nó bị con sói đánh lừa mà chẳng biết. Nó cứ tưởng con sói là bà ngoại.

Hà Lan nghỉ học khi chỉ còn ba tháng nữa là đến hè. Nó có mang. Tin đó khiến tôi đau xót hơn là ngạc nhiên. Từ lâu, tôi đã phấp phỏng, lo lắng. Tôi sợ điều không hay sẽ xảy đến cho Hà Lan. Bây giờ, nó đến, sớm hơn tôi nghĩ. Nó đến khi năm học chưa kết thúc, thật ngặt nghèo.

Tôi biết được điều đó không phải do Hà Lan. Hà Lan tâm sự với tôi đủ chuyện, trừ chuyện đó. Hai tháng gần đây, nó trốn biệt. Tôi thấy lo lo, liền đi tìm. Tôi đạp xe đến trước cổng trường Nữ đứng đợi suốt ba buổi chiều liền, không thấy nó. Hà Lan biến mất khỏi dòng sông áo trắng khiến lòng tôi lửa đốt.

Tôi chạy đến nhà bà cô và bắt gặp Hà Lan ngồi lặng thầm trong phòng khách. Vẻ xanh xao trên gương mặt nó khiến tôi kinh hãi. Tôi hỏi, nó bảo bịnh. Tôi hỏi bịnh gì, nó bảo cúm. Tôi liền phóng xe đến hiệu thuốc Thanh Lâm của cậu Huấn, kêu nhỏ Mai bán cho tôi mấy vỉ aspirin.

Tôi đưa thuốc, Hà Lan không lấy. Nó bảo có rồi. Tôi nhét mấy vỉ thuốc vào tay nó, dịu dàng nói:

- Hà Lan cứ cầm lấy! Có rồi thì để dành!

Nói xong, tôi về. Hà Lan tiễn tôi ra cửa bằng ánh mắt bối rối. Nó chẳng nói gì, chỉ cười. Một nụ buồn. Lúc đó, tôi nghĩ: tại bịnh đó thôi!

Ba hôm sau, tôi lại ghé. Hà Lan vẫn còn xanh. Một tuần sau, cũng vậy. Nó cứ xanh hoài hoài.

Tôi không giấu được lo âu:

- Hay là Hà Lan đến bệnh viện thử coi!

Hà Lan lắc đầu. Và khóc. Tiếng nức nở của nó khiến lòng tôi quặn thắt. Nhưng tôi chẳng hiểu gì. Tôi hỏi gì, Hà Lan cũng chẳng nói. Tôi chỉ biết đứng nhìn nó sụt sùi và đoán mò, chắc nó lại buồn thằng Dũng bỏ bê.

Tôi về, hỏi Dũng:

- Hà Lan bịnh, anh có biết không?

- Biết! - Dũng đáp cộc lốc, vẻ khó chịu.

Tôi phớt lờ, hỏi tiếp:

- Anh đến thăm Hà Lan chưa ?

Dũng nhăn mặt:

- Chuyện của tao, mày hỏi làm gì?

Dũng lại giở cái giọng trịnh thượng hôm nào. Tôi nổi khùng:

- Hỏi để biết!

Dũng liếc tôi, mặt đanh lại:

- Mày chẳng cần biết ba chuyện đó!

Nói xong, nó quay lưng bỏ ra khỏi phòng. Nó không thèm nói chuyện với tôi. Nếu như trước đây, tôi đã chặn nó lại, và hỏi cho ra lẽ. Nếu cần, tôi sẵn sàng đánh nhau. Những cú đòn của nó khủng khiếp thật, nhưng chẳng thể khiến tôi lùi bước. Nhưng đó là trước đây, còn bây giờ, tôi mặc xác. Bây giờ tôi biết nó là loại người không thể nói chuyện.

Tôi chẳng buồn gây sự với Dũng. Nhưng nhìn nó vừa lừ lừ ra cửa vừa nhăn nhở hát "thôi, em đừng khóc, đừng khóc nữa làm gì...", tôi lại chạnh lòng nghĩ tới Hà Lan và bụng bỗng tức sôi lên. Nếu có một hòn đá trên tay, tôi sẽ không ngần ngại ném vào lưng nó. Tôi sẽ ném thật mạnh.

*****

Trước sau, Hà Lan vẫn câm như thóc.

Thái độ của nó khiến tôi nghi ngờ. Biết không thể dò hỏi nó được, tôi khai thác bà cô. Thoạt đầu, cô Hà Lan định giấu, sau biết tôi sắp về làng, cô sợ làm lộ chuyện, bè kể thật tất cả.

Tôi ngồi nghe, mắt mờ đi, mồ hôi chảy thành dòng.

Kể xong, cô dặn:

- Về làng, cháu đừng nói gì với ai nghen!

Tôi gật đầu.

Cô lại nói:

- Mẹ Hà Lan có hỏi, cháu nói là Hà Lan vẫn đi học bình thường nghen!

Tôi băn khoăn:

- Làm sao giấu mẹ Hà Lan được? Trước sau gì bác ấy chẳng biết!

- Chuyện ấy để cô lo. Cô sẽ tìm cách nói chuyện với mẹ Hà Lan sau.

Tôi chẳng thắc mắc nữa, mà ngồi im.

Nỗi buồn cao như núi, kéo về án ngữ trái tim tôi. Nỗi buồn như dòng nhạc Ngô Thụy Miên chảy ngập lòng tôi:

Dù mai đây

Ai đưa em đi đến cuối cuộc đời

Dù cho em

Em đang tâm xé, xé nát tim tôi

Dù có ước, có ước nghìn lời

Có trách một đời

Cũng đã muộn rồi, tình ơi!

Dù sao, dù sao đi nữa

Xin vẫn yêu em...

Có phải niệm khúc cuối đấy không, mà sao Hà Lan xé nát tim tôi, tôi vẫn yêu nó vô bờ? Mà sao , dẫu trách nó một đời, trước hôm về thăm làng, tôi vẫn đến tìm nó? Tôi ngồi bên cạnh Hà Lan suốt một buổi chiều, an ủi nó bằng sự thinh lặng dịu dàng và chia sẻ. Tôi mong sự cảm thông của tôi sẽ giúp nó đỡ phần nào trống vắng. Tôi muốn làm ngọn thu phong biết mấy, để thổi tan đi bóng mây u ám đang bắt đầu sẫm màu trong mắt biếc kia! Dù sao, Hà Lan có biết không, dù sao đi nữa... Tôi buồn bã nói thầm, và chỉ có buổi chiều nghe thấy.

*****

Hà Lan bảo tôi Dũng sẽ cưới nó. Dũng hứa như vậy. Tôi chẳng biết tôi có mong như vậy không, nhưng khi nghe tin đó, lòng tôi nhẹ nhõm.

Mười bảy tuổi với đứa con trong bụng, Hà Lan dại dột quá chừng. Dù sao, nếu Dũng làm đám cưới, cuộc đời Hà Lan khỏi lâm vào cảnh dở dang. Tôi mừng cho nó. Dẫu rằng ngày vui của nó hẳn sẽ để buồn cho tôi, buồn chết được!

Tôi ngậm ngùi hỏi:

- Chừng nào đám cưới ?

Hà Lan đáp, nó nhìn xuống đất:

- Anh Dũng bảo đợi thi tú tài xong.

Hà Lan nói vậy, tôi biết vậy. Tôi không hỏi Dũng, sợ nó tự ái. Nó nổi khùng lên là hỏng chuyện. Trong thời gian đó, tôi cố tỏ ra dịu dàng với nó. Tôi làm như tôi không biết gì hết.

Với ba mẹ Hà Lan, lại khác. Hai người đã biết chuyện, tôi không thể giả ngây. Mỗi lần về làng, ghé chơi, lòng tôi nơm nớp. Ba Hà Lan chẳng nói gì. Vẫn như dạo nào, đôi mắt đẹp của ông thường xuyên hướng lên bầu trời, dõi theo những tia nắng và những đ'am mây. Ông nghĩ ngợi về thời tiết và mùa màng. Ông chẳng hỏi thăm về Hà Lan một tiếng nào nhưng tôi đọc thấy trong mắt ông nỗi buồn thăm thẳm. Ông buồn như đá, khắc khổ và thinh lặng. Đâu phải tự nhiên ông là người duy nhất trong dòng họ dành trọn đời mình cho làng núi Đo Đo. Tôi liếc ông, lòng bỗng dưng xao xuyến, khôn cùng.

Cũng như chồng, mẹ Hà Lan ra vào lặng lẽ. Bát canh thiên lý tôi ăn đã chẳng còn ngon miệng. Chiếc mâm gỗ tròn nằm ngơ ngác giữa trưa im. Tôi ngồi xếp bằng trên phản, lóng ngóng, vụng về.

Bất giác, mẹ Hà Lan buộc miệng nói:

- Hà Lan ra thành phô, chẳng quen biết ai. Cháu thân nhất, sao chẳng bảo nó?

Câu nói nửa than, nửa trách, buồn hiu hắt. Chẳng biết trả lời sao, tôi ngồi im ngó ra cửa. Trưa dội nắng xuống giàn hoa thiên lý, ánh lên màu lá biếc, và rụng xuống mặt sân những giọt vàng lốm cốm. Tôi chạnh nhớ đến trưa nào, tôi và Hà Lan ngồi chơi ô quan trước sân, trên vai áo cũng nắng vàng vương vãi, chẳng nghĩ dòng đời sẽ có khúc sông quanh.

Trong khi tôi đang ngẩn ngơ với rộn ràng xưa cũ, mẹ Hà Lan chợt chép miệng nói:

- Nhưng bác chỉ nói vậy thôi,cháu làm sao bảo nó được! Bác bảo, nó còn chẳng nghe!

Rồi bà hạ giọng thì thầm, như nói với chính mình:

- Nó chẳng giống ông ấy! Nó rời làng như cây bật rễ, biết bám vào đâu! Rồi nó sẽ khổ suốt đời!

Câu nói như gió thoảng khiến tôi bất giác rùng mình. Và trong một thoáng, tôi bỗng nhớ đến bà tôi. Hồi còn sống, lần đầu tiên để ý đến Hà Lan, bà đã nói "đời nó sẽ khổ". Lúc đó, tôi chẳng buồn quan tâm đến sự tiên đoán của bà. Bây giờ tôi mới hiểu, cũng như tôi hiểu vì sao bà mong tôi cưới Hà Lan làm vợ. Tôi cưới Hà Lan, đời nó sẽ tránh được bao nhiêu chông gai rắc rối. Cưới nó, tôi vừa là "rể" lại vừa là "rễ", tôi làm sợi dây nối nó với đất đai nguồn cội dẫu cuộc đời có thổi dạt nó đi đâu. Chẳng ai ngờ mọi chuyện lại xảy ra quá nhanh, sợi dây chưa kịp buộc vào đã đứt tung như đàn tôi sáu sợi. Nỗi mong mỏi của bà vùi xuống đất sâu.

Tôi vẫn lặng thinh ngồi nhìn ra sân nắng. Thấy tôi buông đũa ngừng ăn, mẹ Hà Lan cũng chẳng giục giã gì. Bà cũng nhìn ra sân, nhưng tôi chắc ánh mắt u hoài của bà chẳng trông thấy cỏ cây hoa lá ngoài kia. Nỗi buồn kín đáo và sức chịu đựng phi thường của bà khiến tôi xúc động và cảm phục vô cùng. Độ lượng, kiên nhẫn, dịu dàng, bà là người mẹ thương con và khổ vì con. Bà giống tôi, bề ngoài có vẻ chậm chạp, lẩm cẩm nhưng tâm hồn lại cực kỳ sâu sắc và nhân ái. Chỉ tiếc là Hà Lan không hiểu bà. Nó đã tự đánh mất một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Nó như chú chim non nóng lòng rời tổ, mải mê bay theo muôn tía nghìn hồng, không biết cuộc đời lắm kẻ giương cung.

*****

Mùa hè năm đó không phải là mùa hè của tôi. Mùa he của tôi không bao giờ về nữa. Từ ngày Hà Lan nghỉ học, nó đã bỏ đi luôn. Nó ra đi, mang theo hy vọng, lấy hết ước mơ, hành trang giã từ chỉ để lại cho tôi mấy trang sách luyện thi tú tài khô không khốc.

Tôi vùi đầu vào tập, dặn lòng thôi mơ tưởng vẩn vơ, thôi nhớ về vơ vẩn. Tôi dặn lòng tôi, rớt là vô lính, cầm súng ra chiến trường không biết chết cho ai. Tôi đóng chặt cửa, ngồi nhà, tụng bài như cầu nguyện. Cho đến ngày đi thi, tôi không dám bước ra sân, tôi sợ trông thấy màu hoa phượng. Màu phượng đỏ sẽ đốt cháy lòng tôi tức khắc, trái tim ra tro, tôi đâu thể học bài. Tôi cũng không dám đụng đến cây đàn, sợ xưa cũ vọng về không sao ngăn nổi:

Lặng lẽ chiều nay

Lặng lẽ mùa hè

Sân trường vắng

Và lòng tôi cũng vắng

Muốn tặng em

Một chùm phượng thắm

Tôi nhờ mùa hè

Bẻ hộ tôi...

Cành phượng vĩ tôi muốn tặng Hà Lan, mùa hè bao lần không bẻ được, tôi còn ngước nhìn phượng đỏ làm chi.

Thốt nhiên, tôi nhớ đến T.T.KH. Người yêu bà đứng dưới bóng hoa ti-gôn, vuốt tóc bà và nói:

... Hoa giống như tim vỡ

Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!

Làng tôi không có hoa ti-gôn, chỉ có hoa phượng. Hoa phượng cũng đỏ tươi, cũng giống như tim vỡ. Tình tôi đã vỡ rồi, tôi chẳng sợ. Tôi chỉ sợ tim tôi có mệnh hệ nào, tôi sẽ đi theo bà tôi, đi theo chú Hoan. Tôi sẽ ngủ, ngủ hoài. Tôi sẽ nằm một mình dưới đất sâu, đêm đêm nghe côn trùng rả rích. Nghĩ vậy, tôi hãi quá, ở luôn trong nhà.

Tôi chỉ rời nhà ban đêm. Ban đêm chẳng thấy màu phượng đỏ, lòng tôi đỡ xốn xang. Tôi đi tắm dưới giếng cây Duối chỉ có trăng treo.

*****

Tôi đậu tú tài năm đó, hạng bình, thuộc loại khá. Dũng rớt, chờ đi quân trường. Nó trốn quân dịch đã ba lần, lần này khó thoát.

Dũng đi, tôi cũng đi. Tôi định vào Quy Nhơn, học sư phạm, mai mốt về làng dạy học. Ba tôi muốn tôi học tiếp lớp mười hai, sang năm thi vào đại học nhưng tôi tìm mọi cách thoái thác. Mẹ tôi chẳng có ý kiến gì rõ rệt, nghe tôi định trở về làng, ở cạnh mẹ, mẹ thích lắm.

Trước ngày lên đường, tôi ghé Hà Lan. Nó có mang đã gần năm tháng, suốt ngày mặc áo bầu rộng thùng thình. Nghe tôi sắp đi xa, nó buồn thiu. Nó nói:

- Ngạn đi rồi, Hà Lan không biết trò chuyện với ai.

Vừa nói, Hà Lan vừa nhìn tôi. Ánh mắt thăm thẳm của nó gợi nhớ biết bao điều, kỷ niệm chợt về vây bọc. Tôi xao xuyến khôn tả, vội nhìn ra sân, khẽ nói:

- Tôi ở xa nhưng lúc nào cũng nghĩ đến Hà Lan. Khi nào cần, Hà Lan cứ viết thư cho tôi.

Hà Lan chẳng nói gì, nó lặng lẽ gật đầu. Tôi cũng ngồi im và cảm thấy không khí đột nhiên nặng nề. Tôi cố nói một câu gì đó nhưng nghĩ mãi không ra, cứ lúng túng một cách khổ sở. Xét cho cùng, tôi với Hà Lan chẳng ra bạn bè, chẳng phải anh em, cũng chẳng phải tình nhân. Tôi từ giã nó như từ giã một mối tình đổ vỡ, từ giã một lần để mãi mãi chia tay. Sắp có chồng, sắp có con, Hà Lan trong trái tim tôi vẫn muôn đời là giấc mơ tuổi nhỏ. Nó chỉ là bóng hình trong cổ tích của bà xưa.

Trước lúc ra về, tôi nhìn Hà Lan, băn khoăn hỏi:

- Còn chuyện đám cưới, Dũng tính sao ?

Hà Lan chớp mắt, giọng bối rối:

- Ảnh bảo đợi học xong chín tháng quân trường.

Tôi giật mình nhủ bụng, như vậy đám cưới được tổ chức khi đứa bé đã được năm, sáu tháng tuổi, thật bất tiện. Sao Dũng không làm đám cưới ngay bây giờ?

Bữa đó tôi về, lòng không vui.