Mộng Đổi Đời

Chương 3



Type: Bích Ngọc

3.

Rời khỏi bến xe, Uông Trường Xích chạy xộc đến Phòng Giáo dục. Cậu thấy Uông Hòe ngồi xếp bằng trong sân, tay cầm một tấm bảng giấy, trên đó có mấy chữ: “Điểm vượt chuẩn mà không được tuyển vào đại học, ai trả lại công bằng cho con tôi?”. Ngoài cái bóng của Uông Hòe ra, sân vắng hoe, ánh nắng gay gắt chiếu xuống khiến cái gáy của ông đen cháy, toàn thân trông giống như một nửa cây mạ mọc trên mặt đất khô hạn nứt nẻ, ngọn héo nhưng thân thắng; lại càng giống một gốc cây, bất động. Vứt chiếc ghế xuống đất, Uông Trường Xích chạy đến đỡ lấy bố. Ông rất nặng, nặng gấp mấy lần so với tưởng tượng của Uông Trường Xích. Lần đầu tiên, Uông Trường Xích không thể đỡ được Uông Hòe đứng dậy, lần thứ hai, sau khi đã dùng hết sức, cậu cũng không thể đỡ được bố đứng lên. Mấy ngày trước, chính Uoong Trường Xích cũng từng bị tê dại, nên cậu biết vì sao Uông Hòe lại nặng đến thế. Đích thực là ông đã bị tê dại,không thể dùng sức đứng lên nổi. Nghĩ vậy, Uông Trường Xích bắt đầu xoa bóp chân tay bố. Khoảng nửa tiếng sau, Uông Hòe đã có thể chống tay xuống đất bò dậy rồi ngồi lên ghế, nói:

- Một cái thị trấn huyện to như thế này mà ngay cả một cái ghế cũng không có!

Uông Trường Xích đưa chiếc túi cho bố. Ông lôi từ trong đó ra một chai thủy tinh, mở nắp, uống ồng ộc một hơi dài hết một phần ba. Đó là loại rượu gạo tự nấu, chỉ cần uống vào là hồi phục tinh thần.

- Lúa chín rục rồi, mẹ bảo bố quay về để kịp gặt. 

- Lúa má cái đếch gì? Vận mệnh mới là số một. – Vừa nói Uông Hòe vừa đưa mu bàn tay trái quệt những giọt rượu trào ra hai bên mép.

- Cho dù có đem bê tông cốt thép ra làm áo quần mặc thì bố cũng không thể làm bọn họ thay đổi đâu.

- Không thay đổi đươc thì bố ở lại đây làm gì? Bố nhàn rỗi đến độ không có việc gì làm à? Nói cho mày biết nhé, vấn đề đã được lãnh đạo chú ý, họ đang điều tra. Mày ngồi đây cùng với bố thêm vài ngày nữa, biết đâu có thể nhận được một tờ phê chuẩn đặc biệt.

- Con thà về nhà làm nông dân vẫn còn hơn ở đây chịu nhục.

- Điểm thi của mày vượt chuẩn, dựa vào cái gì mà mày đòi làm nông dân? Mày cần phải như bọn chúng, ngồi trong nhà lầu mà làm việc!

Đó là một ngôi nhà làm việc bốn tầng, bên ngoài có hành lang, mỗi tầng có mười hai phòng, cửa sổ cửa lớn đều sơn màu xanh lục nhưng chắc do lâu năm nên màu sắc của sự loang lổ, sự kết tủa, sự tàn phá của thời gian và mưa gió. Rêu xanh bám đầy trên tường, lan can, nóc và mái nhà. Trước mặt ngôi nhà là một hàng rào chè tàu được xắn tỉa rất chỉnh tề. Uông Hòe chỉ chỉ trỏ trỏ, nói:

- Trưởng phòng ngồi ở phòng số năm tầng ba,hai phó trưởng phòng ngồi ở phòng số ba và số bốn. Ban tuyển sinh đặt ở tầng bốn, phòng số một.

Uông Trường Xích thoáng thấy một ai đó thò đầu ra cửa sổ quan sát nhưng rồi thụt vào rất nhanh. Nghĩ ngợi một lát, cậu ấy nói:

- Con chờ bố bên ngoài. Đến lúc nào bố suy nghĩ được thông suốt thì lúc đó chúng ta sẽ về nhà.

Uông Hòe gầm gừ trong cổ họng:

- Chuyện này bố không có cách nào nghĩ thông suốt được, trừ phi bọn họ giải quyết cho mày.

Rất nhiều những chiếc đầu vươn ra khỏi các khung cửa sổ. Lần này thì tất cả đều nhìn rất kỹ, hình như họ hy vọng sẽ được thấy mọt cảnh tượng khác với ngày thường. Uoong Hòe lên tiếng:

- Mày có biết vì sao bọn họ lại tỏ ra căng thẳng như thế không? Bởi vì bọn họ đã làm những điều ô uế. Mỗi lần bố gào lên là tất cả những cái đầu trong ban tuyển sinh đều thò ra ngoài cửa sổ. Mày xem, bố mày đã có bao giờ chiếm được uy phong như vậy chưa? Chỉ có lúc nắm chắc được chân lý trong tay và tuyên dương chính nghĩa!

Những chiếc đầu ấy vẫn còn bên cửa sổ, có người còn vừa uống trà vừa nhìn, có người còn đưa máy ảnh lên chụp lia lịa. Uông Trường Xích gào to:

- Bố con tôi quỳ lạy các người có được không?

- Không được! Nếu phải lạy thì chính bọn chúng phải là người quỳ lạy trước chúng ta!.- Uông Hòe quát lớn.

- Con sẽ cố gắng ôn tập, sang năm thi lại, có được không hả bố? – Uông Trường Xích khẩn cầu.

- Năm nay bọn chúng không cho mày đỗ, sang năm sẽ chiếu vào đó mà gạch bỏ tên mày ngay lập tức. – Giọng của Uông Hòe vẫn cứ to và vang.

Một trận cười rổn rảng vọng ra từ phía tòa nhà, chen giữa tiếng cười có tiếng huýt sáo, lại còn tiếng vỗ tay. Uông Trường Xích cảm thấy bụng mình đau nhói. Cậu muốn bỏ chạy, nhưng lại sợ những nguời ở trong tòa nhà kia đánh giá là bố con không đoàn kết nhất trí. Cậu chỉ còn biết ôm đầu nghênh tiếp sự châm chọc, khinh bỉ, vui vì bất hạnh của người khác từ những đôi mắt trên lầu kia. Có lẽ phải gần đến nữa tiếng đồng hồ yên ắng, hay nói cách khác là không thay đổi, những người trên lầu mới dần dần mất đi sự hứng thú, những cái đầu cũng thưa dần. Uông Trường Xích lặng lẽ đứng dậy. Cậu sợ ngay cả một cái hắt hơi cũng có thể phá vỡ sự yên tĩnh cân bằng. Hiện tại, trên sân chỉ còn hai cái bóng nghiêng nghiêng, một cái đứng, một cái ngồi. Ánh nắng từ phía tây chiếu xuống, nóng đến nỗi khiến da đàu của cậu như tê dại. Những cái đầu cuối cùng trên lầu cũng đã trước sau biến mất. Uông Trường Xích rất muốn thừa cơ hội mọi người không chú ý mà lẳng lặng rút lui, đột nhiên tiếng chuông lại lảnh lót vang lên. Đó là tiếng chuông báo hiệu hết giờ làm việc. Những chiếc cửa sổ lần lượt được đóng lại và những tiếng cười, tiếng nói vang lên ở các cầu thang. Họ nhìn thấy hai bố con, có người định đi đến bên họ nhưng không hiểu nghĩ sao lại quay lại quay ngoắt đi, còn phần nhiều thì đi vòng với khoảng cách thật xa như sợ gặp phải bệnh dịch. Uông Hòe đứng lên ghế, giơ cao tấm bảng lên quá đầu, Uông Trường Xích cảm thấy bất nhẫn khi nhìn cảnh tượng này, đầu cúi gầm xuống đến độ cằm đụng tận ngực, hình như cậu đã tự xem mình là một con lợn nái bị những ánh mắt chung quanh thiêu đốt biến thành thịt quay. Cho đến khi chung quanh hoàn toàn không còn tiếng bước chân, cậu mới ngước đầu lên rồi quay người chạy biến. Uông Hòe nhảy xuống ghế, kêu lên: “Chờ bố với! Chờ bố với!...”

Hai bố con đi tới gầm một chiếc cầu xi măng. Uông Hòe trèo lên mõ cầu, lôi từ trong một cái hố sâu hoắm ra một chiếc chiếu rách nát quăng xuống, Uông Trường Xích đón lấy, mở ra. Một chiếc túi ni lông rơi ra, lăn theo mõ cầu rồi nằm trên đất. Uông Hòe vội vàng trượt theo, nhặt lên và mở ra. Bên trong là một chiếc bánh bao. Ông đưa cho Uông Trường Xích, cậu lắc đầu, rất nhanh, ông nhét chiếc bánh bao vào miệng, nó lọt thỏm trong mồm, hai má ông phình to lên. Căn cứ vào thời gian nhai và cường độ vận động của quai hàm, chắc chắn là chiếc bánh ấy rất cứng, có lẽ nó được giấu trong chiếc túi ni lông này khá lâu rồi. Uông Trường Xích thấy sống mũi cay cay, hình như cậu rất thông cảm với bố nhưng đồng thời lại đồng tình với chính mình, lên tiếng:

- Bố sống dưới gầm cầu này à?

Uông Hòe không thể trả lời ngay câu hỏi, ông vẫn đang nhai dở bánh bao. Uông Trường Xích nghe tiếng nhai rất to và những âm thanh đó đang lấp đầy lỗ tai. Nuốt xong miếng bánh, nốc một ngụm rượu gạo, Uông Hòe mới lên tiếng:

- Ngủ ở đây không phải mất tiền, lại rất mát mẻ.

- Chẳng khác gì ăn mày!

- Đương nhiên. Mày đã đến thì bố cũng sẽ chuyển nhà.



- Chuyển đi đâu?

- Đến chỗ mày vừa ý!

Hai bố con đến phòng trọ thuê một căn phòng nhỏ. Uông Hòe dùng đôi cánh tay ấn xuống giường, kêu lớn:

- Sao mà mềm, sao mà trắng thế này! Tối nay phải ngủ sớm mới được.

Tắm rửa. Tắt đèn. Mỗi người lên mỗi giường. Vừa nhắm mắt lại, đầu óc Uông Trường xích như một chiếc động cơ nhiều mã lực đưa thân thể rã rời phiêu du lên chín tầng mây. Thân xác và tư duy dường như đang bay lượn trong không gian không trọng lực, bằng mọi cách cậu vẫn không thể đưa chúng đáp xuống mặt đất được nữa. Lượn qua bay lại…Uông Trường Xích cảm thấy ngực mình trương phình lên, đau buốt. Năm ngày trước, cậu từng có thể đứng ôm một gốc cây mà ngủ say, nhưng đêm nay, mỗi bộ phận trên cơ thể cậu đều mất tri giác, không thể chợp mắt. Nửa đêm, không thể chịu được nữa, Uông Trường Xích bò dậy bật đèn, phát hiện bố không có trên giường. Định thần nhìn kỹ, thì ra Uông Hòe đang nằm dưới sàn nhà, bên cạnh giường. Ánh sáng làm ông ta lóa mắt. Đưa cánh tay lên che mắt, Uông Hòe nói:

- Mấy chục năm toàn nằm sạp giường cứng, gặp phải loại giường nệm mềm thế này, không quen.

- Về thôi bố! Việc gì mà khổ sở đến thế, ở lại đây nhận lấy sự khinh bỉ của người ta!

Vừa nói, Uông Trường Xích vừa mặc quần áo. Chỉ một loáng, cậu đã mặc quần áo, đeo vớ, mang giày xong, ngồi xuống chiếc ghế mang từ nhà đến. Uông Hòe hỏi mấy giờ, cậu đáp hai giờ đêm.

- Hai giờ, những bốn tiếng nữa trời mới sáng, về nhà lúc này cũng không có xe.

Uông Trường Xích kéo rèm cửa sổ. Bầu trời tối đen như mực. Cậu xoay chiếc ghế lại, mặt hướng về phía đông, ngồi bất động, dường như cậu nghĩ chỉ cần về phía đông thì trời sẽ sáng nhanh hơn. Uông Hòe bò dậy, vào nhà vệ sinh đái một bãi rõ dài rồi quay ra ngồi bên mép giường, nói:

- Việc quái gì phải sốt vó lên như thế! Bố không cho phép mày vất bỏ tất cả vào lúc này. Chuyện này cũng giống như đánh nhau thôi, đôi khi thắng bại chỉ quyết định ở năm phút cuối cùng. Chúng ta đã đến thời khắc có thể hô xung phong rồi, dù thế nào cũng không được tỏ ra yếu mềm!

Uông Trường Xích chẳng hề tin tưởng vào cái gọi là hô xung phong của bố, đôi mắt chỉ đau đáu nhìn ra cửa sổ, mong cho trời mau sáng để nhanh chóng leo lên xe về nhà. Uông Hòe như nhìn thấu tâm can đứa con trai, nói:

- Nếu mày không đỗ đại học thì suốt đời mày nằm chết dí ở nông thôn, việc gì mà không chộp lấy cơ hội này? Hai mươi năm trước, bố cũng xin tuyển vào nhà máy xi măng, mọi điều kiện đã vượt tiêu chuẩn nhưng cuối cùng chẳng được bằng tên của thằng cháu phó huyện trưởng. Mày mà không phản kháng thì bọn chúng sẽ khinh bỉ và chúng sẽ dám làm như thế. Lại còn chuyện này nữa, ở lớp một có thằng Nha Đại Sơn, điểm số của nó thấp hơn mày đến tận hai mươi điểm, ở lớp hai cũng có con bé Trương Diễm Diễm, ngay cả điểm số của nó chẳng được treo trên bảng nhưng cả hai đứa ấy đều được xét tuyển rồi, dựa vào cái gì mà mày không được chọn?

Một tiếng “Xòa!” vang lên. Uông Trường Xích kéo rèm cửa, vì dùng quá nhiều swac nên một chiếc rèm tuột khỏi cửa sổ, rơi xuống sàn. Uông Hòe tiếp tục nói:

- Nếu mày cảm thấy quá phiền phức thì về trước đi, dù sao thì bố cũng sẽ phải tiếp tục. Từ khi sinh mày ra đến nay, lúc nào bố cũng tin là mày có số làm cán bộ, không thể không đỗ đại học…

- Việc gì mà bố phải tuôn ra những lời vô ích ấy! – Nói xong, Uông Trường Xích đứng dậy, vác luôn cái ghế định đi. Uông Hòe nói:

- Chuyến xe sớm nhất là phải bảy giờ sáng, lúc này bến xe chưa mở cửa đâu.

- Con đi ra ngoài hít chút không khí không được sao?

- Nói với mẹ mày rằng, cầm không được giấy chúng tuyển bổ sung trên tay, tao nhất quyết không về.

Uông Trường Xích mở cửa bước ra ngoài, chiếc ghế trên vai đập mạnh vào vách cửa. Uông Hòe đóng cửa lại, ngã soài xuống đất ngủ tiếp, một lát sau tiếng ngáy đã vang lên rất to.