Trời sẩm tối, nhà nhà vang lên tiếng nói chuyện ồn ào.
Khôi Vĩ cầm theo quyển sách giáo khoa, lén lút chạy qua nhà cậu, thập thò ngoài cổng.
Buổi tối thường là thời gian học bài của bọn trẻ, để trốn ra, nó phải nói dối mẹ mình là qua nhà Hoài An hỏi bài, vì sợ bị nhà cậu gọi vào nên nó chỉ dám thậm thò thậm thụt như đứa ăn trộm ngoài cổng, vừa lắc cổng vừa rặn ho cho mặt đỏ bừng.
Hoài An cũng biết bạn mình đến, cậu nhìn về phía anh hai đang ghi chép gì đó, rồi nhìn ra cổng, hơi phân vân.
"Đứa nào lay cổng vậy?"
Anh cậu dừng bút, đứng dậy định ra ngoài.
Hoài An quýnh lên, chặn anh mình lại: "Anh làm bài tiếp đi, em xem cho."
Nói xong thì chạy nhanh ra ngoài, cũng không đợi anh mình cho hay không.
"Ây, ây, chuẩn bị đi."
Khôi Vĩ vừa thấy Hoài An đi ra thì cười tít mắt, giơ tay vẫy vẫy.
"Mày từ từ, tao vô xin anh tao nữa."
Để đền bù cho hôm Trung Thu bữa trước, Khôi Vĩ quyết định rủ đám trẻ chơi bịt mắt bắt dê.
Ban đầu bị cho leo cây, Hoài An rất giận, cả một ngày không thèm nói chuyện với Khôi Vĩ, thằng bé lần đầu thấy bạn thân giận như vậy cũng cuống lên, "cúng" gần nửa đồ chơi và đồ ăn vặt mới khiến cậu nguôi giận.
Khôi Vĩ đứng khoanh tay dựa vào tường, làm dáng vẻ ông cụ non nhìn sang căn nhà lầu cuối ngõ, căn phòng tối om, có vẻ chủ nhân của nó chưa về.
Lẹp Xẹp, Lẹp Xẹp,...
Tiếng dép của Hoài An quệt xuống đất, cậu bé ra ngoài rồi đóng cửa cẩn thận, xong xuôi cũng lặp lại hành động vừa nãy của Khôi Vĩ, nhìn qua căn nhà lầu cuối xóm: "Hình như Uy chưa về."
"Hồi sáng nghe nó bảo tối phải đi với ba mẹ qua đâu đó, thôi hôm nay có hai đứa bọn mình với mấy đứa xóm trên."
Hoài An gật đầu, liếc căn nhà lần cuối rồi bước theo Khôi Vĩ.
"Hôm Trung Thu mày chạy đi đâu vậy?"
"Tao bận việc."
Hoài An quay qua nhìn nó: "Con nít như mày thì bận cái gì?"
"Ờm... Tao theo mẹ tao đi công chuyện."
Cậu bé chỉ hỏi bâng quơ, cũng không quan tâm đến đáp án lắm, nhận được câu trả lời tạm chấp nhận được liền đổi chủ đề: "Nghe nói sắp có điểm giữa kỳ đó."
"Xời, tao chắc chắn hai con mười."
"Hôm sau phát ra hai con một nè."
"..."
Đám trẻ xóm trên vừa đông vừa quậy, hò hét ầm ĩ, cầm đầu bọn nhóc là một thằng bé mập. Thằng bé này da hơi ngăm, có giọng nói to nhất trong đám, lũ trẻ hay gọi nó là "anh mập".
Anh mập trước giờ không thích Khôi Vĩ, đơn giản vì thằng nhóc này vừa láu cá, không nghe lời mình vừa thích chơi trò méc người lớn, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng, nên đương nhiên anh mập cũng không thích Hoài An.
Tuy nhiên, cảm xúc của anh mập không ảnh hưởng đến việc Khôi Vĩ chạy lên xóm trên lân la chơi ké, đám trẻ cũng rất chào đón hai người bạn đến từ xóm khác.
"An với Vĩ đến rồi kìa."
Không biết đứa nào trong đám giặc đó la lên, tức thì cả đám bu lại ồn ào:
"Hôm trước mày đi đâu?"
"Mày không đi rước đèn, không có bánh."
"Mày cho bọn tao leo cây."
Mỗi đứa một câu, mồm năm miệng mười chỉ trỏ. Khôi Vĩ phải bán lời hứa là hôm sau sẽ mang bỏng đến mới bịt được miệng bọn chúng.
Anh mập đứng bên ngoài vòng tròn, khoanh tay tỏ thái độ khinh khỉnh.
Đám trẻ ồn ào một lúc thì tản ra, một đứa kéo anh mập đi lại: "Anh mập qua đây, hôm nay chúng ta chơi bịt mắt bắt dê."
Tiếng reo đồng thanh của đám trẻ vang lên, chúng nó rất thích trò này.
Bịt mắt bắt dê là trò chơi dân gian, nghĩa là trong một đám người lựa ra một người bịt mắt lại, sau đó đuổi bắt những người còn lại, mỗi một khu vực sẽ bổ sung thêm vài luật để cải biến trò chơi thêm phần đặc sắc. Ở khu này, trò chơi bịt mắt bắt dê sẽ đi kèm với hai khẩu hiệu đó là "chạy" và "dừng". Khi vào trò chơi, lúc những "con dê" đang chạy tán loạn thì người bịt mắt sẽ kêu "dừng", tức thì những "con dê" phải đứng yên, lúc này người nọ có ba mươi giây để đi bắt dê, nếu trong vòng ba mươi giây mà chạm được một "con dê", thì người bịt mắt chỉ được sờ vào tay để gọi tên "con dê", đúng thì người bị bắt sẽ phải thế chỗ, nếu thua thì cứ thế bắt tiếp.
Để tìm ra ai sẽ là người bịt mắt trong ván đầu tiên, thì đám trẻ sẽ oẳn tù tì với nhau.
Xui rủi làm sao, Khôi Vĩ lại là kẻ phải bịt mắt bắt dê ngay ván đầu tiên.
Thằng nhóc cười tươi nhìn chiếc khăn trùm lên mắt mình.
Sau khi có người hô bắt đầu, Hoài An theo đám trẻ chạy tán loạn khắp nơi, đến khi Khôi Vĩ hô: "Dừng!" Thì cả đám mới đứng im không nhúc nhích.
Hoài An nhìn Khôi Vĩ đi lại gần mình, cậu toát mồ hôi, cố gắng nghiêng người né tay Khôi Vĩ đang duỗi ra, người cậu gầy, nên dễ dàng luồn lách khỏi bàn tay bạn mình, tuy nhiên anh mập đứng đằng sau lại chẳng may mắn như vậy, cánh tay đưa qua đầu của Hoài An, thò trúng đầu của anh mập.
"Oái oái"
Chỉ nghe tiếng anh mập la lên, bọn trẻ đồng thanh "ồ".
Khôi Vĩ không thèm cầm tay, mà nói luôn: "Mập chứ gì."
Anh mập – người như tên, thân hình béo núc ních, vì quá béo nên chạy một lát đã mệt, trước giờ nó không thích cái trò chạy như này, vì cả buổi cũng không bắt được đứa nhóc nào.
"Người ta sờ tay, còn mày sờ đầu tao rồi! Vậy không tính!"
Khôi Vĩ càng cãi càng hăng: "Vấn đề là quơ tay thì trúng đứa nào sao tao biết được, bịt mắt mà, ai bảo mồm mày to!"
Bọn trẻ xung quanh lại bắt đầu chia làm hai phe, một nửa về phía anh mập, một nửa về phía Khôi Vĩ, đứa nào đứa nấy mặt đỏ tía tai như những con gà chọi.
Hoài An đứng bên cạnh nhìn bạn mình sắp đánh nhau đến nơi rồi, vội vàng can: "Thôi mọi người, đừng cãi nhau nữa, lát hồi người lớn ra bây giờ. Không thì mình đổi sang trò khác."
Anh mập ghét ai ghét cả tông chi họ hàng, nó cũng không thích Hoài An, nay thấy cậu lên tiếng giải vây, nó không cho là đúng, nạt lại: "Mày im đi, đồ ẻo lả biết cái gì mà nói."
"Thằng lợn, mày nói ai ẻo lả?"
"Tao nói bạn mày đó, đồ ẻo lả, đồ bê đê, hai bọn mày y như hai thằng bê đê."
Không biết ai dạy cho anh mập cái từ này, trong đầu Hoài An hiện lên hình dáng những người con trai mặc váy và trang điểm như phụ nữ, vừa nhảy vừa hát ở hội chợ, cậu lập tức cau mày: "Bê đê thì sao? Ẻo lả thì sao?"
"Tởm lợn chứ sao!"
Vừa dứt lời thì anh mập ăn trọn một cú đấm của Khôi Vĩ.
Cả hai lăn vào nhau vừa đánh vừa xé áo.
Hoài An nhìn bạn mình bị anh mập đập, liền chạy lại ghìm tay anh mập.
Đám trẻ xung quanh la hét cổ vũ.
Hiện trường ồn ào hỗn loạn.
Mọi chuyện lắng xuống khi có người lớn ra can ngăn. Một anh trai cao lớn gia nhập túm cổ áo hai thằng, xách lên.
"Gì đây? Ăn nó rửng mỡ đi đánh nhau à?"
Khôi Vĩ mặt bầm tím to giọng mách: "Nó chửi bạn em!"
Anh mập cũng không chịu thua kém: "Gì? Nói có vài câu thì làm sao?"
Anh trai đang xách hai đứa cũng đau đầu, quát lên: "Im ngay, lát tao mách mẹ bọn mày!"
Nhắc đến phụ huynh trong nhà, hai thằng lập tức ngoan như con mèo nhỏ, ánh mắt long lanh nhìn lên trên, tựa như nãy giờ người cãi lộn không phải tụi nó.
Anh trai nhìn sang Hoài An: "Ơ, em của Gia này, hay nhỉ."
Kết thúc câu, anh trai giải tán lũ trẻ, "dẫn" ba đứa về tận nhà.
Anh mập bị phụ huynh nhéo tai lôi vào, lát nữa kiểu gì cũng bị ăn thêm đòn.
Khôi Vĩ đứng ngoài còn giơ tay vẫy, cười tươi như hoa trong ánh mắt hận thù của anh mập.
Cười người chớ dại cười lâu...
Ba mươi phút sau, hai đứa khoanh tay cúi đầu trước mặt anh hai.
Anh trai kia còn xoa đầu hai đứa nhỏ: "Hê, hai đứa em trai của mày chạy lên xóm tao đánh nhau với thằng cu mập, cũng chiến thuật ra gì đấy, thằng em ruột giữ tay, thằng em nuôi thì đấm liên tay, tội mỗi thằng cu mập kia thôi, bầm khắp người!"
"Ê Gia, em mày bình thường hiền như thế, mà hôm nay còn biết ghìm tay ghìm chân người khác cơ đấy, đúng là nhìn mặt không thể bắt hình dong mà."
Anh hai càng nghe càng ngứa: "Trễ rồi, mày không về ngủ à?"
"Ngủ cái gì, tao định xem mày giải quyết thế nào cơ!"
"Chuyện trong nhà, từ chối người ngoài, về đi, mai cho mày chép bài."
Anh trai ra dấu hiệu "ok", nháy mắt với hai đứa nhỏ rồi xoay người đi về.
Hoài An ngoái đầu nhìn bóng dáng to lớn của người phía xa, trong đầu đang nghĩ cách đổi đề tài để đỡ bị phạt nặng.
"Đừng có nhìn nữa, hai đứa có gì để giải thích không?"
" Anh mập nói em là đồ ẻo lả, nên Vĩ mới đập nó!"
"Nó đáng ghét lắm anh, nó còn xúc phạm người khác nữa! Con heo đó nuôi tốn cơm lắm, sao nhà nó chưa đuổi nó ra khỏi nhà?"
"Nó quá đáng lắm luôn á!"
Hai đứa nhỏ lao nhao tố cáo hành vi xúc phạm người khác của anh mập.
Trẻ con sáu tuổi chưa đủ lớn để nhận thức được điều mình nói có ảnh hưởng ra sao, anh hai sau khi tổng kết được mọi chuyện qua lời nói của hai đứa nhỏ thì cũng chỉ biết im lặng. Anh mập mặc dù là người có lỗi trước nhưng hành vi đánh nhau của lũ trẻ thì không nên ủng hộ, anh hai phải cố gắng giải thích với hai đứa nhỏ rằng, dùng bạo lực giải quyết vấn đề là hành vi không tốt, cần phải thay đổi.
"...Cho nên lần sau hai đứa có thể mách người lớn."
" Nhưng anh ơi, mách thì người lớn đâu có quan tâm đâu ạ!"
Anh hai lại bị á khẩu, thời buổi kinh tế khó khăn, người lớn quá tập trung vào việc đi làm kiếm tiền mà bỏ qua những xích mích nhỏ này, không đưa ra được cái phương án tốt cho lũ trẻ.
" Hai đứa có thể mách anh, còn thằng bé kia lần sau đừng có tiếp xúc với nó nữa, nó là đứa bé hư, chơi với nó không tốt."
Hai đứa nhỏ chưa vừa lòng lắm nhưng cũng đành miễn cưỡng đồng ý, anh hai đẩy Hoài An vào nhà trước, còn mình thì dẫn Khôi Vĩ về.
Tác giả có chuyện muốn nói:
Cười người chớ dại cười lâu, vì cười lâu thì hôm sau sẽ không còn chuyện để cười nữa thôi ý mà.