Có hai từ thường lặp đi lặp lại trong entry của nhiều bạn trẻ, là “buồn” và “cô độc”.
Dường như chưa có ai đi qua thời thiếu niên mà không từng trải qua cảm giác đó.
Cô độc. Đó là lúc bạn cảm thấy tâm hồn cô quạnh ngay giữa chốn đông người, đang quây quần bên người thân mà vẫn thấy riêng mình xa cách, đang cùng bạn bè đùa mà vẫn thầm tự nhủ: “Nào có ai hiểu lòng ta”.
Cô độc. Đó là khi tâm sự ngổn ngang trong lòng mà không biết tỏ cùng ai, kể cả cha mẹ hay người bạn thân thiết. Là khi ta thấy như mình bị bỏ rơi trong một thế giới đang rộng ra mãi. Là khi ta thấy tràn ngập trong tâm hồn một nỗi buồn dai dẳng không tên. Và rất nhiều khi, chỉ là nỗi buồn vô cớ.
Cô độc là một tâm trạng đáng sợ. Có người trốn chạy sự cô độc bằng cách… ngủ vùi. Có người cố khỏa lấp nó bằng niềm vui ồn ào ở vũ trường hay trong những trò games, có người gặm nhấm nó bằng nước mắt. Có người thăng hoa vào nghệ thuật. Nhưng cũng có người bị nó bủa vây không lối thoát để rồi tìm đến cái chết. Ít hay nhiều, khi rơi vào trạng thái cô độc, chúng ta đều cảm thấy tâm hồn mình chỉ còn là một khoảng trống đáng sợ, và ta tự hỏi: “Phải làm sao để lấp đầy khoảng trống này đây?”
Nhưng, bạn biết không, những khoảng trống đó không phải để lấp đầy…
Bản chất con người vốn cô đơn. Đó là sự thật. Tất cả mọi người đều có lúc cảm thấy cô độc. Cả những người cởi mở, hài hước nhất hay những người đang chìm đắm trong hạnh phúc vô biên, vẫn luôn có những khoảnh khắc không thể chia sẻ cùng ai. Những khoảng trống mà ở đó chỉ riêng ta đối diện với chính mình. Không phải vì chia tay một người bạn, hay mất đi một người thân, hay khi một mối tình tan vỡ thì nó mới xuất hiện. Khoảng trống đã có sẵn ở đó rồi. Luôn luôn ở đó, trong mọi con người.
Tôi sẽ đọc cho bạn nghe bài thơ haiku này:
“Những lỗ trống trong củ sen
Khi ta ăn
Ăn luôn cả nó”
(Thơ của một thi sĩ Nhật)
Bạn thấy chăng? Những lỗ trống là một phần của củ sen, cũng như sự cô độc là một phần của đời sống. Vì vậy, hãy nhìn thẳng vào nó. Đừng ngại nói: “Tôi đang buồn. Tôi cảm thấy cô độc” nếu bạn muốn được chia sẻ. Nhưng cũng đừng ngại nói: “Hãy để tôi một mình lúc này” nếu bạn thực sự muốn như vậy. Đừng ngại vì đó là điều bình thường. Tất cả mọi người trên thế gian này đều thế. Chỉ khác nhau ở một điều: cách ta đối xử với nó. Nỗi cô đơn tạo thành những khoảng trống, bạn càng trốn chạy thì nó càng bám đuổi. Bạn càng tìm cách khỏa lấp thì nó càng đầy khoảng trống ấy, nhưng cũng đừng để nó lấp đầy mình. Chúng ta chỉ đơn giản nhận ra sự hiện hữu của nó, và bình tĩnh đối diện.
Người ta gọi tuổi mới lớn là “tuổi biết buồn”. “Biết buồn” tức là chạm ngõ cuộc đời rồi đó. Biết buồn tức là bắt đầu nhận ra sự hiện hữu của những khoảng trống trong tâm hồn. Biết buồn là khi nhận ra rằng có những lúc mình cảm thấy cô độc. Khi đó, hãy dành cho sự cô độc một khoảng riêng, hãy đóng khung sự cô đơn trong giới hạn của nó, như một căn phòng trống trong ngôi nhà tâm hồn. Mỗi lần vào căn phòng ấy, dù tự nguyện hay bị xô đẩy, thì bạn vẫn có thể điềm tĩnh khám phá bản thân trong sự tĩnh lặng. Để rồi sau đó, bạn bình thản bước ra, khép cánh cửa lại và trở về với cuộc sống bề bộn thường ngày, vốn lắm nỗi buồn nhưng cũng không bao giờ thiếu niềm vui…