Lần này Hoàn Đình đi sứ không đạt được kết quả thuận lợi cho lắm, mặc dù tộc Thổ Dục Hồn đồng ý đưa vàng đưa bạc, nhưng vẫn không coi những thứ này là triều cống, lại càng không cam tâm tình nguyện phụ thuộc vào đại Tấn. Nhưng bọn họ cũng không muốn gây căng thẳng cho quan hệ giữa hai bên, vì thế biểu lộ muốn phái sứ thần đến nước Tấn nói rõ chuyện này.
Tạ Thù có lòng đề bạt Hoàn Đình, nên lại giao việc đón tiếp sứ thần cho hắn.
Không bao lâu sau đến Tết Trùng Dương[1], đúng dịp đại thọ Thái hậu sáu mươi tuổi, Hoàng đế hạ lệnh khắp chốn mừng vui, đại yến quần thần. Nhưng Thái hậu là người ăn chạy niệm Phật, không thích phô trương nên từ chối ý tốt của Hoàng đế, chỉ nói muốn mời đại sư trụ trị chùa Quang Hóa vào cung tuyên giảng Phật pháp.
Hoàng đế luôn cảm thấy mẫu hậu của mình chịu nhiều thiệt thòi, liền nghĩ kế thuyết phục bách quan cũng vào cung cùng nghe giảng Phật pháp.
Thái tử là người đầu tiên tán thành, ngay cả thú chơi đánh cờ cũng bỏ xuống.
Quan lại trong triều, có người tin, có người không tin Phật nhưng vẫn ở chung hòa hợp, nay Hoàng đế muốn biểu đạt lòng hiếu kính, các gia tộc cũng không có ý kiến, mọi người đều vui vẻ vào cung từ sớm.
Khắp nơi trong cung đều xếp đầy hoa cúc, vàng óng ánh sán lạn, vô cùng rực rỡ. Trong cung Thọ An dựng một đài giảng kinh, trụ trì chùa Quang Hóa là một tăng nhân người Tây Vực còn khá trẻ tuổi tên là Trúc Đạo An, khuôn mặt nghiêm nghị, người mặc áo cà sa, ngồi ngay ngắn bên trên, vững vàng như sen.
Thái hậu mặc y phục trang trọng, dẫn chúng thần ngồi xuống, nghe hắn thuyết giảng.
Tạ Thù cảm thấy vô cùng buồn chán nhưng lại ngồi ngay hàng đầu, dù có muốn ngủ gật cũng không được. Đột nhiên có người kéo kéo góc áo nàng, nàng quay đầu nhìn lại, hóa ra là Tạ Nhiễm ở bên cạnh Thái tử, đang ra sức nháy mắt với nàng, ra hiệu nàng quay ra phía sau.
Tạ Thù theo tầm mắt hắn nhìn sang, hóa ra là Vương Lạc Tú đang ngồi bên cạnh Vương Kính Chi cứ liếc mắt nhìn mình. Thấy nàng nhìn sang, Vương Lạc Tú lập tức cúi đầu, thỉnh thoảng lại hơi ngẩng lên ngó về bên này, gò má đỏ ửng.
Đây không phải việc tốt lành gì, còn tưởng rằng đưa túi thơm là đã xong. Tạ Thù nhìn Tạ Nhiễm lắc đầu, biểu lộ không có việc gì, để hắn đừng đoán lung tung, nhưng trong lòng cảm thấy rất bất đắc dĩ.
Dùng ánh mắt ra hiệu cho Tạ Nhiễm xong, Tạ Thù phát hiện Thái tử cũng đang nhìn mình, nhìn kỹ lại, hóa ra không phải nhìn mình, mà lại theo hướng của nàng nhìn về Vương Lạc Tú.
Nàng cũng lờ mờ đoán ra, Thái tử cũng đã đến tuổi trưởng thành, cũng sẽ để tâm tới những người con gái xinh đẹp, nhưng, đây chẳng phải là có ý với người nhà của thầy dạy mình đây sao?
Trúc Đạo An giảng pháp xong, muốn cùng thảo luận với mọi người, các đại thần đều không có hứng thú, người có hứng thú thì thấy mặt mũi hắn nghiêm nghị như vậy lại cũng không có dũng khí ra mặt. Thái tử nóng lòng muốn thử nhưng tiếc rằng lại bị Tạ Nhiễm lôi kéo, sợ hắn lại khiến Hoàng đế tức giận.
Thái tử vẫn cảm thấy chưa thỏa ý nguyện, liền xin Trúc Đạo An kể thêm ít điển tích của Phật gia cho nghe.
Tư Mã Đình cố ý chế nhạo hắn: “Những điển tích tầm thường của Phật gia e rằng Thái tử ca ca đều đã thuộc lòng cả rồi, hôm nay phải mời đại sư nói cái gì khác thường mới được.”
Trúc Đạo An khẽ mỉm cười: “Vậy bần tăng sẽ kể về điển tích tình ái nam nữ được chứ?”
Tư Mã Đình ngẩn người: “Phật gia mà cũng nhắc đến chuyện tình ái nam nữ hay sao?”
Trúc Đạo An niệm Phật một tiếng: “Tình ái nam nữ cũng là yêu.”
Hắn vừa nói xong, vốn những người chẳng có tâm trạng để ý đều hào hứng hơn hẳn, ngay cả Tạ Thù cũng tập trung lắng nghe.
“Trước đây rất lâu, ở nước Kết Cốt[2] có một vị Thái tử đem lòng yêu một thiếu nữ xinh đẹp, nhưng tiếc rằng không thể ở bên nhau. Sau khi Thái tử qua đời, đi tới chỗ Phật tổ, nói mình yêu thiếu nữ kia tha thiết, xin Phật tổ để kiếp sau của hắn có thể cùng thiếu nữ ấy tu thành chính quả. Phật tổ đồng ý với lời thỉnh cầu của hắn, nhưng kiếp của của Thái tử vẫn không có được người con gái ấy. Hắn lại tới trước mặt Phật tổ, hỏi vì sao lại không cho hắn cơ hội. Phật tổ xua tan biển mây mênh mông, chỉ vào một người đàn ông suốt ngày ở bên cạnh hầu hạ hắn nói: “Chẳng qua chỉ thay đổi hình dáng mà ngươi cũng không nhận ra, thế mà cũng gọi là yêu hay sao?”
Mọi người nghe xong đều suy ngẫm, Tư Mã Đình lại chỉ cười: “Thừa tướng chắc hẳn rất thích điển tích này.”
Tạ Thù biết hắn đang chế giễu mình thích đàn ông, cười cười nói: “Tất cả mọi người đề yêu thích, chỉ có người trong lòng không yêu ai mới không thích mà thôi.”
Khuôn mặt tươi cười của Tư Mã Đình cứng đờ, cau có nghiêng đầu sang chỗ khác.
Vệ Ngật Chi ngồi bên phải bỗng nhiên liếc mắt nhìn Tạ Thù.
Lúc ra về, đột nhiên Vương Kính Chi gọi Tạ Thù lại.
“Không biết Thừa tướng có rảnh không? Tại hạ muốn mời Thừa tướng cùng đi thưởng cúc uống rượu.” Hắn mặc triều phục trang trọng, nhưng lại cười phóng khoáng, cử chỉ phóng túng, chẳng hề che giấu vẻ bất kham thường ngày.
Đúng lúc Vệ Ngật Chi từ xa đi đến, Tạ Thù có ý muốn tránh hắn nên nhận lời mời của Vương Kính Chi: “Được thôi, vậy bản tướng đi chung xe với ngài luôn.”
“Thừa tướng quả là người thẳng thắn.” Vương Kính Chi giơ tay, mời nàng bước đi.
Vệ Ngật Chi nhìn hai người vừa nói vừa cười cùng lên xe rời đi, không tự chủ cau mày.
Đúng lúc đó Tương phu nhân từ phía sau đi tới, nhìn thấy cảnh này, tức tối nói: “Đúng là thằng nhãi nhà họ Tạ cấu kết với nhà họ Vương rồi.”
Tương phu nhân vẫn rất bực bội, lúc về vò nát khăn tay, có vẻ như coi chiếc khăn là Tạ Thù để trút giận.
Nơi Vương Kính Chi mời Tạ Thù ngắm cúc là ở bên sông Tần Hoài. Năm ngoái có viên quan sai người gieo ít hạt hoa cúc ở hai bên bờ sông, Tết Trùng dương năm nay lại đúng lúc hoa nở.
Giờ vẫn chưa tới buổi trưa, mặt trời vẫn nắng chói chang, cuối thu tiết trời dễ chịu, không khí nơi đây tràn ngập mùi hương hoa. Thuyền nhà họ Vương lặng lẽ di chuyển trên sông, bách tính hai bên bờ sông dồn dập nhô đầu ra quan sát.
“Vừa rồi ta mới thấy Vương Thái phó mời Thừa tướng lên thuyền, ngoài ra không còn ai khác.”
“Oa, bao nhiêu năm rồi hai nhà Vương Tạ mới ngồi chung một thuyền cùng uống rượu nhỉ?”
“Đúng đấy, không hổ là danh sĩ đệ nhất phong lưu, tác phong làm việc không giống những người nhà họ Vương trước đây.”
“Gì chứ, rõ ràng là Thừa tướng nhà chúng ta rộng lượng, nếu không thì sao thèm để ý tới nhà họ Vương làm gì?”
“Haizz, Vũ Lăng vương nhà chúng ta không ở đây, chả có hứng thú quan tâm…”
“Không quan tâm thì xê ra, để ta nhìn Vương Thái phó!”
Vương Kính Chi nheo mắt nhìn bên ngoài cửa sổ, rồi quay lại cười nói với Tạ Thù: “Vừa nãy nghe Trúc Đạo An giảng pháp, hắn cho rằng bề ngoài không quan trọng, nhưng ở Đại Tấn, lại cực kỳ quan trọng. Đúng rồi, không biết Thừa tướng có từng nghe qua chuyện cũ của lệnh tổ phụ Tạ Minh Quang?”
Tạ Thù đặt ly rượu xuống: “Nguyện lắng nghe.”
Vương Kính Chi dường như cảm giác không tiện nói, xoa xoa cằm: “Khi tiên đế còn tại vị, vì lệnh tổ phụ có tướng mạo quá xuất chúng, nên từ Thượng thư tỉnh Hữu phó xạ được đề bạt thẳng lên Trung thư giám, sau lại có công cứu giá nên được ngồi vào vị trí Thừa tướng.”
Tạ Thù cảm thấy rất thú vị: “Có việc này thật ư? Lẽ nào ngài muốn nói nhà họ Vương không có ai được làm Thừa tướng, là vì không có ai đẹp bằng tổ phụ ta?”
“Ha ha ha ha…” Vương Kính Chi cất tiếng cười to: “Tại hạ rất thích cá tính của Thừa tướng, nếu nói lời này với người ngoài, có lẽ còn trách ta ăn nói linh tinh, chỉ có Thừa tướng còn biết giễu cợt, không hề e ngại.”
“Ta để bụng làm gì chứ, với tính cách của tổ phụ ta, ngài nói như vậy, ông cụ còn phải cảm ơn ngài đã khen ông đó.”
Vương Kính Chi gật đầu: “Lệnh tổ phụ không chỉ tướng mạo, có lẽ Thừa tướng cũng cảm nhận thấy trên mình có hình bóng của ngài ấy nhỉ.”
Tạ Thù giơ ly rượu cười nhẹ: “Ta và ông cụ không giống nhau.”
Vương Kính Chi ngẩn người.
Mãi cho đến khi hai bờ sông thắp đầy đèn đuốc, hai người mới ngừng uống.
Vương Kính Chi không hổ danh là cao thủ tán dóc, ngay cả Tạ Thù vốn chẳng có hứng thú với chuyện gì cũng vẫn có thể tiếp chuyện, thời gian vùn vụt trôi qua lúc nào không biết.
Nàng đùa: “Bản tướng đột nhiên có cảm giác, mỹ nhân bên cạnh Thái phó đều rất có phúc, chí ít sẽ không cảm giác buồn chán.”
Vương Kính Chi cười ha hả: “Dù có nhiều mỹ nhân hơn nữa, cũng không thể sánh bằng một mình Thừa tướng ngài đâu.”
Tạ Thù nghe thế liền biết hắn say rồi, dáng vẻ hắn bây giờ chả khác gì cái ngày ở trên núi Phúc Chu là bao.
Nàng cảm thấy buồn cười, chẳng trách xưng tụng hắn là kẻ phong lưu bất kham, hơi say đã ăn nói linh tinh, thật đúng là quá phù hợp.
Ở ngoài cửa khoang thuyền có một thư đồng đứng hầu, nghe thấy không ổn, vội vã đi vào đỡ Vương Kính Chi, vừa xin lỗi Tạ Thù: “Thừa tướng thứ tội, lang chủ nhà ta cứ say rượu là không kiểm soát được lời ăn tiếng nói, tuyệt đối không có ý mạo phạm đâu ạ.”
Tạ Thù xua tay: “Không sao, bản tướng cũng từng trông thấy hắn như vậy rồi, không cần đỡ hắn dậy, cứ để hắn nghỉ ngơi ở đây đi.”
Thư đồng kia khó xử: “Nhưng, nhưng lang chủ nhà ta khi say sẽ còn một vài hành động… bất nhã khác nữa.”
“Hả?” Tạ Thù còn đang định hỏi, thì Vương Kính Chi đã đẩy người hầu ra: “Lắm lời qua đi, mau ra ngoài, đừng ở đây cản trở ta tiếp khách.”
Hắn vừa nói vừa đứng dậy, lảo đảo đi tới bên cạnh Tạ Thù, bỗng nhiên kéo tay nàng nằm xuống, nhân thể nằm xuống cùng.
Tạ Thù bị kéo ngã, đầu gối lên khuỷu tay hắn, hắn lại nắm chặt cánh tay nàng giam cầm nàng bên trong, cười ha hả: “Chung phòng cùng ngủ với người đến rạng sáng.”
Thư đồng vội vã chạy tới kéo người ra: “Thừa tướng thứ tội, lang chủ nhà ta tuyệt đối không cố ý thế đâu.”
Tạ Thù tránh hồi lâu cũng không thoát ra được, thở dài nói: “Coi như Thừa tướng được mở mang tầm mắt, cảm thụ danh tiếng phong lưu lang chủ nhà các ngươi rồi.”
Thư đồng khóc không ra nước mắt.
Nghe nói Thừa tướng thích đàn ông đó, lang chủ nhà chúng ta chẳng phải tự dâng mình lên miệng cọp rồi hay sao???
Đúng lúc đó Vệ Ngật Chi và Hoàn Đình chờ người tới quán rượu gần đó, đúng lúc nhận được mật hàm từ biên cương báo sứ thần Thổ Dục Hồn gặp chuyện giữa đường, hắn nghe nói thuyền của nhà họ Vương ở gần đó, liền muốn lên thuyền gặp Tạ Thù để bàn bạc về chuyện này.
Vệ Ngật Chi và Hoàn Đình đi thuyền nhỏ đến bên thuyền nhà họ Vương, đúng lúc gặp Mộc Bạch ở đầu thuyền, rất nhiệt tình đón tiếp Hoàn Đình nhưng lại thờ ơ đón tiếp Vệ Ngật Chi.
“Thừa tướng đang ở đâu?”
“Đang ở trong khoang thuyền uống rượu với Thái phó.”
Đúng lúc đó trong khoang thuyền truyền ra tiếng Vương Kính Chi cười to và tiếng kêu hốt hoảng của thư đồng, Vệ Ngật Chi cảm thấy không ổn, bước nhanh vào liền trông thấy Tạ Thù bị Vương Kính Chi ôm chầm nằm dưới đất, một người thì như không có chuyện gì xảy ra, một người thì vô cùng phóng đãng.
Mộc Bạch đi vào theo, nhìn thấy cảnh này, tóc gáy đều dựng ngược cả lên, vội vã chạy tới đẩy cánh tay của Vương Kính Chi ra.
Người say rượu đều rất khỏe, lại còn làm càn, hắn và người hầu nhà họ Vương chỉ có tách ra được một khoảng, kéo hai người sang hai bên.
Vệ Ngật Chi không nhịn được nữa, xông tên một tay bẻ cổ tay Vương Kính Chi, một tay lôi Tạ Thù ra, kéo về phía mình.
Vương Kính Chi bị đau, mở to đôi mắt mơ màng nhìn ra, vốn không nhìn rõ là ai, lại ngoẻo cổ nằm gục xuống.
Thư đồng nhà họ Vương thật đáng thương, sợ hãi đến mức tái mặt quỳ sụp xuống đất liên tục xin lỗi: “Thừa tướng thứ tội, Đại Tư Mã thứ tội, lang chủ nhà ta không cố ý đâu ạ.”
“Không sao, chăm sóc lang chủ nhà các ngươi đi.” Tạ Thù né tránh Vệ Ngật Chi, đi ra khỏi thuyền.
Hoàn Đình ở ngoài cửa há hốc miệng nhìn hồi lâu, lúc này mới hoàn hồn, vội vàng tiến tới bẩm báo sự tình.
“Biết kẻ nào gây ra không?”
“Không biết, là thuộc hạ của Trọng Khanh báo tin về.”
Tạ Thù quay đầu nhìn Vệ Ngật Chi: “Vậy hẳn là Vũ Lăng vương biết kẻ nào gây ra chứ? Là giặc cỏ hay là quân địch đều phải điều tra rõ ràng, hai nước giao chiến không chém sứ giả, đây không phải là chuyện nhỏ.”
Vệ Ngật Chi bực bội nói: “Chờ bản vương điều tra rõ ràng sẽ báo cho Tạ tướng biết.”
Tạ Thù nhìn hắn chằm chằm: “Không phải Vũ Lăng vương có điều gì bất mãn bản tướng đó chứ?”
Hoàn Đình ho khan hai tiếng, giả vờ như không biết gì hết.
[1] Tết Trùng Dương: ngày 9 tháng 9 âm lịch. Người xưa cho rằng số 9 là số dương nên gọi là Trùng Dương.
[2] Kết Cốt là đất nước của những ngươi Kyrgyz (cũng được viết là Kirgiz, Kirghiz) là một dân tộc Turk sinh sống chủ yếu tại Kyrgyzstan. Những người Kyrgyz ban đầu, được gọi là người Kyrgyz Yenisei hoặc Hiệt Kiết Tư (黠戛斯 Xiajiasi), lần đầu xuất hiện trong các văn thư của Sử ký Tư Mã Thiên (biên soạn 109 TCN đến 91 TCN), là Cách Côn (鬲昆/隔昆) đọc theo tiếng Hán cổ là Gekun/Jiankun. Mặc dù không thể kết luận trực tiếp để xác định sông Yenisei và dày núi Tiên Sơn Kyrgyzes là nơi sinh sống của tổ tiên người Kyrgyz, song một số dấu vết về nguồn gốc dân tộc đã được thể hiện rõ ràng trong khảo cổ, ngôn ngữ, lịch sử và dân tộc học. Phần lớn các nhà nghiên cứu hiện đại đi đến kết luận rằng tổ tiên của các bộ lạc phía nam Kyrgyzstan có nguồn gốc từ sự kết hợp của các bộ lạc cổ xưa nhất là Saka, Ô Tôn, Đinh Linh và người Hung.[3].
Từ Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều cho tới đời Tùy gọi là Kết Cốt.