- Em có vài ngôi nhà như thế này rải rác từ đây đến trong rừng.
- Em chu đáo thật. – Tôi gật đầu, giọng tán thưởng – Sẵn nhà khắp nơi, khi nào cần là em có chỗ nghỉ chân.
Chúng tôi trò chuyện trên nền những tiếng mưa nhưng vì hai đứa tôi ở cạnh nhau trong chiếc tổ lá nên tiếng nói vẫn nghe rõ như phát ra từ một quả chuông.
- Em hay vào rừng lắm sao?
- Dạ. Nhưng thỉnh thoảng em mới đi buổi chiều như thế này. Em thích đi vào sáng chủ nhật hơn.
Tôi cười:
- Đi sáng chủ nhật thì em được tung tăng suốt ngày trong rừng chứ gì!
Đến lúc này tôi vẫn chưa biết tại sao con Rùa lại thích vào rừng. Tôi biết khu rừng này từ thời tôi còn bé nhưng tôi chưa bao giờ bén mảng tới đó. Người làng mỗi khi vào rừng lấy củi đều quấn xà cạp, chân đi ủng, trên người bôi thuốc kỵ rắn. Vào mùa mưa, họ giã tỏi thoa khắp tay chân đầu cổ để chống vắt, mỗi khi đi ngang tỏa mùi nồng nặc.
Con Rùa không có chút gì giống thế. Nó dắt tôi vào rừng như dắt tôi đi hái hoa ngoài đồng nội, cứ quần áo phong phanh mà rảo bước.
Khi tôi quay sang con Rùa định hỏi nó vào rừng làm gì mà vào hoài vậy, đôi môi tôi vô tình chạm phải má nó khiến tôi giật nảy một cái, câu hỏi đột ngột nghẹn ngay cổ.
Mặt nóng ran, tôi hấp tấp ngó lơ chỗ khác và lúng búng nói:
- Trời ngớt mưa rồi đó…
Câu nói và thái độ của tôi chẳng ăn nhập gì với nhau, giống như người ta lắp nhầm cán búa vào lưỡi rìu, nhưng con Rùa dường như không nhận ra sự khập khiễng đó.
Nó có vẻ không để ý gì đến sự đụng chạm vừa rồi, cũng không nhận ra sự bối rối của tôi, hồn nhiên nói:
- Chờ thêm chút nữa đi anh. Tạnh hẳn rồi mình về.
Từ lúc đó, tôi không một lần quay sang con Rùa nữa. Tôi ngồi tư lự trên hai chân, không ngớt ngạc nhiên vì sự xấu hổ của mình. Chuyện cỏn con như thế, con Rùa chắc cũng chỉ coi đôi môi tôi như cành lá quẹt vào mặt nó trên đường đi, chẳng mảy may bận tâm, thậm chí chắc nó cũng chẳng có cảm giác tôi vừa chạm vào nó.
Thế mà tôi lại bắt gặp mình ngượng đến chín người. Tôi đưa tay dứt một sợi tóc, rồi hai sợi tóc rồi ba sợi và khi dứt đến sợi tóc thứ mười thì tôi đoán ra sở dĩ tôi có cảm giác đó vì tôi đã là người lớn mất rồi. Năm nay con Rùa chỉ mới mười bốn tuổi trong khi tôi lớn hơn nó bốn tuổi.
Mười tám tuổi, tôi đã biết tình yêu là gì, đã biết thế nào là nụ hôn mặc dù tôi chưa từng yêu ai và hôn ai.
Con nhỏ Bích Lan, con một người bạn gái của mẹ tôi, lần nào tới nhà chơi cũng làm tôi sợ chết khiếp khi nó luôn tìm mọi cách để ngồi gần tôi và hễ không có ai thế nào nó cũng đòi tôi hôn nó.
Bích Lan lớn hơn tôi một tuổi, nhưng bạo dạn hơn tôi gấp một trăm lần. Mặt nó lấm tấm tàn nhang nhưng trông nó vẫn rất xinh nhờ cặp mắt lúng liếng và miệng cười tươi như hoa nở, và có lẽ biết thế nên nó cười suốt ngày.
Có thể tôi sẽ thích nhỏ Bích Lan nếu như nó đừng làm tôi hoảng vía. Mặc dù tôi theo gia đình dọn vào Sài Gòn đã được mười năm nhưng tôi vẫn không gột rửa được gốc gác nông thôn của mình. Tôi luôn nhút nhát trước con gái, coi việc đụng chạm vào cơ thể họ là điều không đàng hoàng cho dù trong những giấc mơ thầm kín tôi rất hay làm ngược lại.
Tất nhiên không phải đứa con gái thành phố nào cũng dạn dĩ như Bích Lan. Những đứa bạn học của tôi trên lớp đâu có tấn công ồ ạt như vậy. Dĩ nhiên một phần vì chẳng có đứa con gái cùng lớp nào thích tôi. Bích Lan thì khác, vừa gặp tôi lần đầu tiên nó đã nói ngay “Ui, trông anh dễ thương quá!”, lại nói bô bô ngay trước mặt mẹ tôi và mẹ nó, chẳng kiêng nể gì.
Hai bà mẹ nghe nó nói vậy, toét miệng ra cười trong khi mặt tôi chín nhừ như đang đút vào lò nướng.
Đến nay tôi vẫn chưa hôn Bích Lan cái nào theo lời xúi bậy của nó, dù sau khi nói “Anh dễ thương ghê” nó còn nói thêm nhiều câu nóng bỏng khác nữa, đại để như “Lan thích anh rồi đó”, vài hôm sau lại “Chắc Lan yêu anh thật rồi”…
Dĩ nhiên Bích Lan rất thất vọng trước sự ù lì của tôi, nó bảo tôi là đồ nhà quê, và sau khi nói vậy nó vẫn kiên trì ngồi cạnh tôi mỗi khi có dịp và tiếp tục gạ gẫm tôi. Gạ gẫm không được thì nó hỏi tôi có phải là pêđê không mà không chịu hôn nó, điều mà những bạn trai cũ của nó đứa nào cũng thích. Những lúc như vậy tôi chỉ biết cười trừ và nhìn ra màn mưa ngoài trời, ấp úng nói:
- Trời ngớt mưa rồi đó…
Bây giờ tôi phát giác ra mình vừa lặp lại mẫu câu đó với con Rùa. Chỉ khác là tôi đang ngồi cạnh con Rùa trong lòng một bụi duối dại giữa cánh đồng lướt thướt mưa và bối rối vì trót hôn nó chứ không phải vì từ chối hôn nó.