Ngôi Trường Mọi Khi

Chương 4: Chương 04



Chương 4 Nhưng Tóc Ngắn chỉ khoan khoái có một chút xíu thôi. Rồi thì nó lại khó chịu như cũ. Gì chứ áo dài là nó ghét cay ghét đắng. Thà mặc váy còn thấy thoải mái hơn. Còn đã tròng áo dài vào người, chẳng những vướng víu nực nội mà còn không "đi lại trên giang hồ" được. Không đá cầu, không đá bóng, không rượt bắt, không vật lộn, không trèo cây hay leo lên mái nhà được. Nói tóm lại là từ bỏ tất tần tật mọi thú vui của cuộc đời. Chui vào chiếc áo dài chẳng khác nào chui vào một nhà tù, từ nay cách ly với toàn thế giới, chán ơi là chán! Ðã vậy, còn bao nhiêu người xoi mói, chọc ghẹo. Ðám bạn cũ khen nó nức nỡ, nhưng trên trái đất này còn bao nhiêu là người. Những người khác biết họ có nhìn nó bằng con mắt như vậy không? Tóc Ngắn thấp thỏm lắm. Vì vậy mà sau khi kéo nhau vào lớp chép thời khóa biểu, bầu ban cán sự lớp và nghe cô chủ nhiệm dặn dò đâu vào đó xong, tụi bạn rủ nhau về trường cũ lấy sổ Ðoàn, ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng ai thấy Tóc Ngắn đâu. - Tóc Ngắn biến rồi! - Hạt Tiêu kêu lên. Bắp Rang ngó quanh: - Mới thấy nó đây mà. Trong bọn, bạn chơi thân với Kiếng Cận và Tóc Ngắn nhất. Chẳng khó khăn gì để bạn đoán ra sự mất tích đột ngột của Tóc Ngắn: - Nó sợ đó. - Sợ ai? - Ria Mép trợn mắt - Con nhỏ đó chỉ sợ trời thôi! Bạn tủm tỉm: - Nó sợ thầy Bàng. Thầy Bàng dạy thể dục lớp bạn năm ngoái. Trong lũ học trò lớp chín, thầy khoái nhỏ Tóc Ngắn nhất. Ngược lại, trong các thầy cô dạy lớp chín, nhỏ Tóc Ngắn khoái thầy Bàng nhất. Hai thầy trò "hợp rơ" nhau đến mức hễ rảnh rỗi là cả hai kéo nhau ra sân chơi cầu, đá bóng say sưa. Mỗi khi trái cầu văng lên ngọn cây hay lên nóc căn-tin, bao giờ nhỏ Tóc Ngắn cũng nhảy tưng tưng, giành: - Ðể em leo lên cho thầy! Thầy Bàng nhìn cô học trò leo trèo nhanh như sóc, khoái chí cười khà khà. Chơi đá bóng, hai thầy trò còn "ăn rơ" hơn nữa. Bao giờ Tóc Ngắn cũng bắt gôn. Bao giờ thầy Bàng cũng đá vai hậu vệ. Ý là thầy muốn bảo vệ cho khung thành của cô học trò cưng đó mà. Và do vậy, bao giờ tụi bạn cũng nghe tiếng nhỏ Tóc Ngắn la oai oái: - Nhích qua một bên đi thầy! Thầy cứ đứng chàng ràng trước mặt, làm sao em bắt bóng! Có khi Tóc Ngắn còn xúi bậy: - Thầy ơi, đốn giò thằng kia đi thầy! Nhưng tệ nhất là lúc nó để lọt lưới quá nhiều. Lúc đó, thế nào nó cũng đỗ quạu: - Trời ơi, sao thầy lại để thằng kia xỏ bóng lọt qua háng? Mắt thầy để ở đâu vậy? Khi mất bình tĩnh, con người ta thường quên mất phép tắc. Nhỏ Tóc Ngắn cũng vậy, bị thua tối mày tối mặt, nó quên mất nó là trò, còn hậu vệ vừa vụng về để bóng lọt qua giữa hai chân kia là thầy nó. Nó nói với thầy nó như vậy là hỗn hào lắm. Nhưng thầy Bàng có bao giờ lại chấp nhất cô học trò ruột của mình. Nghe nó nói hỗn, thầy cười hề hề: - Thì mắt thầy vẫn để nguyên trên mũi đây chứ đâu! Tụi bạn đứng ngoài nghe hai thầy trò đối đáp, ôm bụng cười bò. Còn ban giam hiệu thì kêu thầy Bàng lên, phê bình thầy chơi với học trò kiểu gì mà giống "cá mè một lứa" quá! Nhưng thầy Bàng vẫng chứng nào tật nấy. Tại vì thầy khoái nhỏ Tóc Ngắn. Thầy dạy thể dục, thấy con nhỏ này hiếu động, lí lắc, hồn nhiên, tóm lại là rất hợp với môn dạy của thầy, thế là thầy mê tít nó. Và cũng như tất cả những ai quen biết nhỏ Tóc Ngắn, khi cây phượng trong sân trường bắt đầu trổ hoa, thầy Bàng nhìn cô học trò cưng, thở dài: - Sang năm em mặc áo dài chẳng biết ra cái giống chi! Thầy hạ giọng, tâm sự: - Thầy vẫn muốn nhìn thấy em như bây giờ hơn, Tóc Ngắn à! Khi nghe thầy Bàng nói vậy, nhỏ Tóc Ngắn bỗng rơm rớm nước mắt. Thầy làm nó cảm động quá. Suy ra trên đời không có ai hiểu nó bằng thầy. Nó chơi thân với thầy quả là không uổng công! Ngay sau đó, nó hí hửng chạy đi khoe với bạn, với Kiếng Cận, với Hạt Tiêu như vậy. Cho nên bây giờ nghe bạn nhắc đến thầy Bàng, lũ bạn lập tức ồ lên. - Phải rồi! - Nhỏ Kiếng Cận toét miệng cười - Thầy Bàng không thích nó mặc áo dài. Hạt Tiêu chép miệng: - Như vậy là nó không về trường cũ rồi. - Con Nhỏ nầy khờ quá, mắc chi không về trường! - Ria Mép nhún vai - Thầy nói kệ thầy chứ! Tại thầy chưa nhìn thấy nó mặc áo dài đó thôi! Nhưng cả bọn đã lầm. Khi mọi người đạp xe về tới trường cũ đã thấy Tóc Ngắn đứng đợi sẵn trước cổng trường. Chỉ có điều chiếc áo dài trắng trên người nó biến đâu mất, thay vào đó là bộ đồ quen thuộc: áo sơ mi, quần tây dài. Chờ lũ bạn đến gần, Tóc Ngắn nhe răng cười: - Lâu thế? Mình chạy về nhà thay đồ rồi chạy lên mà vẫn chưa thấy bạn nào! Nhìn bộ mặt đắt ý của Tóc Ngắn, Bắp Rang lắc đầu: - Tôi đã cho bạn tới mười hai điểm, mà bạn vẫn không tin vào "nhan sắc" của mình sao? - Không tin! Nhỏ Tóc Ngắn khẳng khái đáp. Và nó quay lưng, khỳnh khuỳnh chân bước vào cổng. Lại trông giống hệt một "trang nam tử hán!" Thầy cô cũ thấy nữ sinh nào về trường cũng mặc áo dài, riêng nhân vật được chờ đợi nhiều nhất là tóc Ngắn thì vẫn đánh bộ đồ tây, lấy làm ngạc nhiên lắm. Người thứ nhất hỏi: - Sao em không mặc áo dài cho mọi người xem một tí hở Tóc Ngắn? Nó cười hí hí: - Thưa, em không muốn làm các thầy cô thất vọng về em ạ. Người thứ hai hỏi: - Hôm nay làm lễ khai giảng mà em không mặc áo dài sao? Nó cười hì hì: - Thưa, ban giám hiệu bên đó miễn cho em rồi ạ. Tất cả các nữ sinh đều mặc áo dài, trừ em. Ấy là vì ban giám hiệu muốn bảo vệ uy tín của nhà trường đó ạ. Thầy Bàng hỏi: - Áo dài của em đâu, Tóc Ngắn? Nó cười hi hi: - Em đốt rồi thưa thầy! Ngược lại với Tóc Ngắn, bạn rất thích mặc áo dài. Bạn rất chăm chút cho nó. Thấy bạn ngâm áo dài và chiếc quần trắng vào thau, mẹ bạn ngạc nhiên: - Sao con không cho vào máy giặt hở con? - Máy giặt không sạch mẹ à. Nhất là tà áo và chỗ lai quần. Mẹ bạn tròn mắt: - Thế con tự giặt tay à? - Con tự giặt. Bạn thản nhiên đáp, như thể trước nay bạn đã làm điều đó cả ngàn lần rồi. Khi nghe bạn đáp như vậy, mẹ bạn chắc chắn phải tựa lưng vào tường. Ðể cho khỏi ngã ấy mà. Bạn nên thông cảm cho mẹ bạn, bởi chuyện bạn tự tay giặt quần áo nghe cũng hoang đường như chuyện vua Salomon tự thổi cơm vậy thôi. Từ xưa đến nay, bạn ít mó tay vào việc nhà. Bạn không rớ tới chiếc bàn chải và thùng bột giặt đã đành, ngay cả chiếc chổI quét nhà hình như bạn cũng không biết nó nằm ở đâu. Thậm chí sáng ra, bạn leo xuống khỏi giường, đánh răng rửa mặt, ăn điểm tâm rồi ôm cặp đi học, mền gối trên giường vẫn còn một đống. Mẹ bạn nói: - Con mình hư quá! Ba bạn nói: - Thôi, để cho con nó học! Vì vậy bữa nay thấy bạn đột nhiên quyết định tự ngâm quần áo vô thau, tự pha bột giặt, tự chà bàn chải, mẹ bạn bỗng thấy đầu mình ong ong u u. - Có gì đâu mà mẹ nhìn con dữ vậy! Bạn ngước lên nhìn mẹ, bẽn lẽn nói. - Con làm mẹ ngạc nhiên quá! Bạn cười, tiết lộ: - Hồi trưa con quét nhà đó. - Tự con quét? - Tự con quét. - Không ai sai biểu? - Không ai sai biểu. Mẹ bạn nhíu mày: - Bàn ghế cũng do con lau phải không? - Con lau. - Ly tách bữa nay cũng do con rửa? - Con rửa. Mẹ bạn rùng mình: - Con định làm cô Tấm trong nhà ta chăng? Bạn lại cười: - Con lớn rồi mà mẹ! Mẹ bạn nhìn sững bạn. Bạn thấy mắt mẹ long lanh. Rồi bạn nghe mẹ thở một hơi dài: - Ừ, con gái mẹ lớn thật rồi! Bạn lớn thật rồi mà, nếu không thì tại sao hôm khai trường cô chủ nhiệm không đợi bầu bán, đã chỉ định bạn làm lớp phó trật tự. Bạn lớn thật rồi mà, nếu không mỗi sáng trước khi bắt đầu tiết học thứ nhất, bạn đâu có đứng lên khỏi chỗ ngồi lướt mắt khắp các dãy bàn để điểm danh các bạn. Bạn lớn thật rồi mà, nếu không năm nay bạn đâu có khổ sở với những vấn đề có tầm cở nhân loại như "vật chất quyết định ý thức" hay "ý thức quyết định vật chất" trong môn giáo dục công dân nhức đầu chết được kia!