Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 19



Từ lúc mới ra cung, Tứ a ca đã nói với phúc tấn rằng muốn mở tiệc thết đãi các huynh đệ và thân thích. Nhưng vì vừa dựng phủ nhiều việc cần làm, nàng cũng đến sứt đầu mẻ trán. Vất lắm mới thu vén được hòm hòm, bên chỗ Tam a ca cũng đãi rượu rồi, phúc tấn mới nhanh nhanh chóng chóng chuẩn bị chọn ngày làm tiệc cho nhà mình.

Tứ a ca cũng mải lo chuyện mời khách, bận này số lần hai người gặp mặt, nói chuyện lại nhiều hơn mọi khi. Qua quãng thời gian dài thế này, phúc tấn nhiều ít cũng rõ được tính nết chàng.

Hơn nữa, nàng đã láng máng hiểu ra nguyên cớ vì sao Tứ a ca lại xa lánh mình lâu như thế rồi.

Nàng được gả cho Tứ a ca, làm Tứ phúc tấn thế nào là tùy thuộc vào ý chàng. Chàng thấy không tốt, thì dù nàng có tự giác làm tốt nhất, chàng cũng sẽ không thích, lại càng không cảm kích.

Phúc tấn hơi buồn phiền, lấy chồng một năm mới nhận ra mình đi lầm đường, đây thực không phải tín hiệu tốt gì cho cam. Cứ như trước mắt, lúc nói việc nghiêm túc, Tứ a ca vẫn đối đãi hòa hảo với nàng. Nhưng khi riêng tư, chàng lại chẳng có một mảy may tình ý.

Trước đó nàng đã cho truyền lời về Ô Lạp Na Lạp gia, chính vì muốn tâm sự với ngạch nương mình, xem làm cách nào để xoay chuyển được lòng dạ Tứ a ca.

Đợi vài hôm sau khi đám tiệc kết thúc rồi mời người nhà vào vậy, phúc tấn nghĩ. Xác nhận danh sách khách mời lại một lần cuối cùng, đoạn quay đầu bảo đại ma ma: "Ma ma, ngày mai sẽ bận đấy. Những chuyện kế đây, ta gửi gắm hết cho đại ma ma."

Tứ a ca đã đưa bốn ma ma qua đây, phúc tấn quyết định sẽ giao luôn việc cho các bà làm.

Đại ma ma ngồi ở cái ghế đôn thêu trước mặt phúc tấn, ba bà ma ma Trang - Na - Bạch đứng phía dưới. Về bữa tiệc ngày mai, suốt ngày hôm ấy phúc tấn phải tiếp đón thăm hỏi nhóm gia quyến nữ, tất cả chuyện trong tiệc đều giao cho bốn ma ma phối hợp mà làm, vì nếu có xảy ra sự gì ngoài ý muốn, hiển nhiên phúc tấn không thể bỏ mặc khách khứa cả phòng để đi xử lý. Nên quyền này bèn đặt vào tay đại ma ma.

Bên khác, phúc tấn cũng cho gọi ba cách cách sang. Tiểu cách cách còn bé quá, thêm cả yếu người, Tứ a ca dặn hôm đấy không phải cho nó ra gặp người ta. Nếu khách đến phủ có đủ cả địa vị lẫn thân phận, tự khắc sẽ có phúc tấn đích thân tiếp đãi. Nhưng chiếm phần nhiều hơn lại là khách chẳng mời mà đến, thân phận địa vị đa số có điều khuyết thiếu.

Không bỏ nhóm khách này cho các ma ma tiếp được, thế nên ba vị cách cách đều bị kéo ra. Chí ít thì ba nàng cũng được chỉ mặt chọn ra từ cuộc đại tuyển để vào phủ Tứ a ca, đặt thân phận này trong cung họa chăng không giúp được gì, nhưng đem ra ngoài lại có thể hù dọa được không ít người đâu.

Huống chi, Tống cách cách đã sinh cho Tứ a ca tiểu cách cách duy nhất tính đến thời điểm hiện tại, còn chuyện Lý cách cách được sủng chỉ e trong kinh không ai là không biết. Được hai vị này tiếp, lắm người khéo còn cao giọng cảm tạ rối rít có khi.

Ngày mai ít nhất năm nơi trong phủ sẽ mở tiệc. Tứ a ca tiếp khách nam ở đằng trước, mâm cỗ đặt hai bàn, nhưng vẫn chuẩn bị thêm một bàn phòng hờ khách đến đông quá. Phúc tấn sắp tiệc và tiếp khách nữ ở chính viện và hoa viên, mâm cỗ đặt năm bàn. Vì có những người có lẽ sẽ dẫn con gái, cách cách nhà mình theo cùng, đâm ra phải sắp nhiều bàn hơn dự tính.

Tống cách cách và Lý cách cách cùng tiếp khách tại một tiểu viện ở đằng Đông hoa viên, chỗ ấy đặt ba bàn.

Đấy là số bàn tiệc hiện đương có, còn thì chưa tính đến bàn cho phu xe, phu kiệu.

Chỗ đàn bà con gái còn được ngắm hoa dạo vườn, chứ tiền viện lại chẳng có cảnh thú gì mà thưởng thức, thế mới cho mời riêng hai đào kép về. Vì không dám mời ban bát, nên chỉ lần lượt mời diễn chính của Tam Phương Viên và Ngũ Phúc Ban ở trong kinh đến ca xướng hai vở mà thôi.

Phía nhóm gia quyến nữ cũng được nghe kịch, tuy đào diễn không thuộc hàng chính, nhưng tài diễn cũng gọi là ở mức khá trong hai ban.

Mãi đến tận tối, đầu óc phúc tấn vẫn còn mòng mòng xoay quanh chuyện đám tiệc ngày mai; các nơi nhất nhất phải giữ cửa nghiêm ngặt, đặc biệt là đằng giữa tiền viện và hậu viện, nhóm khách nam rượu vào, nghe kịch, rồi không cầm cự được mình, mượn rượu giả điên là điều khó tránh khỏi. Nếu lỡ ra các ông lọt chân vào hậu viện, thế thì không còn biết giấu mặt này đi đâu. May thay trước đó Tứ a ca đã dặn: chỉ đưa thái giám ra hầu ở tiền viện, tránh để thị nữ bị người lôi kéo làm ra tai tiếng gièm pha.

Hơn nữa nếu nhìn thấy thái giám, chắc vài người cũng sẽ thức thời mà an phận.

Phúc tấn quyết rằng ngay mai cử hết mười tên thái giám của nàng qua đó trông cửa, trông ngay giữa nội viện và ngoại viện. Nếu thực sự có khách say rượu đâm quàng, sẽ sai người đút cho luôn hai bát canh giải rượu, uống xong ngủ là được.



Trong tiểu viện, Lý Vi lại đương nghĩ chuyện nghe kịch ngày mai. Nghệ thuật tiếp khách chẳng có mỗi ba kiểu cũ rích ấy thôi? Gia đình chị ấm êm cả chứ? Cha mẹ chị mạnh khỏe chứ? Cháu nhà chị ngoan luôn chứ? Giờ đổi thành bản cổ đại, có thể bồi thêm hai câu: Trâm cài của chị nom quý quá, hình thêu trên áo chị thực là tinh xảo.

Với lại còn có Tống cách cách ở đây. Nàng quyết định ngày mai Tống cách cách làm gì, thì nàng làm cái đấy vậy.

Trừ khoản đó ra, thứ hấp dẫn nàng nữa phải kể tới kịch rượu. Nghe bảo sẽ mời diễn chính của hai ban hát lừng danh, còn cả anh hề đến diễn xiếc, làm ảo thuật. Lâu lắm rồi chẳng xem kịch, sống trong thời đại thiếu thốn trò giải trí này, nghe các loại hí kịch lạ lùng chính là chỗ hưởng lạc thú của nàng.

Kỳ thực những vở hí kịch lưu truyền được cho con cháu đời sau đều là những vở vô cùng nổi tiếng, cũng như tiểu thuyết cổ đại nổi tiếng ở hiện đại với tiêu biểu là Tứ đại danh tác* kiệt xuất lẫy lừng. Song thực tế thì số lượng tiểu thuyết hiện đại từng đoạt giải Nobel chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và cũng chỉ có ít ỏi mấy cuốn trở nên nổi tiếng, nhưng sách xuất bản hằng năm lại nhiều không đếm xuể, tiểu thuyết trôi nổi trên mạng càng phong phú vô biên.

*Tứ đại danh tác gồm: Tam quốc diễn nghĩa - Thủy hử - Tây du ký - Hồng lâu mộng.

Bởi vậy, kịch hí thì hằng hà sa số, chỉ là không truyền bá rộng rãi mà thôi. Hơn nữa, có rất nhiều vở hí kịch do ban hát tự tìm người về viết, tương đương với người biên soạn sách ở hiện đại. Hay bỏ tiền tìm một tú tài viết một cuốn kịch, sản phẩm cho ra đời chắc cũng giống như các cuốn văn học nhà ga*.

*Văn học nhà ga (火车站文学): theo editer tìm hiểu thì đây là hiện tượng mà một số tác giả sáng tác truyện xong in ra rồi đem ra nhà ga (hoặc ga tàu điện ngầm) rao bán.

Điểm chung của cả hai thể loại trên đều là diễn biến nhanh và có thêm thắt những yếu tố gây bất ngờ.

Lần cuối Lý Vi xem kịch là khi còn ở nhà. Khi ấy trong nhà đương tổ chức tiệc mừng thọ cho tổ mẫu, bèn cho gọi người ra diễn hoàn chỉnh một vở kịch, hát ca xuyên suốt hai ngày hai đêm. Tổng kết lại thì câu chuyện nó là như sau: Có một nàng tiểu thư nọ, từ bé đã xinh xắn, sáng dạ, ai ai cũng ngợi khen. Về sau cả nhà chết sạch (cô nương mạng lớn phết đấy). Sau đó khi đang trên đường đi dâng hương, vì xiêm y rách rưới quá, người lại đẹp đẽ quá, nên đã thu hút sự chú ý của một bà già (đối tượng bị thu hút lại không phải một tên cháu con nhà giàu ư! Trừ điểm!).

Cụ bà bảo mặt mũi tiểu thư thế này, mà lại ăn mặc tả tơi thế này, ắt chẳng phải người bình thường. Sau lại nhận làm nghĩa nữ dẫn về nhà (ô kìa logic của cụ đi đâu mất rồi?). Bà cụ là mẹ ông Thượng thư, cô nghĩa nữ hết mực hiếu thảo, ngày ngày trời chửa sáng đã dậy bọc hài của cụ vào trong lòng mà sưởi ấm, sợ cụ dậy xỏ hài lại cóng chân (... thế là thế nào hả cái cô này?).

Thế là tiếng hiếu vang xa. Cách nơi đây tám trăm dặm, có anh tú tài nghèo gia đình cũng mất hết, chẳng có đến cái nhà để nương thân, nghe tiếng hiếu của tiểu thư nọ, nói: Trời ơi, cô nương này đẹp quá thay, chỉ có nàng mới xứng làm vợ ta thôi, những cô công chúa, tiểu thư nhà quan lớn kia cũng không bằng như tiểu thư được (công chúa tìm anh làm chi? Mơ đẹp quá!).

Tú tài nghèo này kêu thán với trời một chập, tỏ lời ca tụng và lòng khát khao trước phẩm cách đáng quý của tiểu thư. Ông trời bèn đáp lại rằng: Anh hãy đi thi, cỡ mà đỗ cả Giải nguyên, Hội nguyên, Trạng nguyên, thì là cầu hôn được rồi.

Thế là chàng tú tài nghèo khăn gói đi thi. Sau khi đỗ đạt Tam nguyên, mới về cầu hôn tiểu thư nọ. Tiểu thư thẹn thò gật đầu đồng ý, Thượng thư và bà cụ nhà đều rất đỗi mừng lòng. Sau nhà vua lại khen: Anh tú tài này thực giỏi giang, nhân phẩm tốt đẹp, nghe tiếng thơm của cô nương là muốn cưới về ngay, cô nương hiếu thảo này cũng đẹp người đẹp nết, để bày tỏ lời chúc phúc đến hai người, trẫm sẽ gả Tam công chúa của trẫm cho anh tú tài (ôi vua tôi... logic một cách chết người...).

Đương nhiên cuối cùng là một kết cục đoàn viên có hậu, tú tài nghèo cưới hai cô vợ, không phân lớn nhỏ, từ nay chung sống happy bên nhau.

Trọn hai ngày, Lý Vi vừa xem vừa thầm rủa sả. Về sau khi chuyện về vở kịch này với tổ mẫu nhà mình, cứ ngật ngưỡng cười ha ha. Tổ mẫu cũng bị nàng chọc cười nắc nẻ, bảo nàng chỉ được cái tinh ma.

Vì các vở kịch đa số đều được dựng theo mô típ này, Lý Vi bèn coi việc xem kịch như một hoạt động tiêu khiển tương đối đáng mong chờ trong cuộc đời mình, lần nào nghe sắp có kịch xem là lại hí hửng hơn cả đón Tết.

Nhưng qua hôm sau, nàng không sao vui nổi nữa.

Năm giờ sáng tinh mơ, Ngọc Bình đã gọi nàng dậy, chải đầu rửa mặt thay quần áo, kế đó chỉ kịp bỏ bụng hai miếng bánh ngọt, đã đưa nàng ra cửa.

Đại ma ma cử a đầu sang từ sớm, một vì sợ nhóm cách cách mới dọn vào phủ, chưa quen lối quen nẻo ở đây; hai vì đến khi gặp khách khứa, a đầu này có thể chỉ điểm cho Lý cách cách, khỏi đụng cảnh râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Lý Vi dẫn theo Ngọc Trản tới nơi tiểu viện đang sắp cỗ bàn, Tống cách cách và Võ cách cách đã có mặt, hai người đương ngồi nói chuyện phiếm. Nhìn thấy nàng, Tống cách cách chỉ ngồi im mỉm cười gật đầu, Võ cách cách lại đứng hẳn dậy đón nàng, đưa tay dìu nàng ngồi xuống, đoạn mới ngồi vào chỗ đằng dưới nàng.

Ngoài trời bấy giờ mới le lói sáng, gió thổi hắt hiu lạnh se se. Trên người Lý Vi còn đắp cái áo choàng con, vào phòng mới cởi xuống giao cho Ngọc Trản. Nàng thấy tiểu viện này đã sắp chật ních người, người qua người lại, bận bịu tới lui, trong lòng cảm thán: Đãi khách quả không dễ chút nào.

Lúc này thiện phòng đưa bữa sáng qua đây. Vì phòng tránh chốc nữa khách đến trông thấy thì không hay, nên ba nàng chẳng hẹn mà cùng chỉ ăn mỗi bánh ngọt, không dám uống nhiều trà. Đây cũng là kinh nghiệm rút ra được từ hồi tuyển tú trong cung.

Lý Vi ăn một chiếc bánh nếp nhân táo tàu, mới cắn một miếng đã ngây ra. Ăn nhiều bánh ngọt ắt sẽ nhận ra được ngay vị bánh này là của nhà nào. Cùng một loại bánh mì lát ấy, nhưng hai nơi làm sẽ cho ra hai hương vị hoàn toàn khác nhau, nhà này nhiều sữa hơn, nhà kia nhiều đường hơn, vân vân.

Vị của chiếc bánh nếp này chính ra từ lò của thiện phòng ở A Ca Sở. Sau khi dọn vào đây, nàng cũng từng gọi hai lần, ăn vào thấy mùi vị đúng khác ngay một tí ấy.

Ăn thử tiếp những bánh ngọt khác, gần như đều là vị bánh thiện phòng A Ca Sở làm. Lý Vi tủm tỉm cười, phán câu: "Khách đến hôm nay được phúc đây." Đời ai dễ đâu mà được nếm vị cung đình này.

Dẫu nghe không hiểu, Võ cách cách vẫn phụ họa theo: "Chứ còn gì."

Tống cách cách giữ nguyên nụ cười từ đầu chí cuối, cũng không chuyện trò nhiều. Trước kia nàng ta đã vậy, Lý Vi không để bụng. Nàng ngó nghía Tống cách cách, phát hiện bầu má nàng ta hồng hào loang loáng, trông con người có vẻ cũng già dặn thêm đôi chút, điệu bưng chén trà đẹp không sao nói thành lời.

Cảm nhận được ánh mắt nàng, Tống cách cách quay đầu cười với nàng, trỏ vào một đĩa bánh hoa sen hai màu bảo: "Bánh này ngon, vừa ra lò thôi, ăn kẻo nó nguội."

A đầu tay cầm đũa bạc đứng cạnh bàn nhìn Lý Vi, nhanh nhảu gắp cho nàng một chiếc.

Bánh hoa sen hai màu có hơi giống bánh nhân đậu đỏ nàng ăn hồi tiểu học, phần nhân đậu đỏ lấp ló ở ngoài, bánh được tạo thành hình bông hoa năm cánh; còn phía ngoài bánh hoa sen là ba, năm lớp vỏ xốp giòn mằn mặn, từ giữa cánh hoa cho đến chỗ nhị hoa là nhân đậu màu đỏ gạch, đem đi chiên nữa là hoàn thành chiếc bánh.

Để tránh lúc ăn làm rơi vụn bánh mà gây phiền phức cho chủ tử, nên tất cả những bánh ngọt này đều được đo đạc vừa in một miếng bỏ miệng.



Ba người vừa ăn vừa tán gẫu, ăn được độ hai khắc, một a đầu từ ngoài chạy vào trong hiên, nói vài câu với một người đứng ở cửa rồi lại chạy biến đi. Ba người đều buông đũa chờ, người ở ngoài truyền lời vào đằng trong, đứa hầu dọn bữa ăn cả xuống. Ngọc Trản lặng lẽ bước qua, khẽ giọng rỉ vào tai Lý Vi: "Cách cách có muốn ra ngoài dạo loanh quanh không?"

Dịch nghĩa rằng: Có muốn đi đại tiểu tiện không? Khách sắp sửa đến rồi.

A đầu của Tống cách cách và Võ cách cách đều ám thị cho chủ mình như thế. Ba người bèn đứng dậy để bọn a đầu dẫn đi sang những phòng khác nhau thay quần áo - chuyện các chủ tử xếp hàng đi vệ sinh là không hề có, thế này nghe lại nhỉnh hơn trong cung một chút. Lý Vi hãy nhớ ngày còn ở Trữ Tú cung, nhóm ma ma cũng dẫn các nàng đi đại tiểu tiện tập thể trước khi ra gặp người, một gian phòng được cách ngăn thành mấy chỗ bằng bức bình phong, cứ một lượt là sẽ mấy người vào.

Giải quyết nỗi buồn tập thể xong, ba người lại quay về ngồi, đợi thêm nửa tiếng nữa mới thấy tốp khách đầu tiên. Thú thật, Lý Vi cảm thấy dùng câu "nghển cổ ngóng trông" để hình dung về cả ba người thực sự là không còn gì phù hợp hơn nữa.

Trong chính viện, phúc tấn vẫn chưa thấy tốp khách đầu tiên. Đại ma ma lại bận quay như chong chóng. Trước khi nhóm gia quyến nữ được dẫn vào hậu viện thì phải có người sang báo tin cho bà ta hay, báo là người nhà ai; tước vị, chức quan trong nhà là gì; có quan hệ gì với hoàng cung. Xong bước ấy, bà ta mới quyết xem nên đưa sang chính viện của phúc tấn, hay giao cho ba cách cách chiêu đãi.

Bù đầu bù cổ, đại ma ma đến một miếng nước cũng không tài nào rót được vào bụng.

Bên kia, phúc tấn đã thay sẵn xiêm áo gặp khách, ngồi ngay ngắn ở đằng trên. Phúc ma ma và bốn a đầu khép tay đứng đằng dưới.

Phúc ma ma thấy nước trà thôi bốc khói, xem hẵng chưa ai tới, bước lên bảo: "Phúc tấn, hay là đứng dậy tản bộ một lúc?" Bộ phục trang đầu tóc này của phúc tấn khoác lên người chẳng mệt rã hơi.

Phúc tấn cũng nhức cả tấm lưng, nghe thế gật đầu, Phúc ma ma bèn dìu nàng đi mấy vòng trong phòng. Thạch Lựu nhanh chân đi đổi chén trà nóng mới. Tuy phúc tấn không dám uống nước, nhưng bọn người hầu cũng đâu thể mặc trà nguội ngắt không thèm đổi.

Nhân lúc này trong phòng không có ai, Phúc ma ma nói: "Phúc tấn, hình như Tứ a ca chưa từng nhắc khách hôm nay đến có người của Ô Lạp Na Lạp gia không?"

Thực ra Phúc ma ma muốn hỏi: Rốt cuộc Tứ a ca có coi trọng Ô Lạp Na Lạp gia không?

Phúc tấn lại không biết nên trả lời thế nào. Tứ a ca chỉ nhắc duy nhất một câu về Ô Lạp Na Lạp gia, rằng đều cùng là người nhà với nhau, nàng hãy cứ thoải mái trò chuyện cùng họ hàng thân thích, không cần phải câu nệ. Mà hai cái tiên được chàng nhắc nhiều hơn cả là Đồng Giai thị và Ô Nhã thị. Một người là dưỡng mẫu, một người là thân mẫu. Nhưng dưỡng mẫu là Hiếu Ý hoàng hậu, gia tộc Đồng Gia thị hiển vinh phú quý, tất phải xem trọng. Phía thân mẫu chỉ có một Đức phi, còn lại đều là Bao y.

Nặng thế nào? Nhẹ ra sao?

Nghĩ đến là phúc tấn nhức đầu. Nàng từng hỏi Tứ a ca, nhưng theo nàng thấy, ngay Tứ a ca cũng không biết phải làm sao bây giờ. Chính bản thân chàng cũng đang rất mông lung. Coi trọng thân mẫu, xem nhẹ Đồng Giai thị? Quá ngu ngốc. Nhưng coi trọng dưỡng mẫu, xem nhẹ Ô Nhã thị lại sợ hỏng cả tiếng tăm. Bình thường nghe còn dễ, song khi người hai nhà này tề tựu về một nơi, thì mới khó nhằn đáo để.

Tuy nhiên lúc nhóm khách đến thật rồi, phúc tấn bỗng nhận ra mình chẳng cần âu sầu nữa. Phía Đồng Giai thị có con trưởng Nhạc Hưng A nhà Long Khoa Đa và phúc tấn của y tới, phía Ô Nhã thị lại là huynh đệ của Đức phi, mà người được dẫn ra hậu viện chỉ có phúc tấn của Nhạc Hưng A.

Ông trời phù hộ!

Phúc tấn thở phào. Còn Tứ a ca ở tiền viện dù cũng khẽ thở hắt một hơi, nhưng lại khó tránh sao cảm thấy Đồng Giai thị có phần thờ ơ với chàng. Nguyên chàng tưởng ít nhất cũng phải là Long Khoa Đa, kết quả lại là Nhạc Hưng A đem theo thiệp của ông nội Đồng Quốc Duy nhà y đến. Tứ a ca nhận thiệp còn phải thể hiện mình rất mừng vui, tự dắt tay Nhạc Hưng A dẫn vào trong tiệc.

"Lúc nữa huynh đệ ta tâm sự cho thỏa!" Tứ a ca cười nói.

Nhạc Hưng A trông không giống người Đồng Gia thị, y tương đối giống tổ mẫu và ngạch nương mình, với một khuôn mặt chữ điền, dáng vóc không gọi là cao, khiến người đối diện vừa nhìn đã nảy ra những ấn tượng như "thật thà", "vụng ăn vụng nói". Thực tế thì quả thực y khá kiệm lời, đặt lên bàn cân với y, Tứ a ca bỗng lại thành ra là miệng mồm linh lợi.

Được Tứ a ca thân mật đưa vào tận nơi, y cũng chỉ cười hân hoan, chắp tay làm lễ, miệng chỉ nói: "Phiền quá, phiền quá... Đâu có, đâu có... Không dám, không dám,..."

Nhưng Tứ a ca không giận, ngược lại chàng thấy kết giao với người này cũng hay. Vì tuy Nhạc Hưng A ít nói, song từ biểu cảm thấy được y đang hết sức kích động. Tứ a ca có ấn tượng khá tốt về y, sợ y giao tiếp kém ngồi rỗi một mình đâm buồn tẻ, bèn đi kéo một người nhà Ô Lạp Na Lạp sang.

Ô Lạp Na Lạp gia hôm nay có hai đường huynh đệ của phúc tấn đến mừng cỗ. Phúc tấn không có thân huynh đệ, hai đường huynh đệ này đều là con nhà bá phụ nàng, một người tên Ba Đồ Lỗ, người kia tên Ba Khắc Thập, nghĩa là vũ dũng và bác học. Nhưng cả hai người trông lại đều trái ngược hẳn với cái tên: người tên Ba Khắc Thập mặt xồm xoàm bộ râu quai nón, người tên Ba Đồ Lỗ nghe đâu còn chẳng biết đường trèo lên ngựa ngồi.

Tứ a ca thấy Ba Khắc Thập có vẻ khéo ăn nói, thế mới kéo lại cho ngồi cạnh Nhạc Hưng A, dặn hai người không phải khách sáo. Ngờ đâu hai người này chẳng buồn khách sáo thật, lúc chàng quay về, mới thấy Ba Khắc Thập đã rủ rê Nhạc Hưng A thi nhau nốc rượu.

Kỳ thực Ba Khắc Thập không phải người khéo nói lắm, y vừa bị Tứ a ca kéo đi, huynh đệ Ba Đồ Lỗ của y đã lo sốt vó. Ba Khắc Thập và Nhạc Hưng A đều thuộc dạng hũ nút, nhưng Tứ a ca nhiệt tình nhường ấy, hai người đều tưởng ý a ca là hãy săn sóc đối phương. Dưới tình huống không biết nói gì với nhau, thì phải săn sóc như nào? Nốc rượu chứ còn sao.

Kết quả là tiệc hãy chưa bắt đầu, mà hai người đã uống đỏ gay cả mặt, say sưa chếnh choáng, lảm nhảm bừa bãi. Tiểu thái giám chịu trách nhiệm hầu tại bàn này thiếu điều quỳ sụp, nhưng khách muốn rượu, nó có được can chưa khai tiệc thì chưa được uống không? Hiển nhiên là không, nó chẳng những phải dâng rượu, mà còn phải phục vụ thêm thức nhắm.

Tiểu thái giám đứng cạnh xen lời liên hồi: "Gia ơi ngài hãy ăn miếng này", "Gia ơi ngài hãy thử món này", dốc sức khuyên can cho họ đừng uống quá trớn. Tứ a ca trở về chứng kiến cảnh tượng ấy, mặt mày đen kịt, tiểu thái giám khóc không ra nước mắt.

Lúc này khách khứa đã lục tục kéo đến, Tứ a ca không thể nổi đóa, tuy rằng chàng rất giận, nhưng lại hô một tiếng: "Hay!" Sau đó bước tới vỗ thùm thụp vai hai người này, "Dâng tiếp rượu ngon lên!" Chàng nói với tiểu thái giám.

Tiểu thái giám lại dẫn người đi ôm hai vò rượu về. Tứ a ca cùng uống với họ. Bầu không khí bữa tiệc bỗng chốc được hâm nóng.

Tam a ca và Ngũ a ca đến khá muộn, vừa vào đã nghe nói Tứ a ca, Nhạc Hưng A của Đồng gia và một vãn bối của Ô Lạp Na Lạp gia đương chén rượu.

Tam a ca cười bảo: "Hiếm có khi Lão Tứ được như thế này." Lúc nói đã tăng nhịp chân đi vào trong. Ngũ a ca cũng tò mò, hai người rảo bước vào khoảng viện bày tiệc, thấy nhiều người bu trước cái bàn nằm chính giữa, dậy một làn sóng vỗ tay khen hay.



Đến cuối cuộc chè chén, mọi người đều hơi đánh mất lý trí. Ba Khắc Thập bại trận sớm, giờ đang có ba người khác uống rượu với Tứ a ca và Nhạc Hưng A.

Tứ a ca đã tới hồi suy sức, nhưng vì thể diện của một a ca, uống tái hết cả mặt rỗi vẫn khăng khăng không chịu xuống. Tô Bồi Thịnh ở bên hầu, ruột gan sốt xình xịch.

Tam a ca nhìn cái là biết ngay, nhíu mày bảo: "Ta thấy Lão Tứ không ổn rồi." Dứt lời liền chen vào, vỗ vai Tứ a ca nói: "Lão Tứ tránh sang một bên, để ca ca tiếp họ!" Nói xong giật luôn chén rượu trong tay Tứ a ca, ngửa cổ uống cạn sạch.

Tô Bồi Thịnh vội đỡ Tứ a ca đã uống đến nỗi mắt cũng đơ ra, chen khỏi đám đông. Ngũ a ca lo lắng nhìn sang, vẫn ở yên tại chỗ - bởi tửu lượng của Tam a ca cũng chẳng khá khẩm hơn, vừa chỉ uống một chén, mặt đã đỏ rực hệt cô nương rồi.

Y ở cạnh thấy Tam a ca bắt đầu loạng choạng, khẩn trương bước lên kéo Tam a ca xuống, nói: "Để ta!" Sau đó nốc ừng ực ba chén, người chung quanh xem vỗ tay rần rần.

Chuyện bên ngoại viện chưa mở cỗ đã đua nhau uống trước truyền về nội viện, đại ma ma đã liệu được, nghe nói trong số người uống có cả Tứ a ca, bảo: "Sai người sắc bát thuốc gây nôn bưng sang đấy, nôn rượu ra trước hẵng tính sau."

Tứ a ca được Tô Bồi Thịnh dìu ra một chỗ yên tĩnh, thiện phòng nhanh chóng sắc thuốc đưa sang theo lời đại ma ma dặn. Tô Bồi Thịnh nhận thuốc, hỏi câu: "Cái gì đây?" Ngửi thấy không giống canh giải rượu.

Tiểu thái giám đưa thuốc ghé vào tai hắn nói đây là thuốc gây nôn đại ma ma bảo sắc.

Tô Bồi Thịnh gật đầu, sai người đi chuẩn bị thùng và nước súc miệng, rồi xoay người đút thuốc cho Tứ a ca. Ngưng thuốc được khoảng nửa chén trà nhỏ, Tứ a ca rên lên một cái, che miệng cắm người xuống đất, Tô Bồi Thịnh vội vã đặt thùng phía dưới, cùng với hai người khác đỡ lấy chàng.

Tứ a ca nôn thốc nôn tháo, bãi nôn ngoài rượu ra chỉ có mỗi nước. Nôn xong tuy trông bô nhếch quá, nhưng chí ít khi ngẩng đầu ánh mắt chàng đã không còn đơ dại, thần trí cũng tỉnh táo hơn nhiều.

Chàng nhận cốc nước súc miệng, hỏi: "Ngoài kia sao rồi?"

Tô Bồi Thịnh lấy dầu bạc hà xoa huyệt thái dương cho Tứ a ca, đáp rằng bên ngoài kia đã có mấy người say ngất ngưởng, những khách chính yếu như Nhạc Hưng A của Đồng gia và Tam a ca đều không còn biết trời trăng mây đất gì nữa. Nhạc Hưng A đã được cho uống thuốc gây nôn, Tam a ca đang ngủ.

Tứ a ca giận run cả tay cầm cốc. Mời khách kiểu này thực quá thất bại! Nhưng đây đâu phải lỗi của chàng! Ai biết Nhạc Hưng A và Ba Khắc Thập tự dưng nổi cơn uống rượu? Vẫn chưa đến giờ khai tiệc, mấy người uống rượu cái khỉ gió à!

Chàng có sắp xếp tốt cỡ nào, thì cũng chẳng thể có ai lại đi uống rượu trước khi ăn tiệc được. Tiếc rằng lúc ấy chàng không tìm thấy cách nào vừa ý hơn, và cũng đâu thể gạt phắt thể diện của Đồng Gia thị và Ô Nhã thị đi, cấm không cho họ uống nữa? Nên đành vào cùng uống, thế là già nửa người đến ăn cơm lại say bất tỉnh nhân sự.

Đầu Tô Bồi Thịnh sắp sửa cắm hẳn xuống đất, tình hình này... a ca và phúc tấn dày công sửa soạn biết bao nhiêu hôm, nay lại hóa một bãi chiến trường đến là gay go.

Dẫu đã thành ra thế này, vẫn cứ phải tiếp tục đãi khách. Cơn giận qua đi, Tứ a ca thay quần áo xong lại trở vào. Người say rượu được đưa đi giải rượu hết, tỉnh rượu rồi muốn ngủ hay về đều được. Họ ở bên đây tiệc vẫn đãi, kịch vẫn ca.

Chỉ một lúc sau, tiếng trống tiếng chiêng đã râm ran khắp tiền viện, một đào kép phất tay áo cất giọng í a ngâm dài. Tứ a ca mỉm cười nghe, mặt ngoài như là say sưa, bụng lại chửi cha mắng mẹ.

Ba bàn cỗ trước mặt, cơ hồ trống mất một nửa. Những người còn lại cũng đổ trái ngã phải.

Mời thể loại khách gì thế không biết nữa!