Những Chiều Mưa

Chương 89: Chương 89





“Người đi đi ngoài phố
Chiều bỡ ngỡ bơ vơ
Người đi đi ngoài phố
Mấy dấu chân lạc loài
. . . . .
Thành ghế đá, chiều công viên
Ngày xưa, ngày xưa, đã hết rồi. . . “
Từng câu hát bên đường vọng tới như những chiếc búa nện mạnh vào lòng tôi, như những chiếc kim nhức nhối xuyên qua da thịt, ngấm sâu vào trong, len lỏi khắp các tế bào. Tôi cứ thế lẳng lặng đạp xe về, lầm lũi, cô độc. Rồi bỗng nhiên nhận ra bản thân mình quá nhỏ bé, cảm thấy mình quá lạc lõng giữa cái thành phố hoa lệ này. Cảm xúc cứ vụt đến vụt đi, nhạt nhòa như một bức tranh chắp vá, đầu óc chìm trong mông lung mộng ảo. Để mặc cho từng cơn gió thổi tới trước mặt, lùa qua sau gáy, tôi lẩm bẩm hát theo những bài hát mà các hàng quán bên đường đang mở. Tôi khẽ lẩm bẩm
“Em về đi, ngàn kiếp nhớ thương
Tôi ở đây, muôn đời lạc lõng”
Đôi lúc dừng đèn đỏ, liếc mắt nhìn sang từng cặp đôi ríu rít cười nói bên nhau, tôi khẽ nhếch miệng. Nốt hôm nay thôi nhé, từ mai cả tôi và nàng đều sẽ quay về thế giới của mỗi người. Hai thế giới song song. . . chưa từng gặp nhau.
Gác cái kịch chân chống xe rồi để nó ở bên cạnh xe đạp bé Thảo, vào nhà chào ba mẹ rồi tôi lỉnh lên sân thượng. Nếu để cho tôi ngồi ngu người 1 chỗ, thì chắc chắn là tôi sẽ chìm vào mấy cái suy nghỉ vẩn vơ. Chi bằng lên vận động cho nóng người, sau đó tắm cái mát mẻ rồi đi ngủ, thế cho nó lành. Bé Thảo lò dò đi lên, nhưng thấy tôi đang bận tay bận chân, con bé chỉ ngồi một chỗ rồi chống cằm nhìn mơ mộng.
“Phù.” – Tôi đứng chống nạnh, ngửa mặt lên trời thở phì phèo. Co chân đạp cái bao cát một đạp, sau đó lại gần bé Thảo ngồi nghỉ ngơi.
“Lúc về 2 người có nói chuyện gì không?” – Bé Thảo đưa chai nước cho tôi, mở miệng hỏi.

“Có.” – Tôi phun ra một ngụm khói thuốc, chán nản nói – “Linh nói từ nay đừng bận tâm về cô ấy nữa, và cô ấy cũng vậy.”
“Ủa gì kỳ vậy?” – Bẻ Thảo ngạc nhiên.
Tôi nhún vai – “Thôi, người ta đã quyết vậy rồi, biết sao được nữa. Mà như vậy cũng tốt, it ra cũng tốt cho cả anh và cô ấy.”
“Anh thực sự muốn vậy à?”
“Đây không phải là vấn đề giữa anh muốn hoặc là không nữa rồi.” – Tôi nhàn nhạt nói – “Hay em vẫn muốn anh phải xấc bấc xang bang mỗi khi đối diện với 1 trong 2 người.”
“Em không có ý đó, nhưng. . .”
“Được rồi cô bé.” – Tôi đứng dậy, xoa đầu nó rồi cười – “Anh biết em đang nghĩ gì, nhưng việc này kết thúc rồi, không thay đổi được đâu.” Để mặc con bé đang gương đôi mắt to tròn nhìn tôi chằm chằm, vắt cái khăn lên vai, tôi nặng nề đi xuống dưới nhà.
Đang tận hưởng niềm sung sướng khi Tết nhất được ngủ thả cửa. Đang bay nhảy trên 9 tầng trời cao vời vợi, thì bỗng nhiên một cú đạp như trời giáng, kéo tụt tôi từ 9 tầng mây xuống. . . chân giường. Mắt nhắm mắt mở lồm cồm bò dậy, tôi thấy ông Minh đang nằm với một tư thế cực kỳ đặc sắc, khi mà 2 cái chân xếp thành hình chữ “V”, và rộng đến không thể rộng hơn.
“Lão này không phải cố ý chơi mình đấy chứ.” – Xoa cái đầu đến rối tinh rối mù, tôi làu bàu nói. Thò tay với cái điện thoại, nhìn lướt qua rồi quăng nó lên bàn – “Chưa tới 8h đã bị đạp dậy, có khổ không cơ chứ.”
“Ủa đi đâu hết rồi ta, sao nhà cửa gì vắng tanh vậy?” – Đánh răng rửa mặt xong xuôi, với dự định chui ra tiệm net nhảy Audition (mấy lần ngồi net với thằng Đức, thấy mấy con nhỏ trong quán chơi Audition, gõ phím cành cạch, thấy chơi cũng vui vui, nghe đâu game này. . . gái nhiều lắm. Thế là từ đó trên đời mất đi 1 thằng chính nhân quân tử, thêm vào đó một thằng nghiện game kiêm thêm vai trò hám gái. . .). Nhưng xuống dưới nhà thì thấy. . .vườn không nhà trống, không một bóng người trong khi cửa nẻo vẫn mở toang hoác.
“Thảo ơi.” – Tôi gào ầm lên.
“Gì thế, em đang trên lầu 2.” – Bé Thảo nói vọng xuống.
Tôi lảo đảo suýt ngã, Tết nhất đến nơi mà nó mở cửa toang hoác xong nhảy lên lầu 2 nằm phè phỡn, một khi trộm nó bò vào, tới khi nó bò ra mà trong phòng khách mà còn đồ thì tôi cũng. . . hơi buồn rồi.
“Cửa nẻo để vầy mà rúc trên đó à?” - Tôi lại gân cổ lên gào.

“Em xuống liền nè.”
Ngay sau khi Thảo nói xong, nó liền chứng minh cho tôi thấy là nó. . . nói được làm được. Tôi đứng ở dưới chỉ nghe thấy tiếng huỳnh huỵch nện lên từng bậc cầu thang, chớp mắt vài cái xong thì trước mặt tôi là con em trời đánh quen thuộc.
“Làm gì đây?” – Tôi trố mắt nhìn nó. Chả biết nó vớ đâu ra cái kính, ộp ngay vào mắt. Dưới cái kính là cái khẩu trang có in hình Pucca, tóc thì cột cao lên, một tay thì lăm lăm. . . cây chổi lông gà, tay còn lại thì cầm theo cái bình xịt côn trùng.
“Đang dọn nhà chứ sao, mà anh dậy sớm vậy.” – Bé Thảo cười híp mắt nhìn tôi.
“Còn hỏi, bị ông anh quý hóa của em đạp cho bắn khỏi giường, mất ngủ luôn chứ sao.” -Tôi đảo cặp mắt trắng dã, lèm bèm ca thán.
“Xùy xùy.” – Nó cầm cái chổi lông gà phẩy phẩy vào người tôi – “Con trai mà tối ngày lo ngủ, xấu tính.”
“Kệ anh, để ý nhà đấy. Có lên lầu thì làm ơn đóng cái cửa lại hộ tôi cái.”
“Ủa anh đi đâu hả?” – Thảo tháo khẩu trang ra, nhíu mày hỏi tôi.
“Đi ra net ngồi chứ gì, ở nhà chán quá.”
“Vậy phụ em dọn nhà đi, ba mẹ đi mua đồ rồi. Mình em phải quét dọn này.” – Nó chìa cây chổi lông gà cho tôi, cười nhe nhởn.
“Không có hứng. Ở nhà đi tí anh về mua chè cho.” – Tôi vỗ đầu nó dụ khị, sau đó nghênh ngang đi ngoài.
Nhưng quay lại thì thấy con bé mặt xụ xuống một đống, tôi thở dài – “Mốt đi chơi phải tránh mặt con nhỏ này ra mới được, mặt nó cứ vầy ai dám mà đi cho nổi.”
Thế là tôi đành ấm ức quay đầu lại – “Thôi, đưa chổi đây. Hơi tí là xụ cái mặt ra.”
“Hoan hô, thương anh nhất.” – Nó nhẩy cẫng lên sung sướng, ông lấy cánh tay tôi mà lay lấy lay để - “Anh quét bàn ghế nha, để em quét nhà.”

Tôi bỗng bồi hồi một trận, rồi chợt nhận ra có phần hơi kỳ quái, tôi trợn mắt – “Được rồi, tránh ra để anh dọn phụ cho. 16 17 tuổi rồi, làm ơn bớt nháo đi.”
“Hung dữ.” – Nó bĩu môi nhìn tôi, ngúng nguẩy quay người bỏ đi.
Phe phẩy cái chổi lông gà, quét một lượt bàn ghế, sau đó là xách bình nước đi thăm hỏi đủ mặt các loại cây có trong nhà lẫn ở ngoài. Quệt mồ hôi đang lấm tấm trên trán, mặt vênh vênh đi một vòng hưởng thụ thành quả sau khi. . . lao động khổ sai đem lại. Gật gù tự thưởng ình vài câu khen ngợi, tôi hứng chí bừng bừng đi vào trong nhà. Con em trời đánh thì đang xem tivi.
“Phù, cuối cùng cũng xong.” – Tôi vơ lấy chai nước ngọt của bé Thảo, dốc thẳng vào mồm.
“Chưa xong đâu, còn quét nhà với lau nhà nữa.”
“Uầy, lại còn thế nữa. Sao không nói sớm.” – Tôi thở dài.
“Nãy chổi em để ngoài ghế đá đó, anh lấy rồi quét nhà đi.” – Bé Thảo nhìn tôi cười toe toét.
“Ờ, đi liên đây.” – Tôi chặc lưỡi chán nản, đi lấy cây chổi tiếp tục chiến đấu.
Lùa một vòng từ dưới bếp lên phòng khách, tôi cực kỳ buồn bực, khi mà mình đang nai lưng ra làm việc. Con nhỏ kia thì gác chân xem phim. Đúng là, người so với người, sao mà khác xa nhau vậy chứ. Ủa mà chậm đã, có gì đó. . . không đúng ở đây. Rõ ràng là việc của con nhỏ kia, mà nãy rõ ràng nó nói đi quét nhà rồi, sao giờ lại nằm phè phỡn ở kia coi phim rồi.
“E hèm.” – Tôi hắng giọng.
“Gì dzạ?” – Con bé gương đôi mắt “ngây thơ” lên hỏi tôi.
“Còn hỏi nữa à, sao em lại nằm đó.”
“Thì đây là cái ghế sofa, và tivi thì đang chiếu phim, mà em thì đang xem.” – Bé Thảo ngơ ngác nhìn tôi, tay chỉ trỏ vào cái tivi.
Đầu tôi to như cái đấu, không biết con bé này ngây thơ thật hay giả nai. Tôi lại gần, dí tay vào đầu nó – “Hay quá ha, rõ ràng mẹ kêu em làm. Giờ đẩy hết cho anh rồi nằm đó xem phim.
“Đau, thả em ra.” – Bé Thảo la oai oái – “Em vừa nằm nghỉ mà, giờ đi làm nè.”
“Hừ, coi như em còn biết điều.” – Tôi hừ giọng.

“Chỉ giỏi bắt nạt em, đàn ông con trai gì kỳ cục.” - Bé Thảo bĩu môi.
“Được rồi, cầm chổi quét nhà phụ anh coi.” – Vừa mới nói xong, tôi mới nhớ ra mình mới là nhân vât phụ, còn bé Thảo là nhân vật chính, tôi lập tức sửa lại – “Ủa lộn, cầm chổi quét nhà coi, để anh phụ cho. . .” Vừa phun ra câu nói đó xong, tôi vẫn cảm giác có gì đó kỳ quái, bực mình phất tay bỏ đi – “Kệ em, muốn làm gì thì làm, tí anh lên mà còn thấy nằm đó thì đừng trách anh ác.”
“Ê nhóc, có lau phòng không để anh lau luôn một thể.” – Khi vừa lau xong phòng tôi, đứng chống hông ở cửa phòng nghỉ mệt, tôi gào ầm xuống.
“Lau luôn đi, em đang dọn dưới nhà.”
Chả biết cái câu “dọn dưới nhà” có đúng là dọn thật không, hay lại nằm khểnh ra đó rồi. Lắc đầu cười khổ, tôi mở cửa phòng bé Thảo dọn dẹp. Đã lâu rồi tôi không có vào đây, chính xác ra là từ hồi tôi và con bé giận nhau cả tháng trời, hoặc là trước đó cũng không chừng. Phòng con bé vẫn ngăn nắp, gọn gàng. Sách vở, đồ đạc để đâu ra đó, chứ không hề bừa bãi hoang tàn giống chiến trường như bên tôi. Tôi ngạc nhiên khi thấy con ếch xanh Keroppi tôi tặng cho nó từ dạo trước, đang ngồi ngay ngắn ở đầu giường. Còn đám thú bông thì được xếp sang một vị trí khác. Tôi thầm thắc mắc, không ngờ con bé này lại thích con ếch đến vậy. Vừa lau nhà vừa suy nghĩ xem có nên mua gì cho nó không, vì đã lâu rồi tôi chưa tặng gì cho con bé. Ngoài bắt nạt, cáu gắt, trêu chọc nó ra. Thì tôi. . . chẳng làm gì cho nó có thể cảm thấy vui lên cả, ít nhất là tôi đang suy nghĩ vậy.
Bỗng nhiên, sức chú ý của tôi dồn tới một quyển sổ nhỏ, màu xanh cốm đặt trên mặt bàn, kế bên đó là một chiếc bút mực tím. Bản năng tò mò lại trỗi dậy, tôi gác tạm cái chổi lau nhà sang một góc, cầm quyển sổ lên săm soi xem nó là gì mà được con bé nâng niu như vậy. Bởi vì sách vở đều được gác lên trên giá sách đàng hoàng, trên mặt bàn chỉ có mấy món mà nó thích ví dụ như quả cầu tuyết mà đám bạn tôi ở ngoài quê tặng, về sau thấy nó thích nên tôi quăng luôn cho nó. Rồi cái ống đựng bút được làm bằng tay, cực kỳ khéo léo, cũng không biết con nhỏ này luộc ở đâu ra. Ngoài ra còn mấy thứ linh tinh khác, trong đó tính cả quyển sổ.
Nhẹ nhàng gỡ khóa sổ, được làm bằng một sợi dây cũng màu xanh, vòng qua một chiếc cúc áo để cố định cách trang giấy của quyển sổ, thay cho những chiếc khuy bấm. Vừa mở ra thì tôi hơi nhíu mày, 5 chữ được bé Thảo viết nắn nót, bên cạnh đó được vẽ bằng nhưng bông hoa đủ màu sắc. Chứng tỏ con bé rất tập trung trang trí cho trang giấy này. 5 chữ: Nhật ký. . . Những Chiều Mưa. Đặc biệt là 2 từ “Chiều Mưa” như một chiếc chìa khóa, mở ra những cảm xúc mà tôi không muốn nhắc đến lúc này. Tần ngần, đắn đo một hồi, tôi cũng cắn răng lật tiếp sang những trang kế tiếp. Đọc được một hồi, đầu tôi to như cái đấu.
Ngày ../../2006: Hôm nay hắn đến nhà tôi, thực sự khá ngại ngần khi phải gọi người bằng tuổi là anh. Nhưng chẳng biết như nào tôi lại buột miệng nói ra từ đó, giờ nghĩ lại cũng hơi hối hận, biết thế lúc ấy gọi hắn bằng “em”. . . .
Ngày ../../2006: Hừ ông anh chết bằm, nhờ chỉ bài có tí tẹo mà dám mắng người ta, còn dám đuổi người ta về, lại còn cốc đầu người ta nữa. Người gì đâu đáng ghét quá thể. . .
Ngày 15/10/2006: Cái trò đá bóng có gì vui mà mấy ông con trai thích thế nhỉ? Mấy người lao vào hùng hục để tranh giành nhau một quả bóng. Đã thế còn bày đặt chiến thuật này nọ nữa, đúng là tự mua thêm việc vào người.
Ngày ../../2006: Lão già đáng ghét, lão già chết bầm, đồ hung dữ, đồ cộc cằn, đồ thô lỗ. Cứ mỗi khi giận ai là lại lôi mình ra trút giận, tức chết mất. Sau này mặc kệ lão ấy luôn, không thèm để ý tới nữa. Tưởng mình ngon lắm sao, để xem mấy hôm nữa lại quay sang mà năn nỉ cho xem. Cho chừa đi, đúng là cái đồ. . . đồ. . . đồ. . . Hừ hừ. . .
Đọc đến đâu, mồ hôi tôi túa ra đến đấy, gân xanh nổi đầy trên trán. Bà mẹ, thấy cái tên mùi mẫn tưởng quyển sổ viết gì hay ho. Hóa ra toàn là nói xấu mình. Được, con bé này được, xem như cô em có gan. Để xem hôm nay anh không cạo đầu em, anh thề. . . không mang họ Trần. Bực bội lật xoành xoạch quyển sổ, tròng mắt đảo liên tục liếc sơ qua nội dung. Không đọc thì thôi, màng đọc thì càng điên, càng đọc càng thêm bực. Tôi nghiến răng nghiến lợi, đợi tập hợp đủ. . . bằng chứng, tôi xử 1 lượt luôn. Khi tôi lật tới một trang, liếc sơ qua nội dung, ngón tay như một thói quen lật sang trang kế tiếp. Nhưng lúc này đầu óc mới hoạt động kịp trở lại, tôi chỉ cảm thấy một luồng điện chạy dọc khắp cơ thể, tôi bàng hoàng sững sờ, mọi hoạt động cơ thể dường như bị đình chỉ lại. Này, này, cái kia là. . .
“Bốp.” – Một cái tát chua chát vang lên, đánh bật tôi sang một góc. Đầu tôi quay như chong chóng, quyển sổ cũng rơi xuống lăn lóc trên sàn nhà.
“Anh quá đáng lắm, sao anh đọc nhật ký của em.” – Thảo cắn môi đứng nhìn tôi, ánh mắt không còn sự ngây thơ đáng yêu như thường lệ. Mà tôi cảm thấy trong đó là một cơn núi lửa, chực chờ phun trào bất cứ lúc nào. Hàng lệ nóng hổi cũng lã chã rơi xuống, tạo nên một hình ảnh hết sức đối lập.
“Anh. . .” – Tôi quẹt nhẹ vết máu đang ứa ra ở khóe miệng, lúc này tôi không hề tức giận hay khen ngợi con bé có lực tay khỏe gì đó. Mà chỉ lúng túng nói. . .